T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trịnh Thanh Thủy: Tác phẩm “Hệ Lụy” của nhà văn Ngọc Cường

(Trích đoạn bài nói chuyện của nhà văn Trịnh Thanh Thủy  trong buổi ra mắt sách “Hệ Lụy” của  Ngọc Cường”

“Hệ Lụy”Là một tập truyện ngắn được tuyển chọn hệt như một bức tranh collage, lắp ghép những câu chuyện sống vui buồn, những mảnh đời thăng trầm của người Việt tị nạn ở khắp nơi hải ngoại. Văn phong của Ngọc Cường giản dị, dễ hiểu, không hề có nét bí hiểm. Người xem có thể đọc từ tốn hay đi một mạch xuyên suốt mà không phải vấp ngã bởi bất cứ từ ngữ hay ẩn dụ khó hiểu nào trên con đường chuyên chở văn chương trong tác phẩm của ông.

Không gian văn chương rộng vừa đủ để dẫn dắt chúng ta đi từ những vướng mắc quá khứ, những trăn trở hiện tại, những băn khoăn tương lai ở trước mặt. Ký ức của tác giả nối kết với hồi ức của những nhân vật còn ám ảnh với hình bóng những tên quản giáo,  áo của những câu chuyện tù đày đâu đó trong mơ hay ngoài đời. Hình ảnh những ngày chia cơm sẻ của các người bạn tù trong cảnh cùng khổ vẫn là chút tình cảm quý báu và thân thiết nhất. Tình bạn, tình gia đình là những ràng buộc mến yêu được tác giả trân trọng lồng vào những nghịch cảnh, trái ngoe, đắng chát của nhân vật trong truyện.

Cái lõi trần trụi muôn mặt của cuộc sống được tác giả bóc ra và bày rõ. Hình ảnh quen thuộc của những bà vợ, bà mẹ Việt Nam khăn gói đi thăm nuôi chồng, con ở trại cải tạo vẫn là cái gương sáng ngời như hoa sen. Song cũng có sự thay lòng đổi dạ của những người chạy theo đồng tiền và quyền lực bỏ quên người đầu ấp tay gối trong tù được kể ra trong đau đớn, chua cay. Cuối cơn bão lửa lịch sử, niềm hân hoan hạnh phúc nhất ở một người tù của chế độ vẫn là phút được tha về, từ giã cái nhà tù nhỏ để bước vào nhà tù lớn hơn của cả nước.

Phút giải thoát chính là cuộc sống tự do của đời sống tha hương của tác giả.

Đến với “Hệ Lụy”, độc giả sẽ được đi sâu vào sinh hoạt thường nhật của người Việt lưu vong xoay vần theo thời tiết sắc màu của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Những tư duy, trăn trở, thất bại, thành công, lên voi, xuống chó, sự kiên cường, tình thần cầu tiến, hay thối lui, yên phận của những nhân vật trong truyện từ một đơn vị nhỏ là gia đình ra tới cộng đồng lớn của xã hội đều được ông mô tả và nhắc đến một cách tỉ mỉ.

………..

Đọc “Hệ lụy” bạn đọc có thể  nhìnđược những kết nối, những hệ lụy, chằng chịt của một con người với thế giới chung quanh của  mình,hệt như một con tằm quấn chặt những đường tơ trong vương quốc tổ kén của mình vậy.

…………..”

Phụ Lục:

Nhà văn Ngọc Cường ra mắt sách ‘Hệ Lụy:’ Ấm áp và trang trọng

Đông đảo độc giả mua sách của Ngọc Cường.

Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) – “Hệ Lụy” của nhà văn Ngọc Cường tự nó đã đứng riêng, vững chãi một mình, chả lẫn lộn với ai hay bất cứ ảnh hưởng nào dù ông là hậu duệ của Thạch Lam, Nhất Linh.”

 Đó là nhận định của một nhà văn nữ trẻ, Trịnh Thanh Thủy, trong buổi ra mắt sách của nhà văn Ngọc Cường, tức Nguyễn Tường Cường, vào chiều Thứ Bảy, 29 Tháng Mười tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt.

Trịnh Thanh Thủy tự nhận là một “hậu bối,” “chẳng hề quen biết” khi được đọc tác phẩm Hệ Lụy của nhà văn Ngọc Cường, một nhà văn thuộc dòng dõi gia đình Tự Lực Văn Đoàn.

Với sự tham dự của một số bạn hữu Chu Văn An thời 1964, một số bạn hữu khóa 16 Thủ Đức, một số bạn tù trong suốt bao nhiêu năm trời, buổi ra mắt sách của nhà văn Ngọc Cường có một không khí khá đặc biệt, vừa thân tình lại vừa trang trọng, thắm đượm tình cảm, được MC Ngọc Lan của báo Người Việt dẫn chương trình.

Nói về người bạn Ngọc Cường, nhà báo Cao Xuân Hải kể: “Từ khi gặp Cường, nhân cách và tư tưởng của anh đã làm thay đổi cuộc đời tôi trong nếp sống và nếp nghĩ.”

Với cách nói tự nhiên thân tình như kể chuyện với bạn hữu, vừa dí dỏm lại ý nhị, nhà báo tự xưng là “hạng bét” Cao Xuân Hải trước năm 1975 ở Sài Gòn, nói ông đã gặp Nguyễn Tường Cường trong một chuyến công tác báo chí với một phái đoàn học sinh sinh viên đến 200 người ra thăm Huế sau biến cố Tết Mậu Thân.

Ca sĩ thân hữu Bích Lưu thật tình tứ với lời ca của “Hoa Soan Bên Thềm Cũ.”
Ca sĩ thân hữu Bích Lưu thật tình tứ với lời ca của “Hoa Soan Bên Thềm Cũ.”

“Được gặp gỡ Nguyễn Tường Cường lần đầu để rồi sau đó cho đến nay là 48 năm, Cường đã làm cho cuộc sống của ông thay đổi nếp nghĩ, nếp nhìn khi kết thành đôi bạn lang thang trên sân trường đại học Văn Khoa nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, lang thang ngoài Vũng Tàu, hết tiền phải vay ‘đỡ’ hai người bạn gái mới quen để có tiền đi xe đò về Sài Gòn. Rồi cùng nhau tình nguyện nhập ngũ. Tháng lương đầu tiên trong quân đội hai người dành để trả nợ cho hai cô bạn gái tốt bụng nhưng bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm, đành mang cái nợ ấy cả đời…”

Ở tù lại gặp nhau và những tư tưởng của Nguyễn Tường Cường về chế độ cộng sản đã như đánh thức ông Cao Xuân Hải sự sáng suốt để nhận định được rằng “ba dòng thác cách mạng” của cộng sản dậy cho tù cải tạo, chẳng có một dòng nào là sự thật. Cường cũng vạch rõ cho ông thấy rằng cộng sản chỉ xây dựng lừa dối mà không bao giờ sửa đổi…

Một bạn tù khác, nhà văn Ngũ Lang khi giới thiệu tác phẩm Hệ Lụy của Ngọc Cường đã nhắc đến một nhân vật trong nhà tù có tên là “Minh nhà xác,” là chính ông. Nhận định về tác phẩm này, “Minh nhà xác” cho biết: “Đọc Hệ Lụy của Ngọc Cường phải kiên nhẫn để cùng tác giả đi vào tâm tư tình cảm của tác giả mới thấu được cái hay. Đừng tìm sự lôi cuốn của câu chuyện (như trong tiểu thuyết trinh thám) sẽ không thấy có trong “Hệ Lụy,” bởi “Hệ Lụy” là những tư duy, những băn khoăn, những thắc mắc từ cuộc sống đan chéo nhau bằng những hệ lụy không một ai tránh khỏi.

Trở lại với nhà văn nữ trẻ Trịnh Thanh Thủy phát biểu: “Đây là một tập truyện gồm các truyện ngắn được tuyển chọn hệt như một bức tranh lắp ghép mở ra những câu chuyện sống vui buồn, những mảnh đời thăng trầm của người Việt tị nạn khắp nơi tại hải ngoại. Văn phong của Ngọc Cường giản dị, dễ hiểu, không hề có nét bí hiểm nhưng không kém phần sâu sắc. Người xem có thể đọc từ tốn hay đi một mạch xuyên suốt mà không phải vấp ngã bởi bất cứ từ ngữ hay ẩn dụ khó hiểu nào trên con đường chuyên chở văn chương trong tác phẩm của ông… Tình bạn, tình gia đình là những ràng buộc mến yêu được tác giả trân trọng lồng vào những nghịch cảnh, trái ngoe, đắng chát của nhân vật trong truyện. Cái lõi trần trụi muôn mặt của cuộc sống được tác giả bóc ra và bầy rõ.”

Cặp song ca Thế Dũng, Tuyết Dung sôi nổi trong “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời.”
Cặp song ca Thế Dũng, Tuyết Dung sôi nổi trong “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời.”

Phần văn nghệ phụ diễn của các giọng ca thân hữu đã làm tăng phần văn học nghệ thuật của buổi ra mắt sách. Ba giọng ca Bích Lưu, Bích Diệp và Lệ Hoa thật nhuần nhuyễn hòa đồng trong ca khúc “Đường Xưa Lối Cũ” nên bài ca đã thoát ra âm thanh mượt mà của những giai điệu ru hồn. Hỏi ra, thật là bất ngờ khi Lệ Hoa cho biết: “Tụi em chỉ mới quen nhau thôi do cùng đến giúp vui với tác giả và gia đình. Ba chúng em ở ba tiểu bang khác nhau đến đây mới tập dượt.”

Đến Tuấn Khải, anh ca một bài ca có giai điệu “giật.” Bài “Xin hãy yêu tôi bây giờ”của nhạc sĩ Trần Duy Đức, làm cho cả hội trường cùng muốn đứng lên giật theo nhịp nhạc với anh. Cũng thế, cặp Thế Dũng, một bạn tù của tác giả và Tuyết Dung cũng đưa người nghe vào cơn “thác loạn dịu dàng.” Và, còn nữa, ca sĩ thân hữu của tác giả, cô Bích Lưu thật “tình tứ, yêu kiều” khi diễn tả bài “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” làm nhiều người nghe chợt da diết kỷ niệm ngày nào theo giọng ca ngọt ngào, mềm dịu của Bích Lưu…

Đây là buổi ra mắt sách lần thứ hai của tác giả Ngọc Cường, người đang sinh sống tại Virginia sau cuốn đầu là “Bèo giạt” cách đây hai năm. Xúc động trước những chân tình của thân hữu văn nghệ, bạn học, bạn tù, nhà văn Ngọc Cường đã kết thúc buổi ra mắt sách bằng những lời cám ơn trân trọng đến những người bảo trợ như nhà văn Nguyễn Tường Bá, chị Đoàn Trinh, anh Phạm Thế Hưng, nhà văn Phạm Quốc Bảo và Nhật báo Người Việt cùng tất cả bạn bè thân hữu của gia đình.”

Sau cùng mọi người vui vẻ cùng nhau tham dự một tiệc trà và tham dự tiếp chương trình ca nhạc cho mãi đến hơn 6 giờ chiều mới chia tay.

(Nguồn: NV)

Bài Mới Nhất
Search