T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: GÀ CHẾT!

Cõi Người Ta (11) – Tranh: THANH CHÂU

Tiệm tôi 7-Eleven. Con gái tôi Annie. Tiếng Anh của tôi đủ để nói với người ta ở 7-E cũng như với Annie. Còn nói cho đã tâm tình thì không mơ. Annie không bao giờ ghé mẹ dù gặp lúc cần xoay tiền; bạn bè nó không ưa chạm mặt với mấy đứa xà quần tối ngày trước khu phố có 7-E. Muốn mua đồ ăn vặt, ít nhất cũng tới Buc-ee’s. Lúc trước tôi nghĩ “nhóc tì mà đã phân biệt!”, sau tự giải thích “chơi với đám bạn biết nhìn lên cũng tốt, cứ an phận như mình suốt đời không khá”. Giá nó chịu học tiếng Việt, giá mẹ con thủ thỉ được với nhau bằng tiếng Việt.

Tôi ra tiệm ít nhất 7 ngày 1 tuần, hiếm khi 6, giờ trưa tới khuya, Annie tự lo bữa sáng, bới bữa trưa, theo xe bạn bè đi học lúc sáng sớm tôi còn ngủ; chỉ Chủ nhật tôi dậy chở tới lớp Việt ngữ của nhà thờ, lúc về nhờ ai đó hay đi xe bus. Hôm nay đường vắng, nhưng tôi chạy chừng mực, hơi chậm; quang cảnh bên ngoài tươi sáng, trong lòng vui, im lặng thưởng thức, thỉnh thoảng nhìn qua Annie: 15, 16 trổ mã, một cô gái Việt tóc đen, cao lớn, trắng sáng; cái sống mũi và thân hình thì dứt khoát lai Mỹ, sexy. Annie nhìn thẳng ra trước như chính nó đang cầm tay lái. Trong xe có thêm hình bóng daddy John. “Oh John!”. You “chicken die”! “gà chết” là một trong mấy tiếng John học được từ Việt Nam. Anh hay nói chữ đó khi đùa, ai ngờ anh chicken die khi Annie mới chập chững. Tôi cười thành tiếng.

– What’s so funny, mom?

– Nothing…chỉ là cả tuần mẹ con mình mới ngồi với nhau như vầy.

Annie nâng ba-lô, quay người như muốn thẩy nó ra băng sau:

– Hay là mình đi chơi cho tới khi mẹ phải ra tiệm?

Tôi cười toáng:

– Không có chuyện đó đâu Annie! dù mẹ cũng thích, mỗi tuần chỉ học được có một lần… không được!. Mình đi chơi lúc khác, mẹ sẽ sắp xếp.

– Thật là phí thời giờ… phí thật đấy!

– Annie, cố học đi con, biết thêm một ngôn ngữ có lợi chứ.

– Thực funny, là người Mỹ, ở tại nước Mỹ, mà phải học tiếng Việt, for what? What! Mom?

Lý với luận! “mẹ ở làng quê Việt Nam, học hành đâu nhiêu, có biết tây u gì đâu, vậy mà lấy chồng Mỹ, nói tiếng Mỹ, lái xe ở Mỹ; đời mà! Ai ngờ được”.

– For me, dear!

Annie nhìn tôi không nói gì nữa, dằn ba-lô lên đùi, nhìn thẳng.

***

Đằng kia Cha Michael ngoắc ngoắc; nhìn hai bên tôi biết là Cha kêu mình. Một người đàn ông đang đứng với Cha, họ có vẻ đang vui chuyện; áo quần người đó cũ nhưng tươm tất, nếp ủi rõ trên cầu vai, cánh tay, ống quần; trông giống đàn ông thế kỷ trước ở Việt Nam, mà không già lắm.

– Chị Vui, đây là khách lạ của tôi, ông Đức; đang cần thuê nhà. Morning Annie!

– Hi Michael.

– Dạ cám ơn Cha để ý. Hello ông Đức… à là vậy…hình như…

– Chào chị, hân hạnh…chị Vui.

Tôi hơi bất ngờ dù đã tốn tiền sửa garage thành apartment 2 phòng ngủ, đã dán số phone ở nhà thờ, ở tiệm và vài nơi. Người đầu tiên lại từ nhà thờ, quen Cha, tốt quá.

Quay qua con:

– Annie, con qua bên lớp đi.

Annie quay đi, gởi lại cái nhìn… “tham quan” về phía ông Đức.

– Kể cũng như có duyên: Hôm qua ông Đức xuống Greyhound thả bộ về hướng này thì gặp nhà thờ, vô lạy Chúa; tôi bắt chuyện, hợp quá tôi không để ông đi mướn hotel, mà cũng có ý để sáng nay giới thiệu với chị, biết đâu cũng có duyên làm khách thuê nhà của chị.

– Ô, vậy ông không phải người ở đây…

Ông Đức điềm đạm:

– Dạ đúng. Thằng cháu tôi xin được việc hãng gì lớn lắm ở thành phố này. Tôi qua trước xem chỗ nào ở thuận tiện, nó phải làm thêm 1 tuần mới lái xe qua. Trước giờ tôi ở với nó.

“Cô thân độc mã, không phải già yếu gì lắm sao phải đi theo ở với cháu? Ô… chuyện người ta!”.

Cha Michael nói:

– Ông ấy khiêm nhường không tự nhận nhưng qua chuyện trò nhiều với ông, tôi nghĩ ông là một thầy giáo cũ, hay một nhà văn học giả gì đó. Phải không nào?

Tôi cảm thấy cái lắc đầu kèm cụ cười nhẹ như một sự xác nhận gián tiếp, mà vì vật đổi sao dời, lòng tự trọng không tiện nói gì.

– Garage apartment vừa mới sửa xong, còn mùi sơn. Ông Đức có thể tới xem, hẹn buổi sáng là được.

Ông Đức nhìn Cha.

– Tôi thích nói chuyện với ông, ông Đức à, ông ở chơi với tôi mấy cũng được. Ông cứ thăm dò nhà cửa, xe cộ, đường đi nước bước; chỗ nào tiện cho cháu ông đi làm…

Ông Đức vẫn nhìn Cha “ngại làm phiền”.

Tôi thấy chuyện đơn giản:

– Cha để con và ông Đức đây nói qua công chuyện, nếu hai bên đồng ý thì ông vô ở không cần đầu tháng.

Cha Michael tiếp:

– Hay vầy đi…sáng mai tôi lấy xe đưa ông tới coi, hai bên nói chuyện. Nếu kết luận được thì ông ở lại.

Tôi nói:

– Cám ơn Cha.

Ông Đức lên tiếng:

– Hay nếu được thì có thể nào chị Vui chở về coi nhà, nói chuyện chi tiết luôn.

– Ok, Ok.. tôi phải vô dâng lễ … tùy hai người…

***

Vừa tra chìa khóa, vừa nói:

– Cửa này và cửa sổ cao kia mới làm thêm.

Tôi vô trước, ông ta lửng thửng theo, đặt túi xách xuống sàn. Ông nhìn quanh, có vẻ hài lòng, không nhận xét gì về bàn ghế, TV, bếp; giường nệm là những đồ cũ tôi gom về.

– Tủ giường bàn ghế TV để dùng tạm; restroom có tắm đứng. Tam cấp này lên phòng giặt, có thể khoá bên này, bên trong có chốt ngang. Cửa cuối phòng giặt là vô nhà chính, khóa.

Quay ra cửa, tôi đưa ông Đức lên hiên.

– Mời ông ngồi, ông Đức uống cà phê hay trà?

Vốn ông đã thẫn thờ nghe, nhìn, giờ:

– À… Chị cho cà phê. Cám ơn.

Ông ngồi yên, nhìn ra phía trước đường. Tôi vô nhà làm hai ly cà phê, đem ra thêm mấy gói đường nhỏ, hộp bánh. Ông Đức vẫn tư thế cũ như đang suy nghĩ. Tôi có cảm tưởng chuyện không thành.

– Chị tính cho thuê bao nhiêu một tháng?

– Cũng lần đầu sửa nhà cho thuê nên tôi nghe lời bạn bè, bao hết 1,200. Tháng trước, tháng sau. Ông uống cà phê đi, đây có hộp bánh, mời ông.

– Giá có cao hơn bên chỗ tụi này nhưng mới, tươm tất, đầy đủ thế này thì hợp lý….tôi rất thích…từ đây tới hãng Rubbersan bao xa?

– 10 phút. Còn ra chợ đi bộ được.

– Quá tốt…quá tốt! Đầu tháng tụi tôi qua, thằng cháu làm giấy tờ, tiền bạc với chị. Chị cho đặt cọc bao nhiêu?

– Nhưng tôi không muốn nhận cọc.

– Nhưng chị giữ nhà chờ tới cuối tháng được không?

– Thật khó xử cho tôi, tôi làm theo những gì người có kinh nghiệm hướng dẫn.

– Tôi hiểu…

Chuyện thuê nhà bế tắc. Ông Đức nói năng chừng mực, biết nhiều nhưng không hươu vượn hay “nổ”. Có thể là do từng trải, ông đưa lời đón ý rất khéo; Cha Michael có cảm tình là phải.  Quan trọng là ông không nhìn thẳng sỗ sàng, có thể do đứng đắn. Ít khi tôi nói tiếng Việt nhiều như thế.

Nhâm nhi tới cuối ly cà phê, đường ngọt làm tôi thấy dễ chịu; tựa người ra sau, tôi vén tóc… suy nghĩ. Ông Đức bình thản nhìn ra sân. Tôi đi pha ấm trà.

– Thôi thì thế này…

Tôi đẩy khoen có 2 cặp chìa khóa về phía ông:

– Thấy ông đứng đắn thật tình … để khỏi lui tới mất công, ông vô ở luôn đi; nếu chú cháu ông đổi ý thì dọn đi. Đã để không lâu nay thì chẳng có gì quá quan trọng.

Mắt ông Đức nhìn thẳng tôi lần đầu tiên:

– Thật không? Cám ơn chị nhiều lắm.

Không muốn dài chuyện thêm, tôi xin phép nghỉ ngơi để trưa đi làm. Ông Đức không hỏi làm gì, ở đâu; rút thuốc lá, bật lửa ra đặt lên bàn; “cũng chừng mực đây, cả buổi mới châm”.

***

Mấy ngày trước nghe tiếng nói chuyện tôi biết người cháu đã qua tới, nhưng sau đó không động tĩnh gì; chắc người đó mắc nhận việc trong hãng. Hôm nay tôi nghỉ một ngày, nấu ăn các thứ.

Tôi mở khóa bước qua phòng giặt, gõ mấy lần lên cửa ra garage:

– Ông Đức ăn trưa chưa? Chưa thì mời ông qua ăn, tôi có nấu bò kho.

Không nghe tiếng lục đục, tiếng ông tự nhiên như đang sẵn để nói chuyện:

– Bò kho nóng nhà nấu thì còn gì bằng. Cám ơn chị, cho tôi 1 phút.

Để cửa mở, tôi trở lại bàn ăn thu xếp. Hai ổ bánh mì ló đầu dài trên miệng túi xách. Giá có loại bánh mì baguette thì thích hơn, tôi khoái nhiều vỏ giòn nhưng ở đây không bán loại đó. Múc bò kho nóng ra tô thấy bốc hơi, tôi rút một ổ bánh bỏ vô lò nướng, đã ăn ngon thì phải ăn thật ngon. Chợt nghĩ “hình như nếu để khi ông ấy lên mới múc, nướng, thì ít có vẻ chuẩn bị quá đáng hơn!”

Tiếng chân ông qua hai lần cửa… áo quần phẳng phiu như cả tuần vẫn đứng như thế.

– Chà … chà.. Mùi bò kho, mùi rau ngổ hấp dẫn quá! Cám ơn chị kêu qua ăn.

– Mẹ con tôi ít thì giờ nên thường nấu ăn qua quýt hay mua, thỉnh thoảng mới nấu món mình thích. Tối nay tôi nghỉ.

– Nhờ vậy mà hôm nay tôi mới trúng số.

– Mời ông tự nhiên. Nhà không có bia, ông uống tạm trà.

– Cám ơn chị, tốt quá rồi.

Vừa ăn ông vừa nhìn quanh. Có vẻ như cái bề bộn bê bối cũ kỹ trong nhà so với cái mới mẻ sạch sẽ của garage không làm ông ngạc nhiên.

– Tôi bận đi làm, con tôi bận học bận bạn bè nên cứ để bừa. Vài tháng mới dọn dẹp một lần.

Ông có nhìn bàn thờ, cũng không nói gì.

– Ông già Ba Tri đó là cha tôi, ông Mỹ mang đồ lính là ông xã tôi. Hồi gặp ở Cần Thơ ổng ở căn cứ Đồng Tâm.

– Vậy là anh chị lấy nhau trước 75?

– Dạ. Kẻ trước người sau tụi này về Mỹ 72, 73 gì đó.

– Vậy ảnh mất năm nào?

– 85.

– Cũng 6 năm rồi.

– Cũng hên là ảnh thoát nợ trầm cảm, tôi thoát nợ nhà.

– Tôi tò mò, chớ chị làm gì?

– 7-Eleven.

– Chủ?

– Chủ?! Được chủ thì đâu phải đầu tắt mặt tối ca kíp, ôm thêm overtime mới lo được Việt Nam……. Để tôi múc thêm…

– Thôi, tôi muốn no rồi… thôi được rồi… xin chị cho thêm, ít thôi.

Hai người uống trà, chuyện trò, chuyện này chuyện nọ. Đôi lúc tôi tự thấy mình hơi hào hứng so với cái điềm đạm của ông. Lạ là khớp, tự nhiên, thoải mái.

– Cám ơn chị cho ăn ngon. Tôi để chị nghỉ, ít khi buổi chiều chị không đi làm.

– Cũng đúng, tôi sẽ coi phim cho đã.

Ông ra khuất, cửa này không khép cửa kia không tiếng khoá. Tôi bấm remote tìm mà không phim nào vừa ý để coi. Có thể vì từ lâu không coi buổi chiều tối nên trở nên gà mờ, không biết chính xác mình muốn gì. Cuối cùng chọn đại.

Một lúc có tiếng chân, ông trở lại. Nhìn tôi, vừa ngập ngừng vừa tự nhiên.

Tôi rút hai chân lên sofa, ngửa cánh tay qua hướng ghế kia:

– Phim này có vẻ hay, ông ngồi coi cho vui.

Ông im lặng ngồi xuống.

***

Phim đến hồi người nữ bấn loạn không biết báo tin thế nào với người tình. Có nên báo không. Tiếng xe rồ to, vọng vô từ driveway phía trước nhà, chợt tắt; có tiếng chân rộn ràng.

Cửa mở, Annie ào vô, kéo tay người thanh niên. Tôi bật hai chân xuống sàn tìm điểm tựa. Chính là người cháu mà tôi mấy lần thoáng thấy và thắc mắc sao chưa thấy họ chính thức nói chuyện giấy tờ tiền bạc, đang ngờ là họ đổi ý.

– Ơ! Annie? Mày…

– Mom! Sao mẹ ở nhà giờ này? What’s going on here?

Tôi trừng mắt nhìn Annia, mặt nó đanh, ửng đỏ. Hai người đàn ông không còn ở đó; tiếng cửa dập, tiếng khóa.

Annie bung chân chạy rầm rập lên lầu. Tiếng bấm cửa. Tôi vật người ngang, rã rời; không biết mình đang nằm hay ngồi. Một lúc, tôi co chân lên duỗi thẳng, nghiệm lại mọi chuyện. Ban đầu rắc rối, kinh khủng; sắp xếp lại, tự giải thích… lý lý luận luận … không buồn tắt TV, tôi nhắm mắt… mọi sự cũng thường thôi…ở đây mọi sự…

***

Thấy tờ giấy xếp đôi có dằn cây viết trên bàn, tôi buồn ngang xương “biết mà, chicken die!”.

Đọc chưa hết nghe toàn thân bủn rủn, tôi chống hai tay gập người; màng tang, hơi thở lạnh tanh…

“Gởi bà chủ (không phải chủ 7-E!!!)

Tụi tôi đã ra khỏi nhà chị vì không đúng mục tiêu. Tôi đi trước dò đường, thằng kia là thằng “có tay nghề” đến “rút ruột, dứt điểm”.

Nghĩ không đủ tư cách để nói gì thêm!

Chào chị Vui!”

./.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search