T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhã Duy: Xung đột Do Thái và Palestine, cuộc chiến và lý lẽ kẻ mạnh

Vài ngày qua trên mạng có lan truyền một bài viết về vấn đề lịch sử tại dải Gaza trước cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái hiện nay. Bài viết trích câu nói rằng, “hãy đi tìm lịch sử bởi chỉ có lịch sử mới đi kể cho bạn về nguồn gốc của vấn đề”, cũng như kết luận rằng “Tôi chỉ là người kể lại lịch sử, để bạn biết căn nguyên vấn đề vì sao có súng nổ, chứ không phải để phán xét”. Bài viết khá chi tiết và tóm lược một số cột mốc lịch sử của vùng đất giao tranh này.

Nhưng rất tiếc, như mômột vài ký giả nước ngoài viết về cuộc chiến Việt Nam chỉ dựa vào các tài liệu của “bên thắng cuộc”, lịch sử dường như nghiêng về một chiều hay có những điều chưa chính xác. Tỏ như trung dung và chỉ dựa vào các sự kiện lịch sử nhưng bài viết đã cho cảm giác tổ chức Hamas của Palestine như một nhóm khủng bố với “hơn 1,000 rocket bắn về Do Thái” và người Do Thái là “những con người cầm chắc tay súng để bảo vệ vùng đất tổ tiên” đã có từ 3,000 năm trước. Có phải vậy không?

Trước khi quay lại đôi nét sơ lược  lịch sử của dải đất Gaza này, nhắc đến bài viết trên vì cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái hiện nay đã xuất hiện khá nhiều thông tin sai trái và ngụy tạo hay dẫn dắt công luận. Nó xuất hiện ngay  từ chính phủ và quân đội Do Thái.

Vài ngày trước, phát ngôn viên của Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu là Ofir Gendelman đã tung lên một video chiếu cảnh quân Hamas phóng rocket về khu dân cư Do Thái, cáo buộc nhóm này đang thực hiện một “tội ác chiến tranh khủng khiếp” nhằm giành lấy chính nghĩa và quyền “tự vệ chính đáng” của mình. Đáng tiếc là clip phim này được phát hiện là lấy trên YouTube và đã có từ hơn hai năm trước, lấy cảnh giao tranh đâu đó tại Syria. Sau khi bị phát hiện, clip này đã bị xóa. Ofir Gendelman còn chia sẻ một clip khác từ Tik-Tok về tình trạng hiện nay nhưng thật ra nó đã có từ tháng Ba và không liên quan gì đến Hamas.

Không những vậy, Lực lượng Phòng vệ Do Thái IDF vừa lừa cả truyền thông thế giới một cú ngoạn mục khác khi khuya hôm qua họ nhắn tin và xác nhận là quân đội Do Thái tiến quân vào dải Gaza. Sau khi hầu hết các hãng tin đã tung tin ra thì IDF lại gởi lời  xin lỗi vì đã … nhầm do lỗi phiên dịch, không có chuyện đưa lính vào Gaza. Lý do chính của việc này là IDF muốn sử dụng truyền thông để lừa quân Hamas chui vào các đường hầm, rồi cho hơn 150 phi cơ sang oanh tạc. Họ chỉ xin lỗi và rút lại lời sau khi thực hiện xong phi vụ.

Kể lại dăm câu chuyện thời cuộc trước khi quay lại cùng lịch sử của sự tranh chấp vùng đất Jerusalem hay dải Gaza vì những thông tin hiện nay về lịch sử hay giao tranh dễ dàng bị thao túng có ý định hay vô tình lan truyền theo lý lẽ một bên.

Vùng đất lịch sử “3,000 năm” của người Do Thái là điều mà người Do Thái dựa vào kinh Cựu ước để tin là vậy hơn là sự xác thực về phân bổ lãnh thổ, địa chính trị rõ ràng từ thời cận đại. Khó lòng xác định lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào trong hàng ngàn năm trước chỉ dựa vào “niềm tin” hay một tài liệu do chính họ đưa ra trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Không quay lại quá xa vấn đề lịch sử mang tính lý thuyết, đây là vùng đất thuộc về các đế chế hùng mạnh trong nhiều thế kỷ cùng các cuộc giao tranh mang tính tôn giáo giữa Hồi Giáo, Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo qua những cuộc thập tự chinh từ thế kỷ 11. Chiến tranh, những vụ tàn sát và bị bắt làm nô lệ đã buộc người Do Thái phải sống lưu vong khắp thế giới, không có quê hương và lãnh thổ. Tuy có cùng nguồn gốc và những khởi thủy tương đồng về đức tin, những người Do Thái ở lại đã sống chung với người Hồi Giáo trong sự thù ghét lẫn nhau bởi niềm tin tôn giáo khác biệt.

Cho đến tận cuối thế kỷ 19, Theodor Herzl , cha đẻ của chủ nghĩa và phong trào phục quốc (Zionism), đồng thời người được xem như là quốc phụ tinh thần của Do Thái đã viết trong cuốn sách “The State of the Jews” kêu gọi người Do Thái rời bỏ Châu Âu để tìm về “vùng đất hứa” cội nguồn, tức vùng đất của Palestine, một phần vì làn sóng bài Do Thái. Ý định thành lập một quốc gia Do Thái ra đời từ đây.

Sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi quân đồng minh đánh bại và kết thúc sự trị vì của đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, người Ả Rập đồng minh với Anh đã được Anh cam kết trả độc lập để thành lập các quốc gia tại vùng Trung Đông nhưng người Anh cũng đồng thời bí mật có những hứa hẹn riêng với người Do Thái. Sau Đệ Nhị Thế Chiến thì Anh rút hẳn ra khỏi khu vực, giao lại cho Liên Hiệp Quốc. LHQ quyết định phân chia Palestine làm hai, một phần thuộc về Palestine và phần khác thuộc về Do Thái, nếu chấp thuận sẽ công nhận sự độc lập và chủ quyền lãnh thổ.

Tưởng cũng nói thêm rằng, là một dân tộc thông minh và mạnh mẽ, dù từng bị ghét bỏ tại nhiều quốc gia nhưng người Do Thái  lại nắm giữ những vai trò hay có ảnh hưởng khá mạnh trên khắp thế giới. Người Do Thái nhanh chóng đồng ý, được Mỹ và Châu Âu ủng hộ và hậu thuẫn,  trong khi Palestine và khối Ả Rập phản đối vì không thể mất đất đang có về tay Do Thái.

Do Thái chính thức được công nhận độc lập và trở thành một quốc gia có chủ quyền vào năm 1948 trong khi Palestine dứt khoát không chịu mất đất nên vẫn không là quốc gia độc lập và có chủ quyền. Điều này đã dẫn đến chiến tranh khi liên quân Ả Rập tấn công Do Thái nhưng bị thua trận vào năm 1948, giúp cho Do Thái thu tóm khoảng ba phần tư vùng đất lịch sử của Palestine. Không những vậy, trong “cuộc chiến sáu ngày” vào năm 1967, Do Thái còn chiếm thêm một số phần lãnh thổ còn lại của Palestine như Đông Jerusalem, Tây Ngạn West Bank, một phần dải Gaza, lẫn đồi Golan của Syria và bán đảo Sinai của Ai Cập.

Hùng mạnh và tàn bạo, lại được hậu thuẫn, Do Thái sẳn sàng trấn áp bất cứ manh nha chống đối nào, trong khi người Palestine quyết không khuất phục. Đó là lý do những cuộc chiến lớn nhỏ, đẫm máu đã liên tục xảy ra từ khi nhà nước Do Thái ra đời.

Hamas là phong trào và lực lượng vũ trang của nhóm kháng quân Hồi Giáo Sunni được bầu cử và nắm quyền tại dải Gaza thuộc quyền Palestine từ năm 2006. Hamas mang mục tiêu thành lập nhà nước Palestine và đòi Do Thái phải trả lại những vùng đất đã chiếm trong cuộc chiến 1967. Bị Do Thái tấn công và Hamas đã trả đũa với những vụ ôm bom tự sát hay bắn trả phi đạn sang Do Thái. Đó là việc Hamas bị xem là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên điều này cũng là điều tranh cãi tùy theo góc nhìn nào hay đặt vào trong vị thế của người Palestine.

Các cuộc xung đột giữa Do Thái với Palestine cùng khối Ả Rập là vấn đề nan giải cho Hoa Kỳ lẫn thế giới bởi Do Thái không hề nhượng bộ, luôn có những hành động cứng rắn và trả đũa tàn bạo. Cuộc xung đột hiện nay xảy ra khi Do Thái trục xuất sáu gia đình Palestine tại Đông Jerusalem, là điều mà Do Thái từng bước thực hiện với người dân Palestine từ nhiều năm qua.

Quốc Hội Hoa Kỳ có những dân biểu gốc Do Thái cả trong lưỡng đảng, cộng đồng Do Thái lại là một cộng đồng thiểu số hùng mạnh bậc nhất tại Mỹ, từ trong chính trị, tài chính cho đến truyền thông, học thuật. Đây điều đặt bất cứ tổng thống Mỹ nào vào vị thế đầy cân nhắc và thận trọng trong  các vấn đề liên quan, để rồi hầu như thường bảo vệ hay bào chữa cho các hành động cùng phản ứng của Do Thái.

Trong đêm qua, Do Thái đã cho đánh bom cả vào tòa cao ốc mà các hãng truyền thông thế giới đặt bản doanh tại dải Gaza với lý do là có nhóm tình báo của Hamas trú ẩn. Truyền thông thế giới buộc phải rời khỏi khu vực chiến sự. Bom vẫn rơi trên đầu người dân và trẻ em Palestine, trong khi các tin tức về cuộc chiến tại đây xem như đã bị chặn lại. Và ở bên ngoài, không ít người tin rằng Do Thái đang tự vệ chính đáng để chống lại khủng bố. Đó là thứ lý lẽ của kẻ mạnh.

Lịch sử rất cần cái nhìn từ nhiều phía. Và bất luận thế nào, những cuộc tấn công vào dân thường từ bất cứ phía nào là một sự tấn công vào nhân loại.

05/2021
Nhã Duy

 

©T.Vấn 2021

 

Đọc Thêm:

Hiệp định “Abraham” do Jared Kushner dàn dựng đã tạo ra xung đột bạo lực giữa Israel và Palestine như thế nào?

US News

Tác giả: Paul D. Shinkman

Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao, chuyển ngữ

Lời Người dịch: Những người miền Nam Việt Nam hẳn chia sẻ được nỗi bất bình với người Palestine khi những thoả thuận ký với quân thù đang xâm chiếm lãnh thổ của họ mà không hề có sự tham gia của chính họ. Ít ra, lúc này chính sự hung bạo của Israel đã khiến Liên Hiệp quốc và cả thế giới phải lên tiếng, cho thấy sự “giả dối” của Hiệp định Abraham mà Jared Kushner đã dàn dựng cho Israel ký với các nước Ả Rập, không có sự đồng tình của Palestine.

Điều đáng lo ngại hơn là khối dân Ả Rập chia sẻ bất bình với Palestine có thể đứng về phía Iran. Và Trung Cộng sẽ lợi dụng cuộc chiến này để chiếm thế thượng phong ở Biển Đông. Chúng ta, những người Mỹ gốc Việt, cần cố gắng giữ cho vững giá trị của Hoa Kỳ, an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ, để bảo vệ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trước sự bành trướng của Trung Cộng.

***

Ngày 10/5, cảnh sát Israel tấn công vào Al-Aqsa Mosque tại Jerusalem, đàn áp người Palestine bằng bạo lực. Nguồn ảnh: Eyad Tawil/ Anadolu Agency/ Getty Images.

Thành quả chính sách đối ngoại dàn dựng của chính quyền Trump được cho là nhằm thống nhất Trung Đông vì mục tiêu hòa bình chung. Thay vào đó, một số người nói rằng nó đã mở đường cho bạo lực.

Khi Tổng thống Donald Trump muốn ca tụng những lợi ích của các thỏa thuận mới nhằm bình thường hóa mối quan hệ của các nước Ả Rập với Israel, ví dụ thực tiễn đầu tiên mà ông đưa ra, là họ sẽ bảo vệ quyền tham dự của người Hồi giáo tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem – địa điểm linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo – mà ông mô tả là “một nơi đặc biệt dành cho họ” và một nơi cũng mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc đối với người Do Thái và Cơ đốc giáo.

Phát biểu tại Phòng Bầu dục giữa các quan chức hàng đầu của ông về tất cả các khía cạnh của chính sách Trung Đông, sau vài phút, Trump đã chuyển sang “một số điều rất thú vị” sẽ có lợi cho người dân Palestine. Tuy nhiên, khi bị một phóng viên hỏi dồn về việc Israel đang gia tăng chính sách đưa thêm nhiều gia đình Do Thái vào xây nhà ở tại lãnh thổ của Palestine vào thời điểm đó, ông đã lập tức nói rằng: “Thật ra, chúng tôi đang nói chuyện với Israel về điều đó ngay bây giờ”.

Chín tháng sau, hai yếu tố trong nỗ lực mua chuộc thế giới của Trump dựa trên thành quả của cái gọi là Hiệp định Abraham – quyền được vào một thánh địa được tôn kính và các điều kiện tốt hơn cho người Palestine – đã bị hủy bỏ. Israel dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiếp tục chính sách tích cực đuổi người Palestine và sát nhập lãnh thổ. Và căng thẳng do cuộc truy đuổi này đã lên đến đỉnh điểm vào cuối tuần qua trong khu phức hợp Al-Aqsa, khi các sĩ quan cảnh sát Israel đối đầu thô bạo với các thiếu niên Palestine. Điều đó đã mở đầu cho các vòng bạo lực leo thang giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và các chiến binh địa phương, bao gồm cả nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas, đã tiếp tục diễn ra trong tuần này ở các cấp độ chưa từng thấy kể từ năm 2014, khi họ leo thang thành chiến tranh toàn diện.

Hiệp định Abraham do Hoa Kỳ làm trung gian đã không thành công trong lời hứa của họ, như cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ Robert O’Brien cho biết tại Phòng Bầu dục theo lệnh của Trump, “mang lại hòa bình cho Trung Đông”, về cơ bản khiến các nước ký kết không cung cấp bất cứ thứ gì ngoại trừ đưa ra những lời chỉ trích về bạo lực. Thay vào đó, các nhà phân tích cho rằng, các hiệp định liên quan đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Maroc và Sudan đã không đếm xỉa gì đến những người ủng hộ truyền thống của Palestine và trao quyền cho Israel.  Đường hướng này đã được Israel tận dụng trong  những tháng gần đây, và dường như vẫn tồn tại dưới thời chính quyền Biden là không gây áp lực lên nhà nước Do Thái.

Nó làm tăng thêm cảm giác chiến thắng nói chung ở Israel, cảm giác không bị trừng phạt: ‘Mọi người liên tục nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải giải quyết vấn đề Palestine. Và bây giờ, rõ ràng, chúng tôi không làm vậy’,” Khaled Elgindy, giám đốc Chương trình các vấn đề Israel-Palestine tại Viện Nghiên Cứu Trung Đông nói.

Bạo lực hiện nay đã trở nên rõ ràng qua các đợt tấn công bằng tên lửa tàn khốc được phóng từ Gaza nhằm vào dân thường Israel, với việc chính phủ Netanyahu trả đũa bằng gia tăng các cuộc không kích tận diệt vào các vị trí của người Palestine và các cuộc tấn công chết người nhằm vào các thủ lĩnh của nhóm. Số người chết đã tăng lên hàng chục, với hàng trăm người bị thương. Nhiều đám đông người Do Thái Chính thống giáo cực đoan đã xung đột với người Ả Rập tại các vùng lãnh thổ tranh chấp trong những vụ việc được một số người, bao gồm cả chính Netanyahu, mô tả là “hành hình” (lynchings).

Những cảnh đoạn trường đã gây thêm áp lực lên các quốc gia đã ký Hiệp định Abraham với Israel, đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – quốc gia đầu tiên làm như vậy – và Bahrain, làm gia tăng khoảng cách, sự bất mãn giữa các chính phủ chuyên quyền đã đồng ý với hiệp định và người dân của họ, những người ngày càng lên tiếng ủng hộ đồng bào Ả Rập của họ tham gia vào các cuộc đụng độ bạo lực chống lại Israel.

Những người quen thuộc với lo ngại về an ninh khu vực cho biết, các nhà lãnh đạo trong khu vực – đặc biệt là các bên ký kết Hiệp định Abraham – hiện đang đối mặt với những lo ngại mới rằng, hành động của Israel sẽ làm tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với Hamas, vốn được Iran hậu thuẫn một phần, khi các cuộc không kích của Israel giết chết nhiều dân thường hơn, bao gồm cả trẻ em.

Colin Clarke, giám đốc chính sách và nghiên cứu của công ty tình báo tư nhân The Soufan Group, cho biết: “Nó khiến các quốc gia như UAE và Bahrain bị coi là ‘kẻ phản bội‘ vì không đứng lên chống lại Israel. Cảnh tượng thật tồi tệ. Nó hoàn toàn không tốt cho bất kỳ quốc gia Ả Rập nào đang ủng hộ chính sách của Netanyahu ngay bây giờ”.

Và ông nói thêm rằng, tình hình có thể sẽ có tác động ngay lập tức đến một số mối đe dọa an ninh tiềm tàng nhất trong khu vực.

Clarke nói: “Nó cũng khiến UAE trông yếu đi và Iran tỏ ra mạnh mẽ vì đứng lên chống lại Israel và tiếp tục hỗ trợ Hamas và các nhóm chiến binh khác”.

Đối với những lời hứa từ chính quyền Trump, Clarke chỉ ra, bạo lực gần đây nhất là bằng chứng rằng họ đã không thành công trong một số mục tiêu của mình, đặc biệt là khi chính quyền Biden tiếp tục nỗ lực hướng tới việc tiếp tục thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Clarke nói: “Iran không bị suy yếu bởi Hiệp định Abraham, có khả năng đạt được thỏa thuận mới với Mỹ trên JCPOA, và đang được thế giới Ả Rập ca ngợi vì đã bảo vệ người Palestine”.

Cho đến nay, chính quyền Biden phần lớn đã thực hiện một cách tiếp cận chặt chẽ đối với tình trạng bạo lực hiện nay ở và xung quanh Israel, ít nhất là một cách công khai. Người phát ngôn của các Bộ Ngoại giao và Quốc phòng đã đưa ra rất ít thông tin chi tiết về bất kỳ nỗ lực hậu trường nào của các nhà ngoại giao hoặc quan chức quân sự Mỹ – nếu những điều đó tồn tại – thay vào đó, chỉ dựa vào chính sách lâu đời của Hoa Kỳ ủng hộ “quyền tự vệ của Israel”.

Bản thân Biden đã sử dụng cụm từ chính xác đó để mô tả cuộc gọi của ông với Netanyahu vào thứ Tư. Có lẽ nỗ lực can thiệp duy nhất của Hoa Kỳ là các báo cáo rằng phái đoàn của họ tại Liên Hiệp quốc đã chống lại tổ chức đưa ra các tuyên bố công khai lên án hành động của Israel.

Các nhà phân tích nói rằng, lời hùng biện năm ngoái giải thích, Hiệp định Abraham như một lối thoát tiềm năng cho các thỏa thuận hòa bình mới cho người Palestine, bây giờ dường như chưa bao giờ đại diện cho những nỗ lực nghiêm túc, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump bảo vệ Israel và bây giờ là dưới thời Biden, người có tiếng nói ủng hộ Israel từ khi là thượng nghị sĩ, phó tổng thống và bây giờ là Tổng Tư lệnh, đã kéo dài nhiều thập niên.

Tôi không thấy bất cứ điều gì ngăn cản Israel hành động theo ý họ. Ngược lại, việc họ có các thỏa thuận này gửi thông điệp rằng các nước Ả Rập không quan tâm đến người Palestine nữa, và họ chắc chắn sẽ không lên tiếng phàn nàn”, Elgindy nói.

Và người Ả Rập trong khu vực nhận thấy, rất ít dấu hiệu cho thấy những lời hứa của Mỹ về những cơ hội mới cho hòa bình có cơ sở trong thực tế mà họ chứng kiến.

Elgindy nói: “Đó vẫn là một vấn đề gây tiếng vang – không chỉ vì lịch sử của nguyên nhân Palestine mà còn vì các vấn đề như Jerusalem. Cảnh tượng lực lượng Israel đột kích Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong tháng lễ Ramadan, tôi nghĩ, gây kinh hoàng cho rất nhiều người”.

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

Bài Mới Nhất
Search