T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: THÁNG NGÀY LẦY LỘI

THANGTUDEN-1

Tranh (Trần Thanh Châu)

 

(…)

Tôi bị giam giữ trong căn phòng bốn ngày liền, không bị trói hai tay như trước, cũng không thấy ai kêu lên hỏi han điều gì nữa. Duy nhất có những du kích thay phiên nhau canh gát, nhưng cũng hiếm khi thấy họ lảng vảng trước cửa phòng, trừ những lần họ đưa cơm tới. Ngay cả nhu cầu vệ sinh cá nhân hàng ngày dường như họ cũng quên bẵng. Tôi cũng không buồn yêu cầu họ mang đến dụng cụ vệ sinh, cố gắng kềm chế và chỉ khi nào không thể nhịn được nữa mới phải làm công việc không mấy lịch sự như cái ngày đầu tiên tôi bị giam trong căn phòng này. Mỗi ngày tôi chỉ nhận được chén cơm nóng nguội thất thường với mẫu cá khô bốc mùi, hay cục lương khô sản xuất từ Trung quốc. Nước thì chứa trong chiếc ấm nhôm méo mó, ám đen khói. Ăn uống với tôi, bây giờ không còn là điều cần thiết, khi mà không biết được số phận của mình sẽ ra sao.

Trong căn phòng, những người bạn thân thiết, san sẻ cho nhau lúc này là bầy muỗi. Chúng tha hồ bâu bám và đốt. Những tiếng vo ve khó chịu ban đầu, giờ nghe đã quen tai. Để chống lại chúng, tôi dùng những tờ giấy báo thắt thành hình chóp chụp kín xuống tận vai, khoét hai lỗ nhỏ ở hai mắt. Hai tay và chân thọc vào những hộp giấy. Dưới lưng và trên ngực là những tấm bìa carton. Dẫu không thể nhìn thấy được chính mình, nhưng với cách thức đó hẳn tôi giống một tên robot? Những khi nằm ngửa, nhìn lên phía trên, dàn rui kèo và mái tôn dính chặt như bầu trời sà thấp, sắp ôm choàng lấy tôi.

Những lúc hoang mang, tôi thường nghĩ về Hà. Không biết giờ này nàng ở đâu, làm gì? Có thể nàng đã xuống tàu cùng gia đình. Có thể nàng cũng trong tình cảnh như tôi bây giờ, cũng nháo nhác về số phận người cha và anh Tuyên. Cha Hà là công chức cao cấp ở Bộ Thông Tin Chiêu Hồi. Trong những ngày cuối cùng ở mặt trận Thành Sơn, Phan Rang tôi về Sài Gòn gặp ông, nói: “Tình hình có vẻ đen tối quá rồi. Bác liệu tìm cách đưa gia đình…”. Không đợi hết câu, ông gạt phăng: “Tuyên còn ngoài mặt trận, không biết sống chết thế nào, bác không thể bỏ nó. Vả lại, không thể trốn chạy một cách hèn hạ như vậy được. Bác biết chúng sẽ không tha thứ cho đối phương, nhất là những người như bác. Nhưng nếu có chết thì cùng chết, ngẩng cao đầu mà chết”. Một ông già dân khu 5, từng sống và chứng kiến trọn vẹn cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền của Việt Minh năm 45 hẳn ông sẽ biết mình cần phải làm gì hơn là lời khuyên của đứa con nít 25 năm trước chưa được sinh ra. Tôi chào ông bước ra cổng. Hà mở cửa. Trông Hà xanh xao vì mất ngủ. Tôi nói: “Em có thể đi loanh quanh đâu đó với anh một lúc không?”. Hà gật đầu. Từ bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi đi bộ lên La Pagode. Hai ly cà phê trên bàn kính nhìn chúng tôi. Còn chúng tôi thì nhìn ra ngoài đường. Xe cộ vẫn đều đặn ngược xuôi. Chiến tranh không có mặt trong thành phố. Mọi thứ cứ bình thản trôi đi hay ít ra sự bình thản kia là vòng quay héo mòn, nẫu ruột được giấu kín bên trong không thể nhìn thấy?

“Tuyên bây giờ ở đâu?”. Hà xoay ly cà phê có bụi nước bám ngoài thành ly, buồn bã: “Thư cuối cùng ảnh gửi về là ở Nha Trang, Lần gọi điện cuối cùng về cho ba hình như ở cầu gì đó giữa Cam Ranh và Phan Rang. Em nhớ rồi cầu Du Long. Mẹ em lo quá, khóc suốt”. Tôi bóp nhẹ bàn tay mảnh mai của Hà: “Em chớ lo, anh hiểu Tuyên. Nó là đứa giỏi xoay trở trong những lúc bất trắc. Sống với nó từ nhỏ anh biết”. Hà ngước nhìn tôi với bộ mặt mệt mỏi, thất vọng: “Nhưng tình hình ngày càng đen tối. Sư đoàn nào cũng tan tác cả. Còn Liên đoàn của ảnh hết tăng viện cho chiến trường này lại tăng viện cho chiến trường khác. Ảnh mà có mênh hệ gì thì mẹ em không sống nổi”. Tôi an ủi: “Em chớ nghĩ quẩn. Tình huống xấu nhất là tù binh, mà tù binh thì không thể mang ra xử bắn được. Công ước quốc tế sẽ không buông tha cho những hành vi dã man kia đâu”. Hà bật khóc: “Cái quốc tế mà anh nói đó, lần lượt quay lưng lại với chúng ta khi quyền lợi không còn nữa. Đúng là bi thảm. Một đất nước bi thảm, một dân tộc bi thảm…”

Tiếng mở khoá lách cách cắt đứt dòng hồi tưởng. Cửa mở toang. Một chút ánh sáng yếu ớt hắt vào. Tôi bật dậy. Người du kích lùi lại vài bước, kêu lên khi nhìn thấy lớp bao giấy trên đầu, tay chân tôi:

-Cái gì vậy? Ông làm cái gì vậy?

Vừa tháo lớp giấy bao, tôi giải thích:

-Chống muỗi.

-Ngộ quá héng. Có kiểu chống muỗi thiệt ngộ! – Anh ta nói với giọng hết sức trẻ con và ngạc nhiên như chưa hề trông thấy bao giờ.

Một lát sau:

-Ông rửa mặt mũi, ăn tạm chút lương khô rồi chúng tôi đưa ông lên C.

Tôi không hiểu C là nơi nào, nhưng chắc chắn không phải là chốn bình yên ban đầu, như căn nhà trọ, như ở băng ghế giảng đường. Tôi không buồn hỏi tiếp, bước tới phía khạp nước người du kích dẫn lại, dùng chiếc lon rỉ sét múc từng lon nhỏ. Quấn áo bốc mùi. Nhưng muốn tắm thì không thể, biết vậy nên tôi dùng chiếc khăn tay nhúng nước kỳ cọ khắp người.

Người du kích khoát súng trên vai, miệng phì phèo điếu thuốc nhìn tôi không hề hối thúc. Tôi chậm rãi lau xoáy từng kẽ tay, vành tai… mát mẻ và sảng khoái đến lạ kỳ. Xong việc, tôi nói:

-Xong rồi.

-Ăn đi rồi đi cho sớm – Nói và người du kích thò tay vào túi áo lấy mẫu lương khô ném tung về phía tôi. May mà tôi chụp nắm kịp, nếu không thì khẩu phần ăn trong ngày bị rơi xuống vũng bùn đọng gần khạp nước. Tôi cắn từng miếng nhỏ, nhai mà không nghe thấy mùi vị gì nữa.

Chờ tôi ăn xong, người du kích dẫn tôi ra trước, kêu tôi đứng đợi, còn anh ta thì vào căn phòng phía bên trái, tôi có đủ thời gian để quan sát: hình như đây là một công sở địa phương. Tấm bảng trên nóc đã được sơn lại màu đỏ chót và vẽ dòng chữ Ban quân quản Thạnh Lộc, nét chữ yếu ớt vội vã. Các dãy nhà dân dọc hai bên đường cửa hé mở ngập ngừng. Người qua lại thưa thớt. Chỉ có sự ồn ồn ào từ những chiếc loa sắt treo đâu đó trên cao, nhưng giờ này cũng im bặt.

Đợi một lúc, anh ta trở ra, trên tay cầm mẫu giấy gấp làm tư, vẫy vẫy “đi”. Họ không trói tôi như mấy lần di chuyển trước, hai tay được tự do vung vẩy nên cũng dễ chịu đôi chút. Chúng tôi vòng vèo qua khu nhà dân, các hiệu buôn bán nhỏ đến con lạch có chiếc cầu khỉ. Khi đôi chân chạm lên thân dừa bắc ngang tôi mới biết mỗi một chân mang một loại dép quai nhựa khác nhau, như một nỗi sợ hãi, lúng túng đeo bám bên người.

Đi khoảng mươi phút, chúng tôi đến một bến đò, ở đó đã vài người đứng chờ sẵn: hai người phụ nữ, ba người đàn ông. Tới nơi, tôi nhận ra một trong ba người đàn ông kia là trưởng ty hành chánh ở tỉnh K. Tôi biết anh ta khi còn sinh hoạt trong nhóm du ca thời sinh viên. Anh ta dân miền Trung, hay cãi, cố gắng tận dụng mọi lý lẽ để cãi cho bằng được những vấn đề vô lý nhất. Giờ tôi chắc mẩm những người này đang cùng chung số phận với tôi. Tôi gật đầu chào anh ta. Anh ta chào lại tôi bằng cái nhếch môi nửa như cười nửa mếu, thật khôi hài.

Chúng tôi xuống khoang thuyền nhỏ có gắn đuôi tôm, chạy xuôi dòng, men theo một con sông rộng, hai bên là dừa nước và những cây bần de nhánh tận ra ngoài. Nếu bình thường thì đây có thể gọi là cuộc dã ngoại thú vị. Nắng hiu nhẹ. Gió từ mặt sông đưa hơi nước lên, mát. Tôi ngồi sát bên người phụ nữ, da ngăm đen nhưng rất có duyên nhìn từ đôi mắt, chiếc mũi thẳng và chiếc cằm chẻ, môi trái tim. Hai người du kích ôm súng, một đằng mũi, một sau lái và tiếng máy nổ xì xạch, không khó để tôi bắt chuyện:

-Tôi tên Sơn, giáo sư trung học, dạy ở T. Còn chị?

-Ty nội an. Hoa, Diệu Hoa.

-Chị biết anh bạn ngồi sau lưng bên Ty Hành chánh?

-Tôi học sau ảnh hai khoá.

-Chị mới ra trường năm trước?

-Vâng.

-Chúng tới nhà bắt chị?

-Tôi tới trình diện ở Ban Quân quản theo lệnh phát trên loa chiếc xe jeep chạy vòng vòng quanh phố. Họ giữ tôi hai ngày rồi giờ thì bị đưa đi cùng với các anh. Anh Hoà cũng bị bắt cùng một lúc.

Hoà từ phía sau lưng Diệu Hoa chồm tới:

-Cậu nhớ thằng Vinh không? Vinh ở Luật bị động viên khoá 2/69. Nó chết rồi.

-Sao, anh bảo sao?

-Nó rút súng bắn vào đầu khi ông Dương Văn Minh đọc đến câu cuối cùng lệnh đầu hàng. Câu nói nó để lại cho mọi người đứng gần đó là “quân đốn mạt, bán nước!”.

Cả người tôi lạnh toát như vừa ngâm trong nước đá. Thành chết, Vinh chết. Cả hai chọn lựa cái chết giống nhau, từ sự thúc bách không thể đội nỗi ô nhục trên đầu. Và cả hai, đều là bạn chúng tôi, mặc dù không thân nhau lắm.

Không khí nặng nề bỗng bao trùm khắp mặt sông. Âm thanh xành xạch phát ra từ chiếc máy đuôi tôm nghe như những tràng đạn dài đang lia vào đầu chúng tôi, những tên phản động, ngoan cố? Tôi tưởng tượng cảnh Vinh rút súng ra, bóp cò một cách thản nhiên. Anh ngã xuống bên vũng máu. Hình ảnh đó của Thành của Vinh trong thoáng chốc là danh dự, tổ quốc theo đúng nghĩa, nhưng có cần thiết phải như vậy trong hoàn cảnh này hay không? Chọn lựa cái chết như vậy sẽ giải quyết được gì? Một sự phản kháng tiêu cực khi những bất trắc vẫn đang lù lù ở trước mặt hay đó là hành động chứng minh cho tính chất anh hùng của mình? Mà anh hùng nỗi gì với cách chết như vậy? Những ý nghĩ lộn xộn nhảy múa trong đầu khiến tôi tưởng tượng ra cái chết của Vinh bi thảm và đau đớn không cùng hay là thanh thản nhanh chóng như Thành? Những cái chết cuối cùng hay sẽ còn tiếp diễn nữa, thật phi lý của hàng triệu con người trong cuộc tranh giành quyền lực man rợ này.

***

Tôi không ngờ mình lại được tiếp đãi khá tử tế kể từ sau ngày bị hai du kích đến bắt. Sau khi tra hỏi lý lịch lần cuối cùng ở Ban quân quản tỉnh L. họ đưa tôi đến Ty Giáo dục làm công việc ghi chép, đánh máy văn thư. Chúng tôi ở tạm thời trong thư viện Ty. Trong phòng còn có ba người khác là dân miền Bắc đi B. Trước họ cũng là giáo viên, bị động viên tập thể đưa vào Nam chuẩn bị cho ngày này. Tất cả đều còn trẻ, học xong lớp 10 thêm hai năm sư phạm thành thầy giáo? Nghe họ kể, tôi hơi ngạc nhiên đôi chút về cách đào tạo ở miền Bắc, trái với những gì tôi đọc trước đó trong quyển Mười năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc của linh mục Trương Bá Cần. Qua những kiến thức và cách nói năng rào trước đón sau, tôi phần nào có thể đoán ra cái xã hội mà ông Cần mô tả chỉ là vịt. Trước mắt tôi là những minh chứng trái ngược hẳn với những lời tụng ca, những câu tuyên truyền dối trá về một thiên đường, trong đó người dân sống hạnh phúc, no ấm khi, những lúc rỗi rảnh, họ nhờ tôi tìm mua cho cái đài na-ti-ôn-nan; buổi sáng dẫn họ ra phố uống cà phê lại kêu ly cà-phê-đá-chanh? Họ bảo ở miền Bắc đá sản xuất đầy, dùng không hết mang ra sân kho phơi để xuất khẩu sang các nước XHCN. Nhưng sau đó, họ lại tỏ ra ngạc nhiên với những tô hủ tíu Nam Vang, họ ngơ ngác trước những sạp vải bắt đầu hé cửa mở và những chiếc xe máy chạy trong đường phố…tất cả đều thật mới lạ đối với họ.

Điều làm tôi đau lòng nhất là buổi sáng nọ, khi còn đang nằm trong mùng, anh giáo viên có tên Khoa gọi dậy:

-Nào dậy đi đồng chí, dậy uống chè Bắc.

Tôi lồm cồm bò dậy cùng với tiếng rít xòng xọc vang trong nõ tre. Cả ba đang ngồi trên sàn, vây quanh ấm nước bốc khói và bình trà, khói thuốc lào mù mịt. Vệ sinh xong, tôi bước vào, điều kinh khủng nhất thiếu chút nữa tôi văng ra tiếng chửi thề, là bộ Encyclopédie chẳng những bị lôi ra làm đòn kê đít mà một quyển khác bị xé ra gần hết để thay củi nấu nước! Tôi choáng váng, tối sầm mặt mũi. Cả đời mơ ước chưa mua nổi bộ bách khoa toàn thư này. Vậy mà những người làm công tác giáo dục của chế độ ưu việt kia lại xé rời từng trang nhóm lửa! Tôi lảo đảo ngồi xuống, lòng thắt lại:

-Các anh không biết bộ Bách khoa toàn thư nó quý đến chừng nào sao? Tôi không nói đến giá trị là cả một đống tiền mà là cả một kho tàng tri thức, sao các anh lại nỡ đem đốt nó đi?

Tiếng nõ rít lên liên tục trong khi tôi nói, nên có vẻ như ba người không thể nghe rõ ràng, một trong số họ hỏi lại?

-Cái gì? Đồng chí vừa nói đốt cái gì?

Tôi lặp lại câu than thở khi nãy. Họ cười khẩy:

-Những thứ rác rưởi, đồi truỵ chỉ đáng ném vào sọt rác!

-Không thể như thế được. Ngay cả Tư bản luận của Karl Marx trong này chúng tôi vẫn đọc, đọc công khai, được mang ra dạy trong các giảng khoá ở Đại học Văn khoa kia mà. Chúng tôi cũng được phép vào thư viện Quốc gia đọc các tạp chí ngoài Bắc để làm luận văn tốt nghiệp kia mà. Kho tàng văn hoá, tri thức là của chung của nhân loại, chớ không riêng một cá nhân hay một quốc gia, chế độ nào.

-Những thứ sản xuất từ các nước đế quốc đều là rác rưởi, cặn bã trong thế giới tiến bộ. Nó là rào cản, cần phải đánh đổ, phải xoá sạch.

-Các anh không thể suy nghĩ và hành động một chiều như vậy. Văn minh và văn hoá của nhân loại là tài sản chung.

-Đầu óc đồng chí không tiến bộ được. Cuộc cách mạng hoàn toàn thắng lợi mang lại độc lập, tự do và chủ quyền cho cả đất nước và dân tộc này, đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu, thì tiếc gì những thứ văn hoá độc hại kia?

Tôi thầm nghĩ có tranh luận gì thêm chắc chắn không mở được những cái đầu đã bị nhồi nhét mớ lý thuyết càn bậy nên tôi ngồi im, lòng đau thắt.

Ngồi im và buồn và thất vọng. Ngọn lửa bên trong kia bập bùng, quằn quại hút lấy tôi. Những tiếng cười nói vô cảm như tiếng tru của bầy sói trong cánh rừng hoang cuốn lấy, làm tôi đến khựng lại, ngộp thở. Bầy sói đồng thanh cất lên gào rống, tru tréo một bài hát gì đó, nhảy nhót quanh đống lửa. Những con sói hình người như bầy quỷ nhỏ khạc ra như âm thanh rin rít ghê rợn. Chúng vừa hát vừa thay phiên nhau ném những quyển sách vào lưỡi lửa phều phào run rẩy. Những trang sách toè ra màu máu, chới với bay vào chốn tro bụi.

Nhưng nếu sự việc chỉ dừng lại ở đây không thôi thì nỗi buồn và thất vọng cũng sẽ phôi phai đi ít nhiều. Đằng này, ngày hôm sau, sau khi đánh máy xong mớ công văn, chỉ thị gửi đi các huyện thì có hai người từ bên Ban quân quản tới áp giải tôi sang căn phòng bên toà hành chánh cũ, nơi mà bàn làm việc, bếp đun nước, chiếc giường xếp lẫn mùng màn chăn gối bày ra bừa bộn. Họ chỉ tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu có vai tựa bằng gỗ cách người đàn ông mà họ gọi là thủ trưởng một mặt bàn và thêm sải tay.

Ông thủ trưởng đang phì phèo điếu thuốc trên đôi môi thâm đen, nổi đậm trên khuôn mặt nhợt nhạt. Ông mặc bộ bà ba màu bã trầu. Tấm khăn rằng xộc xệch từ cổ rớt thòng xuống thấp, phía dưới mặt bàn. Ông ngồi yên lặng hút thuốc, làm như không có ai trong căn phòng này, và dĩ nhiên không thèm ngẩng mặt lên nhìn tôi. Còn tôi hết quan sát ông lại đưa mắt đảo quanh căn phòng không rõ là nơi làm việc hay chỗ ngủ? Hình như phong cách từ bưng biền được tất cả cán bộ mang về đặt ngay trong những nơi trước đó rất trang nghiêm, sự trang nghiêm thường thấy nơi các công sở? Tôi cảm thấy rất khó chịu, gần như bị xúc phạm khi ông ta cứ bập phà mẫu thuốc mà không một lời với người đối diện, cho dẫu là kẻ thù. Cái cách ông ngồi chống một chân lên mặt ghế đẩu, chân kia bỏ thõng xuống sàn, cặp mắt ti hí  núp dưới hàng lông mày rậm như con sâu trên khuôn mặt khô tốp và chiếc cằm nhọn, có vẻ như ngày xưa là một tay anh chị ở các bến sông.

Tôi hết quan sát lại nghĩ ngợi lung tung, đặt ra những tình huống xấu nhất và tìm câu trả lời. Hút hết điếu thuốc, ông quăng mẫu tàn xuống sàn, với tay rót bình nước trà đưa lên miệng hớp ngụm đầy, súc òng ọc như trẻ con giỡn nước trước khi nuốt vào bụng. Ông lại nhẩn nha mồi điếu khác gắn lên môi và bất ngờ quay sang tôi:

-Anh tường thuật lại tất cả những gì trong buổi sáng hôm qua.

Ông tiếp tục hút thuốc. Khói bay đầy phòng, trong khi tôi vắn tắt thuật lại việc tranh luận với ba cán bộ chi viện. Nghe xong, ông ngẩng lên, chiếc cằm nhọn chỉa về phía tôi như sẵn sàng lật tung những dề đất khô cứng trên mặt ruộng.

-Anh không thể nhận ra đó là thứ văn hoá nô dịch, đồi truỵ sao?

-Tôi không nghĩ như các ông. Một bộ Bách khoa toàn thư thì không thể gọi là đồi truỵ phản động. Nó không chứa những lý thuyết, những lời kêu gọi để chống đối ai cả. Bộ sách dày hàng ngàn trang kia không ẩn chứa điều mà các ông gọi là đồi truỵ. Rất tiếc là các ông chưa từng đọc nó.

Ông ta nhếch đôi môi mỏng dính lên một cách khó khăn:

-Đọc? Giờ thì anh lại giở giọng tâm lý chiến với chúng tôi?  Vấn đề như vậy đã rõ. Rất rõ về tư tưởng và con người anh. Đúng là một tên tâm lý chiến phản động.  Anh đợi tôi một chút.

Ông ta xô ghế đứng lên, tiến ra phía cửa nói gì đó với hai người áp giải tôi lúc nãy, rồi quay lại, phẩy tay:

-Anh có thể đi đi. Anh sẽ bị xử trị thích đáng

Tôi đứng lên, bước ra khỏi cửa phòng mà không chào ông, mang theo lời hăm doạ nặng nề.

 

Chúng tôi đi lòng vòng trong khuôn viên toà hành chánh cũ, nay được gọi là Ban Quân quản. Trên thảm cỏ xanh rờn đầy những rác rến. Ở phía sau toà nhà, người ta nối những sợi dây dừa thật dài, mắc lên các cành cây và treo la liệt đủ loại quần áo, khăn tắm cả coóc xê và xì líp phụ nữ. Một vài ba chỗ, họ còn chất những hòn gạch lên cao thành ông táo để nấu nướng, khói mịt mù một góc. Những cành cây khô vất vung vãi, vỏ bao thuốc, hộp giấy, các thứ chất thải la liệt nom như sân sau một khu chợ. Chỗ cửa ra vào toà nhà phía bắc, một phụ nữ đang ngồi chổng mông phù phù thổi bếp lửa chỉ có khói. Khuôn mặt đỏ lên, mồ hôi lấm tấm trên má, thái dương bết dính những sợi tóc như khóc.

Một trong hai người kêu tôi đứng đợi. Tôi lại tiếp tục quan sát cô gái, quan sát cách cô khó khăn làm cho ngọn lửa bùng lên. Biết có người  nhìn về phía mình, cô gái ngẩng lên, quát:

-Nhìn cái gì thế?

Giọng Bắc, nhọn hoắc.

-Trong rừng mà cô làm thế này, địch phát hiện ra mất!

-Anh là ai mà lên giọng với chúng tôi.

-Loại củi còn tươi, cô thổi ba ngày không cháy, mà có khô cũng không dễ gì cháy.

Cô gái đứng bật lên, chống nạnh.

-Giỏi nhỉ! – Giọng nói kéo dài, khiêu khích dội lên, vừa đúng lúc người áp giải lúc nãy thò đầu qua khung cửa, ra hiệu cho tôi theo anh ta.

Qua hết dãy hành lang dài, chúng tôi bước lên cầu thang cuốn và đứng trước cánh cửa khép hờ. Người dẫn đường gõ mấy tiếng vào cửa, rồi đứng nghiêm:

-Báo cáo thủ trưởng, em đưa người tới.

Giọng nói từ sâu bên trong vọng ra:

-Vào.

Anh ta đứng tránh qua bên nhường đường cho tôi. Căn phòng khá rộng. Toàn bộ đồ đạc vẫn nguyên vẹn. Những chiếc tủ đánh véc ni bóng loáng, bên trong là những cuốn sách xếp ngay ngắn. Trên tường có treo hai bức tranh vẽ thiếu nữ  và cá của hoạ sĩ Nguyễn Trung và bức Cánh đồng lúa mì của Van Gogh, đều là phiên bản, không bị tháo gỡ xuống. Không rõ căn phòng này trước là của thị trưởng hay phó thị trưởng hành chánh. Còn giờ thì người đang ngồi trước chiếc bàn rộng kia hẳn phải là người chỉ huy cao nhất của tỉnh này. Ông ta đang cúi đọc xấp tài liệu dày, tôi không nhìn rõ mặt. Tới khi nghe tiếng dép trên mặt nền, ông ta ngẩng đầu lên. Tôi sửng sốt và không thể tin vào mắt của mình. Sao lại có thể như thế được kia chứ?

Bốn năm trước Hào học Văn Khoa, ở trọ chung nhà, là một trong những thủ lĩnh đấu tranh của SVHS. Cuối năm 73 Hào đã biến mất trước khi cảnh sát đến lục tung căn gác và chỉ thu được những đồ đạc, sách vở của hắn. Tôi và Ngạc đã bị gọi lên xuống không dưới mười lần để thẩm vấn, khai về mối quan hệ cùng những hành tung của Hào. Thật ra, sống cùng nhau, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tham gia những cuộc hội thảo, xuống đường với Hào, nhưng chỉ lán mán hắn là con người khuynh tả chứ không ngờ hắn là người của bên kia gài lại, hoạt động trong các tổ chức SVHS. Giờ thì hắn ngồi đó. Không biết thái độ của hắn khi đối mặt với bạn bè cũ thế nào, chứ trước là con người ít nói, đọc nhiều sách, coi ông Nguyễn Văn Trung với giảng khoá triết học Karl Marx là thần tượng.

Lúc ném cây bút chì xuống tập giấy, Hào ngửng lên:

-Trời, cậu! sao lại ra nông nỗi này?

Tôi ngồi xuống ghế, không đợi Hào mời:

-Cũng chẳng biết nữa – Tôi nói.

-Trong lúc sáng tối này, tốt nhất là không nên tranh biện. Không phải cán bộ nào từ khu về cũng có trình độ học vấn như cậu tưởng. Những điều cậu vấp phải với cán bộ cơ sở làm họ khó chịu vì sự thua kém biện luận, nhưng họ không chịu thua cậu về khoản chuyên chính. Tôi đã đọc đầy đủ bản báo cáo về cậu từ các nơi gửi về, nhất là chuyện tầm phào với các cán bộ bên Ty Giáo dục.

-Nhưng bộ Bách khoa toàn thư kia thì tội tình gì, phản động, đồi truỵ ở chỗ nào?

-Cậu luôn thẳng thắn một cách trẻ con như hồi còn đi học. Bao nhiêu năm ra ngoài đời cậu vẫn chưa thể sáng mắt ra được tí nào sao?

-Nghĩa là tôi phải nói dối, phải cong người, phải…

Hào phẩy tay:

-Nói sao cho cậu hiểu bây giờ. Bỏ chuyện đó qua một bên. Ở bên Ty họ giao cậu làm những gì?

-Quan tâm tới bạn bè quá nhỉ?

-Đừng tự ái.

-Đánh máy công văn, chỉ thị và những việc vặt khác, chưa đi đổ bô cho các thủ trưởng.

-Chớ có khiêu khích, chẳng ích lợi gì cả. Mọi chuyện buổi đầu đều bị rối tung lên. Những cuộc cách mạng ở bất kỳ quốc gia nào, buổi đầu vẫn thế, nhưng rồi đâu sẽ vào đó một thời gian ngắn nữa.

-Tức cậu ám chỉ tình trạng vô chính phủ hiện giờ?

-Mới tiếp quản từ tay kẻ địch, bất kỳ đất nước nào cùng rơi vào tình cảnh tương tự.

-Hay quá nhỉ? Vì vậy cho nên bao nhiêu sách quí đều bị xé đốt vì là phản…

-Cậu chớ cay cú những chuyện vừa chứng kiến. Cách mạng có lúc phải biết hy sinh. Giờ thì cậu hãy dẹp qua bên mọi chuyện và uống tách trà nóng cho tỉnh người rồi ta nói chuyện.

Hào nói và tự tay rót tách trà đẩy lên mặt bàn hướng về phía tôi. Tôi cầm lấy và không nghĩ Hào coi tôi như kẻ thù. Có thể không đồng quan điểm, nhưng ít nhất, cái còn lại là tình bạn hữu sống cạnh nhau hàng mấy năm trời. Tuy vậy tôi cũng không buồn hỏi hắn hiện tại đang giữ chức vụ gì, hay nhân cơ hội lấy lòng và xin hắn “giải phóng” cho tôi ra khỏi nơi quỉ ám này. Lòng tự trọng không cho phép tôi mở miệng làm những chuyện điên rồ kia.

Tôi uống từng ngụm nhỏ. Trà ngon. Phải nói là rất ngon. Xưa Hào không bao giờ uống trà hay cà phê. Nhưng sau thời gian biến mất, giờ trước mặt hắn là bình trà, ly tách tinh tươm, gian phòng rộng, sạch sẽ, xem ra hắn là nhân vật quan trọng ở xứ này.

-Bây giờ hãy kể lại tại sao cậu bị đưa tới đây?

Tôi vắn tắt về chuyện hai người du kích trong đó có một là học trò cũ đêm tới nhà kêu “các ông đã bị bắt” và họ đưa đi ít nhất vài ba nơi. Nơi nào cũng cùng một giọng điệu rằng, chúng tôi là những tên phản động, được giao nhiệm vụ kềm kẹp…

Hào chống tay lên cằm chăm chú nghe tôi kể, ra chiều suy nghĩ. Hắn ngồi yên một lúc trong tư thế tay chống cằm rồi mới hất mặt lên.

-Cậu cũng biết ở cơ sở có nhiều sự rối rắm. Họ thi hành lệnh như cái máy. Có nhiều chuyện đáng ra họ có thể tự giải quyết thì tống tất cả lên trên, rồi lại với sâu vào những vụ việc không phải dành cho họ giải quyết. Chúng tôi đã quán triệt cho các địa phương về vấn đề công chức chế độ cũ, đặc biệt là ngành giáo dục – hắn thở dài – vậy mà cuối cùng lại làm sai lệch đi.

-Có nghĩa là bản thân những người như tôi không có tội tình gì?

-Cơ bản là vậy. Nhưng cũng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

-Tôi hiểu. Tôi nằm trong từng trường hợp cụ thể mà cậu nói?

– Sau khi tìm thấy hồ sơ lưu trử đầy đủ mới có thể nói chính xác.

Tôi phân vân về câu nói nửa úp nửa mở của hắn. Hồ sơ lưu trử ở đâu nhỉ? Mà ai lưu trử? Bên chính phủ Sài Gòn hay là của bọn họ thiết lập, căn cứ trên những chứng cứ cụ thể trong quá trình đào tạo và thi hành công vụ cho từng công chức? Rõ ràng rằng hắn  cũng không mấy tin vào sự thành thật của người bạn đã từng trọ học nhiều năm liền với hắn. Có một ranh giới thật rõ ràng, không nhầm lẫn.

Tôi nói:

-Vâng, tôi hiểu. Sự nghiệp cách mạng của các cậu thật vĩ đại (lúc đầu tôi định nói là ma mãnh, nhưng kịp sửa để sau đó chính tai tôi nghe câu nói của chính mình lảng xẹt, đến độ không thể ngờ nó lại thốt ra từ miệng của anh thầy giáo là tôi).

-Dường như cậu mắc phải căn bệnh mãn tính “mỉa mai”. Những ngày ở Sài Gòn cậu cũng thốt ra với những lời lẽ như vậy về chế độ Mỹ-Thiệu. Nay cách mạng mới thành công, cơ sở mới chạm vào một chút tự ái, các cậu cũng lại giở những giọng điệu khi xưa. Đúng là thứ vô chính phủ – hắn giận dữ dằn mạnh mấy chữ cuối câu – đó là căn bệnh muôn đời của trí thức tiểu tư sản. Bệnh hoài nghi luôn bám đuôi các cậu.

-Hoài nghi? – tôi nhắc lại – Hoài nghi là một tiến trình vận động tích cực thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước. Chủ nghĩa của các cậu ấp ủ không đề ra như thế là gì?

-Giờ ta không tranh luận với nhau về phương pháp luận. Tạm thời cậu cứ về bên Ty. Chúng tôi sẽ bàn cụ thể về trường hợp cậu.

-Cải tạo, khổ sai –Tôi cáu lên.

-Rất có thể, nếu cái đầu cậu cứ ngang bướng như thế kia. Với tôi thì không vấn đề gì. Nhưng với người khác cậu nên giữ mồm giữ miệng. Với tôi, cậu là bạn nhưng tôi sẽ không chịu nổi những hành động bậy bạ và những lời nói năng gây sốc cho kẻ khác. Nó đồng nghĩa với sự phỉ báng, với hành động chống phá. Lúc đó tôi và cậu vẫn là bạn, nhưng sự nể vì thì không.

Hắn đứng lên, chìa tay ra cho tôi. Một cái bắt tay sau chừng ấy năm có vẻ gì như gượng gạo, như chiếc ốc vít đã nới lỏng ra khỏi chiếc xe đạp đã sử dụng nhiều năm.

(trích từ tự truyện Sau Chiến Tranh)

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search