T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ian McGillis: Thành Phố Montreal của nhà văn Kim Thúy: Niềm vui và những quán cà phê.

T.Vấn (Chuyển ngữ)

clip_image002

Nhà văn Kim Thúy và cư dân Montreal (ảnh: Montreal Gazette)

Giới Thiệu:

Một nhà văn thành công, trước hết, không thể nào tách rời được với cuộc sống quanh mình, ở nghĩa cụ thể nhất: gia đình, bạn bè, thành phố mình đang ở, những quán xá, những con đường hàng ngày lui tới, những con người hàng ngày gặp gỡ. Từ trên cái nền thực tế này, nhiều vấn đề cao siêu hơn được nhà văn đặt ra, bàn bạc trong tác phẩm của mình. Để hiểu rõ hơn tác phẩm của nhà văn, người đọc, nếu có dịp, cũng nên để mắt tới thế giới chung quanh của tác giả (của) tác phẩm mà mình đang đọc, sẽ đọc.

Nhà văn Canada gốc Việt Kim Thúy hiện đang là một tác giả được đặc biệt chú ý qua việc tên bà nằm trong danh sách 4 người vào chung kết cuộc tuyển chọn gỉai thưởng Văn Chương Mới thay thế cho giải thưởng Nobel về văn chương năm 2018 của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Trong lúc chờ đợi cơ hội thuận tiện để giới thiệu với độc giả tiếng Việt một số trích đọan trong tác phẩm nổi tiếng nhất của bà (Ru, 2012 Random House Canada), tôi chọn chuyển ngữ bài báo dưới đây của ký giả Ian McGillis của tờ Montreal Gazette như một động tác ghé mắt nhìn vào thế giới những tác phẩm và con người nhà văn nữ 49 tuổi, một cựu thuyền nhân và đang là thỏi nam châm thu hút sự chú ý của, không chỉ người đọc Việt Nam, mà còn cả người đọc thế giới.(T.Vấn)

Chúng tôi gặp được Kim Thúy trong một ngày đẹp trời. Sau buổi gặp gỡ, tôi có ý nghĩ, nếu như bạn chỉ cần tiếp xúc trong một khỏang thời gian nào đó với nhà văn, bạn sẽ có cảm tưởng rằng ngày nào cũng là ngày đẹp trời.

Chỉ đọc bài phỏng vấn nhà văn của Montreal đã từng đọat giải thưởng văn chương cao quý của nước Canada (Governor General’s Award) trên báo, người ta khó có thể nắm bắt được cái tinh túy nằm trong những câu đối thọai giữa người hỏi và người trả lời: Kim Thúy có một cá tính rất sôi nổi, thường hay phá lên cười một cách lôi cuốn, có vẻ như rất nhanh chóng kết bạn với người mới quen.

Hôm nay là một ngày đặc biệt. Nhà văn vừa nhận được tin mình nằm trong số 4 người vào chung kết của giải thưởng văn chương mới, được coi như là một giải thưởng thay thế cho giải văn chương Nobel năm nay vừa bị tạm đình chỉ vì những tai tiếng xẩy ra chung quanh vài thành viên của ủy ban chấm giải. Nhưng Kim Thúy có vẻ như lại hứng khởi hơn để nói về mối quan hệ cá nhân mình với thành phố mà cô đã nhiều lần gọi là home town liên tục trong 14 năm qua kể từ khi rời bỏ Việt Nam vào cuối thập niên 1970.

“Cái đẹp của Montreal nằm ở khía cạnh nhân văn. Không như New York hay Paris, những thành phố ấy tuy xinh đẹp rực rỡ nhưng mình không bao giờ thực sự mang cảm giác có thể nắm bắt được chúng. Với Montreal, mình cảm thấy mình có thể ôm trọn nó vào lòng, dù thực sự đó là một thành phố rộng lớn và mang tầm vóc quốc tế. Đó là điều mình có thể làm được.”

Lòng hiếu khách của người dân thành phố là điều Kim Thúy cảm thấy ngay lập tức khi vừa đặt chân đến thành phố với tư cách người mới định cư; với cô, không có thời gian gọi là chuyển tiếp.

“Vẻ tử tế, dịu dàng luôn tóat ra từ người dân thành phố, lẫn du khách. Nhà cửa, đường phố, công viên – thật khó để diễn tả chính xác như thế nào – nhưng tất cả đều được xây dựng và sắp xếp để cho mình cảm thấy như đó chính là nơi mình đã từng quen thuộc ngay khi vừa bước vào. Giống như ở New York, nhưng phải là một New York hòan tòan mang tính cách của Greenwich Village. Cái cách của tôi nhằm diễn tả sự khác biệt khi có người hỏi là so sánh New York như một ngôi sao điện ảnh phóng túng, một Marilyn Monroe, trong khi đó Montreal thì lại có dáng vẻ một cô nữ sinh trong trang phục mùa hè tung tăng cỡi trên yên chiếc xe đạp.”.

Gặp Kim Thúy bên ngòai đài phát thanh Radio Canada, nơi cô vừa hòan tất xong một cuộc phỏng vấn, chúng tôi nhanh chóng nhận ra địa điểm này là một địa danh của thành phố rất có ý nghĩa với cô: từ nhà ở Longueuil, chỉ mất 10 phút lái xe ngang qua cầu Jacques Cartier và một vài nơi chốn quen thuộc của nhà văn. Trên đường Visitation Street, nơi một hôm Kim Thúy tình cờ đi dạo ngang qua khu phố, và đã khám phá ra ngôi thánh đường hùng vĩ Saint-Piere-Apôtre. Mặc dù không theo một tôn giáo nào, cô đã nhanh chóng hình thành nên một sự gần gủi mật thiết với ngôi giáo đường, nhanh chóng đánh giá đúng vai trò của nó là một chốn trú thân mở cửa cho tất cả mọi người trong vùng Hochelaga-Maisonneuve và cả sự an nhiên tự thân rất thích hợp với vị trí nằm dọc trên đường ranh của khu Gay Village.

clip_image004

Kim Thúy và người bán cá chợ La Mer (Ảnh: Montreal Gazette)

Chỉ đúng 5 phút lái xe về hướng đông là khu chợ hải sản La Mer, nơi người ưa chuộng đồ biển như Kim Thúy được chào hỏi như thành viên trong gia đình.

“Tất cả là vì chính con người mà thôi. Chợ La Mer – hẳn nhiên chứ, tôi có thể mua cá tươi như thế này ở những nơi khác, nhưng cái làm cho cá ở đây ngon là nhờ câu chuyện ở đằng sau con cá, ở người bán hàng mời chào mình mua hàng. Hiểu biết được đôi điều về cà từ những người bán hàng có gốc gác từ Nam Mỹ, từ Lebanon, từ khắp nơi trên thế giới sẽ làm mình thay đổi lọai cá mình mua, cách mình mua, và cả cách mình nấu món cá ấy.”.

Là người thường hay ngồi quán cà phê như phần lớn các nhà văn, Kim Thúy có riêng cho mình một nơi chốn ưa thích, Cà phê N Latte, tọa lạc ngay một góc phố gần nhà ở Vieux Longueuil.

clip_image006

Cà phê N Latte (Ảnh Facebook N Latte)

“Tôi rất hài lòng mình có một nơi chốn lui tới như thế này. Tôi đến để ủng hộ quán vì không khí quán rất quyến rũ. Phần khác, để thưởng thức món cà phê. Dù đã cố hết sức, tôi không thể nào pha được ly cà phê sữa ở nhà ngon như ở quán.”.

Một địa điểm khác mà Kim Thúy ưa thích là quán cà phê Espace Pépin Maison nằm trên đường St Paul trong khu Montreal cũ.

“Trong thung lũng nhỏ xíu kế bên một cửa tiệm, giống như tiệm bán hàng của người Hồi giáo, có một quán cà phê. Quán rất đáng yêu, thật tuyệt hảo. Tôi có thể ngồi đó cả ngày. Điều đó gợi cho tôi nhớ rằng luôn luôn có một sự cân bằng giữa các yếu tố tạo nên sự thành công của một cửa tiệm buôn bán. Nhưng sự cân bằng ấy cũng rất mong manh. Trước đây, có một quán cà phê mà tôi rất yêu thích – tôi sẽ không nói tên ra đâu – Một hôm, tôi vào quán và bỗng nhận ra có một sự thay đổi nào đó. Sau đó, tôi được biết quán đã thay chủ mới và không khí quán đã không còn như xưa nữa. Từ đó, tôi không bao giờ quay lại.”

Cũng khá gần nhà là một tiệm ăn mà Kim Thúy thường lui tới. Đó là nhà hàng Dur à Cuire năm trên đường St Jean ở Longueuil.

Nhà văn nói về nhà hàng bán thức ăn Pháp:

“Đây là một địa điểm xuất sắc về thức ăn, về khung cảnh, và cả về lòng nhân hậu. Một hôm tôi đến đó ăn với đứa con trai mắc chứng tự kỷ của mình. Con tôi không thể ăn những thứ có trong thực đơn nhà hàng. Tôi gỉai thích với viên đầu bếp. Không lâu sau đó, ông ta bưng ra một đĩa thức ăn ngon nhất, thứ thức ăn mà hai mẹ con tôi có thể cùng ăn với nhau. Dàn nhân viên nhà hàng còn rất trẻ, rất sáng tạo và thông minh. Bếp nấu bày ra trước mắt thực khách, mình có thể nhìn thấy họ đã dồn hết tâm trí vào dĩa thức ăn cho mình như thế nào. Họ là bậc thầy về nghệ thuật nấu nướng. Tôi rất thích vì nhà hàng chỉ cách nhà tôi độ 7 phút đi bộ.”

Tất cả câu chuyện xoay quanh vấn đề ăn uống này nhắc chúng ta biết rằng, sau khi đã là một luật sư, và trước khi trở thành nhà văn, Kim Thúy đã làm chủ một nhà hàng.

“Đúng vậy! Nhưng tôi phải nói ngay điều duy nhất về nó (việc điều hành một cửa hàng ăn) mà tôi còn nhớ đến là tiếp xúc với khách hàng, chia sẻ nhau những câu chuyện hàng ngày cùng những niềm vui nỗi buồn. Tôi không hề nhớ chi đến việc lau rửa bát đũa. Dù sao bây giờ thì tôi đã quá già để làm công việc đó. Nó rất là vất vả cho thân xác, lúc nào cũng tất tả với tốc độ chạy nước rút.”

Librairie Alire, một cửa hàng sách độc lập ở Lyongueuil, đã gãi đúng chỗ ngứa của con mọt sách Kim Thúy.

“Tiệm sách chỉ cách 10 phút đi bộ từ nhà tôi, và các người làm việc đó thì tuyệt vô cùng. Có lần, tôi vừa bước vào bên trong, thì một nhân viên bán sách chạy ra và bảo tôi: Tôi biết bà muốn tìm cái gì. Rồi anh ta đưa cho tôi quyển sách “Kiến Trúc và Thẩm Mỹ” của Alain de Botton. Quả đúng đó là quyển sách tôi đang cần. Như thể anh ta là thầy bói không bằng.”

Ở trên, nhà văn có nhắc đến đứa con trai 16 tuổi , một trong hai đứa con của cô, có lẽ đã có một tác động nhất định đến cái nhìn của cô với thành phố.

“Tất nhiên là phải có rồi. Tôi đánh giá thành phố, không chỉ với tư cách một phụ huynh, mà còn với tư cách một người mẹ có đứa con mắc chứng bệnh tự kỷ (autism). Tôi luôn nghĩ đến những gì con tôi thích và không thích, cái gì làm cho nó sợ và cái gì gây trở ngại cho nó. Chúng tôi luôn phải tìm xem những thứ chúng tôi có thể thỏa mãn cho con mình. Thí dụ, con tôi thích Montreal Cũ vì nơi đó có những con ngựa. Vì thế, chúng tôi thường đến đó và đi bằng thuyền. Nếu không có nó, có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dùng phà từ Longueuil và sau đó lấy xe đạp đi vòng vòng.”

Một việc khác nữa, có lẽ nếu không có đứa con trai mắc bệnh chắc cô sẽ không bao giờ làm là đi chơi ở Portus 360, một nhà hàng quay ở trên đỉnh của tòa nhà Delta Centre-Ville cũ nằm trên Robert-Bourassa Blvd.

“Do mắc chứng bệnh tự kỷ, con tôi nhận ra ngay lập tức là căn phòng đang di chuyển, dù với tốc độ rất chậm khiến có người lúc đầu không biết là căn phòng đang di chuyển. Tôi nghĩ nó thích đến đó vì từ vị trí trên cao nhìn được tòan bộ thành phố giúp nó tự thiết lập được mình với không gian chung quanh, một điều mà những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ rất khó có được.”

Về giải thưởng Văn Chương Mới – cô sẽ phải đương đầu với Maryse Condé, Neil Gaiman và Haruki Murakami – người thắng giải sẽ được công bố vào ngày 12 tháng 10 sắp tới đây. Kim Thúy tự đánh giá mình thấp, cho rằng cơ hội sẽ không đến tay cô.

“Có lẽ, tôi sẽ không được giải, vì như vậy là làm hủy họai uy tín của 3 người kia”. Kim Thúy thêm vào câu nói một tiếng cười lớn.

Tuy vậy, nhà văn tỏ ra vui thích vì được mọi người chú ý đến. Ít nhất, cô có vẻ như vậy. Nhưng tươi vui là trạng thái tự nhiên của Kim Thúy, nên rất khó để khẳng định điều này.

Ian McGillis (Montreal Gazette)

(Joy – and cafés – are the heart of author Kim Thúy’s Montreal)

T.Vấn (Chuyển ngữ)

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search