T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: HƯƠNG XƯA

clip_image002

Tranh: Huyền Chiêu

Trong ngôi nhà của ông Ba Cà có ba thứ làm tôi bị mê hoặc: Cái hòn non bộ, cái xưởng làm kẹo cau và cái máy hát dĩa hiệu Asia.

Cái hòn non bộ đứng trong sân nhà ông Ba Cà có lẽ lớn tuổi hơn tôi. Nó đứng uy nghi giữa một bể nước tĩnh lặng xanh ngắt màu rêu. Trong cái bể nước màu rêu ấy có một con rùa bé xíu trú ngụ. Những buổi trưa hè oi nồng, tôi vẫn ngồi hằng giờ bên bể nước ấy, kiên trì như cô Tấm ngồi chờ con cá bống thân yêu. Và trong những giờ phút thật yên lành ấy tôi đã thả hồn mình đi dạo trên những con đường cô tịch dẫn lên đỉnh ngọn núi hòn non bộ…

Tôi yêu biết bao những con đường đi qua những vách núi cheo leo, những cây cầu mảnh mai rồi đột ngột ghé vào một ngôi chùa. Ngôi chùa ấy chính mắt tôi đã nhìn thấy ông Ba Cà đẽo gọt ra từ một cục đá san hô màu trắng. Cũng giống như tôi, ông Ba Cà rất thích nhặt nhạnh những thứ đồ chơi nằm rơi bên đường. Tôi thì dùng chúng để bày hàng xén còn ông Ba Cà thì gắn tất cả những thứ ấy lên cái hòn non bộ, Cho nên chẳng lạ gì khi có hai ông tiên ngồi đánh cờ bên cạnh có anh lính chì đứng bồng súng gác hay có ông lão đang ngồi câu bên cạnh chiếc xe mô tô bằng thiếc.

Dầu sao đối với trẻ con niềm vui quan trọng hơn tất cả và chúng sẵn sàng tha thứ cho mọi sự phi lý trên đời này.

Ở ngôi nhà của ông Ba Cà còn có một niềm vui khác còn ngọt ngào hơn nữa. Đó là cái xưởng làm kẹo cau của ông. Gọi là xưởng cho oai, thật ra đó chỉ là một cái chạc cây bóng láng được cột chặt vào thân cây ổi đứng bên hông nhà. Đường đen sau khi được nấu cô lại, được để nguội và được bôi bóng bằng dầu dừa sẽ trở thành món kẹo dòn rụm dưới bàn tay chế biến của ông Ba. Đã nhiều lần tôi say mê nhìn ông Ba quật tảng đường cô đặc ấy lên chạc cây rồi lại kéo xuống hàng trăm lần. Và như có phép màu, tảng đường càng lúc càng trắng ra và dòn hơn. Món kẹo cau ấy sẽ được bà Ba trộn với bột năng và mỗi sáng đem bán ở chợ Dinh và là món quà rẻ tiền mà các bà mẹ vẫn thích mua về cho bọn trẻ.

Ông bà Ba Cà không có con cái. Chăm chỉ làm ăn, ông bà đã trở nên những người khá giả cho nên ông Ba là người duy nhất trong xóm sắm được máy hát dĩa. Cái máy hát dĩa hiệu Asia của ông Ba có hình vuông và gợi cho tôi liên tưởng tới một cái va-li. Bên hông cái va-li ấy mọc ra một cái tay quay. Khi ông Ba Cà mở nắp cái “va-li ” lũ trẻ nhỏ chúng tôi sung sướng nhìn thấy những thiết bị kỳ lạ làm nên âm nhạc. Ngoài cái mặt đựng dĩa hát nằm khoanh trong góc va-li là một cái cần bằng kim loại màu sáng bóng có hình dạng một cái cổ cò. Khi dĩa hát quay ông Ba Cà sẽ nhẹ nhàng nhấc cái cần có gắn kim ấy đặt lên dĩa hát và thế là dĩa bắt đầu hát. Dầu rằng có lúc dĩa nhảy lập cập và tiếng hát bị cà lăm nhưng đối với lũ trẻ con chúng tôi thời ấy sự kiện một cái va li biết hát đã là một điều kỳ diệu .

Nhờ cái máy hát dĩa của ông Ba Cà tâm hồn thơ trẻ của tôi đã thấm đẫm một niềm thương cảm kỳ lạ với anh bán chiếu Út Trà Ôn, cô bán đèn lồng Thanh Hương ….

Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh vật miền Nam nhưng qua những câu hò trong những bài Vọng cổ từ những cái đĩa hát bằng đá màu đen ấy lòng tôi man mác yêu thương:

“hò ơ…chợ Tầm Vu quân thù chiếm đóng

Đồng Tháp Mười gió lộng mây giăng..”

Năm tháng qua, tôi đã phải rời xa ba điều kỳ diệu ở ngôi nhà của ông Ba Cà. Không biết từ lúc nào tôi đã quên đi anh bán chiếu cùng điệu hò mênh mông trên những dòng sông tưởng tượng.. Tâm hồn tôi đã đi qua một ngã rẽ khác. Trong trái tim tôi thấp thoáng những chàng công tử có bước chân sải dài theo điệu Valse mộng mơ, đài các của Strauss hao hao như Mel Ferrer trong phim Chiến Tranh và Hòa bình. Tôi không còn say mê những câu vọng cổ não nùng nữa. Dòng nhạc châu Âu dặt dìu hơn, quyến rũ hơn đã chiếm lĩnh tâm hồn tôi. Tuy vậy tôi vẫn buồn bã nhận ra rằng dẫu là Mozart, Debussy, Tchaikovsky hay Rachmaninoff cũng không thể nào làm lay động hồn tôi, cho tôi cái cảm giác xao xuyến đến kỳ lạ như khi còn bé được nghe những âm thanh phát ra từ cái máy hát cũ kỹ của ông Ba Cà.

Hình ảnh cuối cùng của ông Ba Cà mà tôi ghi nhớ cũng thật khó phai mờ. Năm ấy ba tôi đã 70 tuổi vừa từ trại “ cải tạo “ về đến nhà. Ông Ba Cà là người hàng xóm đầu tiên đến thăm ba tôi. Ông đã khóc vì mừng vui . Ông nghẹn ngào không nói được lời nào , trong khi tay vẫn còn bưng một dĩa khoai mì luộc.

Nay thì ông Ba Cà và ba tôi đều đã qua đời . Ông Ba Cà không bao giờ biết rằng ngôi nhà của ông từng có những điều kỳ diệu đã làm cho tuổi thơ của tôi thêm phần lộng lẫy.

Huyền Chiêu

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search