T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: World Cup 2010: Khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu!

 

 

clip_image002

Đó là nhan đề một quyển sách tôi đọc đã lâu lắm (*). Chừng như 40 năm. Tự nhiên, cái tên quyển sách vụt trở về trong trí tôi khi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp người Algeria để mặc cho nước mắt chảy dài trên má, ngồi trên khán đài mà đôi mắt cứ nhìn trừng trừng xuống sân cỏ Loftus Versfeld, thành phố Pretoria (Nam Phi). Đội tuyển “nhà” của cô vừa thúc thủ số phận sau một cuộc chiến dũng mãnh, và chỉ chịu thua ở giây phút cuối cùng. Đôi mắt cô có vẻ như không tin rằng, trọng tài kỳ cựu người Bỉ Frank De Bleekere vừa thổi tiếng còi mãn trận đấu, và đội tuyển nhà Algeria đã chẳng may bị đội tuyển Mỹ đá tung lưới ở phút thứ 91. Xa vắng World Cup 24 năm ròng rã, nay vừa mới quay trở lại cuộc thư hùng lớn nhất hành tinh, đội Algeria đã phải lên đường về nước sớm hơn dự định. Giọt nước mắt của cô gái người Algeria quả thực đã khiến tôi chạnh lòng. Không còn cơ hội nào nữa cho ngọn cờ thân yêu của tổ quốc cô tung bay giữa hàng tỉ đôi mắt trên thế giới nhìn vào. Và giây phút nói lời từ biệt não lòng lại là hình ảnh khuôn mặt kiều diễm long lanh đôi dòng nước mắt. Cô khóc cho đội tuyển nhà dù cố gắng hết sức cũng không thể xoay chuyển được số mệnh. Vị thần may mắn đã không mỉm cười với cô, với đội tuyển Algeria. Cô cũng khóc cho quê hương Algeria bên tận trời Phi nóng cháy chăng? Dù thế nào, tôi vẫn nhìn đôi dòng nước mắt trên khuôn mặt cô gái Algeria trên khán đài sân vận động Loftus Versfeld một buổi chiều ngày 23 tháng 6 năm 2010 là giọt nước mắt hạnh phúc. Vì cô vẫn còn khóc được cho quê hương. Vì cô vẫn còn có một quê hương để khóc.

Quê hương Mỹ hay quê hương Việt Nam

Trận đấu giữa đội tuyển Mỹ và đội tuyển Algeria là một trận đấu quyết định cho đội Mỹ. Không chỉ là cơ hội cho đội Mỹ vào sâu trong giải mà họ đã để vuột khỏi tầm tay hồi năm 2006, mà còn là cơ may bằng vàng để môn bóng tròn “lên ngôi” ở nước Mỹ, xứ sở của bóng bầu dục, bòng chày, bóng rổ . . . Sau trận hòa đấy biến cố của đội nhà với đội Slovenia trước đó, cả nước Mỹ đột nhiên như được chích thuốc kích thích. Báo chí bắt đầu lên tiếng bàn tán về những cơ hội mà trận đấu giữa Mỹ và Algeria mang lại. Họ bàn về những “ngôi sao” (từ lâu vốn xa lạ với họ) như những tên tuổi mặc nhiên ai cũng biết: Donovan, Dempsey, Altidore v..v..

Cả nhà tôi, tuy sống khá lâu trên đất Mỹ, nhưng vẫn ưa thích môn bóng tròn, nhất là những giải World Cup. Hai đứa con gái, tuy sinh ra trên đất Mỹ, nhưng thừa hưởng “máu” bố mẹ, cũng chỉ mê Soccer. Vì thế, trận đấu quan trọng này – ngồi trước màn hình – không thiếu một ai. Chúng tôi đã thất vọng, đã bực tức, đã vung chân vung tay la hét đến khản cả cổ. Nỗi thất vọng kéo dài suốt 90 phút của trận đấu. Niềm vui chợt bùng lên chút đỉnh khi thấy bảng thông báo 4 phút đá thêm giờ. Rồi, đột nhiên, ở phút thứ 91, từ đường chuyền của Altidore, từ phía sau, Donovan phóng lên như tên bắn, và tung lưới Algeria. Cả nhà tôi như vỡ tung vì tiếng la sung sướng của cha, của con, của chồng, của vợ. Những tiếng hét của cổ động viên người Mỹ trên khán đài sân vận động Loftus Versfeld ở thành phố Pretoria xa tít tắp tận Nam Phi lúc đó chắc cũng chỉ có thể sánh được với tiếng la hét vui mừng của gia đình tôi, trong căn phòng khách một căn nhà nằm ở một thành phố nhỏ bé của miền Trung nước Mỹ. Giây phút giao thoa đó với thế giới chỉ có thể xảy ra nhờ một trận bóng, một bàn thắng lịch sử, một giây phút định mệnh. Không gian, thời gian lúc đó không là gì cả. Chỉ còn cầu thủ người Mỹ Donovan và lá cờ Mỹ quốc xanh trắng đỏ vỡ òa trong niềm vui như chưa bao giờ được vui. Cả nước Mỹ cũng đã nổ tung theo tiếng reo của cầu trường. Trong giây phút ấy, một vị anh hùng mới của nước Mỹ được lên ngôi. Thị trường Chứng Khóan New York vang rền rĩ tiếng hoan hô Donovan. Cả những khán phòng của Tòa Bạch Ốc. Cựu Tổng Thống Clinton, người ngồi chăm chú suốt trận đấu bên cạnh chủ tịch Fifa Saffter, đã nấn ná trong phòng thay đồ của các cầu thủ Mỹ cả 45 phút sau trận đấu để chỉ nói lời khen ngợi. Giờ thì 300 triệu người Mỹ ai cũng biết Landon Donovan là ai, anh ta làm gì và anh ta lên ngôi ở đâu. Tiếng tăm lừng lẫy của giải World Cup có lịch sử lâu đời, lôi cuốn cả thế giới 6 tỉ con người, vẫn chưa đủ để người Mỹ biết về nó. Phải đợi đến giây phút thứ 91 của một trận Soccer và cú đá lịch sử của Landon Donovan, người Mỹ mới tạm biết World Cup là gì. Còn người dọn cỗ cho Donovan, Altidore thì sao ? anh ta tạm thời vẫn còn là cái bóng mờ nhạt. Người Mỹ chỉ thích nhân vật chính, người anh hùng, còn thì họ bỏ quên những nhân vật phụ, dù là phụ có tầm cỡ như Altidore, dù là nếu không có những đường chuyền thông minh và kỹ thuật của Altidore, dễ gì đã có được mâm cỗ lịch sử cho Landon Donovan chễm chệ ngồi xuống!

clip_image004

Tất nhiên, trong niềm vui của Mỹ quốc, hôm nay, không thiếu những giọt nước mắt. Gịot nước mắt vì tin tưởng vào phép lạ, và phép lạ đã xẩy ra thật. Không chỉ những cô gái khóc, mà cả những chàng trai thân xác lực sĩ. Người khóc được cả thế giới (và nước Mỹ) chú ý chính là nhân vật chính Landon Donovan. Ôi! Những giọt nước mắt thật hạnh phúc.

Chính giây phút nhìn thấy khuôn mặt của Donovan, tôi lại nghĩ đến khuôn mặt cô gái Algeria và đôi dòng lệ nhỏ. Một bên thắng, một bên thua. Cả hai đều khóc cho quê hương của mình.

Chẳng phải đó là điều tuyệt vời nhất mà thể thao đã mang lại cho chúng ta hay sao ?

Đó cũng là lúc tôi nhớ lại câu chuyện nhỏ của gia đình tôi khi con gái lớn của tôi, một fan cuồng nhiệt của đội tuyển Brasil, lúc nào cũng ăn mặc như một fan của Brasil thực sự mỗi khi ngồi xem một trận đấu có đội tuyển Brasil tham dự. Tôi hỏi nó: nếu đội Mỹ đấu với đội Brasil, con sẽ ủng hộ đội nào? Con tôi không trả lời, dù sau đó đã suy nghĩ rất nghiêm chỉnh câu hỏi. Dù sinh ra tại Mỹ, nhưng ý thức được mình cũng là người Việt nam (di dân), nó không nghĩ một cách hòan tòan rằng nước Mỹ là quê hương của nó. Thế nên, cái lấn cấn đã xẩy ra khi phải trả lời sự lựa chọn: Một đội tuyển Brasil lúc nào cũng ở hàng đầu thế giới về nghệ thuật đá bóng và nước Mỹ, nơi cha mẹ mình lưu thân và sinh ra mình.

Đến một câu hỏi nữa, có lẽ còn khó hơn. Gỉa sử nước Việt Nam hiện nay có đội tuyển tham dự World Cup, và hai đội tuyển Mỹ và Việt gặp nhau trong một trận đấu sống mái, con sẽ chọn đội nào để ủng hộ? Thêm một lần nữa con tôi im lặng nhìn bố, không trả lời. Không thể trả lời. Khó trả lời.

clip_image006

Chọn ai? nếu nó là một người Mỹ gốc Đại Hàn, gốc Nhật Bản, gốc . . . câu trả lời có lẽ không khó lắm.

Nhưng nó là một người Mỹ gốc Việt Nam, cha mẹ phải lìa bỏ xứ sở vì không thể sống được trên đất nước của mình. Chọn bên nào? tại sao?

Ôi những oan nghiệt của lịch sử! ôi những giọt nước mắt cho quê hương! ôi những cảm gíac rùng mình khi nhìn lá cờ tổ quốc phất phới trên diễn đài thế giới, khi nghe làn điệu quốc ca quen thuộc trỗi lên trên bầu trời hành tinh!

Quả thật, World Cup mang lại nhiều thứ thật tuyệt vời.

T.Vấn

23-06-2010

Chú thích: * Đây là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Nam Phi Alan Paton, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê 1968. Tác phẩm nói vễ nỗi cơ cực của người da mầu vì nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi những năm tiền bán thế kỷ 20 .

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search