T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: KHÔNG DÁM CÂN SAO BIẾT NẶNG NHẸ

Mê Cung – Tranh: THANH CHÂU

Những ngày cuối năm thật rối trí vì không hiểu! Tôi có cô bạn làm chung đã lâu, thỉnh thoảng cô mời tôi sang nhà cô nhậu chơi cuối tuần với ông xã em, và anh Hai em. Thế là ba tay chung ông trời dần quen mặt, nhậu cũng hợp vì tay chủ nhà lầm lì ít nói, nhưng nói ra câu nào cũng phải nhìn trước ngó sau xem vợ tui đâu rồi mới dám nói. Anh Hai là anh rể nhưng không hề ngại em rể nói xấu em gái mình, ngược lại còn phụ hoạ thêm, “tánh nó từ nhỏ đã như vậy rồi mày ơi! Ba má nói nó còn không nghe thì mày ăn thua gì?” Cứ như vậy hết chai rượu đỏ. Hôm nào ngày mai còn nghỉ và hứng chí khui chai thứ hai thì những truyện cười tuôn ra để xả bớt cồn trong máu trước khi tạm biệt ra về.

   Anh Hai vui tánh, người nam bộ rặt nên hào sảng, hào phóng, hệch hạc, tốt bụng và nhiệt tình. Nhưng mấy năm rồi không gặp từ đại dịch Vũ Hán tràn về, ai ở nhà nấy cho nó lành.

   …

   Những ngày cuối năm nay việc làm ảm đạm, từng ngày ngồi nhìn từng đồng nghiệp ra đi vì chẳng có việc làm, khiến những suy nghĩ có trong đầu từ lâu sống lại. Những người không hơn lời chào hỏi vì không có gì để thân mật nhưng quen mặt cũng là một loại tình cảm trong xã hội loài người như bà bán gánh xôi ngoài đầu ngõ nhà đã qua đời từ lâu, đứa bé tôi năm xưa sáng mua gói xôi ăn trên đường đi học thì hôm về lại nhà vào những ngày giáp tết bỗng thẫn thờ nhìn ra đầu ngõ như thiếu một điều gì, thiếu bà bán gánh xôi trong tâm khảm mới biết thương qúy bà. Đó là tình thân, tình thương vô điều kiện nhất nên trong sáng và lâu bền nhất bởi vô điều kiện. Nếu bảo tôi ra bao nhiêu tiền để được thấy lại gánh xôi, nghe bà bán xôi hỏi câu quen thuộc, “sáng nay con muốn ăn xôi gì, xôi bắp hay xôi đậu?” Tôi sẽ hào phóng hết khả năng có thể. Đó là loại tình cảm mà sách vở ít nói tới, hay chưa nói tới không chừng vì tôi cảm nhận được từ nội tâm mình chứ chưa bao giờ may mắn được đọc một trang sách nói về loại tình cảm phát sinh từ quen mặt nhau thôi cũng thành thương.

   Sáng nay tôi nhìn những người đồng nghiệp còn lại đều hoang hoải như nhau, người yếu bóng vía thất thần ra mặt vì không biết ngày mai, chừng nào hãng đóng cửa…? Tôi với cô bạn làm chung phải tính toán chút việc chúng tôi có được, thay vì làm hai tiếng đồng hồ là xong hết nhưng phải chia ra tám tiếng cho hết ngày làm. Hai anh em có cơ hội to nhỏ những chuyện ngày thường làm tối mặt không có thời giờ. Tôi hỏi thăm anh Hai dạo này khoẻ không? Cô bạn hơi khác thường trong những câu trả lời khập khiễng cho tới cuối cùng cô ấy cũng nói thật, “Em nghĩ chuyện anh Hai em, có lúc nào đó em sẽ nói cho anh nghe vì từ hôm dịch đến nay không có dịp…”

    Tôi hỏi, “Anh Hai mà cũng có vấn đề nữa sao? Anh tưởng ông ấy biết nhậu thôi…”

   “Anh tưởng ai cũng cù lần như anh em mình hả? Chị Hai em mất ngay khi dịch phát tán vì chị có đủ thứ bệnh sẵn trong người, kể ra không hết nên làm sao chịu nổi cô vật. Lúc đó, em không biết có nên cho anh hay hay không? Ông xã em nói, đừng cho anh hay vì gia đình đã quyết định là không cho ai hay. Em khó nghĩ trường hợp anh với anh Hai em có vẻ thân, nhưng em im luôn vì cho hay mà anh không đến thì khó xử cho anh, nhưng anh đến thì ai biết chuyện gì xảy ra sau đó…”

   “Em nói đúng rồi, chặp ấy không ai tổ chức tang lễ, có thông báo tang lễ thì cũng chỉ qua mạng để chia buồn qua mạng…”

   “Mới đó đã ba năm rồi, chị Hai em mất sau tết tây 2020 có mấy ngày. Tuy là chị dâu nhưng chị Hai thương em nhất trong đám em chồng. Nên sau khi chị mất, em nói anh Hai em, ‘anh Hai đi đâu đi, làm gì làm. Nhưng tối về nhà một mình thấy buồn thì qua nhà em, lai rai với ông xã em, muốn thì gọi ông bạn già của anh sang chơi cho đủ bộ ba… nói nhỏ cười to.’

   Được chừng cả năm như vậy, cũng chưa dám gọi anh qua chơi vì hãng xưởng còn bắt buộc đi chích ngừa, bắt buộc đeo khẩu trang này nọ. Anh dính covid sau khi đi bầu cử tổng thống, nhớ không?”

   “Đúng rồi…”

   “Hổi căng quá nên anh Hai em không qua nhà em nữa, anh Hai cũng không về nhà mấy đứa con của anh vì sợ lỡ anh dính thì lây cho cháu nội, cháu ngoại của anh…

     Ai mà ngờ ông già ở nhà một mình buồn quá nên nghe lời mấy ông bạn già của anh ấy, lên mạng chít chát gì đó với mấy cô gái trẻ bên Việt nam. Mấy ông già cô đơn bên Mỹ thì làm sao mà sảy khỏi tay họ được, đêm nào cũng tỉ tê điện thoại, thỉnh thoảng lại cho xem hình em mới chụp… da thịt tươi rói như cá câu thì cá chợ nào không chết!

   Nên hồi về Việt Nam lại được là anh Hai em về. Em út, con cháu, không ai biết nha anh! Cả nhà chỉ thắc mắc là trước chị Hai em mất thì chị Hai từng về Việt Nam một mình mà anh Hai không về vì có ông già nào bên này ưa Việt cộng đâu mà về. Sao bây giờ anh Hai em về Việt Nam lia chia. Trước đây, mẹ con em thiếu điều đè đầu cậu Hai để nhuộnm tóc cho bớt thấy già thì đâu có chịu. Nhưng bây giờ ra tiệm nhuộm tóc, ăn mặc như lão gia, về Việt Nam làm răng hết mười mấy ngàn đô la. Tân trang đủ thứ nhưng không giải thích lý do gì hết mới ghê…

   Hồi anh Hai đi Việt Nam, giao chìa khoá nhà cho em để lấy thơ, vô nhà coi ngó mọi thứ cho anh Hai… Em thắc mắc trước đây giao cho con anh ấy, không đứa lớn thì đứa nhỏ, đứa giữa không ưa nên không nhờ, chuyện nhà anh ấy em không can thiệp. Nhưng sao bây giờ lại giao cho em? Ba người con của anh chị Hai đều ở quanh đây mà!

   Em tò mò mở laptop của anh Hai giấu trong tủ áo mới đáng tò mò vì nào giờ cái laptop nằm trên bàn ăn. Cái laptop để anh Hai trả bill chưa bao giờ có password thì bây giờ có! Em ôm luôn cái laptop về nhà em, nói thằng con trai em mở passwork laptop của cậu Hai để mẹ trả bill dùm cậu Hai, nhưng cậu Hai quên password rồi! Đối với tụi nhỏ thì dễ như ăn cánh gà chiên. Em ôm vô phòng em thâu đêm, Má ơi! Một đống hình người trong mộng của anh Hai. Thứ nhất là trẻ, thứ hai là đẹp…”

   Tôi ngắt lời, “Em có biết phân biệt ảnh thật với ảnh photoshop không?”

   “Em không biết nhưng em có cách của em. Em xem kỹ mấy bức ảnh tắm biển chung với anh Hai em, đi chùa trên núi, chèo ghe trong vườn địa đàng… không phải, không phải, gọi là cái gì ta? À, khu bảo tồn sinh thái Tràm chim gì đó… Cô ấy mặc bikini trong ảnh tắm biển ngoài Vũng tàu đẹp như người mẫu, đẹp hết sảy luôn…”

   …

   “Kể tiếp đi…”

   “Anh tính bắt chước anh Hai em hả?”

   “Tống tiền thì cũng phải biết đúng lúc, đúng thời cơ… chuyện chưa tới hồi gay cấn đã tống tiền thì thôi để dành tự kể tự nghe đi em gái.”

   “Anh muốn gay cấn phải không? Em tóm tắt lại trước giờ về thì anh đừng than… ‘Chán quá, không có gì làm…’ Hiện thời con cháu không nhìn mặt cha, ông nội, ông ngoại là anh Hai em, cắt đứt mọi quan hệ. Anh Hai em có ba người em thì gia đình chị Ba, gia đình anh Tư em không liên lạc gì nữa với cậu Hai, nói vậy mới đúng vì mấy đứa cháu không dám nói ra nhưng coi thường cậu. Còn lại mình em còn liên lạc thì cậu Hai tới nhà là con gái em trốn vô phòng, nó đói thì nhắn tin cho thằng em trai nó tiếp tế lương thực, nước uống vô phòng nó. Thằng em không có ở nhà thì nó nhịn đói, không nhắn tin cho em vì nó không muốn làm em buồn thêm, buồn hơn. Nó chỉ ra bếp lục ăn khi biết chắc cậu Hai đã về …”

   “Nhưng anh Hai đã hết tiền chưa? Hết tiền là hết chuyện chứ có gì đâu!”

   “Anh thì có chuyện gì anh không coi là chuyện nhỏ! Bị cô vật nằm nhà ba ngày không thèm gọi ai. Em cũng không biết số anh lớn chừng nào?”

   “Tóm lại là anh Hai còn quần xà lỏn mặc không?”

   “Không đến nỗi. Lần đầu về thăm thì anh Hai em ở khách sạn ngoài Cần Thơ. Lần sau về thì anh Hai cho xây mới lại căn nhà của mẹ cô ấy hơi xa thành phố vì cũ kỹ, dột mưa…, hết mấy chục ngàn đô vì dưới quê như vậy là ngon lành rồi, nhà trong vườn mà có máy lạnh thì ở sướng hơn nhà mình bên Mỹ. Nhưng con rể tương lai làm sao ở chung nhà với bà mẹ vợ tương lai nhỏ tuổi hơn con rể tương lai! Vậy là lần về tiếp, anh Hai em mua căn nhà phố ở Cần Thơ, hơi nhiều tiền hơn xây nhà mới trong đất vườn, nhưng có chỗ ở cho hai người…”

   “Cô ấy làm nghề gì?”

   “Làm thợ tóc, làm tóc, trang điểm cô dâu.”

   “Vậy thì cũng khá chứ đâu phải nghèo.”

   “Nhưng giá cả bên Việt Nam bèo lắm anh ơi, lại ở Cần Thơ chứ đâu phải trên Sài Gòn. Em người Cần Thơ nên em biết mà. Cô ấy lại làm cho tiệm người ta chứ đâu phải chủ tiệm đâu, ăn chia ba bảy gì đó nên hơn đủ sống thôi. Rồi cô ấy lại mướn một căn nhà phố để ở, cho bạn tóc share phòng để phụ tiền mướn. Có dư chút đỉnh thì về thăm gia đình, cô ấy còn mẹ với người chị đã lập gia đình, sống riêng theo bên chồng… Cha cô ấy không biết sống chết vì bỏ vợ con đi từ lâu lắm rồi.”

   “Vậy bây giờ anh Hai vẫn đi đi về về hả? Ý ảnh ra sao?”

   “Mua nhà phố xong thì sang tiệm tóc cho cô ấy làm chủ. Mua xe hơi cho cô ấy đi làm mỗi ngày dù nhà tới tiệm có năm cây số…”

   “Vậy là cậu Hai lậm rồi. Hết thuốc chữa rồi em gái.”

   “Em cũng nghĩ vậy vì cô ấy nói anh Hai là cô ấy có thai, anh Hai vội về để chăm sóc. Nhưng về đến thì hư thai. Nói xa nói gần cũng là lỗi của anh Hai đã lớn tuổi, nhưng cô ấy sẽ cố gắng sinh cho anh Hai đứa con như ý anh Hai muốn. Nói vậy thôi mà có thêm cái tiệm tóc, cái xe hơi cho ra bà chủ, nhà có sẵn rồi. Chắc có thai lần nữa thì anh Hai em bán nhà bên đây… Em hỏi anh nha, em hỏi thật đó, anh Hai em bảy mươi hai tuổi rồi, có con được không anh?”

   “Được chứ, anh Hai khoẻ mạnh mà…”

   “Em có nói chuyện qua điện thoại với cô ấy một lần. Lần đó em ghé nhà anh Hai sau khi đi làm về, hôm em order mấy hộp papaya của người Lào trong hãng, em ghé nhà cho anh Hai một hộp. Anh Hai em đang nói điện thoại với cô ta nên anh nói cô chào cô út đi em… Em miễn cưỡng quá nhưng không biết làm sao để từ chối. Cuối cùng là từ đầu em nghĩ về cô ta giả dối một trăm phần trăm, sau nhiều lần nói chuyện với anh Hai em, nghe anh kể về cô ta thì giả dối của cô ấy còn tám mươi phần trăm. Sau lần em trực tiếp nói chuyện còn sáu mươi phần trăm vì mình cảm nhận được người đối thoại…”

   “Vậy em tính sao cho anh Hai, không lẽ cứ để anh ấy sống bên đây mà hồn bên kia. Anh ấy sống bao năm nữa đâu…”

   “Anh né siêu đẳng thiệt! Em kể chuyện anh Hai cho anh nghe là để hỏi anh tính sao cho bạn nhậu của anh…”

   “Ủa, không tống tiền nữa hả? Anh rút được kinh nghiệm từ anh Hai rồi! Để bữa nào rảnh, anh thả thính về Cần Thơ gạo trắng nước trong xem sao, không chừng được cô thợ tóc trắng da dài tóc thì mạng già này có xá gì, tiền của chết không mang theo thì tiếc gì…”

   “Anh dám?”

   “Sao không? Quãng đời còn lại của anh Hai là anh mới bước vào từ hôm bị cô vật ba ngày giở sống giở chết cũng một mình chống cô Tập… Anh có suy nghĩ khác trước đó như em đã biết!”

   “Tùy anh. Em tin anh đa mưu túc kế nên mới hỏi anh…”

   “Sao hôm nay lịch sự quá vậy? Mọi ngày nói qủy cũng là anh, Phật cũng là anh. Hôm nay lượm đâu ra đa mưu túc trí, túc kế… nghe như sấm.”

   “Em không nói chơi đâu! Anh về nghĩ cách cứu bạn nhậu của anh đi. Em với ông xã em bó tay rồi vì bây giờ anh Hai cũng ngại sang nhà em khi biết cả hai đứa con em không còn kính trọng cậu Hai như xưa nữa, vì là con em nên tụi nó không dám tỏ thái độ như con chị Ba, anh Tư em thôi…”

   “Anh có nghĩ đến giải pháp khi nghe em kể chuyện anh Hai, nhưng không đủ tự tin nên định bụng về suy nghĩ thêm. Thôi thì để vợ chồng em suy nghĩ thêm có thể tốt hơn anh nghĩ. Chờ dịp, lựa lúc thích hợp, vợ chồng em cứ nói thẳng ra với anh Hai: Người thân từ anh em tới con cháu đều muốn anh Hai sống mấy năm cuối đời được vui vẻ đúng không? Bây giờ cuộc sống vui vẻ của anh Hai là ở Cần Thơ chứ không phải bên đây với anh em con cháu tẩy chay. Vậy anh Hai hãy nói thẳng với cô ta: Nếu em thương anh thì anh về Cần Thơ sống với em tới cuối đời vì bên Mỹ, anh chị em con cháu trong gia đình đã tẩy chay anh.

   Câu trả lời của cô ta quyết định hết mọi chuyện vì con người bất luận là nam hay nữ thì khi thương ai sẽ không ngại nơi sinh sống, làm việc gì để kiếm sống, còn thương có mục đích thì khác xa. Nếu cô ta có mục đích sang định cư bên Mỹ nên lợi dụng anh Hai thôi thì cô ta từ chối anh về sống với cô ta tới chết vì tài sản của anh Hai theo anh đoán đã rơi vào tay cô ta một nửa là tiền 401 K của anh Hai và tiền bảo hiểm nhân thọ của chị Hai. Anh Hai sống bên đây với tiền già, tiền hưu không khó, nhưng tài sản còn lại mỗi căn nhà. Bây giờ anh Hai bán nhưng đưa tiền em giữ, hoặc giao cho em kinh doanh cho mướn nhà. Khi anh Hai qua đời bên Việt nam, em về thấy ưng mắt là cô ấy đối xử tốt với anh Hai tới cuối đời thì em trao cho cô ấy tài sản còn lại bên Mỹ của anh Hai, tiếc gì với người đã cho anh ấy cuộc sống vui vẻ mấy năm cuối đời. Ngược lại, tài sản của anh Hai đã trong tay cô ta một nửa. Nửa còn lại đâu đáng với cái thẻ xanh – định cư ở Mỹ, cô ta sẽ không đồng ý anh Hai về mà làm đủ mọi cách để anh Hai đưa cô ấy qua Mỹ…

   Chỉ một câu trả lời của cô ấy nói lên tất cả là thương thật hay lợi dụng anh Hai. Em không lâu nữa sẽ là người quyết định thay anh Hai mọi chuyện, em không dám cân thì làm sao biết nặng nhẹ. Về suy nghĩ thêm đi…

   …

   Những ngày cuối năm tơi bời hoa lá bởi tiệc tùng đã lui vào dĩ vãng. Lâu rồi đời mình cũng quen như lời nhạc xưa, tôi vẫn đi về căn nhà với bóng mình, ngọn đèn vàng trước ngõ vẫn kiên nhẫn chờ cái bóng tôi hơn tôi vì tôi ưa nhìn nó với nhiều suy nghĩ, khác cái bóng vui mừng gặp lại người chờ để nó hiện hữu thật phút giây thôi nhưng còn hơn suốt đời làm cái bóng không may là trước nhà không có ngọn đèn.

    Đêm nay ngồi ngắm ngọn đèn vàng thắp bằng gas chứ không phải điện. Nó nhìn tôi hơn tôi nhìn nó vì nó hiểu biết trong khi tôi không tài nào hiểu nổi nguồn gốc, nguyên nhân sâu xa của ông già bảy mươi hai tuổi muốn có đứa con với người thợ tóc trẻ đẹp ở quê ông vì đâu? Người già thường muốn về an dưỡng và chết nơi quê nhà, không ai muốn tâm lý nặng nề đã mang từ khi sống xa quê phi mang cho tới chết ở xứ người…

   Những ngày cuối năm chờ câu trả lời của người không quen. Thật nực cười cho cuộc sống Mỹ.

Phan

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search