T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nụ cuời và tiếng nấc của số phận: Nhật thắng Mỹ

Cả nước Mỹ sẽ nhớ đến bàn thắng ấy của đối thủ Nhật, không chỉ như một tiếng nấc của số phận dành cho đội tuyển Mỹ, mà còn là nụ cuời cũng của số phận dành cho một đối thủ xứng đáng nhất của mình, xứng đáng từ tài nghệ đến ý chí, và nhất là cho 23 ngàn người đã nằm xuống trong cơn thảm họa tháng 3 năm 2011 của nước Nhật.

Mày ủng hộ đội nào?

Khi đặt câu hỏi này, tôi trông đợi nhiều câu trả lời khác nhau, hoặc cùng câu trả lời, nhưng với những lý do khác hẳn nhau.

Khi đưa ra kịch bản “mày ủng hộ đội nào?”, tôi chỉ muốn mượn trận chung kết Mỹ-Nhật, để đặt chính mình và người đọc (Việt Nam sinh sống ở hải ngọai) vào một tình huống mà – cũng như nhiều bạn đọc đã bày tỏ trong những câu trả lời , – chắc chắn sẽ không bao giờ xẩy ra, ít nhất là trong vài thập niên trước mắt.

Đội tuyển bóng tròn nữ Việt Nam sẽ vào đá trận chung kết với đội tuyển hai lần vô địch thế giới Hoa Kỳ ư? Có nằm mơ cũng không dám thấy.

Hầu như tất cả mọi người bày tỏ ý kiến đều cùng nhau chia sẻ ý kiến đó. Tại sao?

Chẳng phải vì người Việt, với tư cách một nòi giống, thua kém gì các chủng tộc khác, nhất là khi so sánh với người Nhật, Đại hàn, hay Trung Hoa.

Mà là vì với chế độ cầm quyền ở trong nước hiện nay, không thể đào tạo, bồi dưỡng được những nhân tài – ở đây chỉ xin gói gọn lại trong lãnh vực thể thao- dù chỉ với công việc nhỏ nhất là tạo mầm mống cho sự xuất hiện những nhân tài trong tương lai. Thứ đến, với mục đích chính trị hóa mọi phương diện đời sống, thì những thành tựu thể thao , nếu có, cũng được thúc đẩy trước hết nhằm chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Như vậy thì làm sao có động cơ chân chính của thể thao mà nói đến chuyện phát triển thể thao?

Đã đành một phần của sự yếu kém (của thể thao) là do Nghèo. Nhưng đất nước nghèo là do tham quan lại nhũng, do bất tài của giới cầm quyền, do sai lầm của thể chế, thì nghèo không còn là cớ để vin vào mà biện hộ cho sự yếu kém của mình.

Một người bạn Petrus Ký năm xưa của tôi (học sau tôi vài lớp), đọc xong bài, viết cho tôi:

Em đồng ý hòan tòan với anh về quan điểm của anh. Bản thân em đã trải qua những kinh nghiệm thật như anh tưởng tượng. Ngòai giờ kiếm cơm. Em có tham gia huấn luyện nhu đạo cho đội tuyển thiếu niên tiểu bang và 2 thằng con em đều vào đội tuyển nhu đạo của . . .( xin phép được bỏ lửng địa danh để bảo vệ sự riêng tư của người viết thư này )Tại những giải tranh tài Á Châu Thái Bình Dương, em cũng có dịp gặp gỡ các em lực sĩ, các huấn luyện viên từ VN. Giống như anh nói, trái tim và khối óc của mình có lúc bị confused. Một điều em nhận ra rất rõ là ở VN không có thể thao thuần túy. Chính phủ họ nuôi gà nòi đi đá độ, các em, các huấn luyện viên chỉ là những con cờ trong cái bối cảnh chính trị nhằm chứng minh cái xã hội VN là ưu việt, những thành tích họ đạt được sẽ được nhân rộng và sẽ được hiểu là nhờ vào chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước mà các kết quả ấy mới hiện hữu. Điều này thì đã được ông chủ tịch ủy ban OlympicVN Hòang Vĩnh Giang, ông chủ tịch Tổng Cuộc Bóng Đá VN VFF xác định nhiều lần thể thao là một mặt trận chính trị của đảng và nhà nước. Em cũng cảm được cái trân trọng mà các em đó có với lá cờ đỏ sao vàng. Trong các đội thể thao VN, các vị trí như trưởng phái đòan thì do các cán bộ của sở thể dục thể thao nắm giữ, họ lo phần chính trị, còn các phần vụ chuyên môn thì họ để cho người khác lo. Các em ở VN đã từng tâm sự với em về những chuyện nhũng nhiễu quyền hành, phân biệt đối xử giữa 2 miền Nam Bắc. Nhưng nếu mình sống trong cái guồng máy đó thì có lẽ mình cũng phải chịu vậy và hành sử như vậy thôi. Có sự chọn lựa nào khác không?

Hiểu để thương cho dân tộc mình, cho con người VN. . .”

Như vậy thì tôi tưởng tượng ra cái kịch bản không bao giờ trở thành sự thật này để làm gì?

Như anh bạn tôi đã viết ở trên: “Hiểu để thương cho dân tộc mình, cho con người VN”. Quả thật, đọc câu này, lòng tôi chùng lại.

Trông người lại nghĩ đến ta.

Liệu những người Nhật sống tại Mỹ có phải ở trong một tình huống khó xử giống như người Việt sinh sống tại Mỹ trong kịch bản của trận chung kết Mỹ-Việt mà tôi tưởng tượng ra không? Tôi tin rằng không. Tôi tin rằng hầu hết người Nhật ở Mỹ sẽ dễ dàng trả lời câu “Mày ủng hộ đội nào?”. Tôi tin rằng họ sẽ rất thỏai mái giương lá cờ mặt trời đỏ cổ võ cho đội nhà. Và buổi chiều ngày chủ nhật 17 tháng 7 vừa qua, ngay trên những thành phố nước Mỹ, nhiều gia đình người Nhật đã tổ chức ăn mừng chức vô địch thế giới về bóng tròn nữ lần đầu tiên thuộc về một quốc gia châu Á, và tất nhiên, Nhật là quốc gia xứng đáng nhất để nhận lãnh vinh dự đó.

Với người Mỹ gốc Nhật, nước Mỹ không phải là đất nước đã cưu mang họ như nước Mỹ làm với với người Mỹ gốc Việt, họ không đối kháng với chính quyền nước họ như người Mỹ gốc Việt, và nhất là họ không hề có những hệ lụy lưu cửu mà người Mỹ gốc Việt phải đương đầu.

Người thì như thế, còn ta thì sao?

Một thứ định mệnh khắc nghiệt nào đã khiến cho bao năm đất nước phân chia, chiến tranh liên miên, hàng triệu người chết, hàng chục triệu gia đình ly tán. Rồi khi chiến tranh chấm dứt, đất nước đã thu về một mối, nhưng sự đau thương còn chồng chất, còn thảm khốc hơn cả những ngày chiến tranh ly cách. Nhiều triệu người, vì không chịu nổi sự hà khắc của chế độ cầm quyền, đã liều mình băng rừng vượt biển ra đi tìm sống nơi xứ người. Kết quả là đã có một cộng đồng người Việt hình thành nơi những mảnh đất hải ngọai, lấy tự do dân chủ làm phương châm đối đầu với nhóm cầm quyền trong nước. Từ đó, do những cách biệt về điều kiện sống, do tàn dư cuộc chiến ý thức hệ còn sót lại, do bao hệ lụy từ hơn 20 năm chia cắt kẻ Nam người Bắc, cộng thêm với những luận điệu tuyên truyền nhập nhằng đánh lận con đen của guồng máy cai trị nhằm bảo vệ sự tồn tại của chế độ, mối quan hệ kẻ trong nước người ngòai nước có những khỏang trống khó lấp đầy. Và cũng không thể phủ nhận có sự tiếp tay rất vô tình của một thiểu số người hải ngọai không phân biệt được đất nước với nhóm người cầm quyền.

Trong bài gốc, tôi có viết: “Đã từ bao giờ mà người ta cứ nhập nhằng giữa một nhúm người của chế độ cầm quyền và đại đa số nhân dân ? giữa cái nhất thời , tạm bợ của những chế độ cầm quyền (cộng sản và quốc gia), đến rồi đi, đi rồi đến với sự vĩnh bền trường cửu của nhân dân, của giống nòi, của dân tộc? “

Vì thế, kịch bản tưởng tượng trận chung kết giải vô địch bóng đá thế giới Mỹ-Việt ra đời từ một sự liên tưởng, trông người lại ngẫm đến ta. Nó cũng là kết quả của những trăn trở của một tâm hồn, sống tha hương xứ người mà lòng cứ vọng hướng về mảnh đất mình đã bỏ ra đi.

Tôi không dám đòi hỏi ở bất cứ ai một câu trả lời dứt khóat cho câu hỏi của mình. Vì chính bản thân tôi cũng chưa, cũng không có câu trả lời dứt khóat. Đừng trách tôi đa đoan, lắm chuyện, tưởng tượng chi cho khổ thân, cho rách việc, chưa kể còn có thể rước lấy bao điều tiếng thị phi.

Hãy nghe người bạn Petrus Ký của tôi nói tiếp:

“ . . . 3 tuần lễ nữa em sẽ đi Ukr. cùng với đội tuyển thiếu niên . . . tranh giải nhu đạo U 17 thế giới. Hy vọng thằng con em sẽ không phải thi đấu với một em đến từ VN hay bất cứ một em gốc Việt đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng nếu chuyện đó xẩy ra thì có sao đâu! hãy để cho cái đẹp thể thao được thăng hoa, hãy để cho người thật sự có tài, thật sự dồn hết tâm trí trong việc tập luyện, và nhiều khi họ cũng có một chút may mắn khi tranh tài là người thắng cuộc. Khi tranh tài thì sẽ có kẻ thắng người bại. Vấn đề là chúng ta cư xử như thế nào khi thắng trận và có tâm phục khẩu phục đối phương của mình hay không khi mình là kẻ về nhì. Chuyện này thì dân bại trận miền Nam (nhưng lại là người thắng cái chủ nghĩa CS, vì từ cái bại trận ấy, em tin chắc chẳng ai, nếu có sự lựa chọn bây giờ lại chọn chủ nghĩa CS) đã có quá nhiều kinh nghiệm. . .”

Tôi phải cám ơn lá thư của người bạn Petrus Ký đã giúp tôi dứt khóat được với sự khó xử của mình. Nó cũng giúp tôi vơi bớt “nỗi buồn bại trận” sau khi xem xong trận đấu chung kết World Cup Nữ 2011, trận đấu đã được giới mộ điệu cho là một trong những trận chung kết World Cup hay nhất kể cả Nam lẫn Nữ.

Tôi biết rằng, cả thế giới ngọai trừ nước Mỹ, đã đứng về phía đội Nhật trong chiều ngày chủ nhật 17 tháng 7 năm 2011. Và đặc biệt là nước Nhật, sau trận thảm họa thiên tai tháng 3 năm 2011 với 23 ngàn người chết và hàng triệu người sống sót cần đến một sự an ủi. Chiếc cúp vô địch đã đến với nước Nhật vào lúc họ cần đến nhất và họ xứng đáng được hưởng nhất. Trận đấu chiều ngày 17 tháng 7 năm 2011 là sự đăng quang của ý chí quyết không lùi bước trước nghịch cảnh. Hai bàn gỡ hòa của đội Nhật trước đội Mỹ áp đảo là kết quả của ý chí một nước Nhật sẽ làm lại tất cả sau trận thiên tai thế kỷ. Đặc biệt là cú ghi bàn tuyệt vời của cầu thủ số 10, chiếc giầy vàng World Cup 2011, Homare Sawa. Bàn thắng đó là tổng hợp của Ý Chí, Kỹ thuật và Nghệ thuật. Cả nước Mỹ sẽ nhớ đến bàn thắng ấy của đối thủ Nhật, không chỉ như một tiếng nấc của số phận dành cho đội tuyển Mỹ, mà còn là nụ cuời cũng của số phận dành cho một đối thủ xứng đáng nhất của mình, xứng đáng từ tài nghệ đến ý chí, và nhất là cho 23 ngàn người đã nằm xuống trong cơn thảm họa tháng 3 năm 2011 của nước Nhật. Họ sẽ mỉm cười an nghỉ, vì tin rằng, rồi đây đất nước họ sẽ khắc phục mọi hậu quả tàn khốc sau thiên tai, và sẽ hồi sinh. Như đội tuyển bóng tròn nữ của họ đã dũng mãnh vùng lên suốt 120 phút thi đấu và đã chứng tỏ đẳng cấp của người Nhật trong pha đá Shootout 11m để quyết định thắng bại.

Mấy chục cô gái trẻ của họ đã làm được việc đó, lẽ nào cả đất nước của họ không làm được điều đó?

Chỉ một trận bóng chung kết, mà có bấy nhiêu điều lớn lao để nói, thì trận bóng ấy đáng được ghi vào trí nhớ mọi người.

T.Vấn

18 tháng 7 năm 2011

T.Vấn©2011

Bài Mới Nhất
Search