T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Tự : Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – Ông lính viết văn viết báo (Kỳ 1)

clip_image002

Ảnh : https://hoanghaithuy.wordpress.com

Kỳ 2  

(nhớ về anh Dương Hùng Cường và những tháng năm ấy)

tạp văn. ngọctự

rượu ngày giỗ bạn

chén âm dương vỡ giữa đời

thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm

cuồng say thôi cũng âm thầm

nhắp môi uống nốt mê lầm phù sinh

Sàigòn tháng 01/1989

ngọctự

(ngày giỗ đầu anh Dương Hùng Cường)

Tháng 12 năm 1969, tôi thực sự bắt đầu đời lính tại văn phòng Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị/Bộ Tư lệnh Không quân Tân Sơn Nhất. Nhiều buổi sáng nơi thời gian ấy tại chỗ để xe ngay trước cửa văn phòng, khi cúi xuống khóa xong chiếc xe gắn máy và ngửng đầu lên, tôi thường được đón nhận lời chào hỏi thân mật, cùng một nụ cười vui kèm theo cái nháy mắt của một ông chuẩn úy đứng tuổi, dáng người cao to có vẻ hơi khệnh khạng, cũng vừa dựng chiếc Honda 65cc mầu đen ngay bên cạnh. Cũng ông này, ngay hôm đầu tiên tôi đến văn phòng trình diện và gặp nhau ngoài hành lang của tòa nhà, đã chỉ cho tôi phòng Văn thư và bằng giọng từ tốn kẻ cả, nói với tôi rằng sao không ở nhà đi học mà lại bước nhầm chỗ vào đây. Quả thật, lúc đó tôi cũng thấy hơi hậm hực vì chẳng hiểu cái nhà ông ma cũ này muốn ra vẻ điều gì với anh chàng lính mới tò te đây. Đâu biết chức vụ của ông ở văn phòng ra sao và tôi thoáng nghĩ rất nhanh đến hình ảnh một ông thường vụ đơn vị.

Ít lâu sau khi bắt đầu thân quen với anh Dương Hùng Cường, tôi hỏi lại về chuyện cũ ấy thì anh cười, cũng nụ cười vui kèm theo cái nháy mắt, rồi nói rằng nhìn tôi khi đó giống như một cậu học sinh trung học mặc quần áo lính hơn là một ông tân chuẩn úy vừa mới ra trường về nhận nhiệm sở. Năm tháng này, tôi cũng đã hai mươi mốt hai mươi hai tuổi rồi chứ ít gì, nhưng không lẽ khuôn mặt dù có đeo cặp mắt kính cận thị, vẫn còn non trẻ quá dưới mắt nhìn của anh. Chưa hết, lúc đã được giao tiếp với anh nhiều hơn về sau, lắm hôm gặp anh trong quán bún bò dưới khu khu gia binh khi đi ăn sáng, anh hay nói với cô chủ quán quen làm thêm cho anh ly cà phê sữa, nhưng không cần đổ sữa vào vì chỉ cần nhìn mặt tôi là thấy đã có đủ sữa rồi. Đấy là sự đùa vui thân mật của anh, còn thường ra anh có thói quen vẫn hay uống một chai la de Con Cọp loại lớn vào buổi sáng, theo cách nói của anh là để súc miệng.

Cùng khi đó, tôi biết anh là ông Dê Húc Càn, người phụ trách mục Cà kê dê ngỗng của tuần báo trào phúng Con Ong mà tôi có đọc hàng tuần. Anh còn ký một tên nữa là Lão Dương nơi các bài viết khác. Cà kê dê ngỗng là trang báo châm chọc chế diễu đủ loại khuôn mặt trong xã hội đương thời với các tình tiết sự việc liên quan và có số lượng độc giả đáng kể.

Thời gian ấy, tôi cũng không hiểu do đâu mà anh lại có thiện cảm với tôi và nào biết trước được rằng từ chỗ thân quen ban đầu như thế, anh và tôi sẽ lại tiếp tục giao tình nhiều hơn với nhau cho tới mãi tới những tháng năm sau này. Một phần, chắc là anh thấy tôi hay đi chung với mấy anh em trong nhóm các cây bút của Tập san Lý Tưởng Không quân như Khải Triều, Kiêm Thêm, Phan Lạc Giang Đông, Minh Triệu_Ngô Văn Đắc, Trần Kim Nho, Thanh Chương, Hoàng Bá Thủy…mà anh cũng có thân tình từ trước nên tự nhiên tôi được ăn theo chút gì đó chăng. Phần khác, có thể vì khi chuyện trò buổi sơ giao, tôi đã nhắc tới mấy chi tiết về nhân vật Pi lốt Thái Bình trong quyển Buồn vui phi trường của anh, từ đó dễ lấy được cảm tình của ông nhà văn nhà báo, có tiếng lừng khừng và kén chọn trong việc giao tiếp với những người cùng đơn vị. Trong thâm tâm tôi đoán rằng anh nhận rõ cách cư xử biết trên dưới và trọng kính người lớn tuổi của tôi, qua việc luôn giữ một khoảng cách cần thiết, không có sự vồn vã tự nhiên thái quá như thể tự cho là ngang hàng với anh, thường thấy nơi một vài anh em khác. Đây cũng là điều tôi luôn nhắc mình khi giao tiếp với những người vai bậc, ở mọi nơi chỗ, ngay cả lúc đã có độ thân thiết gần gũi đến đâu đi nữa.

Qua mấy người cùng phục vụ ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị với anh từ nhiều năm trước, cũng như qua lời anh kể, tôi biết anh đã có chiều dài mười mấy năm thâm niên quân vụ và là một ông Thượng sĩ kỳ cựu, mãi rồi cũng mới lên Chuẩn úy được ít lâu. Anh nhập ngũ vào Không quân năm 1953 từ hồi còn ngoài Bắc và thoạt đầu tiên là ứng viên hoa tiêu, nhưng lúc sang Pháp học thì lại chuyển sang kỹ thuật rồi trở thành một chuyên viên Kiểm soát Không lưu. Trước khi thuyên chuyển về phòng Tâm Lý chiến / Bộ Tư lệnh Không quân hồi 1965, anh có thời gian phục vụ khá lâu tại phi trường Biên Hòa, với công việc chuyên môn là ngồi trên lầu gương (đài Kiểm soát Không lưu) hướng dẫn các phi cơ lên xuống.

Dễ dàng nhận ra anh là một con người đầy cá tính, có vẻ hơi lè phè ngang ngang, như thể bất cần đời. Nói theo kiểu nhà binh thì dễ bị xếp vào loại ba gai, nhưng thật ra anh rất phóng khoáng đầy nghệ sĩ tính, ưa đùa tếu và châm chọc người này người kia, lại còn như luôn ẩn chứa trong người một chút bất mãn nào đó thì phải. Và dường như cũng chính các điều ấy đã đem đến cho anh nhiều bất lợi và phiền phức, cùng sự rắc rối trong binh nghiệp cũng như trong sinh hoạt báo chí, nhất là qua những bài viết hàng tuần của anh trên tờ Con Ong. Người quý mến anh thì nhiều mà người ghét anh dĩ nhiên cũng không phải là ít.

Có một chuyện để hiểu thêm về cá tính của con người anh, đó là người cùng khóa khi vào lính với anh ngày nào giờ lại chung đơn vị, đã lên Thiếu tá và thời điểm ấy là ông sếp của tôi tại văn phòng (Thiếu tá Bùi Hoàng Khải, Trưởng phòng Kế hoạch & Chính huấn), trong khi anh thì mãi rồi cũng chỉ mới thay được cái lon Thượng sĩ bằng lon Chuẩn úy.Tuy vậy, với anh thì vấn đề này chẳng lấy gì làm quan trọng cho lắm. Sự gập ghềnh trong đường lon lá quân ngũ của anh, còn do một nguyên nhân khác là vì anh đã không chịu tham dự việc thụ huấn các khóa tu nghiệp theo yêu cầu.

Sếp tôi kể rằng hồi ở quân trường bên Pháp, anh Dương Hùng Cường nằm giường trên và sếp tôi thì ở dưới. Và mỗi tối cuối tuần, ông khóa sinh nằm giường trên này luôn luôn về phòng lúc đã khuya, nhiều hôm có tí men nên khi chuếnh choáng leo lên giường cứ dẫm đạp bừa phứa. Gặp phải sự phàn nàn là cà khịa lại ngay, có nhiều lần suýt xẩy ra thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau đến nơi, may thay đều được can ngăn kịp thời. Hỏi anh về chuyện nơi tháng ngày đi Tây ấy thì anh nháy mắt cười hể hả khoái trá.

Khi anh được thuyên chuyển từ Biên Hòa về Phòng Tâm lý chiến Khối Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân, để góp phần hình thành ban biên tập trong vai trò phụ trách tòa soạn, và là một trong những cây bút chủ lực cho tờ Lý Tưởng Không quân ngay buổi đầu, vào năm 1965 thời Trung tá Vũ Đức Vinh. Rồi tưởng chừng sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây, nhưng cũng chỉ được vài năm. Sau khi Trung tá Vũ Đức Vinh ra phụ trách Đài Phát thanh, tiếp đến qua những lần thay đổi nhân sự phụ trách tờ báo, anh đổi xuống Phòng Thông tin Báo chí và ngồi ở đây suốt mấy năm liền cho đến khi xẩy ra chuyện như sau này, đưa đẩy anh sang một khúc quanh khác. Tôi quen biết anh vào thời điểm ấy, lúc bắt đầu đời lính Không quân của mình.

Đây là quãng thời gian tương đối bình lặng của anh, và anh sống với thế giới văn nghệ báo chí bên ngoài nhiều hơn là với công việc đều đặn, cùng khung cảnh gò bó tại chỗ làm việc. Và chính sinh hoạt bên ngoài ấy mới giúp anh có thêm điều kiện về tiền bạc để lo toan cho một gia đình có các con còn nhỏ, trong lúc chị Vũ Hoàng Oanh, bà xã anh là cô giáo dậy đệ nhất cấp, lương bổng hàng tháng thì cũng chừng mực trong giới hạn.

Đặc biệt anh chỉ thich đội mũ calô xanh chứ không phải mũ lưỡi trai đen như số đông dân Không quân văn phòng. Anh nói đấy là thói quen lâu năm rồi, nhưng còn một lý do nữa là loại mũ này dễ cất gọn trong cốp xe. Anh mách nước cho tôi về việc nên có hai cái mũ, một sẽ để trên mặt bàn mỗi sáng khi vào làm việc và bất chợt cần lỉnh đi đâu, xuống khu gia binh tí chút chẳng hạn, thì đã có sẵn một mũ khác cất ở ngoài xe, như thế không bị để ý lắm đến sự vắng mặt trong chốc lát của mình tại văn phòng.

Tôi không biết về tâm trạng giữa các con người trong anh, một ông nhà binh tại đơn vị với những chi phối ràng buộc tất yếu về quân phong quân kỷ và một ông ký giả trào phúng của làng báo, có lối viết móc họng bạt mạng chẳng kiêng nể gì ai, bên cạnh đó còn có một ông nhà văn đã xây dựng và giới thiệu những nhân vật nổi bật qua nhiều trạng thái tình cảm tâm lý nơi từng trang truyện. Và có sự tác động lẫn lộn qua lại nào không giữa các con người ấy.

Anh em ở văn phòng kể lại rằng dạo 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân rồi Tổng công kích đợt hai, đơn vị Cấm trại và Cấm quân liên tục. Có một tối, chắc cũng sau một chầu la de con Cọp vi vút tới nơi tới chốn dưới khu gia binh, rồi do thần tửu ma men đã bắt đầu nhập vào cùng sự căng thẳng dồn nén nào đó hay sao mà ông anh mình chỉ quần xà lỏn áo may ô, cứ giơ chân múa tay, đi tới đi lui ca hát nghêu ngao om sòm, rồi to giọng nói năng huyên thuyên đủ thứ chuyện rất dễ đụng chạm ngoài sân cờ. Ông Tướng Tư lệnh, khi đó là Thiếu tướng Trần Văn Minh (sau lên Trung tướng) đứng ở ban công trên văn phòng Bộ Tư lệnh nhìn xuống thấy hết tất cả và nhận ra anh, nên cho gọi người đưa anh vào đi ngủ. Ông Tướng cũng là một con người văn nghệ, rất yêu quý văn chương chữ nghĩa nên mới có cách giải quyết nhẹ nhàng dễ thương như vậy, chứ cứ thường ra ở nơi chỗ nào khác và cấp chi huy khác, thì không biết điều gì sẽ đến với anh.

Sau này, qua chuyện trò ở gia đình thì được biết thêm rằng cũng thời gian ấy, trên đoạn đường về gần tới nhà giữa đêm khuya vào giờ giới nghiêm, nhiều lần anh đã to tiếng cự cãi với toán Cảnh sát dã chiến trực gác tại cầu chữ Y và người thì nồng nặc hơi men. Đã quá quen mặt ông quan nhà binh có tuổi và là một ký giả tiếng tăm của làng báo, cư ngụ ở xóm nhà vùng Chánh Hưng nằm phía dưới chân cầu, vẫn thường chạy xe qua cầu rất lạng quạng trong đêm, có lần các anh em cảnh sát ở đây đã phải đưa anh về tận nhà, vì sau lúc bị chận lại tại trạm kiểm soát đã kéo công xẹc ti na (vòng rào kẽm gai hình ống xoắn), thì xe Honda cùng ông quan túy tửu đổ kềnh ra đường, coi như hết còn đi tiếp được nữa.

Khoảng cuối năm 1971, Thiếu úy Dương Hùng Cường lên trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà lạt theo học một khóa Sĩ quan Căn bản Chiến tranh Chính trị để điều chỉnh cấp bậc và rồi sau đấy lên Trung úy. Những tưởng từ đây mọi chuyện bắt đầu tiến triển êm xuôi tốt đẹp với anh, nhưng đến qua giữa năm 1972, anh vướng vào một vụ việc khá căng thẳng, khiến anh phải khăn gói ra Sư đoàn 3 Bộ binh ngoài Đà nẵng mất cả năm sau mới được về lại Không quân, nhưng phải đổi sang ngành khác, không còn ở Chiến tranh Chính trị nữa. Bối cảnh và đầu đuôi, cũng như diễn tiến sự việc, không nằm ngoài chuyện viết lách cùng với kiểu túy ngôn bất kể quân thần trời đất, dễ thấy nơi anh. Tôi còn nhớ ít nhiều những điều liên quan đến anh Dương Hùng Cường về chuyện ấy…

Vào thời điểm năm 1972, đất nước trải qua chiến sự mùa hè đỏ lửa, như thêm một nhắc nhớ nữa về sự vô cùng khốc liệt của chiến tranh, với mọi khổ hạnh đau thương và nỗi ám ảnh lo sợ thường trực trước những cái chết không rời. Sau dấu mốc này được vài tháng thì Không quân có đợt tuyển mộ Tân binh và Hạ sĩ quan kỹ thuật. Cũng dễ hiểu trạng thái tâm lý tự nhiên của các gia đình có con em ở vào độ tuổi động viên trong hoàn cảnh đó.Vì thế mà số lượng các bạn thanh niên tập trung tại khu vực cổng Phi Long để chờ nộp đơn ứng tuyển vào Không quân vô cùng đông đảo, có ngày dễ chừng lên tới con số hàng ngàn người. Cũng đã dự trù trước được tình trạng này và để tránh những điều tiếng dư luận không hay có thể xẩy ra, Bộ Tư lệnh Không quân đã cho thành lập một Hội đồng tuyển mộ để lo việc tiếp nhận đơn của ứng viên, tổ chức từng đợt thi cử rồi chấm thi và công bố kết quả. Ngoài Khối Nhân viên phụ trách chính, còn có đại diện của nhiều đơn vị, phần sở khác cùng tham gia. Về phía Chiến tranh Chính trị, tôi được văn phòng biệt phái tham dự Hội đồng đó.

Vào những ngày nhận đơn tại cổng Phi Long, ngoài nhiệm vụ phụ giúp việc hướng dẫn, giải thích mọi vấn đề cho các ứng viên cũng như tiếp nhận hồ sơ, tôi còn phải tiếp đón và kịp thời trả lời mọi câu hỏi hay thắc mắc của giới báo chí muốn biết mhững gì liên quan đến đợt tuyển quân này. Có thêm một sĩ quan nữa trong văn phòng ra tăng cường và được thay đổi luân phiên mỗi hai tuần. Anh Dương Hùng Cường ra ngoài cổng Phi Long với tôi trong một lần như thế. Công việc cũng khá mệt nhọc vì thời tiết nắng nóng và phải ngồi ở đó liên tục suốt ngày, từ sáng sớm cho đến chiều, khi giải quyết xong hết hồ sơ của vài trăm số thứ tự để nộp đơn đã được phát ra. Trong ngày, anh em chúng tôi chỉ kịp trao đổi với nhau vài câu lúc ra phía sau uống nước để nhấp giọng. Tôi nhớ sau một buổi chiều thật bơ phờ nơi thời gian này, anh Dương Hùng Cường rủ tôi đi ra phố uống bia, nhưng tôi đã thoái thác vì biết rằng những nơi chỗ anh thường lui tới ngoài Sàigòn với bạn hữu của anh trong giới văn nghệ báo chí, không phải là chỗ mà tôi có thể tham dự. Trước đấy, thỉnh thoảng tôi chỉ đi với anh đến những quán hàng loanh quanh trong phạm vi căn cứ Tân Sơn Nhất, mỗi khi có dịp.

Thế rồi chừng hai ba hôm sau, chưa tới đợt thay người, thì bất chợt một buổi xế trưa, có viên sĩ quan an ninh đến khu vực Ban tuyển mộ đưa giấy mời anh Dương Hùng Cường về trình diện Khối An ninh Không quân. Nét mặt anh hơi biến sắc và tôi cũng thấy giật mình, không biết chuyện gì đã xẩy ra. Rất nhanh, tự nhiên tôi thoáng nghĩ thầm, không lẽ anh lại dính dáng vào chuyện áp phe vặt gì đó trong việc tuyển mộ này.

Khỏi phải nói, văn phòng Chiến Tranh Chính Trị thật xôn xao và đủ thứ bàn luận, phán đoán. Mấy ngày tiếp theo mọi việc được rõ ràng hơn. Qua tin tức từ bên An ninh Không quân và do anh Trần Tam Tiệp dò hỏi thêm được các chi tiết, thì ra chỉ vì lời qua tiếng lại giữa anh và mấy ông Dân biểu trẻ trong Khối Quốc gia, là thành phần thân chính quyền ở Hạ viện, tại nhà hàng Thanh Thế nơi buổi chiều hôm ấy mà nên cớ sự. Và trong buổi chiều hôm ấy, chắc hơi men đã bốc lên ngất trời, rồi giữa cơn túy lúy, anh Dương Hùng Cường thốt ra vài câu nói mà những vị kia cho rằng xúc phạm nặng nề đến họ, cũng như cơ quan dân cử, đại để như thể anh sẽ bợp tai đá đít tất cả, dù có là ai hay ở đâu đi nữa gì đó…

Ngay hôm sau, lấy cớ này để làm to chuyện, các ông Dân biểu nhà mình liền thực hiện tiến trình báo cáo nội vụ sự việc đến các nơi cần thiết. Điều này chỉ là giọt nước tràn ly, vì vốn đã có sự để tâm hiềm khích anh từ lâu, qua những bài viết gây nên ân oán của anh trên tờ Con Ong, từng ít nhiều đụng chạm đến hoạt động nghị trường của họ.

Các giới chức thẩm quyền cao cấp vào cuộc với những chỉ thị gay gắt. Trong tờ trình về phía Không quân, đã cố gắng trình bầy những tình tiết mong giảm nhẹ phần nào tính chất vụ việc cho anh, nhưng rồi cuối cùng nguyên văn câu bút phê có chữ ký của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ghi bên cạnh tờ tường trình của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị như sau: “sĩ quan CTCT tuyên bố láo lếu, thuyên chuyển khỏi Quân khu”. Tôi có được nhìn thấy bản sao chụp tờ tường trình ghi hàng chữ đó gửi cho văn phòng Chiến tranh Chinh trị Bộ Tư lệnh Không quân. Trong vụ việc này còn có anh Nguyên Vũ, cũng mới thuyên chuyển về Cục Chính Huấn được ít lâu, không biết buổi chiều hôm ấy có nói năng điều gì, nhưng tôi nghĩ anh Nguyên Vũ bị vướng vạ lây vì ngồi chung bàn với anh Dương Hùng Cường trong cuộc rượu.

Thế rồi anh lên đường ra Sư đoàn 3 Bộ binh ngoài Đà nẵng và được giao cho làm sĩ quan Binh thực, đi kiểm soát các nhà ăn, thuộc Tổng hành dinh tại Bộ chỉ huy Sư đoàn. Trên thực tế, công việc chính thức như vậy nhưng một nhiệm vụ bên cạnh khác của anh là phụ trách viết bài tường thuật mỗi khi có các chiến thắng của đơn vị, rồi về gửi đăng tải trên báo chí ở Sàigòn.

Trước đó, Sư đoàn 3 Bộ binh thời Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, được biết đến như một đơn vị trừng giới, vì ngoài lực lượng quân số bình thường, còn gồm nhiều thành phần quân nhân phức tạp các cấp có vấn đề từ các nơi được thuyên chuyển về, hay những quân phạm, lao công đào binh…sau khi đã thụ án phạt kỷ luật xong được hồi ngũ, cho nên hiệu năng chiến đấu lả cả một vấn đề. Rồi trong chiến trận năm 1972 với vụ việc Trung tá Phạm Văn Đính dẫn Trung đoàn 56 của Sư đoàn đầu hàng giặc, gây nên một tổn thương lớn cho đơn vị và quân đội, đưa tướng Vũ Văn Giai đến chỗ mất chức rồi phải nhận một án phạt nặng nề.

Khi Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh về thay thế làm Tư lệnh, thì mọi việc được chấn chỉnh và cải tiến dần. Sư đoàn đã bắt đầu khởi sắc và có những chiến thắng quan trọng tại mặt trận. Điều này cần phải được giới thiệu và quảng bá rộng rãi để tạo lại uy tín cho đơn vị cũng như cổ võ sĩ khí cho quân nhân các cấp trong chiến đấu và phục vụ. Anh Dương Hùng Cường có mặt tại sư đoàn 3 Bộ binh giữa hoàn cảnh đó để nhận lấy công việc này và hoàn toàn nằm trong khả năng của anh. Cũng là điều tốt, chứ nếu không thì nào biết sẽ ra sao cho một ông Trung úy Không quân gần hai mươi năm lính, gốc ngành kỹ thuật lâu ngày, rồi ngồi ở văn phòng và chỉ cầm bút chứ chưa hề có được một ngày trực tiếp đối đầu với súng đạn.

Cũng phải nói là nhờ có thêm sự giới thiệu gửi gấm từ các giới chức thẩm quyền Không quân. Anh Trần Tam Tiệp, lúc đó còn mang lon Thiếu tá, đã lo liệu mọi chuyện trong việc này. Không những thế, ngay từ lúc nghe tin anh Dương Hùng Cường bị giữ tại an ninh Không quân, anh đã đôn đáo gõ cửa khắp nơi để dò hỏi và có thể làm tât cả những gì tốt nhất cho anh ấy. Anh Tiệp là một sĩ quan kỳ cựu, xuất thân khóa 2 Nam Định rồi đi học Không quân bên Pháp và có mặt ở quân chủng từ những ngày đầu thành lập. Đã từng trải qua nhiều chức vụ chỉ huy tại khắp các đơn vị Không quân, kể cả bên ngành an ninh, nên uy tín cũng như mối giao thiệp của anh Trần Tam Tiệp rất rộng rãi. Nhờ vào sự tận tình giúp đỡ đó mà anh Dương Hùng Cường có được nhiều dễ dàng thuận lợi hơn trong thời đoạn khó khăn đã gặp phải này.

Tôi cũng có giao tình như huynh đệ từ nhiều năm với anh Trần Tam Tiệp, qua việc cùng chung một sở thích là ham chuộng bộ môn bóng tròn. Cứ mỗi cuối tuần vào mùa tranh giải vô địch túc cầu hàng năm, hay những khi có các trận đá banh quốc tế, chúng tôi thường ngồi cạnh nhau tại sân banh Cộng Hòa để dự khán các trận cầu và trao đổi các bàn luận, đặc biệt ở những lần đội banh Không quân trực thuộc Ban Thể dục Thể thao văn phòng Chiến tranh Chính trị ra sân. Vì ông sếp của tôi tham gia vào sinh hoạt làng bóng ngoài dân sự và là Tổng Thư ký của Tổng cuộc Túc cầu, nên tôi vẫn phụ giúp ông chuyện này chuyện nọ ít nhiều trong công việc này. Nhờ đó, tôi có được một thẻ Thưòng trực để vào cửa xem đá banh quanh năm không phải mua vé. Anh Trần Tam Tam Tiệp rất thân quen với ông sếp tôi, nên cũng có một thẻ như thế. Là sĩ quan cấp tá, nhưng anh Trần Tam Tiệp thật xuề xòa bình dân đầy nghệ sĩ tính. Anh sinh hoạt văn chương báo chí và hơi kín tiếng vì khiêm hạ, nhưng là người luôn vui vẻ để sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người quen biết với tất cả tấm lòng và những gì có thể, nên ai cũng vô cùng quý mến anh. Anh không nói kể gì nhiều nhưng tôi biết được kết quả tốt đẹp của nỗ lực tích cực vận động, gõ cửa mọi nơi chỗ của anh để nhờ can thiệp, giúp đỡ cho anh Dương Hùng Cường…

Lần đầu tiên về Sàigòn sau khi ra đơn vị mới chừng vài tháng, anh Dương Hùng Cường ghé vào văn phòng thăm mọi người trong bộ quân phục tác chiến, đầu đội mũ vải rộng vành trông rất ngon lành và anh nói đang ở trong Đại đội trinh sát. Lúc ra ngoài cửa, tôi ghé tai anh hỏi nhỏ về số ruồi đã bị thanh toán, anh huých tôi và nháy mắt cười cười rồi nói khẽ… nhờ bạn mình tí, để yên cho nhau làm việc…

Khoảng một năm sau anh Dương Hùng Cường được về lại Không quân nhưng phải đổi sang ngành Hành chánh chứ không còn ở Chiến tranh Chính trị nữa và anh trở thành “học trò” của tôi.

Trước đấy, Không quân vẫn phải gửi sĩ quan Hành chánh sang thụ huấn bên trường Tổng Quản trị Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng sau rồi được phép mở riêng những khóa Sĩ quan hành chánh để kịp thời cung ứng nhân lực cho Quân chủng. Khóa sinh theo học là các sĩ quan mới ra trường và các sĩ quan hành chánh ở đơn vị, đã thâm niên cấp bậc nhưng chưa có Ám số chuyên nghiệp quân sự (danh từ nói về các ngành trong quân đội) để hợp thức hóa. Anh Dương Hùng Cường thụ huấn khóa thứ hai thì phải.

Trong nội dung chương trình huấn luyện kéo dài khoảng gần bốn tháng, ngoài phần chuyên môn Hành chánh Quản trị, hàng tuần còn có những giờ về Chiến tranh Chính trị và Lãnh đạo Chỉ huy do văn phòng Chiến tranh Chính trị phụ trách. Tôi được văn phòng phân công tham gia Ban Giảng huấn để đảm nhận các đề tài đó.

Thường ra khi theo học một khóa chuyên môn tại Sàigòn, là thời gian thảnh thơi và thư thả cho các sĩ quan khóa sinh, nhất là với những người mà gia đình ở ngay tại đây. Nhưng anh Dương Hùng Cường lại có vẻ khác mọi người đôi chút. Anh có vẻ trầm tư và rất chăm chú khi đều đặn có mặt ở phòng học, không hề vắng một buổi nào. Anh ngồi ngay bàn đầu và nói như thế để làm gương cho các sĩ quan khóa sinh trẻ và cũng khỏi mang tiếng anh em nhà với nhau. Tôi đoan chắc rằng cả năm trời phải xa mái ấm gia đình vì chuyện không đâu ấy, đã để lại trong anh nhiều suy nghĩ đắn đo hơn. Mãn khóa học anh được phân bố về sư đoàn 4 Không quân dưới Cần Thơ. Nơi đây không phải chỗ xa lạ gì lắm vì anh cũng có nhiều thân hữu quen biết ở đơn vị mới.

Lần sau cùng tôi gặp anh trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 là vào khoảng tháng mười hai năm 1974. Anh đi phép và ghé vào Tân Sơn Nhất thăm bạn hữu anh em. Xuống Khu gia binh uống cà phê, anh nói với tôi rằng đang bắt đầu chuẩn bị việc in ấn quyển Vĩnh biệt Phượng là tác phẩm thứ hai sau Buồn vui phi trường (sau đó quyển này vừa in xong chưa kịp phát hành thì 30 tháng Tư). Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ cũng có cả anh Nguyễn Đình Thiều, ở tờ Lý Tưởng phòng Tâm lý chiến cùng thời với anh Dương Hùng Cường dạo trước và đã thuyên chuyển đi Căn cứ Không quân Phan Rang mấy năm rồi. Thời gian đó, Thiếu tá Sĩ Phú là Trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở đơn vị này. Anh Nguyễn Đình Thiều từ Phan Rang về và ghé qua Sàigòn trên đường ra trình diện Trại Cai nghiện ma túy của Quân đội ngoài Phú Quốc. Tôi được tin anh từ trần tại đây vào cuối tháng Giêng năm 1975.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập đến, tan tác chia lìa xa cách, biệt tăm tích tất cả, không một tin tức dấu vết gì của những tình thân một thời. Rồi những tháng năm tù đầy tiếp theo càng mù mịt thêm những thân quen xưa cũ.

***

Tháng Bẩy năm 1976 tôi từ Phú Quốc chuyển về Long Giao (Xuân Lộc). Tôi nghe một anh bạn tù cải tạo cùng đội, ngày trước cũng có làm báo ở Sàigòn, nói rằng đã gặp anh Dương Hùng Cường trong một lần Tổ của anh đi lao động ngoài cánh rừng cao su Cẩm Mỹ. Khu Long Giao này vốn là doanh trại cũ của sư đoàn 18 Bộ binh, được bộ đội cộng sản chia ra thành nhiều Trại và ngăn cách nhau bằng những hàng rào kẽm gai, rất khó cho việc dò hỏi tin tức qua lại.Từ đó, mỗi khi đi làm chỗ này chỗ nọ bên ngoài, tôi đều để ý nhìn sang khu vực các đội bạn chung quanh nhưng không thấy anh bao giờ.

Rồi giữa năm 1977, tôi bị đưa ra Bắc. Trong thời gian mấy năm ở các trại ngoài đó, từ Yên Bái lên Phong Quang (Lào Cai) rồi về Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), tôi ở chung và quen biết với Dương Đức Phong, một người anh em bà con họ hàng cũng rất gần với anh Dương Hùng Cường. Qua một lần gia đình Phong ra thăm nuôi năm 1980, cho biết anh Dương Hùng Cường đã được về từ hồi 1978. Có lẽ nhờ việc anh đã chuyển sang Hành chánh, chứ nếu còn thuộc Chiến tranh Chính trị thì chắc chắn phải chịu mức tù cải tạo ít là sáu năm và cũng sẽ bị đưa ra Bắc như tôi. Được biết thêm anh chị và các cháu đã dọn nhà về một khu xóm trong hẻm trường Nữ quân nhân đường Nguyễn Văn Thoại cũ, không còn bên Chánh Hưng quận Tám nữa.

Khi được về vào cuối tháng Giêng năm 1981, nhờ có Dương Đức Phong, tôi và anh Dương Hùng Cường gặp lại nhau. Ngay lần đầu tiên, sau lúc vui mừng hàn huyên gặp gỡ, anh nói với tôi rằng anh Trần Tam Tiệp đã nhắn tìm tôi từ lâu và ghi cho tôi địa chỉ để sớm thư từ liên lạc. Anh ấy tham gia sinh hoạt báo chí bên Paris và hiện đang là Tổng thư ký Văn bút Việt Nam hải ngoại. Tôi đón nhận điều này trong tâm tình thật cảm động và cũng không để tâm hỏi anh Dương Hùng Cường có được tin tức về anh Trần Tam Tiệp từ đâu. Với anh Trần Tam Tiệp thì thời gian ở Không quân rồi quen biết anh, tôi như một đứa em thực sự và rất gần gũi anh, nhất là từ sau vụ việc của anh Dương Hùng Cường năm 1972. Tôi có nghe biết về việc bà xã anh đã đem các con sang Pháp sinh sống sau biến cố chính trị 1.11.1963, nhưng không hiểu vì lý do gì và tôi cũng không bao giờ tìm hiểu thêm về điều đó. Chỉ biết từ sau ngày ấy, anh sống lặng lẽ một mình, thật mẫu mực đức hạnh trong niềm vui công việc và tình thân hữu huynh đệ với mọi người, cách riêng với các anh em đội banh Không quân như sau này. Thời gian thân quen nhau, nhiều buổi tối, tôi vẫn hay ghé thăm anh tại căn nhà nhỏ anh ở thuê bên hông nhà thờ Tân Sa Châu. Rồi thường xuyên hơn từ dạo 1974, khi anh dọn về trong con hẻm dọc theo đường rầy xe lửa phía bên kia đường Nguyễn Huỳnh Đức, cũng gần khu cổng xe lửa số 6 nhà tôi. Thời gian này, ngoài việc vẫn cộng tác với tập san Lý Tưởng Không quân, qua bút hiệu Đạo Cù, Mai Khuê, anh có viết phiếm luận và bài cho tờ Báo Đen của người bạn là Trung tá Không quân Bồ Đại Kỳ và do anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca trực tiếp phụ trách. Anh hay nói với tôi về các đề tài sẽ khai triển nơi các bài viết.Tôi giúp anh trong việc liên lạc với Phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh Dòng Chúa Cứu Thế và Linh mục Đinh Bình Định ở nhà thờ Tân Chí Linh, mà anh có tham gia nhưng không lộ diện. Ngoài ra, anh cũng bắt đầu khởi công việc thực hiện quyển Quân sử Không quân mà anh vừa được giao phó. Nhiều buổi tối, tôi đến phụ giúp anh sắp soạn và phân loại các tài liệu, hình ảnh đã có sẵn về từng nhân vật, con người Không quân cũng như các đơn vị và sinh hoạt từ những ngày phôi thai hình thành quân chủng. Thế rồi cái ngày 30 tháng Tư năm ấy…

Ngọc Tự

(Còn tiếp)

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search