T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòang Quân: Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau: Khách Dạo Vườn Uyên (5)

Kỳ 1  Kỳ 2  Kỳ 3

Trước ngày khai trương, Mạ thông báo cho các bạn bè thân hữu, mời đến “mở hàng”. Các gia đình bác Lệ Ảnh, cô Thanh Sương, cô Thanh Thanh đều góp mặt vào ngày khai sinh Café Uyên. Về sau, quán có nhiều giới, nhóm, khách khác nhau. Đa số là học sinh, sinh viên (vào mùa tết hoặc nghỉ hè về thăm nhà). Những gia đình anh chị em đi chung với nhau. Thỉnh thoảng, những người lính trẻ, đến quán trong áo quần dân sự. Tối khuya, quán tiếp cả “chính khách”- ông chánh án tỉnh đến uống cà phê.

XH mơ màng, “Năm lớp 9, mình đã được hai lần cùng anh chị đến Café Uyên. Phong cách của quán đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong trí nhớ của mình. Những chậu cây kiểng, ánh đèn mờ mờ và đặc biệt nhất là tiếng nhạc PD, TCP, TCS… Nhạc mở nhỏ để không khuấy động không gian lãng đãng, mộng mơ. Mình năn nỉ anh chị, lần sau cho em đi theo nữa nhe…” Nhưng biến cố 1975 đã khiến gia đình XH ly tán. Từ đó, không còn lần sau nào nữa.

Quang “quắn”, vừa rời tiểu học, cũng tập tễnh dạo vườn Uyên. Bây giờ, Quang còn “hậm hực”, “Ở một nơi ai cũng có thể ghi sổ, trừ tui! Cái quán Café Uyên này làm tan nát những mộng mơ lấp bể vá trời của những thằng con trai mới lớn (như tui)”. Nhắc lại chuyện xưa, Quang đòi nợ ngược lại. Đòi bổn tiệm trả lại Quang cây bút Pilot, có khắc dòng chữ “Nguyễn Thanh Quang, Phần Thưởng lớp Nhất – Nam Tiểu Học”. Nghe đâu Quang tính đâm đơn thưa kiện lên tối cao pháp viện xứ Cờ Hoa. Nhưng có lẽ Quang phải hỏi Café Song Lan hay Café Hồng Diệp, xem thử hồi đó Quang nộp bửu bối của mình ở tiệm nào. Chứ với Café Uyên, Quang như con cháu trong nhà. Làm gì có chuyện thế chân, thế cẳng.

Thật ra, Café Uyên vẫn thoải mái để khách hàng ký khống. Khách ký sổ, khách đâm ra lưu luyến quán, đôi khi thành ra khách thường trực. Còn chuyện “thế chấp”, thường do khách tự ý đề nghị, cho đỡ ngại khi lần đầu ký sổ. “Kho” giữ hàng ký sổ là một hộp hình ly rượu, màu tím nho, nằm trong tủ “búp phê” trong phòng khách. Những mặt hàng “thế chấp” phổ thông là đồng hồ, quẹt ga zippo, các loại giấy tờ như bằng tú tài, thẻ căn cước. Sổ ký nợ chi chít những dòng chữ phong sương lãng tử, những nét bút đa tình lả lơi. Có anh, oai phong lẫm liệt, trước khi rời quán, đến quầy, cất giọng sang sảng, “Bé ơi, cho anh mượn cuốn sổ ký nợ, để anh tự tay viết vô sổ làm… kỷ niệm”. Con bé dùng dằng, chưa biết tính sao. Anh hạ giọng, “Bé yên tâm, mấy món nợ tiền, thủng thẳng anh trả. Chỉ ngại món nợ tình với mấy chị của bé, anh không sao dứt được.” Con bé lẩm nhẩm, ảnh nói, đầy vẻ triết học, tâm lý học, luận lý học… mình nghe hỏng hiểu gì hết trơn.

Chàng nọ, đưa bằng tú tài cho quán cà phê để làm tin. Lần sau, chàng đến uống cà phê, thì thầm với cô hàng, “Cộng thêm nợ vào cái bằng tú tài của anh luôn nhé.” Lần sau nữa, lại cộng thêm, vân vân và vân vân. Tính ra, Café Uyên đi trước trào lưu giáo dục xuống-hố-cả-nút của Việt Nam mấy chục năm. Lúc Café Uyên bị tịch thu, còn một số giấy tờ, bằng cấp quan trọng vẫn đang “ở trọ” trong “kho” giữ hàng. Mãi nhiều năm sau này, người ta báo động thực trạng mua bán bằng cấp ở Việt Nam. Đâu ai biết, nhiều năm trước đó, Café Uyên đã “được” mua các loại bằng cấp (bảo đảm hàng thiệt, chính gốc) theo cách trả góp bằng những tách cà phê.

Bạn bè anh Lam, tự xem như người nhà, đến quán, làm tạc-dzăng “hú”, Lam ơi, Lam hỡi.

Anh Lam phóng ra, lùa đám bạn vào “phòng VIP” (phòng khách của nhà). Các anh chễm chệ chia nhau bộ xa-lông mây có nệm bọc da. Thật ra, chỗ ngồi chỉ là chuyện bên lề. Cà phê, chè cũng là chuyện phụ. Nhóm bạn anh Lam nhắm nhé những tổ ong mật của Ba. Anh Lam khéo xoay xở, bê nguyên khung mật ong có đầy đủ sáp ong, mật ong và cả nhộng ong để chiêu đãi các anh. Các anh xúm lại, nhâm nhi bánh mật ong, xuýt xoa, ngon bá cháy, ngon đoản hậu xe thồ. Ngon đến độ, sau này, nhắc Café Uyên, mấy anh chẳng hề nhớ đến mấy chị, mấy em gái của “thèng” Lam, mà chỉ nhớ mỗi bầy ong mật của Ba.

Một thân hữu khác, Nguyễn Đức Tuấn Đạt, có vài kỷ niệm “êm đềm” với Café Uyên. Đương sự thuật đại khái thế này này. Một đêm hè của một năm một ngàn chín trăm lâu lắm, một nhóm học trò lưng dài tốn vải 5, 6 cậu gì đó (NVH, VKT, LQL, PL, NM, NĐTD…) lau chau xông vào quán. Biết chắc nơi đó ai cũng quen nhau, nên các cậu rất tự tin. Chỗ lạ, hổng chừng bị rượt chạy có cờ. Trong túi các cậu rủng rỉnh mấy đồng bạc mẹ dằn túi để ăn quà. Sáng, ngang hàng bánh mì, các cậu nhất định nhắm mắt làm ngơ, nuốt nước miếng ừng ực, mặc cho bụng đang kêu réo đòi quyền… no. Các cậu để dành tiền, tối đi quán cà phê. Vào quán, các cậu nghênh ngang kéo ghế, ta đây ra vẻ khách sộp. Món chè kê thiệt vừa miệng, ngọt bùi, quét lên miếng bánh tráng thơm dòn. Cuộc vui tưng bừng, rôm rả. Miệng nhai bánh tráng lách cách, lốp rốp, vui như pháo tết, các cậu tranh nhau nói. Đố ai nhớ được họ đã nói những gì. Trai trẻ mà, nói hay không bằng hay nói mà lỵ. Lúc đầu, các cậu ý tứ ngó xung quanh. Sau, vui quá, hăng quá, cứ gọi thêm chè kê. Chén ông, chén tui, chén mày, chén tao. Nào cùng nâng chén. Chồng chén nho nhỏ xinh xinh cứ cao dần, cao dần…

Một hồi, đề tài bắt đầu cạn, câu chuyện hết nóng bỏng. Ban đầu, khi mấy chén chè được dọn ra, các cậu thảo luận sôi nổi không thua chi các cuộc họp ở quốc hội Anh, Mỹ. Giờ đây, bánh tráng, chè kê vào hết trong bụng, các cậu bỗng dưng thành triết gia, mặt mày đăm chiêu. Đến giờ các cậu phải về nhà trình diện. Nghĩ đến món bánh tét nhân mây ăn khuya, chẳng hấp dẫn tí nào. Đoạn kết rồi phải tới, tờ “biêu” được trình làng. Các cậu nhìn miếng giấy chi chít mấy con số, rồi thẫn thờ nhìn nhau. Mấy tay toán học của lớp, thường ngày, hình học, đại số chi cũng cừ khôi. Mà giờ đây, cộng tới, trừ lui, không tìm ra đáp số. Cậu có vài đồng. Cậu chỉ có túi rỗng. Kỳ quá ta, con số trên “biêu” và tổng số tiềm gom hết của tất cả túi quần sao khác nhau quá vầy trời. May quá, đèn của quán mờ mờ, nên không ai thấy được thần sắc nhợt nhạt của mấy cậu.

 

clip_image002

(Người mà “ai cũng quen”. Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt)

Cô chủ nhỏ cùng lớp, cùng khóa. Sự quen biết ban đầu, ngỡ là thuận lợi, giờ thành thảm họa… Mới sáng nay, gặp cô bạn ở sân trường, còn đầy vẻ thân ái cùng nhau sớm hôm lo sách đèn. Mà giờ đây, ánh mắt ấy sao xa xăm, hay lờ đờ vì quá buồn ngủ. Sau một hồi bàn bạc thảo luận, một khuôn mặt ngầu nhất – LĐ –  can đảm đứng mũi chịu sào, gồng mình ở lại… ngồi đồng. Đấy là trang công tử lưng ngang tám thước, dáng cao mười trượng. LĐ công tử ăn nói rất có khẩu khí. Tương truyền rằng, khi LĐ công tử ngồi kháo chuyện ở Café Uyên, mấy công tử khác, dẫu đang ngồi hóng gió ở sông Vệ, vẫn nghe rõ mồn một. Ngoài ra, LĐ công tử đi trước thời trang bấy giờ rất xa. LĐ công tử thường dùng dây thừng (hay dây dừa), loại dây cối, làm nịt. Sang thế kỷ 21, các siêu mẫu cũng mê phét-sừng này, ưa xài xăng -tuya như LĐ công tử. Người anh hùng LĐ ở lại thế chân, các cậu “em hùng” (tức là thua xa anh hùng) tản về, lo xoay sở bù vào chỗ trống. Trời hè về khuya mát mẻ. Nhưng người ở lại, như đứng trên lửa, như ngồi trên than. Ruột gan LĐ công tử càng cháy rát, khi chủ quán lục tục dọn dẹp ly chén, bàn ghế. Tiếng chổi quét nghe như xát muối trong lòng. Anh hùng LĐ thấm thía câu hát làm người ở lại có bao giờ vui… LĐ công tử vẫn kiên nhẫn chờ. Tựa như Dương Quá, mười mấy năm ròng rã bên miệng cốc chờ Tiểu Long Nữ. Thật vô vọng… Ôi, đám lâu la này đã đem con bỏ chợ, ý quên, đem bạn… bỏ… quán cà phê. Đến khi hết hy vọng, “người hùng” bèn dùng hết khả năng ngoại giao đến “đàm phán” với bà chủ. Cậu dạ dạ thưa thưa với thân mẫu của cô chủ nhỏ… biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ, ôi biết nói gì, dùng lời quá khó… ôi biết nói gì… May cho cậu, bà chủ thật tốt bụng, lúc nào cũng vui vẻ, xởi lởi với mọi người. Chứ rơi vào tay cô chủ nhỏ, khó toàn mạng. Sau mấy ngày chạy vạy vất vả, vay nóng, mượn nguội lung tung, các cậu phái sứ giả đến quán cà phê thanh toán cái bill dài như sớ táo quân.

Lần khác, Tuấn Đạt đi với vài bạn đến uống cà phê. Như để thanh minh cho “chương trình hoạt động” của mình, TĐ chép “vần thơ sầu rụng” gởi cho cô chủ quán kiêm bạn học cùng lớp. Cái học ngày nay đã hỏng rồi, mười thằng đi học chín thằng chơi, phụ huynh đến hỏi con tui nó, từ sáng đến giờ có đến đây… Lang thang vào quán chịu ngồi đồng…
Nghe đâu có cậu thư sinh tên DPL. Thư sinh đã đủ tuổi đi dạo vườn Uyên. Khổ nỗi, cà phê của quán Uyên đậm quá. Uống lưng lưng tách cà phê bé tẹo, mà mắt mũi thư sinh cứ thao láo cả đêm. Thế này, mai vào lớp học, chắc ngủ gục, quên cả giờ ra chơi. Thư sinh nghĩ lung lắm. Rõ ràng, mình chưa biết yêu. Trằn trọc miết, thư sinh chẳng thể ca rằng em ơi suốt đêm thao thức vì em. Tại, thư sinh có hề biết mình nhớ em nào đâu. Ô, thế này thì oan uổng cho cái sự mất ngủ quá. Bởi thế, thư sinh nghiệm ra rằng, đến quán cà phê Uyên, chỉ nhâm nhi chè kê để… bảo toàn tính mạng.

Cô láng giềng tí hon, nhờ Café Uyên cô có đoạn phim dĩ vãng hồi hộp, gay cấn. Thuở ấy, anh chị lớn của cô tí hon đã có bồ. Các anh chị dễ ngươi, hẹn hò với người yêu ở quán cà phê sát rạt nhà mình. Mấy anh chị không dè con em nhỏ xí có máu phóng viên. Tối tối, cô phóng viên chiến trường bắt ghế đẩu ngồi trước nhà, theo dõi đường đi, nước bước mấy anh chị. Thoáng thấy ông anh lớn đang bên cạnh bóng hồng vào Café Uyên, phóng viên chạy như bay vào quán, mua một chén chè kê đem về. Đi xuyên qua quán, phóng viên rảo mắt tìm tọa độ, xem ông anh đang rù rì với bồ góc nào. Về nhà, phóng viên nộp bài tường thuật cho “chính quyền”. Tối đó, gia đình họp bàn tròn. Anh lớn bị cha mẹ rầy la, gần thi tú tài, tại sao xao nhãng chuyện học hành… Anh chị của cô tí hon dạ dạ đúng nhịp. Nhưng vài ba bữa sau, đào, kép đủ cặp, lại dung dăng dung dẻ trên con đường tình ta đi đến quán Café Uyên. Phóng viên tí hon siêng năng vào quán mua chè kê để dễ dàng săn tin. Mấy anh chị của tí hon mải mê dệt mộng yêu đương, coi mấy màn tường thuật của phóng viên nhẹ như tơ. Chỉ tội phóng viên tí hon, do đều đặn nhâm nhi chè kê, phóng viên ngày càng nặng ký, tròn quay, giống… thùng tô-nô. Phóng viên tí hon đành bỏ cuộc, thôi không mua chè kê nữa, mà để tiền mua xí mụi viên (lũ trẻ con lén gọi là… kít mũi ông ba tàu) hay kẹo đậu phụng đường đen, vừa nhâm nhi, vừa chơi búng giây cao su với mấy đứa bạn, vui hơn làm phóng viên.

Tính sổ, số lượng khách dạo vườn Uyên vì chè kê thật đáng kể. Có anh nam sinh trường Trần Quốc Tuấn tỉ tê rằng, lớp của anh có hơn bốn chục đứa con trai. Trừ mỗi “thằng” lỡ đội lốt thầy chùa để trốn lính, cả lớp cùng ngắm nghé cô hàng vườn Uyên. Vậy mà, hỏi kỹ ra, đâu có đứa nào thương thầm, trộm nhớ con bé cà phê. Các cậu chỉ mơ lọt mắt xanh con nhỏ, để được chuột sa chĩnh gạo, được ăn chè kê mê tơi, ăn thả dàn. Nói theo cách đậm đà bản sắc địa phương Quảng Ngãi là ăn cho… lòi bản họng.

Trước 1975, ngoài những văn nhân thi sĩ đến quán, còn có cả… gián điệp xuất hiện. Số là, anh Minh, ông anh họ, có người bạn cùng lớp tên Th. Anh Th. thường rủ anh Minh đi quán cà phê. Tuổi thanh niên, đi uống cà phê là sinh hoạt cần thiết. Anh Minh rất vui được bạn mời đi cà phê. Nhưng lạ, anh Th. chỉ đi Café Uyên. Mặc dầu anh Minh muốn thử các quán khác như Café Diễm Xưa, Cẩm Phú… cũng có nhiều cô hàng cà phê kháu khỉnh. Chứ Café Uyên là họ hàng, mấy cô chỉ là em gái, đâu có rục rịch gì được. Đến quán, anh Th. không ngó ngàng chi mấy cô. Anh Th. chọn bàn gần quày. Lúc lúc, anh nhìn vào trong nhà, hoặc thỉnh thoảng bảo cần ra sau nhà vệ sinh. Anh Minh đùa, hỏi anh Th. thích cô nào, anh Minh là người nhà, sẽ “nói vào” cho. Anh Th. bảo, chỉ thích uống cà phê. Sau 1975, anh Minh thấy anh Th. ngồi chủ trì các địa điểm trình diện học tập cải tạo. Lúc đó, anh Minh mới vỡ lẽ. Anh Th. đến Café Uyên, chẳng vì cà phê, chẳng vì cô hàng. Mà chỉ vì biết thân sinh các cô làm việc trong chính phủ, nên âm thầm theo dõi đó thôi.

Sau 1975, Café Uyên có lúc thêm khách, nhờ công an phường “quảng cáo”. Có phường trên Nghĩa Hành, ngã năm đi lên, trong buổi họp, khuyên thanh niên tiên tiến không nên đến Café Uyên. Như vậy, bổn tiệm khỏi cần tìm người lo mạc-kết-tình, bỗng nhiên lại có thêm khách. Thanh niên nọ, nghe vậy, đâm ra tò mò, đến thử cho biết Café Uyên. Anh đến uống cà phê. Anh thấy chẳng những không có gì đáng ngại, mà lại có cảm giác thoải mái khi ngồi Café Uyên. Nghĩ rằng, lời khuyên dành cho thanh niên tiên tiến, nghĩa là, không phải cho anh. Từ đó, khi có vài đồng dằn túi, anh làm người chậm tiến, thơ thới đạp xe xuống Café Uyên.

Có một khách từ phương xa lắc, nghe lời đồn, tìm đến Café Uyên. Khách gọi cà phê sữa. Quán dọn ra tách cà phê với cái phin đặt trên cái tách. Thường, các văn nhân, thi sĩ nhẩn nha đợi những giọt cà phê đen tí tách rơi xuống. Tuy không thấy… mộng tình trăm năm chìm trong đáy ly gương. Nhưng khi những giọt cà phê đậm đặc, nhuộm từ từ mặt trên của lớp sữa đặc, hương cà phê thoang thoảng, cũng đủ cho tao nhân mặc khách dệt vài vần thơ tình. Khách trầm trồ:

-Ôi, “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Trông yêu quá!

Nhưng rồi khách lúng túng, không biết “xử lý” cái nồi thế nào. Khách nhìn qua bàn bên cạnh. Định bụng, ai làm sao, mình làm vậy. Nhưng bàn bên cạnh, đôi uyên ương đang uống chanh đường. Nhìn xa hơn, khách chẳng thấy gì, vì giữa các bàn có chậu hoa, và đèn trong quán không sáng choang như ban ngày. Đến khi quán dọn phin, phin sạch trơn không có xác cà phê. Nhòm vào tách, thấy xác cà phê đang lẫn trong sữa. Biết đâu khách rủa thầm. Gớm, dân miền Nam uống cái món gì mà hãi thế. Họ không uống cà phê, hình như họ nhai cà phê thì phải.

Xem ra, có đầy đủ, từ sĩ nông công thương, cho đến ngư tiều canh mục dạo chơi trong vườn Uyên. Mỗi người, mỗi vẻ góp vào bức tranh quán Café Uyên muôn màu thật thú vị.

(còn tiếp)

Hoàng Quân

Tháng Mười 2018

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search