T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: TRẦN MẠNH HẢO TỐ CÁO SÁCH GÍAO KHOA GIẾT CHẾT THẨM MỸ VĂN HỌC CỦA CON EM

    Vừa qua, nhờ rảnh rỗi bởi lệnh cách ly để trốn con Covid, tôi có thì giờ đọc được những bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo đăng trên trang https://tranmygiong.blogspot.com. Với tôi đây là những bài viết thật giá trị về văn học,  đã tố cáo những giảng luận trong học đường nhằm mục đích nhồi sọ lớp trẻ, hướng họ suy tư theo một hướng cực đoan, làm  “giết chết thẩm mỹ văn học” của thế hệ hậu sinh, đúng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nhận định trong một bài viết của ông.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết một loạt bài, với những lý luận đúng, chỉ ra đầy sự sai trái của sách giáo khoa. Vì khuôn khổ bài viết nầy có hạn, nên tôi chỉ xin tóm tắt ngắn gọn lại, hầu giới thiệu đến bạn đọc biết loạt bài có giá trị của họ Trần để tìm đọc kỹ hơn.

A- Những sai trái trong sách giáo khoa:

I-Sai trái trong giảng luận về Nguyễn Khuyến:

Trong bài viết nầy nhà thơ Trần Manh Hảo đã mở đầu bài viết của mình như sau:

“ Giáo sư đầu ngành văn học Nguyễn Lộc rất nhiều năm từng hướng dẫn nhiều luận văn tiến sĩ và cao học đã viết rất tầm bậy về Nguyễn Khuyến trong sách giáo khoa văn trung học và giáo trình đại học”.  Sau đó nhà thơ Trần Mạnh Hảo lần lượt đã chỉ những cái “Tầm Bậy” sau đây. Châu Thạch tôi xin tóm tắt ngắn gọn:

1-“Trong sách Văn học lớp 11, tập 1, dành cho giáo viên, xuất bản năm 1991 vẫn dùng cho niên học 1998-1999 này, PGS Nguyễn Lộc giải thích câu thơ thứ 3 trong bài “Thu vịnh ” như sau : “Nước biếc trông như tầng khói phủ”, thì không phải là khói đang phủ dần mặt nước, mà nó đã phủ rồi” ( tr. 50).”

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo giải thích câu thơ “Nước biếc trông như tầng khói phủ” như sau:

“Quả là tác giả sách giáo khoa chưa hiểu đúng câu thơ trên của Nguyễn Khuyến. Nước ao hồ mùa thu trong câu thơ kia xanh quá trông giống như khói, chứ không phải ao hồ đã bốc khói như sách giáo khoa giải thích. “Nước biếc TRÔNG NHƯ tầng khói phủ”. Nguyễn Khuyến dùng chữ TRÔNG NHƯ, tức là không phải như thế, trông như khói nhưng không phải khói.

2-Khi giải thích hai câu cuối cùng của bài “Thu ẩm”, trong sách Văn học dành cho giáo viên trang 52, PGS Nguyễn Lộc viết : “Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy / Độ năm ba chén đã say nhè” . Câu 7 không có một động từ nào. Câu 8 thì có động từ say, nhưng ở đây là say nhè. Say nhè là say nói lè nhè chứ không phải say mặt đỏ bừng bừng đi quệnh quạng, lảo đảo rồi ngã dúi ngã dụi giống như trong câu thơ của Tản Đà : “Đất say đất cũng lăn quay / Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười ?”.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng giải thích như trên là sai trật. Nhà thơ giải thích lại như sau:

“Người viết sách giáo khoa này không chỉ hiểu sai câu thơ của Tản Đà, mà hiểu rất sai bài thơ “Thu ẩm” của Nguyễn Khuyến khi ông giải thích hai câu cuối cùng của bài thơ như trên. Qua câu 7 của bài thơ, Nguyễn Khuyến đã cho người đọc hiểu rằng ông là người uống rượu kiểu tiên tửu, tâm tửu chứ không phải tục tửu kiểu Lưu Linh; rằng ông mang tiếng hay rượu nhưng khả năng uống rượu lại rất hạn chế, chẳng qua mượn rượu làm cái cớ, làm chất xúc tác thôi, chứ rượu và say không phải mục đích của mình: “Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy”. Tiếp theo là câu 8: “Độ năm ba chén đã say nhè”. Câu thơ này là một vế chưa nói hết của câu thứ 7; rằng tôi chỉ uống độ năm ba chén thôi là đã có thể say rồi đó nha, đó nhe, hoặc là uống độ năm ba chén là say nhè đấy! “Độ năm ba chén đã say nhè” là một cách nói ví phỏng về sự uống rượu của mình chứ không phải tác giả bảo mình đã uống tới “năm ba chén đã say nhè ” như sách giáo khoa giải thích.

Ngoài ra trong bài viết nầy, nhà thơ Trần Mạnh Hảo còn nói đến sách giáo khoa  đã  “hướng dẫn sai tinh thần bài Thu Ẩm của Nguyến Khuyến. Sách nói rằng  trong Thu Ẩm,  Nguyễn  Khuyến nhìn cảnh vật  qua “cảm giác chếnh choáng của người say” với đôi mắt  “đỏ hoe” vì rượu.

Để phản bác giảng luận trên, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết:

“Nếu Nguyễn Khuyến chỉ cốt khoe sự mắt đỏ hoe” của mình là vì say rượu thì bài thơ thường quá, xoàng quá, cần gì phải dạy trong nhà trường. Cái sự “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” có thể có một chút nguyên nhân do hơi rượu, nhưng ai bảo nguyên nhân chính của sự mắt “đỏ hoe” kia nơi nhà thơ không phải là do lòng cảm động, xúc động trước vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc giấu trong hồn thu quanh nhà tạo nên? Mà giang sơn ấy nay đã mất rồi, đã không còn hồn nước cũ nữa nên ông phải từ quan về ở ẩn, đau đớn mà lặng thinh ngồi cô đơn một mình ngắm mùa thu, hồn thu, như ngắm hồn nước cũ.”

II-Sai trong giảng luận truyện Kiều.

Trong phần nầy nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết:

“Bộ giáo trình đại học của PGS. Nguyễn Lộc : “ VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ THỨ 18 NỬA ĐẦU THẾ KỶ THỨ 19” ( NXB ĐH & GDCD – 1992, ngót 1000 trang, tái bản nhiều lần. Trong bộ sách đồ sộ này, Nguyễn Lộc dành cho Nguyễn Du & Truyện Kiều 222 trang, từng được nhiều báo chí ca ngợi những bài giảng cho đại học này là mẫu mực.”

Rồi Trần Mạnh Hảo chỉ những cái sai trật như sau:

1-Nguyễn Lộc chưa đọc kỹ truyện Kiều:

Trang 128, ông Lộc viết: “Trong Truyện Kiều có ba tên quan và có cả một gia đình quan lại”… “ Gia đình Hoạn Thư là gia đình quan lại duy nhất trong tác phẩm này” ( tr. 132). Viết như thế, chứng tỏ ông Lộc chưa đọc kỹ Truyện Kiều. Ông Lộc chỉ kể ba “tên” quan là: quan đẩy gia đình Kiều vào cảnh oan khuất vụ thằng bán tơ, quan thứ hai là quan ngồi xử kiện. Quan thứ ba là Hồ Tôn Hiến.

Nguyễn Lộc quên một ông quan thứ tư là thổ quan: “Ép tình mới gán cho người thổ quan”. Quan thứ năm là Kim Trọng. Quan thứ sáu là Vương Quan, em thứ ba của Thúy Kiều: “ Chế khoa gặp hội tràng văn / Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày”. Nguyễn Lộc bỏ sót ba ông quan là sao? Tại sao gọi quan Kim Trọng bằng “tên”, gọi quan Vương Quan bằng “tên” (tên quan) hỡi ông Nguyễn Lộc mang kính chiếu yêu “giai cấp” vào soi Truyện Kiều.

Trang 158, Nguyễn Lộc viết: “ Trong cuộc đời Thúy Kiều, những ngày sống hạnh phúc nhất là những ngày sống trong mối tình của Kim Trọng”. Mối tình đầu Kim Kiều dù say đắm đến đâu nhưng cũng chưa thể gọi là hạnh phúc, nhất là việc Kiều còn bị Đạm Tiên ám ảnh. Đây là mối tình bất hạnh chứ sao gọi là hạnh phúc. Những ngày hạnh phúc nhất của Kiều là khi nàng sống với Từ Hải, hay chí ít cũng sống trong tình vợ chồng với Thúc Sinh.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo còn chỉ ra những cái sai của sách giáo khoa khi nhận định ở các trang 99, 113, 119, 163,  195, 196, 198. Những cái sai  ấy viết ra  đây sẽ dài nên xin quý bạn đọc tìm đọc trực tiếp trên bài viết của Trần Mạnh Hảo sẽ rõ hơn.

2-Thúc Sinh đâu phải nhân vật phản diện:

Ở phần nầy Trần Mạnh Hảo viết:

“Thúc Sinh yêu Thúy Kiều vô hạn mới bỏ tiền lớn ra chuộc nàng từ lầu xanh để cưới nàng làm vợ nhỏ. Thúy Kiều cũng yêu chàng da diết. Nguyễn Du và người đọc đều có cảm tình sâu đậm với Thúc Sinh. Chàng cũng như mọi người đều sợ vợ, nhất là chàng Thúc lại làm rể con quan thượng thư. Thế mà vì chưa đọc, hay đọc nhảy cóc mà Nguyễn Lộc đẩy Thúc Sinh từ nhân vật chính diện sang phản diện cùng một duộc với Mã Giám Sinh và Sở Khanh: “ Những nhân vật phản diện như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, đặc biệt là cặp vợ chồng Hoạn Thư – Thúc Sinh trên căn bản được xây dựng theo lối điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực” (171)… “ Thúc Sinh từ địa vị của một người cứu nạn trở thành tên nói khoác, từ địa vị một hiệp sĩ thành một kẻ phản bội xấu xa, thực chất không khác gì Sở Khanh cả” (188). Đánh đồng Thúc Sinh với Sở Khanh như cái nhìn của ông Lộc trên đây, phải chăng là điều xúc phạm đến chính Thúy Kiều và Nguyễn Du, xúc phạm đến tình cảm độc giả với tác phẩm, xúc phạm mối tình đẹp nhất nơi Truyện Kiều: “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” với những: “Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng””

3- Nguyễn Lộc bôi lọ Nguyễn Du:

Trong phần nầy Trần Mạnh Hảo đặt ra câu hỏi: Có thật Nguyễn Du “lúng túng trong  tình cảm, lúng túng trong nhận thức đưa đến lúng túng trong kết cấu – Kết cấu giả tạo- như Nguyễn Lộc bôi nhọ Nguyễn Du không? Nhà thơ cho biết sách giáo khoa đã viết như sau:

“Mặt khác, ông thành thật ca ngợi cuộc đoàn viên ấy, mặc dù nhà thơ chỉ viết được những câu thơ rất ít trọng lượng. Cái khó khăn của ông chính là tinh thần hiện thực, là logic của cuộc sống. Trong truyện cổ tích hay truyện Nôm bình dân nói chung, nhân vật được xây dựng nhằm chuẩn bị để đi đến một kết thúc có hậu; cho nên TRUYỆN KIỀU KẾT THÚC CÓ HẬU đã bộc lộ tính chất giả tạo của kết cấu này”. ( 105”)

Rồi bằng những lập luận, Trần Mạnh Hảo chứng minh,  đã phá lập luận của sách giao khoa cho rằng truyện Kiều “đã bộc lộ tính chất giả tạo của kết cấu”. Trần Mạnh Hảo kết luận:

“TRUYỆN KIỀU KHÔNG KẾT THÚC CÓ HẬU nhá, kết thúc một bi kịch bằng một bi kịch khủng khiếp hơn là cuộc hôn nhân giữa nàng và người tình xưa “ mối tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, có đêm tân hôn mà không có động phòng, mặc dù cả hai kẻ mới trên dưới 35 tuổi rất yêu nhau. Kết thúc PHẢN CÓ HẬU này của Nguyễn Du mới là kết thúc của thiên tài, đưa một đôi tình xưa còn quá trẻ vào cuộc hôn nhân có đám cưới, có đêm tân hôn mà không có động phòng, không chăn gối khác nào bắt họ sống bên nhau với đời sống vợ chồng ảo suốt đời, khác nào sống trong địa ngục trần gian? Có hậu hồi nào thưa ông Nguyễn Lộc?”

“Đọc hết tác phẩm Truyện Kiều, ai cũng nghẹn ngào tức tưởi thương cho thân phận nàng Kiều. Thà đừng sum họp với chàng Kim, thà đừng đám cưới có đêm tân hôn mà không có động phòng, phải sống đời sống vợ chồng giả suốt đời còn khổ hơn nàng ở chốn thanh lâu. Đây mới là đại bi kịch Truyện Kiều, một kết thúc phản có hậu của một kiệt tác vô song”

4-Những ngộ nhận đáng tiếc:

-Sách giáo khoa nhận định: “Thực chất vấn đề trong xã hội Truyện Kiều là vấn đề của xã hội phong kiến”.

-Trần Mạnh Hảo nhận định: Thực chất vấn đề cốt lõi của Truyện Kiều không phải là vấn đề xã hội phong kiến mà là vấn đề con người và vấn đề của cái đẹp nơi Tiếng Việt được nâng lên chót đỉnh (vấn đề thi pháp).

-Sách giáo khoa nhận định: “Đạo đức phong kiến làm cho con người trở thành tàn bạo và giả dối” “ Nguyễn Du đi từ thuyết định mệnh Nho giáo sang thuyết định mệnh Phật giáo và kêu gọi tu tâm, thực tế là nhà thơ đã lún trong vũng bùn của tư tưởng duy tâm. ( 145).”

-Trần Mạnh Hảo nhận định: “Nếu thời phong kiến nghìn năm Việt Nam ta chỉ có tàn bạo và giả dối như Nguyễn Lộc nói xằng thì sao ta có các thi hào, thi nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Tú Xương ?” “Viết như thế này, Nguyễn Lộc đã lấy bùn từ tay mình, ném vào Truyện Kiều, ném vào 1000 năm ông cha Tam giáo đồng nguyên, ném vào đạo Phật lấy tu tôn giáo !”

III-Sai trong giảng luận Cung Oán Ngâm Khúc.

-Sách giáo khoa viết:

“…Những kết luận của nhà thơ ( Nguyễn Gia Thiều – chú của TMH) không có ý nghĩa tích cực. Quan niệm về cuộc đời của Nguyễn Gia Thiều phát biểu trong “Cung oán ngâm khúc” là sự tập hợp những yếu tố tiêu cực nhất trong tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Đó là thứ tư tưởng thường thấy của giai cấp phong kiến thống trị trong thời kỳ suy tàn. Nhưng xét cho kỹ, phải nói những triết lý tiêu cực, thậm chí có thể nói là phản động nữa ở Nguyễn Gia Thiều không phải là cứu cánh của nhà thơ…” ( trang 297)

-Trần Mạnh Hảo viết:

“Nếu chỉ bằng kiểu phê bình xã hội học cực đoan học phiệt Mác – xít như trên của Nguyễn Lộc thì ngay cả các đại thi hào và thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…những người từng bị chi phối bởi tư tưởng tam giáo chắc chắn họ cũng bị Nguyễn Lộc quy chụp là phản động, là “không có ý nghĩa tích cực”, “tập hợp những yếu tố tiêu cực nhất như ông này vừa hàm hồ chụp mũ Nguyễn Gia Thiều trong “Cung oán ngâm khúc” chăng ?

Nguyễn Lộc đã thiếu nhãn quan duy vật lịch sử, áp đặt hệ tư tưởng Mác-xít lên nghệ thuật của cha ông ta một cách thô thiển, xơ cứng. Ngày nay, tư tưởng Mác-xít đã bị nhân loại ném vào sọt rác, còn tư tưởng Phật thì hàng tỉ con người vẫn đi theo; ngay cả các tư tưởng Nho và Đạo cũng có rất nhiều yếu tố tích cực đang được nhân loại tôn trọng và lưu truyền đó sao?”

B-Ý KIẾN CỦA CHÂU THẠCH

Tóm  lại,  nếu ai đồng ý  với Trần Mạnh Hảo thì cũng đồng ý với nhận định  việc các sách độc quyền dùng để giảng dạy trong giáo khoa văn trung học và đại học đã giết chết thẩm mỹ văn học của con  em chúng ta về những kiệt tác hay của dân tộc Việt Nam. Có nên chăng  bộ Giáo Dục vất bỏ hết những sách ấy và viết lại hoàn toàn?

Châu Thạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

Bài Mới Nhất
Search