T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: TÌNH ĐIÊN

clip_image002

Trong cuộc đời, nếu mẹ là người tôi yêu thương nhất, thì ba là người tôi oán hận nhất.

Nếu mẹ là người tôi yêu thương nhất, thì mẹ cũng là người tôi giận nhất.

Bà ngoại thường nói:

-Mẹ mày đến khổ, từng tuổi này mà còn khờ dại.

Dì Thoa bĩu môi mai mỉa:

-Thế gian này, tìm một người si tình, sẵn sàng chết vì người mình yêu, chắc chỉ có mẹ con.

Tôi hoàn toàn không hiểu đằng sau sự im lặng chịu đựng, mẹ đã nghĩ thế nào về ba, một người đàn ông độc đoán, thiếu trách nhiệm và thiếu cả lòng yêu thương đối với vợ con.

Những năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, mẹ đã xông xáo khắp nơi để tìm việc làm, nhưng vốn liếng tiếng Anh không có, nên cuối cùng chỉ xin được một chân phụ bếp ở nhà hàng Việt Nam, lương bổng thì ít mà phải làm việc mười hai tiếng mỗi ngày. Ba tôi chỉ ở nhà để chờ đợi những công việc nhẹ nhàng. Xin được việc ở chỗ nào, ông chỉ làm độ một hai tuần, thì than mệt nhọc rồi bỏ ngang. Một mình mẹ gánh lấy cái gánh nặng nghìn cân lên vai, vừa lo cho gia đình, vừa lo cho ông bà nội và các cô chú ở Việt Nam. Tôi thương mẹ đến xót cả lòng, nhưng lúc đó, tôi mới mười bốn tuổi, chưa thể đi làm kiếm tiền để san sẻ gánh nặng ấy với mẹ.

Ba ở nhà nhưng chẳng bao giờ ông đụng tay đến chuyện bếp núc (vì đó là chuyện của đàn bà, nhưng … đi làm kiếm tiền là chuyện của đàn ông, thì ba cũng đẩy sang cho mẹ). Từ sáng sớm, mẹ đã phải thức dậy để nấu thức ăn sẵn cho ba. Những lúc không được vui, hoặc thức ăn không vừa miệng, ba chửi toáng lên khi mẹ vừa bước chân vào nhà, sau một ngày làm việc vất vả. Tôi bất mãn nhưng không dám nói một lời, chỉ đưa mắt nhìn mẹ bằng cái nhìn đầy ắp thương yêu, như một lời an ủi. Nặng nề hơn là những hôm ba cùng bạn bè nhậu nhẹt say sưa. Chỉ cần tôi hay mẹ, vô tình làm điều gì mà ba nghĩ rằng đó là thái độ “xem thường”, thì mẹ con tôi ăn vài cái tát tai như chơi. Có lần tôi nói:

-Sao mẹ hiền quá vậy, mẹ cứ nhịn nhục hoài thì càng ngày ba càng làm tới.

Nhưng mẹ chỉ lắc đầu:

-Một câu nhịn chín câu lành con à! cãi vã nhau đâu có ích gì.

Dì Thoa hay nói “Mẹ con là một người vợ Việt Nam đúng nghĩa”. Tôi thắc mắc thì được dì Thoa giải thích:

-Ông bà mình hồi xưa, cứ suốt ngày dạy dỗ con gái phải phục tùng chồng, phải nhịn nhục, phải hy sinh cho chồng, cho con, phải …. nhiều thứ phải lắm, nên các ông cứ được nước làm tới.

Tôi hỏi dì Thoa:

-Ủa… con thấy Dì Thoa đâu có giống như vậy?

Dì Thoa cười tinh nghịch:

-Dì tiến bộ hơn mẹ con. Cái gì đúng thì nghe theo, cái gì trật lất … bỏ đi, kiếm cái mới thế vào.

Vậy thì mẹ thua là đúng, bởi mẹ không bao giờ dám bỏ cái cũ.

Năm tôi mười tám tuổi thì chị Giang – bà con xa của mẹ- từ Cali sang ở trọ để tìm việc làm. Chị Giang lúc đó suýt soát bốn mươi, nhưng chưa có gia đình. Tuy không phải là một người xinh đẹp, nhưng tính tình hoạt bát, năng động của chị dễ gây cảm tình với người chung quanh. Từ ngày có mặt chị Giang, không khí gia đình tôi trở nên nhẹ nhàng hơn và hình như ba tôi cũng vui vẻ, đỡ nghiêm khắc với mẹ con tôi hơn. Dì Thoa không thích chị Giang, vì theo dì, đôi mắt của chị Giang không được thật thà cho lắm. Nghe dì Thoa nói, tôi bắt đầu để ý. Nơi chị Giang, tôi không thấy điều gì khác lạ. Nhưng từ ba, tôi cảm thấy có một vài điều khó coi. Chẳng hạn trên mâm cơm, ba luôn tiếp thức ăn cho chị Giang hoặc đùa cợt với chị, khác với thái độ lầm lì vẫn có với mẹ.

Cuối năm 2000, chị Giang trở về California để ăn Tết. Những ngày đó tôi mới nhận rõ sự bồn chồn, trông ngóng của ba. Hai tuần sau, ba nói với mẹ, người bạn thân cũng là ân nhân (?) của ba ở Arizona -người mà chưa bao giờ tôi và mẹ nghe ba nhắc đến- bệnh nặng, đang hấp hối ba phải đi thăm. Mẹ lặng lẽ sắp xếp hành trang cho ba. Nhìn nét mặt bình thản của mẹ, tôi không đoán được mẹ vui hay buồn. Mẹ vẫn chu đáo trong từng vật dụng mang theo cho ba. Ba đi hai tuần, nhưng không một lần gọi về nhà. Tôi điện thoại nhưng chẳng bao giờ được trả lời. Dì Thoa nói với mẹ:

-Chị Hai nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà rồi.

Mẹ mắng dì Thoa:

-Em suốt ngày chỉ biết nói bậy, không sợ xúc phạm đến danh dự người khác có tội à?

Dì Thoa cười khẩy:

-Cứ chờ đi rồi biết ….-Dì nháy mắt với tôi- gần hai mươi năm rồi, mẹ con lúc nào cũng tình nguyện làm luật sư bênh vực cho ba con từ chuyện đúng, cho đến chuyện sai.

Quay sang mẹ, dì Thoa rắn giọng:

-Chị Hai à! khi em nói phải có nguyên nhân, chứng cớ, chị muốn nghe không…?

Tôi xanh mặt, nhìn dì Thoa không chớp mắt, chỉ sợ dì nói những sự việc tạo nghi ngờ mà tôi đã kể cho dì nghe. Dì Thoa gật gù chừng như phân vân đôi phút rồi nắm lấy chiếc xách tay:

-Ờ, nói chị cũng đâu có tin. Biết đâu chừng … chị cũng biết mà nhắm mắt làm ngơ.

Một tháng sau, mẹ mới nhận được tin nhắn của ba trong điện thoại. Ông cho biết đang rất bận rộn và tháng sau sẽ trở về để bàn “công chuyện” với mẹ. Mẹ rất điềm tĩnh trong những ngày chờ đợi. Nhưng tôi thì băn khoăn mãi, không biết “công chuyện” ba muốn bàn với mẹ là gì. Ngày trở lại, ba thản nhiên nói với mẹ, ông và chị Giang đã quyết định chung sống với nhau. Mẹ nhìn ba rất lâu, dù không nói một lời nào, nhưng ánh mắt của mẹ đã nói rất nhiều. Bàng hoàng. Trách móc. Đau đớn. Ba quay đi như không hề biết câu nói phũ phàng đó đã làm tan nát trái tim người vợ hơn nửa cuộc đời đã tận tụy hy sinh cho mình. Tôi nhìn chòng chọc vào mắt mẹ. Tôi mong chờ một lời nói hay một thái độ của mẹ, chứ không phải là sự im lặng như một cam chịu. Nhưng không, mẹ vẫn đứng bất động cho đến lúc ba rời khỏi nhà không một tiếng từ giã.

Khoảng hai tháng sau, trong nhóm bạn bè quen biết đã xôn xao nguồn tin “Cô Giang ở trọ nhà người chị họ rồi lấy chồng của chị”. Tôi nghĩ, có lẽ chị Giang đã bị những lời phê phán, chỉ trích quật cho nghiêng ngã, nên ba mới về nhà gặp mẹ vặn hỏi những điều hết sức vô lý. Điều đáng buồn là ba tôi chẳng dám làm gì ai mà quay lại kết tội mẹ tôi thiếu bao dung, nói xấu chị Giang với người khác. Mẹ vẫn cúi đầu trong sự im lặng cố hữu, nhưng tôi thì không thể im lặng được nữa. Tôi đã hai mươi tuổi. Tôi đã trưởng thành. Tôi đã biết nhận xét điều đúng điều sai. Và tôi đã tự cho mình cái quyền được đối thoại với người cha không có lương tâm. Lần đầu tiên, từ bé đến lớn tôi dám nhìn thẳng vào mặt ba:

-Người ta không nói xấu chị Giang mà là nói đúng sự thật. Cho con hỏi, nếu chị Giang ở vào trường hợp của mẹ, chị Giang có thể bao dung đối với kẻ đã phá nát gia đình mình không?

Ba nhìn tôi kinh ngạc. Mẹ nhìn tôi hãi hùng (mẹ còn chưa dám cãi ba mà tôi là con sao lại nói giọng trịch thượng). Không trả lời được câu hỏi của tôi, ba nạt đùa:

-Ai cho phép mày ăn nói như thế ?

Quay sang mẹ, ba rít lên:

-Bà dạy con ăn nói kiểu mất dạy từ bao giờ vậy?

Tôi rắn giọng:.

-Mẹ luôn dạy con phải nghe lời ba, không được cãi ba, phải hiếu thảo, phải kính trọng ba. Nhưng ba… chính ba là người dạy con phải suy nghĩ lại xem có nên kính trọng người làm ra những điều xấu xa không?

Bốp ….

Tôi ngã chúi nhũi vào góc bàn giữa tiếng kêu “con ơi!” thất thanh của mẹ. Máu chảy dài theo khóe môi, nhưng tôi nhất định không khóc. Mẹ ôm lấy tôi, dúi mặt vào tóc tôi, van xin:

-Thương mẹ, con đừng nói gì nữa.

Cánh cửa đóng sầm, sau những bước chân nện mạnh xuống sàn nhà đầy giận dữ của ba. Mẹ kéo tôi vào lòng, hai mẹ con ôm nhau khóc mùi mẫn.

Những ngày kế tiếp, không biết ba đã nói chuyện với mẹ cách nào mà mẹ cứ năn nỉ tôi đi cùng với mẹ đến thăm chị Giang đang bệnh. Tôi tròn mắt giận dữ:

-Mẹ có điên không?

Mẹ quỳ xuống, ôm lấy hai tay tôi:

-Con ơi, mẹ xin con, mọi chuyện đã lỡ rồi, càng làm lớn chuyện càng xấu hổ với mọi người… mẹ xin con, con thương mẹ thì nghe lời mẹ.

Tôi rơi nước mắt vì xót thương mẹ. Cố đỡ mẹ lên nhưng bà nhất định quỳ cho đến khi nào tôi đồng ý. Tôi thật sự nóng giận vì không hiểu được mẹ. Chẳng lẽ mẹ nhu nhược đến độ đánh mất tự ái của mình? Tôi bỏ mặc mẹ ngoài phòng khách, đi vào trong gọi điện thoại cho dì Thoa. Dì khuyên tôi nên tạm thời chìu ý mẹ, đừng để cơn sốc quá lớn này làm mẹ trở bệnh. Dì Thoa cho tôi biết thêm, ngày xưa mẹ có lần bị bệnh tâm thần, tuy không nặng, nhưng nếu bây giờ không cẩn thận có thể bệnh cũ sẽ tái phát.

Như thế có nghĩa là tôi phải làm theo ý mẹ, cùng mẹ đi xin lỗi ba, làm hòa với chị Giang. Uất ức cùng cực, tôi nói với dì Thoa:

-Kiểu này hoài chắc sẽ đến phiên con bị bệnh tâm thần.

Tôi cố gắng giải thích với mẹ:

-Mẹ con mình không có lỗi gì cả mà là ba và chị Giang. Muốn mẹ vui con phải ép lòng theo ý mẹ, nhưng con hy vọng đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng.

Hai tay tôi ôm lấy khuôn mặt phờ phạc, ủ dột của mẹ, giọng tha thiết:

-Bắt đầu từ ngày mai, mẹ đừng nhắc nhở gì đến hai người đó nữa. Mẹ con mình sẽ sống thật bình an và vui vẻ với nhau nghe mẹ. Con sẽ luôn ở bên cạnh mẹ để thương yêu và lo lắng cho mẹ. Mẹ phải hứa với con thì con mới đi.

Mẹ vừa gật đầu, vừa lau nước mắt. Tôi tin mẹ và luôn cầu nguyện cho tinh thần mẹ được vững vàng để vượt qua nỗi đau quá lớn. Nhưng chỉ một tuần sau mẹ lại bảo tôi:

-Con ơi! ba muốn mỗi tháng con ghé thăm ba một lần.

Tôi chau mày nhìn mẹ và hỏi bằng giọng gay gắt:

-Để làm gì? hai mươi năm nay con ở gần ba hàng ngày mà có bao giờ ba ngó ngàng đến con đâu. Bây giờ gặp mặt làm gì?

Mẹ ấp úng:

-Ba con muốn như vậy…. để Giang không có mặc cảm.

Tôi nắm hai vai mẹ bóp chặt. Khuôn mặt nhăn nhó của mẹ vẫn không làm tôi lơi tay.

-Mẹ làm ơn suy nghĩ dùm con … điều ba đòi hỏi có hợp lý hay không?

Mẹ mím môi, mắt rướm lệ:

-Nhưng ba gọi hoài mẹ chịu không nổi. Mẹ xin con …Mẹ xin con …

Đôi mắt của mẹ nhìn tôi khẩn thiết, vô vọng và … bất bình thường. Tôi ôm chặt lấy mẹ trong cánh tay mình mà nghe đau buốt trong lòng.

***

Buổi chiều, tôi vừa chạy ra chợ mua thức ăn thì ba lại đến. Không rõ ba nói gì lúc tôi vắng mặt, nhưng khi bước vào nhà tôi nghe tiếng ba oang oang trong phòng ăn:

-Dù sao tôi cũng là người có lỗi, nên bằng mọi cách tôi phải phục hồi danh dự cho cô ấy. Tôi nói ít bà hiểu nhiều, ký tên vào đó đi.

Nghe hai chữ ký tên, tôi giật mình chạy vội vào thì thấy tờ đơn xin ly hôn đang nằm trên bàn. Chợt hiểu, tôi nhìn mẹ để dò xét phản ứng. Mẹ vẫn im lặng giữa tiếng la hét của ba:

-Tôi với bà không còn sống chung với nhau nữa thì có nghĩa lý gì cái tờ giấy hôn thú mà bà không chịu xé nó đi.

Tôi vói tay lấy tờ giấy xé làm đôi.

-Có lẽ đây là tờ giấy cần xé hơn. Ba hãy về tìm phương cách khác để phục hồi danh dự cho cô ta đi ….

Rồi tôi cười nửa miệng, mở giọng (mất dạy!!!)

-Nghĩ cho cùng thì cô ấy cũng như ba, đâu ai có danh dự mà sợ mất.

Ba nhào tới phía trước, tôi lùi lại, đưa chiếc điện thoại đang cầm trên tay lên, gằn từng lời nói:

-Nếu ba sẵn sàng đánh con, thì con cũng sẵn sàng gọi cảnh sát.

Ba quay phắt sang mẹ, chửi rủa bằng những lời tục tằn, thô bỉ mà tôi chưa từng nghe. Khi ba đi rồi tôi hỏi mẹ:

-Người đàn ông như vậy có đáng cho mẹ tiếc nuối hay không?

Tôi cầm những mảnh vụn của tờ ly hôn đã bị xé nát mà cảm thấy ê chề:

-Con rất muốn mẹ ký tên vào tờ đơn ly dị này .. vì như thế mới mong mẹ rũ sạch mọi đau khổ, quên lãng mọi phiền hà. Nhưng việc này phải do chính mẹ quyết định. Còn bây giờ … phải để cho ba biết rằng, không phải ông muốn việc gì mẹ cũng phải làm theo.

Tôi nói, mẹ gật gù. Đúng! con nói đúng mẹ sẽ làm theo lời con. Nhưng chỉ một tháng sau mẹ đã ký tên vào tờ ly hôn trong lúc tôi vắng nhà. Tôi giận mẹ sao không biết lợi dụng cơ hội để làm tình, làm tội họ một lần cho hả giận. Đôi khi tôi nghi ngờ, không biết chữ “khoan dung’ mà tôi dành cho mẹ có đúng không? Nhưng nếu cho rằng mẹ là một người có suy nghĩ không bình thường thì tôi không đành lòng và cảm thấy mình có tội. Chính vì vậy mà tâm trí tôi cũng điên đảo theo những việc làm của mẹ.

Một hôm, tôi rời hãng sớm hơn thường lệ thì bắt gặp mẹ đang chạy lúp xúp dưới trời mưa từ trạm xe buýt về nhà. Tôi ngạc nhiên tra hỏi mãi mẹ mới thú nhận, chị Giang vừa sinh một đứa con trai được hai ngày, và ba tôi nhờ mẹ đến giúp, vì chị bị mổ không thể tắm rửa săn sóc em bé được. Tôi ôm đầu gào lên:

-Mẹ có điên không?

Thấy tôi nổi giận mẹ khóc:

-Con à! dù sao cũng tội nghiệp Giang. Là con gái mà lại lấy người đàn ông đã có gia đình …

-Là tự chị ấy chọn. Sao mẹ không nghĩ rằng chị ấy là .. con hồ ly tinh …. từ đâu xen vào phá nát gia đình mình.

Mẹ tôi cuống cuồng bịt miệng tôi:

-Đừng nói vậy mà mang tội con ơi. Mẹ xin con, mẹ xin con.

Rồi thì tôi cũng đành mắt nhắm tai ngơ để mẹ “làm việc phước thiện” cho hai kẻ không ra gì. Lòng oán hận của tôi ngày càng cao khi nghĩ đến sự thỏa thuê của ba khi ông có được đứa con trai. Ngày qua ngày tôi cảm thấy mình xa dần với mẹ vì những gì bà cố dấu diếm, dối gạt tôi để làm những điều mà tôi chỉ có thể diễn tả bằng chữ “điên”.

Cuối năm, mẹ tôi loay hoay dọn dẹp căn phòng bỏ trống. Mẹ cười rất tươi khi nói với tôi:

-Mẹ đem thằng cu Vĩnh về đây, mẹ nó sắp sinh em bé rồi.

Tôi giơ hai tay lên trời:

-Mẹ ơi! con không hiểu được mẹ.

Mặc bà ngoại tôi ngăn cản, dì Thoa giải thích, tôi van xin, mẹ cũng quyết lòng mang “con của ba” về nuôi. Thật sự, tôi không thể thương yêu đứa bé, dù nó vô tội. Tôi hỏi mẹ:

-Hoặc là con hoặc là thằng bé… sẽ ở trong nhà này với mẹ. Mẹ chọn ai, mẹ trả lời cho con biết đi.

Mẹ không trả lời tôi mà ôm chặt thằng bé vào lòng với ánh mắt thiết tha kỳ lạ.

-Nó giống ba con, giống quá, từ đôi mắt tới cái mũi, tới cái miệng nữa, con thấy không?

Tôi hỏi dì Thoa:

-Có phải mẹ vẫn không quên được ba, dù ông đối xử với mẹ thật tàn tệ? Có phải mẹ nuôi thằng bé, sẵn sàng chịu cực chịu khổ với nó chỉ để nhìn thấy ba qua hình ảnh nó? Nếu đúng, thì quả đây là một tình yêu cao thượng.

Dì Thoa cười chua xót:

-Dì không biết đây là tình cao hay tình thấp, nhưng với dì thì … đúng là tình điên!

Tôi biết, nếu tôi còn ở cạnh mẹ thì mối bất hòa giữa hai mẹ con ngày càng lớn, nên tôi đã xin chuyển công tác đi thật xa. Thỉnh thoảng gọi điện thoại cho mẹ, tôi lại nghe tiếng trẻ con ngọng ngịu nói cười và giọng mẹ hân hoan:

-Nó càng lớn càng giống ba con.

Tôi thở dài và cầu xin cho mẹ mãi mãi được bình an trong thứ hạnh phúc lạ lùng của mẹ []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search