T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Khỏang cách oan khiên

clip_image001

Tưởng niệm – tranh Trần Thanh Châu (Seattle)

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

(Ta Về – Tô Thùy Yên)

1.

Nước Mỹ cần tới 42 năm để hàn gắn những vết thương gây ra bởi cuộc nội chiến Nam Bắc. Cuộc chiến hai miền của Việt Nam mới chấm dứt được có 32 năm. Cho nên, cũng không lạ gì nếu vẫn còn hiện hữu những hố sâu chia rẽ hai bên sau cuộc chiến. Và hiện tượng trên còn xảy ra ở một thế hệ sinh ra khi cuộc chiến đã tàn lụi từ lâu. Mới đây, trên một trang nhật ký mạng (Blog), một thanh niên Sài Gòn nhận định rằng người miền Bắc (Hà Nội) thô lỗ, có giọng nói kỳ cục, lái xe ẩu tả và không có khiếu thẩm mỹ. Lập tức, anh ta nhận được những câu trả lời giận dữ, kể cả những đe dọa về tính mạng, dưới dạng text gởi đến số điện thọai di động của mình. Và rồi, các cư dân trẻ trong thế giới ảo có địa chỉ thật ở hai miền Việt Nam nhập cuộc. Bên Nam bênh miền Nam, bên Bắc bênh miền Bắc, chỉ trích lẫn nhau. Câu chuyện nhỏ nói trên phản ánh một thực tại do hậu quả từ một trong những nguyên nhân là sự chênh lệch trong phát triển của hai miền từ những ngày trước khi chiến tranh chấm dứt. Người Sài Gòn thường tự hào về di sản tự do họ được thừa hưởng từ chế độ đã sụp đổ, về những cơ hội tiếp xúc với văn minh thế giới trước miền Bắc rất lâu. Mặt khác, vị trí của thành phố Sài Gòn – vốn là thủ đô dưới thời VNCH – khiến người Sài Gòn năng động hơn, phóng khóang hơn khi đối diện với nhiều vấn đề thiết thực của đời sống, nhất là về kinh doanh thương mại. Thế giới phương Tây biết đến Sài Gòn nhiều hơn Hà Nội, dù Hà Nội hiện nay là thủ đô của Việt nam Cộng sản, vì, theo lời một số người (ngọai quốc) thường đi lại vùng Đông nam Á, Sài Gòn có cái nét của một thiếu nữ dễ thương, hiểu biết khi so sánh với người đàn bà luống tuổi Hà Nội bẵn tính, thiếu thân thiện. Ngược lại, người Hà Nội tự hào mình xuất thân từ mảnh đất ngàn năm văn vật, nơi xuất phát của một nền văn hóa có chiều dầy lịch sử. Họ cho rằng người Hà Nội có chiều sâu hơn người Sài Gòn vốn ruột để ngòai da, ham vui. Tất nhiên, khác biệt ý thức hệ trong 30 năm của cuộc chiến tranh không phải là không để lại nhiều dấu ấn trong mối quan hệ giữa hai miền, dù nay đã thành một nước thống nhất, nhưng chỉ thống nhất trên phương diện địa lý, còn về nhiều phương diện khác, nhất là văn hóa, chắc chắn khó có thể nói đến thống nhất được, có chăng là nền văn hóa miền nào cao hơn, sẽ từ từ đồng hóa bên có nền văn hóa thấp hơn.

Lịch sử Việt Nam từ 30 năm trở lại đây đã cho thấy rất rõ điều đó. Miền Bắc, sau chiến thắng 1975, đã làm đủ mọi cách để kéo miền Nam xuống cho ngang tầm với miền Bắc, từ kinh tế, xã hội, nếp sống, cho đến những lãnh vực cao hơn như văn hóa, ngôn ngữ, âm nhạc, tôn giáo. Nhưng dù là kẻ thắng trận, với quyền lực trong tay thông qua các biện pháp hành chính, cưỡng bức hoặc những đợt càn quét giới trí thức, đốt sách, đẩy những thành phần ưu tú của miền Nam vào các trại cải tạo, có thể thành công trong việc bần cùng hóa đời sống kinh tế, nhưng vẫn phải chịu thua về phương diện văn hóa. Tôn giáo, dù bị kiểm sóat chặt chẽ bởi đủ mọi cơ quan, từ chính quyền cho đến các tổ chức ngọai vi ngụy trang dưới hình thức các đòan thể tôn giáo, vẫn phát triển sâu rộng trong mọi từng lớp dân chúng. Ngôn ngữ ngày càng Sài Gòn hóa, dù cho có lúc người ta phải sử dụng những từ du nhập từ miền Bắc, mang một nội dung khá xa lạ với người dân miền Nam. Phong cách giao tế, ăn mặc, xử sự, thời gian đầu do những suy xụp về kinh tế đã khiến người miền Nam phải nhượng bộ tính cách duyên dáng cố hữu của riêng mình, nhưng dần dà khi cuộc sống hàng ngày được cải thiện, phong cách hào phóng của người miền Nam lại được mọi người dùng làm khuôn mẫu xã hội. Trong lãnh vực âm nhạc cũng vậy, những lọai nhạc gọi là ủy mị, ướt át trước đây bị kết án và cấm lưu hành, nay đã trở lại chiếm vị trí còn cao hơn trước đây trong xã hội miền Nam. Điều rất dễ hiểu, lọai nhạc ấy gần gủi với tâm hồn con người, dù đó là con người đã từng bị thứ chính trị hận thù giai cấp làm cho tâm hồn bị xơ cứng. Đám tang nhạc sĩ Trịnh công Sơn, một người đã từng bị chính quyền Cộng sản kết án vì những tác phẩm âm nhạc của mình, diễn ra vào tháng 4 năm 2001 với sự thương tiếc của hàng triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, cùng với những nghi thức tưởng niệm rầm rộ đã là một bằng chứng rõ nét nhất cho sự ưu thắng của nền văn hóa ở trình độ cao hơn, dù nền văn hóa ấy ở về bên phe bị thua trận. Gần đây, ở Sài Gòn người ta đã lần lượt cho in lại những quyển sách xuất bản ở miền Nam trước 1975, những quyển sách mà khi mới vào tiếp thu Sài Gòn, chính quyền Cộng sản đã vội vã cho lệnh thu gom lại và thiêu hủy. Ngọn lửa phần thư năm xưa đã không thể đốt hết được những tinh túy văn hóa kết tụ trong tim, trong óc con người nền văn hóa ấy, và trải qua bao cuộc bể dâu, chúng vẫn còn được tàng trữ dưới mọi hình thức để chứng minh sự bất tử, sự tất thắng của những gì thuộc về con người đích thực.

2.

Cuộc tranh luận gay gắt của một nhóm thanh niên hai miền Nam Bắc, ngòai những khác biệt thực tế trong các lãnh vực văn hóa, xã hội như đã nêu ở trên, nó còn cho thấy một một mạch đối kháng ngầm giữa hai bên, hệ quả từ cuộc chiến tranh Nam Bắc kéo dài từ 1955 cho đến ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975.

Thế hệ những người sinh ra, trưởng thành trong thời gian này, dù tình nguyện hay bị bắt buộc, cũng đã trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ấy, đến nay phần lớn vẫn còn sống và đã hình thành nên hai phe đứng ở hai bên của một lằn ranh tồn tại từ những ngày chiến tranh khốc liệt đó. Triển vọng cho một cuộc hòa giải thực sự giữa hai bên vẫn còn rất mong manh, nếu không muốn nói là khó mà thực hiện được. Ngòai những trở ngại tự thân đến từ những người lính trước đây mặc hai màu áo khác nhau, trở ngại lớn nhất vẫn là từ nhà cầm quyền trong nước hiện nay, vốn không bao giờ thực tâm muốn hòa giải, dù miệng lưỡi vẫn ngày ngày hô to khẩu hiệu hòa giải, thứ chính quyền mà một người trí thức trẻ ở trong nước đã mô tả “. . . chưa bao giờ trong lịch sử, những người lãnh đạo đất nước lại hèn nhát, bảo thủ đến cùng như lúc này. Thà mất nước chứ nhất định không chịu từ bỏ con đường sai, không chịu mất quyền lực, và chưa bao giờ mỗi lần con số ít ỏi những người dân Việt dám cất lên tiếng nói lương tâm lại cảm thấy cô đơn, lẻ loi giữa cộng đồng và bất lực như lúc này! . . .” (trích Song Chi’s Blog). Chiến tranh chấm dứt đã hơn 30 năm, nhưng những tranh chấp giữa người Việt với nhau vẫn chưa chấm dứt. Cuộc đối đầu triền miên không bao giờ dứt ấy, ít nhiều đã ảnh hưởng những thế hệ trẻ, sinh ra sau chiến tranh, tuy không tham dự trực tiếp cũng vẫn vô hình chung, chọn cho mình một phía để đứng, vì cha anh của họ đã từng đứng về phía ấy, đã từng đổ máu, hy sinh, và bên phía thua trận thì cũng đã từng bị tù đầy, lưu vong. Cái lằn ranh ngăn chia những người trẻ ấy tuy có vô hình hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng nó không hiện hữu. Tất nhiên, một người trẻ hiện sinh sống ở Việt Nam, có cha hay anh là lính Cộng Hòa, tuy không dám công khai bênh vực cha anh mình mỗi khi nghe những lời phỉ báng, nhưng tận thâm tâm vẫn mang một nỗi hậm hực khó chịu, cho đến khi nỗi hậm hực khó chịu ấy có cơ hội và điều kiện để bùng nổ, phát tác dưới hình thức nào đó.

Sự ưu thắng của văn hóa miền Nam, tức bên thua trận, lại càng khơi sâu thêm mặc cảm tranh chấp giữa những người sống ở hai bên lằn ranh ý thức hệ ngày ấy. Bên thua, có thêm lý do để xoa dịu nỗi đau thất trận và cảm giác được ủi an những ngày cuối đời phải kéo dài kiếp sống lưu vong. Bên thắng, cái tự hào của người chiến thắng năm xưa hiên ngang bước trên đường phố tràn ngập cờ đỏ chào đón “người giải phóng” đã không còn được nguyên vẹn. Ít nhiều, lòng tự hào ấy đã bị tổn thương. Cả hai bên, người nào cũng đã gìa nua, tuổi tác. Và vì gìa nua tuổi tác, đầu óc không còn “chỗ trống” để tiếp nhận những ý tưởng mới, những ý kiến khó chấp nhận. Cái hệ quả hiển nhiên ấy, ngòai việc đẩy hai thế hệ già nua càng xa thêm lằn ranh khiến họ có thể đưa tay cho nhau nắm nếu điều kiện chín mùi, còn gây nên một khỏang cách “khó chịu” cho thế hệ con cháu những người đó. Tất nhiên, thế hệ trẻ không thể ghét bỏ nhau như cha anh mình, vì họ không có những lý do chính đáng để ghét bỏ lẫn nhau, nhưng đã chắc gì họ có thể bắt tay nhau như những người bạn thực sự.

Oan khiên ấy, sẽ còn tồn tại đến bao giờ?

3.

Những ngày này, một số người làm văn học ở cả trong lẫn ngòai nước đang cố gắng làm cây cầu nối bước qua khỏang cách oan khiên ấy, trước hết, là chính họ đến với nhau. Cố gắng ấy phát xuất từ những thiện chí và ước muốn đáng ngưỡng mộ. Nhưng, oan nghiệt thay, cùng một lúc, mọi người đều nhìn thấy cái chênh vênh của những cố gắng ấy. Họ như những người đang đi trên dây xiếc giữa một bên là văn học, và bên kia là chính trị. Từ trong nước ra đến hải ngọai, văn học và chính trị là hai mặt của một đồng tiền, hay nói theo lời một người viết văn ở hải ngọai, văn học và chính trị là hai mặt của đời sống. Người ta không thể làm văn chương mà không nhìn thấy ông chính ủy ngồi chểm chệ trước mặt, hay những “taboo chính trị” của người Việt hải ngoại như những thanh gươm Damoclès treo lơ lửng trên bầu trời phố Bolsa.

Mà đã không thể tách rời được thuộc tính đầy bất trắc của chính trị, thì liệu thế cân bằng, hay đúng hơn sự độc lập của văn chương, sẽ có được mức độ khả tín như thế nào hầu làm tròn vai trò “chiếc cầu bắc qua khỏang cách oan khiên” như người ta mong đợi?

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search