T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyên Huy: Chiều thơ nhạc Tháng Sáu với chủ đề ‘Người Trai Thời Chiến’

clip_image001
Ban hợp ca CLB Tình Nghệ Sĩ trong chương trình chiều thơ nhạc “Người Trai Thời Chiến.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Một buổi chiều thơ nhạc với chủ đề “Người Trai Thời Chiến” nhân dịp nhà văn Như Hoa Lê Quang Sinh từ Texas sang, được tổ chức tại hội trường Văn Lang (VNCR) trên đường Moran, thành phố Westminster, vào ngày 30 Tháng Sáu, thu hút khách đến tham dự đông chật hội trường.

Hỏi nhà thơ Nhất Phương trong ban tổ chức về buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật này, do từ cuộc ra mắt sách hay do từ anh chị em văn nghệ sĩ “lâu lâu muốn có một buổi sinh hoạt chung?” Nhất Phương trả lời: “Cả hai! Nhưng nói cho ngay cũng vì anh Lê Quang Sinh từ Texas có ngỏ ý với Nhất Phương muốn tổ chức một buổi ra mắt cuốn ‘Người Trai Thời Chiến’ của anh, và sẽ có sự hỗ trợ của nhiều bạn văn hữu cũng như trong quân đội, nên Nhất Phương đã hội ý cùng các anh chị em thường sinh hoạt văn học nghệ thuật thì tất cả đều vui lòng cùng đứng ra tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật này.”
Quả vậy, theo sự giới thiệu của ban tổ chức, thấy có các thi hữu trong Hội Thơ Tài Tử VN hải ngoại, có các cựu quân nhân trong Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan trường Bộ Binh Thủ Ðức, có các thi nhân trong Thi Ðàn Hương Việt, có dàn hợp ca của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và có nhiều văn nhân thi hữu nổi danh như Vũ Hối (danh thủ họa), Vũ Văn Tùng (Chủ tịch Văn Bút VN hải ngoại), nhà thơ trong Hội Thơ Tài Tử Lê Văn Ba, nhà văn Nguyễn Lý Tưởng…

clip_image002
Nhà văn Như Hoa Lê Quang Sinh

Các nhân sĩ trí thức có Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Giáo Sư Khoa Trưởng Phạm Thị Huê, Giáo Sư Trần Văn Ân…
Phía cựu quân nhân, cựu sinh viên sĩ quan Thủ Ðức có cựu Ðại Tá Lê Bá Khiếu, Nguyễn Huy Hiền, Nguyễn Văn Chuyên…
Phía văn nghệ sĩ, ngoài gần hai chục anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và con chim đầu đàn Cao Minh Hưng, còn có tiếng hát Thủy Tiên, Bảo Nam, Hồng Vân, Ngâm sĩ Hà Phương, Miên Trường và Trần Phước.
Chương trình được đan xen mượt mà giữa những tiết mục văn nghệ và phát biểu ra mắt sách.
Ðiều thích thú là buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí thật văn nghệ khi các tiết mục phát biểu không có mục nào dài quá 10 phút. Nhưng không vì thế mà buổi ra mắt sách giảm đi ý nghĩa của nó. Mười phút với nhà văn Nguyễn Lý Tưởng ông đã khéo léo giới thiệu được cả một đời người qua những đoạn đường mà tác giả cũng như những người cùng thế hệ đã phải trải qua. Ðó là Người Trai Trong Thời Chiến.
Mười phút với Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Trưởng Ðại Học OCC Phạm thị Huê, bà cũng đã ghi trọn được tinh túy của tác phẩm, nói lên tiếng nói của một người trai trong thế hệ chiến tranh và sau chiến tranh.
Một vài tiết mục phát biểu cảm tưởng của thân hữu trong hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Ðức, hội Thi Ðàn Hương Việt đã khiến tác giả không dấu được niềm xúc động.
Ông nói với Người Việt: “Tôi năm nay đã 82 tuổi, nhìn lại những hoạt động trong đời cho đến nay vẫn còn nguyên những bạn bè cũ, từng một thời lăn lộn trên các chiến trường miền Nam, bảo vệ tự do chống lại sư xâm lăng của cộng sản, từng một thời sinh hoạt với nhau trong làng văn trận bút ở hải ngoại, cùng đóng góp xây dựng Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại. Viết cuốn sách này với trên 600 trang in, tôi như trút được một vương vấn cứ đeo đuổi tôi hoài.”
“Nó không chỉ là chuyện riêng tư, tự truyện, hồi ký chính trị mà nó là tất cả đã hòa trộn trong cuộc sống của thế hệ chúng tôi. Viết cuốn sách này trước hết là tôi mong để lại cho con cháu tôi trong gia đình một thời mà cha ông chúng đã trải qua, sau đó là cũng mong đóng góp một tiếng nói góp vào những chi tiết trong phần lịch sử cận đại cho thêm phong phú. Ðiều làm cho tôi vui mừng và ngạc nhiên nhất là anh chị em văn thi hữu ở Nam California đã dành cho tôi một tấm tình nồng hậu như thế này.”
Trở lại chương trình văn nghệ, nhà thơ Nhất Phương đã phối trí, phối hợp anh chị em văn nghệ sĩ đóng góp làm nổi bật lên ý nghĩa của chủ đề là “Người Trai Thời Chiến.”
Hơn 20 anh chị em trong ban tổ chức mở đầu chương trình qua ca khúc “Có Những Người Anh” của nhạc sĩ Võ Ðức Hảo nhắc đến những hy sinh vô bờ bến của cả một thế hệ tuổi trẻ trong cuộc chiến bảo vệ tự do trước năm 1975. Tiếp đó, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ với hơn 10 ca viên nam nữ trình bày một bản nhạc súc tích ý nghĩa của nhạc sĩ Cao Minh Hưng, bài “Tri Ân Người Chiến Sĩ VNCH.” Rồi “Một Chuyến Bay Ðêm” của người lính Không Lực VNCH của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua tiếng hát Mỹ Tiên, “Người Ở Lại Charlie” với Miên Trường, một niên trưởng trong QLVNCH, “Một Mai Khi Giã Từ Vũ Khí” với Trường Minh Hoàng, “Rừng Lá Thấp” với Trần Phước… tất cả đã thay nhau nói lên tấm tình với lính, với những người anh, những người trai của thế hệ chiến tranh.
Chương trình văn nghệ diễn ra trong không khí đượm những ân tình với “Người Trai Thời Chiến,” đem lại cho cả người trình diễn và người thưởng ngoạn một buổi chiều thơ nhạc thật ý nghĩa để một số bạn trẻ tham dự được hiểu thêm về lòng tri ân đối với người lính VNCH của người dân Việt sau cuộc chiến dù đã chấm dứt gần 40 năm qua.

Nguyên Huy

Bài Mới Nhất
Search