T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thành Trung: DỐC CŨ

Dốc Cũ – Tranh: NGUYỄN THÀNH TRUNG

một

Tôi trở về thành phố này ngày càng ít dần, một phần vì công việc, nhưng phần lớn nơi đây có quá nhiều thay đổi, làm xóa nhòa ký ức sâu đậm một thời tuổi trẻ của tôi. Một thành phố yên tịnh, trầm mặc trong sương sớm, ấm áp trong nắng trưa hay co ro nhạt nhòa trong mưa lạnh… Dù trong bối cảnh nào, người ta cũng thường xích gần lại gần nhau, tỏa sự ấm áp tình người, những con người ở nhiều quê hội tụ.

Bây giờ nơi đây đã khác đi rất nhiều. Người ta khoác lên thành phố này chiếc áo của người thợ vụng may, lượm nhặt chắp vá, đôi chỗ lòe loẹt, dị hợm… Nói cách khác, nó như bức tranh tổng hợp của nhiều trường phái, phong cách, ngay cả điểm nhấn ngỡ tưởng đắt giá nhất của bức tranh lại là một bệt màu vụng về, thô kệch!

hai

Một buổi lang thang, tôi bắt gặp trong thành phố còn sót lại một con hẻm nối giữa hai con phố chênh nhau độ cao. Con hẻm hầu như còn y nguyên, không thay đổi. Hai dãy nhà, chỗ vách gỗ chỗ tường xây. Nhưng vẫn giữ lối kiến trúc đặc trưng thời hồng hoang phố núi. Những chậu hoa dưới ô cửa kính, băng ghế gỗ nhỏ kê trước hiên nhà, cây cột điện nghiêng nghiêng đứng sát bên con hẻm… tất cả đều gợi nhớ một nét riêng, một hoài niệm, xưa cũ. Những bậc đá chẻ xếp đều chừa những khoảng cách vừa đủ để tránh trơn trượt cho người bộ hành. Bên cạnh tam cấp đó, một con đường nhỏ xây ven theo, vừa đủ cho một chiếc xe hai bánh lên xuống.

Nhìn mặt đá mòn nhẵn qua những dấu chân thời gian, khiến con hẻm ngoằn ngoèo hun hút, lôi cuốn khách lãng du.

ba

Chiều xuống dần. Một mảng nắng yếu ớt, in bóng một ngọn cây thông xơ xác lên vách tường căn nhà phía đầu dốc. Tôi ghé vào một quán cà-phê nằm ở lưng chừng con hẻm. Trước cửa ra vào của quán, chủ nhân treo một mảnh gỗ mỏng, dài chưa đầy sải tay, có dòng chữ sơn đen ngoằn nghèo: Dốc Cũ. Nhìn trong nhà thì khó nhận ra đó là cái quán, tất cả bày biện như một phòng khách nhỏ của gia đình. Một bộ sa-lon, một bàn dài kiểu bàn ăn, chưa đầy chục cái ghế dựa… tất cả đều bằng gỗ. Sát vách phía trong kê một kệ sách, đa phần là sách cũ, được sắp xếp cẩn thận. Cạnh kệ sách là một chiếc bàn nhỏ có trải khăn, vừa đủ đặt một dàn máy nghe nhạc chạy băng lớn hiệu Akai. Dàn máy nghe nhạc có lẽ chỉ đặt ở đó để hoài niệm, không mở… nhạc trong quán được phát ra bằng chiếc máy khác, phát qua những chiếc loa dấu đâu đó. Nguyên một khoảng tường bên hông nhà chỉ treo lệch vào phía trong một bức tranh sơn dầu, vẽ chân dung một thiếu nữ. Bức tranh hơi khó xem bởi đặt trong vùng thiếu ánh sáng. Tuy vậy, nó cũng dễ gây tò mò cho những người yêu thích, nhất là tranh vẽ chân dung một thiếu nữ đẹp.

Cạnh kệ sách, một cầu thang gỗ dựng chéo dẫn lên căn gác phía trên. Nghe chủ nhân giới thiệu trên gác cũng để dành cho khách uống cà phê, rộng rãi hơn. Một cửa ra vào dẫn ra phía sau, có lẽ là nơi pha chế và sinh hoạt riêng của chủ nhà.

bốn

Tôi chưa xong công việc để có thể rời thành phố. Chiều nay mưa dầm dề – tháng Sáu có khác. Tôi nghe nói thành phố ảnh hưởng áp thấp đâu đó. Dốc Cũ vắng khách, tôi ngồi một mình bên tách cà-phê sát bên cửa sổ nhìn ra con hẻm bóng loáng nước. Bây giờ tôi mới để ý trước hiên nhà treo những chậu hoa Son Môi lơ lửng, đung đưa theo từng nhịp gió. Một mảng tường rêu đã phủ xanh, đan chen với đám cây Thằn Lằn bò lên của mảng tường căn nhà đối diện, làm một chút gợi nhớ, một chút gì đó xưa cũ, mơ hồ.

Mưa dai dẳng, con hẻm chìm nhanh vào trong bóng tối. Những sợi mưa đan xiên theo vệt đèn ngược sáng. Con hẻm cong gẫy, méo mó như một bức tranh lập thể. Bức tranh sơn dầu vẽ chân dung thiếu nữ treo trong nhà lại khó nhìn hơn.

Tôi tính tiền cà-phê, đứng lên nhìn cơn mưa chần chừ.

-Ông cầm dù ni mà mà về, mưa có lẽ còn lâu mới tạnh. Lúc nào ông ghé lại quán trả lại cháu cũng được.

Giọng nói cho tôi biết cô là người chính gốc ở thành phố này. Một chút Huế, một chút Quảng, một chút Bắc… hòa quyện để phát ra một giọng nói rất riêng này. Tôi ngoái đầu quay lại nói lời cảm ơn. Chợt nhận ra khuôn mặt quen quen, như đã từng gặp đâu đó. Khoát tay ra hiệu từ chối tôi bước vội xuống thềm, lao vào cơn mưa về nhà trọ…

kết

Tôi được tin về thành phố ngày xưa của tôi, người ta đang quy hoạch, chỉnh sửa, xây dựng… theo đồ án mới. Như báo nói: họ duy trì thành phố trở thành một “vườn hoa” mà mỗi bước chân đi người ta lại phải dừng lại, để say sưa mê ngắm với một vẻ đẹp mỗi ngày mỗi khác! Tuyệt quá rồi!

Ngay con “dốc cũ” bây giờ là một trong những điểm thu hút du khách, nó trở thành một đoạn “phố cổ” đặc trưng của miền cao nguyên.

Người ta mở những cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật ở nhiều tỉnh thành, bối cảnh là những con hẻm ở thành phố này với nhiều góc nhìn, nhiều điểm thời gian… ảnh nào cũng đặc sắc, lấp lánh… thiên đường!

Quán cà-phê Dốc Cũ được chăm chút hơn. Chủ nhân đã mở nhạc cho khách nghe bằng chiếc máy Akai kê trên chiếc bàn gỗ có trải khăn. Những quyển sách cũ trên kệ được đóng lại bìa cẩn thận. Bức tranh chân dung thiếu nữ đã được treo vào vị trí mới, vừa đủ ánh sáng. Thấy rõ ánh thiếu nữ đầy sức sống, trong veo niềm tin cạnh nụ cười thắm đượm, quyến rũ. Khuôn mặt cô bé có ý cho tôi mượn chiếc dù để về trong buổi tối mưa mang nét rất giống bức tranh sơn dầu cũ kỹ treo trên tường kia – Một nét đẹp nối tiếp qua từng thế hệ, con người và thiên nhiên được nâng niu giữ gìn… Những chậu Son Môi vẫn đỏ thắm trước hiên nhà.

Vào những buối tối cuối tuần, người ta đốt pháo khắp nơi, ánh sáng tưng bừng trong tiếng nổ vang vọng trộn lẫn tiếng reo hò… tôi cũng phấn chấn gào thét, nhẩy múa…

Tôi giật mình bừng tỉnh, cạnh bàn tay ê buốt vừa đập vào cạnh giường. Sấm chớp ầm ì bên ngoài căn phòng trọ. Do lội mưa từ quán cà-phê Dốc Xưa về, tôi lên cơn sốt mê sảng… cổ họng khô rát.

Hình như thành phố không còn ảnh hưởng áp thấp mà ảnh hưởng cơn bão mới về!

Nguyễn Thành Trung

(tháng sáu hai không hai ba)

Bài Mới Nhất
Search