T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (75)- NHẠC ĐÔNG PHƯƠNG: Ribaibaru (Trời Còn Mưa Mãi, Tiễn Em Trong Mưa), Mayumi Itsuwa

ribaibaru

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc nổi tiếng của nữ ca nhạc sĩ Nhật Mayumi Itsuwa, kỳ này chúng tôi viết về bản Ribaibaru, với hai phiên bản lời Việt – Trời còn mưa mãi của Nhật Ngân, và Tiễn em trong mưa của Lữ Liên.

Hiện nay, các tác giả viết về Mayumi Itsuwa cũng như các trang mạng giới thiệu sáng tác của cô vẫn chia ra hai “phe”, một phe chấm nhất Koibito Yo (Hận tình trong mưa, Tình là giấc mơ), ca khúc chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước, một phe đặt Ribaibaru lên thứ hạng đầu.

Việc này xét kỹ cũng không có gì mâu thuẫn, khó hiểu: Koibito Yo được chấm nhất vì giá trị nghệ thuật bền lâu, hiện vẫn được giới phê bình xem là ca khúc “cầu chứng” của Mayumi Itsuwa, còn Ribaibaru được chấm nhất vì giai điệu độc đáo, sức thu hút mãnh liệt, được nhiều người nghe nhất – ít nhất cũng là trong những năm đầu của thập niên 1980.

Trong bài kỳ trước, chúng tôi viết:

Riêng với thính giả người Việt, so với những ca khúc khác của Nhật Bản, Koibito Yo được đặt lời Việt tương đối khá muộn. Chúng tôi không biết rõ nguyên nhân nhưng cũng có thể viết chắc chắn không phải vì cảm quan, trình độ thưởng thức của các nhạc sĩ (làm công việc đặt lời Việt) mà chỉ vì các vị ấy đã dành ưu tiên cho những ca khúc phổ thông dễ nghe, dễ cảm đang được nhiều người ưa thích…

Đứng No.1 trong số “những ca khúc phổ thông dễ nghe, dễ cảm đang được nhiều người ưa thích” ấy chính là Ribaibaru.

Có thể viết, chỉ sau khi Ribaibaru làm mưa gió trên các bảng xếp hạng ở khắp Á Châu, Mayumi Itsuwa mới thực sự đạt tới đỉnh cao ái mộ. Các sáng tác tiếp theo của cô được nồng nhiệt đón nhận, thậm chí cả một số ca khúc nằm trong các album phát hành trước kia, nay mới được giới thưởng ngoạn “khám phá”.

Tính tới năm 2016, Mayumi Itsuwa đã tung ra 48 album với hàng trăm ca khúc, đa số hát bằng tiếng Nhật, số còn lại hát bằng tiếng Anh, Pháp, Hoa, Indonesia… Trong số này có 29 album được xem là “mới” (gồm những sáng tác mới), còn lại là các album tuyển tập, hoặc hát lại những ca khúc được yêu chuộng, hoặc thu âm những buổi trình diễn live…

Điểm qua các danh sách ca khúc của Mayumi Itsuwa được yêu chuộng nhất, chúng tôi nhận thấy đa số đã được sáng tác và thu đĩa trong “5 năm vàng son” của sự nghiệp – khởi đầu với Nokobiri (Tàn tro) năm 1978 và kết thúc với Atsui Sayonara (Tình yêu lạc lối) năm 1984 – năm Mayumi Itsuwa lên xe hoa về nhà chồng.

Viết như thế không có nghĩa là sau năm 1984, Mayumi Itsuwa không còn được ái mộ như trước (trái lại ngày càng được ái mộ hơn qua những buổi trình diễn live), nhưng xét riêng về mặt sáng tác, những ca khúc sau này của cô thường chú trọng tới giá trị nghệ thuật, có thể xem là “art music” hơn là nhạc phổ thông (kayokyoku), thành thử đối tượng thưởng thức cũng bị hạn chế.

Qua tìm hiểu trên các trang mạng, chúng tôi đếm được 8 ca khúc của Mayumi Itsuwa được (các ca nhạc sĩ có tên tuổi) đặt lời Việt, trong số này có 6 bản nằm trong danh sách “10 ca khúc Nhật được nghe nhiều nhất trong hai thập niên 1980, 1990” do tạp chí điện tử Kilala – “nhịp cầu văn hóa Việt Nhật” – thiết lập.

Ca khúc thứ nhất là bản Nokobiri (Tàn tro), 1978, chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước. Nokobiri được đứng hạng 9 trong danh sách của tạp chí Kilala.

Ca khúc thứ nhì là Aikagi trích trong album có tựa đề Michi (Crossroads), phát hành cuối năm 1979, được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Chìa khóa tình yêu.

Ca khúc thứ ba là Koibito Yo (Hận tình trong mưa, Tình là giấc mơ), trích trong album có cùng tựa, phát hành năm 1980, chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước. Koibito Yo được đứng No.1 trong danh sách của tạp chí Kilala.

Ca khúc thứ tư là Ai no Shinkirou (Mirage of Love, Ảo Ảnh Tình Yêu), cũng nằm trong album Koibito Yo, đứng hạng 10 trong danh sách của tạp chí này.

VIDEO:

 Sa mạc tình yêu (ai no shinkirou) – mayumi itsuwa – YouTube

Ai no Shinkirou được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Sa mạc tình yêu.

Sa mạc tình yêu

 Tình yêu anh ơi cút bắt trò chơi
Em sẽ trốn khi anh đuổi tìm
Tình sẽ theo thời gian nhạt nhòa phai xin nhớ cho rằng
Một lần yêu phải trăm lần khổ đau

Giọt sương ban sớm lấp lánh trên hoa nụ hoa anh đào
Đời người con gái chỉ biết khi yêu, yêu nồng thắm
Thì tại sao thêm nước mắt cho đớn đau
Nỗi hận sầu, em chỉ biết có mỗi anh thôi
Cho dù anh chót đắm say với ai
Em vẫn yêu vẫn đợi chờ

Mình dìu nhau đi đến bến tình yêu
Vòng tay khát khao bao ân tình
Đừng ngại ngùng, đừng để mộng theo năm tháng phai mờ
Đừng để em phải trăm lần đắng cay

Mình dìu nhau tới đất nước xa xôi miền sa mạc nào
Và rồi nơi đó chỉ có uyên ương xây tổ ấm
Vì tại sao tình yêu đó tan vỡ mau trong từng đêm
Em thao thức gối chiếc đêm thâu
Nghe từng sợi tóc đớn đau rớt rơi
Theo những giọt sầu

Phụ lục 1: Sa mạc tình yêu, Khánh Hà

Ca khúc thứ năm là Ribaibaru (Trời còn mưa mãi, Tiễn em trong mưa) được phát hành năm 1981 dưới dạng đĩa đơn, đứng hạng 8 trong danh sách của tạp chí Kilala (chúng tôi sẽ trở lại với Ribaibaru ở phần cuối bài).

Ca khúc thứ sáu là Dakishimete (Hold me tight, Hãy ôm em thật chặt) được phát hành vào tháng 9/1982 cũng dưới dạng đĩa đơn.

Dakishimete là một tình khúc đẹp. Đẹp nhưng cũng vẫn buồn – nét buồn muôn thuở trong các sáng tác của Mayumi Itsuwa.

Dakishimete được tạp chí Kilala xếp hạng nhì trong danh sách nói trên, chỉ đứng sau bản Koibito Yo.

VIDEO:

 Mayumi Itsuwa-(4/9/09) Dakishimete (Hold Me Tight) w – Dailymotion

Dakishimete được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Ngàn năm vẫn đợi.

Ngàn năm vẫn đợi

Bên nhau ta xây đắp ôi hạnh phúc đôi mình
em nghe trong tim ngất ngây tình ta âu yếm
tưởng tình trong giấc mơ ta không hề biết
con tim nhân gian sẽ không bao giờ bền lâu

Thôi đành tình em trao anh
tình như thông xanh ngàn năm vẫn đợi
người em yêu hỡi muôn đời khó quên

 Vì yêu em hãy đón em trong vòng tay
cứ yêu xin đừng mơ ước gì
dù xa nhau mãi vẫn yêu nhau hoài
tình không hề phai

 Anh yêu ơi thôi thế thôi trời đã an bài
ta yêu nhau phải đâu vì ai xui khiến
rồi ngày mai sẽ có em vui hay buồn tủi
em xinh em tươi chỉ cho riêng em mà thôi

Anh xa rồi dù không bên anh
mình em cô đơn em vẫn gắng cười
đừng lo lắng thêm u sầu hỡi anh

 Vì yêu em xin giữ em trong vòng tay
cứ yêu xin đừng mơ ước gì
giọt lệ em đã khóc cho bao ngày
người ơi đừng quên

Người yêu hỡi hãy xiết em trong vòng tay
cứ yêu xin đừng mơ ước gì
dù xa nhau mãi vẫn yêu nhau hoài
tình không hề phai…

Phụ lục 2: Ngàn năm vẫn đợi, Julie

Ca khúc thứ bảy là Kokoro no tomo.

Korono no tomo - Mayumi Itsuwa

Chỉ một tháng sau khi tung ra đĩa đơn Dakishimete, Mayumi Itsuwa cho trình làng LP Shiosai, trong đó có bản Kokoro no tomo (bạn lòng, soulmate).

Theo tạp chí Kilala, đây là một trong những ca khúc hiếm hoi của Mayumi Itsuwa có nội dung tươi sáng, “là lời nhắn nhủ tới người mình yêu: tình yêu giống như một bài hát ru êm, khi mệt mỏi trên đường đời, cần một người bạn lòng, hãy gọi em…”

Nội dung ấy được diễn tả qua giai điệu dịu dàng, nét nhạc thiết tha đã giúp Kokoro no tomo được được xếp hạng 7 trong danh sách của tạp chí Kilala, còn nếu tính chung cả sự nghiệp, Kokoro no tomo được xếp hạng 10 trong danh sách 20 ca khúc của Mayumi Itsuwa được ưa chuộng nhất từ trước tới nay.

VIDEO:

 Mayumi Itsuwa – Kokoro No Tomo w/ lyrics (Romaji) – YouTube

Kokoro no tomo được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Bạn Lòng, và tự trình bày trong một CD của cô.

Phụ lục 3: Bạn Lòng, Khúc Lan

Theo trang mạng “Hợp Âm Việt”, Kokoro no tomo cũng được Cẩm Vân, một nữ ca sĩ nổi tiếng trong nước đặt lời Việt với tựa Khi cô đơn em gọi tên anh, và tự thu đĩa.

Khi Cô Đơn Anh Gọi Tên Em

Nắng mai tràn về, bướm hoa cười đùa,
Cùng sánh bước bên nhau dưới con phố dài.
Đến trong mộng rồi, đến trong cuộc đời,
Lòng ngất ngây bên ánh trăng mơ màng.

Đường về cô đơn em luôn mãi nhắc tên người,
Tình này em trao cho anh đắm đuối tuyệt vời.
Nguyện trọn dâng anh tình yêu đầu trong sáng,
Người có hay chăng tình em?

Người yêu dấu có yêu em không chàng hỡi?
Đừng giấu giếm cõi lòng đã yêu em rồi.
Đời sẽ ấm khi đêm đông anh lạnh giá,
Khi cô đơn anh gọi tên em.

Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, và cũng của nhiều người yêu nhạc Mayumi Itsuwa, trong nước cũng như ở hải ngoại, ca sĩ thể hiện Khi cô đơn em gọi tên anh đạt nhất chính là Mỹ Tâm – giọng hát chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước qua ca khúc Koibito Yo.

 My Tam va Mayumi Itsuwa t_i Ha Long, Vietnam

Mỹ Tâm và Mayumi Itsuwa

 Phụ lục 4: Khi cô đơn em gọi tên anh, Mỹ Tâm

Ca khúc thứ tám và cũng là ca khúc nổi tiếng cuối cùng viết trong “5 năm vàng son” của Mayumi Itsuwa là bản Atsui Sayonara (Passionate Goodbye), nằm trong album “Atsui Sayonara/1984 Mayumi Itsuwa live”, gồm bản Atsui Sayonara và phần thu âm trực tiếp những ca khúc hát “live” trong năm 1984, được phát hành vào tháng 7/1984 – thời gian Mayumi Itsuwa đã có chồng và sắp sanh con trai đầu lòng.

Tới đây cũng xin có đôi dòng ngắn gọn về cuộc sống tình cảm cá nhân của Mayumi Itsuwa:

Ngày 11/1/1984, vào tuổi 33, cô kết hôn tại Kinh thành Ánh sáng, và tới ngày 24/3, lễ cưới theo nghi thức tôn giáo đã được cử hành tại một ngôi thánh đường nhỏ ở ngoại ô Paris.

Tiểu sử của Mayumi Itsuwa trên Wikipedia cũng như website chính thức của cô không cho biết tên tuổi hay bất cứ chi tiết nào về người chồng của cô. Về con cái, website của Mayumi Itsuwa cho biết hai vợ chồng được một trai một gái, lần lượt ra chào đời vào tháng 1/1985 và tháng 9/1991.

Về hình ảnh, cho tới nay cũng chỉ có một tấm duy nhất (đen trắng) được phổ biến, chụp hai vợ chồng và con trai, có lẽ vào khoảng giữa năm 1985.

ti_u gia =_nh

Tiểu gia đình Mayumi Itsuwa

Trở lại với ca khúc Atsui Sayonara, Mayumi Itsuwa viết bản này vào mùa thu năm 1993, trong cái quán nhỏ thân quen bên bờ sông Seine, bên ly cà-phê sữa (café au lait), nhìn dòng nước trôi như cuộc tình bỏ ta đi – cuộc tình ngày ấy tưởng đẹp trăm năm, bền suốt kiếp.

Về hình thức, giai điệu, Atsui Sayonara, cũng như Koibito Yo trước kia, được xem là một ca khúc phổ thông hiện đại mang nhiều âm hưởng tây phương nói chung, chịu ảnh hưởng phương thức sáng tác của Carole King nói riêng, cũng với tiếng dương cầm tuyệt vời mở đầu dòng nhạc…

Phụ lục 5: Atsui Sayonara, Mayumi Itsuwa

Atsui Sayonara được Khúc Lan đặt lời Việt với tựa Tình yêu lạc lối.

Phụ lục 6: Tình yêu lạc lối, Julie

Trong năm 1985, vì bận bịu con thơ, Mayumi Itsuwa chỉ phát hành một album duy nhất.

Năm 1986, Mayumi Itsuwa trở lại với sân khấu trình diễn. Từ đây, hoạt động của Mayumi Itsuwa có một sự chuyển hướng rõ rệt: trình diễn nhiều hơn sáng tác.

Tháng 5/1986, lần đầu tiên, Mayumi Itsuwa “độc diễn” tại Nam Dương (Indonesia), nơi cô được ái mộ một cách đặc biệt.

Tháng 10/1986, bắt đầu chuyến “Lưu diễn Mùa thu 86” trên toàn quốc Nhật. Từ đó, trừ hai năm 1991 (nghỉ để sanh con gái) và 1993 (thực hiện album), mỗi năm Mayumi Itsuwa đều có một chuyến lưu diễn toàn quốc, và đôi khi ở cả hải ngoại, như Hương Cảng, Đài Loan, Mã-lai, Nam Dương, Pháp, Hoa Kỳ, Việt Nam (thành phố Hạ Long, năm 2016)…

Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 1984 tới 1991, Mayumi Itsuwa sáng tác và thu đĩa thêm một ca khúc để đời: Amayadori (Trú mưa).

[Chúng tôi viết “trong khoảng thời gian” vì hiện nay trên Internet không có bất cứ thông tin nào cho biết đích xác thời điểm sáng tác Amayadori, ngoài việc ca khúc này được thu đĩa năm 1991]

Điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên trong lúc tìm hiểu về các sáng tác của Mayumi Itsuwa được đặt lời Việt là không hề có bản  Amayadori, trong khi ở nhiều nước Á châu khác ca khúc này được yêu chuộng không thua gì hai bản Koibito Yo, Ribaibaru. (Nhấn mạnh: đây chỉ là kết quả tìm hiểu của bản thân chúng tôi)

Theo bản dịch trên các trang mạng, nội dung Amayadori có một sức thu hút lạ thường: trên sân ga, dưới cơn mưa mùa hạ, hai người tình xưa vô tình gặp lại nhau khi cùng trú mưa. Thế là quá khứ tưởng chừng lãng quên bỗng quay trở lại. Nhưng ngày ấy đã qua rồi, giờ đây hai ta đều theo đuổi những giấc mơ riêng… Ta uống với nhau một ly cà-phê, cám ơn nhau về một thuở tình đẹp; ngồi bên nhau, lỡ mấy chuyến tàu, cuối cùng cũng phải chia tay, bởi nhịp cầu nối kết đôi ta đã cháy rụi như điếu thuốc tàn trên tay anh…

 Phụ lục 7: Amayadori, Mayumi Itsuwa

VIDEO:

 AMAYADORI-Mayumi Itsuwa Live Performance subtitled English & Romaji uploaded 9/9/9

Tới đây chúng tôi viết về ca khúc chủ đề: Ribaibaru.

Ribaibaru được Mayumi Itsuwa thu âm và phát hành năm 1981 dưới dạng đĩa đơn, tuy chỉ đứng hạng 8 trong danh sách đã dẫn của tạp chí Kilala, lại đứng No.1 trong nhiều danh sách khác, đối tượng chủ yếu là giới trẻ.

Nguyên nhân?

Ribaibaru là một ca khúc điển hình của thể loại J-pop, với giai điệu độc đáo, và có sức thu hút mãnh liệt.

Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, J-pop (viết tắt của “Japanese pop”) là thể loại ca khúc phổ thông hiện đại của Nhật chịu ảnh hưởng của nhạc trẻ tây phương. Không ít trang mạng khi giới thiệu các ca khúc được yêu chuộng của Mayumi Itsuwa đã liệt hầu hết sáng tác của cô vào thể loại J-pop.

Việc này không sai nếu như chúng ta hiểu “J-pop” là “Japanese popular music”, nhưng trên thực tế chữ  “J-pop” chỉ sử dụng cho thể loại ca khúc phổ thông hiện đại chịu ảnh hưởng của nhạc trẻ tây phương mà thôi.

[Độc giả có thể đọc lại bài 73, phần viết về ryukoka – nền nhạc phổ thông của Nhật Bản]

Thành thử, gọi một cách chính xác, chỉ có một số rất ít ca khúc của Mayumi Itsuwa – một tác giả chuyên sáng tác những bản tình ca buồn – được xem là thuộc thể loại J-pop, trong đó có bản Ribaibaru.

Tựa đề Ribaibaru là một từ tiếng Anh được Nhật hóa: Revival (làm sống lại); nội dung ca khúc nói về một cuộc chia tay với những kỷ niệm xưa.
Lời hát trong nguyên tác Ribaibaru được trang mạng lyricstranslate.com/en dịch sang tiếng Anh như sau:

Revival

In the downpouring rain

Quick-footed down the street

The shape of the summer day lightning

Our love disappearing, dying

Aaaaahhhh…

That severe extent blazing up

Now my heart worships the love revival

Aaaaahhhh…

If the passing person

Reads the legend of the past

Then repeat only those memories

But to forget too

Moved to tears in the last scene

The depth of love pulled along

Aaaaahhhh…

That tender extent of yours

The revival of the image now turning pale

Aaaaahhhh….

Then repeat only those memories

The past of tomorrow, the legend of the mysterious lights

Aaaaahhhh…

That severe extent blazing up

Now my heart worships the love revival

Aaaaahhhh…

Then repeat only those memories

The past of tomorrow, the legend of the mysterious lights

Aaaaahhhh…

That severe extent blazing up

Now my heart worships the love revival

Aaaaahhhh….

Repeat only my memories

The past of tomorrow, the legend of the mysterious lights

Nhưng trước hết và trên hết, sức thu hút của Ribaibaru nằm trong giai điệu, nghệ thuật hòa âm phối khí và giọng hát truyền cảm của Mayumi Itsuwa.

Phụ lục 8: Ribaibaru, Mayumi Itsuwa

VIDEO:

 Tiễn Anh Trong Mưa , Ribaibaru, 五輪真弓 – リバイバル

Ribaibaru đã đứng No.1 tại nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Nam Dương (Indonesia), nơi Mayumi Itsuwa được đặc biệt ái mộ.

Ribaibaru cũng là ca khúc đầu tiên của Mayumi Itsuwa được đặt lời Việt (trước Koibito Yo – Hận tình trong mưa, Tình là giấc mơ).

Phiên bản lời Việt thứ nhất có tựa đề Trời còn mưa mãi do Nhật Ngân (1942-2012) đặt lời, Ngọc Lan thu đĩa, không chỉ được yêu chuộng tại hải ngoại mà còn chinh phục hàng triệu thính giả trong nước, mở đầu phong trào nghe nhạc Nhật lời Việt (của các tác giả ở hải ngoại), để rồi tới khi âm nhạc được “cởi trói” phần nào, cả Ngọc Lan lẫn Mayumi Itsuwa đã trở thành những tên tuổi được yêu mến nhất tại Việt Nam.

 Trời còn mưa mãi

Trời còn làm mưa mãi cho nhớ thương dâng đầy vơi
Cuộc tình mình ngày qua ngỡ tan như bọt mưa
Nào ngờ đâu ta vẫn mang những vấn vương bâng khuâng ngày tháng
Hỡi những cánh chim về đâu cho ta nhắn tới ai nỗi niềm.

Anh từ xa vắng có bao giờ nhớ thương bao ngày cũ
Có thấy tâm hồn
Mình chợt bâng khuâng khi thu về
Đợi chờ làm mưa gió
Em từ xa vắng vẫn mang đầy xót xa những dấu yêu ngày cũ
Vẫn mãi cứ mong chờ
Một ngày tình ta thôi chia lìa.

Trời còn hoài mưa gió khiến cho ta buồn thêm
Lặng một mình ngồi đây ngắm mưa bay ngoài song
Người dạt trôi nơi nao
Đêm vắng có nghe tâm tư sầu nhớ?
Tới những phút xưa
Mình còn nhau môi ấm ngất ngây trao tình.

Phụ lục 9: Trời còn mưa mãi, Ngọc Lan

Phiên bản thứ hai có tựa đề Tiễn em trong mưa do Lữ Liên đặt lời.

nhac si lu lien

Lữ Liên (1920-2012), thân phụ của các ca sĩ Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú…, là một nghệ sĩ đa tài; sau năm 1975 tại hải ngoại, ông đã đặt lời Việt cho một số ca khúc ngoại quốc, tuy không nhiều nhưng đều đạt giá trị cao. Theo nhận xét của chúng tôi, khuynh hướng đặt lời của ông chú trọng tới ca từ chải chuốt hơn là ý nghĩa của ca khúc nguyên thủy.

Tiễn em trong mưa


Lòng ngậm ngùi thương nhớ
Em tiễn anh trong chiều mưa
Ngồi chờ người yêu dấu
Ðã khuất sau ngàn dâu
Còn một mình bên ga vắng
Em đứng vói trông theo mây trắng
Bỗng thấy gió mưa lạnh đôi vai
Mới biết mất nhau trong đời
Ôi người đi suốt kiếp
Ta còn chốn đây tuy lòng đã chết
Vẫn nhớ thương hoài
Và từng đêm mãi kêu tên người
Ðường đời dù hai lối
Ôi tình xưa thắm thiết theo ngày tháng đi
Dĩ vãng đang còn xanh thắm
Chốn cũ thương mưa về
Ðể người yêu em lỡ quên câu thề
Lòng còn dài nhung nhớ
Nước mắt đẫm theo mùa ngâu
Thầm hỏi người yêu dấu
Ðã ra đi về đâu
Chiều này trời giông tố chăn gối
Bỗng thơm hương quyện cũ
Nhắm mắt thấy anh còn nhẹ ru
Ru mãi giấc mơ năm nào
Ôi người đi suốt kiếp
Ta còn chốn đây tuy lòng đã chết
Vẫn nhớ thương hoài
Và từng đêm mãi kêu tên người
Ðường đời dù hai lối
Ôi tình xưa thắm thiết theo ngày tháng đi
Dĩ vãng đang còn xanh thắm
Chốn cũ thương mưa về
Ðể người yêu em lỡ quên câu thề.

Ngọc Lan – nữ ca sĩ đã thu đĩa phiên bản Trời còn mưa mãi của Nhật Ngân – theo nhận xét của nhiều người yêu nhạc, cũng là nữ ca sĩ hát phiên bản Tiễn em trong mưa của Lữ Liên đạt nhất, tuy nhiên trong phạm vi bài này chúng tôi xin dành ưu tiên cho tiếng hát Khánh Hà, ái nữ của ông.

Phụ lục 10: Tiễn Em Trong Mưa, Khánh Hà

HOÀI NAM

 Tài liệu tham khảo:

– Tạp chí (online) Kilala, số đề ngày 9 tháng 6 năm 2017

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search