T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Xót xa phận người

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Xe rời khỏi nhà Sĩ khá lâu mà lòng tôi vẫn còn xốn xang. Bên cạnh, Tấn cũng tư lự, đăm chiêu. Chiếc xe lao vùn vụt giữa buổi trưa hè im ắng. Con đường vắng vẻ, bầu trời nhàn nhạt như sắp sửa bước vào cơn mưa làm cho bầu không khí như buồn bã hơn. Tôi cố gắng phá tan sự im lặng:

-Dạo này trông Sĩ tiều tụy quá hả anh?

-Ừ!

Sau tiếng ừ nhẹ như hơi thở Tấn lại chìm trong nỗi suy tư. Tôi biết, dù tôi có cố gợi chuyện thêm nữa thì cũng không thể tách rời hình ảnh của Sĩ ra khỏi tâm trí của Tấn.

Vợ chồng tôi quen biết Sĩ trong chuyến vượt biên. Khi ấy, Sĩ khoảng hai mươi tuổi. Là một thanh niên đẹp trai, tính tình cởi mở, thân mật cộng thêm sự nhiệt tình và năng nổ, Sĩ chiếm được hầu hết cảm tình của những người ở cùng “barrack” trong trại tỵ nạn. Giường của Sĩ bên cạnh giường của vợ chồng tôi, nên Sĩ xin được hùn lương thực để ăn cơm chung. Từ đó, Sĩ xem tôi như người chị cả, thường trò chuyện tâm sự với tôi đủ chuyện. Chuyện tình cảm, chuyện gia đình cùng những mơ ước và dự định tương lai khi đặt chân lên vùng đất hứa.

Khi sang Mỹ, dù ở hai tiểu bang khác nhau với khoảng cách xa vời vợi nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Vợ chồng tôi thật sự thán phục khi được biết Sĩ đã cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mới, vừa đi làm -để có tiền gửi về cho cha mẹ nuôi nấng bảy đứa em dại- vừa đi học. Sáu năm sau tôi được tin Sĩ tốt nghiệp đại học với mảnh bằng kỹ sư điện. Và hai năm sau nữa chúng tôi đã đáp phi cơ đến California để dự lễ cưới của Sĩ. Nhìn Sĩ sung sướng, rạng rỡ bên cạnh cô vợ xinh đẹp, duyên dáng tôi thầm chúc cho đôi uyên ương suốt đời bên nhau trong niềm hạnh phúc tuyệt vời.

Khoảng thời gian sau đó, có lẽ quá bận bịu với công việc và gia đình mới nên Sĩ ít liên lạc với chúng tôi, nhưng mỗi năm vẫn không quên gửi một tấm thiệp giáng sinh, trong đó luôn có kèm một trang giấy với lời thăm hỏi và kể lể những chuyện vui nho nhỏ trong gia đình như “năm nay nhà em vừa xuất hiện một thằng Cu mà em và Yến Thơ thường gọi là ‘thằng giặc con’ vì nó chuyên phá hoại những đồ đạc nào vừa với tầm tay của nó” hoặc “lúc này Yến Thơ đã trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp với những món ăn có một không hai. Vì vậy, anh chị phải cố gắng sắp xếp thời gian để sang thăm tụi em, đồng thời thưởng thức tài nghệ của bà xã em”. Bên cạnh đó là những dòng chữ mềm mại của Yến Thơ “chị đừng quá tin vào những lời ‘nịnh vợ’ của anh Sĩ mà phải thất vọng”. Tôi thật sự cảm động và vui mừng khi hình dung ra một mái ấm gia đình với đôi vợ chồng trẻ và cậu con trai kháu khỉnh, nghịch ngợm.

Năm thằng Cu Bin được tám tuổi thì Sĩ dọn về Houston. Công việc mới với chức vụ quan trọng và lương bổng khá cao đủ cho hai vợ chồng có một cuộc sống thoải mái nên Yến Thơ ở nhà chăm sóc con khỏi phải đi làm vất vả.

Công việc của Sĩ đang tốt đẹp, gia đình đang đầm ấm hạnh phúc thì tai họa bất ngờ đã giáng xuống. Một buổi sáng, khi đang tham dự buổi họp quan trọng của công ty thì Sĩ bị ngất xỉu. Ngay tức khắc Sĩ được đưa đến bệnh viện cứu cấp và sau ba tuần hôn mê, Sĩ đã tỉnh lại với đôi chân không còn cử động được. Sĩ đã khóc như một trẻ thơ khi biết mình sẽ phải suốt đời gắn liền với chiếc xe lăn. Nhìn cảnh Yến Thơ ôm chặt lấy Sĩ trong cánh tay yếu đuối với nước mắt đoanh tròng mà tôi không ngăn được cảm xúc. Đứng trước một thử thách nghiệt ngã có còn ai an ủi và đỡ nâng mình hơn người bạn đời đầu ấp tay gối. Tôi nắm chặt tay Yến Thơ khẽ khàng nhắn nhủ:

-Cuộc đời của Sĩ từ bây giờ hoàn toàn nương tựa vào em. Chị biết rồi đây em sẽ phải đối đầu với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Cố gắng lên em nhá. Chị sẽ cầu nguyện cho em hàng ngày.

Yến Thơ gục đầu vào vai tôi khóc rưng rức.

Từ ngày ấy, tôi và Tấn cố gắng thu xếp để vài tháng lại đến thăm Sĩ một lần. Thời gian đó, Yến Thơ rất vất vả vì phải đối diện với những cơn khủng hoảng tinh thần của Sĩ. Nhìn Yến Thơ chăm chút từng miếng ăn, thức uống cho Sĩ tôi thật cảm kích. Nhờ sự săn sóc tận tình với những yêu thương và cảm thông của Yến Thơ mà dần dần Sĩ đã bớt la hét, giận dữ, nhưng không còn nữa nụ cười tươi tắn và những câu nói pha trò hóm hỉnh của ngày xưa, mà thay vào đó là khuôn mặt buồn bã, cau có.

Rồi vì công việc làm thay đổi, vợ chồng tôi phải dời sang Maryland. Đường xá xa xôi, chúng tôi không thể đến thăm Sĩ thường xuyên mà chỉ liên lạc qua điện thoại. Lần này, có dịp về Dallas chúng tôi đã thuê xe để đến Houston thăm Sĩ và Yến Thơ.

Nhìn thấy vẻ sa sút trên khuôn mặt kém vui của Sĩ tôi cảm thấy nao lòng. Yến Thơ thì vẫn mừng rỡ tíu tít như dạo nào. Thằng Cu Bin tuy mới mười lăm tuổi nhưng cao ráo, đẹp trai. Nó mang trọn vẹn hình ảnh của Sĩ thời trai trẻ, nhưng hình như thiếu sự năng động và vui vẻ của Sĩ thuở nào. Có phải chăng bệnh tình và tâm trạng bất ổn của Sĩ đã ảnh hưởng đến Cu Bin, một đứa trẻ đang bước vào tuổi trưởng thành có đủ trí khôn để cảm nhận được sự bất hạnh của cha mình hay vì nó đang sống trong một gia đình không trọn vẹn hạnh phúc?

Trong bữa cơm, Sĩ đã có thể tự ăn dù khá khó khăn và không được gọn gàng. Điều này là chuyện đương nhiên, nhưng cái nhìn khó chịu của Yến Thơ làm tôi hơi chột dạ. Tôi cảm thấy những săn sóc, chăm chút của ngày trước không còn nữa. Những ngọt ngào cũng xa vắng trên môi Yến Thơ. Trong những câu chuyện trao đổi, một đôi lần, không biết vô tình hay cố ý, Yến Thơ thường buông những câu nói nghe xót cả lòng.

-Anh chị biết không, lúc em và anh Sĩ quyết định làm đám cưới, mẹ em đi xem bói thì thày bảo hai tuổi không hạp, nếu lấy nhau thể nào cũng gặp đại nạn. Hồi đó em không tin… nhưng đâu ngờ…

Rồi Yến Thơ thở hắt ra giọng ngao ngán:

-Số em là số khổ. Chắc kiếp trước em ở ác nên kiếp này phải trả nợ.

Câu nói của Yến Thơ khiến tôi có cảm tưởng trái tim mình như thắt lại. Sĩ cúi đầu, đôi môi mím chặt mà tôi vẫn thấy được sự run rẩy đè nén. Thằng Cu Bin quay sang nhìn mẹ bằng đôi mắt lạnh lùng, lộ rõ sự bất mãn. Đôi mày Tấn hơi nhíu lại nhưng rồi thật nhanh anh chuyển câu chuyện sang đề tài khác. Nhưng từ lúc đó không khí trở nên thật nặng nề, dù tôi và Tấn cố gợi nhắc lại những câu chuyện hồi thằng Cu Bin còn bé với những phá phách, nghịch ngợm đáng yêu.

Con đường trở về còn xa hun hút. Tôi đưa mắt nhìn những thảm hoa vàng rực ở hai bên vệ đường, chợt nhớ những đóa hồng vàng thường được chưng khắp nơi trong căn nhà của Sĩ. Có lần tôi hỏi:

-Sao lúc nào cũng là màu vàng, thử thay màu hồng hay màu đỏ một lần xem sao?

Sĩ nhìn Yến Thơ rất âu yếm:

-Màu vàng là màu áo Yến Thơ đã mặc trong lần đầu tiên hai đứa gặp nhau. Đây là màu kỷ niệm và em muốn nhớ mãi kỷ niệm đẹp này.

Tôi thở dài. Cũng căn nhà đó nhưng nay không còn những đóa hồng vàng kiêu sa. Lẽ nào tình yêu ngày xưa không còn nữa? Tôi quay sang chia sẻ với Tấn ý nghĩ này. Tấn tư lự một lúc rồi nói:

-Cũng khó trách… trong hoàn cảnh này, nếu tình yêu có đội nón ra đi cũng là điều bình thường. Một người vì quá đau khổ với sự bất hạnh của mình nên lúc nào cũng bực bội, cáu kỉnh. Một người vì yêu thương và bổn phận mà phải chịu đựng. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Đến một lúc nào đó, khi tất cả đã vượt quá giới hạn thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ.

-…

-Cả hai đều rất đáng thương… Nếu lỡ mai anh bị rơi vào trường hợp này thì anh cầu xin được chết đi. Đối với người đàn ông, cái khủng khiếp nhất là phải sống nương tựa vào người khác… Trường hợp của Sĩ, Sĩ không thiếu thốn tiền bạc vì Sĩ vẫn có tiền trợ cấp hàng tháng, nhưng nhất nhất mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến vợ. Vợ vui vẻ không nói gì, nhưng chỉ cần một tiếng thở dài, một ánh mắt khó chịu cũng đủ làm cho người chồng cảm thấy chua xót, tủi nhục. Bốn năm trước, anh đã nhìn thấy ở Sĩ một sự phản kháng mãnh liệt, nhưng bây giờ chỉ còn là sự cam chịu lặng lẽ. Tội nghiệp Sĩ, giờ đây đối với Sĩ cuộc sống chắc hẳn rất vô nghĩa. Anh nghĩ, nếu không vì thằng Cu Bin chắc Sĩ cũng chẳng thiết sống.

Tôi nhớ lúc Yến Thơ đi vào bếp lấy trái cây, tôi đã hỏi Sĩ:

-Sĩ ăn có thấy ngon miệng không?

Sĩ cười nhẹ:

-Ngon lắm. Cũng nhờ có anh chị mà em mới được ăn ngon… bình thường thì chẳng có gì, chỉ là qua loa cho qua bữa…. Đâu ai có thì giờ để thiết tha hay quan tâm đến một người vô dụng như em. Sống như thế này cũng nhục lắm chị ạ!!!

***

Một ngày mùa đông, chỉ cách lần đến thăm Sĩ chưa đầy năm thì tôi được tin Sĩ qua đời. Yến Thơ báo cho tôi bằng giọng nói thật bình thản. Không một chút xúc động. Không một chút nghẹn ngào. Thái độ điềm nhiên của Yến Thơ khiến tôi rúng động khi nhớ lại những dòng chữ mà Sĩ gửi đến tôi qua email. Cái email gói trọn niềm tâm sự xót xa, để qua đó tôi hiểu được tận cùng nỗi đau của Sĩ.

Anh chị Tấn – Khanh thân mến,

Đêm đã khuya. Em ngồi rất lâu trước chiếc máy computer mà vẫn chưa ghi lại được những gì em muốn gửi đến anh chị. Như một lời tâm sự. -niềm tâm sự mà em đã từng nghĩ rằng, sống để dạ chết mang theo. Như một chia sẻ để vơi bớt nỗi khổ đau chưa một lần dám thố lộ cùng ai. Có lần chị vô tình hỏi em, Sĩ … như thế này đã bao năm rồi? Thật tình, em không muốn nhắc, không muốn nhớ đến thời gian chị ạ! Bởi cái khoảng thời gian ấy, dù có ngắn đến mấy thì đối với em vẫn là vô tận. Cái vô tận của nỗi bất hạnh quả là một bản án chung thân hủy hoại cả tương lai và hạnh phúc của một đời người.

Ngày em tỉnh dậy sau hơn ba tuần mê man để biết rằng suốt đời mình sẽ trở thành một phế nhân chị có biết là nó khủng khiếp đến dường nào không? Em không khóc nhưng sao nước mắt cứ ứa ra, cổ họng em nghẹn cứng và đầu óc em tê điếng. Em cố gắng lắng nghe nhưng không cảm nhận được gì từ đôi chân quen thuộc. Em cố gắng nhấc chân lên, cố gắng lắc nhẹ bàn chân. Nhưng tất cả đều vô ích. Đôi chân như hai thanh gỗ vô tri. Cánh tay phải thì cong vòng không duỗi ra được, dù em đã cố gắng hết sức. Càng cố gắng em càng bất lực và cuối cùng thì em bật khóc.

Nhìn Yến Thơ và đứa con trai yêu quý với khuôn mặt nhợt nhạt, đầm đìa nước mắt em nghe tim mình nhói đau. Vậy là từ đây cho đến hết đời, em sẽ là một gánh nặng cho vợ, cho con.

Sau khi rời bệnh viện trở về nhà, tinh thần em bị rơi vào trạng thái bất ổn. Em đã khóc, đã cười như một kẻ điên khùng. Không điên sao được khi phút chốc bỗng nhiên mình bị trở thành một kẻ tật nguyền. Thời gian ấy Yến Thơ đã vất vả với em biết bao nhiêu, nhưng Thơ vẫn kiên nhẫn chịu đựng một cách tội nghiệp. Rồi có một ngày em chợt nhận ra, em đã mang đến cho Yến Thơ sự bất hạnh không kém sự bất hạnh mà em đang hứng chịu. Em thầm nhủ, bao nhiêu đau khổ đó của Yến Thơ đã đủ rồi đừng làm cho ngày tháng sống của Yến Thơ phải nặng nề thêm. Ý nghĩ đó đã dần dần giúp em chấp nhận được thân phận hiện tại của mình dù chỉ là miễn cưỡng, nhưng trong đó cũng có được chút bình an mà em hằng mong ước. Và khi em đang muốn bắt đầu làm lại cũng là lúc Yến Thơ đuối sức -em nghĩ rằng những thất chí, bi quan đằng đẵng của em là một áp lực nặng nề và cũng chính nó đã bào mòn lòng kiên nhẫn mà Thơ đã từng có, nên không còn nữa những ân cần, săn sóc mà thay vào đó là những chì chiết nặng nhẹ. Những chì chiết như lưỡi dao cứa đứt thịt da. Em nuốt đắng cay vào trong tim, im lặng chịu đựng những lần Yến Thơ bày tỏ sự chán nản của mình bằng câu nói ngắn ngủi nhưng đã làm cho vết thương của em thêm sướt máu “trời ơi! tại sao tôi phải khổ thế này!!?”.

Thật sự em cũng hiểu, Yến Thơ còn trẻ, còn có biết bao nhu cầu trong cuộc sống. Nhu cầu giải trí, nhu cầu giao tiếp và quan trọng nhất là nhu cầu tình cảm. Em đọc thấy những khao khát trong mắt khi Thơ xem những bộ phim lãng mạng với cảnh yêu thương nồng nàn. Em đọc được cả nỗi thất vọng chán nản của Thơ qua những đêm trăn trở với tiếng thở dài não nuột, bứt rứt như từng mũi dao nhọn xoáy vào trái tim em. Em thấu hiểu và cũng khao khát như Thơ. Nhưng sự khao khát ấy không phải cho chính bản thân của em mà là cho Thơ. Em muốn mang đến cho Thơ những nồng ấm, những ngọt ngào. Và em đã cố gắng bằng tất cả tình yêu, và sức lực còn lại của mình, nhưng rồi em hoàn toàn toàn thất bại. Ánh mắt bất mãn và những giọt nước mắt ứa ra từ những ức chế không được thỏa mãn của Thơ như một bản án tử hình treo lên ngực em. Em úp mặt xuống giường, đấm tay vào thành giường tự nguyền rủa mình và oán trách số phận.

Từ đó, cuộc sống của em và Yến Thơ là hai thế giới riêng biệt. Yến Thơ lạnh lùng, xa vắng, sống như một người vô tâm, có thể nói, có thể làm bất cứ điều gì mà không thèm nghĩ đến cảm giác của em. Còn em thì lặng lẽ như một cái bóng, cố gắng tự săn sóc mình dù rất khó khăn và đau đớn thân xác để không phiền hà cho Yến Thơ. Mới ngày nào là vợ chồng yêu thương, lo lắng cho nhau từng miếng ăn giấc ngủ, giờ đây như hai người xa lạ chẳng buồn nhìn nhau, nếu ánh mắt có vô tình chạm vào nhau thì cũng chỉ để thêm ngỡ ngàng, chua xót.

Nhiều lúc em muốn la hét để bày tỏ sự phẫn nộ… trời ơi! chỉ một sợi dây thần kinh trên đầu em bị vỡ mà cả một mái ấm gia đình cũng vỡ nát theo. Em hận trời, hận đất, hận cuộc đời và hận cả bản thân em. Thượng đế ơi sao ngài không cho con chết đi ngay phút giây ngã gục trên bàn họp, cho con sống làm chi với một thân hình tàn tạ, thảm thương…..

Lá thư dang dở này gửi đến tôi vào giữa khuya của một ngày cuối tuần và hai ngày sau thì tôi được tin Sĩ ra đi đột ngột.

Tôi không ngăn được nước mắt tiếc thương Sĩ nhưng rồi tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ: Sĩ đã được giải thoát và từ bây giờ Sĩ sẽ thật sự bình an ở một nơi chốn nào đó để thôi xót xa cho một phận người []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search