T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam : NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(40) – NO MILK TODAY (Hôm Nay Không Sữa), Graham Gouldman

clip_image001

Để kết thúc phần giới thiệu những ca khúc nổi tiếng trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” (British Invasion) vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi viết về bản No Milk Today, ngày ấy được Vũ Xuân Hùng đặt lời Việt với tựa Hôm Nay Không Sữa.

Trước khi viết về ca khúc cuối cùng này, chúng tôi cũng xin tóm lược ảnh hưởng “cuộc xâm lăng” nói trên đối với giới ca nhạc sĩ cũng như giới thưởng ngoạn tại Hoa Kỳ.

Thời gian này – những năm giữa thập niên 1960 – thể loại rock-and-roll vốn được khai sinh tại Hoa Kỳ, đã đi vào ngõ cụt, hoặc biến thể thành “surf music”.

[Surf music, như tên gọi của nó đã nói lên phần nào, là thể loại gắn liền với sóng biển, phát sinh từ vùng Orange Country và trở nên rất thịnh hành ở Northern California trong khoảng thời gian từ năm 1961 tới 1966. Surf music thường được trình diễn dưới hình thức nhạc không lời qua tiếng đàn ghi-ta điện hoặc saxophone, gọi là “surf rock”, cũng có khi dưới hình thức hợp ca, được gọi là “surf pop”, mà nổi tiếng nhất phải là ban The Beach Boys]

Video:

The Beach Boys – Good Vibrations

Về phần những thể loại ca khúc chịu ảnh hưởng văn hóa “rhythm and blues” của người Mỹ gốc Phi châu, do các nghệ sĩ da đen trình diễn, vẫn chưa được đa số công chúng Mỹ da trắng đón nhận (cho nên khi Dusty Springfield của Anh quốc hát bản You Don’t Have to Say You Love Me, đã được người Mỹ xưng tụng là “nữ ca sĩ mắt xanh đầu tiên hát nhạc soul”).

Chính trong bối cảnh ấy, ban The Beatles đã “xâm lăng” Hoa Kỳ với những bản rock-and-roll có lời hát trẻ trung, thực tế, âm điệu phong phú, đầy sức thu hút của họ như She Loves You, I Want to Hold Your Hand, A Hard Day’s Night, I Feel Fine, Help…, và The Animals thì làm mưa gió với bản House of the Rising Sun, một ca khúc mang âm hưởng “rhythm and blues”. Kế tới là The Rolling Stones.

Mặc dù nổi tiếng ở Hoa Kỳ sau The Animals, The Rolling Stones đã được xem là ban nhạc tạo ảnh hưởng mạnh thứ nhì (sau The Beatles) trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc”.

Từ đầu tóc tới cách ăn mặc, trình diễn, từ nội dung các ca khúc cho tới tiết tấu độc đáo, hòa âm mới lạ, The Rolling Stones đã được xem là ban nhạc tiên phong của cac thể loại “hard rock” và “psychedelic” sau này.

J166082901

Với những người không thưởng thức được loại nhạc “ồn ào” thì những ca khúc của The Rolling Stones chỉ khiến họ nhức đầu, nhưng với giới mộ điệu, trong khi The Beatles được xem là ban nhạc rock “nhà lành” số 1 thì The Rolling Stones chính là ban nhạc “thứ dữ” đầu tiên.

Trong thời gian diễn ra “Cuộc xâm lăng của Anh quốc”, The Rolling Stones đã có tới 8 bản đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ, trong số đó bản được ưa chuộng nhất và cũng là một điển hình về tính cách phong phú, độc đáo trong các ca khúc của The Rolling Stones chính là Paint It Black.

Paint It Black là một sáng tác của hai thành viên nòng cốt trong The Rolling Stones là Keith Richard (lead guitar) và Mick Jagger (ca sĩ, harmonica); Keith Richards viết nhạc, Mick Jagger đặt lời (viết về đám tang của một thiếu nữ). Một trong những điểm độc đáo của đĩa Paint It Black là tiếng đàn sitar của Brian Jones (trưởng ban). Đây là lần đầu tiên tiếng đàn sitar được đưa vào một ca khúc đứng No.1 của phương tây.

[Sitar là một loại đàn cổ truyền của Ấn-độ, có 18, 19, hoặc 20 dây. Sitar được nhạc sư Ravi Shankar (1920-2012) phổ biến trên trường quốc tế từ cuối thập niên 1950. Năm 1966, sau khi được gặp Ravi Shankar ở thủ đô Anh quốc, George Harrison – tay lead guitar của The Beatles – theo ông về Ấn-độ thụ giáo trong thời gian 2 tháng. Sau này, George Harrison đã đưa tiếng đàn sitar vào ít nhất 4 ca khúc của The Beatles. Tuy nhiên độc đáo và nổi tiếng nhất phải là tiếng đàn sitar của Brian Jones trong đoạn “intro” của bản Paint It Black.

Cũng cần viết thêm, trong thời gian giảng dạy tại California, Ravi Shankar đã có một con gái với một phụ nữ Mỹ; cô con gái ấy chính là nữ ca nhạc sĩ Nora Jones (sinh năm 1979), người đã đoạt vô số giải thưởng âm nhạc, trong đó có 9 giải Grammy, được tạp chí Billboard bình chọn là nghệ sĩ nhạc jazz số một của thập niên 2000-2009, với số album bán ra lên tới hơn 50 triệu.

Nora có người em gái cùng cha khác mẹ là Anoushka Shankar (sinh năm 1981), hiện được xem là đệ nhất danh cầm sitar trên trường quốc tế]

Phụ lục (1): Paint It Black, The Rolling Stones

Được tung ra vào giữa năm 1966, Paint It Black đã lên tới No.1 tại Anh quốc, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại, Hòa-lan, và vào Top 10 của hầu hết các quốc gia tây phương khác. Thời gian này cũng là cao điểm của chiến tranh Việt Nam, Paint It Black (cùng với House of the Rising Sun của The Animals) đã trở thành ca khúc “nhạc nền” phổ biến nhất của các chương trình thời sự nói về chiến tranh Việt Nam. Về sau, vào năm 1987, Paint It Black đã được sử dụng trong đoạn kết của Full Metal Jacket, một cuốn nổi tiếng kể về cuộc chiến đấu của hai trung đội TQLC Mỹ trong Tết Mậu Thân 1968; và cũng là ca khúc mở đầu cho loạt phim truyền hình Tour of Duty (1987-1990) nói về các chiến binh Mỹ chiến đấu tại Việt Nam.

Video:

The Rolling Stones – Paint It Black HD

Năm 1967, một ca khúc bất hủ khác trong “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” đã chinh phục giới trẻ ở Hoa Kỳ, và trở thành nhạc thiều (anthem) của “Summer of Love” trong phong trào phản kháng văn hóa trong thập niên 1960 (the counterculture movement of the 1960s). Đó là bản A Whiter Shade of Pale của ban Procol Harum.

[“Summer of Love”, như chúng tôi từng đề cập tới trong bài viết về ca khúc San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair), là một hiện tượng xã hội diễn ra vào mùa hè năm 1967, với hàng triệu hippies hội tụ tại các thành phố lớn của Hoa Kỳ, đông nhất là tại khu vực Haight-Ashbury, San Francisco, cái nôi của phong trào hippie ở miền Tây Hoa Kỳ]

So với các ban của Anh quốc cùng thời, như The Beatles, The Rolling Stones, The Animals, The Who, Herman’s Hermits, The Hollies…, Procol Harum không nổi tiếng cho bằng, nhưng độc đáo.

Tiền thân của Procol Harum là ban The Paramounts, thành lập năm 1962, hoạt động chủ yếu ở vùng Essex; đĩa hát đứng hạng cao nhất của The Paramounts là bản “Poison Ivy” chỉ lên tới hạng 35. Năm 1966, The Paramounts giải tán, qua năm 1967, Gary Brooker (trưởng ban kiêm pianist kiêm ca sĩ chính) đứng ra thành lập một ban mới lấy tên là Procol Harum.

[Theo lời ông bầu Guy Stevens, “Procol Harum” là tên con mèo Xiêm của một người bạn. Về ngôn ngữ học, “Procol Harum” là tiếng la-tinh có nghĩa là vượt xa những cái bình thường]

Procol Harum được xem là một trong những ban nhạc tiên phong của thể loại symphonic rock (nhạc rock giao hưởng). Ca khúc nổi tiếng nhất của họ, A Whiter Shade of Pale, nằm trong album đầu tay, sau khi được tung ra vào tháng 5/1967 đã lên No.1 tại Anh, Ái-nhĩ-lan, Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Hòa-lan, Úc, Tân-tây-lan, No.2 tại Ba-lan, No.3 tại Na-uy, No.4 tại Áo, và No.5 tại Hoa Kỳ.

A Whiter Shade of Pale là một trong khoảng 30 đĩa single (của cả thế giới) bán được trên 10 triệu đĩa. Tới năm 2004, A Whiter Shade of Pale được chính thức ghi nhận là ca khúc được phát thanh nhiều lần nhất, được sử dụng ở những nơi công cộng nhiều nhất trong vòng 70 năm qua ở Anh. Cũng trong năm 2004, A Whiter Shade of Pale đã được tạp chí ca nhạc Rolling Stone của Mỹ xếp hạng 57 trong danh sách 500 Ca khúc hay nhất của mọi thời đại.

Tại giải Âm nhạc Grammy của Hoa Kỳ năm 1998, A Whiter Shade of Pale đã được đưa vào Danh dự sảnh (Grammy Hall of Fame).

Tính cho tới nay, đã có trên 1000 nghệ sĩ thu đĩa lại ca khúc này.

Tương tự bản House of the Rising Sun của The Animals, A Whiter Shade of Pale của Procol Harum cũng thành công nhờ nhiều yếu tố phối hợp: nét nhạc và giọng hát độc đáo của Gary Brooker (trưởng ban), lời hát bí ẩn của Keith Reid, và tiếng đàn organ réo rắt mà trang trọng của Matthew Charles Fisher.

Cũng xin được nhấn mạnh, phần nhạc cho organ trong bản A Whiter Shade of Pale đã được cải biến từ đoản khúc “Air on a G String” trong liên tấu khúc “Orchestral Suite N.3 in D Major” của danh sư Johann Sebastian Bach thời kỳ Baroque.

Về ý nghĩa của lời hát bí ẩn trong bản A Whiter Shade of Pale, có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nói chung, đa số tác giả đều đồng ý với nhau về một điểm: hoạt động tình dục nam nữ là cách kết thúc tốt đẹp nhất. Rất có thể vì vậy mà A Whiter Shade of Pale trở thành nhạc thiều của “Summer of Love”?!

Phụ lục (2): A Whiter Shade of Pale, Procol Harum

Video:

Procol Harum – A Whiter Shade of Pale (1967) [High Quality Sound, Subtitled]

Trong đợt hai của “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ, tức là thời gian từ năm 1967 trở về sau, đã xảy ra một trường hợp “House of the Rising Sun thứ hai”, một ca khúc của Mỹ được một ban nhạc Anh thu đĩa và làm mưa gió tại Hoa Kỳ, đó là bản He Ain’t Heavy, He’s My Brother, do ban The Hollies thu đĩa.

 

clip_image004

He Ain’t Heavy, He’s My Brother là một sáng tác của hai tác giả Mỹ Bobby Scott (1937-1990) và Bob Russell (1914-1970).

Bob Russell là một nhà đặt lời hát nổi tiếng của Mỹ, từng được hai lần xướng danh giải Oscar cho ca khúc trong phim chung với nhạc sư Quincy Jones. Đầu năm 1969, trong những ngày tháng cuối đời (ông bị ung thư máu), Bob Russell được ca nhạc sĩ Johnny Mercer, người sáng lập hãng đĩa Capitol Records, giới thiệu với nhạc sĩ Bobby Scott trong một hộp đêm. Vốn sẵn ngưỡng mộ Bob Russell, Bobby Scott đã mời ông hợp tác; kết quả là ca khúc để đời (và cuối đời của Bob Russell) He Ain’t Heavy, He’s My Brother.

Ngay tự tựa đề, He Ain’t Heavy, He’s My Brother đã được xem là một ca khúc độc đáo. Căn cứ theo sử liệu, người đầu tiên nhắc tới câu

này là Mục sư James Wells, người lãnh đạo United Free Church of Scotland (một giáo phái trong Presbyterian Church). Theo lời kể của ông trong cuốn The Parables of Jesus (Những dụ ngôn của Chúa Giê-su) xuất bản năm 1884, một cô bé gắng sức cõng một đứa trẻ to béo; thấy thế, một người hỏi cô bé có mệt không, cô trả lời “Không, nó không nặng, bởi nó là em tôi (No, he’s not heavy; he’s my brother).

Năm 1924, tác giả Mỹ Roe Fulkerson là người đầu tiên sử dụng câu đã được “Mỹ hóa” He Ain’t Heavy, He’s My Brother để làm tựa cho một bài viết của mình trong số ra mắt của tạp chí Kiwanis.

[Kiwanis là cơ quan ngôn luận của Kiwanis International, một tổ chức thiện nguyện phục vụ nhi đồng trên khắp thế giới, trụ sở đặt tại Indianapolis, Indiana, Hoa Kỳ]

Tới năm 1943, hệ thống “nhà trẻ em bụi đời” Boys Town – do Linh mục Edward Flanagan (1886-1948) sáng lập – đã chính thức lấy biểu tượng (logo) là hình vẽ một cậu con trai cõng một cậu con trai khác trên lưng, với hàng chữ “He ain’t heavy, mister – he’s my brother.”

Chính logo này đã trở thành nguồn cảm hứng cho Bobby Scott và Bob Russell sáng tác ca khúc He Ain’t Heavy, He’s My Brother.

Nam ca sĩ nhạc country Kelly Gordon (1932-1981) là người đầu tiên thu đĩa He Ain’t Heavy, He’s My Brother trong năm 1969, tuy nhiên phải đợi tới mùa thu năm đó, sau khi được The Hollies thu đĩa, ca khúc này mới nổi tiếng quốc tế.

The Hollies, cùng với The Who, The Zombies, là ba ban nhạc nổi tiếng nhất trong đợt “xâm lăng” thứ nhì của Anh quốc vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ. Thành lập năm 1962 tại Manchester, The Hollies được xếp hạng 9 (tính cả ca sĩ lẫn ban nhạc) trong cả thập niên 1960 với 30 ca khúc trên bảng xếp hạng tại Anh quốc (UK Singles Chart) trong thời gian tổng cộng 231 tuần lễ.

Tại Hoa Kỳ, The Hollies có 22 bản nằm trong Billboard Hot 100. Ngoài Anh quốc và Hoa Kỳ, The Hollies còn có 60 đĩa single và 26 album lọt vào bảng xếp hạng ở nhiều quốc gia khác. The Hollies được ghi nhận là ban nhạc rock đi tiên phong hát ba bè, một cách hát sau này rất phổ biến trong các ban nhạc trẻ ở Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Trở lại với bản He Ain’t Heavy, He’s My Brother do The Hollies thu đĩa, ngày ấy anh chàng Elton John 22 tuổi còn vô danh tiểu tốt, đã được The Hollies mướn đệm dương cầm trong đĩa nhạc này với thù lao 12 bảng Anh (khoảng 25-30 đô-la).

Đĩa He Ain’t Heavy, He’s My Brother của The Hollies tung ra tại Âu châu vào đầu tháng 9/1969, đã lên tới No.2 ở Ái-nhĩ-lan, No.3 ở Anh quốc, No.5 ở Thụy-sĩ, No.7 Na-uy, No.9 ở Đức… Tới đầu tháng 12/1969, He Ain’t Heavy, He’s My Brother được phát hành tại Hoa Kỳ và lên tới No.7.

Một chi tiết thú vị là 19 năm sau (1988), khi He Ain’t Heavy, He’s My Brother do The Hollies thu đĩa được người Mỹ sử dụng trong màn quảng cáo bia Miller Lite (của Mỹ), ca khúc này đã trở lại bảng xếp hạng, đứng No.1 tại cả Anh quốc lẫn Ái-nhĩ-lan!

Phụ lục (3): He Ain’t Heavy, He’s My Brother, The Hollies

So với các ca khúc khác cũng được ưa chuộng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thường được sử dụng làm “nhạc nền” – như House of the Rising Sun của The Animals, Paint It Black của The Rolling Stones, A Whiter Shade of Pale của Procol Harum – bản He Ain’t Heavy, He’s My Brother của The Hollies không đứng hạng cao cho bằng, nhưng riêng với các binh sĩ Mỹ đang chiến đấu tại Việt Nam ngày ấy, và tại các chiến trường khác sau này, nó mang một ý nghĩa cao quý: huynh đệ chi binh, sống chết có nhau.

Video:

Dedication and Tribute to the Vietnam Veterans (New Version)

Có thể viết mà không sợ quá lời, “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” vào nền nhạc phổ thông ở Hoa Kỳ, kéo dài từ đầu thập niên 1960 tới giữa thập niên 1970, đã tái lập “chế độ thuộc địa Anh” trong lĩnh vực ca nhạc tại Hiệp chúng quốc!

Vào tuần lễ thứ hai của tháng 5 năm 1965, trong Top 10 của danh sách Billboard Hot 100, đã chỉ có một bản duy nhất của Mỹ (bản Count Me In của Gary Lewis & The Playboys). Còn nếu tính chung cả năm 1965, có tới phân nửa trong tổng số 26 bản đứng No.1 trên Billboard Hot 100 là của các nghệ sĩ Anh!

Cuộc xâm lăng này đã khai tử “surf rock” nói riêng, các hình thức nhạc không lời (instrumental) ở Mỹ nói chung, đã chấm dứt sự nghiệp của các ban nữ ca (trừ The Supremes), các ban dân ca phục hưng (folk revival); và các thần tượng trẻ từng làm mưa gió từ cuối thập niên 1950 (kể cả Ricky Nelson và Elvis Presley) cũng bị “mất khách” một cách thê thảm…

Các show truyền hình chuyên giới thiệu nền nhạc truyền thống của Hoa Kỳ như Sing Along with Mitch, Hootenanny… bị dẹp tiệm, nhường chỗ cho những chương trình giới thiệu các ca khúc, các ban nhạc Anh, trong số đó có những chương trình được thực hiện từ Anh quốc…

Nhưng “Cuộc xâm lăng của Anh quốc” không chỉ gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ mà còn trên khắp thế giới, như bách khoa tự điển Wikipedia đã viết:

“Cuộc xâm lăng của Anh quốc” đã ảnh hưởng thật sâu đậm tới nền nhạc phổ thông, đã quốc tế hóa “rock and roll”, đã biến nền ca nhạc Anh quốc trở thành một trung tâm sáng tạo, đã mở một cánh cửa cho nghệ sĩ Anh đạt thành công trên trường quốc tế.

“Cuộc xâm lăng của Anh quốc” còn đóng một vai trò quan trọng trong việc khai sinh ra những thể loại rock riêng biệt, đã khẳng định vai trò hàng đầu của các ban nhạc rock, đặt nền tảng trên ghi-ta và trống, cùng với những sáng tác của chính các thành viên”.

(Ngưng trích dẫn)

Cách riêng tại Hoa Kỳ, Cuộc xâm lăng của Anh quốc đã dẫn đưa tới việc thành lập rất nhiều ban nhạc chịu ảnh hưởng của các ban nhạc Anh, như The Byrds, The Doors, The Monkees, Paul Revere & the Raiders, Gary Puckett & The Union Gap, Creedence Clearwater Revival, The Eagles, v.v…

* * *

Tới đây, chúng tôi viết về về bản No Milk Today (Hôm Nay Không Sữa) của Graham Gouldman do ban Herman’s Hermits thu đĩa.

clip_image006

[Graham Gouldman, sinh năm 1946, là ca nhạc sĩ kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng của Anh quốc; tới năm 1970, đã đứng ra thành lập ban nhạc rock 10cc]

So với những ca khúc bất hủ của các ban The Beatles, The Rolling Stones, The Animals, The Who… trong đợt một của Cuộc xâm lăng của Anh quốc, bản No Milk Today của Herman’s Hermits không thể so sánh; chẳng những thế, No Milk Today cũng không phải ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp của Herman’s Hermits.

Herman’s Hermits được thành lập năm 1962 tại Manchester, tức là cùng thời gian và nơi chốn với The Hollies; được ông bầu Harvey Lisberg khám phá và giới thiệu với nhà sản xuất đĩa nhạc Mickie Most, cũng là người sản xuất đĩa nhạc cho The Animals, The Nashville Teens, Donovan, Lulu…

clip_image008

Khác với hình ảnh “bụi đời” và cung cách “nổi loạn” của đa số ban nhạc trẻ Anh thời bấy giờ, năm chàng trong ban Herman’s Hermits trông rất “nhà lành”. Vì thế, mặc dù từ ngày thành lập Herman’s

Hermits chuyên hát nhạc R&B (rythm and blues của người da đen), Mickie Most đã chọn các ca khúc dễ thương, nhẹ nhàng cho các chàng thu đĩa.

Thành công thương mại đầu tiên của Herman’s Hermits là bản I’m into Something Good, một sáng tác của cặp vợ chồng ca nhạc sĩ Gerry Goffin và Carole King nổi tiếng của Mỹ.

I’m into Something Good do Herman’s Hermits thu đĩa đã lên tới No.1 tại Anh và No.13 ở Hoa Kỳ vào cuối năm 1964. Đây là đĩa hát đầu tiên và cũng là cuối cùng của Herman’s Hermits lên Top ở Anh, bởi vì sau đó đối tượng khán thính giả của họ chủ yếu là ở Hoa Kỳ.

Năm 1965, Herman’s Hermits được hãng MGM của Mỹ ký hợp đồng thu đĩa và đóng phim.

Khán giả yêu nhạc ở Sài Gòn ngày ấy hẳn vẫn chưa quên cuốn phim đầu tay của Herman’s Hermits – When the Boys Meet the Girls (1965), đóng chung với Connie Francis của Mỹ, lúc đó đang nổi như cồn.

Cũng trong năm 1965, Herrman’s Hermits đã có ba bản đứng No.3 tại Hoa Kỳ, và về sau có thêm một bản đứng No.1, một bản đứng No.2, và tám bản khác trong Top 10, trong số này, bản được giới nghe nhạc trẻ ngoại quốc tại Sài Gòn ngày ấy ưa chộng nhất có lẽ là There’s a Kind of Hush, thu đĩa năm 1967, đứng No.4 trong danh sách Billboard Hot 100.

Phụ lục (4): There’s A Kind Of Hush, Herman’s Hermits

Video:

Herman’s Hermits – There’s A Kind Of Hush – (With subtitles in English)

Trong khi đó, No Milk Today chỉ lên tới hạng 35 tại Hoa Kỳ!

No Milk Today là sáng tác thứ hai của ca nhạc sĩ Graham Gouldman viết cho Herman’s Hermits; bản trước đó là Listen People, lên tới No.3 tại Hoa Kỳ.

Nguyên nhân đưa tới việc Graham Gouldman viết bản No Milk Today hết sức tính cờ.

Ngày ấy, thập niên 1960, sữa tươi (fresh milk) còn được giao tận nhà; mỗi sáng sớm, chủ nhà để cái chai không ngoài cửa, người giao sữa (milkman) tới lấy và để lại chai sữa mới.

Một buổi sáng nọ, Graham Gouldman cùng ông bố đi ngang ngôi nhà của một người quen, và thấy tờ giấy viết mấy chữ “no milk today” trước cửa. Ông bố của Graham Gouldman liền “triết lý vụn”, đại khái: chỉ mấy chữ ấy thôi nhưng có biết bao nguyên nhân khác nhau, nào ai biết được!

Câu nói của ông bố đã tạo nguồn cảm hửng cho Graham Gouldman viết bản No Milk Today, nội dung là lời kể của một chàng trai có người yêu đã bỏ ra đi:

Phụ lục (5):No Milk Today, Herman’s Hermits

No Milk Today

No milk today, my love has gone away
The bottle stands forlorn, a symbol of the dawn
No milk today, it seems a common sight
But people passing by don’t know the reason why
How could they know just what this message means
The end of my hopes, the end of all my dreams
How could they know the palace there had been
Behind the door where my love reigned as queen
No milk today, it wasn’t always so
The company was gay, we’d turn night into day
But all that’s left is a place dark and lonely
A terraced house in a mean street back of town
Becomes a shrine when I think of you only
Just two up two down
No milk today, it wasn’t always so
The company was gay, we’d turn night into day
As music played the faster did we dance
We felt it both at once, the start of our romance
How could they know just what this message means
The end of my hopes, the end of all my dreams
How could they know a palace there had been
Behind the door where my love reigned as queen
No milk today, my love has gone away
The bottle stands forlorn, a symbol of the dawn
But all that’s left is a place dark and lonely
A terraced house in a mean street back of town
Becomes a shrine when I think of you only
Just two up two down
No milk today, my love has gone away
The bottle stands forlorn, a symbol of the dawn
No milk today, it seems a common sight
But people passing by don’t know the reason why
How could they know just what this message means
The end of my hopes, the end of all my dreams
How could they know a palace there had been
Behind the door where my love reigned as queen

No milk today, it wasn’t always so
The company was gay, we’d turn night into day
But all that’s left is a place dark and lonely
A terraced house in a mean street back of town
Oh all that’s left is a place dark and lonely
A terraced house in a mean street back of town
Oh all that’s left is a place dark and lonely
A terraced house in a mean street back of town

No Milk Today do Herman’s Hermits thu đĩa được tung ra vào tháng 10 năm 1966, tuy không phải là một bản No.1 (chỉ lên tới No.7 trong Top 10 ở Anh và đứng hạng 35 trong Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ) nhưng rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Âu châu, vào thập niên 1990, công ty Friesland Coberco Dairy Foods nổi tiếng của Hòa-lan đã sử dụng ca khúc này để quảng cáo cho các sản phẩm của họ; gần đây, năm 2009, No Milk Today cũng được hãng sữa Tine của Na-uy sử dụng để quảng cáo (người sành điệu hẳn phải biết tới hiệu cheese “Jarlsberg” của hãng này).Phụ lục (5): No Milk Today, Herman’s Hermits

clip_image009

Riêng tại Việt Nam, bản No Milk Today – Hôm Nay Không Sữa cũng rất được ưa chuộng, phần vì giai điệu vui tai và lời hát dễ thương trong nguyên tác, phần vì tài chuyển ngữ độc đáo của Vũ Xuân Hùng và tiếng hát trầm ấm của Duy Quang.

Hôm Nay Không Sữa

Hôm nay không sữa, chắc em đã đi thật xa
Chiếc chai lăn trong góc nhà, dấu tích đêm chưa xóa nhòa.
Hôm nay không sữa, có khác chi hơn bao ngày qua
Khách quen đi ngang thấy lạ, thắc mắc em không có nhà.
Nào họ hay biết, ý đó mang trong lòng chai
Từ nay thôi hết tuyệt vọng và thôi mơ ước.
Nào họ hay biết đã có bao nhiêu hoàng cung
Xây bên trong đó, em như công chúa trị ngôi.
Hôm nay không sữa, tiếc thương bao nhiêu ngày xưa
Có em tươi như nắng trời, có em cho anh biết cười.
Giờ này em đi tăm tối cô đơn vây kín nơi nơi
Nhà ta vui tươi trên phố đêm nay thành cung thánh.
Còn chăng trong anh thương nhớ mơ đến,
Dáng em ngoan lúc đôi ta còn nhau.
Hôm nay không sữa, tiếc thương bao nhiêu ngày xưa
Có em tươi như nắng trời, có em cho anh biết cười.
Thương nhau biết mấy, chắc chi ta không hờn nhau
Đến nay em xa cách rồi, nỗi tiếc thương sao rã rời.
Nào họ hay biết, ý đó mang trong lòng chai
Từ nay là thôi hết, tuyệt vọng và thôi mơ ước.
Nào họ hay biết, đã có bao nhiêu hoàng cung
Xây bên trong đó? Em như công chúa trị ngôi.
Hôm nay không sữa, tiếc thương bao nhiêu ngày xưa
Có em tươi như nắng trời, có em cho anh biết cười.

Phụ lục (6): Hôm Nay Không Sữa, Duy Quang

 

Hoài Nam

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search