T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam

clip_image001clip_image003

Dự án bức tượng điêu khắc chiến sĩ Việt-Mỹ

Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi

Thiên thu còn giọt lệ cho đời

(Ngọc Phi)

Trung tuần tháng 9 năm 2006, tờ báo lớn của khu vực quận Cam miền Nam tiểu bang California, Người Việt On-line đã chạy một bản tin nhỏ liên quan một dự án xây dựng Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam trong khuôn viên một Công Viên chính của thành phố Wichita, tiểu bang Kansas. Công viên này có tên Veterans Memorial Park, vốn là nơi tọa lạc của nhiều đài Tưởng Niêm các cựu binh Hoa Kỳ như: Đài Tưởng Niệm Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (US Marine Corps Memorial), Đài Tưởng Niệm các cựu binh của cuộc chiến tranh Triều Tiên (Korean War Memorial) và một số các đài Tưởng Niệm các đơn vị khác trong quân đội Hoa Kỳ. Để điều hành Công Viên, có một ủy ban trực thuộc hội đồng thị chính của thành phố. Theo bản tin nói trên, trong một phiên họp của Ủy ban Điều Hành Công Viên ngày 11 tháng 9 năm 2006, dự án Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, đề xuất bởi một nhóm người Mỹ gốc Việt cư ngụ tại thành phố Wichita, đã gặp sự chống đối của một số người Mỹ địa phương về địa điểm (trong khuôn viên Veterans Memorial park) mà đài Tưởng Niệm ấy dự trù xây dựng. Nhận thấy cả hai bên (chống đối và ủng hộ dự án) đều rất tha thiết với ý kiến của mình, Ủy ban Điều hành Công Viên quyết định chuyển lên Hội Đồng Thành Phố (City Council) xem xét.

Bản Tin nhỏ chìm vào quên lãng. Cho đến thượng tuần tháng 6 năm 2009, khi Hội Đồng Thành Phố, theo đề nghị của viên Thị Trưởng và sự vận động của nhóm đề xuất dự án, đã đem vấn đề ra trưng cầu ý kiến của công chúng, trước khi có quyết định về số phận của dự án.

Nội dung Dự Án

Dự án VietNam War Memorial bao gồm một tác phẩm điêu khắc hai người lính Việt Mỹ tay cầm súng sát cánh bên nhau cao bằng người thật, phía trước bức tượng là một hương án (incense burner) có hình dáng truyền thống Việt Nam với đường kính từ 30 inches đến 42 inches, cao khỏang 4 feet rưỡi, phía sau bức tượng là một tấm bia (plaque) 18 inches X 36 inches bằng đồng được gắn trên một mặt đá granite màu đen, trên mặt khắc bản nội dung ý nghĩa của đài tưởng niệm bằng tiếng Anh và Việt; song song với và ở hai bên tấm bia là 4 cột cờ, mỗi cột cao 25 feet dành cho 4 lá cờ: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, cờ tiểu bang Kansas và cờ POW/MIA (Tù Binh Chiến Tranh và Mất tích ngòai Mặt trận). Tất cả được đề nghị tọa lạc trong khuôn viên Veterans Memorial Park, cách Korean War Memorial khỏang 30 feet. Kinh phí xây dựng sẽ do sự đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt Wichita và những người ủng hộ. Trong số này, có nhiều người là cựu binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Họ sẵn sàng đóng góp tài chánh, hoặc có người đề nghị hiến tặng một bộ sưu tập tem VNCH để bán đấu gía v..v..

Chống đối

clip_image005

Phía bên không đồng ý với dự án, mà người lên tiếng mạnh mẽ nhất là ông Bob Pinkstaff, một cựu hạ sĩ quan xạ thủ của binh chủng TQLC Hoa Kỳ đã từng tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên. Cùng với một số cựu chiến binh Mỹ khác, ông Pinkstaff cho rằng Công Viên Tưởng Niệm cựu chiến binh Mỹ là để dành cho những cựu chiến binh Mỹ, không một “tổ chức ngọai bang” (foreign organization) nào, kể cả của người Việt Nam, được phép làm gỉam đi ý nghĩa sự hy sinh của những cựu chiến binh Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ bằng cách xâm phạm khu đất thiêng liêng của Công viên Tưởng niệm các Cựu chiến binh”. Những người phản đối còn cho rằng, trong khuôn khổ lễ đài chiến tranh Việt Nam hiện nay, vẫn đã có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, dù quốc gia này hiện nay không còn nữa. Có tới 2 đài Tưởng Niệm cho cùng một cuộc chiến tranh, ở cùng một khuôn viên, thì rất dư thừa. Và nếu cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn chưa thỏa mãn, thì họ có thể đi tìm một nơi khác mà xây tượng đài kỷ niệm theo ý họ. Hiện nay, đất công viên còn phải để dành cho những đài Tưởng niệm (những chiến binh Mỹ đã hy sinh) trong những cuộc chiến tranh hiện đang xảy ra và sẽ xẩy ra.

Douglas Brady, chủ tịch hội đồng điều hành Veterans Memorial Park, còn nhấn mạnh rằng: “đối với hàng ngàn cựu chiến binh của tiểu bang Kansas, việc xây dựng một tượng đài tưởng niệm chiến binh của bất cứ quốc gia nào trong khu vực đài tưởng niệm chiến binh Mỹ là một sự xúc phạm . . . Vả chăng, khuôn viên lễ đài Tưởng Niệm được dựng nên với mục đích là vinh danh cựu chiến binh Mỹ mà thôi.”

clip_image007

Hương án mang hình dáng truyền thống văn hóa Việt Nam

Ngòai ra, cũng theo Douglas Brady, trong dự án Vietnam War Memorial đề xuất bởi cộng đồng người Mỹ gốc Việt Wichita có bình đốt hương Phật giáo (Buddhist incense pot)*, mang tính cách đề xướng cho một thứ tôn giáo riêng, và ông đề nghị Hội đồng thành phố nên đặc biệt xem xét kỹ chi tiết này.

Ủng hộ

Bên ủng hộ, trước hết phải kể đến những người Mỹ gốc Việt chủ xướng dự án. Họ bao gồm những người trước đây đã từng sát cánh chiến đấu chống quân Cộng sản bên cạnh các chiến binh Mỹ. Khi cuộc chiến chấm dứt ,họ đã phải chịu đầy đọa nhiều năm trong những trại tù trải khắp miền đất nước. Thóat khỏi cảnh ngục tù ở quê nhà, hiện sống trên miền đất tự do, họ muốn vinh danh những chiến hữu của họ – Việt cũng như Mỹ – đã hy sinh cho họ sống sót. Bên cạnh những cựu chiến binh của miền Nam Việt nam, còn có lớp người trẻ, tuy không trực tiếp sống qua cuộc chiến, nhưng là con cháu của miền Nam, họ thông cảm và hết lòng ủng hộ cha anh trong nỗ lực nhằm nhắc nhở các thế hệ người Mỹ gốc Việt mai sau, đừng bao giờ quên sự hy sinh của người đi trước. Theo họ, dự án không phải để dành cho thế hệ người Việt tị nạn hiện còn sống, mà là cho những thế hệ tương lai, những công dân Mỹ sinh ra và trưởng thành nơi thành phố này.

Sát cánh với những người Mỹ gốc Việt trong việc ủng hộ dự án, còn có một số cựu chiến binh Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam. Nhiều người đã viết thư gởi đến Hội đồng thành phố bầy tỏ sự ủng hộ của họ với dự án . Có người cho biết họ nợ những người lính miền Nam Việt Nam cái ơn cứu mạng, vì sự can đảm và tình huynh đệ chi binh của những người lính này. Nổi bật nhất là bà Janet Miller, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Công Viên, và hiện nay là nghị viên Hội đồng thành phố. Trong một bài phát biểu chính thức, bà viết: “Hiện nay, có hơn 8,000 người Mỹ gốc Việt định cư tại thành phố Wichita, trong đó, có một số là những cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Những cựu binh này đã sát cánh chiến đấu cùng với các chiến binh Hoa Kỳ để cứu đất nước của họ khỏi sự xâm lăng của quân Cộng sản miền Bắc (Việt Nam). Sau khi đất nước của họ lọt vào tay chế độ độc tài tòan trị, họ đến định cư tại Hoa Kỳ. Nơi đây họ trở thành công dân, làm việc, trả thuế, xây dựng gia đình. Có nhiều gia đình còn có con em phục vụ trong các ngành của quân đội Hoa Kỳ. Những công dân Mỹ này xứng đáng được có một nơi để họ vinh danh những cựu chiến binh của họ, những cựu chiến binh Mỹ đã từng can trường chiến đấu cho lý tưởng của họ. Họ xứng đáng được dành cho một chỗ để bầy tỏ lòng biết ơn 58,000 tử sĩ Mỹ đã nằm xuống cho sự tự do của miền Nam Việt Nam, và đồng thời biết ơn những chiến hữu của họ cũng đã anh dũng hy sinh.”

Đặc biệt trong buổi thảo luận hôm thứ ba, một sinh viên trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt, hiện là chủ tịch hội Sinh Viên Việt Nam thành phố Wichita , đã phát biểu rất cảm động. “Bằng việc xây dựng thêm một đài tưởng niệm nữa, chúng ta làm tăng thêm danh dự cho khu Lễ đài, chứ không phải lấy đi danh dự vốn đã có ở đó từ trước đến nay.”

clip_image009

Giáo sư Tiến sĩ Trần Anh, một nhân sĩ địa phương, tuy không tham gia trực tiếp trong nhóm đề xướng dự án, nhưng bà là người có nhiều họat động với các cơ quan và tổ chức của thành phố, đã được nhiều bên khác nhau tham khảo ý kiến. Là người vượt biển đi tìm tự do, thứ mà quê nhà của bà đã hòan tòan thiếu vắng kể từ khi Cộng sản chiến thắng, bà tin rằng:

Mục đích của dự án Vietnam War Memorial có thể dùng ẩn dụ cặp kính đeo mắt – mà hai tròng mắt luôn luôn họat động hỗ tương lẫn nhau – để chiếu rọi vấn đề.

Với tròng mắt (cách nhìn) của cộng đồng người Mỹ gốc Việt: Nước có nguồn và chúng tôi có cội rễ. Chúng tôi mang một món nợ to lớn với những người lính miền Nam Việt Nam. Chúng tôi, thế hệ người Việt đầu tiên trên miền đất mới, tin tưởng rằng, sự hiện hữu của một đài tưởng niệm tất cả những chiến sĩ đã chết cho nền tự do của dân tộc Việt Nam (trong đó có những chiến sĩ của quân lực VNCH) là một sự nhắc nhở quan trọng và đầy ý nghĩa cho những thế hệ tương lai để họ luôn nhớ đến, vinh danh và kính trọng sự đau khổ, sự hy sinh, lòng can đảm, lòng yêu nước, lòng tự trọng của các bậc tiền nhân. Hơn thế nữa, đài Tưởng Niệm còn góp phần an ủi những ai vẫn hằng ấp ủ trong lòng một nền hòa bình cho tòan thế giới.

Với tròng mắt của những người bạn Mỹ: Đất nước này là biểu trưng cho một lịch sử của chủ nghĩa Đa nguyên, của tính đa dạng và một nền văn hóa đầy màu sắc pha trộn từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Cộng đồng thiểu số người Việt Nam – những di dân, những người tị nạn chính trị, những người vượt biên (boat people) – đã viết nên một chương sử quan trọng và đầy ý nghĩa trong quyển Sử đa nguyên đa dạng của nước Mỹ. Chương sử ấy ghi nhận sự đóng góp phong phú của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong mọi lãnh vực từ giáo dục, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, khoa học, y học cho đến cả các lãnh vực họat động xã hội mà thành phố đã nhiều lần biểu dương. Không thể quên rằng những người góp phần trong sự đóng góp ấy có một quá trình cần xem xét. Một trong những nền tảng của quá trình ấy là cái “cuống rún” , sợi dây nối liền họ với những đồng bào ruột thịt cùng chủng tộc, những người lính của miền Nam Việt Nam, những người đã chiến đấu và chết đi để cho sự sinh tồn của chính họ. Vì thế, một tượng đài tưởng niệm các tử sĩ VNCH là một sự cần thiết không thể thiếu. Tượng đài ấy không chỉ dành cho những người Việt Nam yêu chuộng Tự do, mà còn đáp ứng cả sự ao ước của những công dân tòan cầu. Và Hội đồng thành phố nên ủng hộ dự án ấy.”

Đâu là giải pháp?

Giải pháp trì hõan thêm một thời hạn 30 ngày nữa trước khi cho bỏ phiếu định đọat số phận của dự án là một giải pháp nhằm tìm một sự dung hòa giữa hai bên chống đối và ủng hộ. Cả hai bên đều có những lý lẽ của riêng mình và có một số người ủng hộ. Trong trường hợp này, một quyết định dứt khóat (chấp thuận hoặc bác bỏ) có thể gây thương tổn khó hàn gắn và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Có lẽ một quan niệm nghĩa tử nghĩa tận theo triết lý Việt Nam sẽ giúp bên chống đối dễ dàng uyển chuyển hơn trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Những người lính Mỹ và Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã từng cùng nhau chiến đấu chống một kẻ thù chung – đó là Cộng sản – . Vậy khi họ đã nằm xuống, hãy để họ đuợc nằm bên cạnh nhau với tư cách những người lính, những chiến hữu . Mộ phần nào cũng là mộ phần, nhưng người còn sống, nhất là những thế hệ tương lai , cần có một nơi để hàng năm trong dịp lễ Tưởng Niệm cùng tụ tập về, cùng tưởng nhớ cha ông và cùng tự hứa sẽ sống cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ tiền nhân. Và quan trọng hơn, như mục đích của dự án nhằm nhắc nhở những thế hệ người Mỹ gốc Việt tương lai nhớ đến nguyên nhân tại sao họ có mặt trên mảnh đất không phải là nơi chôn nhau cắt rún của cha ông họ.

T.Vấn

(Wichita – Tháng 6, 2009)

*Chú thích: Ngày hôm nay,( 10-06-2009) tôi có dịp tiếp xúc với một số cựu chiến binh Mỹ của Wichita. Nhiều người không có một cái nhìn rõ ràng về vấn đề, nhưng tựu trung, sự chống đối của họ thiên về cảm tính (emotion) nhiều hơn. Với tôi, họ là những người bạn hiền lành và trung thực. Có một điều làm tôi ngạc nhiên là không ai trong số những người tôi tiếp xúc biết đến ông Bob Pinkstaff, một cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên, người nhiều lần lên tiếng phản đối dự án với một thái độ rất quyết liệt. Mặt khác, hình ảnh truyền thống Việt Nam của bình hương án mà ông Douglas Brady gọi là bình hương Phật giáo, quả thật đã khiến nhiều cựu binh Mỹ có cảm tưởng những người chủ trương dự án muốn đề cao Phật giáo trong khuôn viên một đài tưởng niệm mà hầu như tất cả những tử sĩ đều theo thiên chúa giáo (Christians) hoặc không theo đạo nào. Đây là một trở ngại lớn (ngòai dự tính?) cho bên ủng hộ dự án thuyết phục bên chống đối. Tôi tin rằng (và đã giải thích với nhóm cựu chiến binh này), hình dáng bình hương án rất thuần túy truyền thống Việt Nam chứ không hề là một biểu trưng tôn giáo (Phật giáo). Sở dĩ nhiều người (Mỹ) lầm tưởng như vậy là vì, quả thực, trong các chùa chiền Phật Giáo, mà họ đã có dịp nhìn thấy qua phim ảnh, sách báo, hay những dịp ghé thăm vài ngôi chùa địa phương, đã có những bình hương có hình dáng tương tự và cũng với cỡ lớn như trong dự án. T.Vấn.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search