T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Trả lại cho Người

clip_image002

(Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh )

11:45 tối, tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi chợ. Dưới cơn mưa tầm tả tôi trùm chiếc bao ni lông lên đầu chạy băng ngang qua đường. Con đường dẫn đến apartment tôi ở vắng tanh, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe chạy vụt qua rồi mất dần trong khoảng không gian mù mờ. Bỗng có tiếng chân sột soạt phía sau, tôi quay lại, qua màn mưa mỏng và đôi mắt ướt sũng, nhòe nước tôi nhận ra có một người đàn ông da đen cao lớn đang bám theo tôi. Cơn sợ hãi ùa đến, tôi cố bước nhanh như chạy. Trong cơn hấp tấp tôi vấp phải thanh gỗ nằm giữa đường khụy chân ngã xuống. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì một chiếc xe đậu sát lề. Có tiếng nói vang lên

-Cô cần tôi giúp gì không?

Tôi quay sang trái nhìn xuyên vào trong xe. Rồi quay ngược lại phía sau … người đàn ông da đen đang chậm bước lại. Tôi run giọng

-Xin đưa dùm tôi về nhà. Tôi sợ quá!

Người tài xế bước xuống xe, xách những bao thức ăn đang rơi vung vãi trên mặt đất rồi mở cửa, nắm tay dìu tôi bước lên xe.

***

Tôi và Khải quen nhau bằng sự khởi đầu như thế đấy.

Sự đẩy đưa của định mệnh đã khiến tôi và Khải bước vào một cuộc tình không lối thoát.

Tôi biết tôi không đúng khi ngã vào vòng tay của Khải.

Khải cũng biết anh đã sai khi cầm tay tôi để bày tỏ tình yêu.

Nhưng trong tình yêu không có đúng hay sai mà chỉ có sự thổn thức của hai trái tim với niềm khao khát được hòa nhập, cuốn quyện vào nhau bất chấp hậu quả. Tôi và Khải cũng không ngoại lệ.

Ngày Khải nói với tôi "anh còn vợ và đứa gái ở Việt Nam", tôi lặng người trong cơn buốt lạnh lạ lùng dù trời đang mùa hạ. Tiếng nói của tôi cất lên yếu ớt :

-Sao chị ấy không đi cùng với anh?

Khải im lặng. Một lúc sau, anh nói thật khẽ và thật nhanh như sợ rằng chỉ cần vượt qua cái tích tắc mà anh cố gắng thu hết sự can đảm, anh sẽ không thể nào nói được điều anh cần phải nói, vì không muốn dối tôi và tự dối mình.

-Trầm phải ở lại để săn sóc mẹ anh vì bà bị bại liệt nằm một chỗ nhiều năm rồi.

-Còn anh chị em của anh đâu? không ai có thể thay thế chị ấy để làm việc này sao?

-Anh là đứa con duy nhất của mẹ!

Thời gian như dừng lại để tôi cảm thấy mình đông cứng trong nỗi tuyệt vọng.

Khoảng lặng rất lâu giữa tôi và Khải rồi cũng được phá vỡ khi tôi đứng dậy bước nhanh ra cửa. Khải không níu tay tôi lại để trao cho tôi nụ hôn ngọt ngào như anh đã từng làm như thế trong những lần chia tay.

Tôi biết … rồi đêm nay Khải sẽ thức trắng. Còn tôi. Tôi sẽ để mặc cho nước mắt tuôn rơi trên những dòng nhật ký đau xót, rã rời.

Dù không bao giờ muốn nhưng tôi cũng đã trở thành kẻ thứ ba. Và điều oan nghiệt nhất là tôi đã đặt những bước chân của mình trên dấu chân xưa của mẹ. Tôi đã lặp lại số phận bất hạnh của mẹ như có sự sắp xếp của bàn tay định mệnh. Mẹ đã từng dặn dò tôi hàng trăm, hàng vạn lần, con ơi! đừng bao giờ làm kẻ thứ ba, dù vô tình hay cố ý con vẫn là kẻ phá gia cang của người khác.

Mẹ chưa bao giờ kể cho tôi biết là ba mẹ đã gặp nhau như thế nào. Mẹ có yêu ba không, hay chỉ vì sự giàu sang và tiện nghi trong đời sống mà ba đã mang đến cho mẹ khiến mẹ quyết không rời xa ba dù bị người vợ chính thức của ba nhiều lần tìm đến tận nhà với những trận đòn ghen khủng khiếp.

Tôi đã từng xấu hổ không dám bước chân đến trường vì bị bạn bè chế nhạo hoặc lén lút phê phán sau lưng "mẹ nó là vợ bé, dùng sắc đẹp quyến rũ đàn ông bỏ vợ".

Đến tuổi trưởng thành, khi quen biết người con trai nào tôi cũng dò hỏi rất kỹ. Tôi đã khẳng định một điều rất rõ ràng, tôi chỉ chấp nhận người đàn ông đến với tôi khi người ấy chưa bao giờ là của ai và cũng sẽ chỉ là của riêng tôi. Như một quy định bất biến. Nhất định phải như thế.

Nhưng bây giờ thì sao? có phải số phận đã cợt đùa để tôi mê muội trong tình yêu này đến nỗi chưa bao giờ tôi đặt một câu hỏi thật đơn giản với Khải "trước em, anh đã yêu ai chưa?"

Có thể là một nỗi lo sợ vu vơ nào đó đã hình thành trong lòng tôi rất lâu khi có lần tôi tự hỏi mình "nếu không có Khải tôi sẽ sống như thế nào?", nên tôi không dám chạm vào những điều mà tôi nghĩ rằng… lỡ như….

Sau ngày ấy -cái ngày mà trong mắt tôi, Khải trở thành một người đàn ông đã thật sự bị trói chân vào hai chữ trách nhiệm- tôi lánh mặt Khải suốt hai tháng trời. Người tôi gầy rộc đi như trải qua một cơn bệnh nặng dù tôi vẫn cố gắng sinh hoạt bình thường. Vẫn ăn. Vẫn ngủ. Vẫn cười. Vẫn nói. Nhưng tất cả những điều đó chỉ xảy ra trước mắt mẹ. Chỉ cần mẹ quay lưng đi là tôi ngã vật xuống giường, nước mắt ràn rụa trong tiếng nấc uất nghẹn. Cả tâm trí, cả thân xác như vật vờ không còn sinh khí. Và dù có cố gắng chống chọi đến mấy rồi cũng đến ngày tôi ngã gục. Mẹ quấn quýt lo âu "mẹ phải đưa con đi bác sĩ!". Tôi gượng lắc đầu "không sao, con không sao, mẹ cho con nghỉ ngơi một hôm là sẽ khỏi". Mẹ vừa ra khỏi phòng tôi lại lôi nhật ký ra để tiếp tục viết, tiếp tục than khóc cho số phận nghiệp ngã của mình. Những bứt rứt xót xa giữa tình và lý, giữa hạnh phúc của riêng mình và sự mất mát, thiệt thòi của người đàn bà đến trước không ngừng dằn vật tôi và tôi đã ngất đi trong cơn đau xé lòng khi viết hàng chữ quyết định "phải mạnh dạn rời xa Khải".

…. Ly nước trên tay mẹ rơi xuống đất vỡ tan tành khi ánh mắt mẹ dừng lại trên trang nhật ký mở toang chưa kịp gấp lại. Mẹ vừa khóc vừa lay mạnh cánh tay tôi. Cánh tay như muốn gãy lià nhưng không làm tôi đau đớn bằng nhìn thấy mẹ ngã quỵ xuống chân giường, tiếng nói tắt nghẹn giữa những dòng nước mắt "tại sao? tại sao?"

Tôi lắc đầu mếu máo "mẹ ơi! con không biết".

Rồi hai mẹ con ôm nhau khóc vùi.

Qua cơn xúc động, mẹ lên giường nằm cạnh tôi, ôm chặt lấy tôi trong cánh tay gầy gò. Bàn tay còn lại xoa nhẹ lên lưng tôi thật chậm và thật đều, mẹ nhắc lại những ngày tháng buồn đau, tủi nhục mà mẹ phải hứng chịu khi lén lút sống với ba không danh phận. Mẹ dịu dàng nâng khuôn mặt đẫm lệ của tôi:

-Ngày đó mẹ không thể rời ba vì mẹ không muốn con là đứa con không có cha. Khi ba mất rồi mẹ cũng không thể bước tiếp một bước nữa vì không biết người đàn ông sau này có thương con hay không? Bây giờ con với Khải chỉ mới là những bước khởi đầu, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì thì mẹ xin con hãy can đảm cắt đứt. Con phải dũng cảm lên, đừng lệ thuộc vào số mạng. Coi như mẹ van xin con. Con hãy ban cho mẹ một ân huệ. Ân huệ được nhìn thấy con hạnh phúc thật sự với người đàn ông của riêng con. Mẹ không muốn nhìn thấy con gái mẹ rơi vào cảnh tủi nhục như mẹ mấy mươi năm trước, bị người ta nắm đầu cắt tóc, bị người ta xé áo, xé quần, thân thể lõa lồ trước đám đông. Cũng may là mẹ chưa bị acid phá huỷ khuôn mặt.

Giọng nói đứt quãng nghẹn ngào của mẹ đưa tôi trở về quá khứ với những hình ảnh khủng khiếp mà tuổi thơ tôi đã nhiều lần chứng kiến. Nỗi hãi hùng đó khiến tôi mau lẹ gật đầu hứa với mẹ "con sẽ nghe lời mẹ. Từ nay con không gặp Khải nữa…".

Một tuần sau tôi cắt điện thoại và dời chỗ ở. Mẹ hài lòng khi thấy tôi quyết tâm thực hiện lời hứa với mẹ.

Nhưng định mệnh không buông tha khi tôi tình cờ gặp anh Trương, người bạn thân của Khải cho biết Khải đã gặp tại nạn trong hãng và bị đứt lìa ba ngón tay phải. Trái tim tôi quặn đau khi anh Trương nói "từ ngày Viên Ngọc bỏ đi thằng Khải như người mất hồn. Nó làm việc máy móc mà cứ lơ đãng thì tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu. Tôi nói hoài mà nó chẳng nghe. Nó nói không có Ngọc thì cuộc đời của nó coi như bỏ đi. Bây giờ nó thê thảm lắm. Không ai khuyên can nó được. Thất chí, không ăn, không ngủ chỉ uống rượu… "

Tai nạn đó đối với mọi người là một điều khủng khiếp, nhưng với Khải lại mà một may mắn. Anh đã nói như thế khi tôi không dằn được nỗi đau xót nên trở lại tìm anh. Những ngày trên giường bệnh Khải đã kể chuyện đời anh cho tôi nghe. Khải lập gia đình vào những ngày mất nước. Cái không khí lao xao đầy rẫy những lời đồn đãi về chế độ mới khiến ngườii ta hãi hùng với tin đồn "con gái ngụy sẽ bị ép lấy thương phế binh bộ đội". Mẹ Khải và mẹ Trầm là hai người bạn thân. Khải và Trầm chỉ biết nhau qua lời nhắc nhở của hai bà mẹ chứ chưa có dịp trò chuyện thân thiết với nhau. Cái tin đồn kinh hoàng đó đã khiến cho mẹ Trầm tìm đến mẹ Khải cầu cứu. Lúc đó, Khải đang đau khổ vì người yêu đã lên tàu di tản vào những ngày cuối tháng tư. Với Khải, mối tình đầu đã mất không mong gì gặp lại thì dù có lập gia đình với ai cũng vậy thôi. Trầm thì chưa yêu ai bao giờ, giữa hoàn cảnh xáo trộn này được trở thành vợ Khải cũng là điều may mắn. Thế là hôn lễ được cử hành. Khải thú nhận "anh không biết rõ … trong thời gian chung sống anh có yêu Trầm không, hay đó chỉ là một sự kết hợp tự nhiên giữa người nam và người nữ, một sự quen thuộc thường tình…"

Cuộc sống của hai vợ chồng Khải khá thoải mái nhờ sự trợ giúp thêm về tài chánh của mẹ Trầm. Bốn năm sau, mẹ Trầm sắp xếp cho vợ chồng Khải vượt biên. Ngay giờ phút quan trọng và cấp bách đó thì mẹ Khải bệnh nặng. Nhưng dù thế nào Khải cũng phải vượt thoát khỏi một đất nước với những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào càng sớm càng tốt, nên Trầm chọn ở lại để chăm sóc mẹ chồng và hứa với Khải là sẽ đi cùng với gia đình người anh trai vào khoảng sáu tháng sau.

Khải đi rồi mẹ anh trở bệnh nặng hơn, bà bị bại liệt toàn thân. Một lần nữa Trầm tình nguyện ở lại để thay Khải làm tròn bổn phận. Thật ra, nguyên nhân chính trong quyết định ở lại của Trầm là vì chị quá sợ hãi khi nghe kể lại những thảm cảnh kinh hoàng xảy ra trên đường vượt biên. Theo nhận xét của Khải thì tình yêu của Trầm dành cho Khải không đủ lớn để chị có thể bất chấp nguy hiểm tìm đường sum họp cùng anh.

Thời gian chung sống ngắn ngủi, tình cảm vợ chồng lại không đủ mặn nồng đã khiến Khải dễ dàng xao động khi gặp gỡ tôi. Khải cho biết, anh đã nhiều lần thử đo lường tình cảm của anh đối với Trầm, nhưng yêu thương dường như vô cảm, chỉ còn lại cái gánh nặng oằn trong lòng anh là trách nhiệm với đứa con gái và ơn sâu nghĩa nặng khi Trầm đã thay thế anh để tận tụy chăm sóc mẹ già trong cơn bệnh hoạn.

Sau khi nghe Khải kể rõ mọi chuyện, tôi đã không cưỡng được ý muốn trở lại với Khải. Rõ ràng vợ Khải không yêu anh. Chị đã không xem sự kề cận bên nhau từng phút, từng giây trong đời sống vợ chồng là điều quan trọng thì dù không có tôi xen vào, giữa hai người cũng đã có sẵn một khoảng cách. Không biết đó có phải là một sự biện minh gượng gạo hay không? nhưng thật sự ý nghĩ đó mang đến cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng như vừa trút được mặc cảm tội lỗi. Và tôi đồng ý với đề nghị của Khải, hãy yêu nhau hết mình, hãy tận hưởng cái hạnh phúc mình đang có mà không cần nghĩ ngợi xa xôi như lời nhạc chúng tôi đã từng nghe "sống ngày nào biết ngày ấy thôi".

Dĩ nhiên là tôi dấu nhẹm chuyện trở lại với Khải để mẹ không lo âu và ngăn cản. Nhìn thấy tôi vui vẻ yêu đời, mẹ an tâm và nghĩ rằng tôi đã dứt bỏ được mối tình ngang trái.

Ngày tháng trôi. Cuộc tình lãng mạng của chúng tôi cũng trôi theo ngày tháng, để rồi có một buổi sáng Khải ngập ngừng báo "tin dữ": hai tuần nữa vợ Khải sẽ đến Mỹ.

Thực hiện đúng theo thỏa thuận đã được giao kết, tôi và Khải đã có một bữa tiệc chia tay trong căn nhà ấm cúng của Khải. Tôi đi quanh nơi chốn thân thương ấy, nhìn từng bức tranh treo trên tường do chính tôi chọn, nhìn từng góc nhà với những lọ hoa tôi đã khệ nệ mang về chăm chút cắm những cành cây khô và nhánh trúc với những chiếc lá thon dài thật dễ thương, rồi những chiếc gối con con xinh xắn với hàng đăng ten chạy viền hình trái tim mà tôi vẫn gối đầu mỗi khi cùng Khải xem TV. Tất cả những gì của tôi ngày hôm nay sẽ mãi mãi là kỷ niệm dấu yêu mà mai này tôi phải trả về cho vợ Khải. Lòng tôi đau như cắt -bởi có một cắt đứt nào mà không làm tan nát trái tim mình. Tôi cố kềm giữ những giọt nước mắt. Tôi cố dìm nỗi đau trong men rượu cay nồng để nói nói, cười cười, để Khải nghĩ rằng tôi có đủ cứng rắn vượt qua cơn sóng lớn trong cuộc đời mình.

Khải đưa tôi ra cửa, hai bàn tay nắm mãi không muốn rời. Nhưng dù thế nào thì cũng phải xa nhau thôi Khải ơi! Tôi nuốt nước mắt ngược vào tim để dọn cho mình một nụ cười thật tươi. Nụ cười "vĩnh biệt" -vì tôi nguyện trong lòng, vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại Khải.

***

Năm tháng sau tôi được tin Khải đột ngột qua đời. Chiếc điện thoại rơi khỏi tay tôi khi anh Trương chưa dứt lời "Viên Ngọc ơi! Khải mất rồi….." Tôi ngã quỵ xuống sofa, mẹ thảng thốt trong tiếng gọi thất thanh "Ngọc, sao vậy con? tỉnh lại, tỉnh lại đi con…"

Đêm đó tôi ngồi trắng đêm bên tấm ảnh của Khải. Tôi nhớ lần cuối cùng Khải gọi cho tôi khi đã sống cùng vợ con được hai tháng "Ngọc ơi! anh đã suy nghĩ kỹ rồi, sau khi lo chu toàn mọi thứ cho Trầm và bé Nghi anh sẽ kể hết mọi chuyện với Trầm để xin Trầm đồng ý cho anh ly dị. Anh biết như thế là có lỗi, nhưng nếu sống với Trầm mà cứ nhớ thương em thì tội lỗi của anh còn lớn hơn" "Đừng anh, đừng điên rồ như thế. Mình đã thỏa thuận với nhau rồi … khi vợ anh qua đến đây mình sẽ chia tay. Anh hãy cố gắng sống vui vẻ với bổn phận. Còn em, em cũng sẽ xếp tất cả vào quá khứ. Em sẽ cố gắng không nghĩ đến anh nữa. Em mong anh cũng vậy. Rồi anh sẽ quên em và tìm thấy hạnh phúc bên vợ con. Chúng mình đừng bước lại bước chân sai lầm… tội nghiệp vợ con anh …. mà cũng tội nghiệp em nữa. Em muốn làm lại cuộc đời. Em muốn có một mái ấm gia đình một cách danh chánh ngôn thuận để khỏi phải trốn tránh mọi người, khỏi phải mặc cảm vì đã xen vào hạnh phúc của người khác…"

Kể từ đó tôi không nhận điện thoại của Khải nữa dù anh đã gọi, đã nhắn tin cho tôi tới tấp.

Và tôi cố gắng vượt qua nỗi buồn đau, nhung nhớ bằng cách đi du lịch Âu châu với mẹ để tìm quên lãng.

Nhưng đâu ngờ ….

Anh Trương cho tôi biết vợ con Khải rất hụt hẫng vì sự ra đi đột ngột của anh. Ngoài anh Trương là người bạn thân thiết thường lui tới với Khải, chị Trầm không có ai là người thân nên có ý định mang con trở về Việt Nam vì cảm thấy bơ vơ, đơn độc nơi xứ lạ quê người. Anh Trương thở dài "Tội nghiệp mẹ con chị ấy mà tôi lại quá bận bịu, không biết làm sao để giúp đỡ".

Tôi ôm trong lòng nỗi ray rứt không nguôi. Theo lời anh Trương thì hai vợ chồng Khải đã xảy một cuộc cãi vã lớn, sau đó Khải giận dữ bỏ đi và gặp tai nạn. Không biết trong cuộc cãi vã đó Khải có nhắc đến tên tôi và cái quyết định "điên rồ" mà anh đã từng nói với tôi không. Nhưng dù có hay không thì tôi vẫn cảm thấy mình là người có lỗi. Tội nghiệp bé Bảo Nghi, đứa con gái duy nhất của Khải. Tương lai của nó sẽ ra sao nếu trở về Việt Nam? Ngày trước còn có Khải gửi tiền về hàng tháng để chăm lo cuộc sống cho hai mẹ con, bây giờ thì sao? Hình ảnh những đứa trẻ bỏ học bán vé số, lây lất bên những đống rác cao ngất hay tệ hơn nữa là sống buông thả trong những quán bia ôm không ngừng ám ảnh tôi.

Cuối cùng vì không chịu được áp lực quá lớn về nỗi ám ảnh này tôi đã kể hết mọi chuyện với mẹ. Mẹ vuốt tóc tôi, giọng buồn bã

-Con đã tạo cái nghiệp quá lớn thì bây giờ chỉ có con mới là người giải được cái nghiệp con đã tạo ra.

Tôi lắc đầu khó hiểu :

-Nghĩa là sao hở mẹ?

Suy nghĩ một lúc mẹ nói :

-Nghĩa là con phải tìm cách giúp đỡ vợ con Khải một cách kín đáo. Nếu làm được việc này thì tâm hồn con sẽ yên ổn hơn.

Đêm đó tôi trằn trọc với biết bao suy tư và tính toán. Tôi nghĩ đến anh Trương và những việc tôi phải làm.

***

7 năm sau.

Tôi đến phi trường tiễn chân mẹ con chị Trầm với niềm vui oà vỡ trong lòng.

Tôi đã thay Khải hoàn thành trách nhiệm một cách chu toàn. Hôm nay Bảo Nghi sang Boston để nhận việc khi vừa tốt nghiệp đại học với hạng cao. Cô gái bé bỏng ngày nào nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với đôi mắt đen tuyền dưới hàng mi cong vút. Chị Trầm cũng mang cả tấm lòng đại dương để khăn gói theo con. Tôi lấy từ trong túi xách chiếc khăn len màu tím thẩm quàng lên cổ chị Trầm. Còn quà cho Bảo Nghi là chiếc nón len màu hồng tím nổi bật trên khuôn mặt tươi tắn. Hai mẹ con ôm chặt lấy tôi nghẹn ngào trong lời cám ơn. Trước khi bước vào cổng an ninh của phi trường, Bảo Nghi dúi vào tay tôi một phong thư nhỏ. Với ánh mắt long lanh ngấn lệ, Bảo Nghi nhìn tôi bằng cái nhìn sâu thẳm và nói thật dịu dàng

-Con thương cô và nhớ ơn cô suốt đời.

Tim tôi bỗng đập mạnh. Với một chút lo lắng dấy lên trong lòng, tôi chạy thẳng ra parking, chui vào xe, bàn tay run khẽ khi lôi từ trong phong bì ra một mảnh giấy màu hồng.

Cô Ngọc thương,

Chắc cô ngạc nhiên khi con không gọi là cô Kathy như vẫn gọi từ trước đến nay.

Ngày mà con tình cờ khám phá ra cô Kathy cũng chính là cô Viên Ngọc, con đã bỏ học đi lang thang khắp nơi trong thành phố.

Con oán hận ông trời, oán hận ba, oán hận cô – người đã bước vào cuộc đời ba để ba mẹ của con phải chia lià nhau.

Mẹ vừa khóc vừa nhắn tin cho con trên điện thoại "Mau về với mẹ. Mẹ van xin con đừng làm chuyện dại dột"

Thật sự lúc đó con muốn tìm đến nhà cô để đập phá cho vơi nỗi uất hận. Con gần như nổi điên vì đã "lầm" tin tưởng và thương mến cô. Con hận cô đã lừa dối con. Con hận vì con phải mang ơn cô, người đã dẫn dắt con từng bước bỡ ngỡ trong cuộc sống xa lạ này. Những năm tháng đầu tiên cô đã bỏ biết bao nhiêu thì giờ để chỉ dạy cho con từng bài học khó khăn. Cũng chính cô là người ngày đêm có mặt trong bệnh viện với mẹ trong cơn bệnh thập tử nhất sinh. Và một điều con không bao giờ ngờ đến là số tiền ba trăm đồng mỗi tháng được deposit trong acount của mẹ mà chú Trương nói dối là chú trả nợ cho ba cũng là của cô.

Ân nghĩa của cô đối với mẹ và con quá sâu nặng … con không biết phải làm sao.

Oán hận hay đền đáp cả hai điều con đều không muốn. Vì cách nào thì trong lòng con cũng có sự mâu thuẫn. Nhưng mẹ đã nói với con, tất cả là định mệnh. Định mệnh đã mang cô đến để phá vỡ gia đình con. Rồi định mệnh cũng đưa cô trở lại với tấm lòng nhân hậu để bù đắp những thiệt thòi cho con bằng một tương lai rạng rỡ. Bởi vì nếu không có cô thì mẹ và con đã trở về Việt Nam để bắt đầu một cuộc sống nghèo nàn, khốn khó.

Chú Trương cũng cho biết chính cô là người chủ động rời bỏ ba và khuyên ba hãy trở về với bổn phận làm chồng, làm cha.

Con suy nghĩ thật nhiều khi viết những dòng chữ này. Đáng lẽ con phải im lặng như chú Trương yêu cầu, vì chú đã hứa với cô là sẽ giữ kín tất cả. Nhưng mẹ nói, con cần phải làm sáng tỏ mọi việc để lòng cô được thanh thản.

Cô Ngọc ơi!

Cái bằng đại học con có ngày hôm nay là công lao của cô.

Công việc con có ngày hôm nay cũng là công lao của cô.

Mẹ nói cô chính là người mẹ thứ hai của con. Và con cũng mong rằng cô sẽ mãi mãi là người bạn thân nhất trong quãng đời còn lại của mẹ.

Những gì xảy ra trước kia đã thuộc về quá khứ. Con muốn cô cùng mẹ và con, chúng ta hãy quên tất cả.

Câu cuối cùng con muốn nói với cô là mẹ và con mong muốn mãi mãi ba người chúng ta sẽ "người mt nhà". Thương cô nhiều

Bảo Nghi

***

Bảo Nghi trao đứa bé gái qua tay tôi, giọng nói thật tự nhiên của nó làm mắt tôi rướm lệ :

-Con kiss bye bye bà ngoại đi.

Bàn tay nhỏ xíu mũm mĩm úp trên đôi môi hồng chúm chím, bật ra tiếng "chụt" làm mọi người cười vang thích thú. Bảo Nghi bước tới choàng tay ôm xiết vai tôi :

-Bye mom.

Nhìn những giọt lệ ứa ra từ khoé mắt tôi, chị Trầm xiết nhẹ bàn tay tôi với nụ cười thật trìu mến. Tôi nói lời cám ơn bằng giọng nghèn nghẹn trong cổ họng.

Chiếc xe từ từ lăn bánh. Tôi đứng một mình nhìn theo. Lẻ loi. Cô độc. Nhưng lòng rộn rã vui trong niềm hạnh phúc bất ngờ. Cái hạnh phúc mà chưa bao giờ tôi dám nghĩ rằng mình sẽ có được []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search