T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh: Vùng Tối (6)

vung-toi

Kỳ 6

(Tiếp Theo)

Phần thứ 12

Phương ngây người ra không nói được tiếng nào khi chiếc áo trên người Tảo rơi xuống lộ nguyên thân hình yêu kiều với vóc dáng thon thả thanh tao. Mắt Phương thu lấy tấm lưng mịn màng, lần theo phần eo cong nhỏ lại rồi vòng ra hai bên hông, xuống dần cặp chân thon dài và cuối cùng là hai bàn chân với gót xinh xắn. Tảo nhắm mắt lại mà nghe rờn rợn từ đầu xuống chân, cảm giác gai ốc tưởng như mọc dần theo làn mắt của Phương, làn mắt ngỡ chừng là bàn tay vuốt nhẹ trên da thịt mình. Tảo khoanh một tay che lấy ngực một tay đặt lên đùi theo thân hình, ánh nắng từ lổ hổng lắp kính trên nóc nhà chiếu xéo vào người Tảo làm rõ cả những sợi lông măng trên cánh tay.

Hai người lặng yên không biết là bao nhiêu lâu, Phương mãi một lúc mới định thần lại được, tiến đến nhặt cái áo kimono trên sàn nhà khoác lên người Tảo, ôm vòng ngang bụng rồi thì thầm vào tai Tảo:

– Em đẹp quá, người mẫu, người yêu của anh ơi. Chờ anh tí cho anh sửa soạn khung vẽ nhé.

– Dạ !

Tảo trả lời như hơi gió thoảng, tay giữ lấy hai vạt áo. Khi Phương vừa nới vòng tay để rời Tảo thì bất giác Tảo đưa tay ôm lấy tay Phương giữ lại. Trong cái khoảnh khắc đó vạt áo che bụng tuột ra, bàn tay Phương do Tảo ghìm lại lại đặt trúng lên phần bụng dưới. Cả người Tảo run lên như chạm điện, Phương cũng thảng thốt giật tay về, không ý thức được là cử động của mình hay do động tác của Tảo. Phương ấp úng:

– Anh xin lỗi em, anh không cố ý.

Tảo thẹn đỏ mặt, khép chặt hai tà áo, nhìn xuống đất không nói gì. Qua một vài phút yên lặng Phương băn khoăn hỏi

– Nếu em còn ngại thì thôi nhé.

Tảo lí nhí

– Không anh, anh sửa soạn đi, em muốn là người mẫu của anh mà.

Trong khi Phương sắp xếp khung vẽ, trong đầu óc Tảo vẫn ngây ngất vì sự va chạm thân thể vừa trải qua, chỗ bàn tay Phương vô tình đặt lên vẫn như còn nóng. Chợt Phương đến gần cầm tay Tảo dắt ra một bục gỗ rồi dìu nàng ngồi xuống xoay lưng về phía khung vải:

– Em ngồi như thế này nhé!

Phương làm trước cho Tảo thấy thế ngồi làm mẫu như bức tượng mỹ nhân ngư, Phương tuy đàn ông nhưng vóc người mảnh khảnh nên ngồi rất khéo làm Tảo vừa thấy hay hay vừa buồn cười nên sự ngượng ngập cũng bớt đi.

Phương tập cho Tảo ngồi thử và sửa vài lần rồi lùi lại ngắm một thoáng rồi nói :

– Em ngồi đúng dáng điệu rồi đó Tảo. Anh bắt đầu nhé. Khi nào em mỏi thì nói anh biết, mình nghỉ mệt.

Tảo từ từ cởi áo khóac ra, để xuống sàn và ngồi lại tư thế như Phương chỉ bảo, từ nãy đến giờ lúc nào cũng xoay lưng về phía Phượng, khuôn mặt quay ngang để Phương thấy nửa mặt bên phải còn mái tóc đen nhánh thì thả vắt sang bên trái. Thỉnh thoảng Tảo liếc mắt sang lúc thì thấy Phương đang chăm chú vẽ, lúc thì thấy Phương ngắm mình, ánh mắt tuy có đam mê nhưng như không phải dành cho Tảo mà dành cho hình mẫu nghệ thuât. Chỉ đôi khi hai ánh mắt gặp nhau, ánh mắt Phương mới chuyển từ say mê sang âu yếm và Phương hỏi:

– Em có mệt chưa?

Tảo chỉ mỉm cười chỉ lắc đầu. Ngọn gió từ chiếc máy lạnh ở góc phòng trổ ra sau vườn mơn man trên da thịt Tảo, cảm giác lúc nãy lại trở lại làm gò ngực như căng hơn, hai đầu ngực như nhô cao hơn và thân thể lại rờn rợn với từng làn sóng phát từ bụng từ ngực lan ra chân tay. Về phía Phương tuy đã nhiều lần vẽ khỏa thân với những người mẫu khác nhau nên tập trung cái nhìn vào phương diện nghệ thuật nhưng đôi lúc cũng không quên được đối tượng của mình là người mình yêu và người yêu mình. Những nụ hôn ngọt ngào đã cho nhau, đã làm dậy lên bao nỗi khát khao từ lâu mà còn kìm hãm được, và lần va chạm vừa qua cũng làm Phương ngất ngây xao xuyến. Để cho bớt xúc động Phương kể cho Tảo nghe về đời sống mình lúc ấu thơ và thời niên thiếu ở Huế.

Được khoảng 2 giờ Phương nói:

– Thôi bữa đầu tiên như vậy đủ rồi, không thôi em ngồi chưa quen sẽ mệt.

Phương nhặt áo lên khoác vào người Tảo, tránh không nhìn vào phía trước người nhưng vùng nhãn quan vẫn thoáng thu nhận gò ngực trắng. Tảo mặc áo, thắt dây vào rồi quay lại ôm lấy Phương dấu mặt vào ngực Phương. Hai người nhắm mắt ôm nhau thật lâu, mặt Phương áp lên mái tóc thơm của Tảo, thỉnh thoảng lại đặt nhẹ lên một nụ hôn. Không gian và thời gian như đọng lại xung quanh hai người, hạnh phúc là vòng tay ôm chặt người nhau, là đón nhận mùi thơm của tóc người nữ, mùi ngây ngây từ ngực người nam.

Tảo buông tay, tách ra, vén tóc nhìn Phương trìu mến
– Tối rồi, em phải về, anh yêu!
– Anh biết nhưng anh chẳng muốn em về tí nào cả.
– Cho em về nhé, không thôi bố mẹ cấm gặp anh thì chết.

Tảo bước vội vào phòng tắm vì sợ chần chừ chút nữa là ngã vào lòng Phương mà thôi. Tảo mặc quần áo vào mà thấy mình thật đẹp hơn mọi ngày.

Về đến nhà Tảo chỉ ăn uống qua loa, cố giữ cho nhà đừng để ý gì rồi ra ghế xích đu ở vườn sau mà ngắm bầu trời đầy sao. Một ánh sao băng sáng lên ở phía chân trời rồi tắt ngấm. Đầu óc Tảo lâng lâng như đang lơ lửng trên không gian. Ngồi như thế cả tối đến lúc có tiếng chị Tần gọi vào đi ngủ Tảo mới sực tỉnh, vẫn còn chưa buồn ngủ nhưng không muốn nhà lo lắng vì mới lành bịnh nên Tảo vào giường mà thao thức, lúc nào cũng thấy hình ảnh Phương trước mắt, khuôn mặt hiền lành có hơi xanh xao. Tảo thiếp đi theo tiếng ru mơ hồ trong bài thơ Phương làm và đọc cho Tảo nghe một lần

Ngủ đi Em!
Giấc ngoan hiền
Tiếng à ơi vọng lên miền trung du
Xoay tròn, từng chiếc lá thu
Bay theo những áng mây mù quanh ta
Mang sầu thương đến trời xa
Tóc thơm xõa gối lụa là, là đây
Em ơi, ngủ nhé, ngủ say!
Có anh bên cạnh những ngày cuối năm
Anh nằm xuống, mắt ngang tầm
Ru em theo tiếng dương cầm Chopin. 

Phần 13 & 14

Ngày hôm sau Hương Tảo đi học luyện thi cả ngày đến chiều về thấy nhà đang sửa soạn giỏ xách, Tảo ngạc nhiên chưa kịp lên tiếng hỏi thì nghe mẹ nói:

– Con vào sắp xếp quần áo đi, ngày mai nhà đi Vũng Tàu nghỉ mát 1 tuần vì gia đình anh Tấn mời lên chơi tiện thể bàn về đám cưới chị Tần luôn.

Tảo ngập ngừng:

– Thì bố mẹ và chị Tần đi được rồi, con là nhỏ trong nhà không dám có ý kiến bàn bạc nên không nhất thiết phải đi chung.

Bố Tảo lắc đầu bảo:

– Con vừa ốm dậy cần phải đi nghỉ mát, ra nơi có gió biển thoáng khí cho khỏe lại. Cả nhà đi vắng con ở lại một mình không được đâu.

Tảo thấy mặt bố nghiêm lại biết khó mà cãi lại đành vào phòng xếp vài bộ quần áo cùng các thứ cần dùng mà lòng băn khoăn, nghĩ đến Phương và bức tranh vừa bắt đầu. Tảo cũng nhận thức được việc mình làm là quá sức táo bạo và không dám tưởng tượng đến phảu ứng của bố mẹ, nhất là của bố nếu chuyện này lộ ra. “Dù sao cũng phải cho Phương biết”. Tảo ngồi vào bàn cơm tối mà ăn như nhai cát, nhệu nhạo cho xong một bát cơm, chợt nghe mẹ nói:

– Bố chở em đi chợ để mua vài món cần nhé.

Tảo mừng rỡ ra mặt làm chị Tần hỏi:

– Gì mà mặt Tảo chuyển từ chẳng quan tâm đến vui thế?

Tảo ấp úng chống chế

– Em chợt nhớ có con bạn thân dọn về Vũng Tàu vài năm trước, may ra thì em tìm được lại địa chỉ nó.

Tảo chờ bố mẹ ra khỏi nhà, lấy xe đi ngay mặc cho chị Tần gọi ơi ới từ trong bếp, chỉ cất tiếng nói vói lại:

– Em về ngay nha chị Tần.

Buổi tối gần như cả phố phường Sàigòn là một quán ăn, quán nhậu khổng lồ. Trên mọi con đường hàng quán tràn ra ngoài lề với cả trăm, cả ngàn món ăn. Ngay đầu ngõ nhà Tảo là một khu chuyên bán đồ nướng. Không phải chỉ thịt thà đủ loại trâu bò heo chó dê nai hay đồ biển, tôm cá nghêu sò mới nướng mà ngay cả rau cỏ cũng nướng tuốt. Dạo này dân nhậu bày thêm món như đậu bắp nướng hay rau muống nướng. Rau muống chọn loại cọng to, tuốt lá chỉ lấy phần cọng, đậu bắp lại ngược lại chọn thứ nhỏ thon dáng cho chín nhanh cộng với cà dái dê cắt khoanh, thế là thành một món khai vị thanh cảnh.

Bên vỉa hè một vài đứa con nít lo cho hơn hai chục cái lò than, đứa thì có cái quạt điện thổi than nóng đỏ, bay tứ tán, đứa ít đặc quyền hơn phải cầm các tấm bìa cứng từ các thùng carton quạt lấy quạt để. Bồi bài chạy tới chạy lui không ngớt để mang trả các lò than đã dùng và mang đi các lò mới nhóm đỏ hồng. Trông lũ trẻ mồ hôi nhễ nhại trước đám hoả lò mà thương, nghe nói chúng chỉ được trả lương chết đói hay nhiều khi chỉ được ăn và mang về đồ dư.

Lò than được mang lên trên mỗi bàn khách, rồi họ lừng khừng gắp từng trái đậu bắp, từng cọng rau muống sống và từng khoanh cà dái dê lên, canh lửa và lật cho đều tay để tránh cháy đen. Thức ăn rau cỏ chín tới được chấm vào nước chấm chủ yếu là chao pha ớt rồi là khề khà chén rượu. Các món rau cỏ chỉ để khai vị mở màn cho dân có tiền, các món chính sẽ là các món thịt cá đủ loại hay những con thú bình thường không thấy trên bàn ăn gia đình như nhím, kỳ nhông, rắn đủ loại đủ cỡ.

Tảo đi qua khu đồ nướng cả 5, 10 phút mà vẫn nghe mùi than khói hay mùi thịt nướng bám trên người. Đến nhà Phương bấm chuông mãi không thấy Phương ra, Tảo lấy chìa khóa Phương đưa mở cổng, mở cửa vào nhà. Quả thật là Phương đi vắng, Tảo sốt ruột đứng ngồi không yên vì không dám ở lâu sợ bố mẹ về không thấy.

Đi qua đi lại trong các phòng Tảo chợt nhìn thấy bức tranh Tảo mà Phương vừa bắt đầu; hôm trước Phương không muốn cho Tảo xem, nói khi nào xong Tảo mới xem được. Bức tranh nằm trên giá vẽ hững hờ, trên mặt có một tấm vải phủ lên, Tảo hồi hộp kéo tấm vải ra để xem, khi tấm vải theo đà tay kéo của Tảo thoát khỏi khung vẽ làm lộ bức tranh, Tảo chợt giật mình thét lên một tiếng, lùi lại chạm phải cái ghế suýt nữa ngã nhào. Định thần nhìn lại thì ra trên giá vẽ không phải là hình Tảo mà chính là Phương tự vẽ mình trong một hình ảnh thật khủng khiếp dù các nét trên mặt vẫn cho người quen nhận được ra Phương. Bức tranh có vẽ như đã hoàn thành. Nhưng khuôn mặt Phương mang đầy sự dằn vò nội tâm, sự khắc khoải và sợ hãi như kẻ đang trong cơn ác mộng trái hẳn với nét mặt ngoài đời, dù có chất chứa ưu tư nhưng vẫn thấy mềm mại. Tảo nhặt tấm vải lên, gần như nhắm mắt khi che bức tranh lạị Sau một lúc trấn tỉnh Tảo bước đến vách tường nơi có mấy bức vẽ xếp dựa và quay mặt vào tường. Sau hai tấm tĩnh vật là bức tranh Tảo, Tảo cầm lấy mang ra phía có đèn để xem và không ngăn được sự thích thú.

Bức tranh vẽ mới phác họa các đường nét nhẹ nhàng nhưng Tảo vẫn thấy mình trong đó với một tư thế thật đẹp mắt. Tảo tự hỏi không biết thật sự là thân hình mình đẹp như vậy không, hay là nhờ tài hoa và cái nhìn của Phương. Nhất là gương mặt dù chỉ mới chấm phá vẫn tỏa lên nét yêu kiều làm Tảo đôi khi không dám nhận là mình nữa. Hình ảnh chân dung của Phương lại hiện ra bên cạnh hình Tảo thật là tương phản như thiên đàng và địa ngục.

Tảo còn đang chìm đắm trong hai hình ảnh bỗng nhiên có chuông đồng hồ gõ, giật mình nhìn lại đã 10 giờ. Tảo hốt hoảng xếp lại các bức tranh theo đúng vị trí cũ. Nhìn đi nhìn lại xem có dấu vết gì không rồi bước ra phòng khách, viết vài dòng nhắn Phương tuần sau mới về lại Saigon. Khi Tảo mở cửa ra vô tình không biết một cơn gió lùa thổi tờ giấy nhắn tin rơi xuống sàn chui vào gầm tủ. Tảo lái xe về, dọc đường đầu óc vẫn ám ảnh về nét mặt vừa đáng sợ vừa đáng thương của Phương. Đến nhà may là sớm hơn bố mẹ một chốc, vừa đủ thì giờ năn nỉ chị Tần đừng nói lại. Rồi là cơn ngủ đầy mộng mị, đầy thảng thốt.

Con đường từ Saigon ra Vũng Tàu dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng cũng không kham nổi số lượng xe cộ đủ loại. Từ xe hàng, xe khách, xe nhà và mọi loại xe 2,3 bánh khác. Nhất là đoạn đầu xa lộ Saigon-Biên Hòa từ cầu Phan Thanh Giản đến cầu xa lộ Tân Cảng. Ngã tư Hàng Xanh là một điểm nóng, hàng hàng lớp lớp xe đan chặt vào nhau từ tờ mờ sáng đến khuya không lúc nào ngớt. Trước thập niên 70, qua khỏi cầu Phan Thanh Giản là đã thấy cảnh đồng quê, nhà cửa thưa thớt. Xa một chút có Đào Gia Trang năm giữa thiên nhiên, trên một gò đất cao xung quanh có những con lạch nhỏ, khi mùa mưa nước lũ dâng thành những dòng suối soi mòn đất đỏ.
Ngày nay hầu như suốt đến Long Bình, Long Thành nhà cửa, hàng quán mọc ra như nấm. Xe đò dành khách chạy bạt mạng, táp ào vào lề đường níu kéo khách đợi xe. Từng nhóm xe Honda của đám thanh niên dững mỡ cúi rạp người trên tay lái, xả hết tốc lực đua nhau với tiếng xe chát chúa ra từ ống khói đã tháo ống hãm thanh.. Tiếng là xa lộ nhưng dân chúng vẫn thản nhiên băng từ bên này đường sang bên kia. Nhiều khi là các bà buôn gánh bán bưng, vượt qua bề ngang xa lộ giữa dòng xe với đôi gánh trên vai và thái độ dửng dưng như thách đố tử thần.

Chiếc xe do Tấn, chồng chưa cưới của Ngọc Tần thuê đến đón gia đình Tảo chạy đến Ngã Tư Hàng Xanh thì kẹt lại cả hơn nửa giờ; có lẽ đang sửa đường hay có tai nạn phía trước. Máy xe cũ không chịu nổi tình trạng nổ máy đứng yên tại chỗ nên cạn nước làm nguội máy rồi bốc khói trắng mù mịt. Bác tài dậm chân than trời:

– Xe cháy máy rồi bà con ơi. Hết chạy nổi, thôi bà con xuống kiếm xe khác đi.

Thế là cả nhà lếch thếch mang hành lý đi tìm xe khác. Dưới cái nắng đổ lửa của Saigon và kẹt xe cứng đến hàng cây số thì tìm được ra một xe khác đi đúng nơi và còn trống 5,6 chỗ thật là điều khó nhọc. Sau nửa giờ Tấn thấy vợ mình và mọi người đã kiệt sức vì nắng và khói xe, nhất là của những chiếc xe vận tải chạy bằng diesel xịt khói đen trời, và thấy bên kia đường hướng vào Saigon xe cộ đi trôi chảy hơn nên đề nghị:

– Thôi mình về lại Saigon, ra bến Bạch Đằng đi tàu cánh ngầm đi. Có đắt thật đấy nhưng thoải mái hơn nhiều.

Mọi người mang túi xách cố len lỏi qua rừng xe chật như nêm, dân lái xe không những không nhường chỗ, nhiều người còn cố lấn lên bít luôn cả những khoảng cách với xe trước chỉ vừa đủ một người lách qua. Trong thế giới giao thông ở Saigon, một tấc đường lấn được là như cả một chiến thắng. Không hề có chuyện nhường nhau mà chỉ nhịn vì xe nó lớn hơn hay kẻ kia liều mạng hơn thôi. Người nào lái xe hơi mà lịch sự dừng lại cho một người phụ nữ qua đường thì lập tức nhận được những ánh nhìn khó chịu hay những câu chửi tục tằn, và đương nhiên là các xe phía sau sẽ qua mặt chiếc xe đang ngừng lại ngay. Trong trường hợp này nếu ngưỡi được nhường dám băng qua mà không coi chừng thì sẽ bị các xe khác vượt lên xơi tái lập tức vì chiếc xe dừng lại che mất. Một người bán hàng với đôi thúng trên chiếc đòn gánh từng tiết lộ bí quyết qua đường của họ là … cứ nhắm mắt mà qua, họ phải tránh mình thôi, tránh chứ không phải nhường, tránh vì sợ lôi thôi với công an khi có tai nạn. Điều quan trọng nhất là đừng đứng lại hay lùi về vì dân lái xe hay lạng vòng sau lưng người qua đường.

Gia đình Tảo đến được bến Bạch Đằng vừa kịp giờ lên tàu. Giá vé hơi nặng so với ngươi dân thường là 5USD một lần so với 2$ tiền xe đò. Chiếc tàu gia tốc này là do sáng kiến làm ăn của một nhóm sinh viên VN du học tại Liên Xô, thấy các con tàu khách trên sông Volga đưa người từ thành phố này qua thành phố khác. Khi chạy trên sông tàu được nâng lên chỉ chạm mặt nước ở hai cánh như loại Katamaran nên có tốc độ khá nhanh. Khi tàu chạy chậm hay đậu lại thì cả thân tàu hạ xuống không thấy hai cánh nên dân Saigon gọi là tàu cánh ngầm.

Tàu dời bến Bạch Đằng theo sông Saigon ra biển, 9/10 hành trình là trên sông, qua những vùng dừa nước mênh mông, nhưng đã thấy lác đác các biệt thự ven sông của các quan hay dân làm ăn. Họ có tiền nên mua đất ven sông xây nhà với tin hành lang là tương lại Saigon sẽ còn mở rộng và những khu đất khỉ ho cò gáy xưa và nay sẽ thành núi của. Tốc độ của tàu rất nhanh, các bụi dừa nước hai bên bờ vun vút ngược qua, mũi tàu xé những bè lục bình trôi lều bều trên sông, sóng đánh mạnh làm đám bè rạt ra hai bên. Gió sông lồng lộng làm dịu đi cái nóng. Trên tàu đa số là dân làm ăn và Việt Kiều đi chơi Vũng Tàu. Khoảng 1 tiếng tàu ra đến cửa sông, hai bên bờ bắt đầu tỏa rộng ra và rồi là biển. Con tàu bỏ lại sau lưng màu xanh đồng ruộng, dừa nước và màu nước sông đục vàng tiến vào vùng biển dần dần xanh biếc. Hôm nay biển lặng như bình thường vì biển động thì tàu cánh ngầm không ra khơi. Thêm 15 phút nữa là tàu cập bến Vũng Tàu. Quang cảnh cũng nhộn nhịp không kém bến Bạch Đằng mấy, cũng hàng quán mời chào, cũng từng dàn xe ôm đợi khách.

Cả nhà lên bến, Tấn chạy đi gọi một chiếc xe Lam đưa mọi người về nhà. Xe chạy qua nhiều thắng cảnh của Vũng Tàu và Tấn đóng vai hướng dẫn viên du lịch, chỉ cho gia đình Tảo xem Thích Ca Phật Đài, Tượng Chúa Jesus trên mỏm núi, đài Thiên Văn và dinh thự mới của Hội Đông Nhân Dân v.v. Bãi sau được tu sửa rất mới, con đường trải nhựa có dải dất trồng cây ở giữa ngăn hai chiều xe chạy riêng biệt, mỗi chiều có thể chạy được ba hàng xe.

Nhà Tấn có vườn rộng, đang mùa Na, các cây Na lùn chỉ khoảng bằng đầu người nhưng rất sai quả, oằn trên cành. Nhà Tấn chỉ còn hai mẹ con nên chị Tần dự định sau đám cưới sẽ dọn về đây ở tránh Saigon khói bụi. Tần đã theo Tấn về thăm mẹ chồng mấy lần nên đã thuộc đương đi nước bước, lo vào sau bếp nấu cơm chiều trong khi Tấn mang hành lý và và dọn phòng cho gia đình Tảo. Tuy là đã có đính hôn nhưng Tần vẫn giữ ý ngủ chung phòng với Tảo, còn bố mẹ ở một phòng.

Cơm nước xong Tấn rủ hai chị em đi bộ ra biển dạo chơi. Ba người đi chung một lát thì Tảo bất giác chậm bước để hai người yêu nhau đi chung, tay trong tay. Chân in dấu lên mặt cát phẳng lì, để rồi cơn sóng lên bờ lại xóa đi. Hai người thỉnh thoảng ngoái lại vẫy tay gọi Tảo nhưng Tảo chỉ lắc đầu khoát tay ra hiệu cho hai người cứ tự nhiên. Cảnh hoàng hôn trên biển thật đúng với lời thơ mà Tảo từng đọc

Biển hoàng hôn

Hải triều rút chậm ra khơi 
Dã tràng còn mộng đổi đời hay không? 
Gió lay từng ngọn cỏ bồng 
Hải âu đảo cánh mấy vòng thênh thang 
Biển êm, 
lấp lánh ánh vàng 
Buổi chiều về ngủ sau hàng phi lao 
Phận người nhỏ bé làm sao 
Dấu chân để lại chốn nào? 
…. đã quên.

Nắng hoàng hôn nhạt dần, nhạt dần cho đến khi tắt hẳn và rồi là biển đêm êm dịu với tiếng sóng vỗ nhịp nhàng, như điệu ru đời. Khung trời đêm phía có trăng thì bàng bạc ảo huyền, phía không trăng đen thăm thẳm, lác đác sao, thỉnh thoảng lại có một ánh sao băng về cuối chân trời. Gương mặt Phương hiện về làm đầu óc Tảo bất yên. Nửa yêu thương nửa lo sợ một điều gì không rõ. Tảo chợt mơ hồ rằng mối tình của mình và Phương không biết có trọn vẹn không. “Anh có điều gì mà u uất quá vậy Phương của em, Có biết em đang nghĩ về anh, về mình không. Có đọc thư em nhắn chưa?”
Bất giác Tảo khẽ đọc tiếp một bài thơ khác về biển mà Tảo vẫn ưa thích:

Biển đêm

Biển đêm ru nhẹ lời ca
Rạt rào ngọn sóng vỗ qua đá ghềnh
Tình yêu của biển mông mênh
Như tình anh đó chỉ dành cho em
Sóng đùa nghịch gót chân mềm
Dã tràng xe cát từng viên no tròn
Ánh trăng bàng bạc đầu non
Một ngày qua hết vẫn còn mộng mơ
Bọt bèo thôi cũng phai mờ
Dấu chim gi đá có chờ được đâu
Biển đêm đen thẳm một màu
Bóng con thuyền cá bên cầu tịch liêu
Trăng vàng nghiêng ánh xiêu xiêu
Cát vàng yên ngủ trong điều trầm ngâm.
Lại một ngày qua trong băn khoăn bất tịnh.

(Còn Tiếp)

Phạm Doanh

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search