T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhân giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 2010

Ngày 8 tháng 10 năm 2010, Ủy ban giải thưởng Nobel của Na-Uy đã công bố tên người được nhận giải Nobel về Hòa Bình năm 2010: nhà họat động ly khai người Trung quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), 54 tuổi, vì “những nỗ lực bất bạo động và bền bỉ nhằm tranh đấu cho những quyền cơ bản nhất của con người ở Trung quốc”, quê hương của ông.

Ông Lưu Hiểu Ba là ai? Như những trường hợp tương tự ở Việt Nam, Cuba, Trung quốc, tên của những nhà họat động dân chủ, nhân quyền tuy quen thuộc với thế giới nhưng lại khá xa lạ với chính những người dân ở trong nước, những người mà vì chính quyền lợi thiết thân của họ mà những nhà họat động nhân quyền liều mình tranh đấu. (*)

Ông Lưu Hiểu Ba

Ở Trung quốc, ít người biết ông Lưu Hiểu Ba là ai. Nếu có biết, thì qua bộ máy tuyên truyền và báo chí kiểm duyệt ở trong nước, thì ông Lưu Hiểu Ba là một tội phạm phá họai sự an ninh phúc lợi của nhà nước và nhân dân Trung quốc, hiện đang đền tội với bản án 11 năm tù ở.

Nhưng cộng đồng những người yêu chuộng dân chủ rộng rãi trên thế giới và ủy ban xét giải thưởng Hòa Bình Nobel thì không xa lạ gì với cái tên Lưu Hiểu Ba.

Ông là một nhà văn, học gỉa được mời thỉnh giảng ở nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó có đại học Columbia ở New York (Hoa Kỳ), trường đại học Oslo của Na-Uy (Norway).

Là con của một người lính hồng quân, ông thuộc thành phần sinh viên đại học những năm 1970s, tương đối ổn định sau những năm tháng xã hội Trung quốc hỗn lọan vì cuộc cách mạng văn hóa đẫm máu. Năm 1998, lần đầu tiên ông được đi nước ngòai, nhận thỉnh giảng tại đại học Oslo, Na-Uy. Cũng chính từ đây, tầm mắt ông được mở rộng. Mấy tháng sau, trong lúc đang thỉnh giảng ở trường đại học Columbia, New York, cuộc phản kháng Thiên An Môn của sinh viên Bắc Kinh bùng nổ, ông cắt ngang công việc và lên đường về nước để tham gia cuộc phản kháng này. Tại đây, cùng với những nhà họat động tương đối lớn tuổi khác, ông đã thuyết phục sinh viên hãy trở về nhà trước khi cuộc tàn sát đẫm máu những người biểu tình ngày 4 tháng 6 năm 1989 của nhà cầm quyền Trung quốc.

Sau cuộc bạo động Thiên An Môn, với tư cách là một trong những kẻ chủ chốt khích động sinh viên, ông bị án tù, nhưng được thả ra vào đầu năm 1991 vì, theo các cơ quan truyền thông chính phủ, ông đã “ăn năn hối cải và có những đóng góp đáng khen thưởng“.

Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau đó, 1996, ông đã bị đi học tập cải tạo trong 3 năm vì đã góp phần sọan thảo một lá thư ngỏ yêu cầu truất phế viên chủ tịch nước lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân.

Năm 2008, ông là đồng tác giả bản Hiến Chương 08, đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do hội họp cho nhân dân Trung Quốc bằng những biện pháp hòa bình và bất bạo động, tương tự như bản Hiến Chương 07 ở Tiệp Khắc năm 1989 đã dẫn tới cuộc cách mạng nhung quét sạch nhà cầm quyền cộng sản ở nước này. Ngày 8 tháng 12 năm 2008, chỉ vài giờ trước khi bản Hiến Chương 08 được công bố, công an đã bắt giữ Lưu Hiểu Ba. Với nhà cầm quyền Trung quốc, Hiến Chương 08 là một sự thách đố trực tiếp 60 năm độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung quốc. Ngày 25 tháng 12 năm 2009, Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù với tội danh phá họai nền an ninh quốc gia.

Những người ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba biểu tình đòi nhà cầm quyền thả tự do cho ông

Tháng 3 năm 2010, một giáo sư Triết học tại đại học Princeton, Hoa Kỳ, đã đề cử Lưu Hiểu Ba cho giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010. Trong tổng số 237 ứng cử viên được đề cử nhận giải, một con số kỷ lục kể từ khi giải ra đời, Lưu Hiểu Ba đã chính thức nhận được sự ủng hộ của những người từng được nhận giải thưởng này như Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng Đức Đạt lai Lạt Ma và một số người khác.

Đây là lần đầu tiên giải thưởng Nobel Hòa Bình được trao cho một người đang bị cầm tù vì những họat động nhân quyền của mình. Trong quyết định trao giải, Ủy ban Nobel đã nhận xét rằng “qua việc chịu một bản án trừng phạt nặng nề, Lưu Hiểu Ba đã trở thành một biểu tượng lỗi lạc trong nỗ lực tranh đấu tòan diện cho nhân quyền ở Trung quốc“.

Ngay từ thời gian nhiều tháng trước khi xét trao giải, Ủy ban Giải thưởng Nobel về hòa bình đã chịu áp lực từ phía nhà cầm quyền Trung quốc về sự lựa chọn của mình, kể cả việc họ sẽ có những quyết định bất lợi trên mặt ngọai giao với Na-Uy. Nhưng dù cho chính phủ Na-Uy có vì “tình hữu nghị của hai nước” mà có sự khuyến cáo với ủy ban xét giải, cũng sẽ không có kết quả gì. Ủy ban Nobel thường làm việc độc lập và không một áp lực nào, của chính phủ hay các nhóm họat động chính trị, tôn giáo, có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ.

Vài giờ trước khi chính thức công bố tên người nhận giải, chủ tịch Ủy Ban Nobel Hòa Bình ông Thorbjoern Jagland đã phát biểu trên đài truyền hình địa phương rằng sự lựa chọn năm nay sẽ gây nhiều tranh cãi, và mọi người sẽ hiểu khi tên người nhận giải được chính thức thông báo.

Ngay sau khi Ủy ban Nobel công bố danh tính người nhận giải thưởng Hòa Bình năm 2010, Đức Đạt Lai Lạt ma đã chính thức lên tiếng chúc mừng ông Lưu Hiểu Ba và kêu gọi nhà cầm quyền Trung quốc hãy phóng thích ông Lưu Hiểu Ba cùng với những tù nhân lương tâm khác đã bị giam giữ vì tội thực thi quyền tự do tư tưởng của mình.

Giới cầm quyền Trung quốc phản ứng thật gay gắt. Bộ ngọai giao Trung quốc kết tội ủy ban Nobel Hòa bình đã “hòan tòan đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của giải thưởng hòa bình, thậm chí còn là hành động báng bổ” khi trao giải thưởng cho “một tên tội phạm đã bị kết án bởi luật pháp Trung quốc vì những hành động vi phạm pháp luật” của y. Họ còn cảnh cáo rằng, quyết định “sai trái” của Ủy Ban Nobel về Hòa Bình đã làm thiệt hại nghiêm trọng mối quan hệ song phương giữa Trung quốc và Na-Uy.

Thủ tướng Na-Uy Jens Stoltenberg cho rằng ông không thấy có lý do nào để Trung quốc “trừng phạt” Na-Uy với tư cách một quốc gia chỉ vì một giải thưởng. Ông cũng tin rằng, nếu Trung quốc làm như vậy, sẽ tạo nên một hình ảnh rất xấu cho chính mình trước cộng đồng quốc tế. Vả chăng, là một cường quốc, cách cư xử đó là một hành động nhỏ nhen, không xứng đáng với vị trí mà Trung quốc đang có .

Mặt khác, ở Trung quốc, những tin tức liên quan đến kết quả giải thưởng Nobel Hòa Bình đã bị ngăn chặn. Chương trình phát hình của CNN liên quan đến giải Hòa bình Nobel bị xóa. Các trang mạng có nhiều người xem đã bị gỡ đi những phần tin tức, bình luận liên quan đến giải Nobel (dù đó giải về văn chương, về khoa học). Trang Sina Microblog, một trang tương tự như Twitter, tất cả những nội dung nào có chữ “Xiaobo” đều bị xóa sạch. Những tin nhắn (messages) qua điện thọai có những chữ ” Liu Xiaobo ” cũng đều không chuyển được.

Bà vợ ông Lưu Hiểu Ba cầm bức ảnh của chồng

Vào hôm thứ sáu 8 tháng 10 năm 2010, nhiều giờ sau khi tên người nhận giải được công bố, vợ ông Lưu Hiểu Ba, do bị công an canh chừng, không cho bà tiếp xúc với các phóng viên, nên bà chỉ có thể gởi những tin nhắn qua điện thọai ra bên ngòai với nội dung bà rất sung sướng, và vào ngày thứ bảy 9 tháng 10, bà sẽ đến thăm ông trong nhà tù (cách xa khỏang 300 dặm) để báo cho ông biết tin mừng. Có nghĩa là, trong lúc cả thế giới xôn xao và chúc mừng, thì người nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 vẫn chưa biết tin, vì ông không được phép sử dụng điện thọai để liên lạc với bên ngòai.

Đó là câu chuyện khó tin, nhưng có thật.

Lại nhớ đến giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1973 được trao cho hai cá nhân: Bộ trưởng Ngọai giao Hoa Kỳ Henry Kissinger và Ủy viên bộ chính trị Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ vì những “cố gắng nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Trước đó, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris đã được các bên ký kết ở Pháp, theo đó, quân Mỹ sẽ rút tòan bộ về nước và các bên tranh chấp sẽ giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Với thế giới, như thế là chiến tranh đã chấm dứt. Hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải thưởng hòa bình vì hai ông đã nỗ lực để cho hiệp định Paris được ký kết.

Ông Kissinger vui vẻ nhận giải, còn Lê Đức Thọ thì từ chối, không chịu nhận.

Kissinger và Lê Đức Thọ bắt tay chúc mừng nhau

Mới đây, hôm thứ tư 29 tháng 9 năm 2010, trong một cuộc hội thảo tại bộ Ngọai giao Hoa Kỳ với đề tài sự dính líu của nước Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, ông Kissinger đã thú nhận rằng cái cách mà người Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho người Mỹ xâu xé lẫn nhau. Ông cũng thú nhận rằng, ông đã nhượng bộ phe Cộng sản quá nhiều trong các cuộc hòa đàm, vì bên đối phương quá kiên trì với những đòi hỏi của họ, còn ông thì bằng mọi cách phải kéo nước Mỹ ra khỏi vũng lầy Việt Nam. Ông còn tỏ lòng ngưỡng mộ kẻ đối thủ của ông lúc đó là Lê Đức Thọ, “đã khéo léo và kiên trì làm tròn những chỉ thị từ cấp trên của mình để vượt trội hơn người Mỹ “. Theo ông, đó là vì “Người Mỹ muốn nhượng bộ. Còn Hà Nội thì muốn chiến thắng.” (America wanted compromise. Hanoi wanted victory.). Khi ký kết hiệp định Paris, ông biết rằng đó không phải là một hiệp định đem lại hòa bình cho khu vực, và rằng nó chỉ làm suy yếu thêm chính quyền miền Nam trong cuộc tranh chấp với kẻ đối thủ phương Bắc mà thôi. Nhưng người Mỹ lúc ấy không còn có sự lựa chọn nào khác.

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1973 quả là một sự mỉa mai. Kẻ nhận giải là Kissinger biết rõ rằng nỗ lực của mình không mang lại hòa bình, chỉ giúp cho một bên đối đầu sớm ngã gục và bên kia sớm giành thắng lợi trong cuộc chiến. Mục tiêu chính trong những nỗ lực của Kissinger không phải là hòa bình, mà là sự rút lui của người Mỹ.

Kẻ từ chối nhận giải biết rõ hơn bất cứ ai rằng, những nỗ lực của mình thay mặt cho đảng Cộng sản và chính phủ của mình, không bao giờ nhằm mục tiêu hòa bình. Vì nếu vì mục tiêu hòa bình, thì họ đã không phát động cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài trong 21 năm khiến hơn 5 triệu người vừa dân vừa lính của cả hai bên thiệt mạng. So với dân số của cả hai miền năm 1975 thì con số đó là hơn 10 phần trăm. Họ chỉ muốn chiến thắng, muốn thâu gồm cả đất nước trong tay để thực thi một thể chế chính trị sai lầm làm chết hàng bao triệu con người, kéo lùi đất nước cả 30 năm. Với người Cộng sản, chỉ có bạo lực mà họ gọi là bạo lực cách mạng. Hòa bình không mang một khái niệm bình thường của hòa bình trong tâm tư người cộng sản. Chính vì thế, họ không thể nhận giải. Họ không muốn ở vào vị thế há miệng mắc quai. Vả chăng, cá nhân Lê Đức Thọ chẳng là gì dưới con mắt của bộ chính trị. Dù Thọ có muốn đứng ra nhận giải, cũng không thể làm điều đó theo ý mình.

Năm 1975, cuộc chiến tranh Việt Nam thực sự chấm dứt. Sự mỉa mai của giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1973 đã lộ rõ. Cả thế giới đã mở mắt để nhìn nhận thực trạng của hòa bình năm 1973 ở Việt Nam. Ông Kissinger có ý định trả lại giải, nhưng ủy ban Nobel Hòa Bình không chịu nhận. Còn Lê Đức Thọ (hay chính phủ Hà Nội) có lẽ mải vui với chiến thắng, nên đã quên đi vòng vương miện hòa bình chỉ mới cách đó 2 năm.

Có lẽ nhà cầm quyền Trung quốc nên nhìn lại sự kiện này để bớt vẻ hung hăng với quyết định trao giải năm nay của Ủy ban Nobel Hòa Bình.

Chuyện có gì đâu mà làm ầm ĩ lên như vậy. Năm 1973, giải cứ trao mà kẻ được giải (tuy không nhận nhưng vẫn là kẻ được giải) cứ mạnh tay bóp cổ hòa bình. Còn bây giờ thì mặc cho cái ủy ban rách việc ấy ở Oslo. Trao giải thì cứ trao giải, còn Lưu Hiểu Ba cứ tiếp tục án tù. Làm gì nhau được nào? Hay là chơi một đòn cao tay, thả ông Lưu Hiểu Ba ra, bắt phải đi Oslo mà nhận giải. Nhận xong rồi thì tìm chỗ khác mà ở, chứ cái xứ sở Trung quốc vĩ đại này nhất quyết không mở cửa cho đứa con ngỗ nghịch trở về. Đó là cách xử tử một nhà họat động phản kháng hữu hiệu nhất. Về phương diện này thì giới chức Trung Nam Hải phải học hỏi lũ học trò của mình ở Ba Đình.

T.Vấn

8 tháng 10 năm 2010

* Tháng 7 năm 2009, tôi có mặt ở Sài Gòn trong lúc nhà cầm quyền cho lệnh công an bắt giữ sinh viên Nguyễn Tiến Trung, một người tuổi trẻ can đảm đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng sản phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người. Ngòai Bắc, viên cựu trung tá Trần Anh Kim, một nhà họat động dân chủ,  cũng bị bắt giữ với tội trạng giống như Nguyễn Tiến Trung: “Về hành vi Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự”. Những người tôi quen biết ở Việt Nam, kể cả những người trẻ tuổi, không ai biết Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim là ai, trong khi đó, tôi là người sinh sống ở hải ngọai, lại biết khá rõ những tên tuổi này. Họ cầm tờ báo Công an thành phố, có tin và hình về hai cuộc bắt giữ nói trên, dửng dưng như đọc tin về bất cứ tội phạm hình sự nào. Tôi không trách những người dân ở Việt Nam không biết đến những người đang ngày đêm bất chấp hiểm nguy tranh đấu cho quyền làm người của mình, mà chỉ thấy ghê rợn cho sự bưng bít mọi thông tin của chính quyền và sự thỏa hiệp đáng tội nghiệp của những người làm báo lề phải ở Việt Nam. T.Vấn

Tin thêm ghi nhận ngày 5 tháng 11 năm 2010:

Tòa đại sứ Trung Quốc ở Oslo (thủ đô Norway) đã chính thức gởi thư đến các vị đại sứ các quốc gia châu Âu (tọa lạc ở Oslo), yêu cầu họ không tham dự buổi lễ phát giải Nobel Hòa Bình sẽ được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 tới đây tại Oslo. Bức thư của Đại sứ Trung Quốc còn yêu cầu các nhà ngọai giao Tây Phương không ra những tuyên bố có nội dung ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba, vì theo lập trường “trước sau như một” của nhà cầm quyền Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba là một tội phạm gây rối nền an ninh công cộng trong nước và việc Ủy Ban Nobel quyết định trao giải cho ông này là một hành động can thiệp vào nội tình Trung Quốc. T.Vấn

 

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search