T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nỗi ám ảnh của chiến tranh

clip_image002

1.

Người bạn gìa làm việc cùng phòng, hôm nay vừa thấy mặt tôi đã nói như khóc về việc con bà có lệnh đi đóng quân ở Iraq trong khi anh ta mới có đứa con đầu lòng được mấy hôm. Bà cho rằng chính quyền nước nào, ở thời nào cũng rất độc ác. Rồi như sực nhớ rằng tôi cũng đã từng “dính líu” đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam mấy chục năm trước, bà kể cho tôi câu chuyện về người chồng quá cố  của bà mà quên rằng đã hơn một lần tôi được nghe câu chuyện này cũng từ miệng bà. Người chồng cũ của bà, năm 1969, là sĩ quan chỉ huy một đơn vị Lục quân Hoa Kỳ. Đầu năm ấy, bà vừa hạ sinh đứa con duy nhất của hai người thì ông được lệnh lên đường đi phục vụ ở Việt Nam. Vài tháng sau, ông tử trận ở một địa danh mà bà không thể nào đánh vần được, càng không thể phát âm tương đối “giông giống” để ít nhất người khác (tôi) có thể đóan được đó là nơi nào trên mảnh đất (tuy quen thuộc với tôi) nhưng lại vô cùng xa lạ với một người Mỹ trẻ,  là bà. Dù mỗi buổi chiều bà ngồi trước màn ảnh truyền hình, nghe những tin tức chiến sự mới nhất trên mảnh đất ấy và cố hình dung ra những gian truân, nguy hiểm mà chồng bà đang trải qua. Ngày bế con tiễn chồng lên đường, bà đã vừa nén nỗi buồn, vừa nén cơn giận dữ hỏi chồng: Tại sao nước Mỹ phải tham chiến ở Việt Nam? Ông không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, chỉ nói rằng là một người lính, ông phải làm nhiệm vụ một người lính. Ông không có lựa chọn nào khác.

Ngày được tin chồng chết, bà khóc như bất cứ người vợ trẻ nào được tin chồng chết trận. Sau đó, bà tham gia tích cực vào đội ngũ những người phản chiến trên tòan nước Mỹ.

Vừa đưa cho người bạn gìa hộp khăn giấy trên bàn, tôi vừa hỏi bây giờ thì bà có tham gia vào phong trào phản chiến do một phụ nữ có con trai chết trận ở Iraq cầm đầu không, với sự việc lịch sử đã lập lại (ít nhất là một nửa, tôi ám chỉ việc con trai bà nhận lệnh đi Iraq khi vợ mới sinh con đầu lòng mấy ngày) một lần nữa trong gia đình bà? Bà do dự trả lời rằng mình đã quá gìa cho những chuyện như vậy. Tuy nhiên, bà cũng cầu mong chính phủ Mỹ có quyết định rút quân ra khỏi Iraq để ít nhất con trai bà chóng trở về nhà.

2.

Không riêng gì cá nhân người bạn Mỹ gìa của tôi, cả công luận Mỹ và thế giới, mỗi khi nhắc đến cuộc chiến tranh Iraq hiện nay, lại đem cuộc chiến tranh Việt Nam ra so sánh, đối chiếu, thậm chí tiên đóan luôn cái cách cuộc chiến ở Iraq sẽ kết thúc, theo đó, người Mỹ sẽ tuyên bố chiến thắng ở Iraq, rằng chính quyền dân cử Iraq đã đủ vững mạnh để cai quản đất nước, và rút tòan bộ quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Iraq. Kết quả , trong thực tế (theo những giả thuyết nêu trên), đất nước Iraq sẽ lâm vào một cuộc nội chiến tồi tệ nhất trong lịch sử, mà hiện nay đã khởi đầu, với số thương vong cả thường dân lẫn binh lính các phe lên đến hàng trăm người mỗi ngày.

Và như thế, lại một lần nữa lịch sử được lập lại. Lần này, kẻ nhận mình chiến thắng là những tổ chức khủng bố cực đoan Hồi Giáo.

Và hẳn lịch sử Iraq sau khi người Mỹ rút đi sẽ lại có nhiều chương rất cay đắng, rất thất vọng không thua gì những chương sử của cuộc chiến tranh Việt nam .

3.

Trong chiến tranh, hai bên đối địch đều có lý tưởng của riêng mình. Thông thường, những người tham dự cuộc đối đầu ý thức được lý tưởng (hay mục tiêu) của mình, và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng ấy. Thí dụ như quân đội hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến Việt Nam. Mỗi bên đều tin vào chính nghĩa  của mình, dè bỉu cái gọi là chính nghĩa của phe bên kia. Đúng hay Sai, của mỗi bên, trong lúc còn mịt mùng khói súng, khó có ai nhìn thấy và phân giải cho hợp lý, hợp tình. Nhiều khi, chiến tranh chấm dứt đã lâu, cuộc tranh cãi bên nào có chính nghĩa vẫn cứ kéo dài, dù những người lính trực tiếp tham dự đã chết hết từ lâu.

Nhưng vấn đề lý tưởng và chính nghĩa lại càng khó lý gỉai hơn  với những người lính thuộc lực lượng thứ ba đến chiến đấu bên cạnh một bên để chống lại bên kia. Đó là hòan cảnh của những người lính Mỹ có mặt ở Việt Nam  gần 40 năm trước và ở Iraq hiện nay.

Để trả lời câu hỏi: Tại sao người Mỹ tham dự vào chiến tranh Việt nam, trên cương vị người lính, ông chồng quá cố của người bạn tôi đã chỉ viện dẫn vào trách nhiệm của người lính là tuân theo lệnh của vị chỉ huy. Và câu hỏi đặt ra từ hơn 40 năm trước, cũng như câu hỏi hiện nay: tại sao người Mỹ tham chiến ở Iraq, lại một lần nữa được đặt nằm song song với nhau, như thể, nếu người ta tìm được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này, cũng có nghĩa là sẽ có câu trả lời không kém phần thỏa đáng cho câu hỏi kia.

Hôm Lễ Lao Động (Labor Day) vừa qua, nhân một dịp họp mặt ở Houston (TX), tôi gặp lại người bạn cùng phục vụ chung một đơn vị hồi trước 75. Trong câu chuyện về những ngày tháng ấy, anh có đưa cho tôi xem một bài báo cắt ở Nhật báo USA Today phát hành ngày 23 tháng 8 năm 2006, tác gỉa là nhà văn Mỹ Michael Peck hiện đang nghiên cứu về lịch sử Vệ Binh Quốc Gia Mỹ ở Iraq.

Trong bài báo ấy, Michael Peck cho rằng, ông mang ơn cuộc chiến tranh hiện nay ở Iraq, vì nó giúp ông tìm ra được cách lý giải cho câu hỏi đã ám ảnh ông ngay từ khi còn nhỏ: Tại sao người Mỹ tham chiến ở Việt Nam? Michael sinh năm 1963. Tất cả những hồi ức ông còn nhớ được về chiến tranh Việt Nam là những buổi chiều xem tin tức thời sự trên đài truyền hình CBS với người phụ trách chương trình là Walter Cronkite, nghe ông này đếm số  lính Mỹ tử trận ở Việt Nam trong ngày cùng với những địa danh hòan tòan xa lạ với mình. Năm lên 10 tuổi, Michael nhìn thấy Hà nội bị ném bom trên màn ảnh truyền hình. Năm 12 tuổi, ông chứng kiến (cũng trên màn ảnh truyền hình) những chiếc trực thăng vội vã cất cánh từ trên nóc Tòa Sứ Qúan Mỹ ở Sài Gòn. Với Michael, thế hệ của ông còn quá nhỏ khi chiến tranh Việt Nam xảy ra, nên không có cơ hội tham dự hay ngược lại , phản đối nó. Và dù đó không phải là cuộc xung đột của nước Mỹ, nhưng cuộc chiến ở Việt Nam đã dính chặt với lịch sử cận đại của nước Mỹ như một thứ tội tổ tông. Báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác ở nước Mỹ đã hàng ngày thông báo cho người dân Mỹ biết rằng cuộc chiến ấy đã làm suy đồi quân đội (Mỹ), hủy họai kinh tế và xói mòn uy tín nước Mỹ trên thế giới. Trong thập niên 70s, Việt nam không phải là bi kịch duy nhất. Nhưng mỗi khi có bất cứ điều gì sai lầm, lời giải thích dường như luôn luôn là Việt Nam.

Michael nhấn mạnh, trẻ con tuy ngây thơ nhưng không xuẩn ngốc. Chúng biết chọn lọc những điều nghe được từ người lớn. Những ngày ấy, thông điệp mà thế hệ của Michael nhận được là thời vàng son của nước Mỹ đã qua, rằng nước Mỹ đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng, cho nên phải trả gía cho sự sai lầm ấy. Các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo và cả những chính trị gia đều tỏ vẻ hoang mang và bi quan. Thế hệ trẻ (Michael) lây nhiễm sự bi quan ấy, tin  đó là sự thực cho đến khi họ không còn tin tưởng vào bất cứ ai nữa.

Nhưng, có phải thực sự là thế hệ cha anh (của Michael) đã cảm thấy bi quan? Hay mặc cảm tội lỗi vì đã để lại cho thế hệ tương lai một nước Mỹ nghèo nàn cả về tinh thần lẫn vật chất? Michael khẳng định  rằng, người ta không thể hiểu được lịch sử nếu không có trí tưởng tượng, không có khả năng tự đặt mình vào vị trí những bậc tiền bối của giai đọan lịch sử ấy. Khi ông cố gắng tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam, Michael thấy rằng, những cái tên và ngày tháng lịch sử, cùng với những lời buộc tội, những lời giải thích đã đan quyện vào nhau thành một mớ bòng bong vừa tối tăm, vừa dày đặc khiến mọi ánh sáng tìm cách soi rọi vào chúng đều bị che khuất. Ông tự hỏi: Chẳng lẽ các giới chức lãnh đạo chính quyền lúc ấy đã không tiên đóan được rằng nước Mỹ sẽ sa lầy trong cuộc chiến? Làm thế nào mà giới chỉ huy quân sự có thể theo đuổi một chiến lược phản du kích vô hiệu như thế hết năm này đến năm khác? Tại sao chính phủ vẫn tiếp tục đổ người, đổ của vào một cuộc xung đột kể cả khi họ đã tin  rằng không thể có một triển vọng chiến thắng trong tương lai? Và câu hỏi nghiêm trọng nhất: Làm sao mà các bậc cha anh của thế hệ Michael đã để cho điều đó xảy ra?

Nhà văn Michael Peck đã thú nhận, lẽ ra không cần phải viện dẫn đến một cuộc chiến tranh ở vùng Trung Đông để giải thích một cuộc chiến tranh khác đã xảy ra vùng Đông Nam Á. Nhưng, ông không có lựa chọn nào khác. Đã 3 năm nay, Michael nhìn thấy tận mắt từng giai đọan một nước Mỹ bước vào chiến tranh, bắt đầu từ những lời buộc tội, rồi đến tối hậu thư, rồi là cuộc xâm lăng, sau cùng là chiếm đóng. Ông hoa mắt vì những cuộc tranh luận không mệt mỏi giữa hai bên chủ chiến và chủ hòa. Lần đầu tiên, ông bắt đầu hiểu được sự xung đột giữa những hy vọng và sợ hãi mà thế hệ cha anh chắc đã phải trải qua trong cuộc chiến tranh Việt Nam, về những sự lẫn lộn, bối rối của họ khi một mặt, chính quyền lớn tiếng nói về sự nghiệp bảo vệ tự do, chiến đấu cho hòa bình trong danh dự, và mặt khác, những phong trào phản chiến lên án những sự thất bại của chính phủ, những sự tàn bạo xảy ra trong chiến tranh.

Cuối cùng, nhà văn kết luận rằng, ông không nghĩ là mình biết phải làm gì trong cuộc chiến ở Iraq, nhưng, ông biết chắc một điều, giữa khi súng vẫn nổ, thây người vẫn ngã xuống ở Iraq, sẽ có một đứa bé nào đó vừa được sinh ra ở nước Mỹ. Giả sử như cuộc chiến Iraq có kết quả là một thảm họa khác cho nước Mỹ, có nghĩa là nó sẽ nghiền nát uy tín và lòng tự tin của dân Mỹ, đứa bé ấy trong tương lai sẽ đổ lỗi cho thế hệ cha anh (chúng ta) đã để cho điều ấy xảy ra. Khi ấy, đến lượt ông (Michael Peck) phải chịu trách nhiệm.

4.

Ngày thứ bảy 11 tháng 11 tới đây là ngày lễ Cựu Chiến Binh (Veteran’s Day) Hoa Kỳ. Như thường lệ hàng năm, tôi được may mắn tiếp tay với nhóm cựu chiến binh Mỹ làm cùng sở tổ chức lễ kỷ niệm, gồm các nghi thức chào cờ, tưởng niệm và suy ngẫm, dù tôi không phải là một cựu binh Mỹ. Nhưng mẫu số chung giữa cá nhân tôi với họ là hầu như phần lớn những cựu binh Mỹ trong nhóm này đã từng tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam, hay nói cách khác, chúng tôi đã từng cùng nhau đứng ở một bên chiến tuyến.  Trong các buổi kỷ niệm như thế, nội dung những trao đổi trong phần suy ngẫm có phần nào phản ánh cái trăn trở như của nhà văn Michael Peck nói đến ở phần trên, nhưng không lúc nào những cựu chiến binh Mỹ giấu đi niềm kiêu hãnh rằng họ đã từng đem một phần đời tươi trẻ nhất phục vụ cho đất nước, cái danh dự được phục vụ trong quân đội và những thành tích mà họ đạt được trong sứ mạng mà tổ quốc họ giao phó. Họ đem ra trưng bày những huy chương, những bằng khen, những bức hình chụp trong các khu rừng rậm, trên các chiến hào ở những địa danh  vốn quen thuộc với tôi, nhưng nay đã là những kỷ niệm xa vắng với họ. Họ cũng hãnh diện kể về những người quen biết, con cháu họ hàng hay bạn bè hiện đang có mặt trong hàng ngũ những người lính Mỹ ở Iraq. Theo sự cảm nhận của tôi, những cựu binh Hoa Kỳ ấy luôn đặt ý thức quân nhân cao hơn những trăn trở cá nhân, kể cả lúc còn tại ngũ đối diện thực sự với chiến tranh (như người chồng quá cố của người bạn già làm cùng sở của tôi), hay sau khi đã giải ngũ, trở về đời sống dân sự.

Tất nhiên, để lý giải ý nghĩa một cuộc chiến, luôn luôn có những cái nhìn khác từ phía người trong cuộc hay kẻ đứng ngòai nhìn vào. Như nhà văn Mỹ Michael Peck đã nhận định, người ta phải đặt chính mình vào trong một hòan cảnh lịch sử nhất định, mới có thể có cái nhìn tương đối chính xác. Vì thế, ông chọn chỗ đứng của ông trong cuộc chiến Iraq hiện nay để nhìn lại chiến tranh Việt Nam. Điều tôi rút ra được từ những nhận định của Michael Peck là người ta đã vẽ nên bức tranh chiến tranh Việt Nam ảm đạm hơn thực tế, kéo theo cái nhìn bi quan lẽ ra không nên có, rồi cứ thế làm méo mó hình ảnh thực sự, tạo nên những nhận định cường điệu khiến ảnh hưởng đến cách giải quyết cuộc xung đột, giống hệt như ngày nay các chính trị gia, các phương tiện truyền thông Mỹ đã chỉ xóay vào những thất bại của chính sách Mỹ ở Iraq. Và ông không lọai trừ khả năng lịch sử cuộc chiến Việt Nam lập lại ở Iraq.

5.

Người lính, chọn binh nghiệp không thuần túy là một nghề nghiệp, mà còn là trách nhiệm của những người con tổ quốc. Cũng không thể đem sự sai lầm của những người làm chính sách một quốc gia đổ lên vai người lính. Cá nhân tôi có thể không đồng ý với quyết định của chính phủ Mỹ đem quân vào Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, nhưng tôi luôn trân trọng và biết ơn sự đóng góp xương máu của những người lính Mỹ cho lý tưởng mà tôi và các bạn hữu của tôi theo đuổi. Vì thế, giữa những lời chỉ trích của các chính trị gia và giới truyền thông về chính sách của nước Mỹ trước đây về cuộc chiến ở Việt Nam cũng như cuộc chiến Iraq hiện nay, tôi luôn tin rằng, đối với người lính, không có cuộc chiến tranh sai hay đúng, vì người lính nào ra trận cũng là để đổ máu cho màu cờ tổ quốc của họ, kể cả người lính Mỹ nằm xuống trên những chiến trường bên ngòai nước Mỹ.

Trong ý nghĩa đó, quốc gia nào cũng có những ngày lễ kỷ niệm nhớ về người lính như ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong hay ngày lễ Cựu Chiến Binh.

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search