T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Chỉ cần một tấm lòng

clip_image001

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Diệp Minh lập gia đình trước khi bước sang tuổi bốn mươi mốt hai mươi hai tiếng đồng hồ.

Cái tuổi mà người ta thường nói là lỡ thời. Ngay bản thân Diệp Minh cũng đã từng nghĩ, mình sẽ sống độc thân suốt đời. Vậy mà vào một ngày đẹp trời, ba của Diệp Minh gọi điện thoại hối thúc:

-Con về nhà gấp, ba thấy thằng này được lắm.

Trời ơi! người ta mà ba làm như hàng hóa vậy. Lầm bầm một mình chứ ngoài chữ dạ Diệp Minh không dám nói gì thêm, chỉ vội vàng sắp xếp quần áo, từ giã chị Hai, lên xe bus xuyên bang để kịp về nhà đúng thời hạn theo lệnh triệu hồi của ba.

Vừa bước vào phòng khách, Diệp Minh đã thấy người muốn “coi mắt” mình ngồi lù lù một đống. Không biết người ấy nghĩ thế nào khi nhìn thấy đôi mắt lem nhem của Diệp Minh sau hai mươi bốn giờ không ngủ trong suốt cuộc hành trình dài đằng đẵng chứ Diệp Minh thì nghe trái tim mùa đông của mình vẫn lạnh lẽo chứ không ấm áp thêm chút nào. Ba chỉ chiếc ghế đối diện với người ấy, bảo Diệp Minh ngồi xuống rồi quay sang chuyện trò rôm rả. Thật ra, chỉ có ba say sưa nhắc chuyện thời còn mặc áo nhà binh, chứ người ấy thì chỉ trịnh trọng thưa “Dạ. Dạ đúng. Đơn vị của con ngày xưa cũng đóng quân ở đó”. Còn Diệp Minh thì hết nhìn trần nhà lại nhìn những đốm cà phê rải rác trên sàn thảm màu trắng đã ngã sang ngà ngà vì lâu ngày không giặt. Hết xăm xoi móng tay lại xem chỉ tay. Hết xem chỉ tay lại đếm đốt ngón tay chờ thời gian đang rị mọ không chịu trôi.

Khi khách vừa ra khỏi cửa, ba quay sang hỏi Diệp Minh:

-Ba chịu thằng này quá, con chịu không?

Diệp Minh cố nhướng đôi mắt nhắm híp lại vì buồn ngủ.

-Dạ! Nếu ba chịu thì con chịu.

Ba đưa tay xoa đầu Diệp Minh như hồi lên năm, lên sáu:

-Con gái ngoan.

Không cần thắc mắc hay suy nghĩ thêm, Diệp Minh chạy vào phòng, ngã lăn xuống giường đánh một giấc đến một giờ trưa hôm sau. Chưa ăn hết chén cơm, Diệp Minh đã nghe tiếng ba từ phòng khách vọng vào:

-Diệp Minh sửa soạn mau đi, nửa tiếng nữa thằng Sự tới chở con đi mua nhẫn cưới.

Một thoáng bỡ ngỡ kèm theo tiếng dạ ngoan ngoãn, Diệp Minh thầm nghĩ “gì mà gấp dữ vậy ba?” nhưng trong lòng lại dửng dưng không chút cảm giác.

Thế là ngay buổi tối hôm đó ba quyết định chọn ngày cưới luôn. Chị Tư hỏi ba bằng giọng hậm hực:

– Chuyện chung thân chứ phải giỡn chơi đâu ba. Tụi nó chưa tìm hiểu nhau gì hết mà.

-Vậy chứ tao với má mày hồi đó có cần tìm hiểu gì đâu mà cũng sống hơn bốn chục năm rồi, sinh ra cả bầy chị em bây tám, chín đứa.

-Hồi đó khác, bây giờ khác. Hồi đó đâu có ai nghĩ đến chuyện ly dị, còn bây giờ thì ly dị như cơm bữa.

Ba gắt gỏng gạt ngang:

-Con Diệp Minh không phản đối, mày mắc mớ gì mà phản đối dữ vậy?

-Sao không mắc mớ. Con là chị của nó mà.

Ba giận dữ đập tay xuống bàn:

-Nhưng tao là ba của nó. Mày lớn hơn tao chắc?

“Vậy là Diệp Minh lấy chồng!”.

Câu kết luận của chị Diệp Minh nhẹ nhàng như hơi thở. Tôi và Ánh My ngơ ngẩn nhìn nhau sau khi nghe kể lại cuộc gặp gỡ ngộ nghĩnh của hai nhân vật chính trong “chuyện tình không suy tư” của chị.

-Chị Minh nè! chị đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà không cảm thấy lo lắng sao?

Chị Diệp Minh từ tốn lắc đầu:

-Kệ! miễn ba vui là được.

Tội nghiệp chị!!! Tôi cảm thấy nao nao trong lòng với ý nghĩ đó.

Sau đám cưới một tuần lễ, Ánh My tinh nghịch trêu ghẹo:

-Đêm động phòng ra sao, kể cho tụi này nghe được không?

Bạo dạn như tôi còn phải đỏ mặt với câu hỏi đó huống gì chị Diệp Minh nhút nhát, hay e thẹn. Nhưng trái với điều tôi dự đoán, chị chúm chím cười:

-Muốn nghe thiệt hả?

Có cho vàng tôi cũng không tin chị Diệp Minh dám kể chuyện riêng tư, thầm kín của mình. Chị che miệng cười thích thú. Một nụ cười không chút bẽn lẽn như bản tính cố hữu của chị.

-Đêm đó về đến nhà, trong lúc Minh khệ nệ chất những gói quà lên bàn thì anh Sự vào phòng thay quần áo. Khi Minh còn ngượng ngùng, lo sợ thì anh Sự bước ra với bộ đồ cũ kỹ. Dưới là chiếc quần lính rách te tua, trên là chiếc áo bà ba bằng vải bố với nhiều mảnh vá -phải đợi đến trưa hôm sau Minh mới biết đó là bộ đồ anh mặc trong lúc đi tù cải tạo và anh đã mang theo khi sang Mỹ. Minh còn đang ngơ ngác trước sự việc lạ lùng thì anh ngồi bệt xuống sàn nhà, gục đầu vào thành ghế khóc tấm tức như một đứa trẻ. Vừa khóc,vừa kể “Âu ơi! Trấn ơi! tha lỗi cho tao. Đáng lẽ tao không nên cưới vợ trong lúc tụi mày đang khốn khổ nơi quê nhà, nhưng ở đây tao cô độc quá tụi mày biết không…”. Anh tiếp tục lè nhè nói. Giọng nói mỗi lúc mỗi nhão đi không còn nghe được gì cho đến lúc anh ngã xuống thảm ngáy khò khò.

-Vậy là ảnh xỉn phải không, rồi chị ngủ ở đâu?

-Thì nằm trên sofa cạnh đó.

-Ha!ha! thật là một đêm tân hôn có một không hai.

Sau khi cười hăng hắc, Ánh My kề tai tôi nói nhỏ “Ông nội này tửng hết biết. Chị Diệp Minh rồi sẽ khổ!”

***

-Anh Sự ơi! có gì cho tụi em làm không?

Anh chưa kịp trả lời chị Diệp Minh đã nhanh nhẩu:

-Nè! đâm gừng dùm Minh đi.

Đang nêm nếm nồi soup, anh Sự quay sang dành lấy nhánh gừng trên tay chị Diệp Minh.

-Để đó anh làm. Anh đã nói, ba chị em ra phòng khách nói chuyện đi. Lâu ngày mới gặp nhau, lấn quấn ở đây làm chi cho mất thì giờ. Anh làm một mình được mà.

Xua tay lia lịa, anh nói tiếp với nụ cười thân thiện:

-Ở đây không cần phụ bếp. Mấy cô đi mau cho tôi nhờ.

Ba chị em cười khúc khích, kéo nhau ra phòng khách. Ánh My hất mặt kể công:

-Chị phải cám ơn tụi em nha. Bữa nay, nhờ có tụi em mà chị khỏi làm bếp.

-Nè! Minh không phải làm bếp từ lúc lấy chồng đến bây giờ đó nghe.

Đôi mắt Ánh My như trợn trừng vì ngạc nhiên.

-Ủa… vậy… ai nấu? Anh Sự hả?

-Ừ! Minh chỉ giúp anh ấy những chuyện lặt vặt như lặt rau, xắt hành… thôi.

-Chị nói thiệt?

Chị Diệp Minh đưa tay lên trời, ra vẻ nghiêm trang:

-Đứa nào nói láo bà bắn.

Năm năm không gặp kể từ ngày hãng đóng cửa, mỗi đứa đi mỗi nơi, chị Diệp Minh giờ khác xưa nhiều. Hoạt bát. Khôi hài. Tươi trẻ. Khi chị Diệp Minh ra phòng ăn nghe điện thoại, tôi nói nhỏ vào tai Ánh My:

-Vậy là lời tiên đoán của tụi mình trật lất.

Ánh My vẫn còn nghi ngờ:

-Đây chỉ là những gì mình nhìn thấy bên ngoài. Nhiều khi bên trong có những nỗi niềm còn dấu kín. Bà nên nhớ, phe đàn ông có tài che đậy rất giỏi.

Tôi nhanh nhẩu cướp lời:

-Như chồng của bà chẳng hạn.

Giọng Ánh My trở nên cay cú:

-Thì đó… ra ngoài ai cũng khen, Ánh Minh sướng há, có ông chồng ga lăng quá trời, cưng vợ hết biết. Nhưng ở nhà thì ổng lười biếng như quỷ. Đi làm về chẳng làm gì động móng tay ngoài việc ngồi xem TV và sai biểu tôi như con ở. Cưng ơi! rót cho anh ly nước. Cưng ơi! điện thoại reo kìa, trong khi thằng chả ngồi kế bên mà chẳng buồn vói tay cầm lên.

Chẳng mấy chốc, hai ông chồng đang ở nhà say mê theo dõi trận football đến hồi gay cấn bị chúng tôi đem ra mổ xẻ tận tình.

Chờ mãi không thấy chị Diệp Minh trở vào, tôi và Ánh My rón rén bước ra phía nhà bếp. Chuyện gì vậy trời? Ánh My kêu lên khi thấy chị Diệp Minh úp mặt vào tủ lạnh khóc rấm rứt, cạnh bên anh Sự không ngừng tay xào chảo thịt bò.

-Diệp Minh, vào phòng rửa mặt đi, anh không muốn bạn bè nhìn thấy em như thế này.

Ánh My kéo tay tôi, thì thào:

-Đàn ông là vậy đó mà, “nice” với vợ chỉ là diễn kịch thôi. Thấy chưa?

-Thấy cái gì? Mình chưa biết đầu đuôi câu chuyện ra sao mà.

Hai đứa tôi, mỗi đứa một câu, đang châu đầu bàn tán thì nghe có tiếng lao xao từ phía cửa sau. Tiếng phụ nữ la lối, tiếng anh Sự ôn tồn và tiếng khóc thút thít của chị Diệp Minh. Ánh My lắc đầu than thở:

-Kiểu này chắc hai đứa mình đói meo… Ai biểu đi mà không chịu lựa ngày tốt.

Tôi thở dài:

-Đã vậy, còn làm vợ chồng chị Minh sượng sùng. Làm sao bây giờ!

Ánh My quyết định nhanh chóng:

-Mở TV xem. Coi như hai đứa không nghe gì hết.

Chẳng mấy chốc anh Sự ra phòng khách, đon đả:

-Chắc hai cô đói bụng rồi. Xin mời!

Nhìn chiếc bàn tròn đầy thức ăn, tôi ái ngại:

-Tụi em định đến thăm chị Diệp Minh một chút thôi. Sao anh chị bày vẽ quá.

-Có gì đâu, lâu ngày nhà có khách vợ chồng tôi vui lắm.

Ánh Minh vẫn không bỏ được cái tật thấy gì nói đó:

-Sao vui… mà chị Minh nước mắt tùm lum vậy?

Anh Sự quay sang chị Diệp Minh cười hiền từ rồi cầm chiếc khăn giấy lau nhẹ những giọt lệ còn đọng trên mí mắt của chị.

-Em không chịu nghe lời anh, làm bạn bè mất vui rồi thấy không?

Tôi nhanh nhẩu đỡ lời:

-Không có gì đâu anh, bệnh “mít ướt” của chị Diệp Minh tụi em biết từ lâu rồi.

Thấy chị Diệp Minh cười bẽn lẽn, tôi chộp ngay cơ hội trêu ghẹo chị:

-Tụi em chỉ ăn tại đây chứ không dám gói đem về nhà đâu, chị đừng lo.

Anh Sự cất tiếng cười dòn tan rồi quay sang chị Diệp Minh nhẹ nhàng đề nghị:

-Anh nghĩ , em nên có vài lời giải thích cho hai cô khỏi thắc mắc.

Thì ra, mẹ của chị Diệp Minh muốn anh Sự phải sang nhà cậu em trai út của chị sửa cái hàng rào bị ngã vì giông gió, nhưng mấy ngày nay anh bận nên chưa làm được. Nhà sắp có khách, cậu út muốn mọi việc phải hoàn tất ngay hôm nay, nên càm ràm, than thở sao đó khiến bà mẹ nổi nóng, gọi chị Diệp Minh mắng chị không biết nhắc nhở chồng. Vốn đã có nhiều chuyện bất mãn trước đó, nên chị trả lời “Nếu nó gấp thì kêu thợ đi, chứ anh Sự đang bận lắm”. Mẹ chị gắt gỏng “Nó không có tiền mới phải nhờ vả. Thằng Sự biết làm sao không chịu giúp?” Câu trả lời của chị Diệp Minh khiến bà mẹ nổi trận lôi đình “Người không có tiền là con chứ không phải nó. Tại nó ham mê bài bạc, có bao nhiêu tiền đem nướng sạch trong sòng bài thì ráng chịu”. Cả gan chạm vào cậu quý tử nên chị Diệp Minh bị mẹ gán tội bênh vực người dưng, bỏ anh em dòng họ. Chị kể lại mà vẫn còn tức tửi:

-Minh giận mẹ vô tình, vô nghĩa. Mấy tháng trước, Minh bệnh nằm viện cả hai, ba tuần mà chẳng thấy dòng họ nào tới thăm, chỉ có ông người dưng này thức ngày thức đêm, lo lắng, chăm sóc cho mình. Nhiều khi thấy mẹ đối xử bất công với anh Sự, Minh vừa hỗ thẹn, vừa đau lòng. Không bao giờ mẹ nhìn thấy lòng tốt của anh Sự mà lúc nào cũng chê bai, trách móc.

Anh Sự lắc đầu, nói bằng giọng cam phận:

-Không sao đâu, anh chịu được mà.

Rồi quay sang tôi anh nói:

-Đôi khi cũng buồn, nhưng vì thương vợ nên tôi cố gắng làm tất cả mọi chuyện, miễn sao cho vợ tôi vui. Tôi biết ba chọn tôi vì tôi có cùng quá khứ của một thời chinh chiến như ông. Cha con tôi hiểu nhau, quý nhau, có thể nói cho nhau nghe và nghe nhau nói. Mẹ không bao giờ hiểu điều đó nên bà không hài lòng. Đã vậy tôi lại không bằng những anh rể “phú quý” nên làm sao đủ lễ nghĩa bằng họ thì chuyện bị khinh khi cũng dễ hiểu. Nhưng thôi… được ba vợ thương, được vợ đối xử bằng cả tấm lòng. Thế cũng quá đủ cho tôi rồi.

Chị Diệp Minh vẫn chưa hết sụt sùi:

-Tấm lòng của em chưa đủ đền bù những tệ bạc của gia đình em đối với anh.

Bằng nụ cười mãn nguyện, anh Sự xiết chặt bàn tay chị Diệp Minh:

-Vấn đề không phải là đủ hay thiếu, mà là có hay không tấm lòng dành cho nhau. Điều đó sẽ giúp mình đi hết cuộc hành trình của đời sống hôn nhân một cách tốt đẹp. Ngày trước, tôi và Diệp Minh chưa có một ngày hẹn hò, chưa có được tình yêu thuở ban đầu, nhưng ơn trên đã ban cho chúng tôi niềm hạnh phúc không ngờ. Tôi rất sung sướng khi có được Diệp Minh trong cuộc đời.

Ánh Minh đá chân tôi. Bây giờ chúng tôi đã có câu trả lời cho nỗi thắc mắc -không biết cuộc hôn nhân này sẽ ra sao- khi dự tiệc cưới của anh chị. Một tiệc cưới mà cô dâu chú rể còn bỡ ngỡ vì một bàn tay chưa nằm trọn trong một bàn tay []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search