T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Ông Davis…

clip_image002

Đá – Tranh : Mai Tâm

Sáng nào cũng thế, khi tôi thấy chiếc SUV của ông Davis từ từ tiến vô parking thì tôi biết là 6 giờ 30, khỏi coi đồng hồ. Tôi nghĩ những người lớn tuổi nên ít ngủ, không ăn chơi khuya khoắt nên mới có thể chính xác về giờ giấc như cái đồng hồ. Và sau đó là những người trẻ lái xe vội vã, đậu xe cẩu thả vì phải hối hả vào hãng cho kịp giờ, có người chỉ kịp giờ bấm thẻ, rồi mới vô phòng vệ sinh của hãng để đánh răng.

Nhưng từ hôm ông Davis hỏi tôi vào một buổi sáng, “Nhà anh ở có xa hãng lắm không, sao đi làm sớm quá vậy?” Tôi trả lời ông, “Nhà tôi không xa hãng. Nhưng đi làm đúng giờ thì ngoài đường xe đông quá. Trong khi đi sớm hơn mọi người chừng 15 phút thì đường rất dễ lái. Vì thế, tôi đem ly cà phê đến đây để uống cà phê ngoài trời, thay vì uống cà phê sáng trong garage trước khi đi làm…”

Ông Davis nói thêm với tôi, “Tôi cũng vậy! Nhà tôi đến hãng chỉ cần 10 phút lái xe. Nhưng tôi rời nhà lúc 6 giờ 20 thì chỉ 10 phút là tới đây. Trong khi rời nhà lúc 6 giờ 30 thì phải lái 20 phút mới tới được đây vì giờ đó xe đông; đôi khi phải đợi hai, ba lần đèn đỏ mới qua được một cái ngã tư đường…”

Nhìn theo ông Davis lững thững đi vào hãng vì mới 6 giờ 32. Tôi nghĩ mình đã già như ông Davis rồi sao? Hay đã già từ khi còn trẻ nên ngày nào cũng ngồi nhìn người này ung dung tự tại, người kia hối hả với thời gian. Ngày nào cũng ngồi nhìn cuộc sống muôn màu dửng dưng trôi theo giòng nước mưa xuống cống; ngồi nhìn vạt nắng sáng ấm áp trên cành xuân, nhưng chẳng bao lâu, vạt nắng nhạt chiều vắt qua cành đông xơ xác; ngày nào cũng ngồi suy tư theo áng mây bay vội kia, chắc chắn sẽ đến nơi… xuất phát – như mình, mọi người đều cố gắng hoàn thành công việc hôm nay để ngày mai lại bắt đầu một ngày cố gắng. Cái đích cuối cùng của một đời người siêng năng hay lười biếng, thành công hay thất bại; sống thọ hay chết yểu… đều trở về nơi xuất phát như áng mây bay nhanh đến độ đầu áng mây chạm cuối áng mây…

Có những lúc làm mệt ứ hơi. Tôi ngồi nghỉ mệt dăm phút. Nhìn ông Davis làm việc gần tôi, ông ta chẳng khi nào cố gắng làm một mình một việc nặng nhọc như tôi để mệt tới ứ hơi, phải ngồi nghỉ một lát mới làm tiếp được. Tôi nhìn ra sự khác biệt, tôi không thích nhờ vả ai giúp một tay nên thường nghĩ cách làm một mình, dù có hơi mệt. Nhưng khi ai nhờ tôi giúp một tay thì tôi lại rất sẵn sàng, thậm chí là rất vui trong bụng khi được đồng nghiệp nhờ vả nên càng cố giúp họ đạt được mong muốn như ý! Ông Davis thì khác, ông cũng sẵn sàng giúp mọi người khi được nhờ; và ông sẵn sàng hơn nữa, đạt tới sốt sắng trong việc nhờ vả người khác. Hễ cái gì hơi khó, hơi nặng nề, là ông ơi ới lên ngay để những người khác đến giúp ông.

Mỗi ngày một chút, những chuyện nhỏ góp lại… Tôi nhìn ra chân dung ông Davis là một người thông minh không hơn ai; khả năng làm việc cũng không có gì xuất sắc. Nhưng ông lại được nhiều người thương mến, thân mật với ông. Đơn giản là cách sống của ông hoà đồng hơn tôi; tôi chỉ biết bưng ly cà phê ra gốc cây vào giờ nghỉ, ngồi nhìn cuộc sống trôi nhanh theo những vòng bánh xe hối hả đi mua bữa ăn trưa của người này; suy nghĩ về người khác với vẻ ưu tư hiện ra trên gương mặt, ánh mắt đăm chiêu sau cú gọi điện thoại; đôi khi tôi chìm đắm vào nỗi nhớ tuổi thơ với cái ná bắn chim là vật bất ly thân khi thấy con chim ú nụ vừa đậu xuống cành cây… Nhưng mắt lại theo đuổi người đàn bà đi bộ thể dục vào giờ nghỉ – là sự tuyệt vọng của cả ý thức lẫn hành vi vì đã quá muộn cho bà.

Tôi lại nhìn thấy ông Davis đang nói cười với cánh đàn ông hút thuốc, hôm thì trò chuyện với mấy người đàn bà đang ăn vặt…

Tôi đã cố gắng nhiều nhưng không từ bỏ được thói quen thích cô độc, thường một mình, khi lối sống ấy như điều tự nhiên có, rồi ăn sâu vào tâm trí và đã trở thành cách sống của tôi.

Tôi bắt đầu để ý, để mắt tới ông Davis nhiều hơn để học lấy cách sống thoải mái của ông. Từ chuyện nhỏ nhặt như ông thấy anh bạn Mễ đi ngang chỗ ông làm thì ông nhờ anh ta giúp một tay. Anh bạn Mễ vui vẻ giúp, dù việc không đáng nhờ và không đáng được giúp. Rồi họ trò chuyện với nhau rôm rả,

“Ông bao nhiêu tuổi rồi ông Davis?” Anh Mễ hỏi.

“Tôi đã về hưu được bốn năm.”

“Sao ông còn đi làm, để tôi cứ phải giúp ông!” – Mọi người được trận cười với tay Mễ trẻ nhưng rất giỏi, dễ thương, và tiếu lâm.

Ông Davis cũng không vừa, ừ hử trả lời, “Anh thông cảm cho, tại tiền hưu của tôi không đủ trả tiền child support! Nên tôi vẫn phải đi làm khi tóc đã bạc đầu… ”

“…”

Mọi người nghe được câu trả lời đó đều nắc nẻ cười. Dù ai mà tin ông nói thật. Nên ông là một ông già hóm hỉnh trong mắt mọi người; ông là người thân thiện với tất cả nên tất cả đều thân thiện với ông.

Một lần khác, người đàn bà Mỹ đen mới vô làm ngày đầu. Bà ta hỏi ông đại khái là công việc ở đây có nặng nhọc lắm không, đồng lương có khá không, mấy ông sếp có khó khăn với nhân công lắm không, nhất là đồng nghiệp có đối xử tốt với nhau không…?

Tôi suy nghĩ nhiều về cách trả lời của ông Davis. Cách trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi khác trong giao tiếp là cách đòi hỏi người trả lời phải từng trải. Ông nói, “Thế nơi bà vừa nghỉ việc để đến làm ở đây, nơi đó như thế nào mà bà bỏ việc?”

Người đàn bà than vãn về công việc ở hãng cũ rất nặng nhọc cho bà, đồng lương thì thấp, đồng nghiệp thì to nhỏ sau lưng nhau, tranh giành việc nhẹ, tranh giành từng tiếng overtime với nhau… nên bà bỏ việc và xin vô làm ở đây… trong âu lo.

Bấy giờ ông Davis mới thật sự trả lời, “Ở đâu cũng vậy thôi. Nơi đây còn tồi tệ hơn nơi bà vừa bỏ việc!”

“Vậy sao ông làm ở đây?” Người đàn bà hỏi lại,

Ông trả lời dửng dưng, rồi bỏ đi làm việc của ông, “Thì tôi đã nói với bà là ở đâu cũng vậy; hãng nào cũng thế thôi…!”

“…”

Ông không biết là ông đã bỏ vào suy nghĩ của tôi một cách sống rất đáng suy nghĩ! Bởi không lâu trước đó, một người cũng mới vô làm; cũng hỏi ông Davis tương tự như người đàn bà vừa hỏi. Ông cũng trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi tương tự, “Thế nơi anh vừa nghỉ việc để đến làm ở đây, nơi đó như thế nào?”

Người đàn ông kia nói, “Hãng cũ tôi làm rất vui, công việc cũng thường, đồng lương cũng khá… Mọi người lại làm việc chung với nhau lâu năm nên thoải mái lắm! Nhưng đáng tiếc là hãng dọn phân xưởng của chúng tôi làm sang bên Mễ. Hãng cho mỗi người chút đỉnh, rồi về hưu non hay đi tìm việc khác mà làm. Phần tôi, được ba tháng lương và xin được việc ở đây.”

“Vậy thì yên tâm đi anh bạn. Ở đây cũng như nơi anh bị mất việc. Anh mất việc cũng giống như tôi là hãng tôi cũng dọn qua Mễ. Tôi cũng tiếc cái công việc mình làm đã quen, đồng lương cũng khá theo thâm niên; và những người làm chung không gây khó khăn cho nhau… Nhưng tôi chọn cách về hưu theo ý con cái vì tôi đã tới tuổi hưu. Rồi tôi ở nhà được vài tháng thì lên cân vì ăn ngủ thất thường. Tôi xin việc ở đây, đi làm lại ở tuổi hưu, nhất là sống buông thả mấy tháng đã thành quen. Tôi có chán nản lúc đầu, nhưng quen dần lại thói quen của người đi làm. Rồi tôi quen người này trong hãng hôm nay; ngày mai tôi lại quen người khác trong hãng. Tới nay thì ai tôi cũng biết, việc làm thành quen tay, đồng lương tương xứng… Mọi chuyện sẽ ổn thôi!”

Ông Davis nói xong. Hình như ông đã quên câu chuyện ông vừa nói với người đàn ông mới vô làm. Ông đi làm việc của ông; ông lại trò chuyện với hết mọi người về hết mọi chuyện được đặt ra. Chỉ có tôi là người ôm hết mọi chuyện vào lòng… để phiền não! Tôi không biết sống với sự hóm hỉnh của ông Davis để mỗi ngày qua không quá căng thẳng; tôi không biết nhìn cuộc sống theo cách lạc quan, ý nghĩ tích cực. Tôi chỉ quan sát cuộc sống và ghi nhận được kinh nghiệm của ông Davis; cách nhìn cuộc sống của ông trong câu trả lời người đàn bà, và câu trả lời người đàn ông là hai câu trả lời trái ngược nhau – về cùng một câu hỏi là nơi đây việc làm có cực quá không, đồng lương khá không, sếp khó lắm không, đồng nghiệp có dễ chịu không…?

Thì ra, với người đàn bà bi quan, lo âu kia,bà có đi làm ở đâu thì trong mắt bà, trong suy nghĩ của bà cũng tồi tệ như nhau thôi, nên ông Davis nói thế! Và ngược lại với người đàn ông thiếu tự tin ở bản thân, thiếu lạc quan trong cuộc sống, thì câu trả lời của ông Davis là một sự động viên tinh thần khéo léo… mọi chuyện sẽ ổn thôi!

Tôi thấy ra một ông Davis khác – sau ông Davis hóm hỉnh. Đó là một ông già không đòi hỏi cuộc sống phải thế này thế khác; không đòi hỏi mọi người xung quanh phải thế nọ, thế kia… Ông chấp nhận cuộc sống, mọi người, bằng tinh thần lạc quan của riêng ông nên ông ưa nói, hay cười…Tuổi đã về hưu bốn năm, nhưng mỗi ngày vẫn còn đi làm một cách bình thường, vui vẻ.

Tôi làm sao buông bỏ được thói quen ôm hết mọi chuyện vào lòng để phiền muộn cuộc đời không như ý, trời đất không như thương… Hay nói khác đi là cuộc sống có được như ý hay không là do cách nhìn cuộc sống của mỗi người – là chìa khóa mở ra hạnh phúc cho bản thân mình. Chỉ khi nào người đàn bà than thở kia nhìn ra được sự bi quan của bản thân là rào cản tương lai của chính bà; người đàn ông nọ tự tin hơn, sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn với một lần mất việc vì chỉ là chuyện thường tình ở Mỹ, mất việc nơi này thì đi xin việc nơi khác. Một chút thay đổi về việc làm, cộng sự, lương bổng… không đáng để lo lắng quá!

Tôi cũng cần học hỏi sự chấp nhận hình ảnh một người đã để cho cơ thể tới tình trạng hết cứu vãn mới chịu tập thể dục; còn người phụ nữ trẻ kia sao không nấu ăn ở nhà mà ngày nào cũng phóng xe đi mua thức ăn nhanh một cách vội vã – là chuyện của cô ta; gương mặt ưu tư, ánh mắt ưu phiền của người vừa cúp điện thoại – là chuyện riêng của mỗi người… Sao cứ ngồi nhặt hết những điều khó coi vào mắt mình để thấy cuộc sống không vui, không như ý!

Nhưng làm được gì sau khi thấy, và hiểu được phần nào về ông Davis. Cuộc sống không là của ai cả dù mỗi người là một thành viên không thể tách rời. Bởi tách rời khỏi cuộc sống là một người đã chết. Vậy chấp nhận cuộc sống như chấp nhận cái núi trước nhà là cái có trước khi ta ra đời. Hết đời ta sẽ thấy núi sừng sững trước nhà. Đừng hỏi tại sao tôi thích núi đá trắng mà trước nhà tôi lại là cái núi đá xanh. Tại sao không dùng thời giờ có được để nhìn ra vẻ đẹp của cái núi đá xanh – điều đó giúp cho cả cuộc đời đi về với núi được vui vẻ hơn; suy nghĩ về áng mây bay vội như tuổi trẻ thường lái xe quá tốc độ – để về già – cản trở giao thông… Nghĩ làm chi tới điểm đến của vạn vật trong trời đất đều là nơi xuất phát – để nhức đầu, chán nản, bỏ ngang một ước mơ nào đó – rất có cơ hội thành công – chỉ vì tư duy kém lạc quan của mình.

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search