T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cái chết của Harambe Gorilla

Gorilla

 Harambe Gorilla – Ảnh : Reuters

Tiếng Anh nói là “accident”, đồng nghĩa với tiếng Việt nói là “tai nạn”. Người Mỹ nói, “Stuffs happen. Hay Sh… happens” để diễn tả những điều xảy ra hoàn toàn ngoài ý muốn, tai nạn là thế, cứ xảy ra đủ kiểu, mọi nơi…

Chuyện về một chú đười ươi có tên là Harambe Gorilla đã bị bắn chết tại sở thú Cincinnati Zoo đã trở thành dư luận. Có người cho rằng việc chú đười ươi ấy bị bắn để cứu một đứa trẻ bốn tuổi là hoàn toàn đúng. Có người cảm thấy làm thế là bất công với chú đười ươi này.

Nhưng đó là bản chất của tai nạn. Mọi người chỉ có thể nói chuyện đã rồi. Nhưng nếu như cẩn thận hơn một chút, kỹ lưỡng hơn một chút. Phía sở thú có trách nhiệm thiết kế hàng rào cẩn thận. Có nhân viên bảo vệ đàng hoàng. Cha mẹ các em nhỏ để mắt và quan tâm đến các con kỹ lưỡng hơn. Hoặc nếu như ta đòi hỏi quá đáng một chút, huấn luyện các chú đười ươi ngoan ngoãn và hiếu khách hơn thì chuyện accident chắc chắn đã không xảy ra.

Người sính thơ Việt Nam chắc vẫn còn nhớ bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Nói về tâm sự của chúa tể sơn lâm bị nhốt trong sở thú. Hẳn nhiên hổ và đười ươi không thể giống nhau, song tâm trạng và cảnh ngộ của một kẻ bị nhốt luôn là nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Thế Lữ đã kể lại tâm trạng của một con cọp bị nhốt trong vườn bách thú:

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

(Nhớ Rừng – Thế Lữ)

Tội nghiệp chú đười ươi Harambe. Chú hồn nhiên, mỗi ngày ăn những thức ăn rau quả người ta ném vào chuồng cho chú. Không rõ Harambe tự nguyện hay miễn cưỡng. Mà không miễn cưỡng thì cũng có lựa chọn nào khác đâu. Thế là ngày hai buổi Harambe vẫn phải chình ình ra đó để đem lại những khoảnh khắc thư giãn cho con người. Cuối cùng là một ngày bất hạnh. Khổ cho Harambe, có sinh nghề đâu mà tử nghiệp đến độ thương tâm đến thế. Dân cư trên mạng xôn xao lên với những cảm giác thương cảm hay giận giữ khác nhau. Họ thương Harambe chỉ đơn giản là Haramabe có làm gì nên tình nên tội đâu mà phải chết. Chuyện nghe thật thương tâm. Đứa trẻ lạc vào giang sơn của Harambe cũng chẳng biết gì, chẳng cố tình, thế mà câu chuyện thương tâm ấy đã xảy ra. Thật đáng thương. Bẽ bàng… lãng xẹc.

Tổ chức PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) luôn đứng ra bảo vệ quyền lợi của thú vật đã bày tỏ thái độ đáng tiếc khi sự việc xảy ra. Họ cho rằng Sở thú nơi Harambe đang sống đã thiếu trách nhiệm. Họ cáo buộc Cincinnati Zoo đã không tạo điều kiện cung cấp môi trường sống thích hợp cho Harambe vì đương sự chỉ là một động vật hoang dã với nhiều nhu cầu rất phức tạp (complex needs).

Giữa sinh mệnh một đứa trẻ và sự an toàn của một con đười ươi. Ta không thể nói bên nào quan trọng hơn. Chúng ta chỉ biết rằng cả hai, nếu như giữ lại được sẽ hay biết bao nhiêu. Nhưng nếu đã như thế thì làm gì có chuyện để nói. Nếu mọi chuyện đã tử tế như thế thì tự điển của tất cả các ngôn ngữ sẽ không có danh từ “tai nạn” (accident).

Với câu chuyện đáng tiếc này, mạng người không bị ảnh hưởng gì, nếu ta cho rằng mạng sống của cậu bé 4 tuổi được bảo vệ, nhưng tâm lý của em nhỏ sẽ ra sao? Có ai dám bảo đảm sau biến cố bị chú đười ươi nặng 450 pounds lôi xềnh xệch đi, tâm lý của em sẽ vẫn phát triển bình thường? Và di hại tâm lý ấy liệu có khiến em lớn lên với những hình thức rối loạn tâm lý về sau (PTSD) nào đó. Dư luận nhất định không thể không lo lắng cho em, dù người ta biết em là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chú đười ươi Harambe vô tội.

Liệu sẽ có những vụ thưa kiện? Dù em bé 4 tuổi leo rào rồi rớt vào bên trong khu vườn là lỗi của em, nhưng nếu gặp phải những luật sư giỏi thì đúng là chuyện gì cũng có thể xảy ra? Và rồi vô phúc đáo tụng đình. Nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra. Người có tóc sẽ bị túm áo. Lần này có người nghĩ rất có thể Cincinnati Zoo sẽ bị liên lụy. Người ta sẽ nghĩ đến những đền bù không thể cứ nói nhẹ là nhẹ được.

Rồi chuyện những đợt sóng phản đối của người yêu động vật. Họ sẽ không để yên đâu. Nhiều người trong ban giám đốc của sở thú Cincinnati Zoo sẽ phải có trách nhiệm. Sẽ từ chức? Sẽ tình nguyện nhận lỗi rồi cáo lui. Hay là sẽ giằng co, đổ thừa tại bị… Cuối cùng phải đợi đến những biện pháp mạnh. Hơn nữa văn hóa Mỹ là văn hóa từ chức. Làm sai sẽ tự giác nhận lỗi rồi xin nghỉ việc. Lần này không biết có ai sẽ đứng ra lấy ngực đỡ đạn cho cấp trên? Hay vẫn chỉ là đá banh, lừa qua lừa lại rồi sẽ chìm xuồng, không ai nhắc đến nữa.

Và rồi người ta sẽ nói đến những thủ tục an toàn khi sự việc tương tự sẽ xảy ra. Cần phải có hàng rào an toàn hơn. Ít nhất sẽ có những loại sung bắn gây mê (chứ không phải đạn nã vào ngực kiểu Harambe đã hứng chịu). Như thế trường hợp tương tự xảy ra sẽ không quá đáng tiếc. Chỉ cần bắn súng gây mê là đủ. Nạn nhân trong tương lai chỉ bị giật điện một lát rồi tỉnh lại. Sở thú sẽ vẫn bình thường như bao nhiêu ngày trước đó. Cái chết của Harambe vì thế sẽ không bị rơi vào lãng phí (như lần này).

Còn cha mẹ em nhỏ, liệu họ có bị truy cứu? Liệu họ có phải trả lời những câu hỏi của nhà chức trách? Tại sao họ không để mắt đến con cái? Liệu sở an sinh xã hội có đến làm khó? Liệu họ sẽ bị tước đoạt quyền nuôi con? Hay đơn giản hơn họ sẽ bị phạt, bị giam vì đã không có trách nhiệm kiểm soát con, dẫn đến một tai nạn thật đáng tiếc (và có thể ngăn chặn được).

Bất luận chuyện gì xảy ra, kiểu người xưa nói: Đánh chết người không đền được người. Chú đười ươi Harambe đã ngã xuống. Tại bức tượng của chú phía trước cổng chuồng bằng đồng, người hâm mộ Harambe đã đặt những vòng hoa tưởng niệm bày tỏ niềm thương tiếc sâu sắc.    Nhưng màu đỏ của hoa hồng, màu trắng của hoa huệ, và màu vàng của hoa cúc chẳng thể đem lại mạng sống của Harambe. Trong căn chuồng ấy, Harambe đã bỏ lại hai cô bạn gái. Được biết khi đưa Harmabe về đây, người ta hy vọng cu cậu sẽ là một ông bố tuyệt vời. Nhưng cuối cùng thì… Đúng là vận mạng của Harambe thật ngắn ngủi thay…

Không ít người ngạc nhiên khi một em nhỏ 4 tuổi có thể leo cao qua một hàng rào 12 feet (3.7 m) để rồi Harmabe – một chú đười ươi chuyên sống ở đất thấp đã nắm chú bé lôi đi. Có thể Harmabe sợ. Lãnh địa của mình bị đe dọa. Có thể Harambe không phân biệt được đâu là thù, đâu là địch. Mà dễ hiểu hơn cả là Harmabe đang đứng ra bảo vệ lãnh địa của mình. Cũng có thể Harambe coi cậu bé kia như một món đồ chơi lạ (a strange toy). Những câu hỏi này chỉ có một mình Harambe biết được.

Giá như Harambe đừng xông ra. Hãy cứ ngủ yên trong hang. Cứ nằm vắt vẻo tắm nắng, đừng bận tâm đến cậu bé nọ, chuyện cậu bị bắn chết sẽ không xảy ra. Nhưng, một khi đã nói đến hai chữ “giá như”, có đến hàng núi những hoạt cảnh “giá như” như thế sẽ xảy ra. Giờ thì người ta chỉ biết ngậm ngùi thương cảm cho một chàng đười ươi Harambe điển trai và khỏe mạnh. Than ôi. Ngày vàng son ấy, hứa hẹn những quả chuối thơm ngon, những củ cà rốt giòn ngọt, những cây bắp cải mướt mát, hai cô bạn gái… Cuộc sống cứ như thế mãi…

Nhưng  đười ươi không có luật sư nne chẳng ai bênh vực được cho đười ươi ngoài những người yêu thú vật. Giám đốc vườn thú cho rằng quyết định hạ gục Harambe là có lý. Thật đáng tiếc. Thuốc mê bắn để khống chế Harambe đã hoạt động quá chậm. Kết quả là người ta đã phải bắn nó vì sự an toàn của một đứa trẻ mới lên bốn.

Mong thay bài học kinh nghiệm này sẽ giúp tất cả những vườn bách thú hãy cẩn thận nhiều hơn nữa. Phải thắt chặt các biện pháp an toàn. Không thể để cho tình trạng này tái diễn. Có như thế những câu chuyện đáng buồn như đã xảy ra cho Harambe mới không xảy ra nữa. Nhất là Harmabe – một trong số loài thú thuộc danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Mong rằng tổn thất lớn lao này sẽ không xảy ra nữa trong tương lai.

Còn các bậc cha mẹ (trẻ). Nên hoạch định rõ thời gian nào cho con cái thì hai người nên trở thành hai nhân viên trông trẻ miễn phí tốt nhất. Lãng mạn rất cần thiết trong hôn nhân, nhưng nguy hiểm cực kỳ khi không đúng lúc!

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search