T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khải Triều: Những Người Đồng Hương (truyện)

Xin bấm vào đây để mở hoặc tải về máy

Khải Triều: Những Người Đồng Hương (truyện)

Lời người kể chuyện

Ở những trang đầu truyện, họ là những con người đồng hương với nhau, tại một làng đạo lâu đời, vùng Đồng Bằng Sông Hồng, giáp ranh với Thăng Long – Hà Nội. Trong những con người này, có năm người chung một tổ. Hai người thuộc dòng nội, còn ba người dòng ngoại. Ở phần này, chuyện chỉ kể đến ba người, còn hai người kia thoáng hiện rồi chìm đi, nhưng lại để dấu ấn đậm bản sắc của tổ tiên họ.

Theo lời các cụ kể lại, có một thầy địa lý không biết ở đâu, một lần đi qua làng, khi đến khu nghĩa trang của làng, đã dừng chân bên một  ngôi mộ, nói rằng mộ này sẽ phát, ứng vào dòng ngoại. Mộ này chính là tổ ngoại của Cẩn, một trong những kẻ đồng hương.

Tác giả đã sống quãng đời êm ả trong Nhà chung với một linh mục và một tu sĩ thế hệ cuối cùng ở bậc các “thầy giảng”, bắt nguồn từ các thừa sai ngoại quốc. Ông không phải là kẻ đồng hương với những nhân vật trong truyện, nhưng ông đã trở thành “người rể” của làng đạo này, nên cũng là một thành phần của làng. Cho nên, gia đình ông là một phần không nhỏ của truyện với những buồn vui của một thời không thể quên. Bên cạnh gia đình ông, là một gia đình, khi còn ở làng, thuộc về một dòng họ lớn, ngành nam, được nhiều người yêu mến và kính trọng, nhưng sau ngày rời xa làng, đến một thành phố phồn hoa, rồi xã hội đổi thay, đã tan nát, đồi bại, phân ly. Còn một con người khác cũng thuộc dòng họ lớn, ngành nữ, thì hòa nhập với xã hội mới, coi đồng tiền là trên hết, giá trị hơn cả tình huyết thống.

Một cảm hứng đột khởi, tác giả mở rộng truyện. Từ mấy người đồng hương, tác giả tìm về quá khứ của một làng đạo, trải qua bao đời sống nghề trồng lúa nước, trước khi có ngôi nhà thờ bằng gỗ quý, rồi sau đó là ngôi nhà thờ lớn bằng gạch, ngói và bêtông, thì làng quê ấy đã có đình, có tượng Phật, có cây đa và   một “vị thần” ở trên cành cao.  Sau khi đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, làng đạo này đã có thời là nơi sống và hành đạo của  thánh linh mục Luca Vũ Bá Loan, chịu tử đạo năm 1840. Còn chính tại làng quê này, cũng có một linh mục tử đạo thời vua Tự Đức, năm 1860. Trong việc đào bới quá khứ, tác giả đã đi vào những tục lệ qua bản hương ước cổ có một giá trị nhân văn rất lớn, một tinh thần trọng nhân nghĩa, không phân biệt giàu nghèo và một cái lệ về việc vợ chồng ly dị, hầu như không ở đâu có. Đây là một làng nghèo về ruộng vườn nhưng trong cái thời đạo lý đảo lộn hiện nay, lại có nhiều tai ương, nổi lên chuyện đấu tố, đến nỗi chỉ trong một gia đình có đến ba người chết tức tưởi và một người bên ngoại nữa. Tuy nhiên, một thế hệ mới đã xuất hiện. Họ đang đi tìm chân lý cho cuộc sống nhân sinh và thể hiện điều này tại quê nhà của họ. Đó là thách đố đối với họ trước một trào lưu duy vật, vô thần hầu như đang là một lối sống tân tiến, được coi như “sành điệu” cho những thành phần trẻ lắm tiền nhưng không có lý tưởng và nhân bản.

Những người đồng hương chỉ là một ý tưởng khởi phát của tác giả trong thời Việt Nam “ra biển lớn” là hướng đi sau mấy chục năm chiến tranh kết thúc. Nhưng, nền móng của xã hội Việt Nam là gia đình đã bị phá nát từ hơn nửa thế kỷ nay, còn hiện tại chuyện thành thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, là một chủ trương phá hỏng mô hình “Làng”, phá hỏng “Văn hóa Làng”, thì xu hướng “ra biển lớn” bước tới đâu, nền móng văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ bị nhấn chìm sâu tới đó. Lời phán xét chung cuộc xin dành cho người viết  văn hóa sử sau này.

Viết về một làng quê Công giáo, tác giả vì quá yêu quê hương mình mà soạn ra truyện này, chỉ mong để lại cái tình tự của mình nơi mình đã sinh ra và trải qua những năm tháng đầu đời đầy yêu thương và êm ả, nhưng lại phải rời xa vì thế cuộc đau thương. Tác giả trộm nghĩ, đề tài “làng quê Công giáo” hầu như chưa thấy tác giả Công giáo nào đi vào với một tình cảm chân thật, yêu mến; với đức tin và tâm hồn thờ phượng. Hy vọng, tác giả không là người lẻ loi và duy nhất trong đề tài này. Bởi vì, tác giả tin rằng, với hơn 400 năm Kitô giáo có mặt, Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay đã có 26 Giáo phận,với số tín hữu được thống kê mới nhất là 6.756.303 (theo Niên giám của HĐGMVN năm 2016). Cho nên, chắc chắn có rất nhiều điều về văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật thánh, về lịch sử, và cả việc đấu tranh cho tự do tôn giáo, cho công lý và nhân quyền v.v… cần được đào bới lên, đóng góp vào di sản tinh thần của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử, văn hóa, tôn giáo tại Việt Nam nói chung. Riêng tác giả, vì xa quê quá lâu nên ký ức về làng đạo của mình chẳng có là bao, có được bao nhiêu, tác giả đã thể hiện ở truyện. Dù thế nào chăng nữa, tác giả xin dâng tập truyện này cho Giáo hội Việt Nam trong dịp mừng 400 năm Tin mừng của Chúa Giêsu được loan báo tại Việt Nam (1615-2015).

Trong truyện, tên một số nhân vật được thay đổi, nếu có trùng tên với ai ở ngoài thì đó là ngẫu nhiên. Một số khác giữ nguyên. Xen kẽ vào những thực tiễn xã hội là những dấu chấm của hư cấu.

      Tác giả

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

30 tac pham-11-2017
Bài Mới Nhất
Search