T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Cảm xúc Hội An

Chuyến xe lửa Sài Gòn- Huế ghé Ninh Hòa đưa tôi đến ga Đà Nẵng vào lúc 7g30 sáng. Tôi nhờ một anh xe ôm chở tôi đi xem dung nhan Đà Nẵng bây giờ ra sao. Anh xe ôm chở tôi đi lòng vòng qua 6 trong 9 cây cầu bắc qua sông Hàn. Đà Nẵng nhà cửa, cao ốc nở rộ nhưng không gợi cho tôi điều gì mới lạ cho nên khi anh xe ôm vừa cho tôi xuống xe ở Ngũ Hành Sơn tôi đã quên Đà Nẵng rồi.

Ngắm nhìn Ngũ Hành Sơn bây giờ đã trở nên bé nhỏ, nằm lọt thỏm vào khu dân cư đông đúc, mất đi nét hoang sơ thuở nào, tôi buồn bã đứng đón chuyến xe bus đi về Hội An.

Con đường từ Đà Nẵng đi Hội An chật hẹp và quang cảnh hai bên đường không khác mấy với Ninh Hòa quê tôi. Cũng những ngôi nhà nho nhỏ nằm sau một hàng rào dâm bụt, bên mấy bụi chuối thấp lè tè làm tôi nôn nóng, không biết Hội An có gì đặc biệt.

Xuống xe bus, tôi hỏi thăm đường về phố cổ. Tôi đi bộ để ngắm nhìn được nhiều hơn địa danh nổi tiếng này. Chưa có gì lạ và đường phố quá giống Ninh Hòa ở những nhà cửa lô xô nhỏ bé. Đến đường Hai Bà Trưng tôi đã mỏi chân và thèm một chỗ nghỉ ngơi nên bước vào một khách sạn nho nhỏ. Sau một giấc ngủ ngon tôi thong thả đi khám phá phố cổ.

Điều tôi hài lòng trước tiên là không có một ngôi nhà cao tầng nào ở thành phố Hội An, không có ngôi nhà nào được sơn quét bằng các màu sắc sặc sỡ của sơn nước hiện đại. Hầu như tất cả vách nhà đều mang màu vàng xưa cũ nằm khép nép dưới những mái ngói âm dương rêu mốc. Một vài đám cỏ dại, hoa dại ngây thơ mọc lên trên những mái ngói quá cũ kỹ, mục nát mà chúng nhầm tưởng là mặt đất thân quen.

Không thấy tiệm bán tủ lạnh, TV, bàn ủi điện, nồi cơm điện. Không thấy tiệm bán xe gắn máy, quạt máy. Chỉ thấy rất nhiều tiệm bán quần áo, nhiều tiệm may mà du khách có thể có ngay một bộ vest sau vài tiếng đồng hồ.

Phố cổ đây rồi.

Tôi có cảm giác mình như Alice đi lạc vào một thành phố cách đây vài thế kỷ. Con đường dẫn vào phố cổ nhỏ bé và chật hẹp. Tôi không hiểu làm sao mà tất cả những ngôi nhà hai bên phố cổ đồng loạt cố thủ với nguyên mẫu của cha ông từ hàng mấy trăm năm trước.Người Việt theo ý riêng của tôi, dễ chạy theo cái mới. Có một ít tiền người ta sẽ vội vàng xô ngã ngôi nhà cũ kỹ để xây nhà mới rồi tô quét theo phong cách hiện đại. Cho nên tôi vô cùng ngạc nhiên, vô cùng thú vị với từng cánh cửa, từng căn gác gỗ, từng ban công thấp thoáng sau khóm hoa vàng.

Du khách đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong….thong thả đi dạo trong lòng con phố chật hẹp nhưng an toàn vì không có xe hơi, xe gắn máy.

Một chị bán bắp luộc chìa một bao bắp nóng trước mặt tôi:

-Corns, corns, corns….

À, thì ra chị tưởng tôi là người Nhật.

Tôi mỉm cười:

:-Việt Nam, Việt Nam.

Ở phố cổ Hội An, tôi không bị khó chịu bởi cảm giác bị bao vây bởi những nhà giàu mới nổi. Người Hội An mang vẻ khiêm nhường của những nhà giàu suy tàn và sự nhỏ nhẹ lịch sự của họ lại làm tôi hiểu rằng đó chính là niềm kiêu hãnh của những người mà tổ tiên của họ vừa giàu có vừa rất có văn hóa.

Dưới những mái ngói cổ xưa, chủ nhân của ngôi nhà mở tiệm bán tranh, bán tượng, bán lồng đèn, bán quà lưu niệm. Trong lòng phố du khách đi bộ, đi xe đạp hay thưởng thức sự êm ái, nhẹ nhàng của vòng bánh xe xích lô.

Rất nhiều chùa chiền, hội quán cổ kính còn nguyên vẹn ở phố cổ. Thật tiếc vì tôi không đủ thời giờ và sức khỏe để đi thăm cho hết các chùa chiền, nhà thờ họ, hội quán..

Đi trong lòng phố cổ, thật dễ chịu vì không có cảnh ăn mày lê la, không có người bán dạo chèo kéo, không có tiếng nhạc ầm ĩ, thỉnh thoảng có tiếng piano của Clayderman dặt dìu vang ra nhè nhẹ từ một tiệm buôn nho nhỏ.

Vì sao Hội An còn sống sót sau mấy trăm năm lịch sử đầy chiến tranh, bom đạn?

Số phận của của Hội An là một chuỗi bi kịch của thăng trầm, kỳ lạ giữa may và rủi.

Tôi được biết, thời chúa Nguyễn, Hội An sầm uất, giàu có, nhộn nhịp hơn những gì còn lưu lại trên những dấu vết hiện nay. Cửa biển Hội An thuở ấy từng có một khu phố của người Nhật với hàng trăm ngôi nhà. Tàu buôn của Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ… đã từng vào ra tấp nập ở cửa biển Hội An. Hội An bị tàn phá nhiều bởi loạn lạc dưới thời vua Quang Trung. Triều Nguyễn, với chính sách bế môn tòa cảng góp sức tàn phá Hội An. Ông trời cũng nhẫn tâm đưa cát về bồi lắng cửa biển làm cho tàu thuyền phải nói lời từ biệt với điểm giao thương một thời lừng lẫy…. Hội An như nàng vương phi nhan sắc phai tàn, bị thất sủng lui về ẩn mình trong căn phòng bé nhỏ quạnh hiu.

Điều may mắn của Hội An là bom đạn của cuộc chiến vừa qua không rơi trúng phố cổ.

May mắn hơn nữa, Hội An không phải là mảnh đất “giàu tiềm năng”, “nhiều cơ hội” để người xứ khác tìm đến chiếm đất, xây nhà cao tầng, kinh doanh địa ốc. Thật dễ chịu để không nghe giọng xứ lạ ở thành phố này.

Nàng vương phi đã sống sót chính nhờ số phận bi đát của nàng.

Và Hội An vẫn nguyên chất là Hội An dù không giàu có, hiện đại.

Ở Hội An, tôi rất ít thấy người ta treo cờ. Bù lại người ta treo rất nhiều lồng đèn.Tôi được cho biết cứ mỗi tối 14 âm lịch, toàn bộ khu phố cổ sẽ được tắt hết điện để dành ánh sáng cho rất nhiều lồng đèn và của ánh trăng tròn lung linh treo trên bầu trời êm dịu.

Đi dạo trong phố cổ, tôi quên mất mình đang sống ở một đất nước xã hội chủ nghĩa vốn rất thích treo cờ.

Bước đến bờ sông Hoài, chân đã mỏi, tôi đi qua chùa Cầu về phía bên kia sông tìm xe taxi trở về khách sạn.

Nhờ thông tin của người tài xế taxi, buổi tối tôi đến nghe nhạc ở phòng trà ca nhạc Hạ Uy Cầm. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại tiếng đàn guitar Hawaii, đàn Accordion, đàn Banjo. Ở đây du khách có thể nghe nhạc tiền chiến, nhạc Flamenco, nhạc semi classic nhạc rock… Sau 9 giờ khách có thể xin lên hát cùng ban nhạc.

Bỗng nhớ nhạc sĩ người Hội An, La Hối. Chàng thanh niên tha thiết yêu đời với ca khúc bất tử “Xuân Và Tuổi Trẻ” đã bị Phát Xít Nhật tra tấn dã man và bị bắn chết chôn chung cùng 10 người khác năm chàng mới 25 tuổi.

Hội An còn đây nhưng La Hối không còn. Xin một phút tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh.

Không khí trong phòng trà cực kỳ lịch sự. Khách yên lặng nghe nhạc và vỗ tay sau mỗi bài hòa tấu. Có hai vị khách trẻ xin phép được trò chuyện với “Cô”.

–   Các cháu là du khách hay người ở đây?

–   Tụi cháu người Đà Lạt. Tụi cháu làm nghề đầu bếp và làm việc trong một nhà hàng ở Hội An. Tối nào không có ca làm việc, tụi cháu đi nghe nhạc. Tuy còn trẻ, tụi cháu thích nghe nhạc xưa.

Đêm đã khuya. Ban nhạc nói lời cám ơn và chào tạm biệt.

Hội An thật yên lặng và thanh vắng. Một trong hai đầu bếp tình nguyện chở “Cô” về khách sạn.

Cám ơn Hội An, cám ơn một ngày bình yên đầy cảm xúc.

Huyền Chiêu

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search