T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Giải thưởng Nobel Hòa Bình về tay 3 người phụ nữ

Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee và Tawakkul Karman (Photograph: Getty)

Ngày thứ Bảy 10 tháng 12 năm 2011, 3 phụ nữ người da màu đã bước lên bục nhận giải thưởng Nobel về Hòa Bình năm 2011. Đó là người nữ Tổng thống đầu tiên của nước Cộng Hòa Tây Phi Liberia Ellen Johnson Sirleaf, Nhà họat động phong trào phụ nữ bình quyền Leymah Gbowee người Liberia và Nhà họat động cho các phong trào dân chủ Tawakkul Karman, người Yemen.

Ellen Johnson Sirleaf, 73 tuổi, tốt nghiệp từ đại học Harvard , cựu bộ trưởng tài chính Liberia, đắc cử Tổng thống Liberia năm 2005 và đã tái đắc cử tháng 10 năm nay. Bà được xem như người có công lớn nhất trong việc khôi phục lại nước Cộng hòa Liberia hòan tòan tan rã sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm kể từ 1980.

Leymah Gbowee, 39 tuổi, người đã can đảm đối đầu với những lãnh tụ phe phái trong cuộc nội chiến Liberia trong công cuộc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, chống lại mọi bất công, áp bức và hãm hiếp người phụ nữ của các thế lực nắm quyền.

Tawakkul Karman, 32 tuổi, người phụ nữ Ả Rập đầu tiên và là người trẻ nhất trong lịch sử giải Nobel về Hòa Bình.

Như vậy là, năm 2011 sắp kết thúc lại chứng kiến thêm một sự kiện rất đáng chú ý về ưu thế của những phong trào dân chủ ở những quốc gia châu Phi và Trung Đông. Có lẽ từ đây đến cuối năm, các tờ báo lớn của Mỹ như Times, Newsweek sẽ có thêm nhiều dữ kiện để chọn lựa những biến cố nổi bật nhất của năm 2011 như thường lệ hàng năm họ vẫn làm.

Người đứng đầu Ủy Ban Xét Giải Nobel, ông Thorbjoern Jagland, trong buổi lễ trao giải đã cho rằng (việc Karman, người phụ nữ Ả Rập đầu tiên đứng trên bục nhận giải thưởng Nobel về Hòa Bình) “là một trận gió hiện đang thổi qua tòan thế giới Ả Rập”. Ông còn nhấn mạnh “Không một chế độ độc tài nào rồi đây sẽ tỉm được nơi ẩn nấp khi trận gió lịch sử này thổi qua.”

Đã đến lúc những kẻ bị áp bức không còn chịu đựng nổi sự nhịn nhục của mình, bởi vì như lời phát biểu của bà Gbowee trong buổi lễ nhận giải “Chúng tôi đã sử dụng sự đau khổ, những thân thể đầy thương tích và cảm thức sợ hãi của mình để trực diện đối đầu với sự bất công và khủng bố trên đất nước chúng tôi.”

Còn người nữ ký giả trẻ tuổi Karman của Yemen, trong diễn văn nhận giải đã cảnh báo thế giới về sự lãnh đạm trước những phong trào đòi dân chủ ở Yemen sẽ “ám ảnh lương tâm của thế giới tự do vì nó thách thức ngay chính sự tồn tại của những lý tưởng về công chính. Thế giới Tự do đã truyền bá cho chúng tôi về những đức tính của dân chủ, về một nền cai trị công bằng, không thể nào ngỏanh mặt làm ngơ trước những gì đang xẩy ra ở Yemen và Syria. Những kẻ phạm tội (giới cầm quyền Ả Rập) phải được đưa ra xét xử trước Tòa Án Tội Phạm quốc tế. Không thể chấp nhận bất cứ một sự miễn nhiễm nào dành cho nhửng kẻ ăn cướp chén cơm của nhân dân”.

Cũng nên biết thêm, năm 2011 chứng kiến sự nổi đậy của các phong trào dân chủ ở Ai cập, Ở Lybia, Syria, ở Yemen. Ở Syria, nhà độc tài Bashar al-Assad từ chối trả lại quyền hành cho nhân dân và hứa hẹn những cuộc đàn áp khốc liệt với những phong trào phản kháng. Ở Yemen, nhà độc tài Tổng thống Saleb sau 33 năm cầm quyền, tuy đã bị buộc phải hứa hẹn sẽ từ bỏ địa vị, nhưng có những dấu hiệu cho thấy phải dùng đến sức mạnh của quần chúng để bắt ông ta thi hành lời cam kết của mình.

 

Ký giả Karman và giải thưởng Nobel Hòa Bình

Khẩu khí của người nữ ký giả 32 tuổi còn có thấy cô sẵn sàng đứng ra tranh những chức vụ cao nhất để cai trị đất nước một khi kẻ độc tài đã bị đền tội. Bởi vì cô tin tưởng rằng, thể theo nguyện vọng của nhân dân, những thành quả của cách mạng, một khi đạt được, cần được bảo vệ chống lại mọi mưu toan lừa đảo nhằm tiếp tục thống trị nhân dân.

Ở thủ đô Oslo của Norway, hôm thứ bảy, cũng đã diễn ra một buổi nhạc hội vinh danh 3 người phụ nữ đọat giải. Nữ diễn viên kỳ cựu người Anh, người từng đọat giải thưởng uy tín Oscar, bà Helen Mirren cùng với diễn viên điện ảnh người Mỹ Rosario Dawson, điều khiển buổi nhạc hội. Bà Mirren, trong khi hoan hỉ đón nhận sự kiện lịch sử 3 người phụ nữ cùng chia nhau giải thưởng cao quý này, đã không quên bày tỏ một cách chua chát rằng, trong lịch sử 112 năm của giải Nobel về Hòa Bình, chỉ có 12 người phụ nữ được trao giải. Theo bà, vị trí quan trọng của người phụ nữ trong lịch sử, nhất là trong ý nghĩa một nền hòa bình thế giới, đã không được nhìn nhận một cách tương xứng qua con số phụ nữ được giải vinh danh.

Dưới đây là danh sách 15 vị nữ lưu đọat giải thưởng Nobel về Hòa Bình theo thứ tự năm nhận giải:

1. 1905: Bertha Sophie von Suttner(Austria)

Tác giả tác phẩm nối tiếng “Hãy buông súng xuống” và là chủ tịch văn phòng Hòa Bình Thế GiớiAuthor of influential book “Lay Down Your Arms” and President of the International Peace Bureau.

2. 1931: Jane Addams (US)

(cùng nhận giải với Nicholas Murray Butler (US)

Bà là chủ tịch Liên Đòan Quốc Tế Phụ nữ vì Hòa Bình và Tự Do. Bà cũng là người sáng lập Hull-House, một tổ chức yểm trợ những gia đình di dân đến Mỹ.

3. 1946: Emily Greene Balch (US) (cùng nhận giải với John Raleigh Mott (US).

Balch cùng cộng tác với Jane Addams, là chủ tịch Liên Đòan Quốc Tế Phụ nữ vì Hòa Bình và Tự Do

4. 1976: Betty Williams (Britain) and Mairead Corrigan (Northern Ireland)

Cả hai là người sang lập Phong trào Hòa Bình cho Bắc Ái Nhĩ Lan, nhằm cổ vũ sự chấm dứt bạo động ở Bắc Ái Nhĩ Lan.

5. 1979: Mother Teresa (Albania)

Vị nữ tu của Dòng Truyền Giáo giúp đỡ những người dân nghèo khố nhất của Ấn Độ.

6. 1982: Alva Myrdal (Sweden) cùng nhận giải với Alfonso Garcia Robles (Mexico)

Nhà văn, nhà ngọai giao, có nhiều năm họat động cổ vũ việc giải trừ quân bị và hòa bình thế giới.

7. 1991: Aung San Suu Kyi (Burma/Myanmar)

Nhà họat động nhân quyền, thường bị cầm tù vì những họat động chính trị và nỗ lực bất bạo động cho nền dân chủ ở Miến Điện.

8. 1992: Rigoberta Menchu (Guatemala)

Được trao giải nhờ những nỗ lực nhằm đem lại sự hòa giải giữa những thành phần đối nghịch trong xã hội Guatamala.

9. 1997: Jody Williams (US) cùng nhận giải với International Campaign to Ban Landmines, một tổ chức mà bà phối hợp họat động nhằm ngăn cấm và giải tỏa những bãi mìn gây chết choc, thương tích cho người.

10. 2003: Shirin Ebadi (Iran)

Luật sư, nhà họat động nhân quyền, đáng kể nhất là nỗ lực bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong xã hội Ba Tư.

11. 2004: Wangari Maathai (Kenya)

Người sáng lập Phong trào Vòng Đai Xanh, nhằm cổ vũ sự chú ý đến nhu cầu bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên và là tiền đề để đạt được một nền hòa bình bền vững cho thế giới.

12.2011: Tawakkol Karman (Yeman), Leymah Gbowee (Liberia), President Ellen Johnson Sirleaf (Liberia).

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search