T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: Quan Năm Thầy Sáu

Cõi Người Ta (12) – Tranh: Thanh Châu

Cả nhà nhìn chăm làn nước đang rút ra từ trong con lạch. Cu Lớn sau lái đạp càng Kohler, chân vịt nhổm khỏi mặt nước, quay re re; chất củi khẳm lại ngược nước, ghe xững lại tức thì.

– Ba ơi, ròng gần kiệt rồi không vô tới bến đâu!

Dượng Ba nhìn mặt vợ:

– Tui nói mà bà không nghe: chất thêm đống củi mắm là quá khẳm, quá trễ, không kịp nước; mà bà cứng đầu!

– Rẻ mạt không mua thì tiếc. Cu Lớn, mày coi có rán được không?…dượng Minh ở không… coi chống sào phụ…cầu trời!

Cu Lớn hạ càng, nhấp nhấp lắc lắc đuôi tôm, canh thân ghe thật thẳng giữa dòng, chạy ga nhỏ. Những lúc máy rị, hắn giở đuôi tôm, không thấy chân vịt móc gì, chúc ngay xuống, rướn ga. Tiếng dì Ba luôn nhắc chừng “chỏi, chỏi”.

Được đâu trăm thước:

– Má à, chịu thôi. Rán nữa nó mắc kẹt chỗ hẹp, không ai ra vô được, nghe chưởi điếc tai đó má.

Dượng Ba:

– Bà chịu thua chưa. Bây giờ tính sao. Hay lùi ra chỗ rộng, tấp một bên ngủ qua đêm chớ sao nữa.

Dì tính lẹ:

– Vậy đi, nhưng mình quá giang ghe về nhà, còn phải chuẩn bị này kia mới kịp mai đi sớm. Một người ở canh là được.

Mọi người nhìn Minh. Minh biết:

– Cháu ở lại không sao. Gô cơm hồi trưa chưa ăn. Nước lớn cháu chống ghe vô bến rồi mình đi Sài Gòn.

Dì Ba nói:

– Sáng thế nào con vợ anh cũng bới thêm khoai sắn nấu. Dưới sạp có tấm đệm, đắp được.

Vậy là Dì Ba biết cái tật khoái ăn khoai của Minh.

Minh phụ chống sào với dì dượng. Cu Lớn quay ngược đuôi tôm, xục bên này bên kia; vài chục thước là đến chỗ thoáng, nó nhắm mé không có cọc tràm, lướt cả ghe vô. Dượng Ba căng người theo dõi, không nghe gì lục bục dưới lườn…

– Mô Phật! Chỗ này đáy bùn, nước rút hết cũng không sao. Be sắp mục, đáy chõi bất cứ cái gì cũng phá nước được, tiêu táng đường như không. Anh Minh thấy thằng Cu Lớn tui ngon chớ!

– Cu Lớn số dzách!

Trước khi cả nhà dì dượng qua ghe hàng xóm để về bến. Dượng rút bịch thuốc rê:

– Anh cầm hút. Đêm lạnh.

– Cám ơn Dượng cháu còn.

– Cứ giữ, trên nhà còn nhiều.

Dượng cởi áo ngoài:

– Mang thêm.

Dì, Cu Lớn từ dưới ghe cho quá giang kêu:

– Lẹ lẹ ông ba, gì mà….

Minh ngồi thòng chân trên mui, nhìn gô cơm gạo cũ độn sắn khô trên tay. Phần khoai sắn nấu riêng ăn hết hồi trưa làm như còn no no. Đóng nắp gô, Minh vấn thuốc hút.

Anh đã nói với chị là ai ăn sao anh ăn vậy, trong “cải tạo” có được vậy đâu. Mỗi bữa tối cơm nhà một lon gạo, tính ra mỗi người lưng một chén cơm. Chị với ba đứa con phía nồi độn sắn khô, xới ra thành tô to. Chén của anh gần như không có sắn, xong cơm anh ăn thêm mấy củ khoai mới nấu trong rổ to, là đồ ăn sáng cho cả nhà sớm mai. Dẫu không có sổ hộ khẩu, anh là chủ gia đình dù thực tế là anh đang núp bóng dì của chị. Những ngày theo phụ ghe củi, ăn uống chung với nhà dì dượng, vậy mà chị cũng bới xách cho bữa trưa đầu tiên. Là dì ruột mà thỉnh thoảng lẩm bẩm “cái con này…nhiều chuyện”.

Trời đất tối dần. Tiếng thòi lòi búng, lủi trên mặt bùn; đám chà là cọ quẹt. Ngày rút nhanh về hướng tây. Đầu điếu thuốc rực hẳn. Cuối cùng cái bao la của trời đất bị túm lại thành một khoảnh ngắn lờ mờ trên chân trời dài phía Sài Gòn. Minh lại mở nắp gô “phải ăn chớ tối đói không ngủ được”. Cá kho quẹt mặn giúp anh nhai hết gô, thấy ngon tức là đói mà không biết. Khạp còn một ít nước, anh dốc nghiêng vét được non ca. Lại phì phèo.

Sao mình trôi nổi tới đây. Sao mình đang ngồi một mình trên chiếc ghe dưới củi bi, trên củi đước củi mắm. Làm một tay phụ việc vụng về lọng cọng. Còn lôi vợ con về đây núp bóng dì dượng, đói khổ, vô định.

Có phải chỉ một phút hoảng sợ trên xe lam gần bãi Mỹ Khê? Đêm lên ghe vượt biên bị lộ. Chạy tứ tán, nằm núp chờ sáng đón xe về nhà bên Chợ Cồn. Tài xế là người hàng xóm cho ngồi bên cạnh. Nói nhỏ “Trung tá liệu trốn đi, tụi nó đang lùng. Nghe đâu họ kêu là ông tổ chức vụ này”. Là vù vô Sài Gòn. Nghe lời bà dì nhắn vợ con vô theo. Sai?

Mệt, no, Minh co chân lên nằm dài. Trời đầy sao. Lẫn trong tiếng róc rách, lóc lách, rì rào gần quanh, có tiếng quấc đâu đó vọng lại: rời rạc, lang thang. Đầu óc Minh thả rong, không dừng đâu lâu: những ngày đi Mỹ học, những ngày đi bay, lập gia đình, sức khỏe không được bay, sĩ quan liên lạc vùng, cải tạo… cái kim chỉ nam “làm trai cho đáng nên trai” theo từ nhỏ, hừ, chỉ ăn ở thôi mà đã nơm nớp! Minh ơi là Minh!

… Chỉ còn tiếng của hơi thở, nhẹ như thiền…

Sương lạnh mặt, Minh nhắm hai mắt cay, tay mò, chân lần vô khoang, chuồi dài lên sạp, nghĩ là giấc ngủ trở lại…. Vô phương: Sương đã làm ngực áo và hai ống quần ẩm. Minh ngồi dậy bận thêm áo dượng Ba, thò tay mò kiếm tấm đệm đắp lên người.

Không ngủ lại được, Minh lùa tấm đệm qua bên, ngồi dậy, vấn thuốc. Những thứ lướt qua hồi tối len lỏi trở lại. Minh rít phà liên tiếp, thổi cho khói đừng lãng đãng trước mặt. Thả luôn tàn xuống nước đọng dưới lườn. Mắt đã quen bóng tối,  nhìn chung quanh đầy bẹ chà là, dừa nước lờ nhờ, xao xác. Vẫn tiếng thòi lòi búng, tiếng lỗ sình thở, vẫn những con quấc gọi nhau đâu đó. Minh lắng tai định hướng xem chúng ở hướng nào. …Chịu!

Có tiếng ộp oạp đạp sình đâu đó. Từ trong đám chà là đâu trước mũi ghe. Sợ sợ Minh lóng tai, nghe nó xáp lại gần trước mũi, rồi xa dần ra hướng vàm. Làm như con gì bự lội theo lạch nhỏ ngang trước mũi ghe để ra sông Thị Vải. Không nghe gì nữa. Minh thở phào. Một lúc lại nghe lỏm bỏm, ộp oạp từ phía vàm. Đang suy nghĩ xem là con gì thì tiếng ấy rõ dần, nó đang di chuyển từng bước dứt khoát trong ngay con lạch ghe nằm. Rợn tóc gáy, Minh thò tay xuống dưới sạp, rút rựa lên. Ma? Người? Heo rừng? Sấu? Du kích?

Ôi, còn gì đáng mà sợ. Ngay cái mạng cũng dở sống dở chết mà. Khoảng trời trống giữa tán lá hai bên đã nhìn thấy bóng người ta. Hắn đang xì xụp rút từng bước chân, sình tới đầu gối. Một lúc bóng ấy mới tới cách ghe vài thước.

Tiếng rõ:

– Ông nào đó: người ngay đây, tôi tới ghe ông.

Cách dừng lại, giọng đàng hoàng, lại kéo lê cái gì như lưới làm Minh yên tâm:

– Tới thì tới, mà để làm gì? Ông làm gì mà lội giờ này!

– Xịch tôm, thèm thuốc.

Người đó máng đồ nghề lên ghe, hai tay chống be rút người lên, xoay chân đặt xuống lườn. Quần dài cột túm dưới bắp chuối, lưng đeo cái giỏ đựng “chiến lợi phẩm”.

– Tối nay trúng mánh, tính ra lấy xuồng đạp về. Loáng thoáng đốm lửa của ông, chịu hết nổi phải lội ngược lại xin ông hút ké. Bịch của tôi rớt mất lúc nào không biết.

Minh đưa bịch thuốc, người đó vấn, liếm, vê…đốt…rít mạnh, dài, làm như lâu ngày gặp thuốc cán.

– Lạy chúa tôi! Thuốc ông ngon, êm, đã; không bõ công.

Kiểu nói, Minh đoán hắn dân ấp Ngọc Hà có nhà thờ. Hơi thấy lạ: giọng nói, nét mặt non choẹt mà buột miệng “lạy chúa tôi!” như các cụ.

– Ông nói nhuyễn quá! Ngọc Hà?

– Vâng. Tu xuất.

Minh suýt bật cười vì ít người thẳng ruột ngựa, cụt lủn ngay lập tức như thế.

– Còn ông?…. Ông rít mạnh một hơi tôi xem…

Tay này ăn nói lạ…Minh rít rực đầu điếu thuốc.

– Khí chất này dứt khoát là “quan”. Ghe dính ở đây tức là ấp Quảng Phú, có chùa…. mà ghe này là của bà Ba Việt kiều. Quan à, tôi mà nhìn ra thì quan chớ mà qua mặt bọn nó. Nhớ nhé!

Không cần mình xác nhận! Vừa tinh vừa tự tin!

– Giấy tờ Quan đàng hoàng chớ?

– Sao không, đang tạm trú.

Bất giác Minh thêm:

– Không quân, cải tạo 5 năm.

– Dân kỹ thuật như không quân họ thả sớm mà.

– Ai biết sao.

– Vậy là quan lớn rồi. Cũng có tuổi rồi.

Minh độ chừng anh ta dưới ba mươi.

– Thầy mấy.

– Sáu, vợ 2 con.

– Ra 75 mà lấy vợ, đã 2 con. Chạy nước rút bù hả thầy?

– Bị lôi bù thì có. Quan không biết đó: con bé kết thời tôi trung học. Nó lành lắm, cứ cầm canh “lạy chúa tôi”. Được ân thiên triệu tôi vào chủng viện. 75 vừa về tới nhà là nó khệ nệ bưng quà tới thăm đầu tiên. Còn nguyên xi “lạy chúa tôi, anh đã về”. Cứ thế em lôi tôi đi thật êm ái mà cũng thật đáo để. Giờ đêm đêm thằng bé đi xịch mà thấy sướng.

– Thầy làm ơn nói chậm lại. Hút đi. Thầy lôi tôi không theo kịp.

– Có gì mà không kịp! Mỗi lần nghĩ tới hay thốt lên “lạy chúa tôi!” là tôi cảm thấy em cạnh bên, cảm nhận được thân nhiệt của em, Quan ạ. Nói thế phạm tội trọng phải không Quan? Nhưng đồng thời thấy hàng xóm cạnh bên, cha xứ cạnh bên, nhà thờ trước mắt. Nghe tiếng ê a vừa đọc kinh sớm vừa ngủ gật trong các nhà.

– Tôi có nghe nói “mấy ông tu xuất quỷ quái lắm” Thầy nghĩ sao?

  • – Cái con khỉ! Có gì mà quỷ quái! Tôi chỉ muốn nói mấy chữ đó giống như mật khẩu, để vào thế giới mà mình gắn bó: nơi chốn, gia đình, đồng hương, quê hương, kỷ niệm; thậm chí bạn nhậu “dzô!”, băng đảng “đại ca”. Mình “thuộc về” còn cái thế giới ấy đúng đắn hay trật búa là chuyện khác. Tôi may mắn.

Minh rùng mình, vói tay gom bịch thuốc để vấn cho mình; anh không lấy từ cái bịch trong người.

– Hút thêm điếu nữa đi.

Minh thực sự lạnh sống lưng, chỉ muốn ngồi một mình nhẩm lại mình. Minh nghe được cái chấn động ông thầy trẻ này gây cho mình, cần phối kiểm lại. Không lẽ kim chỉ nam “làm trai…” gắn mình vô một thế giới độc nhất, bỏ rơi các thế giới khác; bây  giờ cái duy nhất ấy biến mất! Mình không có mật khẩu khác để sống!

Thầy chưa muốn đi.

– Quan nói tạm trú là sao?

– Là xin vô hộ khẩu nhưng chỉ cho tạm trú từng tháng một, con không đi học được. Bà dì tôi nói thế nào cũng sẽ được nhưng lâu quá, tôi lo.

– Quan đưa tay trái tôi xem thử.

Ai lại coi tay trong bóng đêm đen thế này.

Quái! Tay anh ta ấm hơn tay mình nhiều!. Minh hỏi móc:

– Sao? Thượng thượng hay hạ hạ?

– Rất tốt: lần rồi thoáng thấy, bây giờ nghiệm lại thấy khí sắc tốt, trán rộng đầy, mũi cao cánh nở to…thêm tay đầy, lòng tay không nát: trong tháng này Quan có hộ khẩu.

Minh cười hết ga.

– Thầy dóc cũng vừa phải thôi!…Nhưng công nhận là Thầy nói chuyện hay đáo để.

– Mất chừng ấy năm chuẩn bị để rao giảng, dưng không thất nghiệp thì nó phát tiết như vậy. Đó là đùa cho vui, bây giờ đứng đắn với Quan, cái nhẫn của Quan ít lắm cũng 3 chỉ. Đừng năn nỉ ỷ ôi, ân nghĩa gì cả; chỉ 1 khâu là có hộ khẩu. Đây là nương rẫy chớ có phải thành phố đâu mà khó khăn. Quan tin thì tôi làm chim xanh.

Quan không biết nói gì:

– Thầy giỏi dữ vậy à!

– Còn nữa, Quan quen tính toán lượng này lượng kia mà chưa quen, chưa thấy là ở đây 1, 2 khâu là làm được chuyện lớn. Ra đầu ấp mé lộ mở quán chỉ cần 1 khâu. Có hộ khẩu, có quán cho vợ ngồi mà vẫn còn 1 khâu dính cứng ngón tay cho vợ yên tâm.

Quan cười ngây ngô.

– Còn nữa, có quán bên đường đầu xóm là có khi được nhờ chỗ đưa đón này kia. Quan không biết người ta đổ gà hà rầm dọc dọc đây sao!

– Cám ơn cám ơn! Thầy làm tôi điên cái đầu.

– Xin lỗi Quan. Nghe như trời đất nhưng là thiệt tình. Cứ nhớ hỏi thầy Sáu nếu cần.

Tay Thầy chỉ hướng Sài Gòn:

– Mỗi tháng tôi về trên đó một lần, cà phê cà pháo với bạn bè, cập nhật này kia cho nó cân bằng con người đêm đêm lội xình xịch tôm cũng làm mà la cà ngồi quán thành phố cũng biết hưởng, dù biết là khi về đi xịch mấy đêm đầu không muốn nổi. Quan đi củi Sài Gòn chắc cũng thế?

– Làm gì! Chợ Củi trong Chợ Lớn. Đàn ông con trai chất củi, đàn bà đi chợ, xong là về liền; tới dạ cầu Phú Xuân mới yên tâm chờ con nước. Tóm lại: lên bờ xuống bờ, về.

– Phí! Ai cấm Quan không theo ghe, ở lại đón xe về sau, nhiều khi ở lại đêm còn về trước. Còn có chút Sài Gòn, không hưởng, phí! Bạn bè tôi trên ấy không để mình bận tâm đâu…

Thầy xuống lạch lúc nào Quan không biết. Nghe tiếng ộp oạp Quan nhìn lên, thấy lờ mờ dáng lưng của thầy. Mô Phật!

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search