T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (91) – NHẠC PHIM – I Don’t Know How To Love Him (Chuyện Tình Xưa), Andrew Lloyd Webber & Tim Rice

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về ca khúc I Don’t Know How to Love Him, trích từ cuốn phim Jesus Christ Superstar (1973) do Andrew Lloyd Webber soạn nhạc và Tim Rice đặt lời. Trước năm 1975, I Don’t Know How to Love Him đã được Kỳ Phát đặt lời Việt với tựa Chuyện Tình Xưa.

Trước khi viết về I Don’t Know How to Love Him chúng tôi cũng xin đôi dòng giới thiệu ca khúc đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1973: The Way We Were.

The Way We Were là ca khúc trong cuốn phim có cùng tựa đề.

Một cách ngắn gọn, The Way We Were là một cuốn phim bi kịch tình cảm với nội dung thiên tả, tuy không được giới phê bình đánh giá cao, nhưng đã được khán giả bình bầu là một trong những cuốn phim tình cảm hay nhất của nền nghệ thuật thứ bảy, hiện được Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI: American Film Institute) xếp hạng 6 trong danh sách 100 Years… 100 Passions.

The Way We Were cũng được xem là thành công điển hình của bốn tên tuổi lớn trong làng điện ảnh Mỹ: đạo diễn Sydney Pollack, nam diễn viên Robert Redford, nữ diễn viên (kiêm ca sĩ) Barbra Streisand, văn sĩ kiêm nhà viết kịch bản Arthur Laurents.

* Đạo diễn Sydney Pollack (1934 – 2008) là một trong những đạo diễn, nhà sản xuất phim (kiêm diễn viên) tài ba bậc nhất của Hoa Kỳ. Ông đã sản xuất 44 cuốn phim, đạo diễn trên 20 cuốn phim, trên 10 show truyền hình, và thủ diễn trên 30 vai trò. Trong số những cuốn phim nổi tiếng của ông có They Shoot Horses, Don’t They? (1969), The Way We Were (1973), Tootsie (1982), và Out of Africa (1985) – cuốn phim đoạt 7 giải Oscar trong đó có 2 giải cho riêng ông (sản xuất, đạo diễn).

* Robert Redford (1936-), nam diễn viên tóc vàng được ái mộ hàng đầu của Mỹ, với những cuốn phim nổi tiếng như Butch Cassidy and the Sundance Kid (1969), Jeremiah Johnson (1972), The Candidate (1972), The Sting (1973), The Way We Were (1973)…, trong số này The Way We Were cho dù không phải cuốn phim được ca tụng nhiều nhất, đã trở thành dấu ấn sâu đậm nhất của ông trong lòng người ái mộ – ít ra cũng là nữ giới (trong đó có Công nương Diana của Vương quốc Anh).

* Barbra Streisand (1942-), một trong những nữ ca sĩ kiêm minh tinh điện ảnh nổi tiếng nhất, thành công nhất trên thế giới. Về ca nhạc, Barbra Streisand đã đoạt 10 giải Grammy, bán trên 150 triệu album, thu phục người ái mộ thuộc nhiều thế hệ khác nhau, với những ca khúc thuộc đủ mọi thể loại, từ cổ điển, jazz cho tới pop, điển hình là bản Woman in Love do ban Bees Gees viết riêng cho cô.

Phụ lục 1: Woman in Love, Barbra Streisand

Sau khi đạt thành công rực rỡ trong sự nghiệp ca hát, năm 1968 Barbra Streisand nhảy sang lĩnh vực điện ảnh với cuốn phim ca nhạc hài kịch Funny Girl, đoạt cả giải Oscar lẫn Trái Cầu Vàng cho vai trò đầu tiên của mình.

Tổng cộng trong sự nghiệp diễn xuất, Barbra Streisand đã đoạt hai giải điện ảnh Oscar, chín giải Trái Cầu Vàng, năm giải truyền hình Emmy, một giải kịch nghệ Tony…

Những cuốn phim nổi tiếng kế tiếp của Barbra Streisand gồm Hello, Dolly! (1969), What’s Up, Doc? (1972), The Way We Were (1973), A Star Is Born (1976), Yentl (1983)…

Cốt truyện The Way We Were dựa trên cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của văn sĩ, kịch tác gia kiêm đạo diễn sân khấu, nhà viết kịch bản phim Arthur Laurents.

Arthur Laurents (1917 – 2011) là tác giả và đạo diễn của nhiều vở kịch nổi tiếng trên sân khấu Broadway như West Side Story  (1957),  Gypsy (1959)… Trong số những cuốn phim do ông viết kịch bản có Anastasia (1956), Bonjour Tristesse (1958), The Way We Were (1973), The Turning Point (1977)…

Arthur Laurents là một người Mỹ gốc Do-thái có đầu óc thiên tả, The Way We Were lại lấy bối cảnh thời gian sau Đệ nhị Thế chiến với cuộc thanh lọc các phần tử thân cộng trong kỹ nghệ giải trí ở Mỹ, cho nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi cuốn truyện/phim này có nội dung đề cao nữ nhân vật Katie Morosky (Barbra Streisand thủ diễn), một nhà hoạt động Mỹ gốc Do-thái theo chủ nghĩa Mác-xít, và mỉa mai xã hội Mỹ với những con người “vô tình”, “vô chính kiến”, chỉ biết hưởng thụ…

Trong The Way We Were, Katie Morosky và Hubbell Gardiner (Robert Redford) là hai người bạn ở đại học, mặc dù thu hút lẫn nhau nhưng không ai chịu ngỏ lời, để rồi đường đôi ngả. Sau thế chiến, hai người gặp lại nhau, Katie lúc đó đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, còn Hubbell, một sĩ quan hải quân vừa giải ngũ và đang tìm cách tiến thân trong nghề viết kịch bản phim. Bất chấp khác biệt chính kiến, hai người yêu nhau tha thiết và kết hôn; tiếp theo, Katie đã phải hy sinh cả lý tưởng lẫn sự nghiệp để theo Hubbell tới kinh đô điện ảnh Hồ-ly-vọng.

Nhưng rồi diễn ra cuộc thanh lọc trong kỹ nghệ giải trí, những hoạt động thiên tả của Katie trong quá khứ bị phơi bày, sự nghiệp của Hubbell vì thế cũng bị ảnh hưởng xấu… Trước thái độ “kiên cường bất khuất” của vợ, Hubbell chán nản, cặp kè với một cô bạn học cũ nay đã ly dị chồng, đưa tới việc hai người quyết định chia tay nhau, mặc dù nàng đang mang thai…

Nhiều năm sau, Katie và Hubbell tình cờ gặp lại nhau ở Nữu Ước, khi ấy chàng đã ly dị cô bạn cũ và đi với một người đẹp khác, còn nàng hiện sống với đời chồng thứ hai. Hubbell rất thành công trong sự nghiệp viết kịch bản cho các phim tập truyền hình, Katie đang đoạt động mạnh trong phong trào phản chiến. Katie mời Hubbell và bạn gái của chàng tới nhà nhưng Hubbell từ chối, chỉ hỏi thăm về đứa con gái của hai người nhưng cũng không có ý định gặp mặt…

Hubbell và người bạn gái quay lưng, Katie tiếp tục phân phát truyền đơn “Ban the bomb”. Không còn gì có thể nối kết với những kỷ niệm đẹp của một thời yêu nhau, ngày mà cả hai ta không giống bây giờ – the way we were.

* * *

The Way We Were được giới thưởng ngoạn nhiệt liệt đón nhận, đứng hạng 5 trong danh sách những cuốn phim ăn khách nhất trong năm, nhưng đã không được các nhà bình phim trân trọng. Không phải vì nội dung thiên tả (nên nhớ những năm đầu thập niên 1970 là đỉnh cao của các phong trào cấp tiến, thiên tả) mà vì tính cách cường điệu của cốt truyện.

Với số điểm 7.1/10 của IMDb và 64% của Rotten Tomatoes, The Way We Were chỉ có thể gọi là một cuốn phim khá hay. Người được ca tụng nhiều nhất là Barbra Streisand (vai Katie) cũng chỉ được đề cử các giải Oscar, Trái Cầu Vàng và BAFTA (Điện Ảnh Anh Quốc) chứ không đoạt giải.

Theo nhận xét của nhiều người, một trong những yếu tố thu hút khán giả của phim The Way We Were chính phần nhạc phim của nhà sọan nhạc Marvin Hamlisch (1944 – 2012) và ca khúc trong phim mang cùng tựa đề The Way We Were, do Alan & Marilyn Bergman đặt lời hát, được Barbra Streisand trình bày trong phim.

[Cặp vợ chồng Alan & Marilyn Bergman cũng là tác giả lời hát The Summer Knows trong cuốn phim Summer of ’42, chúng tôi đã giới thiệu trong bài 89]

Trong giải Oscar năm 1974, Marvin Hamlisch đã đoạt giải cho nhạc phim, và giải cho ca khúc trong phim (The Way We Were) chung với  Alan & Marilyn Bergman.

Ngay sau khi phim The Way We Were được trình chiếu, ca khúc The Way We Were do Barbra Streisand hát trong phim cũng làm mưa gió trên các bảng xếp hạng, nằm trong danh sách Billboard Hot 100 suốt 23 tuần lễ, trong đó có ba tuần liên tục đứng No.1 trong tháng 2/1974.

Tới cuối năm 1974, The Way We Were được xếp hạng No.1 cho cả năm, và hiện đang đứng hạng 8 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ.

Ngày ấy, phim The Way We Were chưa kịp chiếu tại miền Nam VN thì đã xảy ra biến cố  30 tháng Tư 1975. Tuy nhiên kể cả trong trường hợp chiếu, chúng tôi tin rằng ca khúc đoạt giải Oscar The Way We Were cũng không được nhiều người quan tâm, ưa chuộng, vì cảm quan thưởng thức giới hạn, và cũng vì vào thời gian này Barbra Streisand chưa được nhiều người yêu nhạc ngoại quốc ở Sài Gòn biết tới tên tuổi.

 

The Way We Were

 Memories light the corners of my mind
Misty water-colored memories of the way we were
Scattered pictures of the smiles we left behind
Smiles we gave to one another for the way we were

Can it be that it was all so simple then
Or has time rewritten every line
If we had the chance to do it all again
Tell me, would we?
Could we?

Memories may be beautiful and yet
What’s too painful to remember
We simply choose to forget
So it’s the laughter we will remember
Whenever we remember
The way we were
The way we were

 

Phụ lục 2: The Way We Were, Barbra Streisand

Tới đây chúng tôi viết về ca khúc I Don’t Know How To Love Him.

Đây là một ca khúc trích trong cuốn phim Jesus Christ Superstar trình chiếu năm 1973. Cuốn phim này thoát thai từ vở ca nhạc kịch mang cùng tựa đề được đưa lên sân khấu Broadway năm 1971, vì thế chúng tôi xin bắt đầu với vở ca nhạc kịch.

Jesus Christ Superstar là một vở ca nhạc kịch rock (rock opera) của  hai tên tuổi hàng đầu trong làng kịch nghệ Anh quốc: Andrew Lloyd Webber và Tim Rice.

Andrew Lloyd Webber (1948- )

 

Andrew Lloyd Webber (1948- ) là nhà soạn nhạc, nhạc kịch nổi tiếng bậc nhất của Anh quốc, được Hoàng gia Anh phong tước “Nam tước” (Baron Lloyd-Webber), ngang hàng với cựu nữ Thủ tướng Margaret Thatcher (Baroness Thatcher).

Andrew Lloyd Webber ra chào đời tại thủ đô Luân-đôn, con trai lớn của nhà soạn nhạc & nhạc sĩ đại phong cầm William Lloyd-Webber (1914–1982) và nữ nhạc sĩ vĩ cầm & dương cầm Jean Hermione Johnstone (1921–1993); em trai của ông, Julian Lloyd-Webber, là một tay độc tấu hồ cầm tên tuổi.

Andrew Lloyd Webber bắt đầu sáng tác vào năm lên 9. Năm 1965, vào tuổi 17, đang học môn lịch sử (được học bổng) tại Magdalen College, Oxford, Andrew đã bỏ dở để theo ngành nhạc kịch tại Royal College of Music.

Cùng thời gian này, chàng trẻ tuổi được giới thiệu với Tim Rice, một nhà viết ca khúc 20 tuổi, và hai người bắt đầu cùng nhau soạn ca nhạc kịch.

 

(Sir) Tim Rice

(Sir) Tim Rice, sinh năm 1944, thường được nhắc tới qua việc đặt ca từ nhưng thực ra ông có rất nhiều tài, làm nhiều công việc khác nhau: đặt ca từ, sản xuất đĩa hát, phụ trách thực hiện và làm người dẫn chương trình (host) phát thanh, truyền hình, các buổi lễ trao giải thưởng, viết sách, điều khiển công ty (CEO)…

Riêng trong công việc đặt ca từ, ngoài việc hợp tác với Andrew Lloyd Webber, Tim Rice còn cộng tác với nhiều nhạc sĩ khác, trong đó có Alan Menken và Elton John, với kết quả là hai ca khúc A Whole New World (phim hoạt họa Aladin) đoạt giải Oscar, Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim, và giải Grammy cho ca khúc trong năm, Can You Feel the Love Tonight (phim The Lion King) đoạt giải Oscar và Trái Cầu Vàng cho ca khúc trong phim.

* * *

Vở ca nhạc kịch đầu tay của Andrew Lloyd Webber và Tim Rice, The Likes of Us (1965), không được mấy ai chú ý tới (sau này, mãi tới năm 2005, người ta mới khám phá ra giá trị và cho dựng vở này trên sân khấu).

Phải đợi tới năm 1968, một vở kịch của hai người mới được trình diễn trước công chúng; đó là vở ca nhạc kịch rock Joseph and the Amazing Technicolor Dreamcoat, nội dung dựa trên truyện tích “cái áo nhiều màu sặc sỡ” của ông Joseph trong sách Sáng Thế Ký (Genesis) của Kinh Thánh.

Với lời hát vui tươi, hài hước và ứng dụng các thể loại nhạc pop, rock’n’roll (kiểu Elvis Presley), Calypso, và nhạc country, Joseph and the Amazing Technicolor Dreamcoat đã mau chóng thu phục được đông đảo khán thính giả, đặc biệt học sinh và giới phụ huynh. Theo công ty bản quyền The Useful Group, tính tới năm 2008, đã có trên 20,000 trường học và các đoàn kịch tài tử dựng vở ca nhạc kịch này.

Bước qua năm 1970, Andrew Lloyd Webber và Tim Rice cho ra mắt vở Jesus Christ Superstar, và tới năm 1976 là Evita, một vở được yêu chuộng và gây tranh luận không thua gì vở Jesus Christ Superstar.

Cốt truyện của Evita kể về tiểu sử của Đệ nhất Phu nhân Á-căn-đình Eva Peron (1919 – 1952), đời vợ thứ hai của Tổng thống Juan Peron (1895–1974).

Eva Peron, tên con gái Eva Duarte, là con của một người vợ nhỏ của đại điền chủ Juan Duarte ở vùng quê Jurin, thuộc tỉnh Buenos Aires. Sau khi người vợ nhỏ này bị Juan Duarte bỏ rơi, mẹ con sống trong cảnh nghèo khổ. Tới tuổi dậy thì, Eva quyến rũ được một nam vũ công tango tới lưu diễn ở Jurin, và theo anh ta lên thủ đô Buenos Aires.

Theo một số người biết rõ lý lịch Eva Peron, ngay sau khi tới thủ đô, Eva đã đá chàng vũ công, rồi tiến thân bằng cách hiến thân, bắt đầu là nhữing sĩ quan cấp nhỏ và cuối cùng là Đại tá Juan Peron, người sau này trở thành Tổng thống Á-căn-đình vào năm 1946. Nói cách khác, người ta xem bà như một cô “gái điếm thượng lưu” có đầu óc!

Nhưng với những người dân Á-căn-đình nghèo khổ xem Đệ nhất Phu nhân Eva Peron – mà họ gọi thân mật là Evita – là ân nhân, thì bà là một vị “quốc mẫu” đầy lòng nhân từ, đến nỗi sau khi bà qua đời vì ung thư vào tuổi 33, dân chúng Á-căn-đình, vốn đại đa số theo Công giáo, đã ký thỉnh nguyện thư xin phong thánh cho bà!

Từ đó tới nay, Eva Peron đã trở thành đề tài của biết bao cuốn sách, phim ảnh, vở kịch… mà nổi tiếng nhất chính là vở ca nhạc kịch Evita của Andrew Lloyd Webber và Tim Rice, soạn năm 1976.

Khi soạn Evita, Andrew Lloyd Webber và Tim Rice cũng theo khuôn thức soạn Jesus Christ Superstar trước đó mấy năm: phát hành các ca khúc dưới hình thức một “concept album” rồi sau đó mới đưa lên sân khấu ca nhạc kịch.

Trong album này, phát hành năm 1976, vai Eva Peron được trao cho nữ ca sĩ kiêm diễn viên Anh Julie Covington (sinh năm 1946). Qua năm 1977, ca khúc Don’t Cry for Me Argentina trích trong album đã được phát hành dưới dạng đĩa đơn, đạt thành công rực rỡ: đứng No.1 tại Anh, Ái-nhĩ-lan, Hòa-lan, Bỉ, Úc, Tân-tây-lan, No.2 tại Thụy-điển, No.3 tại Thụy-sĩ, No.4 tại Đức…

VIDEO:

 Julie Covington – Don’t Cry For Me Argentina 

Trong hơn 40 năm qua, Don’t Cry for Me Argentina đã trở thành một trong những ca khúc gốc ca nhạc kịch được các nữ danh ca quốc tế thu âm nhiều nhất, và được giới thưởng ngoại yêu chuộng nhất…

Phụ lục 3: Don’t Cry For Me Argentina, Sarah Brightman

VIDEO:

Nicole Scherzinger: Don’t Cry For Me Argentina (2013)

Năm 1978, Evita được đưa lên sân khấu West End, trung tâm kịch nghệ của Luân-đôn, và đoạt giải thưởng Oliver Award cho tập thể diễn viên. Năm 1980, Evita được diễn tại Broadway, Nữu Ước, đem lại giải kịch nghệ Tony nữ diễn viên ca kịch xuất sắc cho Patti LuPone, đồng thời đoạt giải Tony cho ca nhạc kịch hay nhất trong năm.

Evita cũng được ghi nhận là vở ca nhạc kịch hiếm hoi được diễn trên tất cả mọi đại lục, với số thu lên tới 2 tỷ Mỹ kim.

* * *

Trở lại với ca khúc I Don’t Know How To Love Him trích trong vở ca nhạc kịch Jesus Christ Superstar, ra mắt khán giả năm 1971. Vở ca nhạc kịch này gồm 24 ca khúc, và hầu như không có đối thoại.

Trước đó một năm, các ca khúc này đã được phát hành dưới hình thức một album để mọi người thưởng thức, đánh giá trước (concept album), sau đó mới đưa lên sân khấu ca nhạc kịch.

Nội dung Jesus Christ Superstar lấy cốt truyện trong bộ Tân Ước của Kinh Thánh, kể về tuần lễ cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế, từ lúc Ngài và các môn đệ tới thành Jerusalem cho tới khi bị đóng đinh trên thập giá.

Tuy nhiên, đây không phải một kịch bản với nội dung kể truyện mà trình bày những diễn tiến hư cấu về tâm lý, xung khắc giữa các nhân vật chính: Chúa Jesus, phản đồ Judas, Giáo chủ Do-thái Caiaphas, vua Herod, Tổng trấn La-mã Pilate, nữ môn đệ Mary Magdalene…, trong đó đặc biệt chú trọng tới xung khắc tư tưởng giữa Judas và Chúa Jesus, sự bất mãn của Judas trước phương hướng Chúa dẫn dắt các môn đệ, và tình yêu đơn phương mà nữ môn đệ Mary Magdalene dành cho Chúa.

Tóm lại, nội dung của Jesus Christ Superstar là những gì không có trong Kinh Thánh (hoặc có thể có nhưng đã không được ghi lại).

Vở Jesus Christ Superstar được trình diễn ra mắt trên sân khấu Broadway ngày 12 tháng 10, 1971, và chấm dứt vào ngày 30 tháng 6, 1973 sau 711 xuất diễn.

Ngay tự tựa đề, vở Jesus Christ Superstar (Chúa Cứu Thế Siêu Sao) đã cho biết trước sẽ gây tranh luận. Nhiều tín dồ Thiên chúa giáo cho rằng nội dung mang tính cách phạm thượng, và tác giả đã dành cho phản đồ Judas quá nhiều thiện cảm; người Do-thái thì phản đối vì cho rằng sự mô tả các chức sắc Do-thái giáo như những nhân vật xấu xa mang tính cách xúc phạm người Do-thái, và quy trách cho dân Do-thái tội giết Chúa Jesus. Bên cạnh đó, việc nhân vật Judas được thể hiện qua hình ảnh một người gốc Phi Châu cũng gây nhiều tranh luận, bất mãn nơi người da đen!

Trong khi đó, Jesus Christ Superstar lại được nhiều nhà phê bình đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Tại giải kịch nghệ Tony Award năm 1972, vở Jesus Christ Superstar được đề cử năm giải trong đó có âm nhạc, tuy nhiên không đoạt giải nào. Riêng Andrew Lloyd Webber được trao giải cho nhà soạn nhạc nhiều triển vọng (Most Promising Composer).

Qua năm 1972, Jesus Christ Superstar được dựng trên sân khấu West End của Luân-đôn và đạt thành công rực rỡ, được diễn trong tám năm liên tục, trở thành vở kịch được diễn lâu nhất tại Anh quốc, tính tới thời điểm đó.

VIDEO:

 “Jesus Christ Super Star” – Concept Album Version (1970) in Full Dimensional Stereo

Cùng với Anh quốc, tháng 2/1972, Thụy-điển trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Hoa Kỳ dựng vở Jesus Christ Superstar, với buổi diễn mở màn tại vận động trường Scandinavium ở Gothenberg với 74,000 khán giả (một kỷ lục vào lúc đó); đặc biệt vai nữ môn đệ Mary Magdalene đã được nữ ca sĩ Agnetta Faltskog của ban ABBA thủ diễn một cách xuất sắc.

Một tháng sau, 3/1972, vở Jesus Christ Superstar được dựng tại Úc và lần lượt diễn tại các thành phố Adelaide, Sydney, Melbourne; cũng tại Úc, lần đầu tiên vai Mary Magdalene được trao cho một nữ nghệ sĩ da đen (Úc gốc Mỹ): Marcia Hines.

Vở Jesus Christ Superstar trên sân khấu Úc được nhiều người xưng tụng có giá trị âm nhạc cao nhất; 45 năm sau (2018), phần thu âm live vở ca nhạc kịch vào năm 1973 đã được phát hành dưới dạng album.

Thêm một điều thú vị là sau khi Jesus Christ Superstar được diễn tại Úc, vào năm 1985, năm ca nhạc sĩ thủ các vai phụ gồm John Paul Young, Reg Livermore, Stevie Wright, Graham Russell và Russell Hitchcock đã cùng nhau hợp lại thành ban nhạc Air Supply nổi tiếng quốc tế.

Từ đó, Jesus Christ Superstar (nguyên tác Anh ngữ) đã được diễn, hoặc dựng lại tại hàng chục quốc gia khắp năm châu, cùng với các phiên bản tiếng Pháp, Tây-ban-nha…, và cả tiếng Nhật.

Gần đây nhất, Jesus Christ Superstar của đoàn hát Anh Regent’s Park đã được diễn tại hí viện Opera of Chicago từ cuối tháng 4 tới cuối tháng 5, 2018, và sau khi về Anh quốc để diễn vào mùa thu, sẽ trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục lưu diễn vào tháng 11/2019.

* * *

Trước sự thành công và mức độ phổ biến của vở Jesus Christ Superstar, tới cuối năm 1972, đạo diễn Norman Jewison và nhà sản xuất phim/kịch Robert Stigwood quyết định cùng nhau đưa vở ca nhạc kịch này lên màn bạc để thu hút thành phần khán giả trẻ không mấy yêu chuộng bộ môn kịch nghệ, hoặc không có phương tiện, cơ hội tham dự các buổi diễn.

Norman Jewison (1926 – ) là một đạo diễn, kiêm nhà sản xuất phim, kiêm diễn viên Gia-nã-đại, người sáng lập Trung tâm Phim ảnh của quốc gia này (Canadian Film Centre). Trong cương vị đạo diễn, Norman Jewison đã đọat một giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc), một giải Gấu Bạc (Đại hội Điện ảnh quốc tế Berlin), ba lần được đề cử giải Oscar, và vô số lần được đề cử giải Trái Cầu Vàng cùng những giải thưởng điện ảnh khác.
Trong số những cuốn phim do ông đạo diễn có những tác phẩm nổi tiếng như: The Cincinnati Kid (1965), The Russians Are Coming, the Russians Are Coming (1966), In the Heat of the Night (1967), The Thomas Crown Affair (1968), Fiddler on the Roof (1971), Jesus Christ Superstar (1973), Rollerball  (1975),  F.I.S.T. (1978), …And Justice for All (1979), A Soldier’s Story (1984), Agnes of God (1985), Moonstruck (1987), Other People’s Money (1991),The Hurricane  (1999), The Statement  (2003)…

Còn Robert Stigwood (1934 – 2016) là nhà sản xuất đĩa nhạc, phim/kịch, ông bầu ca nhạc Anh gốc Úc nổi tiếng nhất, từng có công lăng-xê hai ban Cream và Bee Gees, từng sản xuất hai cuốn phim ca nhạc ăn khách Grease và Saturday Night Fever, hai vở nhạc kịch thời đại rock’n’roll Hair và Jesus Christ Superstar (trên sân khấu Úc).

Thành phần diễn viên chính trong phim Jesus Christ Superstar (1973) cũng là thành phần diễn viên trong vở kịch trên sân khấu Broadway (1971): Ted Neeley vai Chúa Jesus, Carl Anderson vai phản đồ Judas, Yvonne Elliman vai nữ môn đệ Mary Magdalene… Tất cả chưa từng thủ một vai chính nào trên màn bạc.

Kịch bản phim Jesus Christ Superstar được Norman Jewison và Melvyn Bragg chuyển thể từ kịch bản nguyên gốc. Để giảm bớt sự chống đối nơi các tổ chức Thiên chúa giáo, lời hát đã được sửa đổi phần nào để bớt bị xem là “phạm thượng”. Ngoài ra còn có thêm đối thoại để “dẫn dắt” khán giả, thêm hai ca khúc mới, đồng thời đoạn mở đầu và đoạn kết thúc đã được “thêm thắt”.

Trong đoạn mở đầu của cuốn phim, khán giả thấy một đoàn làm phim gồm các diễn viên, chuyên viên đi trên một chiếc xe bus vào sa mạc để diễn lại Cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế (the Passion of Christ).

[Toàn bộ ngoại cảnh của cuốn phim được quay tại khu phế tích Avdat ở Do-thái và một số địa điểm ở vùng Trung Đông]

Sau khi tới nơi, các diễn viên bắt đầu thay trang phục, trong đó một người (Ted Neeley) mặc chiếc áo trắng để thủ vai Chúa Jesus, và truyện kể bắt đầu…

VIDEO:

 JESUS CHRIST SUPERSTAR ( Overture ) HD

Còn trong đoạn cuối cuốn phim, sau khi diễn xong cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế, đoàn người mặc lại quần áo cũ, lên xe bus để trở về. Trong số này, chỉ có ba diễn viên Barry Dennen (vai Tổng trấn Pilate), Yvonne Elliman (nữ môn đệ Mary Magdalene), và Carl Anderson (phản đồ Judas) nhận ra sự “mất tích” của nam diễn viên Ted Neeley, người thủ vai Chúa Jesus.

Việc “mất tích” này đã được Ted Neeley giải thích như sau: cả anh và đạo diễn Norman Jewison đã đồng ý với nhau rằng ngay sau khi bước xuống khỏi chiếc xe bus trong cảnh đầu phim, anh đã “nhập vai”, và vì thế sẽ không có cảnh “Chúa Jesus” trở lại xe bus!

Thêm một chi tiết thú vị trong đoạn kết (mà rất ít người chú ý tới) là sự xuất hiện bất ngờ của một mục tử và đoàn chiên dưới chân đồi khi ống kính chiếu về phía thánh giá (không còn xác Chúa) trên đồi dưới ánh hoàng hôn. Khi được ca tụng về ý nghĩa siêu hình của cảnh này (ngụ ý Chúa Cứu Thế sống lại, theo như Kinh Thánh), chính Ted Neeley và đạo diễn Norman Jewison đã khẳng định chi tiết này không hề có trong kịch bản của phim, và việc một mục tử và đoàn chiên đi ngang qua ống kính máy quay phim chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

* * *

Jesus Christ Superstar được trình chiếu tại Washington, D.C. ngày 28/6/1973, và trở thành cuốn phim ca nhạc có số thu cao nhất trong năm – vốn thực hiện 3.5 triệu Mỹ kim, thu 24.5 triệu.

Về phía dư luận, trong khi bị người Do-thái phản đối (với cùng nguyên nhân phản đối vở ca nhạc kịch), phim Jesus Christ Superstar đã được các nhà phê bình đánh giá từ trên trung bình cho tới khá hay: 55% trên trang mạng Rotten Tomaroes và 64/100 trên Metacritic; còn nhà bình phim nổi tiếng Roger Ebert thì cho tới 3/4 sao.

Tại giải Trái Cầu Vàng, hai diễn viên Ted Neeley, người thủ vai Chúa Cứu Thế, và Carl Anderson, người thủ vai phản đồ Judas, đã được đề cử giải Nam diễn viên vai chính và vai phụ xuất sắc.

Càng về sau này, phim Jesus Christ Superstar càng được nhiều người – giới thưởng ngoạn cũng như các nhà phê bình – đánh giá cao. Hiện nay, số điểm trên trang mạng IMDb là 7.4/10, còn trên Rotten Tomatoes, khán giả cho tới 76%. Riêng độc giả của Google, hiện nay có tới 86% yêu thích cuốn phim.

Năm 2012, tờ Huffington Post đã bình bầu Jesus Christ Superstar là “Best Jesus Movie”, và gọi đó là một “masterpiece” của nghệ thuật thứ bảy.

Về phía Thiên chúa giáo, trong khi vẫn có những cá nhân, tổ chức lên tiếng phản đối, thậm chí có cả một giáo hội Chính thống giáo ở Đông Âu nghiêm cấm tín đồ xem phim, thì Đức giáo hoàng Phao-lô đệ Lục (Paul VI, tại vị 1963 – 1978) lại hết lời ca tụng. Sau khi cuốn phim được chiếu tại Vatican, ngài đã nói với đạo diễn Norman Jewison:

“Thưa ông Jewison, tôi không chỉ cám ơn ông về một cuốn phim rock opera tuyệt vời, mà còn cám ơn ông vì cuốn phim này có sức thu hút nhiều người trên thế giới tới gần Thiên chúa giáo, hơn bất cứ tác phẩm nào trước đây.”

Cũng theo lời đạo diễn Norman Jewison kể lại, Đức giáo hoàng đặc biệt yêu thích ca khúc I Don’t Know How To Love Him mà ngài cho là “toát ra một vẻ đẹp tâm linh”.

Thực ra, nói chung về mọi mặt, ca khúc Superstar, tức lời Judas chỉ trích Chúa Jesus, được ghi nhận mang nhiều giá trị nghệ thuật hơn, dàn dựng công phu hơn.

VIDEO:

 JESUS CHRIST SUPERSTAR ( Superstar – Carl Anderson – 1973 ) HD

Tuy nhiên, I Don’t Know How To Love Him, tức tâm sự của nữ môn đệ Mary Magdalene, lại là ca khúc được yêu chuộng nhất, với nội dung nói về tình yêu đơn phương nàng dành cho Chúa Jesus.

VIẾT THÊM VỀ MARY MAGDALENE (tiếng Pháp viết là Marie-Madeleine): là vị thánh nữ được xem là nữ môn đệ thân tín nhất của Chúa Jesus, cũng là nữ nhân vật được nhắc tới nhiều lần nhất trong Phúc Âm (Gospel) chỉ sau Đức Mẹ Maria.

Vào thời sơ khai của giáo hội Công Giáo, không hiểu do đâu mà nhiều người tin rằng Mary Magdalene chính là cô gái điếm thành Bethany, về sau ăn năn sám hối và đi theo Chúa Jesus.

Nguyên trong Phúc Âm của Thánh Luke (7:36-50) có kể chuyện một cô gái buôn hương bán phấn nổi tiếng ở thành Bethany, đã lấy dầu thơm rửa chân cho Chúa và lấy mái tóc dài của mình để lau chân Chúa, dẫn đưa tới sự dè bỉu của các giáo sĩ Do-thái, cho rằng Chúa Jesus đã để một cô gái tội lỗi chạm tới người mình.

Sự tin tưởng Mary Magdalene và cô gái điếm thành Bethany (Mary of Bethany) chỉ là một người ngày càng được loan truyền rộng rãi, thậm chí trong các bài giảng trong Mùa Phục Sinh (Easter) năm 581, Giáo hoàng Grêgoriô đệ Nhất (Pope Gregory I) đã nói đây là một tấm gương sám hối điển hình.

Tuy nhiên, theo những nguồn tài liệu đáng tin cậy, Mary Magdalene và Mary of Bethany dứt khoát là hai nhân vật khác nhau. Một số người còn tin rằng Mary Magdalene là một thiếu phụ giàu có ở vùng biển Galilee đã bán hết tài sản để đi theo Chúa.

Tới thời hiện đại, vào năm 1969, Đức giáo hoàng Phao-lô đệ Lục (Paul VI) đã ra lệnh hủy bỏ chi tiết “Thánh nữ Mary Magdalene chính là Mary of Bethany đã sám hối” trong tiểu sử của Thánh nữ trong cuốn General Roman Calendar (Lịch lễ mừng kính các Thánh). Thế nhưng cho tới nay, truyền thuyết “cô gái điếm Mary thành Bethany trở thành Thánh nữ Mary Magdalene” vẫn tiếp tục được nhiều tín đồ (và cả giáo sĩ) Công giáo truyền tụng, xem đó như một tấm gương về sự ăn năn hối cải.

(Tên Thánh nữ Mary Magdalene nhiều khi được viết ngắn gọn là “Magdalene”, hoặc “Madeleine” trong tiếng Pháp)

 

I Don’t Know How To Love Him

I don’t know how to love him
What to do, how to move him
I’ve been changed, yes really changed
In these past few days, when I’ve seen myself

I seem like someone else
I don’t know how to take this
I don’t see why he moves me
He’s a man. He’s just a man

And I’ve had so many men before
In very many ways
He’s just one more
Should I bring him down?

Should I scream and shout?
Should I speak of love
Let my feelings out?
I never thought I’d come to this

What’s it all about?
Don’t you think it’s rather funny
I should be in this position
I’m the one who’s always been

So calm, so cool, no lover’s fool
Running every show
He scares me so
I never thought I’d come to this

What’s it all about?
Yet, if he said he loved me
I’d be lost. I’d be frightened
I couldn’t cope, just couldn’t cope

I’d turn my head. I’d back away
I wouldn’t want to know
He scares me so
I want him so

I love him so

 

VIDEO:

 JESUS CHRIST SUPERSTAR – 1973 ( I Don´t Know How To Love Him ) HD

Mặc dù I Don’t Know How To Love Him do Yvonne Elliman hát trong concept album, trong vở ca nhạc kịch và trong cuốn phim Jesus Christ Superstar chỉ lên tới hạng 22 trên bản xếp hạng của Billboard, ca khúc này cũng được ghi nhận là một trong những ca khúc được nhiều ca sĩ quốc tế thu âm nhất.

Nguyên nhân chính là vở Jesus Christ Superstar đã được diễn đi diễn lại trong suốt mấy chục năm qua ở hàng chục quốc gia khác nhau (trong đó có hai lần tại Nhật Bản), và theo thông lệ (có thể gọi là “truyền thống”) quốc gia nào có nền ca kịch nghệ phát triển đều cố gắng tự mình dựng lại vở kịch với dàn diễn viên địa phương, nếu không thì cũng cố tìm một nữ diễn viên kiêm ca sĩ  “cây nhà lá vườn” để thủ vai nữ môn đệ Mary Magdalene.

Riêng tại Pháp, vở Jesus Christ Superstar đã được nhà soạn ca từ thời danh Pierre Delanoë (1918 – 2006, chúng tôi đã nhắc tới nhiều lần) chuyển ngữ, vai Mary Magdalene được trao cho Anne-Marie David, khi ấy đang nổi như cồn sau khi đoạt giải Eurovision với ca khúc Tu te reconnaîtras (Xin Tự Hiểu Mình, chúng tôi đã giới thiệu trong bài 65).

VIDEO:

 Anne-Marie David Chanson de Marie-Madeleine

Bên cạnh các nữ ca sĩ kiêm diễn viên hát bản I Don’t Know How To Love Him khi thủ vai nữ môn đệ Mary Magdalene, còn có nhiều nữ danh ca quốc tế thu âm ca khúc này.

Phụ lục 4: I Don’t Know How To Love Him, Sarah Brightman

Tại miền Nam VN ngày ấy, Jesus Christ Superstar không được nhiều người biết tới cho bằng những cuốn phim nổi tiếng trước đó, như Dr Zhivago, Romeo & Juliet, Love Story, The Godfather, Summer of ’42, nhưng riêng với những người yêu thích nhạc rock, nhất là giới hippy có trình độ Anh ngữ, Jesus Christ Superstar có một vị trí trang trọng đặc biệt.

Trước năm 1975, ca khúc I Don’t Know How to Love Him đã được tác giả Kỳ Phát đặt lời Việt với tựa Chuyện Tình Xưa, với nội dung không dính dáng gì tới nguyên tác. Đây cũng là một điều dễ hiểu, bởi I Don’t Know How to Love Him là một tình khúc mang ý nghĩa tôn giáo, cho dù người đặt ca từ có đủ khả năng lột tả, chưa chắc đối tượng thưởng thức đã có cùng rung động.

Viết tới đây, chúng tôi nhớ lại ca khúc Inch’Allah (1967) của Adamo, ngày ấy đã được Phạm Duy “nặn óc” để đặt ca từ theo nội dung nguyên tác với tựa đề Đường Về Đất Thánh, thế nhưng công sức của ông đã không được nhiều người quan tâm chỉ vì nội dung tôn giáo của lời hát.

Chuyện tình xưa

 Nghe tiếng mưa rơi lòng tái tê tiếng mưa buồn
Bay thướt tha trên khung trời chiều tiếng gió não nùng
Giọt mưa thu ru hồn bay lượn trên phím ngà
Như tiếng than van lòng ai.

Em nhớ khi xưa còn bé thơ
Lúc tan trường anh đón em theo mưa về nhà
Áo khép đôi tà giọt mưa đan tơ trời
Trên làn tóc em ướt mềm
Thấm ướt đôi vai mộng mơ ôi sao ngây thơ.

Khi trăng thề soi bóng
Đôi môi mềm tươi tắn mái tóc thề tha thướt
Cho mối tình luyến tiếc
Anh yêu có nhớ đến em ngày xưa
Biết bao là yêu đương.

Hôm nay thấy mưa rơi lại nhớ anh
Nhớ bao ngày hai chúng ta yêu đương mặn nồng
Nhớ mãi trong lòng giọt mưa não nùng
Như tiếng côn trùng than khóc cho duyên tình ta.
Thôi anh đi xa.

Anh yêu có nhớ đến em ngày xưa
Biết bao là yêu thương
Bao năm đã trôi qua chuyện chúng ta
Đến bây giờ thì hai đứa xa nhau thật rồi
Đã cách ngăn rồi còn ai ngóng chờ
Anh đã hững hờ em khóc khi nghe trời mưa
Rơi trong tim em đã mất anh rồi này anh xa em.

Trước năm 1975, Chuyện Tình Xưa đã được thu vào băng nhựa qua tiếng hát Thúy Anh (trong ban tam ca Thúy Hà Tú).

Phụ Lục 5: Chuyện Tình Xưa, Thúy Anh (pre 1975)

Sau này tại hải ngoại, Chuyện Tình Xưa đã được Thanh Lan thu vào CD, trình bày song ngữ.

Phụ lục 6: Chuyện Tình Xưa, Thanh Lan

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search