T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cái hút ngày nay đã hỏng rồi !

clip_image0021.

Ngày 25 tháng 8 năm 2009, chính phủ Việt Nam chính thức ra quyết định cấm hút thuốc lá ở những nơi công cộng, theo đó ” từ nay đến năm 2010, tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá, áp dụng mức thuế cao đối với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu. Nghiêm cấm hút thuốc lá từ 1-1-2010 ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Từng bước hoàn thiện các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà vào năm 2010.
Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông thuốc lá từ bán buôn đến bán lẻ. Đến năm 2010, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch lại mạng lưới bán buôn và bán lẻ các sản phẩm thuốc lá trong toàn quốc, trước mắt tại các thành phố lớn.
Sau năm 2010 việc bán lẻ thuốc lá chỉ được thực hiện tại các địa điểm theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá bằng máy bán tự động, bán qua mạng internet và bán qua điện thoại; cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. (Quyết Định số 1315/QĐ-TTg )
– Theo: www.sggp.org.vn 25-08-2009″.

Ở châu Á, ngòai Trung quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu tiêu thụ một lượng thuốc lá khổng lồ nên cái tin trên đã khiến các hãng thông tấn lớn nhất thế giới chạy tin ngay trên trang nhất. Hãng AFP khi đưa tin, đã thắc mắc là lệnh cấm nói trên không thấy đả động gì đến việc cấm hút thuốc bên trong các nhà hàng, các địa điểm ăn uống. Con mắt nhậy bén của nhà báo đã nhìn thấy ngay cái lỗ hổng thật lớn trong lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng của nhà cầm quyền. Trong các nơi công cộng, thì nhà hàng và các tụ điểm ăn uống ở Việt Nam là những nơi người ta hút thuốc nhiều nhất.

Như vậy là, kể từ thế kỷ thứ 17 khi lần đầu tiên thuốc lá theo chân những người Bồ Đào Nha  du nhập vào Việt Nam, nay đã chính thức bị khai tử. (1)

Thực ra, lệnh cấm thuốc lá ở Việt Nam đã được ban hành từ năm 2005: “Cá nhân hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng như trong rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác có quy định cấm sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 – 100.000 đồng. (Nghị định số 45/2005/NĐ-CP.) “. Việc nghiêm cấm các hành vi bán thuốc lá, thuốc lào cho trẻ em dưới 16 tuổi cũng đã có hiệu lực từ tháng 5/2007.

Nhưng, cũng như bất cứ một thứ luật lệ hợp lý hay không hợp lý nào được ban hành bởi nhà cầm quyền trong nước, luật cấm hút thuốc nơi công cộng có ra đời cũng chỉ “để gío cuốn đi”. Những ngày về thăm gia đình ở Sài Gòn hồi tháng 7 năm 2009, tôi đã nhiều phen khổ sở vì “những ống khói tầu” (của cả người thân, bạn bè lẫn kẻ xa lạ) mỗi khi có việc đến những nơi công cộng, những dịp tụ họp quây quần, nhất là trong những tiệm ăn đầy ắp người. Thành tích 30 năm hút thuốc lá của tôi (may mắn thay đã chấm dứt vào năm 1996) cũng chẳng thấm vào đâu so với tốc độ hút thuốc của những người trẻ hiện nay ở Việt Nam. Những hiệu thuốc lá thông dụng ở Sài gòn hiện nay như Hero, Craven A . . . đều được sản xuất trong nước, gía cả phải chăng nên mọi túi tiền đều phù hợp khiến tốc độ “đốt” càng nhanh hơn. Cũng khó mà trách cứ những người vi phạm vì họ không có một chỗ dành riêng cho người hút thuốc, nhất là ở những nơi cần triệt để tránh hút thuốc như bệnh viện, trường học, nhà ga v…v.. Việc xây cất cái phòng hút thuốc thật cần thiết ấy đã ở ngòai tầm tay với của hầu hết mọi cơ quan. Ở những quán ăn, nhà hàng vẫn không có phân chia ra khu dành cho người hút thuốc và khu dành cho người không hút thuốc. Xem ra, ở Việt Nam hiện nay, người ta du nhập rất nhiều thứ từ nước Mỹ, nhưng riêng “nền văn minh thuốc lá Hoa Kỳ” vẫn chưa có cơ hội chen chân vào mảnh đất hãnh tiến này.

Nhưng trên hết, chính người hút thuốc phải biết rằng, mình đang kết bạn với tử thần.

2.

Việc hút thuốc (các lọai) có hại như thế nào chắc ai cũng biết, kể cả những người tiêu thụ một ngày 2 hoặc 3 gói thuốc. Kẻ lỡ hút lâu năm, đã trở thành ghiền, muốn bỏ cũng khó bỏ chiếm một tỉ lệ đáng kể trong giới tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam, trong số đó có nhiều người cùng trang lứa với kẻ viết bài này. Lại còn những người, tuy biết rất rõ tác hại của thuốc lá, nhưng nhất quyết không chịu bỏ (hay đã thử nhưng không được), đã ngụy biện rằng đời không còn gì vui thú, chỉ còn điếu thuốc trên tay mỗi khi buồn bã, chán nản hay những khi “nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây “(thơ Hồ Dzếnh).

Nhưng, trước con mắt kinh ngạc của tôi, nhiều người trẻ ở Việt Nam hiện nay có cùng quan niệm “sĩ diện hão” như ngày xưa chúng tôi đã từng “sĩ diện hão” rằng “không hút thuốc không phải nam nhi chi chí”. Ngạc nhiên hơn nữa, giới phụ nữ cũng nhiệt tình tham gia “trò chơi chết người” này . Một buổi sáng nhàn nhã ngồi ngắm ông đi qua bà đi lại ở quán cà phê thời thượng Terrace góc đường Lê Lợi và Pasteur (chỗ tiệm nước mía Viễn Đông cũ ngó qua), tôi chứng kiến 4 cô gái Sài Gòn xinh đẹp, những móng tay đỏ chót kẹp những điếu thuốc Marlboro Lights mảnh, dài, sang trọng và nhả khói thật điệu nghệ ở ngay bàn bên cạnh. Trông họ còn rất trẻ, chắc vẫn đang ở độ tuổi cắp sách đến giảng đường. Quả thật, trông dáng vẻ của những cô gái trẻ ấy vừa trò chuyện, thỉnh thỏang đưa điếu thuốc lên môi, thật quyến rũ. Tôi chợt nhớ đến “bức tuyệt tình thư gởi người tình khói sương của 30 năm chăn gối mặn nồng” (2) tôi đã thảo ra nhiều năm về trước, đến bây giờ qua cặp kính lão trễ gọng, tôi vẫn còn hình dung ra được ma lực đáng sợ của làn khói lãng đãng khiến hồn xiêu phách lạc ấy. Đáng sợ hơn nữa, làn khói lãng đãng ấy đang hiện hình thành những cô gái xinh đẹp ngồi trước mặt tôi. Lúc ấy, nếu tôi có yếu lòng, đốt một điếu thuốc cũng chỉ là lẽ thường tình khó có ai tránh khỏi.

Theo con số thống kê không chính thức, ở Việt Nam có khỏang 70 phần trăm học sinh thử hút thuốc, bắt đầu từ lớp 9 cho đến lớp 12. Trong số 70 phần trăm “thử đùa với lửa” ấy, có khỏang 30 phần trăm nghiện thuốc. Đó là một con số đáng buồn. Thời chúng tôi, vì thiếu thông tin, vì xã hội vẫn chưa có thái độ triệt để với sự tai hại của việc hút thuốc khiến nhiều người trẻ đâm đầu vào việc “hút sách” đã đành. Nhưng ngày nay, với những trào lưu chống hút thuốc lan rộng khắp thế giới, với những phương tiện thông tin nhanh chóng, đa dạng, đầy đủ về tác hại của thuốc lá, lại vẫn còn những thanh niên “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thì quả là đáng trách.

Trong một cuộc chuyện trò với vài người bạn cũ ở Sài Gòn, tôi còn được biết giới trẻ Hà Nội ngày nay coi việc hút thuốc lào như một thứ “mô đen thời thượng”. Không phải họ hút thuốc lào bằng bát, mà là hút bằng những chiếc điếu cày, lọai điếu mà chỉ những kẻ ghiền nặng mới dám cầm đến. Qua sự giới thiệu của anh bạn, tôi vào một trang Web có phóng sự nói về sinh họat trên phố cổ Hàng Vải của Hà thành nghìn năm văn vật:

Người dân Hà Thành đã không còn lạ lẫm gì với cảnh “trai thanh gái lịch” uống nước mía, hút thuốc lào vào những buổi trưa và chiều hè nắng nóng ở một con phố cổ.
Tiếng lành đồn xa, con phố Hàng Vải bỗng trở thành “thương hiệu” với món giải khát bình dân, cộng với mốt “bắn” thuốc lào của thanh niên càng làm cho phố trở nên sầm uất, tấp nập. Vào những ngày nắng nóng nhiệt độ lên đến 40°C thì những máy ép nước mía ở đây không được ngưng hoạt động một lúc nào.
Đặc biệt, phố đông nhất vào thời gian từ chập tối cho đến khuya, chủ yếu khách “bắn thuốc lào, uống nước mía”. Uống nước mía, hút thuốc lào bỗng trở thành bộ đôi “đặc sản” của một bộ phận thanh niên Hà Thành hiện nay và họ đã “mặc định” phố Hàng Vải là nơi hội tụ của 2 thứ đó. Nước mía kèm thuốc lào đã làm cho doanh thu của những hàng giải khát này chỉ tăng, không giảm số lượng. Mỗi ngày, một cửa hàng bán từ vài trăm cốc đến hàng nghìn cốc nước mía, giá 4.000 đồng/1 cốc.
” (Theo: http://vietchinabusiness.vn )

clip_image003

Phụ nữ “bắn Bazoka” say như điếu đổ.

clip_image004

Chiêu bán nước mía tặng khói thuốc lào có một không hai ở Hà Thành.

Anh bạn tôi, biết tôi cũng đã từng đem chiếc điếu cày từ trại cải tạo về Sài Gòn mà lúc ấy tôi gọi là “vật bất ly thân”, kể lại rằng trong một lần ra Hà Nội thăm người nhà, đã nhìn thấy chiếc những chiếc điếu cày còn “ngầu” hơn cái mà tôi mang về “dọa” anh ta năm nào. Anh cho biết, bọn trẻ ngòai ấy đi uống nước mía chỉ là cái cớ thôi, chứ mục đích chính khi đến những nơi như thế là để “bắn vài bi thuốc lào” cho đỡ thèm. Mấy chục năm nay, tôi mới nghe lại được những từ quen thuộc ngày nào của trại cải tạo: điếu cày, bắn, bi thuốc v..v… Nhưng bây giờ nghe lại mà lỗ tai cứ lùng bùng.

Nhưng tại sao lại là thuốc lào, thứ thuốc trước đây chỉ dành cho nông dân và thị dân nghèo chạy xích lô, làm phu khuân vác? Anh bạn tôi mỉm cười bảo rằng, có thế mới gọi là tuổi trẻ ngông cuồng, chỉ thích chơi nổi và đọc những câu thơ (vè?) do chính các cô cậu “sáng tác”:

Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện

Đỡ tốn tiền lại lắm em yêu

Hay :

Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện.
Thơm mồm bổ phổi, diệt trùng lao.
Nâng điếu lên như Triệu Tử cầm đao.
Nhả khói ra như Khổng Minh gọi gió.
Hút thuốc lào nâng cao hãnh diện
Bật que diêm như chớp lửa đêm đông
Hút
một hơi như sấm chớp đùng đùng
Nhả khói ra như rồng bay phượng múa
Mắt lờ dờ như nghệ sỹ ngâm thơ.

Đọc trong một phóng sự về phong trào hút thuốc lào ở Hà Nội, tôi còn được biết ở một ký túc xá đại học, cứ mỗi góc cầu thang lại dựng một chiếc điếu cày, sinh viên nào lên cơn ghiền cứ chạy ra đó “bắn một bi”, thật là tiện lợi¸ đỡ tốn tiền và thì giờ chạy ra “quán nước mía”.

Tưởng tượng ra tiếng kêu rin rít của chiếc điếu cày chạy dài suốt mấy dẫy đại học xá giữa đêm khuya vắng lặng, tôi lại nhớ đến cũng tiếng kêu ấy đã từng xuyên qua mấy dãy trại lán giữa rừng già Yên Bái những năm nào xa xưa. Tôi như ngửi được mùi nước điếu hăng hắc và bỗng rùng mình.

3.

clip_image006

Chỉ vài tháng sau khi được thả ra khỏi trại cải tạo với vật bất ly thân là chiếc điếu cày chế bằng tre gìa Yên Bái, tôi đã bị buộc phải ném nó vào thùng rác vì sự phản đối dữ dội của mấy đứa em gái. Chúng nó không chịu được mùi nước điếu hôi nồng nặc căn phòng cao 1m8, rộng 4m, dài 6m dành cho 6 con người làm nơi vừa ăn, vừa ngủ. Từ ấy, tôi chỉ còn làm bạn với những điếu thuốc lá vấn tay khét nghẹt. Chỉ vài năm sau khi đặt chân lên đất Mỹ, xứ của tự do, cơ hội và nhất là xứ của những điếu thuốc lá thơm lừng danh thế giới, tôi cũng đã bị buộc phải từ bỏ chúng vĩnh viễn vì tình thương con lớn hơn ham muốn cá nhân. Rất nhiều năm về sau, tôi ý thức được hơn ai hết tầm mức quan trọng của cuộc chia tay với người tình khói sương năm ấy. Mới năm ngóai, tôi đã buồn bã đưa một người thân thiết của tôi lên chuyến tàu cuối cùng về nơi miên viễn vì ung thư phổi, kết quả không tránh khỏi của nhiều năm làm bạn với thuốc lá. Giống như người quá cố, tôi đã là một kẻ nô lệ tự nguyện. Khác với người quá cố, tôi đã may mắn thóat vòng kềm tỏa của tên chủ nhân ông độc ác một thời gian, tôi hy vọng, nó đủ dài để có thể đứng bên này bờ tử huyệt.

Lần họp mặt đông đủ anh em trong gia đình mới đây ở quê nhà, giữa vùng khói thuốc mù mịt, tôi đã nhắc đến người quá cố như một lời cảnh cáo. Tất cả chỉ ngồi nghe, không ai nói một lời.

Biết là một chuyện, nhưng làm lại là một chuyện khác. Nhìn những người thân yêu của mình đăm chiêu đưa điếu thuốc lá lên môi, tôi thấy mắt cay xè.

Có lẽ là do khói thuốc lá dầy đặc làm tôi chảy nước mắt chăng?

T.Vấn

Sài Gòn – Wichita

Tháng 8- 2009

(1) Theo Đông Phong Nguyễn tấn Hưng, trong bài khảo luận về thuốc lá thuốc lào (www.chimviet.free.fr) thì ngay từ ” Năm Ất-tỵ niên-hiệu Cảnh-trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyn Tông,triu-đình đã hai lần xuống lịnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt. ”

(2) Dưới đây là nguyên văn bức tuyệt mệnh thư gởi người tình khói sương của một kẻ phụ tình :

Em yêu dấu,

Ngàn đời vĩnh biệt em, người tình khói sương của 30 năm ân ái mặn nồng. Xin em nhận những lời tạ lỗi chân thành nhất từ trái tim đã bao phen đau đớn, khó thở vì nỗi đam mê em ngự trị. Nhưng dẫu đau đớn tôi nào dám hờn giận gì em, hay đoái hoài gì đến cuộc đời bỏ đi của chúng ta. Tôi mang tiếng phụ tình cũng chỉ vì tình thương con quá bao la. Em đã sống với tôi hơn 30 năm. Quá đủ cho một đời người ngắn ngủi. Xin hãy nhường phần đời còn lại của tôi cho con tôi, đứa con gái bé bỏng cần cha như cần hơi thở. Mai sau, nếu có gặp nhau, xin hãy xem nhau như hai người xa lạ. Nếu tôi có yếu lòng, muốn được hôn đôi môi trong trắng thơm mùi thuốc lá của em, dù chỉ một lần, xin hãy vì con tôi mà thẳng tay từ chối. Hệ lụy cuộc đời nhiều lắm em ơi. Tôi không muốn mãi mãi lún sâu vào hệ lụy em một lần nữa.

Ơi người tình khói sương một thời yêu dấu !

Vĩnh biệt !

Mỹ Quốc, một ngày ảm đạm.

( Trích : Người tình khói sương . T.Vấn – www.t-van.net )

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search