T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Người phụ nữ và cái bóng (đáng ghét) của đàn ông

clip_image002

Đó là một phụ nữ rất đáng chú ý.

Đẹp, tự tin, lưu loát. Cô nói tiếng Anh như một người được sinh ra trên mảnh đất này và giọng nói, cách dùng chữ tiếng Việt của cô khiến người nghe không thể tin rằng cô sống ngòai đất nước đã 25 năm nay. Và giỏi. Cô làm chủ một căn nhà ở khu vực thượng lưu của thành phố với lối kiến trúc, cách bầy biện chứng tỏ một cá tính rất mạnh mẽ của người chủ.

Buổi nói chuyện giữa chúng tôi đã xóay quanh vai trò và sự trưởng thành của người phụ nữ Việt nam trung niên sống trên những mảnh đất ngòai quê hương. Theo cô, đó là một bước ngoặt đáng kể. Nó đã đưa người phụ nữ (Việt Nam) thóat ra khỏi cái bóng người đàn ông che phủ suốt mấy ngàn năm nay. Trên mọi lãnh vực của đời sống, từ vai trò người đi làm mang đồng tiền về nhà (bread winner), đến các họat động chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người phụ nữ (Việt Nam) – nếu không nổi bật lên hẳn –thì cũng xác định được chỗ đứng rất bình đẳng bên cạnh người đàn ông (vốn thường được coi là, tự coi mình là – chủ tể). Cô đọc cho tôi nghe những cái tên phụ nữ giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền (Mỹ), những vị đang vận động ra tranh cử vào các chức vụ dân cử cấp liên bang, những vị đã thành danh trong lãnh vực sinh họat văn hóa, nghệ thuật xứ người v.v.. .Điều cô muốn nhấn mạnh, đây là những người đứng hai chân trên hai nền văn hóa hòan tòan khác nhau: văn hóa Việt Nam và những nền văn hóa không phải Việt Nam. Đó là thế hệ những người phụ nữ Việt Nam vượt hẳn các thế hệ đàn chị của mình (ra khỏi nước khi đã bận bịu với gia đình, tuổi tác không còn trẻ để học hành) về phương diện năng lực xã hội, cửa ngõ thuận lợi nhất để họ chen vai thích cánh cùng nam giới, chứng tỏ khả năng tự điều chỉnh của mình và đồng thời, hòan thành cuộc cách mạng nữ giới đã được khởi xướng từ nửa cuối thế kỷ trước. Nói cách khác, người phụ nữ Việt Nam (ở ngòai nước) đã hòan tòan vượt thóat khỏi bốn bức tường gia đình và tự khẳng định được cho mình chỗ đứng ngòai căn nhà truyền thống ấy.

Nhìn người phụ nữ trẻ (vừa phải) ấy say mê nói về những điều còn gây khá nhiều tranh cãi (trong giới đàn ông chúng tôi), tôi ngạc nhiên không hiểu cô tìm đâu ra được sức mạnh để nâng đỡ cô trong cuộc đấu tranh gai góc hàng ngày, như người ta thường nói thân gái dặm trường. Khi được hỏi về cuộc sống riêng, cô tự tin trả lời rằng còn gì hạnh phúc hơn sau một ngày bươn chải bận rộn, buổi chiều được hòan tòan tự do với một quyển sách hay, một dĩa nhạc ưa thích và ly rượu đỏ dịu dàng sóng sánh trên tay, cùng với sự cô đơn cần thiết trong khỏanh khắc tuyệt diệu nhất của một ngày sống. Nhìn tôi với ánh mắt như có sự thách thức, cô bảo đó là chính là nơi chốn và là lúc cô tìm thấy cái sức mạnh mà tôi nói đến. Tôi giật mình thấy trong những điều cô nói, không có chỗ cho người đàn ông. Về điều này, cô cũng xác định rằng, người phụ nữ hiện đại có quyền không chọn mua bất cứ thứ gì để rồi sau đó hối hận vì mình đã mua lầm, và hạnh phúc – với cô – phải là hạnh phúc tuyệt đối trong khuôn khổ một sự tự do tuyệt đối.

Nhân câu chuyện về một người phụ nữ còn gợi trong đầu tôi nhiều suy ngẫm, tôi lại nhớ đến một người phụ nữ Việt Nam lừng danh khác. Bà thuộc về thế hệ đàn chị của người phụ nữ trong câu chuyện của tôi ở trên. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi theo gót đòan quân chiến thắng từ miền Bắc vào tiếp thu Sài Gòn, ngay lúc đó… bà đã biết rằng trong suốt mấy chục năm cả một nửa đất nước đã bị lừa gạt. Kể từ khi ấy, mầm “làm giặc” đã được ươm trong đầu “người đàn bà răng đen mắt tóet”. Với thời gian, cái mầm ấy đã khai sinh ra “một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ”. Không cần đến cương lĩnh giải phóng phụ nữ, không cần đến nhu cầu “phá bỏ cái bóng người đàn ông phủ lên người đàn bà đã mấy nghìn năm”, không cần đến cái tự do tuyệt đối nhằm chứng minh sự độc lập tuyệt đối của người phụ nữ hiện đại, bà đã khẳng định vị trí nổi bật của mình – một người đàn bà Việt Nam răng-đen-mắt-tóet- trong lãnh vực từ trước tới nay chỉ – một cách mặc nhiên – dành cho người đàn ông vì tính cách khốc liệt, không khoan nhượng, không thương xót của nó. Đó là lĩnh vực “làm giặc”. Cũng chính đức tính thường thấy ở người phụ nữ Việt Nam (lòng kiên nhẫn, khả năng chịu đựng) – theo lời bà- đã giúp bà sống còn cho đến nay. Trước đây , bà đã từng nhiều năm trải qua một cuộc chiến tranh có súng đạn, có mìn bom hầm hố, và tất nhiên có người chết, có nhà cửa xóm làng tan hoang. Sống sót trở về chưa hẳn đã là sự may mắn theo cái nghĩa anh thợ cày lau kiếm, ngày ngày vui thú bên nương dâu, cái cày, con trâu và người vợ trẻ, tự do hưởng khí trời. Là người sống sót, con “mắt tóet” của bà nhìn thấy ngay rằng, trên đất nước từ nay đã thu về một mối của mình, người ta không được quyền làm người, chữ Người viết hoa.

Và người phụ nữ ấy đã chọn cho mình con đường làm giặc, để giúp cho dân của bà (trong đó có gần một nửa là đàn ông) “mở mắt ra và biết sống cuộc sống con người”, dù biết rằng, khi chọn con đường “làm giặc”, có nghĩa là chọn một con đường chết, con đường không có lối ra.

Đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của bà về nhiều vấn đề – và đôi khi những quan điểm ấy bộc lộ một cách quá “kiêu hãnh” – nhưng sự can đảm ở người phụ nữ ấy là điểm ít người phủ nhận. Bà đã khiến nhiều người đàn ông tai to mặt lớn trong nước kiềng mặt, vì “con giun xéo lắm cũng quằn”, nhất là con giun ấy lại là một người phụ nữ có giọng nói rất khỏe, một trái gan rất to, một khả năng lập luận rất . . . không đàn bà, một vốn sống rất thật và một khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ rất sắc bén.

Bây giờ thì – người phụ nữ có “rất nhiều cái rất” ấy, sau khi được cho ra khỏi nước tham dự Liên Hoan Văn Học Quốc Tế theo lời mời của chi hội Văn Bút Hoa Kỳ tại thành phố New York, bà quyết định ở lại Pháp – theo lời bà- để có điều kiện hòan tất những dự tính văn học của bà.

Ở trong nước, hẳn có nhiều người đàn ông thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin này.

T.Vấn

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search