T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: KHÁNH TẬN

Cõi Người Ta – Tranh: THANH CHÂU

Khi còn đi học, những lúc rảnh rỗi tôi thường đọc sách như các anh tôi chứ không có suy nghĩ gì khác. Nhưng khi có bạn ghé nhà rủ đi đá banh, đi rong chơi thì gấp quyển sách lại, những gì vừa đọc, xin trả lại tác giả không thiếu một chữ vì thế giới bên ngoài hấp dẫn hơn những trang sách khô khan, những câu chuyện gai góc hơn tuổi đời. Nhưng biến cố lịch sử đã lùa cha anh tôi ra nước ngoài, người vô tù cải tạo. Tôi thành đầu bếp của gia đình vì mẹ đi bán chợ. Nói nghe cho oai chứ kỳ thực ngày nấu hai nồi cơm, luộc rau thì ai làm không được. Nên tôi có thời gian đọc sách nhiều hơn nữa cho đỡ buồn gia cảnh, phần thừa hưởng tủ sách của đàn anh đồ sộ, tranh thủ đọc trước khi bị tịch thu hay buộc hủy bỏ như đã xảy ra ở nhiều nơi.

   Dĩ nhiên toàn những tác phẩm không phù hợp lứa tuổi, nhưng làm gì cho hết thời gian sau những buổi học ở trường, lại không tham gia đoàn đội gì hết thì làm gì cho hết thời gian ngoài đọc sách. Nhưng đọc sách phương tây toàn những cuốn dày như Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Anh em nhà Karmazov, Doctor Zhivago, Chiến tranh và Hoà bình của Lev Tolstoy, Exodus của Leon Uris, Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell, Chùm nho uất hận của Steinbeck… ôm cuốn sách nào cũng biết mệt nên ngủ gật nhiều hơn.

   Nghe nhạc cũng rất mệt vì nói ra cô Khánh Ly buồn tôi nói thật, nhưng sự thật là nghe cô hát hay nhất là nghe một bài thôi, nghe bài thứ hai như ăn phở sang tới chén bánh ăn thêm; bài thứ ba đúng là bỏ thì thương mà vương thì tội tô nước dùng còn nóng vì nhạc của ông Trịnh đã nhiều triết lý, tính Phật học trong lời nhạc cũng nhiều, “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…”, thêm giọng hát ma quái cûa cô Khánh Ly làm bội thực suy nghĩ, làm nhức đầu, nên nghe một bài thôi, tiêu hoá xong mới nghe tiếp được. Nhưng các anh tôi chỉ nghe nhạc Trịnh ở nhà nên chẳng có gì ngoài Ca khúc da vàng, Khánh Ly #7… gì đó. Nhớ giàn máy Akai đời nào không rõ, những cuốn băng to nặng nề quay những lời nhạc nghe không vui tí nào như người chết hai lần thịt da nát tan… Rồi ông Trịnh còn lùa cả đàn bò vào thánh phố, cô Khánh Ly chăn bò kiểu gì làm thằng nhóc buồn vu vơ như người già co ro nằm thiu thiu ngủ, em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi…

   Nhớ được gì không, hay không nhớ gì hết từ những trang sách khô khan, những lời nhạc phản chiến đánh cắp tuổi thơ. Còn chăng nhân vật con chuột của thành Warsav là bạn tôi trong quyển Exodus, kẻ đi đường cống mà chui lên được bất cứ căn nhà nào cần đến ở thành phố Warsav bị Đức quốc xã chiếm đóng. Riêng quyển Bố Già của dịch giả Ngọc Thứ Lang… dù hay thật nhưng cũng không bằng truyện giang hồ của Duyên Anh vì nó gần gũi với giang hồ vặt đầu đường cuối phố ở Sài gòn hơn. Nhưng than ôi, Bồn Lừa, Dế Mèn phiêu lưu ký đã đóng bụi thời gian trên kệ sách tự bao giờ khi tôi đọc Sông Đông êm đềm của Solokhov, bộ truyện bốn cuốn không dày nhưng đọc truyện Nga mà sao giống Việt Nam quá chừng. Có thể rồi Việt Nam sẽ như thế sau hoà bình hay sao…?

   Nhìn chung đọc thấy hay nhưng hiểu ít quá nên chán những cuốn sách kinh điển. Mò sang kệ sách Việt với Tự lực Văn đoàn, những tác giả lừng danh như Khái Hưng, Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam… Tôi cũng thích lắm dù hạn chế hiểu biết nhưng nhớ được bài điếu văn Khái Hưng vì sự khác lạ, sự độc đáo nên nhớ tới bây giờ… “Người ta tưởng rằng anh phải sống để nghe tiếng suối reo, để nhìn gánh hàng hoa hay đời mưa gió. Nhưng nào ngờ anh đã một phen trống mái bên dọc đường gió bụi, để vợ con anh, gia đình anh đã hồn bướm mơ tiên đợi chờ người tiêu sơn tráng sĩ. Nhưng người tráng sĩ không bao giờ về nữa, chàng đã thoát ly chế độ độc tài đảng trị…” Toàn tên những tác phẩm của ông được ghép lại thành bài điếu văn vô tiền khoáng hậu. Đọc thấm thía, hay và cảm phục người viết thật lòng mới sung sướng người đọc làm sao.

   Vậy bối cảnh lịch sử trong dòng văn học ấy gồm những gì? Nói làm sao hết được một xã hội phong kiến suy đồi, một trào lưu tây hóa dở dở ương ương. Nói gì cũng không qua được ngậm ngùi cho sự khánh tận của tầng lớp trung lưu ở Hà thành. Tôi làm quen với từ “khánh tận” ở tuổi mơ hồ nhiều hơn thấu hiểu cho đến khi va chạm với lòng người mới thấm thía khánh tận là gì? Dù là chuyện trẻ con nhưng lòng già vẫn nhớ. Tôi học trường trung học Võ Trường Toản đàng hoàng, nhưng con cháu Hai Bà bên trường Trưng Vương cứ gọi chúng tôi là Vỏ Trứng Thối thì tức chết đi được, càng tức vì không làm gì được. Cho đến hôm phát hiện được trong đám áo dài cột vạt chọi me Thảo cầm viên ấy cũng có người tử tế, ít nhất là với tôi. Nó sún cái răng cửa nhưng là chưa mọc kịp thôi nên tôi bỏ qua, tôi chọn sự tử tế để đối xử tử tế lại. Thấy nó cứ mỏi cổ trông lên không thấy những chùm me mà chỉ thấy mặt trời chói chang thì làm sao chọi xăng đan lên được, cho là chọi được cũng làm sao tới những chùm me chót vót trên ngọn cây. Nó ngồi thở hổn hển, mặt buồn buồn… Rồi dùng tay chấm muối ớt, cho ngón tay vào miệng mút đỡ ghiền, mặt nhăn nhó như khỉ ăn ớt, làm xấu cả đền Hùng rợp mát bóng cây. Tôi vốn thương người nên rút cái ná cao su giấu bụng ra, bảo nó canh chừng ông bảo vệ mặc đồ vàng, tôi bắn cho chùm me chót vót trên cao… Hồi chùm me rớt xuống thảm cỏ êm đềm là đời tôi khánh tận vì ông bảo vệ có phép tàng hình, không biết ông từ đâu tới tóm cổ tôi. Nó nhìn tôi không thương xót chút nào, liếc ông bảo vệ không để mắt tới nó là nó xớt chùm me rồi biến mất! Trời Xui đất khiến năm 1975 nghỉ hè sớm do chiến tranh. Hồi nhập học lại sau chiến cuộc tàn thì hai đứa nhìn nhau cũng tàn chiến cuộc. Tôi làm sao chấp nhận được một kẻ bỏ bạn lúc hiểm nghèo, nhưng đồng thời cũng không quên được nó đã mọc răng cửa lại rồi, tóc dài hơn nhiều… Chúa ơi nó đẹp. Làm tôi trở lại con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều lần sau khi bị tống cổ về quê học trường làng bởi hoà bình. Những vòng quay xe đạp đếm hàng cây sao cao vút lên trời, thả những cánh chuồn xoay xoay trong gió, thả khánh tận lòng tôi xuống Thảo cầm viên với con ma me đã trôi dạt phương nào…?

   Tôi trở lại với cuộc sống đã đổi thay thì sự khánh tận không còn xa lạ mà cứ vỗ vào mặt những cái bộp tai chát chúa qua phân biệt đối xử của nhà cầm quyền. Khánh tận ăn sâu vào máu thịt con em quân dân miền nam theo ngày tháng hình thành nên một lớp người vô cảm, bất chấp những giá trị xã hội xưa cũ để sinh tồn trong xã hội mới. Nếu không gốc gác gì thì phải có tiền trong xã hội nhất thế nhì thân tam tiền tứ chế… Mới mấy năm hoà bình mà gia đình liệt sĩ đã xuống hạng bét thì đủ biết nhiễu nhương ở Sài Gòn kinh khủng ra sao. Nhưng cũng nhờ vậy mà biết đến từ “phá sản” khi bắt tay vô những việc làm thì ít mà ăn thì nhiều nên vỡ nợ.

   Đọc sách từ chợ sách cũ ở Sài gòn giải thích từ “phá sản” đồng nghĩa với “khánh tận” như sau: Thuật ngữ phá sản được diễn đạt bằng từ “bankruptcy” hoặc “banqueroute” mà nhiều người cho rằng từ này bắt nguồn từ chữ “Banca Rotta” trong tiếng La mã cổ, trong đó banca có nghĩa là chiếc ghế dài, còn rotta có nghĩa là bị gãy. Banca rotta có nghĩa là “băng ghế bị gãy”. Cũng có ý kiến cho rằng, từ phá sản bắt nguồn từ chữ “ruin trong tiếng La tinh, có nghĩa là sự khánh tận.

   Càng đọc càng tối tăm như chợ sách cũ chiều mưa ế ẩm, nhưng không đọc thì làm gì cho hết thời gian và xua đi cơn buồn ngủ, đói bụng. May sao đến đoạn: “Từ điển tiếng Việt định nghĩa từ phá sản là lâm vào tình trạng vỡ nợ do kinh doanh thất bại. Thất bại liên tiếp trong kinh doanh dẫn đến phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ để trả nợ là phá sản.”

   Thật là âm u hay đói quá hoa mắt, chẳng hiểu gì hết nên kiên nhẫn đọc tiếp, “nhưng theo Từ điển Luật học định nghĩa: Phá sản là mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn. Trong Bộ luật Thương mại năm 1972 của Việt nam Cộng hòa có hai khái niệm được sử dụng là khánh tận và phá sản. Trong tiếng Anh, khái niệm phá sản và mất khả năng thanh toán được diễn đạt dưới những thuật ngữ bankruptcy, insolvency. Hai thuật ngữ này có khi được sử dụng như từ đồng nghĩa. Tuy vậy, có tác giả cho rằng: insolvency là khái niệm liên quan đến tình trạng tài chính, trong khi đó bankruptcy lại là khái niệm thuần túy pháp lý.”

   Ít ra viết sách cũng chừa cho người đọc hiểu với chứ! Nghĩ tới nghĩ lui bỏ nghề vì tiền mua gạo người ta còn không có thì ai mua sách cũ mà ngồi chờ thời. Sự khánh tận lộ diện một thế hệ vô phương hướng trong xã hội mới, cứ thế triền miên từ ngày tóc xanh mới đó bạc rồi. Trải qua bá nghệ, bá đạo không từ để sống qua ngày cũng chưa đọc được lời giải thích nào khả thi, khả tín về từ “khánh tận”. Nhưng theo quan sát cá nhân từ khi con ma me phản bội đồng minh tới ngồi bán sách cũ ở lề đường, tôi cảm nhận phá sản đúng nghĩa với làm ăn thua lỗ, không thể thanh toán nợ đáo hạn. Công ty khai phá sản là bước cuối cùng cho một doanh nghiệp thất bại. Nhưng khánh tận không thể đồng nghĩa với phá sản vì phá sản là làm ăn thua lỗ, khác khánh tận là sự tuột dốc thì đúng hơn sụp đổ như phá sản. Một ông chủ công ty hôm qua còn hoạt động nhưng hôm nay khai phá sản là công ty đóng cửa, ông chủ trắng tay vì bị siết nợ, có thể bị câu lưu trong thời gian chờ toà xét xử xem phá sản đúng luật hay phá sản gian trá là lường gạt, huy động vốn cả núi tiền của cổ đông rồi khai phá sản để quỵt nợ thì đâu được. Toà sẽ bắt bồi thường, không có tiền bồi thường cho cổ đông thì giám đốc công ty vô tù ngồi bóc lịch như vụ đổ bể của Nước hoa Thanh Hương, Nguyễn văn Mười Hai gì đó ở Sài Gòn sau hoà bình.

   Nhưng khánh tận ở một nghĩa nào đó không đụng tới luật pháp như phá sản. Khánh tận diễn giải câu ngạn ngữ: Ngồi không ăn thì núi cũng hết. Đơn giản hiểu đời cha giàu có, để lại nhiều tiền của cho đời con. Nhưng đời con không làm gì hết, cứ ăn chơi thôi thì gia tài đời cha để lại bao lớn cũng tới lúc hết. Tôi đi đến kết luận: Khánh tận là sự thu nhỏ lại tới triệt tiêu một gia tài. Khác với phá sản là làm ăn thua lỗ, mất cân đối thu chi.

   Nhờ thất bại từ khởi nghiệp, chuyển bại thành sụi bao lần cũng trắng tay nên tôi hiểu ra được phá sản và khánh tận. Hai khái niệm sách nói đồng nghĩa nhưng người đọc có quyền phủ nhận. Phá sản chỉ gói gém trong phạm trù giá trị vật chất, tiền bạc, người phá sản phải chịu sự chế tài của pháp luật. Phá sản không có phi vật chất nhưng khánh tận thì có những giá trị phi vật chất bị khánh tận. Tôi tình cờ phát hiện ra khi đọc bài thơ “Ông đồ già” của thầy giáo Vũ Đình Liên từ khi còn bán sách lề đường: mỗi năm hoa đào nở/ lại thấy ông đồ già/ bày mực tàu giấy đỏ/ bên phố đông người qua… Nhưng khi Nho học không còn thịnh hành, thì… người thuê viết nay đâu/ giấy đỏ buồn không thấm/ mực đọng trong nghiên sầu/ ông đồ vẫn ngồi đấy/ qua đường không ai hay/ lá vàng rơi trên giấy/ ngoài trời mưa bụi bay… Vốn học, chữ nghĩa không đầy cái lá mít cũng dễ dàng nhận ra đó là sự khánh tận của nền Nho học nước nhà. Di sản văn hoá phi vật chất của dân tộc đã biến mất hình ảnh ông đồ trong cuộc sống đổi thay. Chuyện đổi thay là tốt hay xấu, đúng hay sai là chuyện khác. Nhưng tết đến, xuân về mà hè phố không có những ông đồ ngồi viết thư pháp thì linh hồn tết truyền thống đã khánh tận, rồi sẽ âm thầm chết.

   Nhớ Khái Hưng đồng nghĩa với đọc sách trừ cơm đã xưa rồi, nay bưng bát cơm độn nhớ ông mô tả trong truyện gì không nhớ, nhưng nhớ một gia đình trung lưu ở Hà Nội, sau khi người cha chết đi, người vợ, cũng là người mẹ và mấy cô con gái không biết làm gì để sống vì ra đường buôn bán thì sợ mất danh giá bản thân, danh tiếng gia đình. Nhưng cứ ở trong bốn bức tường cao của biệt thự thì vẫn phải ăn nên cứ bán dần của cải để sống qua ngày. Tài sản bốc hơi, tiền vàng cạn kiệt… Đó là khánh tận. Khánh tận không bị pháp luật can thiệp vào như phá sản thì khánh tận lấy gì để nói là đồng nghĩa với phá sản?

   Đi thêm bước nữa vào sách vở, chữ “khánh” trong tự điển Hán-Việt khá rõ nghĩa. Chào mừng một công trình mới hoàn thành thì dùng từ “khánh thành”. Chào mừng một quốc gia đã thoát khỏi ách thuộc địa là ngày “Quốc khánh”. -Ngày ra đời một quốc gia có độc lâp, chủ quyền… Chữ khánh danh từ là một nhạc cụ từ thời cổ xưa như chiêng, như trống. Thời đồ đá khánh làm bằng đá, thời đồ đồng làm bằng đồng… Khánh vẫn được dùng trong ban nhạc như từ khi ra đời, nhưng càng về sau người ta dùng trong lễ nghi nhiều hơn. Khánh vàng, khánh bạc, khánh ngọc ra đời cho người giàu mua cúng dường chùa chiền. Người nghèo mua miếng khánh ngọc giả bằng nhựa đeo lên cổ con cháu mới sanh để xua đuổi tà ma, sợi chỉ đỏ xỏ miếng khánh có thể làm quà mừng đầy tháng, đầy năm cho cháu bé là món quà mang nặng ý nghĩa tâm linh hơn giá trị vật chất.

   Tên người cũng rất nhiều người tên Khánh, họ Khánh, hay chữ lót là khánh vì từ khánh mang ý nghĩa tốt lành. Lịch sử Việt ta có danh tướng Trần Khánh Dư thời nhà Trần, vua Đồng Khánh thời nhà Nguyễn, tướng Nguyễn Khánh thời Đệ nhất Cộng hoà…

   Nhưng trở lại với chữ “tận” trong khánh tận, không cần giải thích cũng hiểu: tận số là đi chầu trời, tận diệt là không chừa ngọn cỏ, nhưng tận tụy lại là hết lòng với công việc hay với người đặt trọn niềm tin. Tiếng Hán hay nhưng hay nhất là không nên nói nhiều vì đòi hỏi uyên bác, uyên thâm, không phải ai cũng giỏi tiếng Hán vì học khó, khó học. Tiếng Hán thời 4.0 tôi đã gặp trên YouTube ở Tân Cương, Tây Tạng, người ta viết chữ khẩu rồi dán miếng Band-Aid ngang qua, đọc là: Tự do ngôn luận, chứ không chơi chữ khẩu ghép với chữ tận. Tiếng Hán tân kỳ thật thi vị.

   …

   Lâu rồi đời sống ở hải ngoại không có cơ hội nghĩ đến từ “khánh tận” như sau hoà bình ở quê nhà. Nhưng sáng nay đi thăm ông bạn già bị té gãy chân. Chuyện cao tuổi bị té ngã cũng không phải chuyện lớn, nhưng nhìn sự khánh tận của ông thì đá cũng mủi lòng. Ông bạn quen biết khi tôi tuổi ba mươi, con còn nhỏ, mới đến Mỹ thì ông đã ngoài bốn mươi, con cái đang trưởng thành. Ngày tháng cuốn theo cơm áo gạo tiền cho con cái có điều kiện ăn học qua nhanh đến không ngờ. Khi con cái đã học xong, không bao lâu có cuộc sống riêng sau khi lấy vợ gả chồng. Căn nhà ngày nào ồn tiếng trẻ thinh lặng dần, những bữa nhậu cuối tuần với bạn hữu rôm rả cũng thưa thớt dần theo thời gian và cuộc sống chạy theo việc làm nên mất liên lạc, vì tuổi tác ngày càng cao không cho phép bù khú nhiều, cũng là một sự khánh tận thầm lặng…

   Nhưng anh chị bạn vẫn là người có của ăn của để vì người miền Trung không vung tay quá trán bao giờ, chỉ riêng khổ trời kêu ai nấy dạ. Chị nhà mắc bệnh thận. Anh nhà vội mua thêm một cái bảo hiểm sức khoẻ cho chị trước khi bệnh trở nặng. Nhưng cũng không thấm vào đâu nên tiền dành dụm được phải tiêu xài cho chị ngày càng nhiều tới hết. Chị không chịu sang Trung quốc thay thận khi anh còn đủ tiền vì chị quan niệm người ta bị giết để lấy thận bán cho mình được sống mà làm được sao? Anh kiên trì với vợ tới hết tiền mướn người mạnh khoẻ chăm sóc chị qua đêm vì ban ngày đã có người của chính phủ cử đến, nên anh té gãy chân vì đỡ chị ban đêm…

   Buồn khi tôi đến thăm anh chị ở căn nhà thuê vì nhà anh đã bán sau khi con dâu và con rể đặt vấn đề với con trai và con gái anh về việc giúp đỡ cha mẹ. Anh tự trọng và không muốn ảnh hưởng đến con cái nên lặng lẽ… Anh thôi bắt điện thoại bạn bè thăm hỏi, không cho ai biết chỗ ở hiện tại của anh chị ngoài một hai người trong đó có tôi.

   Cứ mỗi lần tạm biệt anh chị ra về sau khi thăm hỏi, tôi lại chìm đắm vào sự khánh tận. Cha mẹ bên Mỹ rất ít người còn mang tư tưởng con cái phải chăm sóc cho cha mẹ khi già yếu, nhưng người trẻ có ăn học hơn bậc cha mẹ di dân đã vô tình hay cố ý vô tình để khánh tận sự đền đáp, báo hiếu theo truyền thống?

   Từ ngữ khánh tận khi còn trẻ rất khó hiểu vì có gì đâu để mất, mất nhanh hay mất chậm cũng có gì đâu để mất mà hiểu. Nhưng theo thời gian hiểu ra đến không còn thắc mắc thì sự khánh tận lại mù mờ theo tuổi tác dâng lên vì không hiểu nổi có bao nhiêu, còn bao nhiêu sự khánh tận trong trời đất? Ông bạn tôi ta thán, sao nhiều người rất độc ác lại ngày càng giàu lên, trong khi người hiền lành lại khánh tận gia tài vì bệnh hoạn, tai ương hoạn nạn đâu đâu bỗng ập xuống làm tán gia bại sản.

   Điều này sách Phật có giải thích, ăn thua người đọc có chấp nhận hay không thôi! Oán trách trời phật chỉ thêm khẩu nghiệp. Đức Phật chỉ như người qua đường, hiểu biết thì nói cho chúng sanh nghe chứ Phật không giải quyết, không lấy lại công đạo cho ai được hết vì nghiệp chướng mỗi người do tự tạo ra thì phải tự đền trả tới hết nghiệp chướng của mình.

   Lần này thăm anh chị về, tôi ngồi suy nghĩ đến bản thân. Lên bờ xuống ruộng đời đã từng, thành công thất bại cũng từng, chuyện sống-chết trong gang tấc cũng đôi lần, vui buồn cũng lắm nước mắt song song với nụ cười đến muốn quên hết đi cho nhẹ đầu lão bình vôi. Nhưng suy nghĩ tận cùng trong đời người di dân: mất đã mất, còn lại gì? Không còn gì ngoài sự khánh tận một quê hương là nơi có quá nhiều lý do để ra đi, nhưng tới một lúc nào đó trong đời mới biết cái có không cần cái cần không có là một quê hương. Sự khánh tận đã sẵn mầm trong khởi bước, đi qua chán vạn nẻo đường/ dừng chân đứng lại vô thường sau lưng. Người di dân còn lại gì ngoài một quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay… như thơ Nguyễn Bính. Có muốn quay đầu lại để thấy bến bờ ngay như Đức Phật nói cũng không chắc kịp…

   Ôi khánh tận không diễn ra vũ bão, chớp nhoáng như phá sản. Khánh tận như ung thư, chưa phát là bứu lành, phát ra là ác tính. Càng khó với những khánh tận phi vật chất như truyền thống dân tộc, văn hoá dân tộc, di sản văn hoá, phong tục tập quán…, những giá trị tích tụ nhiều đời có thể vỡ toang trong một quyết định khánh tận tự chọn trong hằng hà khánh tận đời người.

Phan

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search