T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Thềm hạnh phúc

clip_image002

Ảnh : Đặng Hiếu Sinh

Cánh cửa xe đóng lại, Quan lầm lũi bước đi, không một lời tạm biệt, không một câu dặn dò, dù chỉ cho có lệ. Tôi nhè nhẹ thở dài. Tiếng thở dài như một thói quen, không biết đã có từ lúc nào, để rồi sau đó, tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ an phận “tính Quan đã vậy, một cái vẫy tay hững hờ còn chưa có, đợi chờ chi một lời nói”. Trong cuộc sống, hẳn mỗi người đều có một niềm riêng dấu kín và một mơ ước rất thầm. Tôi cũng vậy. Niềm riêng ấy là nỗi xót xa bất tận, nó đến từng giờ, từng ngày bởi sự vô tình, lạnh nhạt của Quan. Và nếu có được một điều ước, tôi chỉ ước được một lần nghe câu nói yêu thương từ người chồng non hai mươi năm sống cận kề bên nhau, nhưng tình thì vơi, mà nghĩa cũng chẳng đầy.

Buồn đã nhiều, nhưng nỗi tủi thân càng nhiều hơn khi tôi tận mắt nhìn thấy những âu yếm, chiều chuộng mà Huyện -em trai của Quan- dành cho vợ mình. Ước gì Quan có được một phần nhỏ những đức tính ấy. Kỳ Hoa -cô em dâu- đôi lần trố mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy sự lãnh đạm của Quan. Đưa hai bàn tay ra phía trước, rút vai, Hoa lắc đầu khó hiểu:

-Hình như anh Quan không biết ga lăng là gì? Đi ra đường, đố ai biết chị là vợ của anh ấy. Sao có thể vô tâm đến thế?

Câu hỏi tiếp theo có chút gì thương cảm, xót xa:

-Anh Quan như vậy, chị có buồn không?

Tôi cười gượng:

-Buồn thì cũng không thay đổi được gì. Riết rồi cũng quen cô ạ!

Thật ra, Quan rất hiền lành, anh không bao giờ hoạnh họe tôi điều gì. Nếu không vừa ý chuyện chi, anh chỉ nhìn tôi, lắc đầu một cái rồi bước đi, không nói một lời. Nhưng chính điều đó làm tôi cảm thấy nặng nề hơn. Đôi khi vợ chồng cũng cần tranh luận, cãi vả, vì đó là cơ hội để hiểu nhau hơn. Còn im lặng là nuốt cái bực bội, bất mãn, buồn phiền vào trong lòng và như thế chỉ làm cho cái khoảng cách đã có sẵn mỗi ngày một dài hơn. Nói ra thì không ai tin, nhưng sự thật, đôi khi, cả ngày tôi và Quan không nói với nhau một tiếng. Cái không khí im vắng trong căn nhà quen thuộc khiến tôi đôi lúc phải rùng mình khi chợt nghĩ, có thật chúng tôi đã là vợ chồng gần hai mươi năm?

Có lần Kỳ Hoa hỏi tôi:

-Hồi đó, anh Quan nói sao mà chị ưng anh ấy?

Câu hỏi đó cũng là câu hỏi tôi đã tự đặt ra cho mình. Và câu trả lời cho Hoa cũng là câu trả lời cho chính tôi:

-Cũng không biết…. ma đưa lối, quỷ đưa đường sao mà tôi lại nhận lời làm vợ của Quan.

-Trời! chuyện ăn đời ở kiếp mà chị nói như giỡn chơi.

Có lẽ vậy! Tôi và Quan làm chung hãng khoảng bốn năm. Không thân thiết, nhưng gặp nhau hàng ngày. Đôi khi, trong tổ làm việc có người đau yếu thì tôi và Quan -hai người còn độc thân- đại diện tổ đi thăm viếng. Rồi có một ngày, trong lúc trú mưa ngoài hiên bệnh viện, tôi nói với Quan:

-Thấy anh Kiên tội quá, bệnh hoạn vậy mà không có người thân bên cạnh. Không biết khi xuất viện, về nhà một mình, làm sao anh ấy có thể tự săn sóc được.

Lòng nao nao buồn khiến mắt tôi rớm lệ. Quay sang bên cạnh, tôi thấy thoáng chút bùi ngùi trong cái lắc đầu thương cảm của Quan. Trời vẫn đổ mưa tầm tã. Giữa khoảng không gian u ám, thê lương của buổi xế chiều, Quan chợt hỏi:

-Bao giờ Châu lập gia đình?

Tôi đưa tay che những giọt nước mưa hắt vào mặt, nghịch ngợm trả lời:

-Chừng nào anh cưới vợ thì Châu lấy chồng.

-Chờ vậy chắc hơi lâu, vì tôi chẳng có ai để cưới.

Tôi rút vai cười thoải mái:

-Châu cũng vậy, đâu có ai thèm để ý đến một đứa con gái xấu xí như Châu!

Sau đó là một khoảng im lặng. Hình như tôi và Quan cùng lắng chìm trong những ý nghĩ mông lung. Bỗng Quan quay sang, nhìn thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn thật nghiêm túc:

-Vậy… Châu… nghĩ sao, nếu anh đề nghị hai đứa mình kết hôn?

Tôi nhìn sửng Quan, tự hỏi, biết bao năm làm việc chung, tôi chưa bao giờ thấy Quan dành cho tôi một cử chỉ thân mật, một lời nói ngọt ngào chứa đựng ý tình thầm kín, vậy thì lời cầu hôn này có phải chỉ là sự bỡn cợt? Tôi nghiêm giọng:

-Châu không thích anh nói đùa như thế!

Bằng cái nhìn kiên quyết, Quan gật đầu trong câu nói chắc nịch:

-Anh không đùa. Anh nói thật.

Tôi muốn nói, anh hãy về suy nghĩ chín chắn hơn, nhưng lại sợ… lỡ Quan đổi ý. Với số tuổi ba mươi và nhan sắc chưa đạt mức trung bình, từ bé đến lớn chưa hề có một người bạn trai, chưa một lần được hẹn hò để biết thế nào là cảm giác yêu thương, thì lời cầu hôn của Quan đối với tôi có một sức hấp dẫn lạ thường. Dù biết rõ lòng mình không hề thổn thức vì tình yêu, mà chỉ rung động vì lời cầu hôn bất ngờ, nhưng tôi lại ngập ngừng không muốn buông lời từ chối. Có lẽ Quan cũng vậy, hình ảnh cô độc, quạnh hiu đến não lòng của anh Kiên đã thúc đẩy Quan đến với ý niệm, ai cũng cần phải có đôi có bạn, có một mái gia đình, có một người bạn đời để nương tựa nhau khi ốm đau, bệnh hoạn. Những lý do không dính dáng đến hai chữ tình yêu đó đã kéo tôi và Quan lại gần nhau trong phút giây xao động tình cờ. Cũng có thể nói rằng đó là định mệnh. Cái chữ định mệnh thường được dùng để trả lời một câu hỏi đưa người trong cuộc vào lối bí.

Thế rồi đám cưới đã diễn ra trong sự ngạc nhiên của các bạn đồng nghiệp. Thời gian đầu, chúng tôi đã có những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng sau vài năm, khi cuộc sống vợ chồng bắt đầu tẻ nhạt vì thiếu vắng bóng dáng và nụ cười trẻ thơ, tôi đã cùng Quan đi khắp nơi tìm kiếm bác sĩ cũng như thầy thuốc giỏi để chạy chữa. Cho đến khi con số đánh dấu ngày kỷ niệm kết hôn lên đến số mười thì chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Lỗi không phải tại tôi cũng không phải tại Quan, nhưng vì sao chúng tôi không thể có con, bác sĩ không thể giải thích được. Thôi thì tôi đành an ủi mình bằng hai chữ số phận. Phần Quan, hình như anh có cách suy nghĩ khác, nên trở thành một người lầm lì, ít nói. Có những đêm thức giấc nửa khuya, tôi tìm thấy Quan ngồi bất động trong góc vắng của phòng đọc sách, khuôn mặt như chìm khuất trong nỗi buồn bất tận, nên không nghe tiếng tôi ân cần, lo lắng “anh có sao không? không ngủ được à?”. Câu hỏi không được trả lời như loãng tan vào bầu không khí vắng lặng. Và cũng từ đó tôi biết, cái hạnh phúc vốn đã không đậm đà cho lắm sẽ bắt đầu nhạt nhẽo, lung lay.

***

Tôi gặp Thương tại một quán phở trong khu chợ Việt Nam. Không dấu được sự mừng rỡ, Thương ôm chầm lấy tôi, giọng xúc động:

-Gặp Dì con mừng quá. Nhiều khi nhớ Dì, con muốn gọi thăm mà không biết số điện thoại.

Tôi đẩy Thương ra, lùi lại, ngắm nghía một lúc rồi tát nhẹ vào chiếc má bầu bĩnh:

-Con lớn quá, Dì suýt nhận không ra. Con vẫn làm giúp mẹ chứ?

Thương cắn môi, nhè nhẹ lắc đầu:

-Con đã bỏ nhà đi hơn một năm nay.

-Sao vậy?

Ánh mắt Thương như sủng đầy nước mắt:

-Từ năm mười sáu tuổi con đã có ý định rời khỏi căn nhà mà con từng nghĩ rằng con không thuộc về nơi chốn đó.

Nhìn Thương tôi nhớ lại hình ảnh đứa con gái khoảng mười tám tuổi -người đầu tiên tôi gặp mặt khi đến shop may nhận việc sau một thời gian bị thất nghiệp. Đối với tôi, công việc này chẳng có gì thú vị -dù lúc mới qua Mỹ, nó đã giúp tôi có đủ tiền sinh sống trong giai đoạn đầu với nhiều khó khăn. Nhưng dù sao vẫn hơn là suốt ngày quanh quẩn trong nhà không biết làm gì cho hết giờ.

Lúc được giao hàng để vắt sổ, suốt một giờ tôi chẳng làm được bao nhiêu. Vì chưa quen máy, nên cứ bị đứt chỉ mãi, mà phải xỏ kim với năm đường chỉ quanh co, lắt léo đâu phải là dễ cho tôi ngay lúc ấy. Đã thế, chị chủ cứ đi tới, đi lui, quan sát bằng đôi mắt soi mói, khó chịu làm tôi càng quýnh quáng. Tôi bối rối phân bua, vì bỏ nghề lâu quá nên tôi quên mất phải xỏ kim như thế nào. Chị không trả lời. Nhưng cái nhìn trước khi quay lưng vào văn phòng của chị như ngầm hỏi “Có thiệt không đó?”. Dáng chị chủ vừa khuất sau cánh cửa, Thương đang đóng nút phía sau lưng tôi vội chồm tới nói khẽ “Dì qua cái máy này nè, cái máy đó hay bị trục trăc lắm”. Đúng như lời Thương nói, chiếc máy mới chạy trơn tru và chẳng bao lâu tôi thanh toán xong đống hàng cao ngất. Tưởng như thế chị chủ sẽ vui lòng, chẳng ngờ chị lại cao giọng gay gắt khi thấy tôi đổi máy “sao dành máy của người khác vậy?”. Tôi không biết trả lời sao thì Thương lên tiếng “Bữa nay cô Nam nghỉ làm, cái máy này bỏ trống…” Thương chưa dứt lời, chị chủ đã lớn tiếng nạt đùa “Đừng có tài khôn. Hôm nay mà không xong cái đống đồ đó biết tay tao. Mới ăn đòn hôm qua chưa tởn sao?”. Tôi ngạc nhiên nhìn chị chủ rồi nhìn Thương, thắc mắc không biết liên hệ của họ thế nào qua những câu nói trổng không. Cho dù Thương là người làm công như tôi, thì chị cũng chẳng có quyền đánh đập. Còn nếu là con, là cháu thì sự đối xử này quả thật có chút nhẫn tâm.

Một tháng làm việc ở đó, sự bất mãn của tôi ngày càng nhiều khi biết chị chủ chính là mẹ ruột của Thương, nhưng lại đối xử với Thương rất tệ bạc. Những ngày chị chủ đi lên hãng may, tôi thường gọi Thương đến ăn cơm chung. Bằng tất cả lòng thương mến, tôi chăm sóc cho Thương như con cháu của mình. Nhìn Thương nhai miếng thịt tôi vừa ân cần gắp cho với đôi mắt đỏ hoe, tôi không cầm được nước mắt, nhất là khi nhìn thấy mái tóc Thương méo xệch một bên, vì tối hôm qua vừa bị mẹ xẻn cho một nhát kéo -theo lời thóc mách của chị Nam. Thương không hé miệng than vãn một lời. Tôi cũng không tò mò hỏi vì sao, mà chỉ thầm xót thương cho đứa con gái tuổi còn ngây thơ đã phải hứng chịu nỗi bất hạnh do chính người mẹ sinh ra mình mang đến. Nhìn hai đứa em gái ỏng ảnh của Thương ăn diện như tài tử, bộ điệu ra dáng cô chủ nhỏ, tôi nhận rõ sự bất công của người mẹ đáng trách ấy và thương Thương vô hạn.

Ngày nghỉ trong tuần của Thương cũng là ngày nghỉ của tôi. Tôi thường tận dụng một vài giờ rảnh rỗi mà Thương có được trong ngày nghỉ ấy -nói là nghỉ, nhưng Thương phải bộn rộn với công việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa- để đưa Thương đi ăn hoặc đi mua áo quần, những cái Thương thích nhưng không bao giờ có tiền để sắm sửa. Nhìn ánh mắt hân hoan chan chứa sự biết ơn của Thương tôi nghe lòng mình tràn đầy hạnh phúc. Nhưng không ngờ sự ưu ái tôi dành cho Thương lại đi đôi với tai họa khi tôi tặng Thương một chiếc áo đắt tiền mà người em từ tiểu bang khác đã gửi đến để làm quà giáng sinh. Chị chủ nhìn thấy chiếc áo treo trong phòng Thương và đề quyết Thương đã đánh cắp số tiền chị vừa bị mất tuần trước để mua. Xui xẻo cho Thương là giá tiền trên chiếc áo lại gần bằng số tiền đó. Thế là Thương lãnh một trận đòn nhừ tử. Nhưng không hiểu tại sao Thương lại chẳng chịu nói đó là quà sinh nhật của tôi, như tôi đã cẩn thận dặn dò. Hai ngày không thấy Thương đi làm, tôi hỏi chị Nam và được nghe kể lại đầu đuôi câu chuyện. Chị không quên nói thêm “chắc là con nhỏ bầm mình nên bả sợ người khác thấy”. Tôi ngồi thẫn thờ trước bàn máy với nỗi xót xa “Dì đã hại con rồi Thương ơi”. Sau khi đắn đo suy nghĩ, tôi bước vào văn phòng và nói với chị chủ “Tôi có nghe chuyện của cháu Thương. Nhưng tôi xin nói rõ, chiếc áo của Thương là do tôi tặng chứ không phải cháu tự mua”. Chị chủ quắc mắt nhìn tôi “Bộ chị nghĩ con tôi rách rưới lắm sao mà phải mua quần áo cho nó. Đồ tào lao. Đi làm công mà cứ làm như mình giàu sang lắm”. Cái lối nói trịch thượng của người đàn bà này làm cho tôi muốn đốp chát cho hả cơn giận. Đúng! Thương không rách rưới, nhưng chỉ tội cho nó phải thèm thuồng những bộ quần áo đẹp của hai đứa em, chị không nhìn thấy sự bất công của mình hay sao? Nhưng tôi biết, tôi càng tỏ thái độ thì Thương càng khổ, nên cố nhẹ giọng “Tôi không nghĩ như chị. Tôi tặng Thương vì muốn tỏ lòng mến yêu cháu mà thôi”. “Con tôi có cha, có mẹ, ai nhờ chị thương”. Rồi chị nghênh mặt, khinh khỉnh tiếp lời “Đến đây làm việc để kiếm tiền chứ không phải để xía mỏ vào chuyện người khác. Lộn xộn có ngày mất việc đó”. Cơn giận lên tột đỉnh, tôi ném cái kéo đang cầm xuống bàn, rắn giọng “Chị khỏi cần hăm dọa, tôi sẽ nghỉ việc ngay bây giờ. Đối với con cái mà chị còn nhẫn tâm như vậy thì người ngoài có nghiã lý gì “. Từ ngày bước chân ra khỏi shop, tôi không còn biết tin tức của Thương.

Cầm bàn tay gầy guộc của Thương, tôi hỏi:

-Từ ngày đó đến giờ cuộc sống con ra sao? Bây giờ con đang làm gì?

-Con làm đủ thứ việc, nhưng số phận con hẩm hiu lắm Dì ơi, làm ở đâu cũng bị người ta ăn hiếp. Con buồn và tủi thân lắm. Mà nghĩ lại, mẹ còn không thương mình thì nói chi người dưng. Nhiều khi con muốn đi tìm ba, để hỏi tại sao hồi đó ba bỏ con, nhưng không biết làm sao. Con nghe nói, bây giờ nhờ internet mà nhiều người đã tìm được cha mẹ hoặc con cái của họ. Dì có thể giúp được con không?

-Dì cũng không rành chuyện này.

Nỗi thất vọng của Thương như tràn đầy trong đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, phảng phất nét u buồn. Tôi cảm thấy xốn xang trong lòng, muốn nói một câu an ủi nhưng cảm thấy như lạc lõng, vô duyên. Chợt nhớ đến Kỳ Hoa, tôi mừng rỡ reo lên:

-À! Dì nhớ rồi, hình như cô em dâu của Dì đã có lần giúp một người bạn làm việc này.

Tôi bấm máy gọi Kỳ Hoa. Thương nắm bàn tay tôi áp lên má. Những giọt nước mắt thi nhau rơi trên khuôn mặt rạng rỡ niềm vui:

-Con biết Dì sẽ giúp được con. Con đã từng nghĩ, trên đời này chỉ có Dì là thương con nhất, nên những lúc cô đơn, buồn bã con luôn nghĩ đến Dì. Tự trong lòng, con đã xem Dì như người mẹ thứ hai của con. Con cám ơn Dì, cám ơn Dì nhiều lắm.

Tôi ôm choàng lấy Thương trong cánh tay của mình, miệng thì thầm cầu nguyện cho đứa con gái tội nghiệp này được toại nguyện.

***

Kỳ Hoa nắm chặt tay tôi, giọng nói có pha lẫn niềm xúc động:

-Chị phải hứa với em là giữ bình tĩnh thì em mới dám nói cho chị nghe chuyện này.

Tôi nhìn Hoa khó hiểu trong khi nụ cười vẫn điểm trên môi:

-Hoa không biết sao, tính tôi vốn lì lợm mà. Bảo đảm tôi sẽ bình tĩnh đến cùng.

Kỳ Hoa nuốt nước bọt, hơi thở như dồn dập hơn. Bỗng nhiên, tôi thấy hồi hộp lạ lùng, nhưng cố giữ vẻ điềm tĩnh chờ đợi:

-Chị Châu, người cha mà con bé Thương nhờ em tìm là anh Quan.

Bàn tay đang vuốt tóc của tôi như rơi xuống. Tôi lắp bắp:

-Cô… cô … nói thật? Đừng đùa…

Có lẽ khuôn mặt đổi sắc của tôi làm Hoa lo sợ, nên Hoa lay nhẹ cánh tay tôi:

-Chị có sao không?

Không trả lời câu hỏi của Hoa, tôi hỏi dồn:

-Dựa vào đâu mà Hoa nói một cách chắc chắn như vậy?

Hoa cũng không trả lời câu hỏi của tôi mà nhìn thẳng vào mắt tôi dò xét:

-Điều này có quá sức chịu đựng của chị không?

Tôi hít một hơi sâu rồi thở ra nhè nhẹ. Nhớ buổi gặp lại Thương, con bé thủ thỉ tâm sự “con là con riêng của mẹ, nhưng con không bao giờ được biết ba mẹ vì sao lại chia tay. Năm mười ba tuổi con có hỏi mẹ một lần. Câu trả lời cho con là một cái tát đau điếng và lời hăm dọa, từ rày sắp tới còn lặp lại câu hỏi này thì cuốn gói đi ra khỏi nhà. Rồi có một đêm, sau khi mẹ và ba Hóa cãi nhau, mẹ đã đem tất cả hình ảnh thư từ bỏ vào lò sưởi. Chợt nhìn thấy một tấm ảnh rơi trên sàn nhà, con lén nhặt lấy và cất giữ. Trong ảnh là mẹ và người đàn ông đứng bên cạnh bế một bé gái. Con nghĩ người đó là ba của con”. Trước khi chia tay, tôi đã căn dặn Thương nhớ mang tấm ảnh theo để đưa cho Hoa sau khi Hoa và Thương hẹn gặp nhau vào tuần sau.

-Có một chuyện em dấu chị vì đã hứa với anh Quan. Anh ấy có nhờ em tìm dùm một đứa con bị thất lạc từ lúc nó được bảy tháng. Tên tuổi, ngày và nơi sinh đúng y của Thương. Thêm một sự kiện không thể lầm lẫn được là tấm ảnh Thương đang có. Người trong ảnh đúng là anh Quan hồi còn trẻ. Chị nghĩ sao? có đồng ý cho cha con họ gặp nhau không?

Bây giờ thì tôi hiểu tại sao có những đêm Quan ngồi bất động trong phòng đọc sách -có lẽ đó là lúc hồn anh đang quay về quá khứ. Và tại sao anh trở nên khép kín, ít nói, ít cười lại thường xuyên đến chùa để tham dự các khóa thiền -có lẽ để tìm sự bình an khi lòng đang bị dằn vật bởi sự hối hận. Tôi không trách Quan về chuyện đã xảy ra trước khi tôi và anh đến với nhau, mà tôi chỉ trách anh cố tình dấu diếm, không chịu chia xẻ, mà lại lạnh nhạt gần như né tránh tôi. Không lẽ trong suy nghĩ của anh, đó là cách chuộc tội với đứa con mà anh đã bỏ bê nó vì một lý do nào đó. Hay anh nghĩ rằng việc chúng tôi không có con là một hình phạt mà thượng đế đã dành cho anh, nên hành động tạo ra một khoảng cách với người vợ đang sống cạnh anh là một cách sám hối? Tôi lại nghĩ đến cái duyên hạnh ngộ giữa tôi và Thương. Chỉ gặp Thương vỏn vẹn có đôi ba tháng mà tôi thương yêu và hết lòng chăm sóc, che chở nó. Không biết Thương sẽ mừng vui đến chừng khi gặp lại người cha mà nó từng mong ước. Nhớ đến câu nói ngọt ngào của Thương “tự trong lòng, con đã xem Dì như người mẹ thứ hai của con” mọi nỗi buồn phiền trong lòng tôi như tan biến hết.

Đưa tay lên xem đồng hồ, tôi hối hả:

-Đã đến giờ chị phải lên chùa đón anh Quan. Hôm nay là ngày mãn lớp tu học.

Hoa nói bằng giọng lo âu:

-Rồi chị sẽ nói sao với anh Quan về chuyện này?

Xoa nhẹ bờ vai Hoa, tôi cười tươi tắn:

-Tôi sẽ nói, em có một món quà vĩ đại dành cho anh và em nghĩ rằng đây là món quà quý báu nhất mà anh chờ đợi rất lâu.

Hoa nheo mắt, đưa ngón tay cái lên.

-Chị number one. Nhưng coi chừng anh Quan sẽ té xỉu, vì bí mật của anh đã bị chị bật mí. Hoan hô tấm lòng đại lượng của chị.

Không biết Quan sẽ phản ứng ra sao? Cả Thương nữa, chắc tôi phải tốn cả hộp khăn giấy để lau nước mắt cho đứa con gái dễ thương của chồng tôi.

Ra khỏi cửa, tôi đưa mắt nhìn lên khoảng trời xanh ngắt mà nghe như bước chân hạnh phúc đang khe khẽ chạm vào thềm nhà []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search