T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Thiên Nga: DỐC

Một con dốc Đà Lạt – Ảnh: Tác Giả

Ngôn bảo con trai dừng xe,  kéo cao cổ áo len và bước xuống, đứng lặng ngắm con dốc cao trước mặt. 

Nghe nói đây là một trong những con dốc đẹp nhất của Đà Lạt, Ngôn có chút tò mò dù đoán biết đó là con dốc rất quen thuộc với mình với cái tên thú vị, đầy biểu cảm: “Trời Ơi”.

Mất một lúc lâu, Ngôn mới có thể định hình lại vị trí con dốc xưa cao vời vợi trong ký ức 37 năm trước của mình.

*

Một trong những ngày cuối cùng của năm 1985, cầm quyết định của Sở Giáo Dục Lâm Đồng, Ngôn đi bằng xe lam từ bến nhỏ sau khu Hòa Bình đến nhà thờ Tùng Lâm rồi tiếp tục cuốc bộ thêm 6-7 cây số gì đó đến trình diện tại Phòng Giáo Dục huyện Lạc Dương.

Sau vài lần tới lui, khi đã kịp quen con dốc dài mấy cây số đầy đá sỏi nối liền Đà Lạt với Xã Lát (trung tâm du lịch Langbiang bây giờ), Ngôn được phân công về dạy học ở trường Phổ thông Cơ Sở Đạ Long – một trong ba trường thuộc vùng sâu Đầm Ròn.

Mẹ và gia đình kịch liệt phản đối. Ngôn có chút giao động nhưng rồi vẫn giữ nguyên quyết định ra đi. Thật ra, Ngôn có hơi bướng bỉnh và chẳng còn sự lựa chọn nào tốt hơn.

Ngày đó, “Trời Ơi” này chỉ là một trong những con dốc mà Ngôn cùng các đồng nghiệp gặp phải khi đi tắt từ Cây Số 9 của thành phố Đà Lạt để vào trường. Nói một cách văn hoa hơn, cô giáo Thụy Ngôn cùng đồng nghiệp phải đi hết đúng một ngày đường rừng để mang cái chữ đến với học sinh nghèo vùng dân tộc ít người.

Dốc hồi đó chẳng có ai đặt cho nó cái tên nào cả, chỉ biết nó khá cheo leo và cũng gian nan lắm mới vượt qua được với những tiếng than “Trời ơi” cùng cái miệng há to hết cỡ để hớp không khí.

Ngôn nhớ, mình tròn hai mươi tuổi. 

Cô giáo trẻ lặng lẽ theo chân các anh chị đồng nghiệp cùng là dân Đà Lạt lên đường. Trên vai, chiếc ba lô cũ chứa vài bộ quần áo giản dị, mấy đồ dùng sinh hoạt cần thiết nhất, vài loại thuốc cảm cúm và chai dầu gió nho nhỏ; cuốn nhật ký dày cộm nằm khiêm nhường tận đáy. Chiếm nhiều chỗ nhất là gói thuốc rê to đùng Ngôn mang vào để đổi với người dân lấy gạo ăn. Các anh chị bày sao thì Ngôn làm theo vậy, như một cái máy và không cảm thấy háo hức gì. Tất cả “gia tài” trên lưng Ngôn được đổi bằng chiếc đồng hồ rất đẹp được anh Hiển tặng hôm sinh nhật lần thứ 20 (Ngôn đã mang đi bán ở một tiệm nhỏ ngay khu Hòa Bình để có chi phí trang trải, khi gia đình tỏ ý “trừng phạt” nếu Ngôn không nghe lời).

Từ sáng sớm, Ngôn cùng các anh chị đi xe lam lên tới nhà thờ Tùng Lâm rồi bắt đầu lội bộ từ đó. Cả nhóm đi cắt qua những băng Légumes thuộc vùng Phước Thành, vượt qua nhiều đồi thông xanh mướt rồi mới tới dốc Trời Ơi bây giờ. 

Cuối chân dốc, hoa dại nở đầy hai bên đường. Mùi thơm của cỏ dại thoang thoảng, gió lùa qua rừng cây tạo những âm thanh xôn xao. Lúc này, Ngôn đã cảm thấy xốn xang đến lạ. Ngôn nghe tiếng lá khóc và mồ hôi mình rơi mằn mặn.  

Sau khi ngồi nghỉ, được nhấm nháp chút nước từ chiếc bi đông cũ của người anh trong nhóm, Ngôn thấy khỏe lại. Tuy nhiên, từ lúc đó trở đi, các anh chị thay phiên nhau khoác ba lô giùm Ngôn. Ngôn chỉ việc nối gót cả nhóm cắt rừng; leo, trượt nhiều đèo dốc và cố gắng không để tuột lại phía sau.

Hiện nay, dốc Trời Ơi này được xác định thuộc thôn Suối Cát, Xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng. Đây vẫn là con đường đầy gian nan dẫn đến Làng Cù Lần – một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng Đà Lạt, thu hút rất nhiều dân phượt. Chinh phục con dốc cũng là một trong các hoạt động vô cùng thú vị dành cho mọi du khách ghé thăm ngôi làng này. 

Nhìn từ phía dưới lên, con dốc khá cao, vì thế mà khá nhiều người cảm thấy e ngại. Để chinh phục con dốc dễ dàng hơn, người ta đã làm những đường dây nối từ chân dốc lên đến đỉnh. Đứng từ trên đồi cao nhìn xuống bên dưới, một khung cảnh thiên nhiên đẹp lãng mạn bày ra trước mắt. Ngôi làng Cù Lần nho nhỏ, cổ xưa ẩn hiện trong rừng thông xanh bạt ngàn, mở ra một khung cảnh bình yên, tĩnh lặng khiến các du khách cho dù mệt nhưng vẫn rất thoải mái, thư giãn.

Còn Ngôn, ngày xưa bao nhiêu lần vượt qua dốc Trời Ơi bằng chính đôi chân mình, cô không còn nhớ nữa. Có lẽ, với bản tính khá lãng mạn của mình, cũng có lúc Ngôn đã nghe lá hát, tóc hát, thậm chí nghe cả dàn đồng ca bốn mùa của rừng thông xanh mướt, trập trùng …

Ngay sau khi ngồi nghỉ, ăn vội miếng cơm trưa bới theo trong lon sữa Guigoz, theo chân mọi người, Ngôn phải chinh phục một con dốc khác cao hơn dốc Trời Ơi, đó là dốc Cổng Trời. Sau này dốc này được gọi gọn hơn: dốc Trời. Có nghĩa là khi tới đây rồi, mình chỉ còn sức để thốt lên một tiếng duy nhất: TRỜI!

Vâng, nếu đi theo hướng từ Đà Lạt vào thì phải trượt dốc Trời và khi nào được về thăm nhà thì phải leo lên Cổng Trời, hiểu như vậy. 

Trước khi trượt dốc, Ngôn và mọi người đều ngồi nghỉ lại trên đỉnh. Ở đó có một thảm hoa dại màu vàng rất đẹp. Nằm dài trên cỏ, gối đầu lên ba lô, Ngôn tưởng chừng đưa tay sẽ chạm được áng mây trắng đang lững lờ trôi ngang đầu và bật lên vài vần thơ ngộ nghĩnh. Ngồi dậy, phóng tầm mắt xuống xa xa, buôn làng ẩn hiện với những làn khói đốt rẫy xám buồn. Đó là vào ngày có nắng đẹp.

Ngày mưa, Ngôn và đồng nghiệp chỉ ngồi nghỉ qua loa lấy sức để trượt dốc. Những lúc đó, thảm hoa vàng dưới chân bỗng như rưng rưng khóc, bàn chân có gót hồng xinh sẽ bật máu khi ráng víu dốc trơn dựng đứng để không ngã xuống đầu người đi trước. Nếu như vậy thì cả nhóm sẽ hết sức nguy hiểm. Phải kể đến cả việc đối phó với những con vắt đói đang đợi ở khu rừng le nứa cuối dốc; đối phó với cả những con ruồi vàng chích vào nhức nhối, những con muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét luôn rình rập xung quanh…

Dốc Trời, con dốc để lại nhiều ấn tượng, lúc xuống khoảng 50 phút nhưng khi lên mất khoảng 90 phút. Dốc dựng đứng, nhiều đoạn phải bám vào cành hay rễ cây rừng mà leo, người đi sau chỉ thấy chân người đi trước vì quanh năm sương mù dày đặc… Lúc này, Ngôn không còn biết rằng leo lên dốc mệt hơn hay xuống dốc mệt hơn, chỉ thấy miệng đắng chát, ráng mở hết khẩu độ để hớp không khí và kêu Trời trong làn nước mắt đang ràn rụa.

Rời dốc Trời, lại qua dốc Đá, rồi vượt qua dòng suối sâu lạnh buốt. Men theo con đường mòn khá xa, ngôi trường làm bằng gỗ lợp tôn nằm gần suối nước nóng nồng mùi lưu huỳnh đang đợi thầy cô giáo sau một ngày cắt đường, trèo đèo, lội suối.

Nhìn lên đỉnh dốc Trời tuốt đằng xa, chỉ còn mờ mờ sương khói.

Nhìn lại khuôn mặt mình trong cái gương tròn bé xíu, Ngôn phờ phạc, tái mét và không còn sức sống  

*

Ký ức trở về thật gần, thật rõ nét.

Tiếng reo hò của nhóm du khách trẻ tuổi đang thi nhau nắm chiếc dây thừng dài để leo dốc Trời Ơi khiến Ngôn bừng tỉnh. Quay sang, cô nhìn thấy họ đầy sức sống và yêu đời.

Minh Quân khều nhẹ: 

– Thua mẹ ngày xưa, mẹ nhỉ?

Ngôn mỉm cười:

– Mọi sự so sánh là khập khiễng con à!

Bất chợt Ngôn nhớ tới câu nói ở đâu đó, đại khái như vầy: “Cuộc sống luôn là những vòng xoáy trôn ốc bất tận. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi trước những áp lực của cuộc sống, bạn hãy lấy làm vui, bởi vì bạn vẫn đang ở trên hành trình leo dốc. Bạn sẽ có những khoảng nghỉ xuống dốc, nhưng cuộc đời sẽ lại đưa đến những con dốc mới để bạn chinh phục.”

Tuổi của Ngôn, cô có còn con dốc nào để chinh phục nữa không nhỉ? Cuộc đời cô đã có những khó khăn và cũng có những giây phút vỡ òa hạnh phúc.

Bây giờ, nghĩ xa hơn, cô chỉ muốn cùng các con mình leo dốc với cách thở sâu, bước chậm và vững chãi; xuống dốc, cũng phải làm chủ được tốc độ. Giúp các con nhận thấy rằng mọi hành trình của cuộc sống đều có một đích đến giống nhau: là hạnh phúc, sự bình an trong chính bản thân con người và tâm trí mình. 

Hôm nay, Ngôn có một thoáng bâng khuâng khi nghĩ đến những con dốc gian nan cô đã vượt qua. 

Những con dốc có thực trong đời.

Nguyễn Thiên Nga

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search