T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nỗi ám ảnh không rời

clip_image002

” Chí lớn không về, tay chùn chân mỏi

Một cuộc bại thành, cằn mái sương pha

(T. Vấn – Bi ca)

1.

Những ngày chớm hè vừa rồi, cùng với gia đình, tôi có mặt tại một thành phố nghỉ mát nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp của miền Đông Nam nước Mỹ. Tôi cũng được dịp, cùng với một vài người bạn, đến thăm một người thầy cũ của chúng tôi hồi còn học trên Đà Lạt. Tại đây, trong căn nhà rộng lớn như căn biệt thự sang trọng năm xưa thành phố miền cao ấy, ngoài vị Thầy khả kính, tôi còn được gặp lại một phụ nữ mà 30 năm trước chỉ là một cô gái lên 10. Lẽ tất nhiên, chúng tôi chẳng thể nhận ra nhau. Mãi đến lúc sắp chia tay, nhân cơ hội cô nhắc đến tên một người bạn cũ, tôi và cô mới từ từ cùng nhau lần ra được mối quan hệ trước đây. Tôi hỏi cô về một kỷ niệm cũ trong căn nhà của bố cô, với một người mà, thời tôi còn là sinh viên ở Sài Gòn, đã cùng nhau lên đường xuống đường tranh đấu biểu tình, đã cùng ràn rụa nước mắt vì lựu đạn cay của cảnh sát, đã cùng sôi nổi những ảo vọng của tuổi trẻ, tưởng rằng chúng tôi có thể lật ngược cả thế giới này bằng một bài diễn văn nẩy lửa, rồi hân hoan ném những vỏ xe hơi đốt khét lẹt vào đó, hy vọng nghèo đói nô lệ chiến tranh cũng theo đó mà tàn lụi, và yên tâm rằng mình đang trên đường thực hiện sứ mạng lịch sử giao phó. Một cách tình cờ, trong căn nhà của người Thầy cũ – tức bố cô-gái-năm-xưa-người-thiếu-phụ-bây-giờ- vài năm sau đó, chúng tôi gặp lại nhau, với hai cương vị khác nhau – thậm chí đối nghịch -, và đi hai con đường hoàn toàn khác nhau.

Nhìn người phụ nữ, tôi mới sực nhớ lại người bạn cũ của mình. Cũng qua người phụ nữ, tôi được biết rằng, người bạn tranh đấu ngày xưa nay đã chính thức về hưu, an hưởng tuổi già cùng với gia đình ở một thành phố miền Đông Bắc nước Mỹ.

Tôi ngậm ngùi hỏi cô, và hỏi mình, nhanh đến như vậy ư?

. . . nhũng dòng sông năm xưa nay đã chảy ra biển và mất tăm giữa lớp sóng chập chùng của đại dương. Những đời người cũng đã tan biến giữa những chập chùng của hưng phế. Cái ảo vọng một thời đã bị thực tế và thời gian làm tan vỡ. Nhưng vẫn còn đó nỗi bùi ngùi về một thời tuổi trẻ . . .

Những ngày ấy, chúng tôi đến với nhau tự nhiên như mây trời. Chúng tôi không hề băn khoăn suy nghĩ về một thực tại thiếu cơm thiếu áo của chính bản thân mình. Chúng tôi quá dư thừa những hoài bão để bù đắp vào sự thiếu thốn ấy. Chúng tôi lãng mạn như những nhân vật tiểu thuyết bị ném vào cuộc đời qua khung cửa hẹp. Vì thế, những ngày ấy, chúng tôi không biết rằng, mình chỉ là bong bóng xà phòng, tuy lộng lẫy sắc màu, nhưng mong manh dễ vỡ. Và kết quả là chúng tôi bị cuộc đời kéo xuống , bắt chạm chân trên mặt đất cùng với những ảo vọng ngông cuồng sớm hơn là chúng tôi tưởng. Người bạn ấy tìm nơi an thân trong một cuộc sống nhiều phần dễ chịu. Còn tôi, bước chân vào nơi gió cát mà vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Có chăng là những tưởng tượng về một thân xác người nữ vẫn đêm đêm làm tôi thao thức . . .

Hơn ba mươi năm kể từ ngày chúng tôi bị lôi cổ từ trên mây xuống bắt đặt chân trên mặt đất, ngoại trừ lần gặp nhau lại ngỡ ngàng tại nhà người Thầy Học cũ, chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nhau nữa. Nay nghe tin người bạn cũ đã về hưu. Mảnh quê hương năm xưa mà chúng tôi tưởng rằng có thể đem lại hòa bình, cơm no, áo ấm chỉ sau một đêm khản cổ những bài ca cách mạng lãng mạn, nay, tuy đã có hòa bình nhưng cơm vẫn chưa no và áo vẫn chưa ấm. Nhiều những đời người đã biến đi với chiếc áo rách và bụng lép kẹp. Nhiều những con đường khét lẹt vỏ xe hơi ngày xưa bây giờ bụi mù những bước chân người buôn thúng bán bưng. Nhiều những quán xá trước đây là nơi tụ họp cho những người trẻ say sưa thảo luận phương cách xây dựng một ngày mai tươi sáng nay là nơi những cô gái trẻ phơi bày thân thể cho người mua vui. Nhiều những dòng sông đã lặng lẽ về ngủ yên giữa lòng biển cả. Nhiều những kỷ niệm đã không còn tìm ra chỗ để rơi những giọt nước mắt khóc cho những kỷ niệm . . .

Thế mà người bạn tranh đấu năm xưa nay đã về hưu, còn tôi ngơ ngác giữa một chiều nơi thành phố lạ lẫm, trong căn nhà cũng lạ lẫm không kém, nhìn người Thầy Cũ tóc bạc như sương ngồi run rẩy với những căn bệnh của tuổi già. Hình như tay tôi cũng run rẩy khi bắt tay người thiếu phụ trung niên chủ nhà và khó khăn lắm mới nói được hai chữ cám ơn.

Tôi đã từng viết đâu đó rằng, những người trẻ tuổi thường kiễng chân nhìn về phía trước, và những người già cả thì hay ngoái cổ nhìn lại sau lưng, nên người ta ít khi nào sống trọn vẹn cho hiện tại, tức cuộc sống đang ở có thật ở trước mắt. Buổi chiều nay, nơi thành phố tôi đến để tận hưởng những ngày hè nghỉ ngơi cùng với gia đình và bạn bè, nơi căn nhà tôi đến để vấn an người thầy cũ, để trân trọng nghĩa thầy trò, tôi đã không thực sự trọn vẹn hồn xác cho một thực tại, lẽ ra, mang đầy đủ dáng dấp của hạnh phúc, thứ hạnh phúc thật đời thường.

Có lẽ, dưới đáy cùng những băn khoăn suy nghĩ cho một cuộc sinh tồn nơi xứ người, tôi – và những người bạn cùng một lứa bên trời lận đận – vẫn còn bị ám ảnh về những sứ mạng chưa được chu toàn, những sứ mạng sẽ không bao giờ được chu toàn, những sứ mạng tưởng tượng hay có thật, để ngày nay, đau xót nhận ra rằng đã quá muộn để bắt đầu làm lại, đã quá muộn để có đủ can đảm đối diện với những ảo vọng một thời, nay biến thành nỗi ám ảnh khôn nguôi, cái ám ảnh của kẻ thất phu nhìn sự thất bại của đời mình như là căn rễ cho sự mục nát của một giai đoạn lịch sử.

Dẫu vậy, tôi vẫn còn đủ can đảm đối diện với Phút Sự Thật. Sự thật về những cuộc đời đã chẳng may sống sót sau một trận càn quét rất bất nhân của lịch sử. Nay, nhận tin người bạn cũ về hưu mà chợt giật mình soi gương, thấy mình cũng bất nhân không kém gì lịch sử.

T.Vấn

Mùa Hè 2004 – Florida

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search