T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh: MỘT CHÚT SÀI GÒN GIỮA LÒNG PARIS

CAFE SAIGON

Cà Phê Sài Gòn – Tranh: Trần Thanh Châu

Nếu những ai đã ở Sài Gòn và đến Paris và ngược lại, những ai đã ở Paris và đến Sài Gòn, nhưng lòng vẫn nhớ thương về chốn cũ, nhớ từng con đường, nhớ từng vỉa hè, nhớ từng khu phố, góc lộ, gốc cây, hàng hiên mái ngói… đều có thể nói rằng: Một chút Sài Gòn giữa lòng Paris hay Một chút Paris giữa lòng Sài gòn. 

Chúng ta không ngạc nhiên về điều nầy. Vì, xin nhớ rằng, 300 năm về trước, khi xây dựng thành phố Sài Gòn, những ông tây bà đầm thực dân bấy giờ đã muốn Sài Gòn là hình ảnh của Paris. Điều này khởi đi từ hai lý do tâm lý. Một, về phía người Pháp, họ muốn Sài Gòn là hình ảnh của Paris, muôn đời thuộc về họ, là của họ. Hai, về phía người Việt, người Việt phải hiểu rằng, Sài gòn là Paris là muôn đời lệ thuộc nước Pháp. Từ những nguyên nhân bắt nguồn do lịch sử  như th, nên kiến trúc hai thành phố giống nhau. Những ngày đi giữa Paris tôi tưởng mình đang đi giữa ngày Sài Gòn. Những đêm lang thang phố xá Paris tôi tưởng mình đang đi trong Chợ Lớn hay khu Trần Hưng Đạo, khu chợ cũ, khu tự do của Sài Gòn về đêm. Ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy Paris, y chang ngã tư, ngã năm, ngã sáu, ngã bảy Sài gòn. Thậm chí, y chang như thế của người đi bộ Sài gòn hay Paris như nhau. Thậm chí y chang như thế của dòng xe cộ chạy không hàng lối, không vạch vôi ngăn cách Sài Gòn hay Paris như nhau. Thậm chí, y chang như nhau của Paris hay Sài Gòn là những đống rác cao nghệu dưới mỗi gốc cây không ai màng bận tâm lo nghĩ. Cũng y chang như thế là Sài Gòn hay Paris những vũng nước vàng khè khai khai bốc mùi hôi cạnh gốc cây hay trong những con hẻm vắng. Những vũng nước, khai khai, vàng vàng, hôi hám như thế cũng dễ tìm thấy trong khu đậu xe tại phi trường Charles De Gaulle giữa hai chiếc xe đậu cạnh nhau. Trên lầu cao của khách sạn những đêm khó ngủ, nhìn xuống con đường trước mặt, tôi còn nhìn thấy hình ảnh Sài gòn là lúc vài cô gái, vài gã bụi đời, vài người trong dáng hành khất, lầm lũi đi dọctheo vỉa hè thành phố lúc 2 hay 3 giờ sáng. Tôi không biết họ đi đâu, về đâu, làm gì ? Nhưng đêm nào của Paris cũng có những phần đời như những phần đời của Saigon mấy mươi năm về trước. Đi tự tin, dù là phận gái. Đi thản nhiên, dù là bụi đời. Đi không chút do dự, dù là hành khất. Hình ảnh và tâm trạng của họ rất chung giữa Paris/Sàigòn.

Ở Mỹ không bao giờ có cảnh tượng như thế. Quân cướp và cảnh sát không thể để họ yên. Không dí dao thì cũng bị chận xét giấy tờ. Không bị cướp thì cũng bị mời lên xe. Nước Mỹ là rõ ràng. Không chấp nhận mờ mờ ảo ảo cho người đi đêm. 

Những ngày ở Paris, tôi nhớ Sài Gòn… Nhớ Sài Gòn của những ngày tan học, theo ai ra trường bám gót dõi theo của thời dậy thì mụn còn trên mặt. Giờ giữa Paris, tuổi đời chồng chất, gần ngày huyệt lộ, tôi còn theo ai, ai cho tôi theo. Đành trở về sống trong mộng mơ về một Sài Gòn giữa thời trai lúc đang là Paris thời khú đế già nua, mắt mờ tai điếc, miệng móm răng long, tóc bạc da mồi, vất ra hàng hiên cũng chỉ làm phế liệu chẳng còn me tây nào muốn nhặt. Nhặt về làm chi? Làm chi mà nhặt về? Về làm chi mà nhặt? Mà làm chi mà nhặt về? Nhặt về, chi mà làm..?

Những ngày ở Paris, tôi nhớ Sài Gòn. Nhớ Sài Gòn của những ngày về phép từ trận địa, ghé Kim Sơn làm ly cà phê đá hàng hiên, nhìn thiên hạ đi qua trong vẻ dửng dưng thân quen, xa lạ mà gần gũi. Thời là thế. Thế là thời. Hãy dửng dưng không buồn không vui. Một thời dù thế. Dù thế một thời. Nhưng sao tôi vẫn nhớ Sài Gòn quay quắt dưới bầu trời Paris, dù đêm hay ngày. Có cô nào, bà nào, dù đẹp hay xấu, trắng hay đen, già hay trẻ, của Paris, cho tôi ôm đêm nay, chỉ ôm thôi, cho tôi nghĩ mình đang ôm Sài Gòn, Việt Nam mê say đắm đuối. Một Sài Gòn Việt Nam một thời xưa tôi làm người ngạo nghễ, cao đầu bước tới, hiên ngang giữa đồng bào tôi cơm no áo ấm, em cháu tôi được cắp sách đến trường không bao giờ bận tâm về cái ăn cái mặc. Chứ tôi không nói tới một Sài Gòn hôm nay dân tôi chết đói, em cháu tôi đầu đường xó chợ kiếm sống bằng cơm thừa canh cặn trong những hàng quán sang trọng dành riêng phục vụ cho những ‘’ông đầy tớ’’ nhân dân bụng phệ, túi tiền dày cộm với những đồng đô la cướp từ xương máu mồ hôi của đồng bào tôi.

Giữa Paris đêm nay tôi muốn thở hơi thở Sài Gòn/ Việt Nam. Một Sài Gòn không bị bát bớ tù đày vô duyên cớ. Một Sàigon không bị cướp ngày cướp đêm công khai lộ liễu như dưới thời đại mệnh danh XHCN của Đảng mọi rợ mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa Paris đêm nay tôi muốn cất cao tiếng hát tự  do như một thời tôi đã hát tự do trong lòng Sài Gòn Việt Nam thuở trước. 

Giữa Paris đêm nay tôi muốn dang tay múa bút như một thời của Sài gòn Việt Nam tôi đã muá bút dang tay. Bút tự do làm nên những tác phẩm để đời. Bút nô lệ chỉ là những quái thai chết yểu. Bằng chứng hơn 60 năm mệnh danh văn học Hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa tại miền Bắc, tới nay có tác phẩm nào cho những người Cộng sản tự hào hay không? Điều đau đớn và nhục nhã nhất cho những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, những tác phẩm nổi tiếng lại là những tác phẩm nguyền rủa tội ác của Cộng sản đúng nhất và hay nhất, điển hình như TRUYỆN KỂ NĂM 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn và ĐÊM GIỮA BAN NGÀY của nhà văn Vũ Thư Hiên. Nhưng có lẽ tôi sai khi bảo họ đau đớn và nhục nhã. Vì rằng bọn họ là những người không có trái tim. Không có trái tim của CON NGƯỜI. Bọn họ là những con vật người có trái tim của loài thú ăn thịt đồng loại. Rất rõ ràng, những người Cộng Sản Việt Nam đang ăn thịït đồng loại là nhân dân của họ. Lịch sử không thể viết khác đi về bọn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam 25 năm qua. Họ là những con thú ăn thịt đồng loại. Không nói thế. Phải nói, họ là những con thú chỉ biết ăn thịt người. Vì rằng, những nạn nhân của chúng không chấp nhận cho chúng đồng loại.

Giữa Paris tôi đâu muốn hành hạ tôi bằng những ví von, so sánh đau đớn là thế. Giữa Paris tôi cũng muốn cười. Giữa Paris tôi cũng muốn vui. Giữa Paris tôi cũng muốn enjoy quá đi chứ. Nhưng tôi không thể cười (tôi chỉ cười một nửa), nhưng tôi không thể vui (tôi chỉ vui một nửa), nhưng tôi không thể enjoy (thế nào là enjoy) giữa Paris. Vì lẽ, Paris quả là hình ảnh của Sài gòn. Mà Sài gòn là Việt Nam. Mà một Việt Nam đang dầu sôi lửa bỏng buộc mình phải đứùng ngồi không yên. Làm sao mà cười, làm sao mà vui, làm sao mà enjoy cho được?!

Hai mươi lăm năm làm kẻ ngoại cuộc, không được dự phần làm chủ đất nước mình, thì đã trải qua 9 năm tù ngoài và bảy năm lưu vong biệt xứ. Giữa Paris những ngày này, tôi được hít thở không khí Sài Gòn, dẫu chỉ là tưởng tượng, cũng giúp mình đôi chút khỏa lấp nỗi nhớ, chờ mong, cảm ơn Paris. Cảm ơn những vỉa hè Paris rất Sài Gòn. Cảm ơn những khu phố, mái ngói, những ngã năm, ngã sáu, ngã bảy của Paris rất Sài Gòn. Cảm ơn cả những đống rác, những con chuột chết, những vũng nước khai khai của Paris cũng rất Sài Gòn. Cảm ơn những phận đời lầm lũi trong đêm của Paris cũng rất Sài Gòn. Dù thế, tuy nhiên tôi không thể cúi xuống hôn mảnh đất Paris rồi bảo rằng tôi đang hôn lên mảnh đất Sài gòn/ Việt Nam. Vì theo tôi, điều nầy là quá đáng, nếu không nói là dối trá. Tôi ghét sự dối trá.

Điều tôi còn nhớ mãi tới hôm nay, là vào buổi chiều cuối cùng của hai ngày Đại hội công bố Hiến Chương, sau khi tôi lên phát biểu bài tham luạân, lúc trở xuống hội trường, một vị trí thức trong số những người tham dự ngồi bên cạnh tôi hỏi: ‘’Tiền đâu cho các anh hoạt động? Các anh tin là các anh có thành công hay không?‘’ Tôi biết rõ, qua thái độ và giọng nói, là vị trí thức này hỏi với sự thành thực, có lòng quan tâm, chứ không phải với thái độ mỉa mai. Vì thế tôi trả lời như sau: 

– Thưa anh, về mức độ thành công, nhiều hay ít, chúng tôi chưa thể biết trước được… nhưng chúng tôi làm với một lòng tin là CHÚNG TÔI LÀM ĐÚNG. Vả lại, trong bối cảnh tình hình Thế Giới, xu thế dân chủ toàn cầu đang trên đà nở rộ và những chế độ phản dân chủ lại trên đà cáo chung. Thêm vào đó, những báo hiệu cho thấy, chế độ Cộng Sản Việt Nam không thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Việc làm của chúng tôi như góp thêm một bàn tay xô sập căn nhà mục nát hay bức tường sắp xiêu vẹo. Thêm nữa là, chúng tôi làm theo lương tâm của một người công dân yêu nước và sự thôi thúc của tiếng gọi con tim của một người trí thức. Còn như vấn đề tài chánh, tôi không nghĩ là khó khăn. Khi mình làm Đúng, làm Tốt, với một bàn tay Sạch, quần chúng, nhân dân, quý Mạnh Thường Quân trên toàn Thế Giới sẽ tiếp sức ủng hộ mình. Thưa anh, ngồi chờ có tiền và chờ đủ tiền. Không bao giờ có. Phải nghĩ rằng, nhất định thành công mới làm, sẽ không bao giờ có những cuộc Cách Mạng. Cách Mạng không bao giờ vô ích. Vì rằng, chính sự  thất bại của Cách Mạng hôm nay cũng lại là MỘT BÀI HỌC VÔ GIÁ cho ngày mai, cho hậu Thế Hệ, cho những cuộc Cách Mạng trong tương lai. Xin phép quí bạn đọc cho tôi được dùng đoạn trả lời trên đây làm phần kết luận cho bài viết nầy.

Cảm ơn mọi người tôi đã gặp ở Paris. Cảm ơn Paris đã cho tôi sống và hít thở không khí Sài Gòn/ Việt Nam trong những ngày nhớ nước thương nòi ruột đau đòi đoạn.

Xin cho tôi được chết giữa Sài Gòn/ Việt Nam không còn Cộng Sản.

Lê Mai Lĩnh

Bài Mới Nhất
Search