T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lời tình buồn gởi New Orleans

clip_image002

Do you know what it means to miss New Orleans?

          (Louis Armstrong – 1901-1971)

New Orleans chìm dưới biển nước. Nước hồ Pontchartrain, nước sông Mississippi, nước mưa và nước mắt. Thành phố có vị trí thấp hơn mặt nước biển, có nơi như ở Crescent City, thấp hơn cả 10 bộ Anh (foot). Tôi lặng lẽ ngắm New Orleans mỗi lúc mỗi chìm sâu, những mái nhà ngói đỏ từ từ xuống ngang mặt nước, với chút hụt hẫng nôn nao khó tả. Nhìn những cột đèn Gothic vẫn sừng sững trước mưa và gió, tôi cố hình dung ra một góc đường mới mùa hè năm ngoái tôi còn đứng đó, mắt nhắm lại, tai căng ra, cả thần kinh tôi căng ra, cả những lỗ chân lông của tôi căng ra, để nghe cho thấm, cảm cho trọn tiếng kèn saxophon người nhạc công da đen uốn người vật vã , thổi ra cho hết nỗi phiền muộn trong lòng ông. Nỗi phiền muộn chất chứa từ nhiều thế kỷ nay, và nó đã thăng hoa qua điệu nhạc Jazz rên rỉ. Cũng từ thành phố nhiệt đới này, thành phố đang hấp hối những hơi thở cuối cùng kia,

clip_image003đã được Louis Armstrong, nhạc sĩ Jazz vĩ đại nhất của mọi thời đại chọn làm nơi khởi đầu sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình từ những năm 20s. Như một nỗi ám ảnh, một điềm báo trước và lời nguyền rủa độc địa, thành phố này rồi sẽ một ngày bị nhận chìm dưới làn nước vô tình.

Ở những chỗ nước mới chỉ ngập đến mắt cá chân,  tôi thấy những cửa tiệm, những hàng quán bị đập kính, bị phá cửa, những con người chạy ra chạy vào hối hả, mang theo bất cứ thứ gì họ thu nhặt được: chiếc áo, đôi giày, gói thuốc, chai nước. Trong khi đó, các viên chức an ninh, cảnh sát chỉ đứng nhìn, như nhìn một hoạt cảnh của ngày hội nhạc Jazz  (Jazzfest). Thành phố ấy xuống cấp tồi tệ như vậy sao? tôi tự hỏi. Tôi chợt bắt gặp  một góc đường nhơ nhớp trong khu French Quarter. Tự nhiên thèm một ly cà phê ở quán Cafe Du Monde. Thứ cà phê uống vào thấy thơm từ trong cổ họng, thơm đến từng kẽ răng. Và tất nhiên, không thể thiếu chiếc bánh Beignets phủ đường trắng xóa lừng danh, một loại French donut, nhưng thơm ngon hơn rất nhiều loại Krispy-Kreme Doughnuts  mà các đại lý của nó có mặt trên toàn nước Mỹ. Ở New Orleans,  Krispy-Kreme  cũng cố chứng tỏ sự hiện diện của mình, nhưng khiêm tốn và thảm não vô cùng nếu so với số khách ra vào Cafe  du Monde. Tôi vẫn còn giữ rất kỹ tấm hình chụp với một người hầu bàn của Cafe du Monde, anh chàng da đen trẻ tuổi đẹp trai với cái mũ màu xanh lá cây trên đầu. Bây giờ thì bức hình ấy đã trở thành một kỷ vật. Tôi cũng bâng khuâng không biết người hầu bàn trẻ ấy có thoát ra khỏi được biển nước Mississippi  đang nhận chìm quán cà phê của anh không, hay anh – vì tuyệt vọng – đang ở lẫn trong đám người hôi của mà tôi đang thấy trên truyền hình kia, hoặc anh đang cùng với gia đình ngồi chờ cấp cứu trên một mái nhà của khu phố cổ chỗ gần Công Viên Jackson Square, những mái nhà ngói màu đỏ nhìn thấy là nhớ đến những căn nhà xinh xắn của Đà lạt chìm khuất giữa sương mù và lá thông xanh.

Và không thể không nhớ đến con đường Bourbon, con đường nhỏ và hẹp cha con vợ chồng  tôi cứ đi lên đi xuống nhìn ngắm mọi người, những cô gái mặc áo hở lưng, những người đàn ông da đen say rượu ngả nghiêng trên hè phố, và cả những chiếc xe buýt màu sắc tươi vui, những chiếc xe mui trần đắt tiền lượn qua lượn lại. Chỉ tiếc là năm ngoái chúng tôi đã hụt lễ hội Mardi Gras, ngày vũ hội hóa trang truyền thống được tổ chức hàng năm vào dịp cuối tháng 3, ngay trong đêm cuối cùng trước khi các thần dân của Chúa bước vào mùa chay đấm ngực dọn mình  ăn năn tội lỗi của mình. Thế nhưng trước khi chay tịnh, ngay trên con đường Bourbon  nhỏ hẹp này, hàng ngàn, hàng ngàn các cô gái ở khắp nơi trên thế giới đã rủ nhau về đây khoác lên người độc một chiếc váy mong manh, chiếc mặt nạ giả trang tội lỗi và bộ ngực trần ướt đẫm mồ hôi, nhảy múa suốt đêm trong tiếng nhạc ậm ừ, đòi hỏi, trách móc, van xin một lần cuối cùng được phạm tội. Liệu khi nước đã rút đi rồi, mặt đường Bourbon lại hiện ra dưới ánh đèn Gothic buồn thảm, hơi nóng của những tấm thân cuồng nhiệt ấy từ nhiều năm tích lũy lại có đủ sức làm hồi sinh con đường Bourbon của lễ hội lừng danh Mardi Gras không, hay từ nay sẽ chỉ là câu chuyện cổ tích được kể lại mỗi khi mùa bão tháng 8 trở về?

Một cách ngẫu nhiên kỳ lạ, ngay trong lúc mà con đường Bourbon của khu phố cổ cùng với thành phố New Orleans chìm dưới biển nước, ở một nước Châu Phi vùng tiểu sa mạc Sahara  có tên là Swazi, 50 ngàn cô gái đồng trinh (?) (ai là người dám quả quyết?)  cũng đang nhảy múa một vũ điệu Reed Dance giống như Mardi Gras, trên người các cô cũng chỉ có chiếc váy da thú mong manh, cũng với vẻ mặt van xin, đòi hỏi hướng về vị vua 37 tuổi ngồi trên khán đài với Đức Mẫu Hậu. Hai mẹ con nhà vua cần tuyển một hoàng hậu để sinh con đẻ cái nối nghiệp nhà.

Hay có lẽ đó là điềm từ nay những bộ ngực trần sẽ chỉ được hứng cát sa mạc nóng cháy thay vì làn gió biển mượt mà của bến cảng New Orleans trong những đêm hè oi ả?

clip_image004

Mardi Gras 2005 (Courtesy of www.mardigrasbalcony.com)

Ảo ảnh của những bộ ngực trần ướt đẫm mồ hôi cũng chẳng thể giữ tôi được lâu trong trạng thái mộng du. Tiếng người xướng ngôn viên đài truyền hình hối hả. Lệnh của Thống Đốc Tiểu Bang tất cả mọi người phải rời khỏi New Orleans không một phút giây trì hoãn. Nước vẫn tiếp tục dâng cao. Chỗ vỡ của con đê ngăn nước từ hồ Pontchartrain vẫn chưa lấp được, dù đã phải huy động tới sự trợ giúp của các cơ quan chính phủ Liên Bang và Quân đội. Đã có con số ghi nhận người thiệt mạng lên tới hàng ngàn. Gần 1 triệu người không nhà. Trong đó có những người bạn của tôi hiện giờ phải đi lánh nạn ở Baton Rouge, ở Houston. Thiệt hại vật chất có thể lên tới 25 – 30 tỉ mỹ kim. Cảnh trên truyền hình chiếu sự hỗn độn trong Superdome, người nằm kẻ ngồi, mệt mỏi chán chường. Tôi nhìn thấy hai bà cụ người Việt Nam (?) ngồi trò chuyện, tay một cụ vẫn không ngừng lật qua lật lại một món đồ trông giống như chiếc quần, có lẽ là món đồ duy nhất cụ có thể mang theo. Đời hai người phụ nữ Việt Nam kia đã bao nhiêu lần bỏ cửa bỏ nhà chạy nạn? nạn trời, nạn chiến tranh, nạn cộng sản? Đó là lý do họ có mặt ở nước Mỹ,  ở New Orleans, thành phố mà người Việt sống ở đó tự hào là chưa nơi nào trên thế giới có số người Việt tha hương sống thành làng, thành xã đông như họ. Tôi mượn đoạn văn rất đẹp của Châu Liêm viết trên Phố Văn số tháng 9 – 2001 để nói về chi tiết này  . . . Cảng New Orleans từng nổi tiếng với những con tàu nằm mơ sóng trùng khơi. Người Việt bỏ xứ, ra đi từ những làng chài lưới ven biển quê hương, tụ tập về đây sống thành từng làng với nhau và còn giữ nếp sống của quê nhà. Đặc biệt ở khu Versailles, có những dãy phố của người Việt. Ở  đây, người ta thấy có sự nhếch nhác quen thuộc, chứ không được khang trang như ở Cali hay Houston, Dallas. Có những xe tôm, xe rau bán ở vỉa hè. Có những thanh niên tóc dài, những người đàn ông mặt mày xiêu xó- hình như là lính tráng thời xưa. Họ ngồi uống bia trên góc phố và chào người qua lại. Ở đây, người ta gặp cả người da đen, da màu vào ra mua bán. Chung quanh, trong khu làng người Việt, người mình trồng rau trên sân nhà, đằng trước và đằng sau, gợi những hình ảnh quen thuộc đã mất hút trong thời gian. Nhiều nhà có tượng Đức Mẹ trước sân. Tôi và bà xã đã đi xem chợ chồm hổm của người Việt trong khu Versailles. Chợ họp từ 5 giờ sáng và tan sau 8 giờ. Ở đây, người mình bày bán đủ thứ rau, trái cây, tôm cá, lòng heo, bánh mì thịt, gà vịt . . . Có những bà cụ già ăn mặc theo lối Bắc cổ truyền, ngồi bán vài mớ rau, trái mướp , trái bầu hoặc trầu cau. Bán chừng đó đâu được bao nhiêu, nhưng các cụ lấy làm vui vì có dịp sống lại không khí làng  xóm quê nhà. Tiếng nói cười dậy cả một vùng. Tôi tưởng mình đang ở chợ Vườn Chuối hay chợ Hòa Hưng ngày nào . . . ” (P. 7).

clip_image006

Versailles, cũng đã chìm trong làn nước. Những con gà con vịt mang hơi hướng quê nhà ấy giờ ra sao? những bụi rau, gốc hành, sau nhà chắc cũng cùng chung số phận. Anh bạn tôi, gốc gác Kenner, nằm buồn xo lánh nạn nơi Baton Rouge, ngao ngán nhìn sông nước bề bộn, buồn bực với viễn ảnh từ 6 cho đến 8 tuần nữa mới có thể trở về lại nhà (nếu nó vẫn còn đó) đã ta thán: “Biết thế, tôi đã bỏ thành phố này đi chỗ khác từ lâu rồi!”.

Thực ra, các giới chức thẩm quyền tiểu bang và liên bang đã “Biết Thế” từ lâu rồi. Thành phố New Orleans  nằm ở vị thế rất mong manh mỗi khi có lụt hoặc khi có bão trực tiếp thổi qua. Từ những năm 60s, họ đã phối hợp để dự trù trước những biện pháp cứu trợ khi có biến. Ngay sau khi trận lụt vì mưa lớn tháng 5/1995 làm thiệt mạng 6 người, Quốc Hội Liên bang Hoa Kỳ đã thông qua một dự án gọi là Southeast Louisiana Urban Flood Control Project, gọi tắt là SELA.

Theo dự án này, trong 10 năm tiếp đó, Cục Công Binh của Quân Đội sẽ được quyền sử dụng 450 triệu Mỹ Kim  trong việc nâng cao đê điều và xây dựng các trạm bơm. Nhưng chỉ một phần trong những dự án này được thực hiện. Bắt đầu từ năm 2003, tiền tài trợ của chính phủ bị cắt giảm đáng kể, do những chi phí gia tăng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong nước. Tháng 6 năm 2004, các tiên đoán đã báo động rằng hệ thống đê điều đang chìm dần, nếu không kịp thời tăng ngân sách tu bổ, sửa chữa. Đầu năm 2005, theo đệ trình của Cục Công Binh, thượng viện Hoa Kỳ tìm cách phục hồi số ngân sách cần thiết cho dự án. Nhưng quá trễ. Đã có dư luận buộc tội Washington về những thiệt hại do bão Katrina gây ra cho New Orleans. Họ nói, phải chi chính phủ Liên Bang quan tâm hơn nữa đến việc phòng ngừa, thì ngày nay đã không đến nỗi.

Nhưng, ít nhất, theo những người lạc quan, mấy người bạn tôi và cư dân New Orleans, chắc chắn sẽ vẫn còn thành phố ấy để mà trở về. Theo ước tính khoa học, chỉ cần một cơn bão cấp 3 (Category 3) thổi trực tiếp là thành phố New Orleans sẽ hoàn toàn chìm nghỉm dưới nước. Bão cấp 5 sẽ biến thành phố thành bình địa như trong sách Khải Huyễn tiên đoán (Apocalyptic damage). Bão  Katrina vừa qua là cấp 4, vừa chạm phía Đông thành phố là trượt ra biển, và, cũng rất may mắn, khi ấy sức gió đã giảm nhẹ đi. Nếu nó cứ đi thẳng vào đất liền, thì chưa chắc bạn tôi còn có một thành phố mà trở về.

Nói đến trở về, lại nghĩ đến những người không thể ra đi, không đủ phương tiện (xe cộ, tiền bạc) để hưởng ứng lời cảnh cáo của chính quyền tiểu bang ngay khi Katrina còn ở ngoài khơi trực chỉ hướng đất liền. Đó là những người nghèo khó. Họ không có nhiều để mất trong trận thiên tai có một không hai trong lịch sử thành văn của Hoa Kỳ, nhưng vì ở lại, nên họ mất hết  những gì họ có. Tât nhiên, ở một số không nhỏ, là chính mạng sống của họ. Ở một số lớn khác, không bảo hiểm, không phương tiện sinh sống, tức là không thể khôi phục lại những gì họ đã mất trong biển nước, thì thành phố ấy – thành phố mà số mệnh đã được báo trước – còn hay mất, chắc gì đã khiến họ quan tâm. Mặt khác, cũng có những người không ra đi, không phải vì không có phương tiện để ra đi lánh nạn, mà vì, hoặc cái tâm trạng buông mặc mọi sự cho số phận, hoặc vì chần chừ lưỡng lự, để đến khi quyết định được thì đã quá muộn màng. Cái giá phải trả cho lỗi lầm ấy không nhỏ. Và nếu còn sống sót, thì sự tồn tại của thành phố thấp hơn mặt nước biển này cũng chỉ là một nhắc nhở không ngọt ngào lắm với họ.

Mặc dù vậy, tôi cũng đã được đọc những bài ai điếu cho New Orleans, từ những người mà New Orleans  vốn là một phần máu thịt khiến họ không thể nghĩ đến một ngày mất New Orleans, như tôi đã từng không nghĩ đến một ngày sẽ mất thành phố Sài Gòn. Sau khi nước rút đi, sẽ trơ ra một New Orleans đầy ắp rác rưởi, xác người xác thú, một New Orleans  nồng nặc sự rữa nát của quá khứ. Cũng chẳng sao, người ta sẽ dọn dẹp sạch sẽ thành phố. Người ta sẽ dựng nên những căn nhà đẹp đẽ hơn, đồ sộ hơn,  ngăn nắp hơn.  Những con đường sẽ thẳng tắp hơn, bằng phẳng hơn, rộng rãi hơn. Chuyện đó chẳng có gì khó với nước Mỹ.

Nhưng có thật là New Orleans vẫn còn sống với những người từng mê đắm New Orleans  như tôi không? Dù chỉ một lần gặp gỡ? Dù chỉ một lần đập bước chân trên những hè phố khuya thơm mùi nước hoa của những cô gái và men bourbon của những khách lãng du?  Dù lần gặp gỡ duy nhất ấy chỉ xảy ra khi trên mái tóc thưa thớt của tôi đã hai màu sương muối? Lần ấy – đâu đã xa xôi gì cho lắm đâu, mới mùa hè năm ngoái đây thôi – ngất ngây giữa tiếng kèn nghèn nghẹn, giữa tiếng hát mơ hồ của người ca sĩ đang gập mình trên bàn phím dương cầm ở một quán nhạc bên kia đường, tôi đã hẹn với lòng nhất quyết sẽ trở lại nơi này một lần, nhiều lần nữa. Nhưng hình như tôi sẽ không còn một lần nào nữa thì phải. Như những người dân New Orleans đang vất vưởng trên cửa ngõ đường số 10 kia, họ không biết sẽ đi đâu, nhưng chắc chắn họ không thể trở lại. Những khuôn mặt tức tối, tuyệt vọng, buồn bã, khi không tìm được câu trả lời từ chính mình, từ chính viên cảnh sát đang ngơ ngác đứng kia.

Tôi cũng vậy. Katrina đã cuốn đi hết những hồi ức lãng mạn của tôi về một thành phố.

Bây giờ thì sau cơn phong ba, New Orleans cũng sẽ giống như bất cứ thành phố nào tôi đã đi qua.

Nhưng có kỳ cục lắm không, trong khi người dân New Orleans khóc than cho người chết, khóc than cho sản nghiệp một đời phút chốc tiêu tan, thì tôi lại buồn bã vì những kỷ niệm vu vơ nơi thành phố ấy?

Dẫu biết vậy, tôi vẫn không ngăn được nỗi buồn trong tôi cứ dâng lên theo mực nước đang dâng lên. Ở nơi đó. Thành phố có bí danh “the city that care forgot”.

Wichita 08/31/2005

©T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search