T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Tả tơi nhung lụa

Tranh (Diễm Hạ)

         -Mẹ cho con nói.

-Thôi! vậy là đủ rồi. Cám ơn cô đã cho tôi hiểu rõ số phận vô duyên, bạc bẽo của tôi. Hơn hai mươi năm vất vả, cực nhọc nuôi cô khôn lớn, rồi gả cô vào nơi nhà cao cửa rộng, giàu sang phú quý, bây giờ đã là bà kỹ sư này, kỹ sư nọ, nên cô đâu còn nhớ đến ai, đâu còn xót thương ai. Người ta có con nhờ con, còn tôi thì cái số ăn mày…

-Mẹ!!!

Tiếng gác máy vang lên khô khan, nhức nhối. Tôi thẫn thờ dựa vào thành ghế nhìn những vạt nắng như đổ lửa ngoài hiên nhà với nỗi chán nản cùng cực. Cứ mỗi lần mẹ điện thoại là tôi lại phải nghe một điệp khúc quen thuộc “cám ơn cô đã cho cho tôi hiểu rõ số phận vô duyên, bạc bẽo của tôi..”. Nhiều lần tôi muốn nói với mẹ, bốn chữ “vô duyên bạc bẽo” đó mẹ dành cho con thì đúng hơn mẹ ạ! Chưa bao giờ mẹ hỏi tôi, bây giờ con sống ra sao? con có hạnh phúc không? Có lẽ trong ý nghĩ độc đoán của mẹ, tôi đã được “gả vào nơi nhà cao cửa rộng, giàu sang phú quý, bây giờ đang là bà kỹ sư này, kỹ sư nọ…”nên đương nhiên là phải sung sướng. Tôi bật cười một mình. Không nhìn vào gương, tôi cũng biết nụ cười của mình khó coi đến dường nào. Cười mà như mếu, cười mà nước mắt len ra từng giọt và cuối cùng là tiếng khóc vỡ òa. Nếu mẹ biết được sự thật cuộc sống nhung lụa của tôi không biết mẹ sẽ nghĩ sao?

Bốn năm trước, tôi đang hồn nhiên hạnh phúc với mối tình đầu thơ mộng thì mẹ bắt tôi phải lấy chồng, một người chồng không cân xứng với tôi về tuổi tác cũng như ngoại hình. Ngày trước, mẹ không ngớt lời khen ngợi Việt  – người yêu đầu đời của tôi – nào là đẹp trai, ngoan ngoãn, nào là chăm chỉ, giỏi giang… Nhưng tất cả những thứ ấy đã bị xếp hạng sau hai chữ “Việt kiều”khi Tín xuất hiện qua một người bạn của mẹ làm mai mối.

-Thời bây giờ mà vẫn còn cái cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó sao em? hay chỉ là cái cớ để em có thể đi với người ta đến cái xứ sở văn minh, giàu có mà không bị áy náy, ray rứt trong lòng.

Tôi còn biết nói thế nào với Việt. Làm sao anh có thể tin rằng, mẹ tôi  – người đàn bà chưa bao giờ là dâu thảo, chưa bao giờ là vợ ngoan và cũng chưa bao giờ là mẹ hiền –  có đủ uy quyền để nắm vận mạng của mọi người trong gia đình, từ chồng cho đến con. Việt làm sao có thể tin rằng, chỉ một cái lắc đầu từ chối của tôi mà cả nhà bị họa lây. Ba vừa nhỏ nhẹ khuyên can:

-Con nó không đồng ý thì thôi, bà đừng ép nó tội nghiệp.

Thì mẹ tôi đã nhảy lên, hét như tát nước vào mặt ba:

-Ông nói cái gì… thứ đàn ông vô tích sự như ông, làm không ra tiền để vợ con phải nghèo nàn, khốn khổ mà còn dám lên tiếng, dám ý kiến này nọ nữa à? Nhìn chung quanh đi, người ta nhà cửa tráng lệ, xe cộ bóng láng, quần áo lụa là còn tôi thì sao?… như một con ở đợ….

Ba quay lưng thật nhanh để giấu những giọt nước mắt tủi nhục sau cánh tay gầy gò. Và suốt ngày đó các em tôi bị nhịn đói, bị cấm cửa không được bước chân ra khỏi nhà. Thằng Út nhìn tôi, rồi nhìn mẹ bằng đôi mắt bất mãn:

-Chị Huệ Ân không chịu thì mẹ bỏ đói một mình chị thôi, mắc mớ gì con mà không cho con ăn cơm.

Mẹ đang giận sôi gan, nên quay phắt lại, chỉ tay vào mặt từng đứa hét lớn:

-Cái lũ ăn hại, mang nặng đẻ đau, nuôi nấng chúng mày cực khổ mấy mươi năm chẳng ích lợi gì cả.

Mấy đứa em im thin thít đưa mắt nhìn tôi. Tôi cúi đầu bối rối vì cảm thấy mình có lỗi. Thằng Út … chắc là đói quá nên nổi cơn, ưỡn ngực, gân cổ cãi lại:

-Con đâu có muốn hiện diện trên cõi đời ô trọc này. Con còn chưa kiện má về cái tội tự ý sinh con ra khi chưa hỏi ý kiến của con chứ ở đó mà kể lể. Chỉ là do má muốn tìm cảm giác lạ mà thôi.

Ba tròn mắt sững sờ. Mẹ tái mặt im phăng phắc. Không biết thằng Út đã học câu nói này từ đâu, nhưng khờ khờ như nó mà biết áp dụng đúng chỗ cũng đủ làm cho mẹ phải mím môi, kềm hãm cơn giận đang phừng phừng để nhịn thua, vì không biết nó sẽ nói những gì tiếp theo. Nhưng chỉ sau nửa giờ sau thằng Út đã bị mẹ tóm cổ, trói vào chân bàn, đánh một trận bầm tím chân tay và hai bên má bị tát đỏ au, đôi môi sưng vù.

Một tuần trôi qua, không khí gia đình nặng nề, buồn bã như đang chìm trong màu tang chế. Tôi không đủ cứng rắn, cũng không đủ quyết tâm để làm theo lời xúi biểu của Việt “phải kiên trì chống đối đến cùng”. Lời van xin thống thiết của các đứa em thơ dại đã khiến lòng tôi mềm nhũn, xót xa. Tôi cắn môi tắt máy, quăng điện thoại vào góc tủ, mếu máo gật đầu:

-Con bằng lòng, mẹ đừng hành hạ các em nữa.

Thế là đám cưới diễn ra tưng bừng với nụ cười mãn nguyện, tự đắc của mẹ, với ánh mắt đớn đau, chứa đựng sự oán trách của Việt và trái tim đau buốt của tôi cùng những giọt nước mắt dang dở tình đầu.

Hai năm sau tôi theo chồng về Mỹ để bắt đầu “cuộc sống nhung lụa”mà mẹ hàng ngày vẫn vẽ vời cho tôi. Nhưng mẹ nào biết, chỉ đến Mỹ một thời gian ngắn ngủi, cái mặt nạ rộng rãi, khéo léo, tế nhị của chàng rể quý của mẹ đã rơi xuống một cách nhanh chóng đến ngỡ ngàng. Khi tôi đã tỉnh táo sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi và sức khỏe sa sút trầm trọng vì rất nhiều nguyên nhân, Tín -chồng tôi- đã đưa ra một bảng kế hoạch cho sinh hoạt gia đình. Trong đó:

– Tôi phải theo nghề nail, vì đây là nghề dễ học mà lại kiếm được nhiều tiền.

-Không được gửi tiền về gia đình khi tôi chưa làm ra một đồng cắc nào -dù trong ngày cưới anh đã long trọng hứa với ba mẹ vợ sẽ gửi tiền chu cấp hàng tháng khi hai vợ chồng về đến Mỹ.

-Không được giao du, tiếp xúc với bạn bè cũ ở Việt Nam.

-Không được kết thân với bất cứ ai, tất cả chỉ ở mức độ xã giao bình thường.

-Phải vui vẻ làm tròn bổn phận người vợ trong trách nhiệm săn sóc nhà cửa, giữ gìn mọi thứ đều sạch sẽ và đúng cách vệ sinh…

Tôi ngồi im lặng để nghe Tín đọc “nội quy” và nhìn anh như nhìn người cai tù mà tôi phải lệ thuộc đến hết cuộc đời còn lại.

Ngay lúc tôi chưa vào lớp học Tín đã tính tiền lương tôi sẽ kiếm được khi chính thức trở thành thợ nail, rồi phải gửi về gia đình bao nhiêu -một con số rất hạn chế- chi tiêu bao nhiêu cho tiền ăn, tiền điện, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm xe -dù bây giờ tôi chưa được tập lái xe. Không thấy Tín đề cập đến tiền lương của anh, tôi hỏi, thì được trả lời:

-Anh đang thất nghiệp.

Tôi vô cùng ngạc nhiên:

-Vậy lúc ở Việt Nam, sáng sáng anh mở laptop ra, nói là phải theo dõi diễn tiến công việc để phân công tác cho nhân viên của anh là sao?

Tín cười đắc ý:

-Không làm vậy, làm sao mẹ vợ chịu gả con gái.

Tôi nhìn Tín bàng hoàng, tức giận, vì một cú lừa quá ngoạn mục của chàng rể quý của mẹ. Nếu nghe được những lời thú tội rất thành thật này không biết mẹ sẽ nghĩ sao. Tức giận? bẽ bàng? vì một người sành sõi như mẹ mà không nhìn ra chân tướng của chàng rể mẹ đã khéo chọn.

Theo đúng chương trình Tín đã đề ra, tôi ghi danh học nail. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Ngay ngày đầu tiên, mùi hóa chất từ các loại dành cho nail đã làm tôi nhức đầu khủng khiếp -tôi vốn có bệnh nhức đầu kinh niên- Tuy vậy, tôi cũng cố gắng cả tuần, nhưng cuối cùng đành chịu thua, vì  bị dị ứng quá nặng. Thay vì lo lắng cho sức khỏe của tôi -là vợ anh- Tín lại cau mày khó chịu:

-Người ta chịu được thì mình phải chịu được, sao không ráng thêm chút nữa?

Tôi ôm đầu khổ sở:

-Em đã ráng lắm rồi nhưng không thể chịu được những cơn nhức đầu như búa bổ. Cứ thế này rồi phải đi bác sĩ mãi chắc cũng cạn túi tiền.

Nghe đến đây, Tín có vẻ ngần ngừ một lúc rồi đề nghị:

-Vậy em đổi qua học tóc đi, nghề này cũng hái ra tiền không kém.

Rồi không cần hỏi ý kiến của tôi, Tín hấp tấp bước đi:

-Bây giờ anh lên trường để nói chuyện xem sao. Trời ơi! sao mà xui xẻo quá!

Tôi nhìn theo dáng đi thấp chủm, tròn quay và cái đỉnh đầu trống hoắc của Tín mà nghe lòng chán chường.

Ngày xưa, khi chấm tử vi cho tôi, bác Tám nói trong cung phu của tôi có sao thiên đồng và thiên lương, nghĩa là sẽ có chồng xứng đôi, vừa lứa. Nhìn Tín rồi nhìn tôi, lứa chẳng xứng mà đôi cũng khập khễnh. Như thế là bác Tám sai hay số mạng tôi thay đổi? Nhưng nếu vóc dáng bên ngoài không được đẹp mắt, mà tính tình tốt lành thì tôi cũng tự ép mình an phận với cái tôi đang có. Đằng này, nơi Tín, tôi chỉ nhìn thấy những nết xấu như bủn xỉn, tham lam, ích kỷ. Khi ở Việt Nam, Tín tiêu pha như ông hoàng, khiến mẹ tôi choáng mắt. Bà vui mừng hí hửng vì tưởng mình đã đào trúng cái mỏ vàng. Nếu bây giờ mẹ biết anh tính toán từng li, từng tí với vợ, với bạn và những người chung quanh mẹ sẽ nghĩ gì?

Bên cạnh những tính nết khó chấp nhận đó, Tín còn khó khăn trong việc ăn uống. Anh quy định, mỗi bữa ăn phải có hai món nóng hổi. Bữa trưa và bữa chiều, thức ăn phải khác nhau. Quan trọng là phải tính toán phần ăn cho vừa đủ, không được dư ra, vì anh không ăn thức ăn cũ, mà vất bỏ thì phí tiền là điều anh không muốn. Anh chi ly như thế nhưng khi vào nhà hàng buffet, nhìn cái diã cao nghệu của anh, tôi giật mình:

-Trời! anh ăn hết từng này hay sao?

Anh rút vai thản nhiên:

-Lấy một lần để khỏi mất công đi nữa, ăn không hết thì bỏ… có phải trả tiền thêm đâu mà sợ.

Những khi có cuộc họp mặt với bạn bè cũ cùng trường và theo giao ước, mỗi người sẽ đem một món, thì món Tín đóng góp lúc nào cũng giống nhau, không salad thì cũng bắp hộp. Có lẽ, chính anh cũng cảm thấy khó coi, nên cứ hay bào chữa, món này rất “healthy”. Nhưng nếu ai để ý, sẽ thấy Tín không bao giờ đụng đũa đến món ăn của anh, mà toàn là những món ngon và đắt tiền của người khác mang đến. Khi thức ăn còn thừa, chủ nhà kêu gọi, quý vị nào thích có quyền lấy hộp “to go”thì anh sẽ là người giơ tay đầu tiên. Tôi thật tình xấu hổ, nên ngay lúc đó tôi thường ra xe trước, dù biết rằng làm như thế thì suốt con đường trở về nhà tôi sẽ được anh dạy dỗ, trách móc đủ thứ, nào là tự ái hão, không biết nắm lấy cơ hội -cơ hội gì? cơ hội ăn bòn của người khác à?, nào là không biết tính toán lợi hại -để ngày mai khỏi phải nấu ăn, vừa đỡ tốn tiền. Tín cũng có cái đáng khen là dễ dàng thích nghi với hoàn cảnh, nghĩa là trường hợp này thì anh lại sẵn sàng ăn thức ăn cũ.

 

***

-Làm gì mà suốt từ sáng đến giờ em cứ thở dài hoài vậy?  Ăn trưa đi, để một chút có khách lại phải nhịn đói.

Tôi đứng lên đi vào phòng ăn. Từng muỗng cơm đưa lên miệng nhưng tôi nuốt không trôi. Nhớ lời của mẹ mà lòng tôi cứ thấp thỏm. Làm sao để có số tiền năm trăm đô gửi cho mẹ, trong khi tất cả tiền lương của tôi đều phải nộp cho Tín, ngay cả khi tôi đi chợ về, Tín cũng lục lọi xem biên nhận để đòi lại số tiền còn dư .Tín thường nói:

-Trong nhà anh lo toan hết mọi chuyện, em đi đâu cũng đi với anh thì giữ tiền làm gì, lỡ mất thì phí của.

Tôi không biết lái xe, không biết đến cái tập “check” của ngân hàng thì còn có thể làm được gì. Thỉnh thoảng, Tín gửi cho gia đình tôi hai trăm đô. Thế là may mắn lắm, mà mẹ đâu biết nên cứ tru tréo, thời buổi này làm gì được với hai trăm đô, rồi mẹ mắng nhiếc tôi keo kiệt. Tín thì bĩu môi chê bai mẹ tôi chỉ biết ham tiền, chứ không biết trọng tình nghĩa. Còn tôi luôn bị dằn vật với ý nghĩ mình vô dụng, không lo lắng, giúp đỡ gì được cho cha mẹ và các em, nên không biết từ bao giờ trên môi tôi đã thiếu vắng nụ cười. Chị Thương  -chủ tiệm tóc-  bảo tôi:

-Con nhỏ này đẹp, mà sao lúc nào cũng u uẩn. Phải cười tươi mới có đông khách, có đông khách mới có nhiều tiền chứ.

Tôi thở dài:

-Tiền nhiều mà không được xài thì em cũng chẳng ham.

Chị Thương tròn mắt, gật gật cái đầu:

-Nói chơi hay nói giỡn vậy nhỏ?

-…

-Chị em làm việc chung với nhau, có chuyện gì khó khăn cứ nói ra, mỗi người một ý kiến, biết đâu cũng giúp được em chút gì.

Nhìn ánh mắt trìu mến của chị Thương tôi cảm thấy như được an ủi, nên không ngại ngần kể hết mọi chuyện …

Chị Thương nghe xong lắc đầu trầm ngâm:

-Sao lại có loại đàn ông bần tiện như thế hả? Hèn chi, lâu lâu chồng em hay hỏi hôm nay khách có đông không? tiền tip có nhiều không? Chị cứ tưởng là anh ta nói chuyện xã giao, chứ đâu ngờ là một cách để theo dõi và kiểm soát thu nhập của em. Bởi vậy, với loại người này mà em thật thà ngay thẳng là dại. Chị bày cho em….

Thế là, từ đó mỗi buổi chiều trong túi tôi có rủng rỉnh được vài chục bạc. Chị Thương gặp Tín thì làm ra vẻ chán chường, luôn miệng than thở:

-Nản quá, thời buổi kinh tế khó khăn nên khách hàng cũng tiết kiệm, tiền tip không bằng phân nửa lúc trước.

Tín tin như thế, nên tôi an tâm giữ lại hai phần ba tiền tip cho riêng mình và mỗi tháng tôi có được vài trăm để gửi về cho ba mẹ. Tôi chưa kịp vui hết nỗi vui, thì mẹ lại bắt đầu đòi hỏi thêm, khi thì cần tiền để mua bộ sofa mới, khi thì… cái TV nhỏ xem mỏi mắt quá, mẹ cần cái lớn hơn. Bao nhiêu cái cần của mẹ làm tôi bấn loạn. Tôi đã nói thật cho mẹ biết, mỗi lần gửi tiền cho mẹ là tôi phải dấu Tín, nhưng mẹ cũng chẳng cần thắc mắc tại sao, chỉ vỏn vẹn một câu nói thật đau lòng:

-Con làm gì thì làm…  phải có tiền gửi cho mẹ ngay, đừng để mẹ nói với chồng con…

Mẹ sẽ nói gì với Tín? không lẽ“Huệ Ân đã nói dối con, dấu tiền tip gửi về cho mẹ”. Và nếu chuyện vỡ lỡ, tôi bị Tín chửi mắng, đánh đập mẹ có xót xa, có đau lòng không? Có lẽ, mẹ không tin những lời nói rất thật của tôi. Có lẽ, mẹ nghĩ tôi đang dối gạt bà để khỏi gửi tiền.

-Ba mẹ và các em chỉ mong có được một phần rất nhỏ những gì con đang đang hưởng là đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Con tốt số quá mà… từ đây đến suốt đời được sống trên nhung lụa.

Tôi bỗng nhớ đến những dòng chữ trên email mà Việt đã gửi cho tôi tối hôm qua như lời mỉa mai chế giễu “Em có hạnh phúc không?  Để anh đoán thử nha. Em đang hạnh phúc… nhưng chắc là hạnh phúc buồn, nên nụ cười của em trong những tấm ảnh mà thằng Út cho anh xem không còn là nụ cười rạng rỡ, tươi tắn nhất thế giới mà ngày xưa anh vẫn khen”.

Tôi không còn kềm giữ được sự phẫn uất đã đè nén trong lòng bấy lâu nay, nên hét lớn vào điện thoại:

-Vâng!  con đang sống trong nhung lụa, nhưng là mảnh nhung lụa tả tơi mẹ có biết không?

Tôi buông máy, gục đầu vào thành giường khóc tức tửi []

 

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 20231

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search