T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: ĐỌC “TÌNH NHÂN ƠI” CỦA TRẦN HẠ VI: BÀI THƠ HỔN HỂN

tho hon hen

Khi tình yêu bị đóng đinh – Tranh: Thanh Châu

 

TÌNH NHÂN ƠI

Tình nhân ơi, gọi em đi
Tên em trên môi anh dòng ngọt ngào chảy mật
Ta rúc vào nhau
cơn cuồng si hổn hển ngắn dài
quên áo cơm đời chật vật

Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!

Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình…

Tình nhân ơi
sao anh cứ làm thinh?
Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
Mưa nguồn lũ xối
Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan

Mưa xuân lất phất tưới nụ hoa xoan
Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa
Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa
Nguyên thủy hồng hoang tràn về…
sự sống mới mới lại sinh sôi

Tình nhân ơi,
lại nhớ anh rồi….

04.11.2017/THV

Một bài thơ cháy lửa tình yêu. Nó cháy không phải vì nó đang bốc lửa truy hoan. Nếu nó đang bốc lửa truy hoan thì nó chỉ là một bài thơ tầm thường. Nó cháy vì nó đang bốc lửa nhớ nhung. Bài thơ khác thiên hạ ở chổ nó nhớ nhung mà nó không ủ rủ, nó không hoen lệ với nỗi buồn da diết. Bài thơ sầu mà vẫn kích thích cho mắt ta, da ta, tim ta nóng phừng phừng như đang truy hoan với ngọn lửa tình nhớ nhung của nó. Trước hết bài thơ cất tiếng kêu, tiếng kêu đó từ môi chảy vào lòng. Tiếng kêu đó như dòng mật có men. Mật mà lại có  men mới lạ đời. Men đó đã làm nổi “cơn cuồng si  hổn hển ngắn dài” đến nỗi quên được cả  “áo cơm đời vật chất”:

Tình nhân ơi, gọi em đi
Tên em trên môi anh dòng ngọt ngào chảy mật
Ta rúc vào nhau
cơn cuồng si hổn hển ngắn dài
quên áo cơm đời chật vật

Khổ thơ đầu cho ta chiêm ngưỡng không phải tiếng kêu của chỉ Trần Hạ Vi đâu, mà là tiếng kêu của mọi sinh vật đang thiếu tình, khát tình và cần tình hối hả. Nhà thơ chỉ mới bảo tình nhân “gọi em đi” và có lẽ tình nhân chưa lên tiếng, nàng đã “rúc vào nhau”, “cuồng si hổn hển” đến độ “quên áo cơm đời”.

Người đọc đọc tiếp vế thơ sau sẽ thấy “em nhớ anh” lớn đến nhường nào và sự cần mà nàng ao ước lại nhỏ đến chừng nào:

Em nhớ anh
cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát
Em mong anh
mơ lắm một bàn tay!

Đọc câu thơ “Em nhớ anh/cồn cào cội nguồn thúc thôi triền khao khát” ta tưởng tượng nỗi nhớ đó như một cơn lũ chảy về qua triền núi, triền đồi, triền sông và cuốn phăng đồng bằng trong nỗi nhớ như bão táp mưa sa của nàng. Thế nhưng nàng nhớ gì? Nàng chỉ “Em mong anh/ mơ lắm một bàn tay”. Hóa ra nàng đang cần một bàn tay để giúp nàng thỏa mãn “cơn cuồng si hổn hển ngắn dài” ở vế thơ trên. Đọc thơ ai cũng dễ cảm nhận được là người con gái đương khao khát dục tình, nàng đang cần một bàn tay để ve vuốt da thịt mình. Đúng như vậy vì qua vế thơ sau tác giả không ngại ngùng bày tỏ hết những tưởng tượng ân ái đốt cháy thịt da nàng:

Yêu em đi
ngoài kia ngày vẫn là ngày
Đêm vẫn là đêm, chỉ chúng mình là bỏng rát
Cuộn trào trong từng cơn khát
Khát anh khát em
quằn quại đam mê khát tình…

Rõ ràng, người con gái đang khát tình quá độ. Nàng “khát anh” và trong cơn mê sảng vì khát đó nàng cũng tự huyễn hoặc người nam cũng “khát em” để rồi cả hai “quặn quại đam mê” trong khát tình.

Thế nhưng bài thơ chuyển hướng ngay. Gáo nước lạnh đã dội xuống phủ phàng trên da thịt. Người con gái tỉnh người và đối diện ngay cùng hiện thực:

Tình nhân ơi
sao anh cứ làm thinh?
Nghĩ gì bên bờ môi căng mọng ngụm tươi non mời gọi
Mưa nguồn lũ xối
Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan

“sao anh vẫn làm thinh/ Úp mặt em cười sau nhàu gối chăn hoan” là hai câu thơ diển tả sau cuộc truy hoan của một thời điểm nào trong quá khứ, mà cũng có thể hiểu rằng nỗi hụt hẩng của nàng trong hiện tại khi không nghe tiếng gọi của tình nhân. Hai hình ảnh nằm trong một khổ thơ cho ta một bức tranh kép để người đọc hiểu sâu về sự đối xứng của cuộc tình khi có nhau và khi không có nhau.

Cuối cùng nhà thơ đã tỉnh hẳn, biết mình vừa trải qua một cơn mê vì nỗi khát khao tình. Nhà thơ lại trở về với chính mình, là nếp sống thanh bai như tự thuở hồng hoang, để cho thứ tình trong veo không dục tính hồi sinh trở lại;

Mưa xuân lất phất tưới nụ hoa xoan
Ú ớ hoan mê những lời vô nghĩa
Nuốt lấy nhau kệ tiếng đời mai mỉa
Nguyên thủy hồng hoang tràn về…
sự sống mới mới lại sinh sôi

Tình nhân ơi,
lại nhớ anh rồi….

Đọc “Tình Nhân Ơi” tôi có những cảm xúc rất khác thường, nó cho tôi sự hồi tưởng những cơn mơ đẹp tình thời trai trẻ và nó cũng cho tôi quay lại với những cơn “Ú ớ hoan mê”của tuổi thanh xuân thời còn đầy sinh lực. Tôi nghĩ dại có phải đây là thơ hậu hiện đại chăng? Tôi thích những bài thơ như thế, vì nó mô tả trắng trợn nhưng nó mô tả thành công những gì nằm sâu trong căn phòng bí mật của thể xác và tâm hồn mà đa số nhà thơ trước đây hoặc ẩn dấu, hoặc muốn nói ra mà không thể nào nói ra được. “Tình Nhân Ơi” như một nồi nước sôi sùng sục, bốc lên nóng hổi thứ hơi dục tình, nhưng thứ hơi đó lại tỏa ngát hương thơm của một loài hoa Nhung Nhớ, loài hoa mà mỗi một con người đều trồng trong trái tim mình, trên thân thể mình. Bài thơ cho ta thưởng thức bằng 5 giác quan sự hổn hển của thèm muốn với cái tâm rất thiện của tình yêu./.

                                            Châu Thạch

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search