T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Cuối cùng

Ngõ vắng – Tranh: Hoàng Thanh Tâm

 

Cuối cùng, tôi đã đứng trước căn nhà sơn màu vôi trắng với những khung cửa sổ viền màu lam nhạt. Căn nhà nơi tôi được sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm buồn vui của thời thơ ấu.  Đưa tay lên, định bấm chuông mấy lần, nhưng cũng là mấy lần tôi rụt tay lại. Khuôn mặt lạnh lùng và ánh mắt nghiêm khắc của bố vẫn khiến tôi run sợ khi nghĩ đến. Ngày rời khỏi  căn nhà này với lòng tin tuyệt  đối vào tình yêu nồng cháy của Tuệ, tôi đâu ngờ rằng sẽ có ngày phải trở lại trong hoàn cảnh bi đát như hôm nay. Cũng ngày này năm trước, tôi và Tuệ đã nắm tay, quyết chí thoát ly gia đình để cùng nhau xây tổ ấm. Nhưng cái tổ ấm mà tôi hằng cho rằng êm ái nhất, hạnh phúc nhất bỗng chốc trở nên lạnh lẽo đến rợn người, khi buổi sáng mở bừng mắt dậy sau một đêm trằn trọc, vật vã vì bị thai hành, tôi không thể nhấc cái đầu nặng như búa bổ lên mà cổ họng thì khô đắng. Cất tiếng gọi, Tuệ ơi! cho em xin ly nước, không có câu trả lời âu yếm quen thuộc như mọi ngày, sẽ có ngay em cưng. Tôi loạng choạng bước xuống giường, lần vào phòng tắm. Nhà tắm trống rỗng. Bước ra nhà bếp, không một bóng người. Ủa! không lẽ Tuệ đi chợ?  Mở tủ lạnh, đồ ăn vẫn còn đầy trong đó. Tôi nhìn quanh tìm kiếm chiếc điện thoại Tuệ thường cắm vào ổ điện để  “charge” mỗi tối cũng biến mất. Mới sáng sớm mà đã đi đâu rồi? Tôi thầm thì trách móc một mình. Chiếc điện thoại riêng đã hỏng, nên  tôi chẳng biết  làm sao để liên lạc với Tuệ.

Nằm xuống giường, tôi đưa mắt nhìn mông lung trên trần nhà, nhớ lại cuộc cãi vả tối hôm qua và khuôn mặt hoảng hốt của Tuệ khi nhìn thấy kết quả của que thử thai. Tôi cũng đâu kém gì Tuệ khi lo lắng hỏi, tính sao đây anh? Tuệ im lặng. Tôi cũng im lặng trong suy nghĩ đăm chiêu. Làm sao bây giờ? Tiền sắp hết, việc làm không có, sinh con ra, nuôi nó bằng cách nào? Hai mươi tuổi đầu, tôi chưa từng động móng tay để làm việc nhà, nấu ăn còn không biết, nói gì đến chuyện săn sóc một đứa trẻ. Tuệ lớn hơn tôi một tuổi, cũng sống bám vào cha mẹ, chưa từng bước chân ra đời, trong tay chỉ có vỏn vẹn cái bằng tốt nghiệp trung học, làm sao gánh vác nổi một gia đình có ba miệng ăn.

-Có phải… mình đã quá dại dột và liều lĩnh không?

Tuệ phát tan bầu không khí nặng nề. Tôi lắc đầu:

-Không, em nghĩ hai đứa đã sống hết mình cho tình yêu.

-Nhưng mình  đâu thể uống nước lã để yêu nhau.

Câu nói của Tuệ khiến tôi ngỡ ngàng:

-Bây giờ anh hối tiếc?

Tuệ cúi đầu, hai bàn tay xoắn xít, bối rối. Mắt tôi cay cay khi nhớ lại hình ảnh ba nhảy cỡn lên mừng rỡ khi nghe tin mẹ có thai. Còn Tuệ, cái mà thiên hạ thường bảo là tin vui bỗng trở thành tin dữ và như thế, con tôi sẽ là một đứa trẻ bất hạnh, bởi sự có mặt của nó trên cõi đời này là một gánh nặng, một tai họa cho cha mẹ. Tự dưng, tôi đưa bàn tay lên bụng xoa nhẹ mà nghe như có một chút gì xon xót trong lòng. Tội nghiệp con!. Tôi nhắm mắt lại, nói thật khẽ, thật thầm với một sinh linh vừa tượng hình ngoài ý muốn.

-Ngọc Cầm! anh nghĩ…

Tôi nhìn Tuệ chờ đợi. Phải lâu lắm câu nói kế tiếp mới thoát ta khỏi cửa miệng Tuệ một cách thật khó khăn:

-Mình hãy bỏ nó đi!

Tôi ngây thơ trong câu hỏi ngớ ngẩn:

-Bỏ cái gì?

Tuệ nhăn mặt, đứng lên đi về phía cửa sổ, lưng quay về phía tôi, giọng xa lạ:

-Bỏ cái thai.

-Hả? Sao anh lại có ý nghĩ ghê gớm đó.

Tôi bật dậy, giọng nói hình như nghèn nghẹn. Tuệ quay lại nhìn tôi lạnh lùng:

-Em nghĩ mình có thể sinh con trong hoàn cảnh này sao?

-Tuệ ơi! mình sẽ làm được. Anh đi làm, em đi làm, mình sẽ có tiền lo cho con mà.

-Hai đứa học hành không tới đâu, làm sao tìm được việc làm tốt. Anh không quen vất vả. Cực nhọc anh cũng không chịu nổi.

Tuệ ngồi xuống bên cạnh, cầm tay tôi ngọt ngào:

-Nghe lời anh đi. Nếu không mình sẽ khổ sở.

Tôi bật khóc trên vai Tuệ:

-Nhưng nó là con của mình. Sao lại có thể giết con. Em không chịu. Tội lắm anh ơi.

-Bây giờ nó chỉ là một hòn máu, bỏ nó thì chỉ là trục hòn máu ra ngoài, không có tội tình gì hết.

Nỗi sợ hãi bỗng ùa đến, tôi lắc đầu, bịt hai tay, la lên trong cơn kích động:

-Không, em không thể giết con. Em không làm việc ác đức đó được.

Tuệ hất tay tôi, bước vào phòng, ôm mềm gối ra sofa với khuôn mặt giận dữ. Tôi đâu muốn làm buồn lòng Tuệ, nhưng tôi không thể trở thành người mẹ vô lương tâm. Với số tuổi hai mươi, được ấp ủ trong vòng tay yêu thương của bố mẹ từ bé đến lớn, có thể, chuyện đời tôi chưa biết nhiều, nhưng tôi có thể phân biệt được điều thiện, điều ác.  Tôi tự nhủ, chờ vài hôm nữa, khi tinh thần của Tuệ ổn định, tôi sẽ thuyết phục và chắc chắn Tuệ sẽ bỏ ý định táo bạo này.

Chiều xuống, bóng dáng Tuệ vẫn biệt tăm trong nỗi lo lắng của tôi. Để đầu óc bớt căng thẳng, tôi mở cửa bước ra vườn.  Đang tưới cây phía bên kia rào, cô Dung nhìn về hướng tôi, vui vẻ hỏi:

-Tuệ đã về chưa?

Sao cô Dung biết Tuệ đi? Cố dấu vẻ ngạc nhiên, tôi lắc đầu cười nhẹ.

-Có việc gì mà từ sáng sớm cô đã thấy Tuệ xách túi đi rồi.

Cô Dung vừa dứt lời, tôi hoảng hốt chạy vào nhà, kéo nhanh cánh cửa tủ áo. Tất cả áo quần của Tuệ đã biến mất. Tôi ngồi bệt xuống đất khóc òa lên. Cả trời đất như sụp đổ dưới chân.

-Chuyện gì vậy Ngọc Cầm?

-…

Cô Dung hấp tấp bước vào trong. Cô nhìn quanh rồi im lặng. Không một câu hỏi nào được đặt ra nữa. Với tuổi đời và kinh nghiệm sống, chắc cô đoán được những gì đã xảy ra cho đứa con gái ngây ngô này. Tôi khóc ngất trong vòng tay cô:

-Cô ơi! Tuệ bỏ con rồi.

Hai tuần sau đó tôi nằm mẹp trên giường, nước mắt tuôn tràn như suối đổ. Tôi không tiếc lời oán trách Tuệ, người đàn ông vô trách nhiệm. Chỉ mới đây thôi, anh còn nói với tôi những lời yêu thương tha thiết, còn thề hứa suốt đời sẽ sống bên cạnh tôi và sẽ mang đến cho tôi niềm hạnh phúc tuyệt vời. Vậy mà  chỉ sau câu nói “em có thai”, Tuệ đành đoạn bỏ tôi đi không nói một lời. Người tình tuyệt vời của tôi bỗng chốc trở thànhngười tình tàn nhẫn nhất trên đời. Tôi hoang mang trong niềm sợ hãi tột cùng. Rồi tôi sẽ sống bằng cách nào với đứa con bé bỏng? Ngay thời gian này, tôi cũng không biết đào đâu ra tiền để trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống…  Nỗi đau đớn và lo lắng khiến tôi suy sụp thê thảm.

Mỗi ngày, cô Dung mang thức ăn đến, an ủi, dỗ dành tôi bằng lời lẽ dịu dàng. Cô ân cần săn sóc tôi, dù đối với cô, tôi chỉ là người thuê nhà. Thấy tôi quá khổ sở và tuyệt vọng, cô Dung khuyên tôi hãy trở về nhà. Cô cho rằng, đó là cách giải quyết tốt nhất, vì tôi còn  trẻ dại, hơn nữa, với cái thai ngày càng lớn, tôi sẽ làm gì để có tiền sinh sống. Thật ra, đối với tôi lúc này, chuyện trở về là điều tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi làm sao có thể đối mặt với cô Bạch -người mẹ kế mà tôi luôn gay gắt trong cách cư xử. Không hiểu từ đâu, có thể còn mơ hồ, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, chính cô Bạch đã thúc đẩy bố chống đối cuộc tình của tôi và Tuệ, dù rằng ngoài  mặt cô luôn ngọt ngào và bênh vực tôi. Dưới mắt tôi, cô chỉ đóng kịch, đội lốt người mẹ kế hiền lành nhân hậu. Chưa thể tìm được bằng cớ để xác định sự nhận xét của mình, nhưng tôi vẫn cho rằng điều tôi nghĩ  chắc chắn đúng. Và chính ý nghĩ này đã khiến khoảng cách giữa tôi và cô Bạch ngày càng lớn.

Ngày từng ngày nặng nề trôi qua. Tháng kế tiếp không có tiền để trả cho cô Dung, tôi ngập ngừng xin khất nợ. Cô cười hiền lành và cũng chỉ một câu nói:

-Con về nhà đi. Tuệ bỏ con, nhưng ba mẹ con sẽ không bao giờ bỏ con.

Khi tôi tháo chiếc nhẫn hột xoàn mà cô Bạch đã tặng tôi nhân dịp sinh nhật mười chín tuổi để nhờ cô Dung bán dùm, cô nhìn tôi bằng đôi mắt vừa thất vọng, vừa thương hại. Ấp úng  mãi, cuối cùng tôi đành phải nói thật với cô về nỗi khó khăn của mình.

-Cô Dung ơi!  con không dám về vì bố con rất nghiêm khắc… còn mẹ thì… không phải là mẹ ruột… cô Bạch là mẹ kế.

-Một người mẹ kế độc ác?

-Dạ, không phải.

-Vậy là… bà ấy rất hiền lành?

-Con không biết nói sao, nhưng con không thể đến gần cô Bạch được.

Rồi tôi nói hết với cô Dung cảm nghĩ kỳ lạ của mình về người mẹ kế với những quan tâm săn sóc và tình thương bà dành cho tôi, nhưng tôi luôn nghĩ rằng đó là sự giả dối.  Tôi cũng không giấu sự ngờ vực của mình về thái độ nghiêm khắc cùng những lời rày la của bố là do cô Bạch xúi biểu. Cô Dung lắng nghe với sự chăm chú đặc biệt.  Khi lòng tôi như nhẹ đi với nỗi ẩn ức vừa được trút ra, cô Dung hỏi tôi bằng giọng nói thoáng chút bùi ngùi:

-Con có biết vì sao chỉ có mình cô trong căn nhà quạnh quẽ không?

Tôi lắc đầu chờ đợi.

-Cô cũng là mẹ kế của một đứa bé. Khi cô về với ba của Ân Chi, nó chỉ mới bốn tuổi. Đứa bé khao khát tình mẫu tử đó đã giang tay đón cô với tiếng gọi “mẹ Dung” ngọt ngào trong vắt. Từ tiếng gọi hồn nhiên đó, cô đã yêu thương Ân Chi như con ruột của mình. Thật sự, có đôi lúc cô quên bẵng đứa con này không phải do chính mình rứt ruột sinh ra. Căn nhà có ba người đã có một thời đầm ấm biết bao. Đến lúc Ân Chi bước vào tuổi “teen” nó bỗng trở nên ngang bướng, hỗn hào. Cô rất buồn, rất đau lòng, dù nghĩ rằng có thể đó chỉ là do sự thay đổi trạng thái tâm lý của tuổi vừa mới lớn. Nhưng sau này cô mới biết, chính bà ngoại và các dì của Ân Chi gieo vào lòng nó sự oán hận khi nói rằng, cô gỉa vờ yêu thương Ân Chi để chiếm đoạt tất cả tài sản mà mẹ nó đã làm lụng vất vả để tạo dựng nên khi còn sống. Cô đau xót nhìn đứa con gái ngoan ngoãn ngày nào đã đền đáp sự yêu thương của cô bằng thái độ ngông nghênh, bằng những lời nói như xát muối trong lòng. Ba của Ân Chi là một người nông nổi, không phân biệt được điều đúng, điều sai. Ông  ấy muốn chứng minh cho bên ngoại của Ân Chi biết rằng, ông không phải là người đàn ông mê muội tình mới mà bỏ quên con cái. Cô chỉ còn biết nhẫn nhịn chịu đựng, với hy vọng hai cha con sẽ nhận ra tình  cảm chân thật của cô. Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, cuối cùng cô đành chịu thua và quyết định ra đi không bao giờ trở lại.

Tôi nôn nóng:

-Rồi cô có gặp lại chú và Ân Chi không?

-Chú có tìm cô để nói lời xin lỗi, nhưng với cô, mọi sự đã chấm dứt. Có thể cô là người hẹp hòi, cố chấp. Nhưng có những nỗi đớn đau và tủi nhục thời gian không thể xóa nhòa.

Cô Dung thở dài rồi nói tiếp:

-Chuyện con kể làm cô thấy chạnh lòng. Cô muốn hỏi và con cũng phải nói thật.  Con có tin rằng cô đã thương yêu Ân Chi như con ruột của cô không?

Tôi nhìn vào đôi mắt dịu dàng, lấp lánh những hạt nước trong vắt và nụ cười đôn hậu của cô Dung bằng niềm cảm xúc.

-Dạ con tin.

-Vậy thì con hãy nghĩ đến người mẹ kế của con và dẹp bỏ cái ý nghĩ  tình cảm của bà ấy đối với con là giả tạo. Chính sự nghi ngờ không căn cứ của con để hủy diệt tình cảm lẽ ra rất tốt đẹp giữa hai người. Hai mươi tuổi mà con không biết làm việc nhà. Nếu cô Bạch không phải là người mẹ kế tốt lành, liệu chừng con có thể sống ung dung, sung sướng trong từng ấy thời gian. Bốn năm chung sống mà cô Bạch chưa một lần la rày con, chỉ toàn che chở cho con mỗi khi bố nổi giận, thì tại sao con lại không nhìn thấy tấm lòng quảng đại của cô Bạch. Cô thật không hiểu!

Tôi sụt sùi lau nước mắt.

-Có thể vì con thương mẹ con quá nên có chút ganh tỵ khi nghĩ rằng, bây giờ ba chỉ yêu cô Bạch mà quên mất người mẹ vắn số của con.

Cô Dung nắm chặt hai bàn tay tôi và nhìn sâu vào mắt tôi như cô Bạch đã từng làm như thế mỗi khi tôi bị bố rày la.

-Nếu chịu mở lòng ra, con sẽ thấy cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc hơn. Nghe lời cô, trở về nhà đi. Nếu như cô Bạch bạc đãi con, hãy trở lại đây, cô hứa sẽ tận tình giúp đỡ con.

 

***

 

-Con bé đã quá đau khổ rồi, anh đừng làm cho nó đau khổ thêm. Là cha, là mẹ, việc chúng ta phải làm bây giờ là bảo vệ  con và đứa cháu ngoại của mình.

Giọng bố vang lên, vừa giận dữ, vừa cứng rắn:

-Nhưng anh quá xấu hổ vì đứa con hư hỏng này. Anh còn dám ngẩng mặt nhìn ai nữa. Danh dự gia đình đã bị nó chôn xuống bùn. Nó là cái gương xấu cho hai em của nó. Anh không muốn nhìn thấy mặt nó trong căn nhà này.

Giọng cô Bạch cũng cứng rắn không kém:

– Dù ngoan hay hư nó vẫn là con mình. Thể diện của anh có quan trọng hơn sinh mạng của con không? Nghe tiếng khóc của con và tiếng kêu thảm thiết “bố ơi! con khổ quá”,  em không cầm được nước mắt. Con mình đã bị người ta bỏ rơi, rồi  lại bị cha mẹ hất hủi thì làm sao nó sống nổi. Nói dại, nếu như ngày nào vì quá tuyệt vọng nó tìm đến cái chết thì mình phải làm sao? Có hối hận cũng không kịp.

Bố im lặng một chập rồi lắp bắp nói:

-Em gọi điện thoại cho Ngọc Cầm, bảo nó về ngay. Nói với nó, bố giận con nhưng bố thương con, nhớ con nhiều lắm.

Sau cánh cửa, tôi bước ra với tiếng khóc tức tửi.

-Bố ơi! xin bố tha tội con.

Không có cái ôm chầm mừng rỡ, không có giọng nói nghẹn ngào xúc động “Con gái! con đã về rồi à! Tạ Ơn Trên” như cô Bạch lúc cánh cửa được mở tung, bố lặng lẽ nhìn tôi không nói một lời, nhưng những dòng lệ len ra từ khóe mắt mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy, đã cho tôi biết được tình thương bao la của bố.

Tôi quỳ dưới chân bố nước mắt chảy không ngừng. Tôi muốn nói, nói thật nhiều câu xin lỗi bố mà cổ họng như bị đóng kín. Tôi cũng muốn nói với cô Bạch rằng cô là người mẹ kế tốt lành nhất mà tôi đã diễm phúc có được. Nhưng cuối cùng chỉ vỏn vẹn có hai chữ -như tiếng gọi đầu đời của đứa trẻ thơ- được thốt ra từ trái tim chân thật của tôi.

-Mẹ Bạch!

 

 

***

-Mẹ à! con đã gặp lại Tuệ.

Giọng tôi bỗng trở nên khẽ khàng:

-Không thể tưởng tượng được Tuệ là cháu của anh Tích.

-Thật sao? bây giờ nó ở đâu?

-Dạ, ở Mỹ. Anh ấy vừa trở về đây.

-Nó đã nói gì với con?

-Tuệ giải thích lý do vì sao ngày đó anh ấy lặng lẽ ra đi. Tuệ xin con tha thứ.

Nỗi ngạc nhiên của mẹ Bạch trở thành niềm lo lắng:

-Ngọc Cầm, con đừng quên con đã từng khổ sở, điêu đứng vì nó…

-…

Làm sao tôi có thể quên được những ngày tháng đớn đau, tuyệt vọng đó. Tuệ đã bỏ tôi như trút bỏ một gánh nặng. Tuệ đã cắt đứt tình cảm anh dành cho tôi như cắt đứt một sợi dây cũ rích làm vướng bước chân anh. Khi ra đi, Tuệ đã mang theo  niềm tin và sức sống của tôi. Tôi trở về nhà tiếp tục sống, nhưng là một cuộc sống lắt lay như cọng cỏ mong manh trong cơn bão táp. Nếu không có mẹ Bạch, người mẹ kế nhân hậu, số phận tôi sẽ ra sao và đứa con trong bụng tôi có được chào đời không, để bây giờ Tuệ nhìn nó từ đầu đến chân rồi đặt câu hỏi, em nói thật cho anh biết, có phải bé Na là con của chúng ta. Dù biết rằng, Tuệ thừa thông minh để tính ra số tuổi của bé Na và số năm tôi kết hôn với Tích, nhưng tôi vẫn lắc đầu phủ nhận, không! Bé Na là con của tôi và anh Tích.

-Mẹ đừng lo, cho đến bây giờ, lòng con vẫn còn đầy nỗi oán hận đối với người đàn ông đó.

Mẹ Bạch nhìn sâu vào mắt tôi. Đôi mắt biết nói của mẹ đầy ắp tình thương.

-Ngọc Cầm à, con càng oán hận Tuệ mẹ càng thêm lo lắng. Con có biết không, oán hận cũng là một cách yêu, vì tâm trí con lúc nào cũng nghĩ đến và nhớ đến người ấy. Mẹ chỉ mong con quên đi cái quá khứ đau buồn đó để sống bình an bên cạnh Tích, người chồng bao dung và tốt lành của con.

Tôi cúi đầu im lặng. Mẹ Bạch như soi thấu từng ý nghĩ trong đầu tôi, như nhìn thấy cả sự co thắt của trái tim tôi để biết rõ ý nghĩa của từng nhịp đập. Lời nói của mẹ Bạch khiến tôi hoang mang. Thật sự, tôi cũng không biết mình còn oán hận hay còn yêu Tuệ. Nhưng từ sau lần chạm mặt với Tuệ, ánh mặt kinh ngạc trên khuôn mặt tràn đầy xúc động của Tuệ vẫn hiện về trong giấc mơ của tôi. Rồi khi tỉnh giấc, đầu óc tôi lại bồng bềnh, chông chênh giữa mơ và thực. Tám năm trôi qua, sau biến cố khủng khiếp xảy ra cho cuộc đời mình, hình như tôi vẫn còn nguyên sự vụng dại của tuổi hai mươi. Lý trí tôi nhắc nhở, hãy tránh xa con người tàn nhẫn và gian dối đó, nhưng trái tim lại vẫn thổn thức vì những lời đường mật của Tuệ “Anh xin lỗi.. anh không biết nói sao… thật sự, lúc đó cả hai chúng ta đều còn quá non trẻ, nông cạn, hành động thiếu suy nghĩ. Anh biết em rất oán hận anh, nhưng nếu rơi vào hoàn cảnh của anh lúc đó, em có thể hiểu được anh khó xử đến dường nào. Nếu anh không tức tốc trở về thì sự vắng mặt của anh sẽ ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình, chuyến định cư sẽ bị đình chỉ. Thật ra, khi nhận được điện thoại của chị Hằng, anh vô cùng bối rối. Đi không đành, mà ở lại thì bị ray rứt. Cuối cùng, anh đành phải lặng lẽ ra đi như một kẻ trốn chạy. Bao nhiêu năm ở nơi xứ lạ, lòng anh cứ xót xa, ân hận mãi. Anh đã viết rất nhiều thư cho em, nhưng không nhận được một tin tức nào. Bây giờ gặp lại em và bé Na, anh cảm thấy mình phải có trách nhiệm”.

Tôi muốn hỏi, trách nhiệm gì khi anh đã bỏ rơi hai mẹ con tôi trong lúc tôi đang rất cần anh. Nhưng lạ thật, không biết vì hiền lành hay vì quá ngốc nghếch, mà tôi không biết đặt những câu hỏi gai góc và nói những lời trách móc chua cay. Để rồi, khi đêm về, tôi lại thao thức, xiết xao nhớ những kỷ niệm thời hai đứa yêu nhau thật lãng mạn, ngọt ngào. Rồi tôi lại tự biện hộ cho Tuệ rằng, anh đâu phải là người vô tâm, bằng chứng là anh đã viết thư cho tôi rất nhiều lần,  nhưng chỉ vì gia đình tôi đã thay đổi địa chỉ. Vậy thì Tuệ đâu đáng trách. Tôi lăn qua, lộn lại với muôn vàn ý nghĩ hỗn loạn trong đầu.  Tôi không cưỡng lại được những suy nghĩ viễn vông khi từng lời nói của Tuệ như vang vang bên tai tôi  “Nếu em chưa lập gia đình, anh sẽ mang em và bé Na sang Mỹ. Em sẽ có một cuộc sống sung sướng và tương lai của bé Na sẽ tươi sáng, rực rỡ”. Câu nói đầy hấp lực ấy ám ảnh tôi mãi và rất nhiều chữ nếu đã được đặt ra, bắt đầu từ những ước mơ mà bao lâu nay tôi không hề dám mơ ước. Nhưng rồi cũng có lúc tôi lại tự hỏi, có phải niềm mơ ước không hề có bóng dáng Tích trong đó đang đưa tôi đi dần vào con đường sai trái. Tôi bỗng sợ hãi. Sợ hãi đến độ không kềm chế được ý nghĩ phải nói với mẹ Bạch những gì đang làm tôi bồn chồn, bất an.

-Mẹ ơi! Tuệ  biết bé Na là con của anh ấy.

Tôi ngập ngừng thố lộ. Mẹ Bạch hỏi bằng giọng nói không được nhẹ nhàng như mọi khi:

-Chính con nói với nó điều đó à?

-Dạ không, anh ấy đoán được.

-Sao con không quyết liệt phủ nhận? mà nói cho cùng, dù sự thật là vậy, nó cũng không có tư cách để nhận bé Na.

-NhưngTuệ nói sẽ lo tương lai cho bé Na.

-Lo bằng cách nào? Mang bé Na sang Mỹ à? Mà muốn làm như thế thì chỉ có cách con phải ly dị với Tích, rồi kết hôn với nó để nó bảo lãnh con và bé Na. Chẳng lẽ nó dám xúi giục con làm chuyện đó.

Câu nói của mẹ Bạch khiến tôi bàng hoàng. Có thật như thế không? Làm thế nào mẹ có thể đoán biết được ý định của Tuệ? Hay đây chỉ là giả thuyết xuyên qua những câu chuyện xảy ra trong đời thường mà mẹ biết được?

-Con có thể tin tưởng người đàn ông đã từng bỏ rơi con hay sao? Cho dù vì bất cứ lý do nào đi nữa, thì việc làm đó cũng thể hiện sự vô trách nhiệm và vô lương tâm của một con người. Thật đáng sợ. Nếu là người có chút đạo đức thì nó nên tránh xa con khi biết con là vợ của chú nó, người mà nó phải gọi bằng thím dâu. Ngọc Cầm! hạnh phúc của con là Tích, chứ không phải là người đàn ông đã một lần quay lưng với con. Chắc con chưa quên cái chết của con Lê. Nó bỏ chồng để kết hôn với một Việt kiều. Má nó khoe khoang khắp nơi rằng, sau đám cưới con gái bà sẽ theo chồng sang Mỹ, nhưng đến lúc đứa con đầu lòng của con Lê ba tuổi,  vẫn không thấy thằng chồng tiến hành hồ sơ bảo lãnh. Khi đứa bé lên năm tuổi thì thằng cha của nó biệt tích luôn. Thất vọng và xấu hổ con Lê tự tử, đứa bé tội nghiệp trở  thành mồ côi. Vậy mà vẫn có vô số đàn bà, con gái tối mắt vì những anh Việt kiều, vì ước mơ đi Mỹ. Và cũng vì thế mà chuyện lường gạt vẫn tiếp tục xảy ra để nhiều người phải khóc hận.

Thái độ giận dữ của mẹ Bạch làm tôi sợ. Sợ mẹ nhìn thấu những ý nghĩ không trong sáng đang len lỏi trong đầu óc của tôi. Không ít lần tôi đã nghĩ, bây giờ, chỉ cần tôi mở lòng và quên đi chuyện đau buồn ngày cũ, thì bé Na sẽ được đến một đất nước văn minh nhất thế giới để học hành đến nơi, đến chốn trong điều kiện tốt đẹp. Thật sự, tôi không biết Tuệ sẽ lo cho tương lai của bé Na bằng cách nào. Không lẽ chỉ có một cách duy nhất mà mẹ Bạch đã nói?. Giả sử, Tuệ đề nghị tôi ly dị với Tích, liệu chừng tôi có bị cám dỗ vì những lời ngon ngọt và viễn ảnh tương lai huy hoàng cho bé Na mà Tuệ đã nhiều lần nói đến không? Tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến điều đó. Bên cạnh tôi, mẹ Bạch vẫn liên lỉ khuyên nhủ trong sự lo lắng.

-Con đừng quên, không có Tích, giờ này chẳng biết mẹ con mình lưu lạc nơi đâu. Con nhớ không, bố mất rồi thì những người làm ăn chung với bố đã làm mọi cách để chiếm đoạt tài sản của bố. Mẹ lúc đó ngu ngu, ngơ ngơ không biết gì. Nếu Tích cũng tham lam, gian dối như những người kia thì mình chỉ có nước trắng tay. Không những thế, Tích còn hết lòng thương yêu con, mặc cho gia đình Tích phản đối khi biết con đã có con riêng. Vì tình yêu, Tích đã san bằng mọi trở ngại để mang đến cho con và bé Na một cuộc sống hạnh phúc. Nếu con làm chuyện có lỗi với Tích thì con cũng tàn nhẫn không thua gì người đàn ông đã từng tàn nhẫn với con. Ngọc Cầm! Con hãy hứa với mẹ.

Tôi đưa tay lau những giọt nước mắt nóng hổi trên khuôn mặt phúc hậu của mẹ Bạch với một chút ân hận.

-Mẹ an tâm, con xin hứa.

 

 

***

 

-Bộ mày định học làm chả giò để trở sang Mỹ mở nhà hàng hay sao mà cứ lẩn quẩn ở bếp.

Tuệ đưa tay gãi đầu:

-Không… không phải.

Tích không hề biết Tuệ đang có ý định nói với tôi điều gì đó, nên bá cổ Tuệ rồi quay sang tôi kể lể:

-Em biết không, hồi nhỏ, anh và thằng Tuệ chơi thân với nhau lắm. Cái thằng du côn này có bao giờ chịu gọi anh bằng chú đâu. Bởi vậy, bây giờ gặp lại sau gần mười năm vắng tin nhau, lần đầu nghe nó gọi chú Tích anh nổi da gà.  Anh Hai đi học tập, chị Hai nuôi không nổi đàn con năm đứa, phải gửi nó về bên nội. Hai chú cháu suýt soát tuổi nhau nên chơi rất thân. Nhưng nó là dân thành phố, nên khôn lanh. Còn anh là dân quê, lại hơi khờ khạo, nên cứ bị nó ăn hiếp.  Rồi anh Hai được thả về, nó trở lên Saigon, từ đó ít có dịp gặp nhau. Cho đến ngày cả gia đình sắp được đi H.O, thì  anh có gặp mấy chị em của nó. Còn nó… nghe nói đi bụi đời trước đó mấy tháng làm cả nhà lo hụt hơi, sợ không tìm ra nó thì hồ sơ định cư bị rắc rối, cả nhà phải ở lại. Nè Tuệ! tao hỏi thiệt, hồi đó mày đi đâu? theo gái hả?

Tuệ liếc nhanh về phía tôi rồi cười hùa theo Tích. Cũng may, vợ chồng anh Tiến -người anh thứ ba của Tích- vừa từ dưới quê lên. Tích tíu tít mời mọi người vào bàn ăn, nên bỏ lửng chuyện cật vấn Tuệ. Trong bữa cơm từ giã người cháu ruột của mình sẽ trở về Mỹ ngày hôm sau, Tích vui như đứa trẻ được quà. Anh say sưa nhắc lại kỷ niệm thời thơ ấu, những kỷ niệm rất nhỏ nhặt và đáng yêu mà từ ngày về làm vợ Tích, tôi chưa lần được nghe anh nhắc đến. Anh Tiến thì quanh quẩn những câu hỏi liên quan đến đời sống ở Mỹ, cái nơi chốn rất xa lạ đối với một người, hơn nửa đời người chỉ quanh quẩn với ruộng lúa nương dâu. Anh gật gù, tấm tắc:

-Thằng Tuệ tốt số thật, mình thì cả đời chỉ ao ước, chứ biết đến bao giờ mới được đặt chân lên đất nước thiên đàng đó.

Tích cười hệch hạc:

-Em thì chả mơ ước làm gì chuyện xa xôi ấy, bằng lòng với những  gì đang có là mình đã ở thiên đàng rồi.

-Hừ! cái thằng triết lý cùn. Vậy mày định nghĩa hai chữ thiên đàng cho tao nghe thử.

Tích quay sang ôm vai tôi:

-Với em, chỗ nào có vợ con em nơi đó là thiên đàng.

Anh Tiến lườm mắt:

-Bá láp.

Chị Tiến nhìn Tích bằng cặp mắt ngưỡng mộ:

-Vậy thì thím Tích là người hạnh phúc nhất trên đời, chả cần đi Tây đi Mỹ chi cho xa xôi.

Tôi gắp một cuốn chả giò bỏ vào chén của Tích như một lời xin lỗi thầm vì những phút xao lòng đáng lẽ không nên có của tôi,  “người vợ hạnh phúc nhất trên đời” mà chị Tiến vừa nói.

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search