T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đình Chương: Ly Rượu Mừng

” . . .  Trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả, nhất là người Sài Gòn ở thập niên 1960-1970, nghe Ly rượu mừng nghĩa là Tết đến xuân về.Đó là những ngày giáp Tết, trẻ nhỏ thấy hân hoan, rộn ràng với pháo nổ đì đùng, kẹo mứt, quần áo mới hay phong bao lì xì; Là khi người lớn tạm gác những lo toan của năm cũ để lo sắm sửa đón Tết, để ngắm mai vàng, cùng nhau nâng chén rượu cầu chúc cho những điều tốt đẹp sẽ đến và còn mãi. . . ”

Phạm Đình Chương: Ly Rượu Mừng

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Ly ruou mung 01

Ly ruou mung 02

Ly ruou mung 03

Ly ruou mung 04

Ly Rượu Mừng – Sáng Tác: Phạm Đình Chương

Trình Bày: Ban Hợp Ca Thăng Long (Pre 75)

Trình Bày: Ban Hợp Ca Asia

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Nghe Thêm: Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (25)- Phạm Đình Chương 1

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (26)- Phạm Đình Chương 2

Phụ Lục:

‘Ly Rượu Mừng’… được phép rót!

clip_image001
‘Ly Rượu Mừng’ là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Sau 41 năm, giai điệu của ca khúc ‘Ly Rượu Mừng’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương mới được Hà Nội cấp phép hát trở lại trên quê hương.

Hôm 9/1, đại diện công ty Phương Nam Film xác nhận với BBC rằng họ sẽ phát hành ca khúc này trong album cùng tên nhân dịp Tết Bính Thân 2016. Bài hát sẽ do ca sĩ Quang Dũng và Trần Thu Hà trình bày.

‘Ly Rượu Mừng’ là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Hồ sơ của công ty gửi Cục Nghệ thuật – Biểu diễn xin cấp phép ghi “nhạc sĩ sáng tác ca khúc này năm 1952 tại Sài Gòn”.

Nhưng cũng có giai thoại trong giới văn nghệ khẳng định: “Trước tháng 4/1975, khi cho in ‘Ly Rượu Mừng’ hình thức một bản nhạc lẻ, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã ghi chú nguyên văn như sau: “viết tại Sài Gòn năm 1955 để đăng trên số báo Tết của báo Đời Mới, thể theo lời yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh, là hai người chủ trương tờ báo này.”

Theo đó, ca từ của “Ly Rượu Mừng” là những lời chúc Tết khi mời nhau chén rượu, thể hiện niềm vui của người dân miền Nam sau khi hòa bình vừa được vãn hồi và nền Đệ nhất cộng hòa mới được thành lập (năm 1955).

Đại diện Phương Nam Film tiết lộ những năm trước, họ đã nhiều lần xin phép lưu hành ca khúc này nhưng không được. “Nếu ca khúc này ra đời sau năm 1955 thì sẽ bị Cục Nghệ thuật – Biểu diễn cho là ‘hát về lính ngụy’ và khó có khả năng được lưu hành chính thức”, nguồn tin nói với BBC.

‘Ly Rượu Mừng’ được trình bày đầu tiên do ban hợp ca Thăng Long ở Sài Gòn. Ban Thăng Long gồm bốn anh chị em Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái) và Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).

Từ thập niên 1950, ca khúc này đã được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam trình diễn tại Sài Gòn và sau 1975 trên sân khấu của các trung tâm băng đĩa hải ngoại.

Đến nay, ca khúc này vẫn vang lên trong những ngày đón xuân của người Việt trên cả thế giới, chỉ riêng trong nước là không ‘được phép’ nghe.

‘Xuân khúc kinh điển’

Có ý kiến lý giải sở dĩ ‘Ly Rượu Mừng’ trở thành ca khúc bất hủ là vì ca từ không chỉ chuyển tải lời chúc đầu năm mà còn thể hiện ước vọng “ngày mai sáng trời tự do” cho quê hương “máu xương thôi tuôn rơi”.

Trên website cá nhân, nhà thơ Du Tử Lê viết: “Tôi muốn gọi ‘Ly Rượu Mừng’ là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất ‘kinh điển’ hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.

Mỗi khi cùng nhau nâng ‘Ly Rượu Mừng’ dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…”.

Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy”.

(Nguồn: chauxuannguyen.org)

‘Ly rượu mừng’ – cuộc đoàn viên với khán giả sau hơn 40 năm

Ca khúc Tết bất hủ của Phạm Đình Chương in sâu trong tâm hồn, ký ức nhiều thế hệ khán giả trong, ngoài nước về niềm hân hoan, ước vọng xuân an bình.

Tháng 1/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho ca khúc Ly rượu mừng phổ biến trên toàn quốc. Bài hát được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trước năm 1975, từng được xem là ca khúc Tết kinh điển trong lòng rất nhiều khán giả. Do thời cuộc, ca khúc đã vắng bóng trong đời sống văn hóa – nghệ thuật nước nhà. Để rồi sau 41 năm – khoảng thời gian bằng một đời người – ly rượu chúc Tết ấy được “rót” lại trong mùa Tết này.

“Việc ca khúc được cấp phép trở lại là một tin rất vui mừng với những ai yêu nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xúc động chia sẻ. Đạo diễn âm nhạc Đinh Anh Dũng cho biết: “Trước đây khi làm chương trình Tết, nhiều lần tôi rất muốn đưa bài này vào chương trình. Nhưng vì chưa được cấp phép nên đành chịu. Giờ tôi thấy rất vui mừng khi mọi người đã có thể chính thức đến với ca khúc”.

Trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả, nhất là người Sài Gòn ở thập niên 1960-1970, nghe Ly rượu mừng nghĩa là Tết đến xuân về. Đó là những ngày giáp Tết, trẻ nhỏ thấy hân hoan, rộn ràng với pháo nổ đì đùng, kẹo mứt, quần áo mới hay phong bao lì xì; Là khi người lớn tạm gác những lo toan của năm cũ để lo sắm sửa đón Tết, để ngắm mai vàng, cùng nhau nâng chén rượu cầu chúc cho những điều tốt đẹp sẽ đến và còn mãi.

Và khi ấy, đêm giao thừa, trong tiếng chuông nhà thờ đổ ngân dài, hay tiếng trống lân, tiếng pháo… giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh cùng ban hợp ca Thăng Long lại cất vang bài Ly rượu mừng trên chiếc tivi, chiếc đài cũ. Ngày ấy không có nhiều đài để lựa chọn nên mọi người đều chờ đón để lắng nghe Ly rượu mừng. Ở các trường học, thầy cô, học sinh hân hoan hát nhạc phẩm này đón xuân. Trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, bom đạn, nhạc phẩm chất chứa, gói trọn một tình yêu chan hòa dành cho con người, cho quê hương, thể hiện một tấm lòng rộng rãi, phóng khoáng của người nghệ sĩ trước cảnh đất trời dân tộc vào xuân, ước vọng về “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…”.

clip_image002
Hoài Trung, Thái Thanh và Hoài Bắc Phạm Đình Chương – các thành viên của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng tại Sài Gòn một thời. Ảnh tư liệu.

Ca sĩ Quang Dũng, sinh năm 1976, lớn lên tại Quy Nhơn, Bình Định nhưng anh đã nghe đến và thuộc lòng bài hát từ ngày bé, bởi đơn giản ngày đó, mọi người dân ở quê anh đều nghe Ly rượu mừng, chúc xuân sang. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ, từ khi bắt đầu chơi nhạc, ông đã biết và thích ca khúc nhạc xuân của Phạm Đình Chương. Dù nhiều năm qua, ca khúc không lưu hành rộng rãi trong nước, mỗi lần Tết đến, nhạc sĩ đều tự chơi bản nhạc này tại nhà để mình và mọi người cùng thưởng thức. “Từ lời đến giai điệu ca khúc đều rất hay, rất có ý nghĩa với mọi người. Ai nghe cũng sẽ thấy được mình trong đó”, ông nói.

Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Đình Chương (nghệ danh Hoài Bắc, 1929-1991) không có quá nhiều tác phẩm, nhưng nhiều bài hát của ông đã đi vào lòng người yêu nhạc. Ca khúc của ông khá đa dạng, phần nào phản ảnh tinh thần, tâm trạng trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời ông, có khi mạnh mẽ, hân hoan, cũng có khi đớn đau, bi thương.

Nhưng một nét nhạc ấn tượng của Phạm Đình Chương là nằm ở hồn cốt quê hương Việt Nam, ở bản sắc dân tộc đậm đà, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc đời. Bài hát Ly rượu mừng được ông viết khoảng đầu thập niên 1950. Toàn bài hát là giai điệu valse tươi vui, dìu dặt, ca từ hòa quyện, giai điệu được chuyển tông rất nhẹ nhàng, uyển chuyển. Đây là một trong số các sáng tác tiêu biểu của thời kỳ Tân nhạc Việt Nam, thể hiện được tài năng của người nhạc sĩ ở chỗ dựa trên thể thức nhạc phương Tây nhưng hồn cốt đậm nét phương Đông, hồn dân tộc.

Sự gián đoán của nhạc phẩm này một thời dài khiến lứa khán giả thuộc thế hệ 8X, 9X trong nước, hoặc với nhiều người cảm thấy không quen với ca khúc nhạc xuân một thời. Thay vào đó, các bài hát nhạc Tết mới, hoặc nhạc phẩm Happy New Year của ABBA thịnh hành hơn. Tuy vậy, theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, việc ca khúc được phép lưu hành trở lại, dù muộn, vẫn cho thấy một điều tốt trong năm mới. “Tôi nghĩ nơi nào có người Việt Nam thì người ta sẽ vẫn nghe và cảm được ý nghĩa của ca khúc Ly rượu mừng. Bao năm qua, ở hải ngoại, người Việt vẫn hát bài hát này để giữ hoài niệm về nguồn cội, về Tết. Nếu ca khúc này từ năm nay vang lên khắp nơi trong nước thì chính thế hệ 9X hiện tại hoặc lớp khán giả về sau nữa sẽ lưu giữ để nhạc phẩm hiếm có của âm nhạc Việt Nam này còn mãi”, Đỗ Trung Quân chia sẻ.

Hành trình để Ly rượu mừng trở lại một cách chính thức với khán giả là hành trình kiên nhẫn từ phía công ty Phương Nam Phim (PNF)đơn vị làm hồ sơ thủ tục trình lên Cục Nghệ thuật biểu diễn xin phép phổ biến ca khúc.

Từ khoảng 20 năm trước, đơn vị này đã có mong muốn đưa ca khúc của Phạm Đình Chương trở lại đời sống âm nhạc trong nước. Khoảng tháng 10/2015, PNF nộp hồ sơ lên Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Trước đó, PNF từng làm hồ sơ nhưng thất bại vì chưa tập hợp được đầy đủ các thông tin về bài hát.

clip_image003
Bìa album “Ly rượu mừng” vừa phát hành của Phương Nam Phim.

Bà Phan Mộng Thúy – Giám đốc PNF cho biết – chỉ đến khi đơn vị này kết nối được với gia đình của nhạc sĩ Phạm Đình Chương ở Mỹ thì các thông tin mới được tập hợp đầy đủ hơn. Con trai trưởng của Phạm Đình Chương là ông Phạm Thành giữ bản quyền thu thanh, CD, video cũng như các hình thức kỹ thuật số, thu âm ca khúc Ly rượu mừng. Ông Phạm Thành đã nhiệt tình gửi các cho PNF bản nhạc gốc kèm theo lời giải thích rõ ràng về hoàn cảnh sáng tác. Bản nhạc này vốn trích ra từ một tập sách nhạc Phạm Đình Chương ấn hành ở Mỹ. Theo đó ghi rõ: ca khúc Ly rượu mừng được viết tại Sài Gòn năm 1953 để đăng trên số báo Tết, báo Đời Mới, thể theo yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh – hai người chủ của tờ báo. Khi các thông tin rõ ràng thì việc quy trình xin phép từ PNF và việc cấp phép từ cơ quan chức năng được tiến hành nhanh chóng hơn.

Sau 41 năm, lần đầu tiên ca khúc Ly rượu mừng xuất hiện trong album xuân cùng tên do PNF vừa phát hành. Quang Dũng và Phạm Thu Hà được PNF mời là hai ca sĩ hát chính để thu âm nhạc phẩm. Ngoài ra, các ca sĩ khác xuất hiện trong album như: Phi Nhung, Hoài Lâm, Bảo Yến, nhóm Ayor… cũng tham gia phần bè cho Quang Dũng, Phạm Thu Hà, góp phần vào những nốt nhạc bay bổng, hân hoan trong ngày đầu năm mới.

“Tôi và Phạm Thu Hà rất tự hào khi sau bao nhiêu năm, nhạc phẩm đã được hát trở lại. Nhạc sĩ Đức Trí đã thực hiện một bản phối rất hay cho chúng tôi. Bản phối này vừa giữ được tinh thần bài hát vừa có hơi thở của cuộc sống hiện đại. Bản thân tôi không thấy áp lực gì khi bước vào phòng thu vì tôi và Phạm Thu Hà cùng anh Đức Trí đã trao đổi rất kỹ càng trước khi bắt tay vào làm việc. Tôi đã nghe, đã thuộc ca khúc này từ ngày bé, chất nhạc ấy đã thấm vào mình. Giờ hát lại, tôi không cần căng giọng hay sướt mướt mà cảm thấy rất nhẹ nhàng, rất hòa quyện cùng chất giọng của Phạm Thu Hà”, Quang Dũng tâm sự.

Tết Bính Thân 2016, Ly rượu mừng đã “rót” trở lại. Những câu từ trong nhạc phẩm là lời hát về một đất nước ấm no, thanh bình. Ca khúc ấy mãi mãi gửi gắm khát vọng kết nối mọi người dân Việt Nam cùng nâng chén chúc mừng năm mới.

(Nguồn : http://giaitri.vnexpress.net/)

Bài Mới Nhất
Search