T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(31) – SAD MOVIES (Chuyện Phim Buồn) – John D. Loudermilk

clip_image001

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc ngoại quốc nổi tiếng trong nền nhạc phổ thông được đặt lời Việt, kỳ này chúng tôi bắt đầu viết về một số bản được “thế hệ trẻ” ở Mỹ ưa thích. Ba chữ “Thế hệ trẻ” chúng tôi sử dụng ở đây trong tiếng Anh gọi là “baby boomers”, được định nghĩa là những người ra chào đời trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Đệ nhị Thế chiến, tức là từ năm 1946 trở về sau.

Tại Hoa Kỳ, Sở Dân Số đã gọi tất cả những người ra chào đời từ năm 1946 tới năm 1964 là “baby boomers”, và con số ấy vào khoảng 71 triệu. Tuy nhiên, về mặt xã hội và văn hóa tư tưởng, đa số các tác giả đã đồng ý với nhau rằng thời kỳ này chấm dứt vào năm 1954.

Về tư duy, những người trẻ được mệnh danh là “baby boomers” tự cho rằng họ là một thế hệ mới – mới hoàn toàn, không dính dáng, không chịu ảnh hưởng bởi quá khứ của các thế hệ trước.

Riêng trong lĩnh vực ca nhạc, mặc dù không phải “baby boomers” nào cũng nghe, cũng thích rock-and-roll, nhưng kể cả những người nghe dân ca, nhạc country, nhạc pop, nhạc nhẹ (easy listening) cũng có một cảm quan mới, dẫn đưa tới những yêu cầu mới, về nội dung ca khúc cũng như cách trình bày.

Kết quả là những ca khúc được gọi là “nhạc phổ thông đương đại” (contemporary pop). Trong bài thứ 24 của loạt bài này, mở đầu phần viết về những ca khúc phổ thông (popular songs), chúng tôi đã đề cập tới “nhạc phổ thông đương đại”, và nhắc tới một số ca khúc điển hình trong thời kỳ đầu, như Diana (1957), You Are My Destiny (1958), Put Your Head on My Shoulder (1959) của Paul Anka, Oh Carol (1958) của Neil Sedaka…

Ngoài Paul Anka, Neil Sedaka, còn có những tên tuổi quen thuộc khác như Pat Boone, Frankie Avalon, Ricky Nelson…, còn về phái nữ, nổi bật nhất, và được yêu chuộng nhất phải là Brenda Lee, nữ ca sĩ nhạc pop trẻ tuổi nhất (15 tuổi) có ca khúc đứng No.1 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Đó là bản I’m Sorry (1960) của hai tác giả Dub Allbritten và Ronnie Self, ca khúc mà trang mạng âm nhạc uy tín Allmusic đã gọi là “one of finest teen pop songs of its era”.

clip_image002

Phụ lục (1): I’m Sorry – Brenda Lee

01-I_m Sorry – Brenda Lee [MP3 320kbps]

Video: I’m Sorry – Brenda Lee –youtube

Nếu chỉ tính ca khúc được lên bảng xếp hạng, với tổng số 47 bản, Brenda Lee đứng hạng tư tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960, chỉ sau Elvis Presley, ban The Beatles và Ray Charles. Ngoài bản I’m Sorry, Brenda Lee còn có một ca khúc “cầu chứng” khác là Rockin’ Around the Christmas Tree, thu đĩa năm cô mới 13 tuổi – ca khúc mà cho tới nay, vẫn gắn liền với mùa hodiday cuối năm ở Hoa Kỳ.

Thế nhưng, ca khúc Mỹ do một nữ ca sĩ trẻ trình bày, nổi tiếng quốc tế nhất trong khoảng thởi gian này lại không phải bản I’m Sorry của Brenda Lee, mà là một ca khúc chỉ lên tới hạng 5 trong Billboard Hot 100, và người hát cũng không còn “trẻ” cho lắm: Sad Movies (make me cry) do Sue Thompson thu đĩa năm 1961.

clip_image003

Sad Movies (make me cry) là một sáng tác của ca nhạc sĩ John D. Loudermilk (sinh năm 1934), một tác giả nhạc country và nhạc pop ăn khách bậc nhất trong hai thập niên 1960, 1970.

Ra chào đời ở Burham, North Carolina, trong một gia đình có truyền thống hát thánh ca thuộc giáo phái Tin Lành Salvation Army, từ tuổi thiếu niên, John D. Loudermilk đã học đàn guitar, sáng tác thơ, tự phổ nhạc để hát. Trong thời gian John D. Loudermilk làm “handyman” cho một đài truyền hình địa phương, cậu được ban giám đốc cho hát một sáng tác của mình trên đài; sau khi ca khúc này được nhạc sĩ country George Hamilton IV phổ biến vào năm 1956, John D. Loudermilk được hãng đĩa địa phương Colonial Records mời thu đĩa dưới nghệ danh “Johnny Dee”, sau đó được hãng Columbia và cuối cùng là hãng RCA Victor ký hợp đồng. Tuy nhiên, từ năm 1957 tới 1962, “Johnny Dee” chỉ đạt được những thành công tương đối, trong khi những ca khúc chàng viết cho các ca sĩ khác (dưới tên John D. Loudermilk) thì thành công rực rỡ.

clip_image005

John D. Loudermilk

Từ năm 1963, John D. Loudermilk chuyển hẳn sang lĩnh vực sáng tác, tới sinh sống ở Nashville, tiểu bang Tennessee. Chính tại thủ đô nhạc country, John D. Loudermilk đã sáng tác những ca khúc lên Top cho hàng chục ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng, như Johnny Cash, Marianne Faithful, Everly Brothers, Nashville Ten, v.v…

Riêng bản Sad Movies (make me cry) mà chúng tôi giới thiệu trong trong bài này đã được John D. Loudermilk viết vào năm 1961, sau khi cùng người bạn gái đi xem một “sad movie”: Spartacus.

Để những độc giả chưa xem qua Spartacus hiểu được tại sao cuốn phim này lại khiến người ta rơi lệ, chúng tôi xin có đôi dòng giới thiệu.

Spartacus (109-71 trước Công Nguyên), là một giác đấu nô lệ (slave gladiator) người Thracian (Thrace là một vùng đất ở trung và nam Đông Âu, phần lớn ngày nay thuộc lãnh thổ Bảo-gia-lợi, ngày ấy nằm dưới sự cai trị của La-mã), sau trở thành lãnh tụ nô lệ chống lại nhà cầm quyền La-mã, dẫn đưa tới cuộc chiến được sử sách gọi là “Third Serville War”.

Theo các nguồn sử liệu, Spartacus hoặc là một quân nhân bất tuân thượng lệnh, hoặc là một tù binh, bị đưa tới trường huấn luyện giác đấu ở vùng Capua (ngày nay thuộc Naples). Năm 73 trước CN, Spartacus lãnh đạo khoảng 70 giác đấu tổ chức cuộc nổi loạn, cướp kho vũ khí và giáp bào (của giác đấu) rồi vượt thoát.

Trên đường vượt thoát, đoàn giác đấu đã đánh tan lực lượng La-mã chạy theo truy kích, thu phục được vô số nô lệ trong vùng, và sau đó tới chân núi lửa Vesuvius lập căn cứ địa. Tại đây, Spartacus cùng hai giác đấu người Gô-loa (tổ tiên của dân Pháp) là Crixus và Oenomaus được chính thức tôn làm lãnh tụ. Lực lượng nô lệ ngày càng lớn mạnh, chỉ hơn 1 năm sau đã lên tới 70.000 quân dân.

Tuy nhiên, qua năm 71 trước CN, hai đạo quân do Crixus và Oenomaus lãnh đạo đã bị quân La-mã đánh tan; về phần Spartacus, mặc dù được sử sách xưng tụng là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, đã không chống nổi đạo quân 40.000 người của tướng Crassus. Trong trận tử chiến cuối cùng ở Quaglietta (ngày nay là vùng Sinerchia, tỉnh Avellino của Ý), lực lượng nổi dậy bị tiêu diệt. Theo một số sử gia, Spartacus bị tử thương trong lúc giao tranh, mặc dù không ai tìm thấy xác của vị lãnh tụ 38 tuổi ấy. Khoảng 6000 quân nổi loạn bị bắt sống, và bị Crassus ra lệnh xử tử bằng cách treo trên thập giá dọc theo Con đường Appian (Appian Way), là trục lộ chính dẫn về La-mã.

Chiến thắng trở về, Crassus trở thành vị Tổng tài quyền lực nhất của Cộng hòa La-mã.

CHÚ THÍCH:

Thời gian này, La-mã còn là một nhà nước Cộng hòa (Roman Republic), đứng đầu là hai vị Tổng tài (Consul) do dân bầu lên, với sự cố vấn của Nghị viện (Senate). Tới giữa thế kỷ thứ nhất trước CN, một trong hai vị Tổng tài là thiên tài quân sự Julius Caesar, sau khi chinh phục toàn cõi Tây Âu, và đánh bại các phe phái chống đối, đã thâu tóm quyền lực, tự phong là vị “Độc tài vĩnh viễn” (Dictator perpetuo). Sau khi Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 trước CN, Cộng hòa La-mã lâm vào tình trạng hỗn loạn do sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Mãi tới năm 27 trước CN, tướng Augustus, người gọi Julius Caesar là “ông cậu” (maternal great-uncle) và được Julius chọn làm người kế nghiệp, mới dẹp yên, và xưng hoàng đế. Lịch sử Đế quốc La-mã (Roman Empire) bắt đầu từ đây.

Vì được Julius Caesar chọn làm người kế nghiệp, khi lên ngôi Hoàng đế, Augustus đã lấy hiệu là Augustus Caesar. Trong Kinh Thánh, khi Chúa Jesus phán “Hãy trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar” là có ý nói tới Augustus Caesar.

* * *

Năm 1951, câu chuyện lịch sử “khô khan” về Spartacus đã được văn sĩ Mỹ Howard Fast viết lại thành một cuốn tiểu thuyết dã sử La-mã với nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn, và tới năm 1960 được điện ảnh Hoa Kỳ thực hiện thành một cuốn phim vĩ đại, với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng quốc tế, như Kirk Douglas (vai Spartacus), Tony Curtis, John Gavin, Laurence Olivier, Peter Ustinow, Charles Laughton, Jean Simmons…

[Độc giả nào thích xem phim dã sử La-mã (tiếng Anh gọi là phim “swords and sandals”) một khi đã xem phim Ben Hur, không thể bỏ qua phim Spartacus, một cuốn phim đoạt 4 giải thưởng điện ảnh Oscar, được các nhà bình phim chấm 96/100, và khán giả cho điểm 92/100; trong khi Ben Hur chỉ được 87 và 88/100]

Một trong những tình tiết đáng nói nhất trong truyện phim Spartacus là sự xuất hiện của Varinia, một nữ nô lệ bị đưa tới cho Spartacus (lúc còn ở trường giác đấu) giải quyết nhu cầu tình dục, nhưng chàng đã không hề đụng tới nàng. Rồi tình yêu nảy sinh giữa hai người.

Sau khi cuộc nổi loạn thành công, Varinia trở thành vợ của Spartacus, rồi sanh cho chàng một đứa con trai. Khi tướng La-mã Crassus đem đại quân tới tấn công, ông ta đã cho người bắt cóc Varinia và con trai để uy hiếp tinh thần Spartacus, nhưng chàng không vì thế mà sờn lòng.

Trong trận tử chiến cuối cùng, đoàn quân nô lệ bị lực lượng của Crassus bao vây tiêu diệt, số còn lại bắt làm tù binh, trong đó có Spartacus. Khổ nỗi phía La-mã không ai biết mặt Spartacus, người mà Crassus muốn dành cho những nhục hình đích dáng. Thế nhưng khi ông ta hỏi các tù binh ai là Spartacus với lời hứa sẽ tha mạng cho họ, thì tất cả đồng loạt lên tiếng “Tôi là Spartacus!” để bảo vệ vị lãnh tụ của họ. Tức giận, Crassus ra lệnh treo tất cả trên thập giá.

Trước chiến thắng của tướng Crassus, đối thủ chính trị của ông ta là Thượng nghị sĩ Gracchus (người đỡ đầu Julius Caesar) đã tự kết liễu đời mình; và trước khi tự sát, ông đã sử dụng tiền bạc mua chuộc người đứng ra giải cứu vợ con Spartacus và đem tới một nơi an lành. Ra khỏi thành La-mã, chiếc xe chở Varinia đi ngang qua hàng thập giá treo nô lệ, và nàng nhận ra Spartacus, bồng con tới gần, ngước mắt nhìn lên, an ủi chàng rằng chàng có thể chết yên tâm, bởi con trai của chàng sẽ không bao giờ bị sống kiếp nô lệ… Từ trên thập giá, Spartacus đưa mắt nhìn theo chiếc xe xa dần, xa dần rồi trút hơi thở cuối cùng…

clip_image007

* * *

Cuốn phim chấm dứt, đèn trong rạp bật sáng, nhưng dường như không ai đứng dậy, nhìn sang cô bạn ngồi bên cạnh, John D. Loudermilk thấy nàng giàn giụa nước mắt. Nàng chữa thẹn: Sad movies make me cry!

Câu nói của người bạn gái đã trở thành nguồn cảm hứng cho John D. Loudermilk viết ca khúc Sad Movies (make me cry).

Nội dung ca khúc kể chuyện một cô gái đi xem phim một mình vì người yêu bận đi làm, nhưng sau khi vào rạp lại thấy người yêu và cô bạn thân của mình cũng vào, không phải để xem phim mà để âu yếm nhau; cô khóc vì buồn tủi xót xa, nhưng khi về nhà mẹ hỏi lại nói rằng mình luôn luôn khóc khi xem những cuốn phim buồn.

Sad Movies (make me cry)

Sa-a-a-d movies always make me cry
He said he had to work so I went to the show alone
They turned down the lights and turned the projector on
And just as the news of the world started to begin
I saw my darlin’ and my best friend walk in

Though I was sittin’ there they didn’t see
And so they sat right down in front of me
When he kissed her lips I almost died
And in the middle of the color cartoon I started to cry.

Oh-oh-oh sa-a-a-d movies always make me cry
Oh-oh-oh sa-a-a-d movies always make me cry

And so I got up and slowly walked on home
And mama saw the tears and said “what’s wrong?”
And so to keep from telling her a lie
I just said “sa-a-a-d movies make me cry”

Oh-oh-oh sa-a-a-d movies always make me cry
Oh-oh-oh sa-a-a-d movies always make me cry

Ooh, ooh, ooh, ooh, ooh
Ooh, ooh, ooh, ooh
Sa-a-a-d movies make me cry-y-y

Qua đọc lời hát của Sad Movies (make me cry) chúng ta thấy về hình thức không mấy văn hoa, và về ý nghĩa cũng chẳng có gì thơ mộng. Nhưng đây lại chính là ca khúc điển hình của khuynh hướng trẻ trung hóa, hiện thực hóa nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và cảm quan của các “baby boomers”.

Bên cạnh đó, cách thức trình bày, diễn tả của Sue Thompson cũng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của Sad Movies (make me cry). Khi hát bản này, Sue Thompson – một ca sĩ sở trường hát dân ca và nhạc country – đã 36 tuổi, tức là không còn “trẻ” cho lắm, nhưng cô đã hát như một cô gái mới lớn, mới biết yêu lần đầu đã bị phản bội.

Phụ lục (2): Sad Movies (make me cry) – Sue Thompson

02 – Track 10

Được tung ra vào giữa năm 1961, Sad Movies (make me cry) do Sue Thompson trình bày đã lên No.1 trong bảng xếp hạng cho thể loại “nhạc nhẹ” (Billboad Easy Listening), và tới tháng 9 đã lên tới hạng 5 trong bảng xếp hạng chung cho tất cả các thể loại (Billboard Hot 100). Tại Úc, Sad Movies (make me cry) lên tới hạng 6.

Ngay sau thành công của Sue Thompson, Sad Movies (make me cry) lời Anh đã được nhiều ca sĩ hoặc ban nhạc Anh, Mỹ hát lại và đạt thành công đáng kể. Tới cuối thập niên 1970, vào thời gian cao điểm của phong trào “disco”, Sad Movies (make me cry) ban Boney M thu đĩa đã trở thành một trong những bản được ưa chuộng bậc nhất.

Video:

Boney M – Sad movies (Make me cry) – YouTube

Sad Movies (make me cry) cũng đem lại thành công cho nhiều ca sĩ địa phương qua các phiên bản tiếng Pháp, tiếng Tây-ban-nha, tiếng Ý, tiếng Đức… Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới phiên bản tiếng Pháp của hai tác giả Lucien Morisse và Georges Aber: Quand le film est triste.

Có hai nữ ca sĩ trẻ thành công rực rỡ với Quand le film est tristeSylvie Vartan của Pháp, thu đĩa năm 1961 vào tuổi 17, và Michèle Richard của Gia-nã-đại, thu đĩa năm 1962 vào tuổi 16.

clip_image009

Sylvie Vartan

Ngày ấy ở miền nam Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa, nghệ thuật của Pháp để lại, hầu như không ai biết tới Quand le film est triste do Michèle Richard hát mà chỉ nghe bản của Sylvie Vartan. Tuy vậy, cũng phải đợi tới giữa thập niên 1960, thính giả trẻ (baby boomers) ở Sài Gòn mới được nghe Sylvie Vartan hát Quand le film est triste, và trong số này không phải ai cũng biết đây là một bài hát Mỹ được đặt lời Pháp, và cũng chẳng mấy người biết Sylvie Vartan đã thu đĩa bản này từ năm 1961, tức là trước cả Tous mes copains (1962), La plus belle pour aller danser (1963)…

Chúng tôi sẽ trở lại với cuộc đời và sự nghiệp của Sylvie Vartan trong phần nói về những ca khúc nguyên thủy của Pháp được đặt lời Việt, còn trong phạm vi bài này, chỉ xin viết về sự tình cờ đã đưa cô bé di dân gốc Bảo-gia-lợi mới tới Pháp được 2 năm lên đài danh vọng.

Nguyên người anh trai Eddie của Sylvie Vartan là một nhà thực hiện đĩa nhạc cho hãng đĩa Decca Records, và việc này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới Sylvie: cô yêu nhạc jazz, say mê điệu twist, và tôn Brenda Lee, Bill Haley, Elvis Presley làm thần tượng.

Vào giữa năm 1961, Eddie thu đĩa Panne d’essence, một ca khúc nhạc rock qua tiếng hát nam ca sĩ Frankie Jordan với sự phụ họa của một giọng nữ. Vào giờ phút chót, cô ca sĩ hát phụ không tới, Eddie đành nhờ em gái hát thế. Tưởng chỉ điền vào chỗ trống, không ngờ Sylvie lại quá xuất sắc, và mặc dù tên của cô không được ghi lên bìa đã hát, sau đó Sylvie Vartan đã được đài truyền hình TF1 – đông khán giả nhất Âu châu – mời xuất hiện trên đài này, và được báo chí Pháp tặng biệt hiệu “la collégienne du twist” (cô nữ sinh của điệu twist – the twisting schoolgirl).

Nhưng vì nội quy nghiêm ngặt (vào thời bấy giờ) của Trường trung học Victor Hugo, nơi cô theo học, không cho phép học sinh hành nghề ca sĩ, Sylvie Vartan đã phải đợi tới mùa thu năm 1961, học xong bậc trung học, mới được tự do ký hợp đồng với hãng đĩa Decca Records. Thế là hãng đĩa này đã dồn hết nỗ lực vào việc cấp tốc thực hiện một album cho Sylvie Vartan để tung ra vào mùa Gíáng Sinh.

Đầu tháng 12-1961, album đầu tay của Sylvie Vartan mang tựa đề Quand le film est triste (trong đó có bản Quand le film est triste) được phát hành và bán chạy như tôm tươi, đưa tới việc cô bé 17 tuổi được mời trình diễn lần đầu tiên tại đại hí viện Olympia ở Paris vào ngày 12-12-1961. Đường danh vọng của Sylvie Vartan bắt đầu…

* * *

Tới đây xin có có đôi hàng về tác giả lời Pháp Quand le film est triste: Lucien Morisse và Georges Aber.

clip_image011

Lucien Morisse

Lucien Morisse (1929-1970), nguyên Giám đốc Chương trình của đài phát thanh Europe 1, người đã khai sáng thể loại chương trình “tạp lục” (variety) ăn khách, đồng thời cũng người đã khám phá ra nhiều tài năng hàng đầu của làng ca nhạc Pháp quốc, như Dalida, Petula Clark, Christophe, Pascal Danel, Michel Polnareff…

Lucien Morisse là một con người tài hoa nhưng hơi… khác thường. Tháng 8 năm 1961, sau 5 năm chung sống, Lucien và Dalida, đệ nhất danh ca của Pháp thời đó, chính thức kết hôn, nhưng chỉ được vài tháng thì ly dị!

Năm 1970, vào tuổi 41, Lucien Morisse tự sát bằng súng. Về sau, năm 1987, vào tuổi 54, Dalida cũng tự tử bằng thuốc ngủ.

Có điều đáng nói là qua đọc tiểu sử cũng như những bài viết về sự nghiệp của Lucien Morisse, chúng tôi chưa bao giờ thấy nói tới việc ông là một nhà viết ca khúc, hoặc đặt lời hát, nhưng trong các danh sách ca khúc ngoại quốc được đặt lời Pháp, khi nhắc tới bản Sad Movies (make me cry) – Quand le film est triste, người ta luôn luôn ghi tên tác giải là Lucien Morisse và Georges Aber.

Rất có thể đây là lần duy nhất, hoặc một trong những lần hiếm hoi Lucien Morisse cảm hứng đặt bút chăng?

clip_image013

Georges Aber (1930-2012) thì trái ngược lại, số lượng ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc được ông đặt lời Pháp lên tới vài trăm bản (có thể so sánh ông với Phạm Duy, người đã đặt lời Việt cho khoảng 250 bản).

Georges Aber là một ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc, nhưng tên tuổi của ông được nhắc tới nhiều nhất vẫn là qua những ca khúc, nhạc khúc ngoại quốc lời Pháp của ông; trong số đó chỉ có khoảng 20 bản do ông thu đĩa, còn lại là cho các ca sĩ khác hoặc ban nhạc của Pháp. Chẳng hạn Noir c’est noir (Black is black), San Francisco cho Johnny Halliday, Le Locomotion (Locomotion), Sha la la, Quand le film est triste (Sad Movies) cho Sylvie Vartan; Dans le temps (Downtown), Mon amour (My love) cho Petula Clark, v.v…

Ngày ấy, giữa năm 1961, ngay sau khi Sad Movies (make me cry) được Lucien Morisse và Georges Aber đặt lời Pháp, ca khúc này đã được nữ ca sĩ Pierrette Brono và nam ca sĩ Dany Fisher lần lượt thu đĩa nhưng không mấy thành công; phải đợi tới cuối năm đó, khi album Quand le film est triste của Sylvie Vartan được tung ra, ca khúc này mới làm gió tại Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp.

Với những người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, Sad Movies (make me cry) – Quand le film est triste là một thí dụ điển hình về việc dịch lời hát một cách trung thực, đồng thời cũng cho thấy nghệ thuật trình bày khác biệt giữa hai nữ ca sĩ một Mỹ một Pháp: trong khi Sue Thompson ra vẻ giận hờn tức tối thì Sylvie Vartan nũng nịu than thân trách phận, khiến mỗi bản đều có nét độc đáo và sức thu hút riêng.

Quand le film est triste

Quand le film est triste
ça me fait pleurer

Ce soir j’ai du travail,
il m’a dit “sors sans moi”
je m’en suis allée toute seule au cinéma
les actualités venaient de commencer
au bras de ma meilleure amie
il est arrivé

Ils sont passés tous les deux sans me voir
puis devant moi ils sont venus s’asseoir
j’ai cru mourir
ils se sont embrassés
et juste au beau milieu du dessin animé
moi j’ai pleuré
Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Quand le film est triste
ça me fait pleurer

Je suis rentrée bien vite à la maison
mes parents voyant mes larmes
m’ont posé des questions
j’ai été obligée de leur mentir
pour leur dire

Quand le film est triste
ça me fait pleurer
Quand le film est triste
ça me fait pleurer

Phụ lục (3): Quand le film est triste – Sylvie Vartan

03-QuandLeFilmEstTriste-SylvieVartan_vjwu

Trong phong trào Việt hóa nhạc trẻ vào đầu thập niên 1970, Quand le film est triste đã được hai tác giả Vũ Xuân Hùng Nguyễn Duy Biên đặt lời Việt – hoặc viết một cách chính xác hơn là dịch sang tiếng Việt – với tựa “Chuyện phim buồn”:

clip_image014

Chuyện phim buồn

Những khi lỡ coi phim buồn,
Thường làm tôi khóc ngất ngây…

Đành lấy có mỗi vé vậy
Vì biết chắc tối anh đi làm
Đèn đóm tắt hết khi phòng máy
Sắp chiếu khuôn phim đầu

Và đúng tới lúc khúc phim tình thế
Quốc tế đang vui nhộn,
Chợt trông thấy cô bạn thân
Và anh yêu nói cười cùng bước vô…

Vì bóng tối quá dầy,
Chẳng ngó thấy nơi tôi ngồi
Bởi thế tới ghế trên còn trống,
Chúng sát vai nhau ngồi

Chúng ghé sát hôn tình tứ
Khiến tôi điên dại
Lòng bao tái tê và mắt chợt bỗng ướt nhòa,
Từng giọt buồn xót xa…

Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng tôi xót xa?
Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng giận ai gian dối…

Chán ngán bước về,
Buồn trĩu mỗi bước chân tê chồn
Vì thấy nước mắt hoen mặt phấn,
Má hỏi: “Sao con buồn?”

Dối má: “Tối nay rằng
Đã lỡ trót xem phim buồn
Và xem đúng ngay một phim thật đỗi buồn,
Làm lòng con xót xa…”

Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng tôi đớn đau?
Người ơi sao chiếu chi những phim u buồn,
Để lòng giận ai gian dối…

Trước năm 1975, Chuyện phim buồn đã được các nữ ca sĩ nhạc trẻ Vy Vân, Thanh Lan, Kiều Nga… thu băng, và sau này tại hải ngoại, được nghe nhiều nhất có lẽ là qua tiếng của Ngọc Lan.

Phụ lục (4): Chuyện phim buồn, Vy Vân

04- Vi Van (pre1975) – Chuy-n phim bu-n (Quand le film est triste – Sad movie – LV

Phụ lục (5): Chuyện phim buồn, Ngọc Lan

05-ChuyenphimbuonQuandlefilmesttrise-ngoc lan

Phụ lục (6): Chuyện phim buồn (guitar), Vô Thường

06-ChuyenPhimBuon-VoThuong_3tvn6

Phụ lục (7): Sad Movies (piano), Richard Clayderman

07-Sadmovies-RichardClaydement_3x94

Phụ lục (8): Sad Movies (saxophone)

08-SadMoviesSaxophone-VA_3d64k_hq

Hoài Nam

 

PHỤ LỤC:

Phụ lục (1): I’m Sorry – Brenda Lee

Phụ lục (1): I’m Sorry – Brenda Lee

Phụ lục (2): Sad Movies (make me cry) – Sue Thompson

Phụ lục (2): Sad Movies (make me cry) – Sue Thompson

Phụ lục (3): Quand le film est triste – Sylvie Vartan

Phụ lục (3): Quand le film est triste – Sylvie Vartan

Phụ lục (4): Chuyện phim buồn, Vy Vân

Phụ lục (4): Chuyện phim buồn, Vy Vân

Phụ lục (5): Chuyện phim buồn, Ngọc Lan

Phụ lục (5): Chuyện phim buồn, Ngọc Lan

Phụ lục (6): Chuyện phim buồn (guitar), Vô Thường

Phụ lục (6): Chuyện phim buồn (guitar), Vô Thường

Phụ lục (7): Sad Movies (piano), Richard Clayderman

Phụ lục (7): Sad Movies (piano), Richard Clayderman

Phụ lục (8): Sad Movies (saxophone)

Phụ lục (8): Sad Movies (saxophone)

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search