T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: BA TÔI

Tác Giả (lúc 5 tuổi) và Thân Phụ

Ba tôi mất ở tuổi 91.

Một ngày trước khi ba qua đời, Cha Xứ đến thăm. Nhìn thấy tấm ảnh “lực sĩ” của ba tôi mà trước đó khoảng hai tháng bỗng nhiên ông đòi chưng lên bàn, Cha tấm tắc khen:

-Chà! đẹp quá. Hình này mấy tuổi? Nhìn giống lực sĩ Lê Công Án ở Việt Nam hồi đó.

-Dạ, ba mươi tuổi.

Tôi trả lời, còn ba vội vàng đính chính:

-Dạ. không phải Lê mà là Nguyễn. Nguyễn Công Án.

Tròn mắt ngạc nhiên, Cha quay sang tôi:

-Ồ! trí nhớ ông cụ còn tốt quá.

Đó là ngày thứ Tư. Tôi ngồi bên cạnh nghe ba kể đủ chuyện một cách rành rẽ với nét mặt tỉnh táo. Không ngờ, sáng hôm sau -thứ Năm- ba tôi ra đi nhẹ nhàng. Bất ngờ đến độ chị bạn của tôi báo tin nhưng Cha Xứ cứ hỏi lại “Có chắc không, mới nói chuyện với ông cụ sáng hôm qua mà!”.

Hình lực sĩ của BA

Mỗi lần ngắm bức ảnh lực sĩ, tôi như thấy lại nụ cười tươi với một chút hãnh diện của ba khi được Cha khen ngợi. Thuở còn trẻ, ba tôi rất siêng năng tập thể dục, chủ yếu là tập tạ nên ông có thân hình khá đẹp. Ở trong xóm, nếu có bạn từ xa đến hỏi thăm để tìm nhà, câu hỏi luôn được người ta đặt ra là “có phải ông lực sĩ không?”.

Tôi là đứa con duy nhất nên được ba hết dạ yêu thương và luôn dành cho những cử chỉ âu yếm dù ở bất cứ nơi đâu, dù đã trưởng thành. Nhưng thương thì thương chứ ba không chiều để tôi hư. Ba để ý từng cử chỉ, lời nói và luôn răn sửa khi không vừa ý. Ba cũng theo dõi việc học hành của tôi rất chặt chẽ. Ba đi làm suốt ngày, còn tôi đi học có một buổi nên để nắm rõ thời khóa biểu của tôi, mỗi ngày ba bắt tôi phải viết vào “nhật ký” những gì tôi đã làm trong ngày hôm ấy. Những trang nhật ký giống y chang nhau, đi học về, ăn cơm, học bài, làm bài tập, đọc sách, phụ làm việc nhà với má. Tuy vậy cũng có những điều tôi giấu kín mà má cũng làm lơ để tôi được ra sân, đứng trong hàng rào nhìn những đứa bạn chơi đánh đũa, nhảy dây, nhảy lò cò… một cách thèm thuồng.

Trong họ hàng, ai cũng nói “Con nhỏ này số sướng, có một mình nên được cưng quá”. Nhưng không ai nhìn thấy sự “thiệt thòi” của tôi. Vì là con một nên tôi được ba má chăm sóc, bao bọc kỹ lưỡng, lúc nào cũng ở trong vòng rào, không được ra sân chơi với con nít hàng xóm, sợ bị té ngã, sợ bị thương tích, sợ bị bạn ăn hiếp, sợ học thói hư tật xấu của những đứa trẻ khác. Vì thế, tuổi thơ của tôi không có những ngày rong chơi, bay nhảy tự do như những trẻ nhỏ trong xóm. Cũng vì thế mà tôi trở thành đứa con gái nhút nhát, hiền lành, đôi khi có chút khờ khạo và những khuyết điểm đó theo đuổi tôi đến bây giờ, dù bạn bè vẫn trề môi mỗi lần nghe tôi tự nhận xét về mình như thế  “Nhát thì vẫn nhát nhưng hiền thì phải xét lại”. Có người hỏi Anh xã tôi câu đó, ngoài nụ cười khó hiểu trên môi, tôi không nghe anh  trả lời “Yes” hay “No”.

Từ thuở nhỏ ba tôi không được ăn học đến nơi, đến chốn vì kinh tế gia đình khó khăn. Nghe nói, ông nội tôi là một người lãng tử, khi bà nội sinh bác Hai được vài tháng thì ông để vợ con ở lại quê, một mình lên Saigon sinh sống. Ông Nội đi biệt tăm, đến lúc bác tôi được ba tuổi ông mới về thăm. Ở nhà một thời gian ngắn ngủi ông lại ra đi và bà nội tiếp tục ở lại quê với cuộc sống tần tảo và cái thai trong bụng là ba tôi. Bà nội đắng cay, khốn khổ với thân phận làm dâu trong gia đình chồng mà chồng thì không quan tâm, ngó ngàng đến. Càng khổ, càng vất vả nuôi con trong cảnh đời khốn khó bà nội càng hận ông, đến nỗi bà nhất định tước đi quyền làm cha của ông nên trong tờ giấy khai sinh, ba tôi theo họ mẹ và tên cha được ghi vào hai chữ “Không Biết”. Chẳng hiểu việc này có làm cho nỗi oán hận trong lòng bà nội vơi được chút nào không nhưng tôi tin chắc điều đó đã lại trong lòng ba một sự tổn thương không nhỏ.

Vì gia cảnh nghèo nàn nên ba tôi vừa hơn mười tuổi đã bỏ học để đi buôn bán phụ giúp bà nội. Bà Nội kể:

-Hồi đó, ba con còn nhỏ xíu mà phải ôm thuốc rê đi bán từ làng này qua làng kia. Lúc ấy, ba con mập mạp, khỏe mạnh và rất lanh lợi. Qua tới làng khác thì hay bị mấy đứa con nít ở đó ăn hiếp nhưng nó không sợ ai. Có đứa nào cùng trang lứa gây chuyện, khiêu khích là ba con đứng lại sẵn sàng “chiến đấu” sau khi cất thuốc vào một chỗ an toàn. Rồi cuộc ấu đả bắt đầu. Có khi một chọi một, có khi một mình tả xung hữu đột với hai ba thằng giặc hung hăng. Có lần, một người đàn ông thấy bọn trẻ xà quần nhau, bất phân thắng bại thì vội vàng chạy ra can ngăn. Khi kéo được ba con lúc đó mặt đỏ ké, bê bết bùn ra ngoài, ông liền “hỏi cung”, Mày ở đâu tới đây? Làng bên hả? Ba má mày tên gì? À! thì ra mày là con anh Ba. Nè! tụi bây là bà con nha. Còn đánh lộn nữa là chết với tao. Ba con về nhà quần áo xốc xếch nhưng tiền bạc đưa đủ cho bà, không thiếu một xu.

Tuy ít học nhưng ba tôi là người có chí. Khi tôi đang ở bậc tiểu học thì ba tôi sau giờ làm việc, ông dành hết thời gian để đi học. Bằng sự cố gắng không ngừng ba tôi đã lấy được bằng trung học đệ nhất cấp. Sau đó, ba tiếp tục học với ý định lấy bằng tú tài một, nhưng rồi có những thay đổi trong công việc làm khiến ông không thực hiện được điều mong ước. Không tiếp tục đi học nhưng lúc nào có giờ rảnh tôi cũng thấy ba miệt mài trên bàn học, khi thì học Anh văn, khi thì đọc sách. Trên bàn viết của ông tràn ngập sách, nào là truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế xương… Ông thuộc vanh vách lịch sử và thích tìm hiểu về địa lý.

Tôi không nhớ rõ từng chi tiết công việc của ba nhưng tôi biết ba đã làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu, rồi làm huấn luyện viên tác xạ ở Học viện Cảnh sát, sau đó chuyển sang Bộ Nội vụ, rồi Bộ Giáo dục cho đến ngày mất nước.

Trong gia đình, ba tôi là một người cha, người chồng tốt lành. Dù chỉ có mình tôi lại là con gái, dù có nhiều người xúi giục ba tôi đi kiếm con trai nhưng ba vẫn giữ lòng chung thủy với má tôi. Tôi hãnh diện vì tư cách và đạo đức của ba nên ngoài tình thương kính tôi vô cùng thán phục và ngưỡng mộ ba tôi.

Khi tôi và S (Anh Xã bây giờ)  yêu nhau, điều tôi lo lắng là vấn đề tôn giáo. Nhưng tuyệt nhiên ba không bao giờ nhắc đến chuyện này. Trong thời gian S  bị  đưa đi cải tạo, có lần đang đi cùng với ba, tôi xin ba dừng xe trước nhà thờ Đức Bà. Ba hỏi “Con muốn  đi đâu?”. Tôi rụt rè  “Con muốn vào nhà thờ cầu nguyện cho anh S.” Ba dừng xe lại, im lặng không nói một lời dù có chút băn khoăn trong ánh mắt.

Rồi một ngày, từ trại cải tạo Chi Lăng Châu Đốc, S viết thư xin phép ba má cho tôi được đi thăm anh. Đối với tôi điều này thật khó, vì từ thuở bé tôi chưa bao giờ đi xa mà không có ba má bên cạnh nên làm sao ba có thể đồng ý và an tâm khi tôi một thân, một mình đến vùng đất xa lạ. Nhưng những lời thư tâm tình đầy tha thiết của S đã khiến ba gật đầu trong sự ngạc nhiên của má và tôi. Làm sao nói hết nỗi xúc động và lòng biết ơn sâu xa của tôi khi tôi biết rằng sau cái gật đầu đó là nỗi âu lo tràn đầy trong tấm lòng quảng đại của người cha đã tôn trọng tình cảm riêng tư của con mình.

Đến khi S trốn khỏi trại cải tạo Vườn Đào, Mộc Hóa và thất bại trên con đường tìm kiếm lực lượng kháng chiến, anh đến nhà xin phép ba tôi cho tá túc một thời gian để tìm hướng đi khác. Ba tôi đã không ngần ngại gật đầu dù biết rằng nguy hiểm đang cận kề. Cái gật đầu thứ nhất và cái gật đầu thứ hai nói lên sự hy sinh và lòng thương con vô bờ bến của ba đối với tôi.

Khi S biết chuyện kháng chiến chỉ là tin đồn, không có thật hoặc có thì cũng là sự tập họp của một nhóm nhỏ chứ không phải là tổ chức lớn đáng tin cậy thì chúng tôi quyết định kết hôn. Có người hỏi tôi, tại sao lại tổ chức đám cưới trong hoàn cảnh không an toàn cho S. Nhưng biết làm sao hơn khi tôi nghĩ rằng đó là cách tôi trả hiếu cho ba má. Tôi là đứa con duy nhất, không có anh chị em nào để thay thế tôi làm nở mặt, nở mày cho gia đình. Nếu ba má tôi phải đối diện với những lời chê bai, gièm xiểm vì con gái mình lấy chồng một cách lén lút thì tôi cảm thấy có lỗi với ba má. Không biết cách suy nghĩ của tôi đúng hay sai nhưng quả tình nếu có chuyện bất trắc xảy ra cho S chắc tôi phải suốt đời ân hận. Nhưng rồi đám cưới đã diễn ra một cách êm ả. Ngoài vài người bạn thân rất lâu không ai biết chú rể là người yêu năm xưa của tôi trong cuộc tình kéo dài chín năm với biết bao khắc khoải đợi chờ.

Tạ ơn Chúa đã  ban ơn cho chúng tôi vượt qua được tất cả những gian nan với bao hiểm nguy chực chờ trong cuộc sống đầy khó khăn cho đến ngày lên tàu vượt biên và được định cư tại đất nước đầy nhân ái này.

Ngày qua ngày. Tháng qua tháng. Năm tiếp năm. Chín năm sau ba má tôi được đặt chân đến Mỹ để sum họp cùng con cháu. Ba tôi thích nghi rất nhanh với đời sống ở đây. Ba có thể tự lái xe đi khắp nơi. Với chút vốn liếng tiếng Anh, ba cũng có thể giao tiếp trong trường hợp cần thiết. Một điều thật bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi là ba má đã trở thành con cái Chúa. Có lần ba hỏi con gái tôi, lúc ấy khoảng mười hai tuổi:

-Ông ngoại chỉ có hai đứa là cháu. Nếu con muốn ông ngoại làm điều gì cho con vui thì ông ngoại sẽ làm.

Rất ngây thơ, con bé thật thà đáp:

-Con muốn ông ngoại theo đạo để đi nhà thờ với tụi con.

Ba tôi gật đầu đồng ý. Ngày trước, tôi không nghĩ là ba chấp nhận cho tôi theo đạo chồng, vì ông thường lo sợ sau này mất đi sẽ không có ai thờ cúng. Vậy mà lại có ngày ba má đã cùng chúng tôi đi lễ mỗi tuần. Tất cả đều bắt nguồn từ tình thương bao la như biển cả của ba.

Giờ đây, ba tôi đang bình an trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hẳn ba rất vui vì “nhìn thấy con có một gia đình hạnh phúc” như ba đã từng nói với tôi trong những năm tháng cuối đời.

NGÂN BÌNH

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search