T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TV&BH: Nhà thơ Như Hoa ra mắt tác phẩm mới

Lời Giới Thiệu: Được biết, dịp cuối tháng 6 vừa qua, nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, một thân hữu niên trưởng của TV&BH đã cho ra đời thêm một tác phẩm nữa vào tuổi 82: Người Trai Thời Chiến. Tập truyện ký dày hơn 600 trang này không chỉ nói về cuộc đời của tác giả, một người trai thời chiến, mà còn “có nhiều mảng tài liệu tư về một số nhân vật quan trọng sau thời chiến cũng như những bài bình luận thời sự được viết theo cảm nhận tác giả (mà theo tôi) dễ thưởng thức hơn những quyển khảo cứu khô khan hoặc đòi hỏi người đọc phải có vốn liếng kiến thức tối thiểu. . . “ (Mộng Tuyền – Lời Tựa) bằng một cách kể truyện mà theo lời nhà thơ Trần vấn Lệ “thật hay, khéo dẫn chuyện để thành Câu Truyện, rất vô tư dù có mình đây đó…Đặc biệt là tác giả, trước sau như một, bày tỏ cho độc giả thấy mình là một người-làm-thơ và là Người-Thơ-Tài-Tử . . .“(Trần Vấn Lệ -Bạt).

TV&BH trân trọng giới thiệu tác phẩm “Người Trai Thời Chiến“ của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh.

T.Vấn & Bạn Hữu

Phụ Lục: Dưới đây là lời tâm tình của tác giả, bài Tựa cho tác phẩm NTTC của Mộng Tuyền và bài Bạt của Trần Vấn Lệ.

NHư Hoa: Một Tấm Lòng

Năm nay tôi đã trên 80, đã có một thời cầm súng chiến đấu trong 25 năm đất nước can qua, 8 năm tù cải tạo, và 8 năm sống dưới chế độ độc tài cộng sản. Cuộc đời đã 41 năm gắn liền với vận nước nổi trôi, và đến nay, đã 22 năm làm thân lưu vong trên đất khách quê người; vui buồn, sướng khổ đều đã trải nghiệm.

Nghĩ lại bao nhiêu anh em đồng đội cùng môt chiến tuyến đã hy sinh trên chiến trường, bao nhiêu đồng bào mình đã chết oan uổng vì súng đạn của kẻ thù độc ác, để mình còn được sống đến ngày hôm nay, nhưng rồi chẳng làm được gì gọi là một chút đền đáp công ơn hầu khỏi phụ lòng họ. Tôi chỉ có một tấm lòng. Trước kia cầm súng bắn kẻ thù, nay cầm bút để nói lên nỗi lòng của mình đối với quê hương, với bạn hữu -những người đã khuất cũng như còn sống, và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt hải ngoại để cho các thế hệ con cháu mai sau còn giữ được truyền thống văn hóa của ông cha.

Tôi xin gởi đến quý độc giả thương mến lời cám ơn nồng nhiệt nhất đã dành thì giờ quý báu cho tập sách nhỏ bé này. Và xin cầu chúc quý độc giả: Thân Tâm Thường An Lạc.

Tác giả,

Như Hoa Lê Quang Sinh

Nguyễn Lê Mộng Tuyền

Lời Tựa

Thật hân hạnh cho tôi khi được 2 trang trong tập “Truyện Ký ‘Người Trai Thời Chiến'” của bác Như Hoa Lê Quang Sinh (NHLQS) – một

Đọc xong bản thảo, điều muốn nói ngay là xin quý vị đừng để con số 600 trang làm mình chùn bước (vì đây chính là lý do khiến tôi cứ hoãn nhiệm vụ viết Lời Tựa mãi đến hôm nay)! Hơn nữa, thoạt đầu tôi cứ tưởng tác giả chỉ “độc thoại bằng bút” loanh quanh chi tiết cuộc đời mình trong quân ngũ nhưng thực tế không phải vậy. Bởi vì…

…Nếu là con cháu trong gia đình thì Truyện Ký là một bảo vật, do đoạn đầu quyển sách có đầy đủ chi tiết về gốc rễ của bác NHLQS và gia đình của bác. Nó mang hình dáng của một gia phả mà ít ai có may mắn có được.

…Nếu là thân hữu và đặc biệt là văn thi hữu thì nó là một quyển sách ghi lại hành trình văn hóa chung do ngoài sáng tác của tác giả, tập truyện còn bao gồm những bài “tiêu biểu của môt số văn thi hữu mà tôi trang trọng như những viên ngọc quý” (trích Lời Tựa tập thơ “Chuyện Ngày Xưa” của NHLQS). Theo tôi, bài nào tác giả đưa vào đây cũng có tác dụng giúp dẫn chứng qua từng trang cuộc đời của ông, hoặc làm sáng tỏ, giải bày sự việc xảy ra. Mỗi bài viết sắc bén, gãy gọn, không màu mè – là lối viết đáp ứng được nhu cầu của độc giả không có nhiều thời gian hay đủ nhẫn nại trong thời đại Internet ngày nay.

…Nếu là độc giả đơn thuần, không có liên hệ gì với tác giả, thì sẽ vẫn tìm thấy nhiều điều thú vị và bổ ích. Tôi thích đọc những chuyện “đằng sau hậu trường” vì nó giúp ta thưởng thức tác phẩm hơn, như bài “Anh Lính Bộ Đội” để giới thiệu bài thơ “Con Chờ Mẹ Bên Rào Kẽm Gai” của tác giả. Hơn nữa, Truyện Ký này có nhiều mảng tài liệu tư về một số nhân vật quan trọng sau thời chiến cũng như những bài bình luận thời sự được viết theo cảm nhận tác giả (mà theo tôi) dễ thưởng thức hơn những quyển khảo cứu khô khan hoặc đòi hỏi người đọc phải có vốn liếng kiến thức tối thiểu.

Nếu đọc quyển sách này thì tôi đề nghị quý vị thử cách đọc sau: Hãy đọc đoạn đầu về tiểu sử và thời mới lớn của tác giả để có khái niệm về ông. Những trang còn lại, không nhất thiết cần phải đọc trang nối trang bởi Truyện Ký này là một loạt bài có thể đọc riêng rẽ, tùy theo thời gian, cảm hứng và nhu cầu của độc giả. Đọc như thế, 600 trang sẽ chẳng là bao…

Điều cuối tôi muốn chia sẻ là cái tựa “Người Trai Thời Chiến” có thể khiến độc giả lầm tưởng Truyện Ký này chỉ xoay quanh cuộc đời làm lính VNCH của tác giả, nhưng thật ra Hội Thơ Tài Tử VN Hải Ngoại (mà tác giả là một trong những sáng lập viên) chiếm nhiều trang nhất. Cũng dễ hiểu bởi có thể vì thời chiến đã quá xa cho một người “lính già” đã trên 80 tuổi; cũng có thể vì ông không muốn nhắc tới nhiều về những chiến công không mấy “oanh liệt” của một chiến sĩ phải buông súng trong một tình huống bất đắc dĩ; hoặc bởi Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại mới chính là điều ông muốn thế nhân nhắc đến khi nói đến cái tên “Như Hoa Lê Quang Sinh.” Nếu vậy thì ở đây, tôi xin hứa rằng, ngày nào bác NHLQS còn muốn thì Bút Tre sẽ “cố gắng” cùng bác tổ chức Đại Hội Thơ Quốc Tế một lần tại Arizona trước khi “tan hàng,” bác nhé!

Cuộc đời của bác Như Hoa Lê Quang Sinh đã bắt đầu từ khi khoác trên người bộ chiến y và mang đôi giày sô đi khắp đất nước Việt Nam một thời binh lửa. Và giờ đây, theo vận nước, ông làm một kẻ lưu vong trên xứ người, làm thơ, viết văn “thơ thẩn” cùng “mây gió,” và cùng với các bạn hữu góp mặt trên văn đàn dưới bút hiệu “Như Hoa.” Một lần nữa, xin trân trọng giới thiệu với độc giả tập Truyện Ký “Người Trai Thời Chiến.” Cầu chúc tác giả mọi điều tốt đẹp nhất trong tuổi hoàng hôn ngã bóng!

Nguyễn Lê Mộng Tuyền,

Chủ nhiệm – Chủ bút Nguyệt San Bút Tre, Arizona, U.S.A.

Trần Vấn Lệ

Bạt

HƠN MỘT TUẦN …

Hơn một tuần rồi, từ hôm 20 tháng 9 năm 2011 đến nay, 30 tháng12 năm 2012, tôi mới đọc xong tập bản thảo dày cộm Người Trai Thời Chiến của anh Lê Quang Sinh. Một phần thì tôi “thân thể bất an”, một phần thì tôi “phải giải quyết” chuyện cuối tháng, khám bệnh, trả bill… và xem email bạn bè xa xôi gửi tới. Tôi không bận rộn đến nỗi, nhưng tại tôi chủ quan: Tác giả Người Trai Thời Chiến…cũng giống như ai đó viết hồi ký thôi, nghĩa là tự ca tụng mình, nhắc chuyện này nọ trong quá khứ… cho yên lòng trước khi ra đi vào cõi khác !

Tôi thật có lỗi với anh Lê Quang Sinh. Tôi gọi Anh bằng Anh, là một cách gọi “trịch thượng”, không sai. Dẫu gì, năm nay anh đã hơn tám mươi, dẫu gì trong quân đội, dưới một lá cờ tôi từng ngó lên, anh là Thượng Cấp! Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh đứng chựng vói cái lon Trung Tá và tôi còn là Trung úy, nhỏ nhoi bên anh, dưới anh… Tôi chưa bao giờ, quả thật tình chưa bao giờ, nghĩ anh đã già nua bởi tôi cứ tin tôi còn là anh-chàng-lính-sữa. “Người Lính chưa chết là chưa Tròn Nhiệm Vụ”, và đã là Lính, mà còn tồn tại, là “Lính Trẻ Muôn Đời”. Anh Lê Quang Sinh chưa cầm giấy giải ngũ, tôi giống anh. Chúng tôi còn nguyên nhiệm vụ đối với nước nhà, có làm xong vài bổn phận hồi nào nhưng chưa tròn trách nhiệm vì… chưa chết! Nước nhà và dân tộc vẫn chờ mong sự ýthức của Người Lính. Huynh Đệ Chi Binh, Lính là Anh Em, không phân biệt tuổi tác. Hãy cứ nhủ lòng Ta Trẻ! Vì ta trẻ nước mới cần. Chẳng quốc gia nào tuyển người già làm Lính cả. Trong Lính chỉ có hai người già: một là viên Thượng Sĩ Nhất, hai là viên Đại tướng –hai người Lính này họ đăng Lính Trọn Đời vì quyền lợi và danh giá đương nhiên đời dành cho họ. Cấp Tá trở xuống cấp Úy, đều là Lính-Có-Hạn-Kỳ. Anh Lê Quang Sinh hơn tôi cả mười tuổi, anh là Anh, anh chỉ là Anh… để tôi kính trọng, thương yêu… và hôn anh!

Tôi đọc Người Trai Thời Chiến, đọc mệt… nghĩ ! Dài quá, nhiều chuyện quá! Tôi cố gắng đọc…không phải để tan hàng (Tan Hàng mà còn Cố Gắng, trời ơi là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!). Tác giả viết thật hay, khéo dẫn chuyện để thành Câu Truyện, rất vô tư dù có mình đây đó…Đặc biệt là tác giả, trước sau như một, bày tỏ cho độc giả thấy mình là một người-làm-thơ và là Người-Thơ-Tài-Tử (người đời hiểu Tài Tử.. là người-Không-Có-Tài, không Chuyên Nghiệp -ở lãnh vực nào đó, người-tài-tử được hiểu là …Thợ Vịn. Thợ Đụng, làm cho có cơm ăn dù cơm thừa cá cặn!). Tôi có tên trong Hội do anh sáng lập -HộiThơ Tài Tử, tôi cũng thế thôi mà…Phận người cỏ rác, đau đớn chi mô khi Chúa phán: “Con Người Là Cát Bụi, Ngươi Sẽ Trở Về Với Cát Bụi”. Anh Lê Quang Sinh không tự cho mình quan trọng, nói khác đi, anh tự thấy mình Tầm Thường và anh muốn gởi cho đời, để lại cho đời cái Bình Thường! Dễ mấy ai? Tôi không thấy ông Thầy Chùa nào nói điều đó mà chỉ nghe “dạy bảo” rằng “Đời Là Cõi Vô Thường”. Tôi mở Tự Điển tra hai chữ Vô Thường, lần nào cũng ứa nước mắt! Hồi nào tôi đi “đánh giặc” mà đời là Vô Thường chắc tôi đào ngũ lâu rồi…

Tôi nghĩ rất nông cạn: “Sống ở đời mình không có khả năng làm chuyện Phi Thường… thì hãy cứ làm Việc Bình Thường!”. Ông Trần Quốc Tuấn làm được chuyện phi thường, ông Trần Quốc Toản chỉ làm chuyện bình thường. Cả hai đều là trai thời chiến. Cả hai đều có Danh. Nguyễn Công Trứ từng nói: “Làm trai đã đứng trong trời đất, phải có Danh gì với Núi Sông”. Thương đất nước mình biết bao! Thương dân tộc mình biết bao! Chúng tôi, tôi và anh Lê Quang Sinh, cả hai đều dở cuộc , “Cờ đang dở cuộc không còn nước, bạc chửa tan canh đã chạy làng!”. Tiếc là anh Lê Quang Sinh sắp … chết và tôi đây cũng sắp vĩnh biệt cõi trần! Chuyện anh Lê Quang Sinh “biên soạn” cuốn NgườiTrai Thời Chiến mong sao kịp thời. Để lại gia tài cho con cháu không nhất thiết là ruộng cả ao liền, mà là một rương sách (dù chỉ một vài cuốn, cũng nên!). Tác phẩm của anh Lê Quang Sinh là cuốn sách quý, tôi nghĩ rằng đây là Trọn Vẹn Tấm Lòng anh dành cho hậu thế!

Anh Lê Quang Sinh dành cho tôi tới 4 trang giấy “trống” để tôi viết cho anh lời Bạt! Chu choa ơi là bao la là bát ngát! Tôi, trước anh, là Lính Quèn, may có dăm ba chữ trong bụng mà anh biểu trút ra cho anh, thôi thì cũng phải bấm bụng vậy. Ông Nguyễn Du có hai câu hay: “Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh!”. Ông Nguyễn Đình Chiểu nhún nhường hơn: “Lời quê dù vụng hay hèn cũng xin lượng biển uy đèn thứ cho!. Ai đọc anh Lê Quang Sinh rồi đọc mấy lời này của tôi, cái gì “dễ thương” là của “quý vị”, cái gì khó ưa xin trút cho tác giả và cho thằng-em-của-tác-giả.

Nhưng tôi dám cả quyết: anh Lê Quang Sinh không làm chuyện vô-tích-sự. Phần tôi, rất trân trọng cuốn sách đó và quý trọng tác giả vô cùng!

Trần Vấn Lệ

Temple City, CA

January, 31-2013

 

  • Quý độc giả muốn mua sách, xin gởi chi phiếu $20.00, đề tên người nhận Lê Quang Sinh và gởi về địa chỉ :

Sinh Le

1117 Lesa Lane

Garland, TX 75042

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search