T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(38) – THE LAST WALTZ (Bài luân vũ mùa mưa) – Barry Mason & Les Reed

clip_image002

Trong thời gian xảy ra “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền nhạc phổ thông Hoa Kỳ, có một nam ca sĩ Anh rất được ái mộ tại Anh quốc cũng như nhiều xứ tây phương khác nhưng lúc đầu đã không thể làm mưa gió trên các bảng xếp hạng tại Hoa Kỳ, đó là Engelbert Humperdinck. Tuy nhiên về sau, chàng ca sĩ có giọng hát truyền cảm độc đáo ấy đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc, một tên tuổi ăn khách qua những buổi trình diễn trên sân khấu, trên các chương trình truyền hình tại Hoa Kỳ, nơi chàng đã nhận nơi làm quê hương thứ hai, dù vẫn giữ quốc tịch Anh.

Hai trong số những ca khúc “cầu chứng” của Engelbert Humperdinck là Release MeThe Last Waltz. Trước năm 1975, The Last Waltz đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Bài luân vũ mùa mưa. Engelbert Humperdinck cũng là một trong hai ca sĩ đã có công giới thiệu ca khúc Love Me with All Your Heart tới thính giả yêu nhạc ngoại quốc tại miền Nam Việt Nam; người kia là Connie Francis với lời hát tiếng Tây-ban-nha Cuando calienta el sol. Ca khúc này đã được Tuấn Dũng đặt lời Việt với tựa Yêu em bằng cả trái tim.

Engelbert Humperdinck tên thật là Arnold Dorsey, cha gốc Ái-nhĩ-lan, mẹ gốc Đức, sinh năm 1936 tại Madras, Ấn-độ, lúc đó thuộc “Bristish India”, là vùng thuộc địa cai trị trực tiếp bởi chính phủ Anh ở Luân-đôn (sau khi Ấn-độ giành độc lập, Madras được đổi tên thành Chennai).

Ông bố của Arnold Dorsey là một hạ sĩ quan trong quân đội thuộc địa, nhà nghèo đông con (10 mống), sống trong một khu vực “xôi đậu”. Cho nên vào thời ấy, với giới thượng lưu bảo thủ, Arnold Dorsey bị xem là xuất thân từ một giai cấp không được trọng vọng cho lắm, nếu không muốn nói là bị khinh miệt, gọi là Eurasians.

Ngày nay, chữ “Eurasians” trong tiếng Anh được sử dụng rộng rãi để chỉ người lai Âu – Á thuộc bất cứ chủng tộc nào, ở bất cứ quốc gia nào, nhưng vào thời ấy, trong ngôn ngữ của giới quý tộc, thượng lưu, quan quyền Anh ở Ấn-độ (Bristish India), “Eurasians” có nghĩa là người Anh lai Ấn, thường sống tập trung trong những khu bình dân; rồi về sau, “Eurasians” còn được sử dụng để gọi cả những người Anh (gồm người Anh-cát-lợi, Tô-cách-lan, Ái-nhĩ-lan, và xứ Wales) không lai nhưng sống ở những khu bình dân, xô bồ ấy; chẳng hạn gia đình Dorsey nhắc tới trong bài này.

Trong khi đó tại mẫu quốc Anh, “Eurasians” được gọi một cách lịch sự hơn là “Anglo-Indians”.

Theo bách khoa tự điển Wikipedia, trong số những “Anglo-Indians” nổi tiếng, có các nghệ sĩ sau đây:

– Merle Oberon (1911-1979), nữ diễn viên nổi tiếng với phim Wuthering Heights (Đỉnh gió hú, 1939)

– Vivien Leigh (1913 –1967), nữ diễn viên hai lần đoạt giải Oscar diễn xuất, người thủ vai nàng Scarlett O’Hara trong phim Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió, 1939)

– Engelbert Humperdinck (1936 – )

– (Sir) Cliff Richard (1940 – ) nam ca sĩ nổi tiếng cùng với ban The Shadows

– (Sir) Ben Kingsley (1943 – ), người đoạt giải Oscar diễn xuất qua vai Thánh Cam-địa trong phim Gandhi (1982).

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc tới tên tuổi của Anna Leonowens (1834-1915), vị gia sư người Anh tại triều đình Xiêm-la (Thái-lan), mà cuộc đời đã trở thành cốt truyện cho vở ca nhạc kịch bất hủ về sau được thực hiện thành phim: The King and I (Vua Xiêm và thiếp).

* * *

Sau khi Ấn-độ giành độc lập vào năm 1947, gia đình Dorsey trở về Anh quốc, sống tại thị trấn Leicester. Tại đây, cậu bé Arnold Dorsey bắt đầu phát triển năng khiếu âm nhạc, trước hết là kèn saxophone. Vào năm 15 tuổi, Arnold Dorsey đã được chơi saxophone trong các hộp đêm ở địa phương. Năm 17 tuổi, mặc dù không bao giờ có ý định trở thành ca sĩ, Arnold Dorsey bị các bạn “gài” vào một cuộc tranh tài trong một câu lạc bộ, và được hoan hô nhiệt liệt! Trong màn trình diễn này, Arnold Dorsey nhái theo nghệ sĩ hài kịch Jerry Lewis của Mỹ, cho nên sau đó đã được các bạn gọi là “Gerry Dorsey”, và biệt hiệu này đã trở thành nghệ danh của Arnold Dorsey trong bước đầu sự nghiệp, trình diễn tại các hộp đêm ở địa phương.

Giữa thập niên 1950, Arnold Dorsey bị gọi nhập ngũ, phục vụ trong binh chủng Truyền Tin (Royal Corps of Signal), và giải ngũ năm 1958. Trở lại với nghề ca hát, trong năm 1958, Arnold Dorsey lên thủ đô Luân-đôn, được hãng đĩa Decca Records cho “thu thử” một đĩa hát – bản I will never fall in love again – nhưng đã không được mấy người chú ý tới.

[Trong nền ca nhạc hiện đại, có ít nhất ba ca khúc cùng mang tựa I will never fall in love again (Tôi sẽ chẳng bao giờ sa vào tình yêu nữa). Bản nổi tiếng nhất là một sáng tác của Burt Bacharach, được nhiều ca sĩ hàng đầu của Anh – Mỹ thu đĩa; bản thứ hai của nam ca sĩ Anh Tom Jones; và bản của “Gerry Dorsey”]

Tới năm 1961, Arnold Dorsey bị lao phổi nặng, phải vào bệnh viện điều trị. Sau khi bình phục, chàng trẻ tuổi trở lại với việc ca hát trong các hộp đêm. Nhưng cũng phải đợi tới năm 1965, sau khi được gặp lại Gordon Mills, một người bạn trước kia thuê chung phòng ở Luân-đôn, nay đang làm ông bầu cho Tom Jones, sự nghiệp ca hát của Arnold Dorsey mới bắt đầu cất cánh.

Trước hết, Gordon Mills khuyên Arnold Dorsey tìm một nghệ danh khác để thay nghệ danh “Gerry Dorsey” mà Gordon cho rằng không có sức thu hút. Theo đề nghị của Gordon, Arnold Dorsey quyết định lấy nghệ danh Engelbert Humperdinck, vốn là tên của nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng Engelbert Humperdinck (1854-1915), tác giả của vở opera để đời Hansel and Gretel.

Không hiểu vì nghệ danh “Engelbert Humperdinck” có sức thu hút hay vì “thời của chàng” đã tới, hoặc vì cả hai, qua năm 1966, Engelbert Humperdinck bắt đầu nổi tiếng, được mời trình diễn tại nhiều nước Âu châu như Bỉ, Đức, Tây-ban-nha…

Qua đầu năm 1967, tên tuổi của Engelbert Humperdinck đã một sớm một chiều (một cách chính xác là “overnight”) lên tới đỉnh cao nhờ một ca khúc của Mỹ: Release Me.

Release Me – có khi còn được gọi một cách dài dòng là Release Me (And Let Me Love Again) – nguyên là một ca khúc thuộc thể loại “country music” do Edward Miller sáng tác vào năm 1946, từng đứng No.1 (danh sách R&B) và No.8 (danh sách nhạc pop) tại Hoa Kỳ, nhưng chưa bao giờ trở thành một “hit” ở Anh Quốc, cho tới khi ca khúc này được Engelbert Humperdinck hát trên truyền hình.

Thành công của Engelbert Humperdinck qua bản Release Me đến một cách hết sức tình cờ, có thể nói là “định mệnh”.

Nguyên vào đầu năm 1967, nam ca sĩ thời danh Dickie Valentine bị đau ốm vào giờ phút chót, không thể trình diễn trong Sunday Night at the London Palladium, show truyền hình có số lượng khán giả cao nhất Anh quốc thời bấy giờ; Engelbert Humperdinck được điền vào chỗ trống. Lúc ấy, Engelbert vừa thu đĩa xong bản Release Me nên đã không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng này để giới thiệu.

Kết quả ngoài sự mong đợi: sau khi Engelbert Humperdinck trình bày bản Release Me trong chương trình truyền hình nói trên, tới ngày 2 tháng 3, 1967, đĩa Release Me của chàng đã qua mặt đĩa Penny Lane / Strawberry Fields Forever của ban The Beatles để đứng No.1 trên bảng xếp hạng ở Anh quốc liên tiếp 6 tuần lễ, và ở trong Top 50 suốt 56 tuần lễ liên tục – một kỷ lục mà cho tới nay vẫn chưa có ai qua mặt.

Nguyên nhân chính đưa tới thành công vượt bực nói trên là qua giọng hát độc đáo và lối trình bày chậm rãi của mình, Engelbert Humperdinck đã biến Release Me từ một ca khúc country thành một tình khúc thiết tha…

clip_image004

Phụ lục (1): Release Me, Engelbert Humperdinck

Sáu tháng sau khi trình làng Release Me, Engelbert Humperdinck lại đạt thành công rực rỡ với ca khúc “cầu chứng” thứ hai của mình: The Last Waltz, một sáng tác của hai nhà viết ca khúc Barry Mason và Les Reed của Anh.

The Last Waltz

I wonder should I go or should I stay
The band had only one more song to play
And then I saw you out the corner of my eye
A little girl, alone and so shy

I had the last waltz with you
Two lonely people together
I fell in love with you
The last waltz should last forever

But the love we had was goin’ strong
And through the good and bad we get along
And then the flame of love died in your eyes
My heart was broke in two when you said goodbye

I had the last waltz with you
Two lonely people together
Oh, I fell in love with you
The last waltz should last forever

It’s all over now, nothing left to say
Just my tears and the orchestra playin’

La, la, la, la, la, la, la, la, la, la
La, la, la, la, la, la, la, la, la, la

I had the last waltz with you
Two lonely people together
I fell in love with you
The last waltz should last forever
La, la, la, la, la, la, la, la, la, la

Cái hay của lời hát là “the last waltz” (bản luân vũ cuối cùng) nói tới ở đây vừa được hiểu là bản nhạc cuối cùng trong chương trình khiêu vũ vào buổi tối hai người gặp gỡ nhau lần đầu – Two lonely people together, I fell in love with you – vừa là bản luân vũ sau cùng của hai người lúc nàng quyết định chia tay khi lửa tình đã tắt – And then the flame of love died in your eyes, My heart was broke in two when you said goodbye…

clip_image006

Phụ lục (2): The Last Waltz, Engelbert Humperdinck

Video:

Engelbert Humperdinck – The last Waltz

The Last Waltz đứng No.1 tại Anh trong suốt 5 tuần lễ liên tục, đồng thời cũng lên No.1 tại Ái-nhĩ-lan, Tân-tây-lan và Úc-đại-lợi, hạng 3 tại Áo quốc và Na-uy, hạng 6 tại Hòa-lan, hạng 9 tại Thụy-sĩ, và hạng 14 tại Đức.

Riêng tại Hoa Kỳ, ca khúc này đứng hạng 6 trong bảng xếp hạng thể loại Easy Listening (sau này gọi là Adult Contemporay) của Billboard, và hạng 25 trong bảng xếp hạng tất cả các thể loại (Billboard Hot 100) của năm 1967.

Cũng trong năm 1967, The Last Waltz đã được tác giả Hubert Ithier đặt lời Pháp với tựa La Dernière Valse, có thể gọi là một bản dịch tuyệt vời từ lời hát trong nguyên tác.

La Dernière Valse được Mireille Mathieu thu đĩa và đã đứng No.1 ba tuần lễ trên bảng xếp hạng ở Pháp, và rất được ưa chuộng tại các quốc gia nói tiếng Pháp, hoặc chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp.

Mireille Mathieu, sinh năm 1946, là một nữ ca sĩ Pháp hát cả nhạc cổ điển lẫn phổ thông, thường được xưng tụng là “Édith Piaf thứ hai của Pháp”. Tính cho tới nay, Mireille Mathieu đã thu đĩa trên 1.200 ca khúc bằng 11 ngôn ngữ khác nhau, và bán được 122 triệu đĩa.

Bản La Dernière Valse do Mireille Mathieu thu đĩa cũng rất được người Anh ưa thích, đứng hạng 26 trong Top 50 của Anh quốc; nhờ đó, ngay trong năm 1967, nàng ca sĩ Pháp 21 tuổi đã được mời sang Luân-đôn trình diễn ở London Palladium cho Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng gia Anh lần đầu tiên.

clip_image008La Derniere Valse

Le bal allait bientôt se terminer
Devrais-je m’en aller ou bien rester
L’orchestre allait jouer le tout dernier morceau
Quand je t’ai vu passer près de moi
C’était la dernière valse
Mon cœur n’était plus sans amour
Ensemble cette valse nous l’avons danser pour toujours
On s’est aimé longtemps toujours plus fort
Nos joies nos peines avec le même accord
Et puis un jour, j’ai vu changer tes yeux
Tu as brisé mon cœur en disant adieu
C’était la dernière valse mon cœur restait seul sans amour
Et pourtant cette valse on l’a vu duré pour toujours
Ainsi va la vie tout est bien fini
Il me reste qu’une valse et des larmes
La la la la la la la
C’était la dernière valse mon cœur restait seul sans amour
Et pourtant cette valse on l’a vu duré pour toujours
La la la la la la la

Phụ lục (3): La Dernière Valse, Mireille Mathieu

Video:

(1967) Mireille Mathieu La dernière valse

Tại Sài Gòn ngày ấy, do ảnh hưởng của văn hóa Pháp, người nghe nhạc ngoại quốc đã biết tới, và yêu thích La Dernière Valse của Mireille Mathieu (và của Petula Clark thu đĩa năm 1968) trước khi biết tới The Last Waltz của Engelbert Humperdinck qua làn sóng điện các đài phát thanh của Hoa Kỳ.

Tới đầu thập niên 1970, trong phong trào Việt hóa các ca khúc ngoại quốc, The Last Waltz /La Dernière Valse đã được Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa Bài Luân Vũ Mùa Mưa. Hai chữ “mùa mưa” đã cho thấy nội dung lời Việt của Trường Kỳ khác hẳn nguyên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Pháp.

Bài Luân Vũ Mùa Mưa

Kìa trông trời mang mùa mưa đến bên ta rồi
Từng cơn từng cơn sầu hắt hiu nhẹ rơi
Trời mưa chiều nay buồn rơi buồn rơi khắp nơi xa vời
Giọt mưa tưởng đâu là mắt em lệ rơi.


Mùa mưa ôi thấy sao buồn tênh
Mưa rơi mưa rơi muôn nơi chỉ thế thôi
Lá cây lặng buông bên đường
Rồi nước cuốn mất theo cùng thời gian.


Rồi đây mùa mưa rời xa cuốn theo đau buồn
Trời mưa trời mưa rồi cuốn đi mộng mơ
Tình em rồi đây rời xa rời xa cũng như mây trời
Giọt mưa giờ đây là xót xa mình tôi.


Mùa mưa ôi thấy sao buồn tênh
Mưa rơi mưa rơi muôn nơi chỉ thế thôi
Lá cây lặng buông bên đường
Rồi nước cuốn mất theo cùng thời gian
Mùa mưa tới nơi rồi Mùa mưa tới đây rồi
Tiếng mưa buồn bồi hồi như tâm tư thế gian
La là la là la lá la la là
La là la là la lá la là la
Mùa mưa ôi thấy sao buồn tênh
Mưa rơi mưa rơi muôn nơi chỉ thế thôi
Lá cây lặng buông bên đường
Rồi nước cuốn mất theo cùng thời gian
La là la là la lá la la là…

Trước năm 1975, Bài Luân Vũ Mùa Mưa đã được Elvis Phương & Thanh Lan thu băng. Sau này tại hải ngoại, Ngọc Lan đã hát cả lời Pháp lẫn lời Việt trong CD1 (1981-1991) của cô.

Gần đây, nam ca sĩ Don Hồ đã thu đĩa lời hát tiếng Anh (The Last Waltz) xen lẫn vài câu lời Việt, nhưng không phải lời Việt trong bản Bài Luân Vũ Mùa Mưa của Trường Kỳ. Bản do Don Hồ trình bày có tựa là Bài luân vũ cuối cùng.

Cũng xin lưu ý độc giả, đừng lẫn lộn Bài Luân Vũ Mùa Mưa của Trường Kỳ với Luân Vũ Ngày Mưa của Khúc Lan, một ca khúc ngoại quốc khác cũng theo thể điệu valse, hiện rất được giới trẻ ưa chuộng.

Phụ lục (4): Bài Luân Vũ Mùa Mưa, Ngọc Lan

Phụ lục (5): Bài luân vũ cuối cùng, Don Hồ

Trở lại với sự nghiệp ca hát của Engelbert Humperdinck, qua năm 1968, chàng ca sĩ đã có thêm một ca khúc “cầu chứng” khác là bản A Man Without Love.

Trước đó, vào năm 1966, A Man Without Love đã được nam ca sĩ Kenneth McKellar đại diện Anh quốc trình bày trong hội thi ca khúc Âu châu Eurovision Song Contest 1966 tại Lục-xâm-bảo (Luxemburg), tuy nhiên đã chỉ đứng hạng 8 tại cuộc thi này và hạng 30 trên bảng xếp hạng tại Anh quốc. Nhưng khi được Engelbert Humperdinck thu đĩa vào 2 năm sau đó, A Man Without Love đã lên tới No.2 tại Anh.

Video:

Engelbert Humperdinck – A Man Without Love 1987

Bước sang thập niên 1970, Engelbert Humperdinck bắt đầu chinh phục khán thính giả ở Hoa Kỳ với những sáng tác của Paul Anka và hai anh em Barry & Maurice Gibb (ban Bee Gees); để rồi tới giữa thập niên, đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc, trình diễn thường xuyên trên các sân khấu ca nhạc, chương trình truyền hình, và về sau, hát thường trực tại Riviera Hotel ở Las Vegas.

Năm 1989, tên tuổi của Engelbert Humperdinck đã trở thành “bất tử” với ngôi sao mang tên chàng trên Lối đi Danh vọng của Hồ-ly-vọng (Hollywood Walk of Fame) ở Đại lộ Hoàng hôn (Sunset Boulevard); cùng năm, Engelbert Humperdinck được trao tặng giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe) cho “Nghệ sĩ trong năm”.

Engelbert Humperdinck cũng nổi tiếng với các hoạt động gây quỹ cho các tổ chức nhân đạo, thiện nguyện, như Leukemia Research Fund, American Red Cross, American Lung Association, và các tổ chức phòng chống bệnh AIDS. Năm 1992, Engelbert Humperdinck đã sáng tác và thu đĩa bản Reach Out dành riêng cho phong trào này.

Bước sang thế kỷ 21, Engelbert Humperdinck vẫn tiếp tục sự nghiệp ca nhạc; gần đây nhất là album-đôi có tựa Engelbert Calling, phát hành vào tháng 3/2014, gồm những ca khúc do Humperdinck Engelbert song ca với những đồng nghiệp quốc tế nổi tiếng, như Charles Anazvour của Pháp, Lulu, Cliff Richard, Elton John của Anh, Olivia Newton-John của Úc, ban Il Divo của Ý, Johnny Mathis, Willie Nelson, Smokey Robinson, Kenny Rogers, Neil Sedaka, Dionne Warwick… của Mỹ.

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về bản Love Me with All Your Heart, một ca khúc ăn khách khác của Engelbert Humperdinck, trước năm 1975 đã được Tuấn Dũng đặt lời Việt với tựa Yêu em bằng cả trái tim.

Tương tự trường hợp hai ca khúc The Wedding You Don’t Have to Say You Love chúng tôi đã giới thiệu trong hai kỳ trước, bản Love Me with All Your Heart cũng là một ca khúc có gốc gác la-tinh (Ý, Tây-ban-nha, Nam Mỹ…)

Love Me with All Your Heart nguyên là bản Cuando calienta el sol (Khi ánh mặt trời nóng lên), một ca khúc tiếng Tây-ban-nha của hai nhạc sĩ kiêm nhà viết ca khúc Rafael Gaston Perez, người Nicaragua, và Carlos Albert Martinoli, người Á-căn-đình, xuất bản năm 1961, sau đó được tác giả Michael Vaughn đặt lời bằng tiếng Anh. Mặc dù cả hai đều là tình khúc, phiên bản lời Anh hoàn toàn khác nguyên tác.

Sau khi được nam danh ca Mỹ gốc Ý Sergio Franchi thu đĩa vào năm 1964 (hát lời Anh và Ý), Love Me with All Your Heart đã được rất nhiều ca sĩ, ban hợp ca, ban hòa tấu của Mỹ thu đĩa, trong số đó có Connie Francis hát cả lời tiếng Tây-ban-nha lẫn lời tiếng Anh vào năm 1965, nhưng không đạt thành công đáng kể. Phải đợi tới năm 1970, khi đĩa Love Me with All Your Heart của Engelbert Humperdinck được phổ biến, đĩa Cuando calienta el sol / Love Me with All Your Heart của Connie Francis mới được nhiều người tìm nghe.

clip_image010

Love Me With All Of Your Heart

Love me with all of your heart
That’s all I want, love
Love me with all of your heart
Or not at all
*Just promise me this
That you’ll give me all your kisses
Every winter every summer
Every fall
When we are far apart
Or when you’re near me
Love me with all of your heart
As I love you
Don’t give me your love
For a moment or an hour
Love me always as you love me
From the start
With every beat of your heart*
Rep * ~~~~~~ *

Phụ lục (6): Love Me with All Your Heart, Engelbert Humperdinck

Phụ lục (7): Cuando calienta el sol , Connie Francis

Video:

Love Me With All Of Your Heart, Engelbert Humperdinck

Trước năm 1975, Love Me with All Your Heart đã được Tuấn Dũng đặt lời Việt với tựa Yêu em bằng cả trái tim.

Yêu em bằng cả trái tim

Yêu em, yêu em nghe anh bằng nguyên trái tim
Yêu em, yêu em nghe anh đừng xa lánh em
Xin nói câu thề nguyện, dành luôn cho em
Từng nụ hôn riêng, mùa đông ấm áp
Mùa hè mênh mông, mùa thu êm
Khi anh xa em, xa em hoặc khi có em bên mình
Yêu em, yêu em như em hằng yêu mến anh
Xin chớ yêu âm thầm,
Đừng nên yêu bằng năm tháng gần
Mà phải yêu em bằng con tim rung lần đầu tiên
Bằng từng muôn tiếng tim đập vang

Yêu em, yêu em nghe anh bằng nguyên trái tim
Yêu em, yêu em nghe anh đừng xa lánh em
Xin nói câu thề nguyện, dành luôn cho em
Từng nụ hôn riêng, mùa đông ấm áp
Mùa hè mênh mông, mùa thu êm
Khi anh xa em, xa em hoặc khi có em bên mình
Yêu em, yêu em như em hằng yêu mến anh
Xin chớ yêu âm thầm,
Ðừng nên yêu bằng năm tháng gần
Mà phải yêu em bằng con tim rung lần đầu tiên
Bằng từng muôn tiếng tim đập vang

Yêu em, xin anh thương yêu từ trong đáy tim anh
Xin anh mang cho em tin yêu đừng cho dối gian
Hãy hứa với em rằng, nụ hôn hôm nay ngàn sau không phai
Tình anh cho em, dù bao xuân qua, còn tươi mãi.
Khi ta bên nhau hay khi mình xa cách đôi nơi
Xin anh luôn yêu em như em hằng yêu mến anh
Hãy nói với em rằng từ khi yêu nhau
Dài cho mai sau, tình không phôi pha
Và mong sao cho lời anh nói, hoà nhịp theo trái tim của anh.

Yêu em bằng cả trái tim đã trở thành một trong những tình khúc nhạc ngoại quốc lời Việt được ưa chuộng nhất vào thời nhạc trẻ ở miền nam Việt Nam, qua tiếng hát của hầu hết nữ ca sĩ trẻ, như Thanh Lan, Cathy Huệ, Khánh Hà, Kiều Nga…

Sau này tại hải ngoại, Yêu em bằng cả trái tim cũng rất phổ biến, được trình bày dưới hình thức đơn ca hoặc song ca nam nữ.

clip_image012

 

Phụ lục (8): Yêu em bằng cả trái tim, Kiều Nga

Video:

Yêu em bằng cả trái tim – Don Hồ & Nhật Hạ

Hoài Nam

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search