T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: Đón…Tết

Mai Tết (Ảnh: LN)

Sau ngày đưa Ông Táo, ông cháu đi mua mai. Trong bụng em hơi thắc mắc sao không xuống chợ Xóm mới hay chợ Đầm là nơi em thấy vô số người bày bán mà năm nào cũng ra đón đường ở Mã vòng.

Đây không phải chợ hoa. Đây là nơi lái từ phía tây tới cửa ngõ thành phố bằng xe đạp, xe ngựa, xe đò. Có người nghỉ chân trước khi đi tiếp tới mấy chợ. Có người sang tay cho mối quen chờ sẵn để quay về. Không lúc nào tập trung đông nhưng lúc nào cũng có một hai lái liên tiếp nên rộng rãi; thuận tiện cho ông lòng vòng ngắm nghía; em lẽo đẽo theo, nghe ông nhận xét này kia. Ông có hỏi cũng chỉ lập đi lập lại “dạ đẹp” “đẹp thiệt”, biết không nên chê.

Ông thong thả trầm trồ với từng cành như mừng khách tới nhà. Mai rừng Cam Lâm, mai động Thuỷ Triều, cành nào đường nét cũng vừa gãy góc vừa bung cao rộng, cái dáng thôi đã bắt mắt, đáng tiền (không nghe ông hỏi giá dù có chuyện trò). Khi mặt trời đã cao, mất cả buổi với những bông nhiều cánh, 5 hay 6 là thường, mai cựu cả 10 cánh vàng rộm; ông chọn một cành mai vườn Diên Khánh “ở đây thì nó không bằng ai, về nhà mình bông nở sẽ đẹp, đây nì…nhiều nụ chưa”. Khi hỏi giá, mặt ông xịu xuống “còn cành kia?”…”cành kia?”.

Cuối cùng được một cành ba chục đồng, bằng 6 tô phở xe ban đêm.

-Mi cầm cho khéo, nụ không nhiều nhưng cành cỡ này vừa cho cái bình nhà mình”.

Kinh nghiệm mấy năm, em biết giá này là giá mà ông đã định trong bụng, có lời là phần ‘du ngoạn’ mà ông thích.

Nhà hai ông cháu. Mệ mất, O lấy chồng xa, mấy người kia cũng vậy. Ai chu cấp cho ông bao nhiêu, lúc nào, em không biết nhưng ông tiêu pha chừng mực, tiện tặn để không những đầy đủ mà còn phong lưu (mấy bạn em nói vậy khi thấy hai ông cháu khi đi đâu đó; ông thì áo lương khăn đóng, cháu quần xanh áo trắng ủi đàng hoàng, đi xăng-đan chớ không dép Nhật). Sáng mỗi người 2 đồng bánh căn hay xôi bắp. Hai bữa thì cơm tháng cà-mèn (thức ăn, còn cơm tự nấu); trưa học về em ghé lấy, sáng đi học em đem trả cho tiệm, khỏi trả tiền công giao.

Đèn bàn 25w để cháu học (bí mật: đọc truyện là chính) thì khuya mấy cũng được. Mấy bóng 40w treo trên trần cần mới bật, không cần là tắt, bất kể sáng tối; ông chỉ đọc sách ban ngày gần cửa sổ, một tay giơ cao quyển sách gập ngửa ngang tầm mắt và ánh nắng (hình như đó là cái lối mấy người học chữ Hán trân trọng kinh sách) tay kia phe phẩy quạt, đập ruồi hay đặt xuống để gãi đâu đó (Cô nhớ ba chữ ‘gãi sồn sột’ đắc địa trong bài luận của L. làm chấn động cả lớp?).

Giải trí thì có radio ông nghe tin tức, ca Huế; cháu hở ra là đạp xe đi kiếm bạn bè cùng lớp đệ ngũ, rong chơi đây đó. Cháu lén mở thật nhỏ nghe radio tiếp vận đài Sài Gòn khi ông đã đi ngủ. Chừng mực thôi, vì có tháng khi hết pin, ông tần ngần “3 cục pin kỳ này bị hở hơi hay sao chớ!?”

Ngoài khoản cơm tháng, cúng giỗ nhang đèn tốn tiền ông đều và nhiều nhất. Hình như vậy. Nhất là kỵ ông bà cố, mệ và thân nhân tuyệt tự; phải mua nhiều vàng mã, vải vóc áo sống chu cấp để họ qua ngày chờ đi đầu thai. Bù lại, lúc ông cong lưng viết chữ Hán, tên-sinh quán-ngày quá vãng của người nhận lên từng xấp giấy ngũ sắc, để khỏi thất lạc qua bưu điện ‘hỏa tốc’ là ông khoan khoái nhất. Gợi hứng cho ông kể chuyện dòng họ, nhân vật, bà con, xóm giềng xưa; còn hay đã mất…chuyện hay cũng như chuyện dở, cắc cớ, tào lao, tiếu lâm… thế nào cũng ca ngợi cái phúc lộc của những ai, nhánh nào, thậm chí người trong làng mà được tứ đại đồng đường, tứ đại đồng đường là nhất! “Nói ví dụ cho dễ hiểu, mi lấy vợ đẻ con trai ở nhà này, ba mạ mi cũng về đây, trời cho tau sống tới đó, voilà ‘tứ đại đồng đường!’ “. À quên…ông học chữ Hán không lâu, tam tự kinh thôi. Học quốc ngữ viết được thơ từ mạch lạc. Tây đóng đồn gần nhà lui tới cũng bập bẹ vài câu chào hỏi. Chắc vì không học cái gì cao siêu nên ông đơn giản phóng khoáng, lại thực tế thiệt thà vì tuy con địa chủ, ông cũng chỉ là một người làm ruộng (ông phát âm thành “mần roọng”). Mà chắc cũng vì vậy mà ông trọng chuyện học hành không thua ‘tứ đại đồng đường’. “Mi học được, cứ học”.

Thế giới của ông, tính từ bên này cho tới bên kia, đơn giản thông thương mạch lạc hợp lý…ông cứ vậy mà ‘an nhiên tự tại’ (lập lại chữ của Cô, em không chắc là áp dụng đúng); ăn ngủ với ông năm này tháng khác em không giống lông mà giống cánh, ưa ‘phóng’ xe tới nơi nào ‘khoáng’ đãng, để chi vậy không biết? Ở nhà cũng đâu tù túng gì? Hay vì hai bên tường phòng khách treo đầy những tấm liễn khách bạn tới thăm đám tang mệ? Cũng đâu có gì u ám. Thí dụ mấy tấm có hình bát tiên dọc hai biên. Sự tích ông nào nghe cũng hay, ông bà nào cũng “tiên phong đạo cốt”, trừ cái ông Lý Thiết Quài sống lại nhờ hồn nhập kịp xác người ăn mày, đen đủi râu ria (ai biểu chơi xấu Lã Động Tân khi ông tiên này ăn ở với người phàm mà không muốn để giống lại).

Nghe ông mà thấy có gì kỳ kỳ, hỏi, thì mười lần như một “mi đoán đi, vài bữa nghĩ không ra thì nhắc tau”, nhiều chuyện không hề nghĩ tới chớ đừng nói thắc mắc thì ông giảng giải, kể thâu đêm, bất kể cháu thức hay ngủ. Có ngủ không nghe thì bữa khác sẽ nghe, lập đi lập lại không mất đi đâu hết, ráp lại sẽ đủ đầu đuôi. “Mi biết vì răng mà họ bắt mấy đứa bây học lui học tới cho thành bài học thuộc lòng không? Để không mất đi đâu hết”. Nhờ ông kể chuyện, nhờ đọc truyện mượn, nhờ nghe đài Sài Gòn, nhờ hóng chuyện người lớn mà trước khi luyện Đồ long đao, em đã được truyền khẩu quyết “San Hậu”, “Bát Tiên” và nhiều công phu khác. (Hình như chỗ này em đi tào lao rồi, nhớ mấy lần bài luận của em được cô úp mặt giấy phát riêng, không đọc làm thí dụ cho cả lớp loại bài “lạc đề”).

***

Phần việc của em trước Tết là quét dọn trong nhà, ngoài vườn, coi thắt lại dây gàu…, sau đó chùi bụi bàn thờ, khung ảnh tượng. Tượng các Phật là hình vẽ không phủ nhiễu điều đã đành; hình cố, mệ là ảnh chụp cũng không, quanh năm ngồi ngó xuống như còn sống. Một ngày nữa là lấy tro bếp và chanh chùi đồ đồng: bộ ngũ sự bàn Phật, hai bộ tam sự bên ông cố và bên bà nội.

            Việc của ông thì mới thêm, khi còn đàn bà trong nhà ông cứ việc đọc sách, giờ thì nặng: làm bánh chưng bánh tét, từ nhân nhị, dầm nếp cho tới rửa lá đóng gói mất trọn hai ngày. “mi chỉ cần ngó cho kỹ, cho nhập tâm, khi thực hành tới cái thứ hai là được liền”, “nghỉ đi, xong tau giao mi nấu”. Nếu trước đây ông chỉ “ngó” mà khi cần, ông làm bánh trái tròn trịa không thua đàn bà thì Ngó là bí quyết phải viết hoa và giữ bí mật.

Lịch trình Tết không thay đổi: chiều 30 cúng rước ông bà (đồng thời có thể nấu bánh nếu trễ), trưa mồng Một, mồng Hai cúng bữa để ông bà dùng, trưa mồng Ba cúng đưa, dĩ nhiên gởi theo vàng bạc, vải vóc. Bốn bữa cúng này ngoài khả năng ‘nội trợ’ hai ông cháu nên nhờ người bà con nấu các thứ, chở xích-lô tới từng ngày.

Dù có bà con, khách bạn chia cái lộc ăn khi cúng xong, thường dư nhiều thức ăn; ông kêu dồn hết vô cái nồi to nhất, hâm lại mỗi ngày, ăn dần cả tuần mới hết xà bần này. Hương vị Tết phai dần thì ăn xà bần càng ngon. Giá có xà bần quanh năm thì hay biết mấy. Hết ngày Mồng thì lại cà mèn.

***

Tường ngoài nhà trên và nhà bếp so le, tạo ra một góc vuông 90 độ, cả hai vách không có cửa sổ; có cây ổi thấp, tán rộng, cách góc đâu 3 thước nên tuy mặt tiền nhà, khoảng ấy tương đối rộng mà khuất. Mắc chơi mà không muốn vô nhà, lâu lâu em hay đứng xoay lưng ra…, mình không thấy ai thì đâu có gì kỳ, có hôi xoong cũng ngoài trời. Tết, ông chọn chỗ đó để nấu bánh “chỗ ni khuất gió, lửa không bạt, ít hao củi, tốt”.

Hai ông cháu bưng gạch làm ba góc bếp, ở một góc ngoài, kê thêm mấy cục gạch dùng để nấu sôi ấm nước bằng lửa bếp chính khè qua, lâu lâu lấy ấm châm bù hao cho phủ mặt bánh. Ông xếp bánh vô thùng to. Ông phải làm chuyện này vì nếu để cho em thì không lần nào không dư bánh dù em đã ‘ngó’ ông làm mấy năm, “là mi con nít, ngó chưa kỹ mà lại hấp tấp, dục tốc bất đạt”.

Nấu bao nhiêu tiếng, châm nước khi nào, lúc nào cũng ra giếng lấy nước lạnh cho đầy ấm để muốn châm là có nước sôi sẵn. Đun củi cho lửa cháy đều. Ông giao hết cho em, tới giờ ông mới ra kiểm soát, bánh được thì ông là người vớt vì ông cao, tay dài, chịu được hơi nước nóng. Em đã có lần xin thử, thấy chưa đủ công lực. “Đậu trung học xong mi sẽ làm tròn trịa, con gái tuổi mi đã nấu được bữa ăn”.

Kê đòn gần gốc cây ổi, châm lửa châm nước mỗi lần xong là ngồi tựa lưng vô gốc cây ổi láng. Ngồi canh bánh đâu có gì mệt, mà nhìn phía trong góc là nơi mình nhiều lần làm chuyện riêng cũng là lúc nghĩ lan man. Một trong những chuyện ấy là lần ở trường chơi vật lộn, hai đứa ôm cổ nhau cùng té xuống đất chỗ dốc. Xương cánh tay của thằng bạn chấn ngang xương quai xanh. Đè nhau lộn một vòng nghe cái cụp, cùng đứng dậy, cùng chỉ dơ áo quần. Tối ngủ mới biết vùng xương quai xanh bên phải sưng cao, rộng, nóng, đau đau; chết cha! cái “Cụp” hồi sáng là bị nội thương! Muốn dấu ông vì sợ to chuyện, bạn bè dốc túi góp không đủ tiền xe đi thầy mần. Đêm nằm suy nghĩ, không biết làm sao. May cái là em nhớ có lần ông nói “nước đái làm tan máu bầm, bớt sưng”; bèn ra góc này phanh ngực, bụm tay vợt nó, úp úp vỗ vỗ lên cả vùng sưng, đứng chờ ráo, gài nút áo là xong. Dù lúc đang ở trong nhà cũng ra đây. Phật độ! chỉ hai ba ngày là hết nóng hết sưng hết nhức. Lấy tay rờ, soi gương thấy đòn gánh bị cụp, lún vô trong; vậy chỉ là ngoại thương không nguy hiểm nhưng muốn nong nó thẳng ra thì phải bác sĩ, nhà thương; không lẽ đã giải quyết vấn đề 9 phần 10 trong im lặng, lại chỉ vì chút xíu này mà loan báo cùng toàn thể đồng bào. Kệ nó.

Khoảng vài tuần sau soi gương lại, chỗ xương sụp đã tự vùng lên ngang mặt, hai xương quai xanh đối xứng 100%. Em muốn cúng tạ quá mà không biết làm sao. Rồi quên luôn. Rồi nghĩ tới bạn, thầy cô, ba, mạ, mấy em…ông nội… với những chuyện cổ lỗ sĩ mà thú vị. Đến mấy đứa bạn tới chơi nghe cũng thích.

Nghe như có tiếng nói chuyện trong nhà trên. Chắc ai tới đi Tết cho ông mứt bánh gì đó.

“Trời ơi Trời!… Mi về được sao! Ơn Trời ơn Phật!”

Tiếng của ông lớn hơn bình thường nhưng nghe như mừng, lạ?

“Trong bụng tau như linh tính cái gì…ai mà ngờ…”

“…..”

“Từ Suối Đôi về đây? Đường Ban Mê Thuật đi Kontum?… Ghé nhà  Pleiku rồi mới xuống đây!”

“Ngồi, ngồi con…cơ khổ…” “Mi thì cần chi phép”.

“….”

”đang coi bánh…để tau kêu…” “à mà nì… hay mi rửa cái mặt cạo cái râu đi đã”… “đừng làm nó sợ”

“….”

Không còn biết trời trăng gì nữa,biết chắc chắn đó là ba, em bung chạy vô nhà.

“Răng rứa?… Mi nói răng?…” “mi muốn đem đi liền! Là sao, trời, là sao!”

Cùng lúc em nhìn ra ba trong bộ đồ lính, mắt sâu, mặt ốm nhom và râu lởm chởm là tiếng ông nội la:

– Mi điên… mi điên thiệt rồi!

Ông thất thanh như bị nện một thanh củi. Thấy ba em vậy, thấy ông em vậy, em chết cứng. Không, không đúng, em có la ”BA!”, muốn chạy tới nhưng ba đứng rũ rượi ra đó, nhìn dễ sợ như xác chết chưa nhập hồn Lý Thiết Quài.

Giây phút thấy em, ông ra dấu cho em ra ngoài, giống như những lần đang tiếp khách thấy đến lúc không muốn thằng cháu hóng chuyện tiếp. Em nhìn ba tìm một cử chỉ, một cớ đểở lại; vẫn bất động. Khóc không thành tiếng, em bước ra ngoài.

Em mường tượng một việc gì đó sắp xảy ra, chuyện không lành; em chùi nước mắt rồi ngồi xuống xéo tam cấp. Lần này hóng chuyện không phải để nghe chơi.

Tiếng ông vẫn lớn hơn bình thường nhưng không gay gắt, chắc ông sợ ba nặng tai không nghe được. Tiếng ba nghe lúc được lúc không, chắc ba nghĩ ba nói được là ai cũng nghe được, ai cũng hiểu được. Em thì từ hồi còn ở nhà mà lâu lâu ba có xẹt về, có cảm tưởng không ai hiểu ba vì từ lời nói tới ý nghĩa đều không bình thường. Cái rối loạn của ba làm em sợ, ít khi dám tới gần.

“Học nghề, nghề gì? Thợ may?” “Có tiệm ở Pleiku nhận cho học nghề?”

“Mạ hắn nói răng?…thì hồi đó nó suyễn nặng, không chịu được khí hậu mới gởi về đây”

“Giờ ở đây gió biển thì khỏe …”

“Răng mi nói học chữ nửa chừng không làm được gì!”

“Đíp-lôm là đi học sư phạm ra dạy tiểu học”

“Răng mà càng trèo cao thì càng bổ nặng?”

“Mi sợ hắn đọc sách này kia tào lao tứ đế rồi bất mãn phát rồ?”

“Mi có đọc sách đâu mà trời cũng hành đó…số mạng con à”

“Mi làm hư đời mi chớ có ai mần chi mi.”

“Ai làm khổ vợ con, mi chớ ai? Ai bắt mi uống rượu, ai bắt mi ba-gai”

“Cùng vô lính người ta Tá Úy mà mi Thượng sĩ muôn đời.”

“Bộ giã cành nông thì ai cũng điếc, đánh nhau chết chóc rồi ai cũng khùng hết hay sao?”

“Nó học được, không thua ai, năm nào cũng có phần thưởng. “Con chim bay được thì để nó tung cánh cho sướng, tới đâu thì tới, ít thì giáo viên nhiều thì giáo sư; có bị cung, bị ná là cái số của nó. Tau, mi không đỡ đần thì thôi…”.

Không chắc ba nói gì nhưng cứ như nghe ông nói thì rõ ràng ông cũng không hiểu ba dù ông phóng khoáng nhất trên đời.

Và…cái này mới quan trọng: ông và ba đang quyết định cho em tiếp tục học chữ hay học nghề. Em sợ quá, không muốn ngồi nghe tiếp; yên tâm là ông và ba không làm gì nhau, em lủi thủi về với nồi bánh, châm nước, xách ấm ra giếng lấy thêm, trở lại ngồi dựa gốc ổi; không biết mình có thở hay không.

Thả người lên gốc ổi…

Khi hơi thở nghe lại được vẫn nghe tiếng từ trong nhà. Tiếng ông không còn lớn. Đã khó hiểu lại càng khó hiểu. Em chịu không nổi đi trở lại, không vô trong, đừng xéo cửa, nhìn.

Ông đang kẹp nách mấy cuốn giấy tờ em vẫn thường thấy trong tủ thờ.

-Đây mi coi, bản án tử hình của tau đây…

Ba ngồi trên đi-văng, thòng chân xuống nền gạch bông; giày bốt-đờ-sô đóng đất đỏ. Ông vừa nói vừa quăng xuống từng cuốn giấy vàng ố. Cứ mỗi lần một cuộn giấy chạm mặt đi-văng thì ba mở ra coi sơ.

-Chú mi ruộng chỉ một phần năm số văn khế ni, mà bị đấu tới chết, thì cái mạng tau có giữ được không…

-Nhà mình chạy tay không. Chú mi ở lại chết, thằng con bỏ vợ con lại vượt tuyến, rồi phát rồ, lang thang.

-Tau mới là người đáng phát rồ. Em tau chết, cháu tau điên. Tau có gì an ủi!

-Thôi thì sét đánh ai nấy chịu, không cần đứng sẵn mà chực.

Ông ngồi xuống đối diện với ba, khẽ khàng gom mấy tờ văn khế cuốn lại. Cúi người tới trước phía ba mà vẫn biết em đang đứng đâu để nói vọng:

-Tí nữa xe phở đi ngang, kêu bốn tô, chắc ba mi chưa ăn chi.

Rồi cúi gần hơn:

-Ở lại nghỉ ngơi ăn Tết với ba, với con mi. Ra Tết rồi đi. Tau lo cho hắn./.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search