T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : UỔNG CÔNG BỚT LỬA

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Bà về làm vợ ông cách đây ba mươi sáu năm. Cái năm bà bước vào số tuổi hai mươi lăm, để cha mẹ phải hối hả, lo lắng vì nghĩ rằng con gái mình đã quá lứa. Bà không yêu ông, vì chưa hề quen biết trước. Có lẽ, ông cũng chẳng yêu bà, vì đây là cuộc hôn nhân do cha mẹ định đoạt. Nhưng rồi cuộc sống của ông bà cũng êm ả trôi qua với hai đứa con chào đời.

Trong gia đình, bà luôn giữ tròn phận làm vợ. Từ thuở mười lăm, mười sáu, bà đã được mẹ nhồi nhét vào đầu cái tư tưởng “xuất giá tùng phu” – làm vợ là phải phục tùng chồng, phải chăm lo cho chồng từng miếng ăn, giấc ngủ, từng manh quần, tấm áo, phải gánh vác hết mọi việc trong ngoài để chồng an tâm theo đuổi sự nghiệp. “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi, lửa nhỏ một đời không khê”. Câu ca dao bà nghe mẹ nhai đi, nhai lại từ lúc bước vào tuổi trưởng thành đã trở thành kinh nhật tụng, giúp bà gìn giữ giềng mối hạnh phúc gia đình.

Ông là một người đàn ông đầy nghệ sĩ tính. Bà vất vả biết bao khi phải tự mình đè nén, chịu đựng những nỗi khổ đau, buồn tủi không thể thốt bằng lời. Với tài vẽ, ông đã vẽ rất nhiều tranh với hình ảnh những thiếu nữ mỹ miều xinh đẹp, trong đó có những bức tranh mang vóc dáng, khuôn mặt người tình cũ của ông. Không phải bà nghi ngờ rồi đoán mò, mà ông đã nói với bà điều đó.

“Anh không dấu em điều gì, chỉ mong em hiểu và thông cảm với người chồng có mang trong người dòng máu nghệ sĩ”.

Bà cố gắng thông cảm để dễ dàng bước ra khỏi phòng, khi nhìn thấy đôi mắt ông như đờ đẫn, mất hồn trước bức tranh một thiếu nữ với dáng nằm hớ hênh, khêu gợi. Người tình cũ của ông đó. Mấy mươi năm đã trôi qua mà chừng như ông vẫn còn yêu say đắm cái bóng dáng biền biệt, mơ hồ đó. Còn bà, gần đây mà như có một khoảng cách, tuy mờ nhạt nhưng không bôi xóa được. Bà có trách thì ông bảo bà tầm thường, không biết thưởng thức giá trị của nghệ thuật. Cái nghệ thuật mà ông thường thuyết giảng cho bà, nó cao vời, mông lung không chút thực tế. Cái nghệ thuật mà ông nói, buộc bà phải chấp nhận sự ngoại tình trong tư tưởng của chồng mình một cách vui vẻ. Dẫu có cam phận, dẫu có hiền lành đến đâu thì bà cũng có trái tim, cũng biết đau đớn vì bị tổn thương, cũng biết ghen tương vì tình yêu của mình đã bị san sẻ.

Thời gian trôi qua, con cái lớn dần, mỗi đứa có một gia đình riêng, còn lại bà và ông trong ngôi nhà nhỏ bé, vắng lạnh. Bà tự nhủ, phải sắp xếp lại đời sống của mình để những chuỗi ngày còn lại -chưa biết sẽ dài hay ngắn- được nhẹ nhàng, thoải mái, để bà còn được hưởng chút ý nghĩa của cuộc đời. Và bà thôi không bước chân vào phòng làm việc của ông nữa. Bà quyết bỏ lại sau lưng những nỗi xót xa, ẩn ức không thể tỏ bày.

Ngày ngày, sau giờ làm việc ở hãng về, bà lúi húi ngoài vườn, chăm sóc từng luống rau, cụm hoa. Biết ông chẳng bao giờ mó tay giúp đỡ bà những việc đào xới nặng nhọc, nên bà thường nhờ thằng bé Mỹ đen bên cạnh nhà đào cho bà vài cái lỗ, tấn vài hàng gạch, rồi dúi vài tay nó dăm mười đồng. Chẳng bao lâu, bà có một khu vườn nho nhỏ, với những cánh hoa xinh tươi, rực rỡ, đủ màu hồng, đỏ, tím, vàng. Bà an phận trong niềm vui mới, cố quên đi những hờ hững, lạnh nhạt, những buổi đi về thất thường của ông.

Bỗng nhiên, cuối năm vừa rồi, ông lại sinh chứng càu nhàu. Ông cho rằng, tiền già của ông bị cắt vì bị ảnh hưởng tiền lương của bà. Thì đành chịu vậy chứ biết làm sao, luật lệ mà. Ông không chịu thua, chạy tới, chạy lui, hỏi thăm tứ phía. Cuối cùng, ông về bàn với bà một giải pháp mà theo ông rất là hoàn hảo.

“Tôi với mình làm giấy ly dị giả. Như vậy, tôi sẽ được lãnh trọn tiền già, không bị sứt mẻ một đồng nào.

Bà nhìn ông, trái tim bỗng thắt lại:

“Chuyện vợ chồng đâu phải là chuyện giỡn chơi mà ông nói như vậy. Vài trăm bạc có đáng để mình làm chuyện kỳ cục vậy không?

Ông hét lên:

“Vài trăm? vậy chứ mỗi tháng mình có bù cho tôi được vài trăm bị mất không?”

Bà im lặng. Tiền lương bà lãnh mỗi tháng có bao nhiêu đâu, mà bà lại phải trả hết mọi chi phí trong gia đình, tiền đâu bà bù cho ông. Còn ông, chẳng khi nào thắc mắc xem chi tiêu trong gia đình đủ thiếu ra sao. Nếu không nhờ hai đứa con phụ giúp, bà chẳng biết phải xoay sở thế nào. Bà giận ông vô tâm chỉ biết phần mình, nhưng đã quen nhịn nhục, nên thấy ông nổi giận bà lặng lẽ bỏ ra vườn.

Vài hôm sau ông lại đem chuyện đó ra nói nữa bằng thái độ ôn tồn hơn. Bà cũng im lặng. Không hiểu sao, dù ông đã nói, chỉ ly dị trên giấy tờ nhưng lòng bà xốn xang quá đỗi. Chuyện vợ chồng là chuyện hệ trọng. Ngày xưa, mẹ bà vẫn nói như thế và bà luôn ghi nhớ trong lòng, nên làm sao có thể đem ra đùa giỡn. Lần này ông xuống giọng năn nỉ:

“Mình thấy đó, chuyện làm được tại sao không làm để chịu thiếu hụt hoài. Nói là ly dị chứ tôi với mình vẫn sống chung, đâu có gì thay đổi”.

Bà hơi xiêu lòng, nên hỏi một cách yếu ớt:

“Tôi nghe nói, có người làm giả mà sau này thành thiệt đó”.

Ông vỗ nhẹ tay bà, nói bằng giọng ngọt sớt mà bà chưa từng được nghe:

“Tôi và mình sống với nhau tới từng tuổi này rồi, vợ chồng đã quen hơi, quen tiếng, sấm sét có đổ xuống đây, tôi cũng quyết ở bên cạnh mình cho tới ngày về chầu ông bà, ông vải”.

“Thôi! ông muốn làm gì thì làm”.

Muốn yên cửa, yên nhà, nên bà ừ à cho qua. Tuổi già đã kề bên, chẳng lẽ vợ chồng cứ kình chống nhau hoài. Vậy là bà cầm bút ký tên vào lá đơn ly dị dù trong lòng cảm thấy bất an. Buông viết xuống, bà buồn cả tuần. Bà tưởng như mình vừa đánh mất một cái gì lớn lao lắm trong cuộc đời. Phần ông hí hửng ra mặt.

Một buổi chiều thứ sáu, bà đi làm về trễ. Vừa vào nhà, đã thấy trên bàn bày đồ ăn ê hề, có cả lọ hoa và hai ngọn bạch lạp. Chưa hết ngạc nhiên, ông đã cầm tay bà, dắt đến bàn rồi nói “Happy Birthday” và ra dấu cho bà ngồi xuống ghế. Ông lôi từ trong túi ra một bài thơ ông vừa sáng tác để tặng bà. Nước mắt bà ứa ra trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Mấy mươi năm sống bên cạnh ông như một chiếc bóng lặng lẽ, bà nuốt nỗi buồn tủi vào lòng để nhìn những bức tranh mang hình ảnh ai đó, đã xa vời nhưng còn sống mãi trong ký ức của ông. Rồi cách đây không lâu, ông chuyển sang một niềm đam mê khác. Ông viết văn, làm thơ. Đọc những bài thơ của ông đăng trên báo, bà chờ đợi, hy vọng. Hy vọng sẽ có một bài thơ nào đó ông ghi tặng bà, như một nhà thơ nổi tiếng đã viết tặng vợ bài thơ “Thương em gánh lấy nhọc nhằn”. Ngày qua ngày, bà đọc được rất nhiều bài thơ của ông, nhưng dòng chữ cuối cùng, thường ông ghi tặng người đó bà chưa từng biết , với những câu đẩy đưa tình tứ “tặng L. để nhớ một kỷ niệm khó quên” – “tặng L. để biết rằng ta vẫn nhớ”. Đau. Bà đau lắm bởi những dòng chữ nghiệt ngã đó. Những dòng chữ mong manh mà sắc bén vô ngần, nó khứa trái tim bà đến ứa máu.

Bây giờ, bà ngồi đây, uống từng dòng thơ trau chuốt, lãng mạng mà nghe niềm hạnh phúc như vây chặt lấy mình. Bà ngã đầu vào vai ông, thì thầm tiếng cám ơn bằng nỗi cảm xúc dạt dào. Thấy bà đang vui, ông ngỏ lời muốn đi Cali chơi một chuyến. Bà hân hoan thu góp tiền bạc đưa cho ông, để ông rộng rãi chi tiêu khi gặp bạn bè. Hôm từ giã, ông ôm xiết lấy bà một cái rất tình tứ và hẹn ba tuần sau sẽ trở về.

Bà vui vẻ chờ ông. Đến tuần thứ năm vẫn không thấy tăm hơi của ông. Bà gọi cho ông thì được tổng đài cho biết số điện thoại đã bị cắt. Bà hoảng hốt, báo tin cho hai đứa con. Chúng trách bà, sao khi ông đi chẳng chịu hỏi số điện thoại nhà người bạn mà ông sẽ đến. Trách thì trách chứ chúng cũng biết, có khi nào bà được phép can dự vào đời sống riêng của ông đâu. Bà thoáng nghi ngờ, nên kể cho chúng nghe chuyện ông và bà ly dị giả mà ông căn dặn bà phải dấu chúng. Đứa con gái nhìn bà thật lâu rồi vào phòng ông lục lọi. Nó tìm thấy lá thư ông để lại cho bà.

Thì ra, lâu nay ông si mê một người đàn bà mà ông quen biết qua việc trao đổi thơ văn. Người đàn bà mang tên L mà đôi lần bà thấy ông ghi tặng trong những bài thơ của ông. Bà ngồi thừ người ra đó. Ông đã hơn sáu mươi sáu tuổi rồi, làm sao bà có thể tin được ông bỏ bà để đi tìm duyên mới. Nhưng những dòng chữ trên lá thư như nhảy múa trước mắt bà.

“Tôi và bà đã ly dị, không còn gì ràng buộc nhau. Tôi nghĩ tôi có quyền sống theo tình cảm rất thật của tôi”.

Bà tưởng như quanh quẩn đâu đây có nụ cười chế diễu của ông. Bà đã bị ông lường gạt mà chẳng hề hay biết. Không biết lúc đó ông có tội nghiệp cho sự thiệt thà của bà hay chỉ cười thầm vì bà đã khờ khạo quá đỗi.

Nước mắt bà rơi lã chã theo nỗi đau, nỗi hận đầy lòng. Ước gì mẹ còn sống để bà chạy về khóc trên vai mẹ và nói rằng “Mẹ ơi! con bớt lửa mỗi ngày mà sao cơm vẫn cứ khê.” []

 

Ngân Bình

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search